Thứ Bảy, 04 Tháng Giêng, 2020

Đức Maria Tôn sùng & Cầu nguyện

Tên thiếu nữ : Maria.

Trong tương quan hằng ngày, hẳn nhiên ta gặp một số anh chị em mang tên Myriam… Maria[1]… Maryam… Mario… Gioan Maria… Mary… Marinette…. Những tên nêu trên gồm những tên gọi dành cho cả đàn ông và đàn bà trên thế giới được bắt nguồn từ tên Đức Maria theo Tân ước, và được dịch ra qua các ngôn ngữ địa phương khác nhau. Ngoài tên gọi, còn thấy rất nhiều ảnh tượng tạc hình Đức Maria để trong các thánh đường trên thế giới, những pho tượng Đức Maria trên núi, và điển hình gần với người Việt Nam hơn như tượng Đức Mẹ tại núi Bãi Dâu ở Vũng tàu.

Thêm vào đó sách vở, văn, thơ, câu kinh ca tụng Đức Maria được sáng tác và phát hành rất nhiều! Tuy nhiên, số lượng trên không có nghĩa những điều biết về ngài quá đầy đủ, nhưng ngược lại có nhiều điều biết về mẹ Maria không chính xác lắm. Khi chiêm ngưỡng mẹ trong các thánh đường được trang hoàng như các bà hoàng... có thể làm ta quên Đức Maria là một phụ nữ như bao người đàn bà khác trên cõi trần.

Trên thế giới cũng còn có rất nhiều trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng như : Lộ Đức (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha), Guadalupe (Mễ Tây Cơ), Czestokowa (Ba Lan), La Vang (Việt Nam)… Các kinh vãn cũng cho biết bao nhiêu biệt hiệu dành cho cô thiếu nữ bình thường mang tên Maria. Cô được tôn trọng chào đón, được mừng kính mang lại cho loài người niềm hy vọng : Nữ vương hòa bình, Nữ vương các Thiên Thần, Nữ vương ban bình an… Đức bà sầu bi, Đức Mẹ hằng cứu giúp…

Trong kinh Coran[2] của đạo Islam (Muslim), Đức Maria còn được gọi « Siddiqua » : kẻ tin vững vàng, và người Islam kính trọng Maryam như người đàn bà thánh trên mọi nữ thánh trong lịch sử tôn giáo. Kinh Coran nói về việc Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ Giêrusalem, về lễ thanh tẩy, về cuộc truyền tin, về sự trinh thai và việc sinh hạ Đức Giêsu. Đức Mẹ được người Islam nhận biết và tôn kính như người được thánh hóa và cao trọng nhất trong các phụ nữ, và hoàn hảo tâm linh : « Các thiên thần nói : Lạy Mẹ Maria! Thiên Chúa đã chọn Mẹ và thanh tẩy Mẹ - chọn Mẹ hơn hẳn các phụ nữ ở mọi quốc gia. Lạy mẹ Maria! Xin thờ lạy Thiên Chúa : Xin phủ phục, và quỳ gối (khi cầu nguyện) với những người cùng quỳ gối » (Coran 3:42-43).

Thật vậy, điều ngạc nhiên đối với nhiều người Công giáo, đạo Islam cũng tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh. Trong kinh Coran, Đức Mẹ được nhận biết như thụ tạo duy nhất không mắc tội Tổ Tông như lời Đức Maria trong kinh Coran : « Lạy Chúa, con dấn thân phục vụ Người từ trong lòng con. Xin Người thương nhận. Chỉ mình Người lắng nghe và thấu suốt mọi sự ». Và khi sinh Con Chúa, Đức Mẹ nói : « Lạy Chúa, con được gọi là mẹ của Người. Xin bảo vệ con và con cháu khỏi Satan... và xin Con Chúa chấp nhận con » (Coran 3:35-37).

 Ở phần khác, kinh Coran viết : « Thiên thần nói : Hỡi Cô Maria, Allah đã chọn Cô và thanh tẩy Cô. Ngài đã chọn Cô hơn hẳn các phụ nữ khác. Hỡi Cô Maria, hãy tận hiến cho Thiên Chúa » (Coran 3: 42-43). Kinh Koran nói về Đức Mẹ đồng trinh : « Đối với các tín hữu, Thiên Chúa thiết lập một tấm gương... Maria... người đã giữ mình đồng trinh và nơi cung lòng ấy, chúng ta hít thở Chúa Thánh Thần; Đấng đã làm Mẹ tin Lời Chúa và Kinh thánh, đồng thời rất đạo hạnh » (Coran 66:11-12).

Triết gia hiện sinh, Jean Paul Sartre[3], khi bị giam tại nhà tù Stalag 12D, thành Trier, bên Đức vào năm 1940 đã viết một hoạt cảnh cho đêm Vọng Giáng sinh. Ông tưởng tượng cảnh Đức Maria gần bên người con một cách thiện cảm và khéo léo : « Đức Trinh nữ xanh xao, và nàng nhìn con trẻ. Điều cần phải tô vẻ trên nét mặt ngài, sự ngạc nhiên thán phục lo lắng chỉ một lần xuất hiện trên khuôn mặt nhân loại. Vì Chúa Kitô con của ngài, thịt bởi thịt và hoa quả lòng dạ ngài… »[4].

Thật vậy, không người đàn bà nào được Thiên Chúa tuyển chọn cho riêng mình như Đức Maria. Một Thiên Chúa nhỏ bé có thể bồng ẳm trên đôi tay phủ đầy những nụ hôn. Một Thiên Chúa nồng nàn mĩm cười và thở. Một Thiên Chúa có thể sờ đụng được… Người đàn bà đó là ai ? Tại sao bà có chỗ đứng quan trọng như vậy từ hơn hai ngàn năm qua, vượt mọi thế hệ trong cuộc sống nhân loại dù thuộc Thiên Chúa giáo hay các tôn giáo khác, ngay cả những người không mang một tín ngưỡng nào cũng có một tương quan sâu kín với ngài.

Riêng người Kitô giáo đã viết và nói về Đức Maria quá nhiều, dù thánh Bênađô cho chẳng bao giờ nói cho đủ về Đức Maria (de Maria numquam satis). Thế nhưng, không chắc câu văn được chính thánh Bênađô nói ra, nhưng phần đông nhìn nhận đến từ ngài. Vì « nói không bao giờ cho đủ », nên đôi khi con người làm thay đổi khuôn mặt Đức Maria, thêm thắt vào đó những điều không cần thiết ngay luôn cả những điều sai trái.

Tập sách này không chủ ý viết ca tụng Đức Maria như nhiều tác phẩm khác đã viết hay hơn. Tác giả chỉ muốn đi tìm lại khuôn mặt thật của Đức Maria, bỏ đi những gì thêm bớt làm sai đi hình ảnh ngài. Đi tìm lại khuôn mặt Đức Maria để nhận ngài thuộc nhân loại. Người đàn bà được lựa chọn mang con một Thiên Chúa vào trong cung lòng, biểu lộ nguồn gốc đức tin con người. Đi tìm khuôn mặt thật Đức Maria để tin rằng hôm nay trên thiên quốc, Đức Maria còn đồng hành với nhân loại trên các nẻo đường tin mừng. Giống như Đức Maria, loài người được mời gọi gặp gỡ và chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa.


[1] Tin mừng nêu nhiều lần mẹ Đức Giêsu mang tên « Maria » hay « Mariam ». Tên có nguồn gốc Hípri « Miryam ». Sách Dân số 26,59 cho biết chị ông Môsê và Aaron mang tên « Miryam ». Tên « Mariam » theo tiếng Aram cũng thường thấy trong thế kỷ thứ I công nguyên. Bản Kinh thánh LXX dịch tên ra tiếng Hy lạp gọi « Mariam ». Một trong chín bà vợ vua Hêrôđê cũng mang tên « Mariamme » thuộc dòng dõi Átmônêen. Tên Maria cũng thường được thấy viết trên những hộp đá vôi chứa đựng hài cốt người qua đời thời bấy giờ, và một người cháu Thượng tế Caipha cũng mang tên như trên được ghi bằng tiếng Aram trong hộp đựng hài cốt vừa được khám phá ra (theo Le Monde de la Bible, numéro 198, 2011, trang 45-47). Tên rất khó khám phá ra từ nguyên : nếu như tên mang nguồn gốc Ai cập (mri) sẽ có nghĩa « yêu mến » ; theo gốc tiếng Aram « mar = chủ nhà » có những hầu chung quanh. « Mara » hay « Martha » chỉ định bà chủ.

[2] Xem phần sau nói về Đức Maria trong đạo Islam.

[3] Jean-Paul Sartre sinh vào tháng 6 năm 1905 tại Paris (Pháp). Ông bố mất khi Jean Paul Sartre còn rất trẻ. Gia đình thuộc giới tư sản và có học. Jean Paul Sartre học tại Paris và làm quen với Paul Nizan (sinh ngày 7/2/1905 tại thành Tours và qua đời ngày 23/5/1940 ở Audruicq (Pas-de-Calais), là một nhà văn tiểu luận). Năm 1924, Jean Paul Sartre học Trường Sư Phạm và đạt học vị thạc sĩ về Triết Lý vào năm 1924. Trong cùng thời gian, ông đã làm quen với Simone de Beauvoir (1908-1986 là một nhà văn và nhà triết học người Pháp theo trường phái thuyết hiện sinh, thuyết bình đẳng giới. Bà viết các tiểu thuyết, chuyên đề về triết học, chính trị và các vấn đề xã hội, các bài luận, tiểu sự, tự truyện. Hiện nay bà được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm tiểu thuyết trừu tượng, một tác phẩm phân tích về sự áp bức phụ nữ và đề tài bình đẳng giới), và sau này trở thành bạn (vợ) ông. Jean Paul Sartre dạy triết lý tại thành phố Le Havre. Năm 1929 đổ thủ khoa thạc sĩ triết học tại đại học Sorbone (Pháp). Năm 1938, ông phát hành tác phẩm « La Nausée = Buồn Nôn », được giới văn học đánh giá cao. Năm 1939, ông bị động viên vào ngày 2/9/1939, và bị quân Đức Quốc Xã bắt vào tháng 6/1940 và bị giữ làm tù binh 9 tháng. Sau khi được thả, Jean Paul Sartre đi vào kịch nghệ diễn đạt sự dấn thân. Năm 1943 phát hành tác phẩm « Les Mouches = Ruồi » và « L’Être et le néant = Tồn tại và hư vô ». Sau đệ nhị Thế Chiến ông cho phát hành tạp chí « Les temps modernes = Thời Mới » và rời nghề giáo sư. Thuyết hiện sinh do ông chủ trương thành công lớn. Ông cho rằng một nhà tri thức phải là một con người hành động và việc dấn dân rất cần thiết. Vì thế từ năm 1950, ông rất gần gủi với đảng Cộng Sản Pháp, và trong cuộc chiến tại xứ Algérie, Jean Paul Sartre hoàn toàn ủng hộ nhóm đòi độc lập thuộc Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia. Năm 1964, ông từ chối giải Nobel Văn Chương nói rằng luôn từ chối những danh hiệu chính thức và « một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức ». Năm 1968, ông tham gia vào cuộc biểu tình Sinh Viên tháng 5/1968. Ông qua đời vào ngày 15/4/1980 tại Paris vì bệnh phổi và được an táng trong nghĩa trang Montparnasse ở Paris. Đám tang của Sartre có hơn 50.000 người tham dự. Những tác phẩm chính về văn học gồm có : Bút ký, Khảo cứu, Tiểu luận triết học, Kịch và Phê bình : 1938 : La Nausée = Buồn Nôn (tiểu thuyết) ; 1939 : Le Mur = Bức tường (truyện) ; 1943 : L’Être et le Néant = Tồn tại và hư vô (= Hiện Hữu và Hư Không) (triết học) ; 1943 : Les Mouches = Ruồi (kịch).

1944 : Huis clos = Kín cửa (= xử Kín) (kịch) ; 1946 : La putaine respectueuse = Con đĩ biết lễ nghĩa (kịch) ; 1946 : L'existentialisme est un humanisme = Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân bản (tiểu luận) ; 1947 : Qu'est ce que la littérature? = Văn Chương là gì? (tiểu luận) ; 1947 : Situations = Các hoàn cảnh (1947-1965) ; 1947 : Les chemins de la liberté = Những con đường của tự do (1945-1949) (tiểu thuyết) ; 1948 : Les Mains sales = Những bàn tay bẩn (kịch) ; 1951 : Le Diable et le Bon Dieu = Ác Quỷ và Thượng Ðế  (= Quỷ dữ và Chúa lòng lành) (kịch) ; 1959 : Les Séquestrés d’Altona = Những người bị cầm tù ở Altona (kịch) ; 1960 : Critique de la raison dialectique = Phê phán lí trí biện chứng, 2 tập (khảo luận) ; 1964 : Les Mots = Lời nói (hồi ký) ; 1971 : L’Idiot de la famille = Kẻ ngu đần của gia đình (tiểu sử phân tích về Gustave Flaubert, chưa hoàn thành).

[4] Jean-Paul Sartre : Barionà, Fils Du Tonnerre, in « Les Ecrits de Sartre. Chronologie, Bibliographie Commentee », edited and annotated by Michel Contat and Michel Rybalka, Editions Gallimard, 1970.

 

Sách khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art