Chuyên mục sách Sách Hướng Dẫn Cử Hành Thánh Lễ

Thứ Hai, 31 Tháng Mười Hai, 2018

Lời Giới Thiệu

Lời Giới Thiệu

Nhân Chúa Nhật thứ 4 Mùa Phục Sinh năm Phụng Vụ B, Chúa Nhật Chúa Chiên nhân lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, xin chân thành gửi đến quý tín hữu và linh mục tu sĩ nam nữ Việt Nam tại Quê Hương hay hải ngoại, đôi hàng dẫn nhập giới thiệu cuốn sách “Hướng dẫn cử hành Thánh Lễ” của Lm. THÊÔPHILÔ dòng OMI, cựu chủ bút của nguyệt san Dân Chúa Âu Châu và cũng là biên tập viên kỳ cựu trong mục thường xuyên “Dẫn nhập đọc Tân Ước”. Tác giả đã khai triển cuốn sách một cách rất mạch lạc qua năm phần chính yếu của Thánh Lễ:

I. Nhập Lễ: Từ muôn phương tìm về họp mặt

II. Phụng Vụ Lời Chúa

III. Phụng Vụ Thánh Thể

IV. Nghi Thức Hiệp Lễ

V. Nghi Thức Kết Lễ: Từ Cộng đoàn được phân tán ra đi

VI. Phụ Lục: Ý nghĩa việc xin Lễ.

Sau khi đọc nội dung cuốn sách, xin được ghi nhận hai điểm chính yếu mà tác giả đã dầy công nghiên cứu và khai triển:

1) Thánh lễ đúng là suối nguồn và chóp đỉnh của Phụng vụ theo Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II.

Tác giả đã khai triển năm phần chính yếu của Thánh Lễ dựa trên Kinh Thánh, nhất là các văn kiện về Phụng Vụ của Thánh Công Đồng chung Vaticanô II mà Giáo hội hoàn vũ sắp mừng kỷ niệm kim khánh 50 năm, nhân Năm Đức Tin sẽ được chính thức khai mạc từ ngày 11 tháng10 năm 2012 và sẽ kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, ngày 24 tháng 11 năm 2013. Ngay từ những dòng chữ đầu tiên của cuốn sách, tác giả đã viết: phụng vụ không nói lên được hết mọi hoạt động của Giáo hội, nhưng Vaticanô II trong hiến chế về Phụng vụ đã khẳng định phụng vụ là “chóp đỉnh hướng hành động của Giáo hội và cùng lúc là suối nguồn chảy ra mọi nhân đức”.

Phụng vụ qua Thánh Lễ đúng là suối nguồn tuôn chảy ra mọi nhân đức và là chóp đỉnh hành động của Giáo Hội. Tác giả đã trình bày cuốn sách “Hướng dẫn cử hành Thánh Lễ” theo sát những cải tổ quan trọng về phụng vụ Thánh Lễ, nhằm mục đích giúp linh mục cũng như giáo dân học hỏi và đào sâu những cải tổ căn bản của phụng vụ để có thể cử hành Thánh Lễ đúng theo tinh thần và cung cách đòi hỏi của phụng vụ thánh. Tôi cũng rất tâm đầu ý hợp với cách dẫn giải Lời Chúa mà tác giả đã ra công gắng sức chú giải và ghi nhận:

 Thánh Công Đồng Vaticanô II đã mở kho tàng Thánh Kinh làm cho bàn tiệc Lời Chúa thêm phong phú: Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh nói: “Trong việc cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan trọng... Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; Đức Kitô vẫn còn rao giảng Tin Mừng. Phần dân chúng thì đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh” (24.33).

Công đồng Vaticanô II mong muốn: “để bàn tiệc Lời chúa được thêm phần phong phú cho các tín hữu, cần phải mở rộng kho tàng Kinh Thánh hơn, để trong một số năm ấn định, dân chúng được nghe hầu hết những phần cốt yếu của Kinh Thánh” (Hiến chế Phụng vụ 51).

Theo lời Công đồng, các chuyên gia phụng vụ đã cho phát hành Sách bài đọc ngày 25 tháng 5 năm 1969, và được toàn thể Giáo hội chính thức dùng vào Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng ngày 30 tháng 11 năm 1969. Người ta phân biệt sách bài đọc Chúa nhật và ngày trong tuần, sách bài đọc cho các nghi lễ Rửa Tội, Hôn Phối, An táng... và sách bài đọc sử dụng cho giờ Kinh Sách. Sách bài đọc Chúa Nhật gồm các bài đọc soạn sẵn cho các buổi lễ được tuần tự trong ba năm Phụng Vụ A, B, C và các bài đọc trong tuần chia thành hai năm chẵn / lẻ.

 Đặc biệt Thánh Công Đồng chung Vaticanô II đã phục hồi Lời Nguyện Giáo Dân: Qua những cải cách phụng vụ trong quá khứ, Lời nguyện chung dần dần biến mất và vào khoảng thế kỷ thứ VI hoàn toàn không còn thấy trong nghi lễ Rôma. Sau 14 thế kỷ, Lời nguyện Chung mới được Công đồng Vaticanô II phục hồi… Lời nguyện chung hay lời nguyện “đại đồng” được coi như một trong những cải tổ thành công nhất do Công đồng Vaticanô II đề xướng. Quy chế Tổng quát sách Lễ Rôma số 45-46 ghi như sau: “Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, chính dân Chúa thực hiện chức vụ tư tế của mình, mà cầu cho hết mọi người... Những ý nguyện thường là cho các nhu cầu của Giáo Hội, cho các người trong chính quyền, và cho toàn thế giới được ơn cứu độ, cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào, cho cộng đoàn địa phương”.

 Điểm then chốt mà Thánh Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh chính là chức tư tế cộng đồng của các tín hữu. Thật vậy, qua phép rửa người Kitô hữu trở nên chi thể của Đức Kitô, tức là họ được tháp nhập vào Đức Kitô và tham dự vào chức tư tế của Ngài. Hiến chế Lumen Gentium nhắc lại một cách rõ ràng nơi số 10 như sau: “Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (Dt 5,1-5), để biến dân tộc mới thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người” (Kh 1,6; 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (1Pr 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Đức Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (Cv 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12,1), phải làm chứng về Đức Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát. (1Pr 3,15).

2) Sự hiện diện thực sự của Chúa Phục Sinh từ đầu cho đến cuối Thánh Lễ.

Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Thánh Lễ từ khởi đầu đến kết thúc: một trong những trọng điểm mà tác giả đã muốn độc giả ghi tâm khắc cốt, vì là nền tảng của đức tin và cũng là cội nguồn của lệnh truyền của Chúa trong bữa tiệc ly: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Thánh Lễ hoàn thành một cách cao siêu lời hứa của Đức Giêsu: “vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ” (Mt 18,20).

 Cộng đoàn dâng thánh lễ là Giáo hội hữu hình đang hiện diện trong nhà thờ lúc dâng lễ. Đây là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, đang hân hoan đón tiếp Chúa Kitô Phục Sinh long trọng tiến vào. Với ca nhập lễ: cả cộng đoàn cùng hát, trở thành thân thể của Đấng Hằng Sống – Ngày mừng Chúa Kitô sống lại.

 Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô Phục Sinh: khăn niệm, đá thánh, thánh giá, khăn bàn thờ… nến sáng và bàn thờ nơi bánh và rượu trở thành bánh hằng sống và chén cứu độ cùng là một bàn thờ: chính đó là Đấng Phục Sinh. Bàn thờ không những như “trung tâm tạ ơn”, nơi cử hành “bữa ăn tối của Chúa” (1Cr 11,20). Đó là bàn của phòng tiệc ly, bàn của hai môn đệ trên đường Emmaus, và còn mang dấu chỉ Đức Kitô hiện diện giữa cộng đoàn.

Đó cũng là ý nghĩa Giáo hội tiên khởi thường nói tới: “Đức Kitô là bàn thờ” và sau này câu nói đó được đổi thành “bàn thờ chính là Đức Kitô”. Như Thiên Chúa là tảng đá của Ítraen (Tv 94,1), Đức Kitô là tảng đá của dân Ítraen mới, viên đá tảng những người thợ xây bỏ đi trở thành viên đá góc tường (Mt 21,42).

 Dấu Thánh giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” lúc đầu lễ mang trọn ý nghĩa mầu nhiệm Phục Sinh. Dấu Thánh giá nhìn nhận Kitô hữu, nói lên lòng họ gắn bó vào Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô đến biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh giá nhắc nhở ơn cứu độ thể hiện nơi cây Thập giá, nơi tình yêu Thiên Chúa đạt đến tuyệt đối. Tiếp đến nghi thức sám hối mời gọi tín hữu chết cho tội lỗi để được sống lại với Đức Kitô trong đời sống mới, để tiến vào tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.

 Chúa Kitô Phục Sinh dọn bàn tiệc Lời Chúa: Phụng Vụ Lời Chúa diễn đạt sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người, vì chính Thiên Chúa nói trong khi Giáo hội đọc sách Thánh. Người tín hữu được thực sự nuôi dưỡng nơi “bàn Lời Chúa”. “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2).

 Chúa Kitô Phục Sinh trao ban Mình Máu mình trong bàn tiệc Thánh Thể: Đỉnh điểm của Thánh lễ chính là những lời truyền phép: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy. Máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Chính Đức Giêsu Phục Sinh sửa soạn bữa ăn thánh thể cho các tín hữu.

 Nghi thức bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Đức Kitô Người tôi trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào: Người tự trao nộp để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người. Như vậy bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Kitô giáo (Cv  2,46; 20,7.11; 27,35). Bẻ bánh còn là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ về Thánh Thể: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Lc 24,35; Cv 2,42; 20,7).

 Bình an là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt Qua (Ga 14,27; 20,19.20.26). Các tín hữu tham dự Thánh Lễ trao bình an của Đức Kitô, tức là chúng ta nói với nhau chỉ có Thần Khí của Đấng Sống Lại mới có thể xé bỏ hàng rào ngăn cách chúng ta.

 Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi cộng đoàn tín hữu làm chứng: Trước khi sai các môn đệ đi để làm nhân chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh, Chúa Giêsu đã “giơ tay chúc lành cho các ông, và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (Lc 24,50-51). Các tín hữu đã quy tụ lại trong thánh đường là cung thánh bằng gạch đá. Giờ đây họ phải tản mác vào cung thánh vũ trụ. Họ đã liên kết với nhau thành một cộng đoàn huynh đệ. Giờ đây họ ra đi để đem đến cho những người anh chị em sống tản mác giữa trần gian ánh sáng của Thánh giá họ đã được ghi dấu. Họ quy tụ lại thành một cộng đoàn chúc tụng, giờ đây họ ra đi làm cho lời ca tụng ấy vang dội khắp cùng bờ cõi trái đất. Dấu Thánh giá làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại thì giờ đây Ngài phái ta đi nhân Danh Người làm nhân chứng những gì chúng ta vừa sống qua. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...“ (28,19). Cộng đoàn giờ được sai đi trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Đấng Phục Sinh hiện diện trên mọi nẻo đường thế giới.

Thay lời kết

Vào ngày mùng 2 tháng 3 năm 2012, tập sách phát hành viết bằng tiếng Ý, được dịch ra tiếng Anh dưới nhan đề: “Đi dự thánh lễ như thế nào để khỏi mất đức tin?” do linh mục Nicola Bux viết (một cố vấn cho các Bộ về tín điều đức tin và hồ sơ phong thánh cùng văn phòng phụ trách về phụng vụ của Đức Giáo Hoàng), đã được phát hành tại giáo đô Rôma. Tham dự buổi lễ phát hành, Đức Hồng Y Burke và Đức Hồng Y Antonio Canizares Llovera, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Bí Tích, đã nói với các người tham dự buổi ra mắt sách là ngài đồng ý với cha Bux là “sự lạm dụng về phụng vụ có tai hại thực sự đến đức tin của người Công giáo. Thật đáng tiếc, có nhiều linh mục và cũng có các giám mục xem thường việc lạm dụng các nghi thức phụng vụ, nhưng thực ra đây là một “sai lầm rất nghiêm trọng.”

Đức Hồng Y Canizares nói là đề tài tập sách có vẻ là một thách thức, nhưng nó chứng minh được một niềm tin mà chúng ta có thể chia sẻ: “Tham dự Thánh Lễ có thể làm cho đức tin của chúng ta yếu kém đi hoặc mất đi nếu chúng ta không nhận định một cách đúng đắn” và nếu phụng vụ không được cử hành đúng theo như quy luật của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Canizares quả quyết: vào một thời kỳ mà nhiều người sống như thể là không có Thiên Chúa, họ cần đến Thánh Lễ thật sự để nhắc nhở họ là chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng phải thờ lạy và ý nghĩa đích thật của cuộc sống của nhân loại với sự kiện là Chúa Giêsu đã hy sinh cuộc sống của Ngài để cứu độ nhân loại.

Tủ sách Dân Chúa trân trọng giới thiệu cuốn sách “Hướng dẫn cử hành Thánh Lễ” của Lm. THÊÔPHILÔ dòng O.M.I., tác phẩm thứ nhất phổ biến tại Quê Hương Việt Nam, nhân dịp khai mạc NĂM ĐỨC TIN, kỷ niệm Kim Khánh 50 năm Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II:

● Như nhịp cầu thân ái đầu tiên nối kết giữa cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại với Giáo Hội Mẹ kính yêu.

● Như một viên gạch sống động góp vào việc xây dựng đức tin, cùng nhau học hỏi và sống Thánh Lễ, trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu.

● Như món quà tặng gửi đến các linh mục, tu sĩ và nhất là các giáo lý viên, cũng như các quý chức trong ban hành giáo và hội đồng mục vụ giáo xứ, để cùng nhau học hỏi và giúp các tín hữu thăng tiến giáo lý căn bản về Thánh Lễ, nhằm xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô tại mỗi Giáo hội địa phương.

Chúa nhật thứ 4 Phục Sinh ngày 29.04.2012

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu.

Sách khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art