Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Ðường lên Yosemite

Ðường lên Yosemite

Rời Hearst Castle cũng đã 5 giờ chiều nhưng cuối Xuân mặt trời vẫn còn trên cao, chúng tôi lấy Quốc Lộ Pacific Coast Highway số 1 hướng Nam để qua làng Cambria và vào con đường 46. Con đường nhỏ rất vắng xe nhưng ở xứ Mỹ mặc dù “đường làng” nhưng vẫn tráng nhựa, vẽ lằn phẳng phiu. Vượt qua xa lộ Bắc Nam 101 rồi đổi qua 41 Ðông để đi Fresno. Con đường bò lên một ngọn đèo khá cao có tên là đỉnh Orchard cao 3,125 feet, mặc dù cao nhưng dốc đèo thoai thoải dễ đi và núi đồi toàn là cỏ xanh, bông cải vàng với những cây Oak trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

(Qua Ðèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)

Ðường đèo có cỏ, có hoa nhưng chú tiều và sông thì không thấy. Cũng nên ghi chú với các bạn trẻ là “chú tiều” ở đây là tiều phu đốn củi chứ không phải chú Tiều (một sắc dân người Hoa) bán “chạp phô” ở đầu ngõ Việt Nam ngày nào!

Con đường 41 đoạn này được xếp vào loại “Scenic Route” có thể tạm dịch là “con đường ngoạn cảnh” nghĩa là con đường có hoa thơm, cỏ lạ và hùng vĩ những núi đồi như trong một bài hát mà ta thường nghe Elvis Phương hát: Ðường em đi hoa giăng ngập lối ! Ðường anh về gió mưa... tơi bời!

FRESNO BỐN MÙA HOA TRÁI

Qua khỏi xa lộ số 5 chúng ta đã bỏ những dãy núi ở phía sau và trước mặt là vùng đồng bằng San Joaquin Valley với những ruộng cải, rẫy khoai tây, cà tô mát, artichaud, dưa honey dew, cantaloup chạy ngút ngàn và những con kinh thẳng tắp dẫn nước từ trên núi vào ruộng. Hệ thống ống nước tưới tự động được đặt trên những bánh xe di chuyển suốt ngày đêm để tưới khắp ruộng hoa màu mà không cần người điều khiển. Vì vậy với những ruộng rau cải bao la ngút ngàn như vậy mà không thấy một bóng người canh tác. Nông dân ở đây không tay lắm chân bùn, không dãi nắng dầm mưa, tất cả đều cơ giới hóa và trồng trọt thâm canh quanh năm trên một quy mô lớn vì vậy rau cải, dưa trái họ bán ra rất rẻ so với thu nhập của người dân. Rau cải chỉ có chi phí chuyên chở, bảo quản cho tươi tốt mới cao do đó trong những ngày mưa dầm, giá lạnh khi đi chợ chúng ta thấy giá cả rau cải tăng cao. Xà lách tức rau diếp (lettuce) bình thường 1 đô la hai ba bó nhưng những tuần mưa dầm có thể tăng gấp đôi. Càng lên hướng Bắc thì những ruộng rau cải biến thành những vườn cây trái nào đào (peach), mận (plum), mơ (apricot), nửa đào nửa mận (nectarine), lê (pear), dâu (strawberry) và nho (grape).

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ

Say nhìn ra rặng núi xanh lơ

Khí trời lặng lẽ và trong trẻo

Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

Hỡi cô con gái hái mơ già

Cô chửa về ư? Ðường thì xa

Mà ánh chiều hôm dần một tắt

Hay cô ở lại về cùng ta?

(Cô Hái Mơ - Nguyễn Bính)

Trong những vườn mơ ở đây, Nguyễn Bính sẽ không tìm thấy bóng dáng một cô gái hái mơ nào để cho chàng rủ rê mà chỉ thấy những anh chàng Mễ “Amigo” mỗi người quảy một thùng trái cây đang hái trái. Họ hái rất nhanh, đứng trên thang cao dùng cả hai tay thoăn thoắt hái và bỏ trái vào thùng. Theo thống kê của Phòng Thương Mãi Fresno tại quận hạt này có 2,500 trang trại mỗi năm thu hoạch được 3 tỷ mỹ kim về hoa màu.

Xe vào khu downtown của thành phố lúc 8 giờ, ánh nắng chiều chưa tắt hẳn, chúng tôi đã đi 150 miles từ Hearst Castle về Fresno. Vào lấy phòng ở khách sạn Holiday Inn đã gọi đặt trước, tắm rửa cho sạch bụi đường xa rồi chúng tôi ra khu Asian Village tìm tiệm ăn của một người quen là anh Nguyễn Bá L. Gần 20 năm về trước hai vợ chồng anh có tiệm phở ở Westminster, bán được 6 tháng thấy không khá anh dọn về Fresno. “Ở đây lúc đó một mình một cõi, không ai cạnh tranh, đa số khách hàng là người Lào Hmong, họ rất hiền lành, mộc mạc, nhưng lại phóng khoáng trong việc ăn xài và mua sắm xe cộ sang trọng”. Anh cho biết như vậy, anh bây giờ rất khá giả, con cái thành đạt, mỗi năm tôi thường gặp anh chị trở về Pomona tham dự Tết Trung Thu ở Chùa Pháp Vân. Tôi hỏi sao năm nào cũng gặp anh ở đây? Anh chỉ cười kín đáo mà không trả lời, dường như anh trở về để thực hiện một lời khấn hứa nào đó với nhà chùa.

Asian Village là khu chợ Á Châu nhưng đa số là các tiệm buôn Tàu, Thái và Việt Nam, hôm 5 Tháng Sáu 2004 vừa qua cộng đồng người Hmong tại Fresno đã gây quỹ tại đây được hơn 50,000 đô la để xây dựng Ðài Tưởng Niệm “Lao Hmong War Memorial”. Ngoài ra cộng đồng người Hmong còn vận động với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tháng Chạp 2003 vừa qua bộ này đã quyết định chấp thuận cho sang định cư tại Hoa Kỳ 15,000 người Hmong còn đang tạm trú tại làng Wat Tham Krabok ở Ðông Bắc Thái Lan. Số người Hmong mới đến, ủy ban vận động sẽ phân tán đi định cư ở các nơi như Fresno, Merced, Stockton và Sacramento thuộc vùng Central Valley của California nơi có đông người Hmong sinh sống. Ðời sống người Hmong gắn liền với ruộng rẫy hoa màu nên những vùng nông nghiệp nói trên thích hợp với họ.

Fresno là thành phố nông nghiệp chẳng có danh lam thắng cảnh gì để tham quan ngoài công viên quốc gia Yosemite ở hướng Bắc cách đây 75 miles hay Sequoia National Forest ở hướng Ðông đi vào bằng con đường 180. Một di tích lịch sử duy nhất ở ngay downtown trong khu Civic Center là Tháp Nước (Water Tower) được xây năm 1894 cao 100 feet có dung tích 250 ngàn gallons. Về lịch sử thành phố Fresno được thành lập ngày 19 Tháng Tư 1885 trong thời kỳ làm đường xe lửa từ Ðông sang Tây. Fresno theo tiếng Tây Ban Nha là tên của loại cây “Ash Tree” (cây tro) thường mọc ven sông ở vùng này. Hiện Fresno là một thành phố lớn có dân số 786 ngàn người, cách Los Angeles 220 miles về hướng Bắc. Từ Little Saigon muốn lên Fresno lấy xa lộ 5 chạy 100 miles rồi chuyển qua xa lộ 99 chạy thêm 130 miles nữa sẽ đến Fresno.

ÐƯỜNG VÀO YOSEMITE

Sáng hôm sau điểm tâm qua loa bằng cà phê, donut ở khách sạn chúng tôi ra xa lộ 41 hướng Bắc trực chỉ Yosemite. Sau khi ra khỏi ngoại ô Fresno con đường mỗi bên chỉ còn lại một lane và vắng vẻ xe cộ lưu thông. Con đường leo dốc và phong cảnh hai bên càng lên cao càng trở nên hoang vắng, ít nhà cửa. Chúng tôi dừng lại ăn bữa brunch trong thị trấn ven rừng Oakhurst vì trong Yosemite không có tiệm ăn, nơi thị trấn này chỉ vài mươi căn nhà, đa số là nhà trọ (motel) cho du khách nghỉ đêm khi thăm thắng cảnh Yosemite vì khách sạn tại Yosemite rất đắt tiền. Nhà nơi đây được xây bằng gỗ thông và phía sau nhà cũng là rừng thông chen lẫn với cây Oak (sồi). Quán ăn chúng tôi dừng lại trang trí theo kiểu “đường rừng”, trên tường treo đầu nai, đầu trâu rừng Buffalo với cặp sừng nhọn hoắt và bán những món đồ kỷ niệm làm bằng gỗ theo kiểu người da đỏ nhưng không phải người da đỏ làm mà người Tàu vì thấy dán nhãn nhỏ xíu... “Made In China”!

Chúng tôi tiếp tục lên đường, càng lên cao cây cối bên đường càng thay đổi. Ðoạn đường phía dưới khi chưa tới Oakhurst hai bên là những gốc cây Oak mọc trên những sườn đồi xanh cỏ điểm những hoa dại. Cây Oak vùng này có tên là California Black Oak có lá quanh năm màu xanh bóng, cây không cao và tàng rậm, Mùa Ðông chúng có hạt gọi là Acorn mà người da đỏ bộ lạc Miwok mấy ngàn năm trước sống nơi đây bỏ vào cối nghiền ra lấy bột làm thực phẩm. Lên cao hơn khoảng cao độ 2,000 feet là rừng thông Ponderosa Pine vỏ cây nứt nẻ, thân thẳng đứng mọc lên rất cao rồi mới đâm nhánh ngang. Trên đỉnh Yosemite cao độ 4,000 feet có hai loại cây to lớn mọc lẫn lộn với nhau mà người ta khó phân biệt được là cây Incense Cedar và cây Sequoias, cả hai loại đều được gọi là “tùng bách” vì thân thẳng đứng và sống rất lâu.

Rời khỏi Oakhurst đi thêm 15 miles nữa là chúng tôi tới cửa Nam của Công Viên Quốc Gia Yosemite. Công viên là một vùng rừng núi với nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt vời như những núi đá vách đứng thẳng, những thác nước hùng vĩ và những rừng tùng bách mênh mông bạt ngàn. Công viên rất rộng lớn đến 759,530 mẫu (1,200 dặm vuông) nằm trên vùng Sierra Nevada là dãy núi chạy dọc theo biên giới phía Ðông của bang California có cao độ từ 2,000 cho đến 13,000 feet trên mực biển. 500 triệu năm trước vùng Sierra Nevada còn chìm đắm dưới đại dương. Một trận địa chấn di chuyển tầng lục địa và đưa tầng này nhô lên khỏi mặt nước. Dung nham tức đá lỏng nóng chảy tiếp xúc với không khí nguội dần tạo thành những dãy núi đá hoa cương (granite). Mưa gió băng tuyết tác động tạo thành dạng hình núi non lạ mắt như ngày nay.

RỪNG ÐẠI THỤ SEQUOIAS

Công viên có 4 cửa vào, mỗi cửa đều có trạm gác và bán vé. Vé cho xe hơi $20, người đi bộ hay xe gắn máy $10 và có giá trị suốt một tuần. Chúng tôi mua vé và quẹo về hướng Ðông để đi Mariposa Grove cách đây không tới 2 miles để xem những cây tùng bách Sequoias khổng lồ. Mùa Ðông nếu con đường này đóng cửa vì tuyết thì bạn có thể đi bộ hơn 30 phút là tới. Hết con đường trải nhựa là đã thấy vài cây Sequoias to lớn cao đến 300 feet và gốc có đường kính đến 35 feet (11 mét). Cây Sequoias nằm trong họ Reedwood (Hồng Tâm) thường mọc ở vùng núi cao bên Trung Quốc nhưng Reedwood bên Tàu màu đậm hơn và là danh mộc rất cứng đóng bàn ghế mối mọt ăn không thủng. Cây Sequoias là loại cây thân lớn, tàng cao nhất trong các loài thảo mộc và sống lâu nhất, nó chỉ chết khi nào bị sét đánh gãy thân cây còn những trận cháy rừng không đốt được cây vì gỗ và vỏ cây có đặc tính chống lửa. Người ta quan sát thấy những vết cháy nám đen trên thân cây có tuổi thọ cả ngàn năm mới thấy rằng nó đã sống sót sau nhiều trận cháy rừng. Thời tiền sử khi chưa có lửa do người đốt lên để nấu nướng, thắp sáng, sưởi ấm và đuổi thú dữ thì những trận cháy rừng là do sét đánh tạo nên. Một điều lạ mà người ta mới vừa khám phá ra là cây Sequoias sinh trưởng những cây con là nhờ cháy rừng. Lớp tro tàn trên mặt đất là phân tốt để hạt đâm chồi mọc rễ và trận cháy đã khai hoang bớt đi cây cỏ um tùm đem ánh sáng giúp cho cây non mọc nhanh. Cây to nhưng hạt Sequoias thì mỏng manh như hạt Oatmeal nằm trong trái khô như trái thông gọi là Cone. Mỗi cone to bằng quả trứng chứa từ 200 đến 300 hạt và nằm trên cây lâu đến 20 năm và chỉ rụng xuống do lực bên ngoài tác động như cháy rừng, giông tố hay những con sóc Douglas Squirrels đến ăn.

Sườn núi phía Tây của dãy Sierra Nevada có 75 địa điểm cây Sequoias mọc trên cao độ từ 4,500 đến 7,000 feet, trong công viên Yosemite có 3 địa điểm mà Mariposa nơi tôi đến là có cây to lớn nhứt, hai địa điểm kia là Tuolumne và Merced Groves ở phía Bắc gần Crane Flat. Ðến Mariposa du khách sẽ thấy rừng cây Sequoias trong đó có chừng chục cây khổng lồ, có những cây đã ngã trốc gốc nhưng vẫn để vậy để du khách tham quan. Nơi đây cây đại thụ có tên là Grizzly Giant đã 2,700 tuổi được xem là “lão tiền bối” trong dòng họ Sequoias.

TUNNEL VIEW

Chúng tôi trở lại Cổng Nam (South Entrance) và dùng con đường Wawona Road lên hướng Bắc để đi vào vùng thung lũng Yosemite nơi đó mới là tâm điểm tập trung những thắng cảnh đẹp nhất của Yosemite. Ði lối 10 miles đường đèo leo dốc nhưng tương đối không mấy nguy hiểm, một bên là rừng thông bên kia là vực thẫm thông xanh bạt ngàn dẫn đến những non cao chơ vơ phiến đá thật hùng vĩ. Sau khi qua khúc quanh xe đi vào đường hầm dài không tới một mile thắp đèn sáng choang. Vừa ra khỏi hầm bên tay mặt là bãi đậu xe lấn vào vách núi, xe du lịch, xe buýt đậu hai hàng dài, người qua kẻ lại tấp nập. Nơi đây là Tunnel View điểm ngoạn cảnh đẹp nhất trong vùng Yosemite. Bao nhiêu máy ảnh nên lấy ra và chụp thật nhiều vì đứng nơi đây trên cao hiện ra chốn bồng lai tiên cảnh hiếm thấy nơi trần gian nào là El Capitan ngọn núi đứng thẳng, Half Dome núi nửa mu rùa, Sentinel Rock, Cathedral Rocks và thác Bridalveil. Thác được đặt tên này vì “nơi đây gió lộng buổi chiều, thổi vào thác nước bay làn hơi sương”, ánh nắng rọi vào long lanh như sợi kim tuyến của mảnh lụa mỏng che mặt cô dâu!

Núi nghiêng suối vắt tơ đàn

Nhìn ngoài thạch động mưa vàng lưa thưa

Nghiêng bình trà nhớ hương xưa

Từ vàng hoa nọ bây giờ vàng hoa.

(Ðộng Hoa Vàng - Phạm Thiên Thư)

 Động Hoa Vàng ở Yosemite

Dừng bước giang hồ ở Tunnel View du khách sẽ thấy thung lũng Yosemite đẹp não nùng như bức tranh thủy mạc Trung Hoa. “Non bồng” thì có cảnh Half Dome và ngọn El Capitan hùng vĩ cạnh đó, “nước nhược” là thác Bridalveil ẩn mình trong vách núi. Half Dome là kỳ quan nổi bật nhất của vùng Yosemite, nó là một quả núi trọc đầu như một phiến đá granite xanh khổng lồ hình mu rùa cao 4,733 feet từ mặt đất và có tuổi thọ là 87 triệu năm! Có đường mòn lên đỉnh nhưng trước khi đi phải chuẩn bị kỹ càng và phải có thể lực khá tốt. Phần thưởng trên đỉnh là được ngắm cảnh trí bao la hùng vĩ của toàn vùng. Kỳ quan thứ nhì cũng hùng vĩ không kém là ngọn El Capitan là núi đá thẳng đứng, trên ngọn cũng trọc đầu không cây cối và có độ cao là 7,569 feet trong khi mặt đất dưới chân núi đã là 4,000 feet nên độ cao thực sự của El Capitan khoảng 3,500 feet. Vách núi đá này hấp dẫn và thách thức những tay trèo núi khắp thế giới, Mùa Hè họ đến đây thi đua chinh phục ngọn núi. Muốn trèo lên tới đỉnh họ mất 2 ngày với những gian nan nguy hiểm. Dây đứt hay móc sắt tuột ra là mất mạng như chơi! Ban đêm họ ngủ lơ lửng giữa chừng núi và ăn bánh mì mang theo trong túi ba lô để hôm sau tiếp tục trèo lên tới ngọn. Nhiều người lên tới ngọn xong đứng chụp hình, vạch đá đề tên làm kỷ niệm xong mang dù nhảy xuống. Trên ngọn “tình sầu” này năm nào cũng có người bỏ mạng nhưng hiểm nguy không làm những tay leo núi chùng bước, sờn lòng.

Tiếp tục cuộc hành trình xe sẽ đi ngang qua thác Bridalveil (khăn mỏng che mặt cô dâu), thác quá cao mà con đường xe đang chạy phía dưới thấp nên khó thấy thác, dừng xe lại không được nên thác này chỉ nhìn thấy rõ lúc còn ở Tunnel View hay vào trong thung lũng Yosemite.

CẮM TRẠI TRONG YOSEMITE

Chẳng mấy chốc xe vào vùng thảo nguyên Yosemite Valley đồng cỏ xanh rì nơi có con sông Merced uốn mình chảy qua. Ðây là đoạn cuối con đường, có bãi đậu xe và có văn phòng Campground Reservation Office, du khách nào đã gọi giữ chỗ cắm trại qua đêm thì liên lạc nơi đây để họ chỉ nơi dựng lều. Có 3 khu cắm trại nơi đây là North Pines, Upper Pines và Lower Pines đều quanh theo dòng suối Merced, từ đây có những lối mòn để lên Mirror Lake ở phía Bắc hay men theo con sông Merced để đi Vernal Fall và Nevada Fall về hướng Ðông. Các lộ trình đường mòn hiking vừa nói xa nhất chỉ 2 miles nhưng đường núi quanh co, leo dốc đi bộ hay cỡi ngựa nên cũng rất vất vả.

Ða số du khách ngủ qua đêm trong vùng Yosemite đều phải cắm trại vì không có khách sạn sang trọng mà chỉ có những nhà trọ (Lodge) nhỏ bé, cũ kỹ nhưng lại đắt tiền. Khách sạn không có không phải là vì không có khách nhưng vì muốn bảo vệ khung cảnh thiên nhiên núi rừng, người ta không muốn cất những cao ốc đồ sộ nơi đây.

Cắm trại ở đây trong những tháng hè, những cuối tuần, dịp lễ nên gọi dành chỗ trước và công viên cho phép đặt chỗ trước đến 5 tháng và thời gian tối đa để cắm trại là 1 tháng. Có những nơi cho đậu xe RV hoặc dựng lều, có nước và nhà vệ sinh nhưng thường không có điện, có nơi cho đốt lửa trại, có nơi không. Ngoài địa điểm cắm trại gần Campground Reservation Office trong vùng Yosemite còn có đến 12 khu cắm trại khác nữa. Muốn giữ trước chỗ cắm trại và tìm hiểu những chi tiết có thể gọi số 1-800-436-7275 hay giữ chỗ qua internet thì vào www.reservations.nps.gov. Tìm hiểu chi tiết về cắm trại vào www.nps.gov/yose/camping.html. Yosemite mở cửa 24 trên 24 và quanh năm không nghỉ ngày nào.

NHÀ TRỌ VÀ KHÁCH SẠN

Du khách nào không thích cắm trại thì có thể gọi đặt phòng ở những nhà trọ (lodge) hay khách sạn với số điện thoại sau đây 1-866-646-0388. Xin giới thiệu vài khách sạn có tiện nghi tiêu chuẩn từ 2 đến 3 sao có nhà hàng ăn uống:

- Wawona Hotel là một di tích lịch sử có kiến trúc Âu Châu, giá phòng từ $112 đến $161 một ngày

- Tenaya Lodge cách cửa phía Nam công viên 2 miles, giá phòng $209.

- Yosemite View Lodge cách cửa Tây 2 miles, giá phòng $182.

- Cedar Lodge cách Yosemite 8 miles có 211 phòng giá từ $111.

Qua đêm trong vùng núi rừng Yosemite khách du sẽ tận hưởng được không khí trong lành thanh vắng, nghe tiếng suối chảy, thông reo nhưng bù lại giá phòng khá đắt.

THÚ HOANG TRONG RỪNG NÚI YOSEMITE

Nửa đêm trong thanh vắng của núi rừng chỉ nghe tiếng sột soạt của trái thông rơi, bỗng nghe tiếng ai lục lạo mấy thùng nước đá, mấy bao đồ ăn snack, nhiều khi đụng mạnh làm sập lều. Những khách đêm khuya không mời mà đến đó nhiều phần là những con gấu đen, tên là đen nhưng chúng có nhiều màu từ đen cho đến xám tro và trắng. Ước lượng có từ 300 đến 500 gấu đen sống trong Yosemite hiện giờ. Ngoài loại gấu vùng núi này còn có cừu (bighorn sheep), chó sói, nai vàng, sóc. Nai vàng ở đây là loại Mule Deer trên lưng có đốm trắng thường tấn công người hơn là gấu đen, chúng có móng và sừng gạt rất nhọn. Ban đêm nên đậy kín đồ ăn và đừng bao giờ đưa đồ ăn cho chúng.

Chim trời ở đây có chim ưng (golden eagle), chim cú loại quý hiếm Great Gray Owl, chim cưỡng Steller's Jay và một loại chim khác gần tuyệt chủng là chim ó Peregrine Falcon.

Tôi không cắm trại ở đây nên tiếp tục hành trình, con đường là đường một chiều chạy quanh Yosemite Valley dọc theo con suối Merced River sẽ đưa chúng ta đến Yosemite Village nơi đây có văn phòng chỉ dẫn Valley Visitor Center, có bịnh xá, có cây xăng và tiệm sửa xe, có quán ăn và chợ nhỏ.

THÁC YOSEMITE

Tiếp tục lái thêm nửa mile là đến bãi đậu xe để vào thăm thác nước Yosemite. Ðường vào thác tráng nhựa nhưng chỉ dành cho người đi bộ, con đường râm mát vì bên trên là những tàng cây tùng bách Reedwood cao lớn. Mùa Hè hay cuối tuần con đường leo dốc lũ lượt người như đi trẩy hội chùa Hương. Thác cao đến 2,425 feet là thác cao nhất ở lục địa Bắc Mỹ và cao hạng thứ 5 trên toàn thế giới. Dòng nước đổ xuống không lớn lắm nhất là vào Mùa Hè ở Cali không có mưa nên trông như một bó chỉ trắng gắn vào vách núi. Thác đổ xuống một hồ nước nhỏ trong vắt dưới đáy là những tảng đá tròn. Du khách thường đứng chụp hình ở đây và hay leo ra đứng trên những tảng đá giữa dòng nước.

Trong Yosemite còn nhiều thác nữa như thác Vernal, thác Nevada, thác Horsetail, thác Ribbon, thác Staircase.. Những thác này nước đổ ầm ĩ vào Mùa Ðông và Mùa Xuân vì lúc đó là mùa mưa và có thể khô cạn hay ít nước vào tháng 8, tháng 9.

LỊCH SỬ CÔNG VIÊN YOSEMITE

Ở Yosemite Village còn có viện bảo tàng ghi lại lịch sử vùng Yosemite theo đó ngày xưa khoảng 7 đến 10 ngàn năm trước người da đỏ đã sống tại nơi đây. Họ ăn hột acorn của cây Oak, hái trái rừng như blueberry và mận, rau lá, thịt thú rừng và cá dưới sông Merced. Bên kia đường của viện bảo tàng về hướng Tây là một nghĩa địa nhỏ nơi đây chôn cất những người da đỏ, những người da trắng khai phá vùng này và cả những du khách thiệt mạng khi viếng nơi đây không có thân nhân thừa nhận.

Người da trắng đến Yosemite trong thời kỳ tìm vàng, họ đào những mỏ trong vùng và bị người da đỏ chống đối. Ngày 27-03-1851 thủ lãnh bộ lạc da đỏ trong vùng là Tenaya kéo tới bao vây đạo quân canh giữ mỏ vàng do những nhà tìm vàng thành lập có tên là Mariposa Battalion nhưng bị đạo quân này bắt được và thả về vùng núi khu dành riêng cho người da đỏ (Indian Reservstions) nên từ đó vùng này có tên Tenaya.

Năm 1855 nhóm du khách đầu tiên đặt chân tới Yosemite và theo lời đề nghị của họ 9 năm sau Tổng Thống Abraham Lincoln ký ban hành Yosemite Grant đặt riêng Yosemite Valley và Mariposa Grove nơi có những cổ thụ Sequoias ngàn năm thành vùng lãnh thổ được nhà nước bảo vệ. Năm 1890 Robert Underwood Johnson chủ bút tạp chí Century và nhà nghiên cứu thiên nhiên cũng là nhà văn John Muir quan tâm lo ngại việc xây những đập nước trong vùng để dẫn nước cho thành phố San Francisco sẽ hủy hoại môi trường cây cối thiên nhiên nên vận động Thượng Nghị Viện Liên Bang ban hành luật đặt vùng Yosemite thành công viên quốc gia. Công viên quốc gia được điều hành bởi ngân sách liên bang, thiên nhiên, cây cối, thú hoang được bảo vệ và công viên là nơi ngoạn cảnh, nghỉ ngơi, thư giãn cho tất cả mọi người.

Theo đường một chiều chúng tôi rời khỏi Yosemite Valley, con đường dọc theo suối Merced River nước trong vắt quanh co uốn khúc giữa cánh đồng xanh điểm những hoa dại màu tim tím nhỏ. Ngang qua ngọn núi El Capitan ở đây vì gần trông rất rõ, rồi đến Valley View nhìn lại lần cuối thung lũng đồng xanh, non cao và suối mát. Những ai đi về Fresno thì quẹo trái trở lại con đường 41, riêng chúng tôi đi San Francisco thì vào con đường 120 nghĩa là “đi và về không đồng nghĩa như nhau”! Ðường 120 qua Tuolumne Grove phía trong rừng có những Sequoias cổ thụ ngàn năm rồi rời khỏi công viên Yosemite bằng cổng Big Oak Flat Entrance. Ðường 120 đi về San Francisco qua thị trấn Manteca đi ngang một đoạn đường đèo quanh co uốn khúc có tên là Rim Of The World Vista Point, nhìn xe nối nhau bò trên sườn núi như những con kiến tha mồi về tổ.

Nắng chiều trải khắp thung lũng núi đồi, rừng thông xanh cũng biến thành màu vàng nhạt và nơi chân trời kia mây xám buồn giăng ngang tứ phía:

Bỗng dưng buồn bã không gian,

Mây bay lũng thấp giăng màn âm u.

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.

Sắc trời trôi nhạt dưới khe

Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng.

Sầu thu lên vút, song song

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu

Non xanh ngây cả buổi chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia!

(Thu Rừng - Huy Cận)

Trịnh Hảo Tâm

(Cali Tháng Bảy - Hai Ngàn Lẻ Tư)

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art