Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Hawaï (Hạ Uy Di)

Hawaï (Hạ Uy Di)

Tháng 7/2009, tôi làm một chuyến thăm quần đảo Hawaï. Nhân dịp về thăm gia đình bên Mỹ ở thành phố Houston (Texas), nên chuyến đi được khởi hành từ Houston qua thủ đô Honolulu của quần đảo Hawaï. Chuyến bay của hãng Continental Airlines từ Houston đi Honolulu cũng mất 6 giờ đồng hồ. Giá trọn gói khứ hồi Houston-Honolulu, và từ Honolulu-Kona (Big Island) là 800$.

 

Từ sân bay Honolulu nhìn ra

Chuyến đi này chỉ ghé thăm hai đảo là đảo Oahu và đảo Big Island (đảo lớn) còn được gọi là đảo Hawaï. Nên dưới đây chỉ ghi một số nơi trên hai đảo đó đã được ghé qua.

Nơi đến đầu tiên hẳn là phi trường quốc tế Honolulu. Phi trường được xây cất một cách rất thoáng mát chứ không bít kín như những phi trường chúng ta thường thấy. Từ chỗ phi cơ đậu phải đi bộ mất chừng 10 phút, qua một dãy hành lang dài rất thoáng mới đến được nơi lấy hành lý. Và từ đó ra lấy xe bus đưa về thành phố hoặc đến những hãng cho thuê xe. Phi trường nằm cách trung tâm thành phố 5km, với hai con đường chính dẫn vào thành phố là Nimitz Highway và Queen Liliuokalani Freeway.

 

Một góc phố đi bộ ra bải biển

Phi cảng Honolulu đón nhận mọi chuyến bay thương mại quan trọng đến từ đất liền của nước Mỹ. Nó còn là con đường trực tiếp đi về châu Mỹ, Á châu và lưu vực Thái bình dương. Sân bay được khánh thành tháng 3/1927 mang tên « Rodgers Airport ». Tên một vị tướng hải quân thời Đệ nhất thế chiến. Đến năm 1947, được đổi tên thành Phi trường quốc tế Honolulu. Vào năm 1950, được coi như phi trường bận rộn vào hàng thứ 3 của nước Mỹ. Phi cảng đã được tân trang qua nhiều thời kỳ và được mở rộng ra.

Sau khi lấy hành lý, có xe bus đưa đến nơi thuê xe để làm thủ tục lấy xe. Mọi thủ tục khá nhanh chóng, và sau đó về lấy Khách sạn nơi gần trung tâm Honolulu. Giá thuê mỗi phòng có 2 giường ngủ là 110$. Giá cả phải chăng cũng không đến nỗi cắt cổ. Trên đường phố Honolulu, thấy có nhiều cây hai bên đường vẫn thường thấy trong miền nhiệt đới như cây phượng, cây điệp, nhiều bông hoa thường có trong các xứ nóng.

 

hoa trên đường

Sau khi lấy phòng, chúng tôi đi dạo làm quen với con phố. Đường xá rộng rãi, bình thường như bao con đường theo khuôn mẫu của Mỹ quốc. Chiều hôm đó, thấy một tiệm cơm Việt nam trên con đường ngay trước mặt khách sạn, và vào đó dùng cơm chiều. Quán cơm mang tên « Phở Sài gòn xưa » (Phở Old Saigon). Giá cả mắc hơn trong lục địa. Mỗi tô phở, hay một dĩa cơm phải tính trung bình 10 đôla. Thức ăn cũng khá và chăm sóc, hàng quán khá sạch sẽ. Quán ăn làm theo kiểu gia đình có khách tấp nập, và hình như họ cũng có phòng cho khách du lịch thuê, vì thấy có khách lấy chìa khóa đi lên lầu vào phía sau.

 

Tiệm cơm phở Việt nam tại Honolulu

Sau cơm chiều tiếp tục đi dạo trên đại lộ chính của thành phố Honolulu là con đường chạy dọc theo ven biển Waikiki. Con đường mang tên Kalakahua, tấp nập khách du lịch, và có đủ mọi thứ. Người ta bán đủ mọi thứ từ thức ăn, đồ dùng, vật kỷ niệm… cho du khách. Con đường rất náo nhiệt cứ như hội chợ. Sau đó, chúng tôi ra bờ biển Waikiki, dù trời đã xế chiều nhưng vẫn còn nhiều người tắm biển. Nước biển thật trong xanh và sạch sẽ.

Sáng hôm sau, chúng tôi mua Tour 1 ngày để đi thăm những điểm chính trên đảo. Tour kéo dài khoảng 8 tiếng đồng hồ. Giá vé cho mỗi người là 120 đôla. Giá vé này không có ăn uống trong đó. Đây là một chiếc bus 54 chỗ ngồi. Anh tài xế vừa lái xe, vừa làm hướng dẫn viên. Anh này có tài ăn nói, thu hút du khách với nhiều mẫu chuyện vui. Anh cho biết khá nhiều chi tiết với những vùng đi qua. Anh nói không mệt, từ lúc lên xe cho đến khi đưa khách về lại bến.

 

Xe bus của hảng Polynesian Adventure Tours

Vì thế ghi lại đây vài nét chung chung được biết về Hawaï để anh chị em hiểu rõ hơn.

 

1. Vài thông tin chung chung.

Hawaï có một diện tích 16.615 km². Dân số theo thống kê năm 2006 khoảng 1.283.000 người. Trong đó sắc tộc gốc Á châu chiếm 40%, người da trắng 28%, người lai 19%, người hawaiien 9%, người da đen 2%, và số còn lại khoảng chừng 2%. Thủ đô của hải đảo là Honolulu, nằm trên đảo Oahu. Hawaï có hai ngôn ngữ chính thức là Anh ngữ và Hawaiien. Tôn giáo ở Hawaï cũng đa dạng. Thiên Chúa giáo chiếm 68% (với 32% Tin lành, 24% Công giáo, 5% Mormon, 3% theo Phong trào giáo dân Tin Lành, 2% Baptiste, và 2% Méthodiste); Còn lại có 9% Phật giáo, với Thần giáo, Lão giáo, và 5% thờ Ngẫu tượng. Đồng tiền lưu hành chính là Dollar Mỹ (USD).

 

biển ở đảo Hawaï

Khí hậu và thời tiết : Hawaii mang khí hậu nhiệt đới và có hai mùa : mùa hè (mùa khô) và mùa đông (mùa mưa). Nhiệt độ quanh năm rất đều hòa, giữa 26°C đến 31°C vào ban ngày, và từ 18°C đến 23°C vào ban đêm. Từ tháng 10 đến tháng ba, có mưa nhiều (trung bình 66 mm/tháng).

Nhưng khí hậu Hawai còn tùy theo từng đảo và từng vùng. Ví dụ, phía miền đông của đảo Big Island có khí hậu ẩm thấp và mưa. Thành phố Hilo là một trong những nơi có nhiều mưa nhất trên toàn cõi nước Mỹ. Nhưng về mạn phía miền Tây của đảo, như vùng Kona, lại khô ráo và nhiều nắng. Chung chung, các đảo Hawaï hướng về phía Tây và phía Nam thường khô ráo và có nắng ; còn những đảo hướng về phía Đông và Bắc thường ẩm ướt. Thế nhưng, tại Honolulu, chỉ toàn là những cơn mưa rào thôi. Vì thế, cho dù ở mùa đông cũng không sợ có những ngày mưa dầm dề.

Hawaï, còn được gọi là Aloha hay Hawaii State, tiểu bang hải đảo thứ 50 của Hoa Kỳ. Ðó là một quần thể đảo nằm trong biển Thái Bình, được cấu tạo bởi san hô và đá chảy đến từ các núi lửa đã có từ lâu đời. Hawaï coi như trung tâm du lịch của thế giới vì khí hậu mát mẻ quanh năm, bốn mùa thiên nhiên.

 

Hawaï gồm có tất cả 13 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng có 8 đảo lớn được biết tới và mang tên : Hawaii, Oahu, Maui, Molokai, Lanai, Kauai, Niihau và Kahoolawe. Thủ đô Honolulu có 836.231 người. Đảo Hawaii có 120.317 người, Maui có 100.374 người và Kauai 51.177 người. Các đảo nhỏ khác như Molokai, LaNai và Nihau dân số thưa thớt, chỉ là đồn điền trồng thơm mía và là chỗ dừng chân của các ngư phủ. Riêng đảo Kahoolawe hiện nay là căn cứ quân sự của quân lực Mỹ. Trên đảo Oahu có Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội số 7 và Sư Ðoàn 25 Bộ Binh Hoa Kỳ.

 

Một nhóm tắm biển

 

2. Một chút lịch sử :

Trước khi trở thành một tiểu bang của nước Mỹ, các đảo thuộc quần đảo Hawaï đều là những tiểu quốc riêng biệt. Mỗi đảo là một vương quốc với vua chúa,và chế độ quân chủ kéo dài trên 11 thế kỷ, tạo thành một xã hội phong kiến cực đoan, bất công và chia phân giai cấp mà ngày nay còn lưu lại hai danh từ : ALII và KALIWA. “ALII” tiếng địa phương, dùng để chỉ giai cấp cầm quyền, bao gồm vua chúa, hoàng gia và triều đình. Nói chung là giới thượng lưu quyền quí, nắm trọn tài sản và mạng sống của thần dân trên đảo. Còn “KALIWA” thì đồng nghĩa với Nô Lệ, dùng để chỉ giai cấp tiện dân , bao gồm nông dân, người lao động, thương buôn, kẻ săn bắn và bạn biển. Từ ngữ “ALII NUI” được dân chúng Hawaï tôn sùng hơn thần thánh, qua thuật ngữ “Goldlono-God Makahiki”.

Cuộc sống của đảo quốc, chính thức nổi sóng gió vào năm 1778, khi những chuyến thuyền do thuyền trưởng Cook, ghé đảo Kauai, mang hơi hướng văn minh tây phương, thổi nhẹ vào tâm hồn người bản địa. Anh hùng có công thống nhất đảo quốc, cũng như canh tân Hawaï thành ngày nay là Hoàng Ðế Kamehameha đệ nhất, cháu của Vua Kalaniopuu, xứ Hawaii hay Big Island. Lên làm vua khi chú băng hà. Ông lần hồi bình phục các đảo khác bằng quân sự, chỉ có vua Kauai, tự động xin qui hàng. Hawaï chính thức thống nhất vào năm 1810.

 Nguyện đường thánh Phêrô tại đảo Hawaï

Theo chân thuyền trưởng Cook, các nhà truyền giáo phương tây cũng tìm đến đây để truyền đạo, mà khởi đầu là Giáo Hội Thanh Giáo của người Anh ở New England. Công lớn nhất của các vị giáo sĩ, đối với người Hawaii, là việc tạo thành chữ viết riêng cho họ, nhờ vậy, từ đó người bản xứ có thể đọc và viết ngôn ngữ của các đảo, một cách thống nhất, tiện lợi và dễ dàng. Cũng từ đó, kéo dài thời gian hơn 30 năm, đã có 14 Hội truyền giáo quốc tế, gồm Công giáo, Tin Lành, Chính Thống và Do Thái, lần lượt đến truyền giáo tại Hawai.

Chế độ quân chủ tiếp tục trên đảo quốc tới năm 1893 thì cáo chung. Năm 1894, Hawaï trở thành nước Cộng Hòa cho tới năm 1900 thì bị các thế lực thực dân phương tây như Ý, Bồ Ðào Nha, Hòa Lan.. xâu xé, chia chác hoặc bằng võ lực hay tiền bạc. Từ đó người Hawaii sống dưới ách nô lệ ngoại nhân suốt nửa thế kỷ. Ngày 12-3-1950 Hawaï trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ, sau khi nước này đã dùng tiền bạc, mua lại trong tay các chủ nhân ông thực dân da trắng, kể cả người Nhật.

 

3. Honolulu trên đảo Oahu.

Honolulu phát triển từ năm 1850 khi Ðại Ðế Kamehameha đệ nhất, quyết định thiên đô đảo quốc, từ thủ phủ Lahaina, trên đảo Maui, sang Honolulu thuộc đảo Oahu cho tới bây giờ. Honolulu (có nghĩa vịnh được che chở) trở nên thủ đô của hải đảo, nằm phía Đông nam của đảo Oahu. Honolulu có dân số gần triệu người, nếu tính chung với các vùng ngoại ô đông đúc trên 335.000 người. Ðây là nơi lý tưởng của nhiều nhóm di dân đến từ Á châu như Trung Hoa, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Thái Lan, vì môi trường sống và khí hậu biển ôn hòa. Cộng đồng người Việt cũng đã có mặt tại đây từ trước năm 1975, nhưng con số người Việt càng ngày càng ít đi, do việc làm ít ỏi và khó khăn buôn bán. Họ mở nhà hàng tiệm ăn và mang nghề lái Taxi... Nói chung do đời sống đắt đỏ, nên những người Việt có điều kiện, đều di chuyển vào đất liền. Tóm lại, tuy dân số ngày càng đông đúc, xô bồ cũng như đã được Tây phương hóa cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiên Chúa giáo nhưng tới nay người bản xứ vẫn còn giữ được nguyên vẹn các di tích cổ truyền của tổ tiên. Ðó cũng là lý do then chốt thu hút du khách muôn phương.

 

một góc biển Hawaï

Honolulu có nhiều điểm chính vui chơi. Đảo Oahu cũng như các đảo khác được tạo thành bởi nham thạch của các núi lửa. Toàn đảo có hai rặng núi riêng rẽ, Koolau Range hướng bắc-nam, còn rặng West Wainea thì chạy dọc theo bờ biển phía tây. Cánh đồng đất đỏ phì nhiêu Leilehua tại trung tâm đảo, là nơi sản xuất mía, thơm, hoa quả và rau cải miền nhiệt đới. Honolulu được nhiều người biết tới với bãi biển Waikiki, và với núi lửa Diamond head. Ngoài việc đến tắm nắng và tắm biển, khách nhàn du còn được thưởng thức nhiều cuộc chơi khác như viếng thăm :

- Trung Tâm Văn Hoá Polynésian ở Laie. Một nơi thơ mộng của quần đảo Hawaï, và còn là điểm thu hút nhiều du khách. Trung tâm văn hóa này đại diện cho nền văn hóa cổ xưa của người Polynesian.

- Làng nuôi cá hay Sea Life Park.

- Ăn Luau và xem múa trong tiếng trống cồng, đờn sáo và vũ điệu Hula cổ truyền của người Nam Á Ða Ðảo, do các nam nữ vũ công bản địa trình diễn, với động tác “Lắc Mông”.

- Di tích lịch sử Trân Châu Cảng nổi tiếng thế giới. Đây là một cửa cảng thiên nhiên tuyệt vời nằm sâu trong lục địa. Trân Châu Cảng với địa thế vô cùng thuận lợi, nước sâu, có vịnh kín giúp tàu thuyền các loại tránh bão, tu sửa. Ðây cũng là nơi tụ tập của các thuyền buôn cũng như các tàu săn cá voi bốn phương, sau cuộc hải hành trở về. “Sự kiện Trân Châu cảng” làm chấn động thế giới đã xảy ra ở đây vào sáng sớm ngày 7/12/1942. Hải quân Nhật đột kích vào Trân Châu cảng phá hủy 188 phi cơ, làm hư hại khoảng 20 chiến hạm, và gây tổn thương cho hơn 3000 người.

- Waikiki là một bãi biển được rất nhiều người ưu thích đến đây tắm biển với những dải cát vàng mịn. Những quán ăn, những cửa tiệm, những quán bar mọc lên như nấm. Đúng là một nơi chỉ sống cho nghành du lịch. Bãi biển kéo dài từ Kahanamoku Beach ở phía Tây đến Sans Souci Beach ở phía Đông được coi như bãi biển đẹp nhất. Từ miền Tây sang miền Đông có những bãi biển mang tên Kahanamoku Beach và Fort de Russy Beach; Central Waikiki Beach là một bãi biển dài nơi có nhiều khách sạn nổi tiếng.

 

bải biển Waikiki, ở Honolulu

Nước biển ở Waikiki mang màu xanh ngọc biếc, dài 3,2km và có đại lộ Kalakaua với rất nhiều cửa tiệm bình dân cho tới sang trọng như các cửa hiệu Chanel, Hermès, Buberry.

Trên bãi biển người ta còn chiếu các phim ảnh (Sunset on the beach) trên một màn màn ảnh dài 9m. Trước khi trình chiếu một phim, thường có nhạc và các chương trình văn nghệ.

 - Tuy Honolulu là một thành phố của Mỹ nhưng trên đảo Oahu cũng có nhiều chùa Phật Giáo của người Nhật, Trung Hoa và Ðại Hàn. Sau năm 1975, có nhiều người VN đến nên cũng đã có hai ngôi chùa Việt nam ra đời. Đó là chùa Linh Sơn và Chân Không Thiền Viện. Nhưng có thể nói, ngôi chùa đẹp nhất tại Hawaï, có lẽ là chùa Byodo-in.

- Byodo-In : ngôi chùa Nhật nổi tiếng tại thung lũng đền đài.

 

Chùa Byodo-In

Byodo-In là một ngôi chùa Phật giáo, nằm dưới núi Ko’olau, trong thung lũng các đền đài (Valley of the Temples). Ngôi chùa được xây cất theo khuôn mẫu chùa mang cùng tên ở tại tỉnh Uji, bên Nhật Bản. Ngôi chùa chính tại Uji được xây cất từ thế kỷ thứ 9.

Chùa Byodo-In được khánh thành năm 1968 để tưởng nhớ 100 năm người di dân Nhật đến Hawaï. Thời bấy giờ có hàng nghìn công nhân Nhật đến Hawaï sinh sống bằng nghề trồng mía.

Trước khi tới được chùa Byodo-In, phải đi qua một nghĩa trang lớn với nhiều đền đài nhỏ. Khi tới cổng chùa, phải đánh chuông (peace bell) trước khi đi vào chùa, và cũng phải cởi dép khi vào thăm Chùa. Trong đó có một tượng Phật cao 2,7 m.

Ngôi chùa nằm giữa một ngôi vườn kiểu Nhật Bản, yên lặng và thanh bình. Trước mặt Chùa có một hồ với cá và thiên nga đang bơi lội. Nơi đây thường được các cặp làm đám cưới đến để chụp hình. Ngôi chùa Byodo-In được rất nhiều du khách viếng thăm, nhất là từ khi có một cảnh trong phim dài tập truyền hình Lost được quay tại đây.

Cửa chùa mở từ 8h30 đến 16h30. Giá vào cửa : 2$ US (người lớn) et 1$ US (con nít dưới 12 tuổi).

 

4. Big Island hay đảo Hawaï.

Từ Honolulu muốn đến đảo Big Island phải lấy máy bay. Đây là phương tiện đơn giản nhất. Mỗi ngày có rất nhiều chuyến bay nối liền hai hải đảo. Từ Honolulu lấy máy bay của hãng Hawaiian airlines bay qua đảo Hawaii chỉ mất có nửa tiếng đồng hồ. Chúng tôi lấy chuyến bay sớm, vì giá cả rẻ hơn những chuyến bay trễ trong ngày. Chỉ mất 30 phút bay, không tính giờ phải ra phi trường làm thủ tục, thì đến phi trường quốc tế Kona. Từ phi trường thuê xe và đi dạo vòng quanh đảo. Tại đảo Hawaï chúng tôi thuê 1 ngôi nhà tại Resort mang tên “Manua Loa village & Holua resort”. Một căn nhà rộng rãi, thoáng mát, có hai phòng ngủ, 1 phòng khách, phòng ăn, nhà bếp… Loại nhà này có 10 người ở cũng còn thoải mái. Giá cả mỗi ngày cho ngôi nhà là 200$. Trên đường về nhà, người ta trồng nhiều cây cối và làm nhiều vườn hoa trông rất sạch sẽ. Bên cạnh nhà còn có cây phượng vĩ đỏ thắm.

 Chiều xuống, sau khi ăn cơm xong, lấy xe chạy ra biển nhìn ngắm mặt trời lặn. Đến nơi, đã thấy có nhiều người ngồi chờ sẵn để được nhìn ngắm cảnh thiên nhiên. Phần lớn, trong tay ai ai cũng cầm sẵn máy hình để thu vào máy cảnh đẹp đẽ mặt trời lặn ở biển. Một cảnh rất đẹp, và thấy mặt trời từ từ lặn xuống khuất dưới mặt biển từ đàng xa. Từ lúc mặt trời dần đi xuống cho đến khi hoàn toàn mất lặn đi không đầy 15 phút.

 

cây phượng bên cạnh nhà

Cũng như tại Honolulu, ngày hôm sau lấy vé tour 1 ngày và họ chở mình đi xem những nơi du lịch của đảo. Tour cũng làm theo một tiêu chuẩn. Đó là một xe bus 54 chổ. Tài xế vừa lái xe vừa làm hướng dẫn viên. Hôm nay, người này ăn nói ít có duyên hơn anh hướng dẫn viên-tài xế tại Honolulu. Chuyến tour cũng mất hết 1 ngày đường đi, được đưa đi xem một số nơi du lịch nổi tiếng của đảo Big Island. Giá cả một ngày đi cũng vào khoảng 120 đôla.

 

mặt trời lặn xuống biển

Đảo Hawaï còn được gọi là đảo lớn (Big island) tại vì nó có thể gộp cả ba đảo Oahu, Maui et Kauai lại. Diện tích hơn 10.400 cây số vuông. Đảo lớn nằm phía nam quần đảo nên có một khí hậu điều hòa. Những vùng ven biển, khí hậu khoảng 29°C từ tháng 5 đến tháng 10, và khoảng 21°C từ tháng 11 đến tháng 4. Ban đêm khí hậu xuống còn lại khoảng 15°C đến 18°C.

Đảo lớn mang khí hậu nhiệt đới và đất núi lửa rất tốt cho sự trồng trọt : xoài, đu đủ, litchi… và hoa lan. Cà phê miền Kona nổi tiếng thế giới. Hàng năm, nhiều khách hàng tuôn đến hội chợ Cà phê Kona để thưởng thức và mua bán.

Ðảo có diện tích lớn nhất, nhưng dân số thì đứng thứ 2 tiểu bang, hiện đang phát triển mạnh về du lịch và các kỹ nghệ chế biến như đường, thực phẩm đóng hộp, nghề tạc đá, khắc gỗ. Ðảo Hawaii đất đai mông mênh, phong cảnh vô cùng hùng vỹ và man dã, núi non đồ sộ cao ngất, núi lửa vẫn thường ngun ngút lửa khói cho tới năm 1965 tạm ngưng, nhưng mấy năm gần đây lại mở miệng.

Đảo lớn có tất cả năm núi lửa : Mauna Loa, Mauna Kea, Kilauea, Kohala và Hualalai. Những núi lửa thỉnh thoảng vẫn còn hoạt động :

 

Nham thạch đóng cứng

Maunakea (4205 m) có nghĩa là “núi trắng”, vì trên đỉnh núi luôn luôn có tuyết trắng. Nó cũng còn được gọi là núi của Wàkea, và Wakea được người Hawaï coi như cha trên trời của họ. Nếu tính từ chân núi nằm dưới đáy biển, núi lửa Maunakea cao gần 9100m. Mùa đông Maunakea có tuyết rơi và người ta lên đó chơi trượt tuyết (ski). Hiện thời, trên đỉnh núi có tất cả 13 viễn vọng kính của 11 nước trên thế giới được đặt trên đó.

Trong số đó có 4 kính viễn vọng lớn nhất thế giới. Mục đích để quan sát sự chuyển động của Hỏa Tinh. Các kính viễn vọng này được ví như một bao lơn trên vũ trụ và được các nhà khoa học, xác nhận đây là một cuộc cách mạng vĩ đại của ngành Thiên Văn.

Thật vậy, dù các Vệ Tinh thám hiểm Voyager, đã chụp được hình các núi lửa trên Sao Mộc từ năm 1979 nhưng phải đợi tới tháng 7-1997, lần đầu tiên Nhóm Thiên Văn Học Quốc Tế, có tên François Roddier, gồm Canada-Pháp và Hoa Kỳ, qua Viễn Vọng Kính đặt tại Hawaii, đã nhìn thấy bằng mắt trần, một núi lửa đang hoạt động tại một điểm, có khoảng cách gấp 4 lần từ Ðịa Cầu tới Mặt Trời.  

Muốn lên đài Thiên Văn nằm về bờ biển phía tây đảo Big Island. Có con đường đèo Saddle Road, từ dưới đất lên tới đỉnh núi. Ðường chạy qua thung lũng, nằm giữa hai ngọn núi lửa Mauna Kea và Mauna Loa. Tới cây số 29, bỏ Saddle Road, để rẽ vào đường lên đỉnh núi. Từ độ cao 3000m trở lên, con đường như nằm trong biển mây, khắp nơi chỉ còn là sa mạc, khiến mọi người có cảm tưởng là đang sống ở Nguyệt Cầu hay Hỏa Tinh. Vào mùa đông, trên núi có tuyết và sức gió mạnh với vận tốc 200 km/giờ. Ðài Thiên Văn gồm 12 mái vòm, được thiết lập rải rác khắp các miệng núi lửa, trên đỉnh Mauna Kea, cao 4000m, hoạt động suốt năm, ngoại trừ những ngày có bão. Tại đây hiện có 2 kính Viễn Vọng, có đường kính 10m, được coi là lớn nhất thế giới, do Hoa Kỳ chế tạo và hoạt động từ năm 1993 (keck 1) và 1996 (keck 2). Từ năm 2000, đã có thêm 2 Viễn Vọng kính Subaru của Nhật và Kính Gemini do Mỹ, Anh, Canada, Chili, Á Căn Ðình cùng Ba Tây xây dựng. Tóm lại Ðài thiên Văn Hawaii xứng đáng được gọi là kỳ quan mới của thế giới, qua sự kết hợp giữa kính viễn vọng Hubble-Keck, trong hy vọng tìm được những bí mật còn lại của vũ trụ trong một tương lai gần.

 

miệng núi lửa

MaunaLoa (4169m) có nghĩa là “núi dài”, được coi như ngọn núi rộng nhất thế giới, vì nó mang tổng cộng 40.000 km khối. Núi Mauna Loa vẫn còn hoạt động. Từ núi thấy một phong cảnh bao quanh bị phún thạch tàn phá. Từ đầu thế kỷ thứ XX đến năm 1984, núi lửa đã phun tất cả 14 lần. Phún thạch thoát ra từ núi lửa MaunaLoa tỏa ra hầu như hết một nửa diện tích của đảo Hawaï. Miệng núi lửa dài 5km, rộng 2,5km và mang một chiều sâu 200m.

- Kilauea có nghĩa “phun rất nhiều”. Năm 1979, Kilauea bừng dậy và phun nham thạch thật hùng vĩ. Từ năm 1983, nó vẫn tiếp tục làm chảy nham thạch, tàn phá ba thành phố nhỏ bên bờ biển nhưng làm cho đảo rộng ra hơn trăm hécta. Bình thường có thể đến gần núi lửa Kilauea để xem, vì thế người ta gọi nó là núi lửa “drive in” duy nhất trên thế giới.

 

Trên đảo Hawaï còn có Công Viên Quốc Gia núi lửa “Hawaiian Volcanoes National Park”, rộng 344 dặm vuông, chiếm phần lớn diện tích của Miền Ðá Chảy Mauna Kea và Loa, giữa hai thành phố du lịch Hilo và Kailua-Kona hiện đang phát triển mạnh.

Nơi dừng chân đầu tiên trong Công viên núi lửa quốc gia là “Kilauea Visitor Center”. Tại đây có những thông tin mới nhất về hoạt động của các núi lửa. Họ cũng cung cấp giấy cho những nơi có thể cắm trại trại hoặc cho biết những sinh hoạt có trong Công viên. Có một cuốn phim vidéo dài 20 phút được chiếu mỗi giờ cho thấy những hình ảnh rất sống động của núi lửa Kilauea.

Giá cả vào Công viên Quốc gia :

10$ cho mỗi xe hơi, có giá trị trong vòng 7 ngày.

5$ cho người di bộ và người đi xe đạp, cũng có giá trị trong vòng 7 ngày.

- Thurston Lava Tube (ống dung nham, lava)

 

Đi trong ống dung nham (lava tube)

Một ống dung nham (lava tube) được hình thành khi bề mặt nơi dung nham chảy bị nguội lạnh và đóng cứng lại. Dưới bề mặt đó, dung nham vẫn tiếp tục được chảy đều ra cho tới một chỗ nào khác.

Ống dung nham Thurston, mang tên của ông Lorrin Thurston, một nhà xuất bản báo chí, khám phá ra ống dung nham đầu tiên. Ông này có công giúp phát triển công viên núi lửa Hawaï. Ống dung nham Thurston được thành hình từ cuộc phun của núi lửa Kilaulea ở mạn phía đông. Sau đó, đỉnh núi bị sụp xuống và tạo ra nhiều miệng khác. Sau cuộc phun đó, dung nham chảy qua các ống, làm thành những đường ống khá lớn có thể cho người đi qua được. Đoạn đường ống Thurston dài khoảng 120m. Chúng ta mất khoảng 20 phút để đi qua tham quan đường ống này.

- Về phía Nam, đảo Hawaï vẫn còn tiếp tục được vươn dài ra ngoài nhờ các phún thạch tuôn xuống từ núi lửa Kilauea chảy ra biển. Về phía Đông nam, người ta khám phá một núi lửa đang được hình thành từ dưới đáy biển mang tên « Li'ohi ».

 

bãi biển đen

Khi ra khỏi Công viên Quốc gia núi lửa, đi về hướng nam sẽ đến « Punaluu Black Sand Beach » (bãi biển đen). Và tận nơi cực nam, sau khi đi bộ 5km sẽ khám phá được « Green Sand Beach » (bãi biển cát xanh)

Punaluu Black Sand Beach là một điểm du lịch được coi như một kỳ quan nổi tiếng, với bãi biển đất đen, do nham thạch tạo thành. Trong rừng có rất nhiều sơn duơng, nai và heo rừng, tha hồ săn bắn. Trên đảo còn có ngôi làng Kapaau, được xem là đất tổ, vì là nơi phát xuất của dòng họ Kamehameha. Tiếc thay, ngôi làng nổi tiếng trên, giờ đã chìm sâu dưới đáy biển nhưng vẫn còn Kohala, sinh quán của Ðại Ðế, được trùng tu, dựng đài kỷ niệm. Ngoài ra trên đảo, còn có một đài kỷ niệm thứ 2 ở Kealakekua, một bãi biển thanh lịch, khắp nơi đầy bóng dừa xanh, để ghi nhớ ơn của thuyền trưởng Cook, người đã mang gió văn minh vào vương quốc. Ông tạ thế tại đó vào năm 1779.

- Thành phố Hilo hiện nay là thủ đô của thế giới về các loại Hoa Lan, dẫn đầu về lượng sản xuất, và phẩm chất pha trộn các màu sắc, sặc sở, tươi mát, không nơi nào sánh kịp. Ngoài ra còn có Macada-Nia Nuts, một loại hột ăn bùi bùi, giống như hột đào của VN, được trồng thành rừng khắp đảo.

 

Thác nước cầu vòng

Không xa thành phố, trên dòng sông « Wailuku River », có thác nước cầu vòng “Rainbow Falls”. Một thác nước huyền thoại của người Hawaï, vì theo họ, nơi đây làm khai sinh ra các cầu vòng. Thác nước cao 24m và có một đường kính 30m. Dưới thác nước có một hồ khá rộng. Thác cầu vòng được người dân địa phương gọi là “Waianuenue”, và chảy trên dung nham tầng hầm. Đây là nơi được coi là nhà của nữ thần Hina thuộc người dân Hawaï. Người ta gọi là thác cầu vòng vì vào buổi sáng thường thấy một cầu vòng rất đẹp xuất hiện trên thác.

 Tóm lại chuyến đi từ Houston-Hawaï chì võn vẹn có 6 ngày, không coi được hết, không tham dự được hết những sinh hoạt của hải đảo, nhưng cũng được thấy qua những điểm chính với nhiều cái đẹp mắt. Những bãi biển màu ngọc biếc trong sạch, những phong cảnh thật hùng vĩ… để lại trong lòng khách ghé thăm nhiều ấn tượng. Qua đó hiểu biết thêm chút ít về hải đảo nổi tiếng mà người ta thường nhắc tới : Quần đảo Hawaï.

LPH

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art