Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Ngao du vùng Viễn Tây Hoa Kỳ

Ngao du vùng Viễn Tây Hoa Kỳ

LTS.- Mời bạn đọc theo dõi chuyến viễn du 15 ngày của mục “Ðất Nước và Con Người” thường xuyên trên báo Người Việt vào mỗi Thứ Ba. Bài và hình ảnh sẽ chia làm nhiều phần do Phạm Kim và Lê Minh phụ trách. Trong chuyến đi, chúng tôi có thêm 2 người bạn ảnh từ Việt Nam qua tham dự. Bạn đọc sẽ được nghe tâm sự của hai người sống cách xa hơn 1/2 địa cầu về đời sống hiện tại của họ nói riêng và quê nhà nói chung, nhận xét về cộng đồng Việt trong thời gian lưu trú tại đây, cũng như những cảm nghĩ về đất nước Hoa Kỳ.

Arches National Park

Ðoạn đường ngao du vùng Viễn Tây Hoa Kỳ trôi qua thật nhanh, chúng tôi đã đi qua công viên Zion, thung lũng Bryce, Antelope và Monument. Như dự định địa điểm cuối cùng chúng tôi sẽ ghé thăm là Arches National Park. Nếu thời tiết cho phép, trên đường về, đoàn chúng tôi sẽ đi Aspen, Colorado.

Ðường đến Arches National Park từ Monument Valley mất gần 1 ngày đường. Hai ngày săn hình vùng Monument, mọi người hài lòng về thời tiết và phong cảnh hùng vĩ nhất của vùng Viễn Tây Hoa Kỳ. Ðúng là ông trời có mắt, Utah là tiểu bang sa mạc, nóng gắt, nếu không có những khung cảnh thiên nhiên như Monument, Bryce, Arches, có lẽ nơi đây không bóng người lai vãng.

Hơn 10 ngày đường qua, anh em chúng tôi bắt đầu thấm mệt, nhớ nhung chút hương vị vùng Little Saigon. Nỗi thèm nhỏ nhoi, bát phở gà, bát bún ốc, tô mì vịt tô tiềm hay chén bánh bèo tôm chấy... làm sao có được ở nơi chốn đồng hoang cỏ cháy của miền Viễn Tây Hoa Kỳ.

Nhìn trên bản đồ, trên đường đi chúng tôi có thể ghé qua vùng Natural Bridges National Monument trước khi đến Arches. Vì thiếu kinh nghiệm, nhìn không kỹ độ cao, không ngờ con đường núi quanh co nguy hiểm đã dẫn chúng tôi lên vùng núi cao gần ngàn thước, mất nhiều thời gian hơn dự tính.

Ðến Natual Bridges vào lúc xế chiều, anh em cảm thấy phấn chấn, bảo nhau đi tìm phòng cư trú trước cho chắc ăn, trước khi đi săn hình vùng này. Ai cũng sợ mải mê săn hình, về tối tìm không tìm ra phòng ngủ như ở Monument Valley. Tôi đánh nước liều, đề nghị mọi người nên đi dò thám một vòng, xem quang cảnh như thế nào trước khi quyết định ngủ tại đây và ở lại ngày mai.

Quả như nghi ngờ, nhìn hình ảnh chụp trong sách báo cảnh chiếc cầu thiên nhiên bằng đá bắt ngang qua dòng nước chảy cuồn cuộn tạo thành một cảnh đẹp hiếm có khó có thể thực hiện được. Ðến nơi, tìm ra chiếc cầu như trong sách báo, chúng tôi khám phá ra nhiều trở ngại lớn để thực hiện được hình ảnh đẹp. Thứ nhất, đi sai mùa, dòng sông cạn, không đủ lưu lượng nước tạo thành những mảng nước trắng xóa dưới chân cầu. Thứ hai, muốn chụp được toàn cảnh đẹp. phải trèo xuống lưng chừng núi, nơi có vị trí chụp toàn cảnh. Thứ ba, cần những chiếc lá vàng Mùa Thu, cây cỏ mới hòa hợp với khung cảnh, và sau cùng, địa điểm này chụp vào buổi sáng mới ra hình.

Ðứng trên lan can nhìn xuống chiếc cầu thiên nhiên sâu thẳm, biết việc săn hình chiếc cầu thiên nhiên thất bại, không ai buồn bỏ máy lên chân ba càng để chụp gỡ gạc chút hình ảnh. Kéo nhau lên xe, trực chỉ hướng đến Arches National Park. Chúng tôi cố rút ngắn đường dài, đến gần địa điểm.

Ðường chiều một mình một chợ, không một bóng nhà, con đường dài thăm thẳm. Lúc đi lên cao, lúc về xuống núi nguy hiểm cũng không kém. Nhiều lúc qua những ngọn đồn, gió thổi như muốn lật xe, tôi mới hiểu ra thế nào là “đỉnh gió hú”.

Chiếc xe lao xuống đèo cho kịp trước khi trời tắt nắng. Tôi cảm tưởng như xe không còn bám trên mặt đất nữa. Ghìm tay lái thật chặt, để xe đổ dốc tự nhiên. Thỉnh thoảng thấy chiếc xe chao đảo lạ thường. Tôi linh cản được có một biến cố đang rình rập chúng tôi. Bình tĩnh lái xe, không tỏ lộ cho các bạn biết. Xuống đến chân đèo, tôi mới cho mọi người biết sự nguy hiểm của đoạn đường.

Dừng xe bên đường kiểm soát lại toàn thể tình trạng xe, chúng tôi khám phá ra trong suốt đoạn đường xuống đèo, xe chỉ chạy có 3 bánh, bánh sau phía tài xế đã bị xì hơi gần hết, lúc này tôi mới hiểu ra, mỗi khi xe quẹo đường cong, chiếc xe như muốn bay xuống vực. Trời cũng còn thương, cho chúng tôi xuống núi an toàn, mọi người xúm lại thay chiếc vỏ xe mới rồi tiếp tục lên đường.

Từ Natual Bridges đến Bridges National Park mất gần 4 giờ lái xe, chúng tôi cố gắng mò đến được thị trấn Moab mọi người bắt đầu đi ngủ. Moab là một thị trấn cách Arches National Park khoảng 5, 7 cây số, tương đối phát triển, nhiều khách sạn, việc tìm phòng không mấy khó khăn cho những người đến trễ như chúng tôi. Sau phần ấm bụng, chẳng ai bảo ai, thẳng cẳng lên giường sau một ngày dài.

Arches National Park nằm chính giữa tiểu bang Utah về phía Ðông, sát ranh giới tiểu bang Colorado. Công viên nổi tiếng với những chiếc cổng trời (Arches) bằng đá đỏ do thiên nhiên tạo ra từ hàng triệu năm trước đây, con người văn minh ngày này không thể nào tạo dựng được cấu trúc hình thù thật đặc biệt có một không hai.

Chúng tôi tạm dịch Arches National Park là Công Viên Cổng Trời, chỉ toàn đá với trời, đã hấp dẫn cả triệu khách thăm viếng hàng năm. Các nhà khảo cổ đã tìm ra dấu vết con người đến vùng này săn bắn cả chục ngàn năm về trước. Sau đó vào khoảng 2,000 năm trước đây, các thổ dân Pueblo và Fremont đã đến vùng này định cư, săn bắn và trồng trọt hoa màu tại vùng Four Corner. Vào thế kỷ 18, Người Âu Châu bắt đầu đến sinh sống tại đây. Denis Julien định cư tại đây vào Tháng Sáu, năm 1844. Sau đó nhiều thành viên của môn phái Tin Lành Mormon từ Âu Châu tìm đường đến định cư lập nghiệp tại đây.

Ðến năm 1889, ông John Wesley cựu chiến binh trong thời Nội Chiến, đã xây nông trại Wolf bên cạnh con lạch Salt Wash, trên con đường đi đến Delicate Arche. Ðến năm 1911 ông Loren “Bish” Taylor, rồi Bác Sĩ John “Doc” William đến định cư tại vùng này.

Phong cảnh Cổng Trời ngày được loan truyền rộng rãi trong số những người di dân từ Âu Châu định cư tại các tiểu bang chung quanh, biến nơi này trở thành vùng thắng cảnh nổi tiếng.

Năm 1929, Tổng Thống Hebert Hoover đã ký nghị định công nhận khu vực Cổng Trời là công viên quốc gia được bảo vệ, cấp ngân sách để phát triển hệ thống đường sá chung quanh giúp cho sự đi lại trong công viên được dễ dàng hơn.

Vào năm 1971, Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ đã công nhận Arches National có một lịch sử và văn hóa trên 10,000 năm, đã đưa vị trí công viên được tạo hóa cấu tạo bằng đá cát màu đỏ trở thành danh tiếng hơn, quyến rũ hàng triệu du khách thăm viếng hàng năm.

Bản đồ trong tay, du khách được hướng dẫn chi tiết về việc thăm viếng công viên Cổng Trời. Theo con đường độc đạo, nhìn bảng hướng dẫn, du khách khách lần lượt sẽ được viếng thăm vùng Tháp Babel, Balanced Rock, Ham Rock, Elephant Buttes, Double Arch, Delicate Arch, Broken Arch, Pine Tree Arch, Skyline Arch và vùng Devils Garden bao gồm nhiều cổng trời, mỗi cổng một vẻ khác nhau.

Du khách bình thường đi thưởng lãm phong cảnh kiểu cưỡi ngựa xem hoa, chỉ cần 1 ngày có thể xem được gần hết các địa điểm Cổng Trời trên bản đồ hướng dẫn. Tuy vậy, sự thăm viếng đòi hỏi du khách đi bộ khá nhiều, lên đồi, vượt núi mệt nhọc mới đến được địa điểm muốn xem. Phần lớn những du khách yêu thích thiên nhiên đến đây, họ sửa soạn dụng cụ, thức ăn đầy đủ. Họ thường sống trong các xe rộng rãi tiện nghi như ở nhà hay thuê những khu vực cắm trại có tiện nghi căn bản trong vòng 1, 2 tuần lễ. Mỗi ngày họ sẽ lần theo lối mòn đã có từ ngàn xưa khác phá các khung cảnh đất đá đặc thù trong vùng.

Ðoàn săn hình chúng tôi có nhu cầu khác, mỗi người một ba lô đầu đủ các loại ống kính, phim ảnh, máy móc nặng trĩu trên vai, lần mò theo góc cạnh thích hợp nhất trước khi thâu hình.

Cái tính toàn hảo của những kẻ có “máu” săn ảnh, nhiều khi đày đọa thân xác. Họ phải tìm tòi, leo trèo, vượt suối, tìm mọi cách tạo cho mình một góc cảnh độc đáo. Nhiều lúc băng rừng, vượt núi, hàng giờ, để đến địa điểm, gặp cảnh thời tiết không thuận tiện, không đủ thì giờ leo núi hay xuống dốc cho đúng vị trí chụp hình, cũng đành nhìn nhau ứa lệ.

Lần đầu tiên đến công viên Cổng Trời, theo đoàn du khách đến các địa danh hướng dẫn trên bản đồ. Vào Mùa Hè, khu vực này đón tiếp du khách đến đây liên tục. Ðây cũng là vấn nạn cho chúng tôi, người săn ảnh cần kiên nhẫn chờ đợi lúc vắng người nhất mới thực hiện những khung ảnh đã chọn. Hoàn cảnh cho phép, chúng tôi có thể trở lại các địa điểm này nhiều lần để chụp cùng một cảnh trong các mùa, thời tiết khác nhau.

Cổng Trời nổi tiếng nhất phải nói đến Delicate Arch, địa điểm chúng tôi phải đến bằng mọi giá. Ngày đầu, loanh quanh từ điểm này qua điểm nọ, bọn chúng tôi đã thấm mệt. Tôi đề nghị mọi người dành sức, thử lửa sức khỏe trong cho chuyến băng rừng vượt núi, chụp cảnh hoàng hôn trên khu vực Delicate Arch với độ cao 4,827 thước anh (1,474 mét).

Ðoạn đường đi đến Delicate Arch khoảng 2, 3 dặm, bắt đầu từ khu vực nông trại Wolf Ranch của John Wesley, một trong những nhà khai phá đầu tiên vùng công viên Cổng Trời vào cuối thế kỷ thứ 18. Du khách qua đây vẫn còn thấy nhiều dụng cụ nông trại gần 100 mẫu đất và căn nhà đơn sơ, bằng gỗ và đất, đá trong vùng. Ông đã sống cô quạnh một mình tại đây nhiều thập niên trước khi bỏ đi, tái định cư tại Ohio để có cuộc sống thích hợp hơn.

Ðường lên đỉnh Delicate Arch ngày một cao, từng đoàn người theo đuôi nhau lần theo triền núi tiến dần đến địa điểm. Chiếc ba lô trên vai ngày thêm nặng vì dốc núi càng cao. “Máu” đam mê nhiếp ảnh đã giúp chúng tôi quên đi phần nào cơn mệt thể xác. Với riêng tôi, đây cũng là dịp tự khẳng định sức khỏe của mình trong đoạn đường “máu mê” săn hình.

Lên đến địa điểm mất hơn 90 phút, nhiều người trong tư thế chờ đợi buổi chiều tàn. Chúng tôi vội dựng chân, đo ánh sáng, lấy góc độ, sửa soạn lại máy ảnh cho thích hợp với điều kiện ánh sáng. Chân chống ba càng rung rinh trước cơn gió núi thổi ngày một mạnh. Chúng tôi đành đứng sát để giữ máy không bị đổ.

Nhìn bầu trời đầy mây đen từ đâu kéo đến che khuất mặt trời. Bọn chúng tôi e ngại, những đám mây chiều sẽ che khuất hy vọng cảnh hoàng hôn mong đợi.

Ðồng hồ điểm 6:45PM, báo hiệu cảnh hoàng hôn bắt đầu. Mặt trời vẫn còn chìm khuất trong làn mây đen dày đặc. Nhiều du khách thất vọng bỏ về. Kinh nghiệm của những lần đi săn hình trước, chúng tôi vẫn nuôi niềm hy vọng bất ngờ. Trời vào hè, ngày dài hơn đêm, cho chúng tôi thêm hy vọng hơn.

Bảy giờ gần đến, từng đoàn người thất vọng, rủ nhau xuống núi cho trước khi trời tối. Riêng bọn tôi vẫn lầm lì chờ đợi. Sườn núi dốc đầy người lúc trước, nay vắng bớt, chúng tôi men theo sườn núi, đưa chân cảng, máy hình đến gần tâm điểm, để có thể lấy Delicate Arch làm tiền cảnh cho cảnh hoàng hôn trên đỉnh núi.

Ðến được địa điểm thuận lợi hơn, nhìn xuống hố thẳm, chợt rùng mình, mới biết sự liều lĩnh của mình, chỉ cần sơ sẩy một chút, trượt chân, cái thân xác lăn xuống hố thẳm gần 5,000 thước sâu, không biết cấp cứu ra sao trong đêm tối.

Một tia sáng léo lên nơi chân trời, cơn mây đen không còn che lấp mặt trời, những ánh chiều dương cuối ngày phản chiếu lên đám mây lơ lửng trên nền trời bao la, tạo ra màu sắc tuyệt đẹp.

Bõ công chờ đợi, tiếng bấm máy từ các chiếc máy ảnh của bọn săn hình nổ liên tục cho đến màn đen bao phủ bầu trời. Toán người còn lại, đa số là người săn hình lầm lũi theo chân nhau đi trong bóng đêm để xuống núi.

Thời tiết thay đổi đột ngột, cơn bão vùng Caribbean chợt kéo đến, chúng tôi quyết định hủy bỏ chuyến đi vùng Aspen Colorado kết thúc chuyến săn hình 2 tuần của chúng tôi.

Trên đường về, có cơ hội nói chuyện thêm với hai người bạn ảnh từ Việt Nam qua. Các bạn đã cho biết không ngờ nước Mỹ hùng vĩ bao la, tiện nghi, mọi người có đời sống an bình. Họ rất ngưỡng mộ sự lớn mạnh của của người Việt trên đất Mỹ, nhất là giới trẻ của thế hệ thứ hai thành đạt tại đây.

Tôi hỏi anh K. cho biết ý kiến về nỗ lực tuyên truyền, khuyến dụ của Việt Nam có hấp dẫn thế hệ trẻ đem chất xám về xây dựng đất nước.

Anh K. lắc đầu, không tin về những nỗ lực này có thể khuyến dụ được ai. Anh cho biết thêm, những nhân tài của trong nước, chen đua nhau tìm đến Phương Tây, nhất là đến nước Mỹ, đến để học hỏi và để tìm cách ở lại đây bằng mọi giá. Tự tìm cho mình một đời sống an bình, sống đời bảo đảm, có tương lai. quên hẳn quê nhà còn nhiều khổ đau. Một điều đáng tiếc, nhưng đó là sự thật khó chối cãi.

“Tại sao”, tôi đặt câu hỏi.

“Thế giới Phương Tây, có tự do, cho mọi người cơ hội đồng đều thăng tiến. Sau 30 năm nhìn lại, chúng tôi bên nhà đều nhìn nhận cộng đồng người Việt hải ngoại vượt mức thành công và chính quyền Việt Nam cũng biết họ thất bại trong việc thu phục nhân tâm người Việt hải ngoại”, anh K. trả lời.

Tôi hỏi tiếp: “Có phương cách nào hữu hiệu, tốt đẹp hơn cho vấn đề?”

“Cứ đọc trên báo chí trong nước hàng ngày loan báo về các bê bối của chế độ, mọi người sẽ có câu trả lời cho chính mình”, anh K. đáp.

Tôi xin anh trả lời thật ngắn gọn về tương lai cho Việt nam.

Không cần suy nghĩ, anh K. trả lời: “Chỉ có tự do, dân chủ, tự do cạnh tranh trong kinh tế, lẫn chính trị mới mong chữa trị được cơn bịnh trầm trọng tại Việt Nam”.

Lâm Viên Quốc Gia Zion và Thung Lũng Bryce

Rời Las Vegas vào canh khuya, anh Lê Minh lái xe đưa chúng tôi đến quán trọ bên đường nằm giữa ba biên giới Nevada, Arizona và Utah để sáng sớm mai kịp đi chụp cảnh bình minh tại Công Viên Quốc Gia Zion. Một ngày đường dài mệt mỏi, nhận chìa khóa, chúng tôi chia nhau về phòng trọ, hẹn thức dậy 5 giờ sáng lên đường.

Ðộng lực nào thúc đẩy những người săn ảnh thức khuya dậy sớm, lặn lội đầu rừng, góc núi để đi săn ảnh, tìm cho mình một nguồn vui tốn kém. Tôi tự hỏi. Có phải săn ảnh nằm trong chữ nghiệp của nhà Phật dành cho những kẻ yêu thiên nhiên, mê nghệ thuật nhiếp ảnh, thích thong dong nay đây mai đó, ngây ngất trong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ?

Ðúng 5 giờ sáng, tiếng anh Minh trong điện thoại nhắc sửa soạn lên đường. Chúng tôi đã đi săn hình với nhiều lần với nhau, không ai muốn trễ nải, bắt người khác đợi mình.

Trời còn tối, trước khi lên xe, tôi chỉ tay lên bầu trời, như nói cho mọi biết người biết sáng nay có thể không chụp hình bình minh được vì trời có mây dày kịt.

Ðường dài hun hút, chỉ một mình xe chúng tôi thong dong trên đường núi quanh co, ngày một lên cao, mọi người trò chuyện để tự đánh thức mình, nhất là giúp “bác tài” Minh không bị cám dỗ bởi cơn ngái ngủ, chỉ sợ bác tài lạc tay lái trong khúc đường nguy hiểm.

Ðến Zion, nhìn quanh chỉ mới có đoàn chúng tôi. Cổng công viên để ngỏ, chưa bóng người làm việc. Rủ nhau đi tìm tách cà phê cho ấm bụng. Thành phố núi, dân cư thưa thớt, hàng quán sống nhờ khách du lịch, giờ này họ còn yên giấc. Chúng tôi đành chịu, lái xe quanh công viên tìm địa điểm thuận lợi cho bị việc săn hình cảnh bình minh tại đây.

Anh Minh dừng xe tại một địa điểm bên đường, khung cảnh tương đối không bị nhiều dãy núi che khuất. Mọi người sửa soạn dụng cụ cần thiết cho việc thu hình. Anh Minh tiên đoán ít có cơ hội thực hiện được cảnh chụp bình minh tại Zion. Thời tiết vùng núi vào tháng này biến đổi đột ngột so với dự báo thời tiết tối hôm qua. Khi đi săn hình có nhiều rủi ro về thời tiết, không tiên liệu trước. Anh Minh kể lại chuyến đi Việt Nam của một bạn ảnh khác, trong suốt đoạn đường dài 2 tuần lễ, trời lúc nào cũng mù mưa. Cảnh thái này chẳng khác nào hình ảnh người con gái không phấn son, nhợt nhạt khi lúc nàng mới ngủ dậy. Cuối cùng anh bạn này về tay không.

Nhắc lại kinh nghiệm của chính anh, trong chuyến đi săn hình ở Gềnh Dĩa, Việt Nam năm qua, đi từ Quy Nhơn lúc 3 giờ sáng, đến địa điểm vừa lúc trời vừa hừng sáng, mặt trời đã mọc sau làn mây đen dưới chân trời, mọi người chờ đợi mỏi mòn mặt trời ban mai, đều thất vọng. Khi tia nắng đầu tiên vừa ló dạng, mặt trời đã lên cao, đoàn săn ảnh của anh mất một buổi chụp hình bình minh sau hơn 3 giờ lái xe.

Chúng tôi đã đối phó với tình trạng thời tiết tương tự như anh Minh chia sẻ. Sau 2 giờ chờ đợi, ánh nắng chan hòa, trời quá sáng, chúng tôi cất dụng cụ, máy móc, lên xe, tìm khung cảnh tiêu biểu cho trong vùng, gỡ lại mất mát buổi sáng sớm đó.

Vùng Zion tương đối nhỏ so các với các công viên quốc gia khác. Tuy nhiên vì không xa Las Vegas bao nhiêu, cũng nằm trên tuyến đường thăm các công viên nổi tiếng khác, nên số lượng du khách thăm viếng hàng năm lên đến 2.5 triệu người.

Phần lớn du khách đến đây để cắm trại, leo núi hay đi bộ trong rừng (hiking), những trò chơi này rất phổ thông với giới trẻ thích đời sống thiên nhiên.

Zion là địa điểm nối tiếp của Bryce Cayon và Grand Canyon, khung cảnh, màu sắc tương tự, được cấu tạo bởi những băng đá đỏ. Tuy nhiên mỗi nơi có cách cấu trúc khác nhau nên tạo cảnh đẹp riêng biệt cho mỗi vùng.

Cảnh sắc Zion khác nhiều so với Grand Canyon, Bryce Canyon. Những dãy núi đá đỏ sừng sững trùng điệp vươn lên giữa trời, cây cối thưa thớt, rất khó săn hình. Chúng tôi không có đủ thì giờ để đi sâu vào khu thường được gọi Góc Hẹp (Narrows) nằm về phía Bắc sông Virgin. Anh Minh hẹn chúng tôi sẽ trở lại vùng này chụp hình cho trong lần khác, khi có thời tiết thuận tiện hơn.

Anh Minh cho biết địa điểm chính chúng tôi đến hôm đó là Thung Lũng Bryce, Zion chỉ là một địa điểm trên đường đi, giúp cho 2 bạn ảnh từ Việt trong đoàn có chút kinh nghiệm về vùng miền Viễn Tây Hoa Kỳ.

Quả thật khung cảnh Zion rất khó chụp ra hình, nếu có chỉ có tính cách nghi chép, kỷ niệm cho chuyến đi. Hai bạn từ Việt Nam, bận rộn với khung cảnh lạ. Hai chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi bạn phương xa, ung dung hít thở không khí trong lành của vùng núi.

Nghiệp săn ảnh giúp tôi học được cách suy nghĩ chấp nhận hoàn cảnh hiện hữu trong mọi tình huống của trời đất. Ði săn ảnh không nhất thiết phải có ảnh mang về. Có ảnh thì tốt. Nếu không, cũng là niềm hạnh phúc, đã được xuất hồn, thoát khỏi đời sống tù túng, công việc máy móc nhàm chán hàng ngày.

Cơn gió núi máy động mái tóc, hương thơm của thông rừng phảng phất trong gió, chúng tôi đang tận hưởng những giây phút yên tĩnh, không khí trong lành của ban mai. Một vài chú sóc núi dạn dĩ chạy nhảy quanh chỗ chúng tôi đứng, như xin xỏ chút lương thực buổi sáng.

“Bọn sóc này thân thiện nhỉ, bên tôi (Việt Nam) chẳng còn con nào, dân chúng vùng quê đói quá ăn sạch. Rừng bị phá hủy bừa bãi để lấy gỗ, nạn du canh của dân tộc thiểu số phá hại đồi núi miền Bắc một cách tệ hại. Tệ nạn đốt rừng làm rẫy đã tạm chặn đứng, tuy nhiên phải mất nhiều nhiều thập niên nữa cảnh rừng núi hùng vĩ mới trở lại bình thường. Khung cảnh thiên nhiên không được bảo vệ đúng mức như bên này (Hoa Kỳ)”, anh K. nói với chúng tôi.

Tôi đáp lại: “Cũng chẳng nên trách dân chúng, kham khổ hơn 30 năm sau chiến tranh, họ chẳng được gì. Họ phải tự sinh tồn. Chính vì một quá khứ gian khổ, ngày hôm nay mọi người có cơ hội, thi nhau vơ vét tài sản quốc gia trên mọi cấp độ, đề phòng có ngày trở lại cơn bỉ cực trong quá khứ. Có trách, nên trách chính quyền hiện tại, thắng được cuộc chiến tương tàn, nhưng đã không biết khôi phục đất nước sau chiến tranh”.

“Dân Bắc nghĩ thế nào trước và sau chiến tranh?” Anh Minh hỏi.

Chẳng suy nghĩ, anh K. buông lời “trước chiến tranh dân miền Bắc chúng tôi được kích động bởi tinh thần yêu nước, đánh đuổi người Mỹ như cha ông chúng ta chống Pháp ngày xưa. Sau chiến tranh, vào miền Nam chúng tôi mới biết những gì tuyên truyền trước chiến tranh không hoàn toàn đúng”.

Tôi hỏi tiếp: “Dân chúng Việt Nam nghĩ gì về chính quyền hiện tại?”

“Sau chiến tranh tưởng đâu Việt Nam có thể bắt kịp cùng đà tiến của vùng Ðông Nam Á. Sự thật không phải vậy, tệ nạn tham nhũng đã cản bước tiến phát triển đất nước. Chính quyền hiện nay đều biết, nắm vững vấn đề, chỉ tiếc một điều họ tham quá, bè phái chằng chịt, đất nước bị bỏ quên sau quyền lợi riêng tư. Trở lại câu hỏi của anh về cảm nghĩ của dân chúng về chính quyền. Phải nói ngay dân chúng không còn tín nhiệm, nghe theo lời tuyên truyền lải nhải hàng ngày trên guồng máy thông tin nhà nước. Dân chúng miền quê, an phận từ ngày xưa, thời kỳ nào họ cũng từ nghèo đến đói. Họ là những tầng lớp giúp ông Hồ chiến thắng liên tục trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ. Sau chiến tranh họ bị bỏ rơi, vinh quang, quyền lợi chỉ tập trung trong tay một số nhỏ chung quanh ông Hồ và bè phái sau đó. Ðối với dân thành thị, nhất là dân miền Bắc, họ ngấm ngầm chống đối, hoàn toàn mất hết tin tưởng vào chế độ. Tuy nhiên, người ta chưa thấy có một biến động nào đáng kể vì hệ thông kiểm soát ngầm rất chặt chẽ. Tin tức bị bưng bít, báo chí, truyền thông chỉ được nói những gì chính quyền cho phép”.

Tôi hỏi: “Anh nghĩ gì về phong trào dân chủ, đòi tự do tôn giáo ở hải ngoại?”

“Các tổ chức này, được chính quyền Việt Nam gọi là diễn biến hòa bình. Hành động này rất đáng khuyến khích. Cần nỗ lực hơn, vận động với thế giới làm áp lực Việt Nam có hiệu quả hơn. Tin tức bị bưng bít bên nhà, chỉ một số nhỏ người có phương tiện mới biết tin tức này. Một cách thực tế hơn, đa số dân Việt còn quá nghèo, họ phải đối phó kế sinh nhai, nên tự do, dân chủ, tôn giáo được xếp vào mối quan tâm thứ yếu trong đời sống hàng ngày của họ.” Anh K. trả lời.

Thoáng qua đã đến ngọ, anh Minh giục chúng tôi lên đường để đến thung lũng Bryce.

Từ Zion, chúng tôi men theo con đường số 8, dân đến xa lộ 89 về hướng Bắc, đổi sang hương lộ 12 để đến thung lũng Bryce. Cũng cảnh núi rừng trùng điệp chen lẫn rừng thông cao vút, mọc cheo leo bên sườn núi, dưới thung lũng, hấp dẫn du khách qua lại.

Cách một quãng, anh Minh lại dừng lại cho chúng tôi thu hình. Một nơi một vẻ kỳ lạ, những hòn núi đá đỏ tự chồng lên nhau, ngạo nghễ như thách đố đứng giữa trời bắt mắt gần 2 triệu du khách hàng năm.

Vùng Bryce là một vùng cao nguyên đất và đá đỏ. Không biết từ bao giờ, vùng này đã bị trụt xuống sau những cơn địa chấn cùng thời gian với Grand Canyon. Với thời gian đất đá bị xoi mòn vì gió và mưa, cuốn trôi đi những phần đất, đá mềm để lại những viên đá khổng lồ chồng lên nhau tạo lên khung cảnh đặc biệt ít nơi nào có.

Lịch sử cho biết, người mọi da đỏ đã đến vùng này để săn bắn trước đây 12 ngàn năm để sinh sống và săn bắn. Nhưng mãi đến thế kỷ thứ 17 sau làn sóng di dân từ Âu Châu qua, người ta mới biết nhiều về thung lũng Bryce. Năm 1875, gia đình Ebennarer Bryce thuộc đạo Mormon, đến lập nghiệp tại vùng Clifton, sau đó di chuyển lên vùng thung lũng Henderson (New Clifton). Ông Bryce đã khai phá vùng này, dẫn nước về con suối Paria, lập đường sá giao thông quanh vùng khai thác lâm sản. Người ta đã lấy tên ông Bryce đặt tên cho vùng thung lũng Bryce (Bryce Canyon) mặc dù sau này gia đình ông đã di chuyển về Arizona vào năm 1880. Công viên Bryce đã chính thức được công nhân trở thành công viên quốc gia từ năm 1924.

Thung lũng Bryce là những dải đất được cấu tạo thành hình thù nhìn giống như các đại hí viện, những lâu đài có tháp nhọn, hàng vạn ngọn nến (hoodoo) nối tiếp nhau từ thung lũng này qua thung lũng nọ một cách kỳ lạ.

Quang cảnh thật hùng vĩ, hấp dẫn du khách. Chúng tôi hoa mắt vì có nhiều cảnh để chụp. Theo lời dặn của anh Minh, chúng tôi chụp toàn cảnh một ít hình, cho giống cảnh “Card Postal” gửi khoe bạn bè. Chúng tôi kiếm tìm góc nhỏ, các khu núi hẹp, chụp các hình tượng nhô lên từ khe núi mới bớt làm rối mắt người xem ảnh. Kinh nghiệm của anh Minh đã giúp chúng tôi nhìn ra góc cạnh đặt biệt của những ngọn núi chơ vơ đứng giữa trời.

Mấy ông bạn từ Việt Nam thích thú với phong cảnh lạ mắt. Họ còn sử dụng máy dùng phim cổ điển, việc chụp hình của họ kỹ lưỡng hơn, đắn đo từng hình một. Riêng anh Minh và tôi đã chuyển qua cách chụp hình bằng máy số. Chúng tôi săn ảnh thoải mái, bấm máy không tiếc tay.

Thung Lũng Antelope - Slot Cayon

Kết thúc chuyến thăm viếng thung lũng Bryce, xuôi về Nam theo xa lộ 89 để trở lại Arizona, chúng tôi tìm đến thung lũng Antelope để đến “Slot Cayon”, chặng dừng chân thứ 3 để săn hình. Con đường rộng thênh thang như mới được tu sửa, con ngựa sắt một mình trên hương lộ, chúng tôi thong dong, vừa đi vừa ngắm cảnh dọc đường.

“Hai, ba ngày đường rồi, sao không thấy bong dáng người công an nhân dân nào hết”. Anh K. hỏi.

Tôi trả lời: “Bên này gọi là cảnh sát. Người ta chỉ thấy họ khi nào có chuyện. Khúc đường này nằm trên sa mạc, vắng người qua lại nên càng ít cảnh sát hơn”.

“Tại sao anh hỏi vậy”. Anh Minh hỏi.

Anh K. phân trần: “Ở Việt Nam đường sá đã chật chội, thêm nạn cảnh sát giao thông đón chận trên nhiều chặng đường, phiền nhiễu người lái xe ô tô. Các anh sống trong một nước văn minh, may mắn quá”.

Anh Minh hỏi tiếp: “Tại sao chúng tôi may mắn?”

“Tôi thấy các anh ít bị cảnh sát làm phiền. Tự do cá nhân không bị quấy rầy. Còn ở Việt Nam thì biết, không đầu đường nào không có một toán cảnh sát rình rập kiếm ăn là chính, kiểm soát lưu thông là việc phụ. Cảnh sát là nghề ngon ăn, ra đường là có ăn ngay. Phần lớn thành phần này là bọn là bọn biết chạy chọt, con ông cháu cha, tìm cách đưa nhau vào làm việc trong cơ quan này. Lão nào làm việc trong Công An Giao Thông một thời gian cũng béo như con lợn. Xã hội Việt Nam ngày một băng hoại, ai cũng biết, chính quyền thì làm ngơ, rút dây động rừng”, anh K. giải thích.

Gần xế chiều, chúng tôi đến Page, một thị trấn nhỏ, lèo tèo vài vài khu phố dọc đường chỉ để cung cấp dịch vụ cho du khách.

Thay vì về khách sạn lấy phòng, anh Minh đưa chúng tôi lên đỉnh ngọn đồi cao nhìn thấy toàn cảnh xuống hồ Powell và thị trấn Page. Cảnh trời bao la hùng vĩ hiện ra trước mắt, vừa nghỉ ngơi sau đoạn đường dài, vừa tiếp tục tiếp tục trò chuyện, trao đổi về đời sống đôi nơi.

Hồ Powell nằm trên nhánh sông Colorado, dòng nước bị ngăn chặn tại hồ, sau đó chảy qua đập nước Glen, tạo ra nguồn năng lượng cung cấp điện cho toàn Arizona và nhiều vùng lân cận và cũng là nguồn nước cung cấp cho 7 tiểu bang khác nhau, trong đó có California.

Ngoài kỹ nghệ thủy điện và cung cấp nước cho nhiều tiểu bang, vùng hồ Powell còn là một công viên quốc gia. Người ta có thể cắm trại, câu cá, đi băng rừng, bơi lội đua thuyền, và nhiều trò chơi khác.

Môn thể thao đầy mạo hiểm trên dòng sông Colorado được giới trẻ ưa chuộng bắt đầu từ đập nước Glen. Người ta có thể tham gia vào những chiếc bè lớn để đi trên dòng sông Colorado nằm sâu dưới mặt đất cả trăm thước, nhìn những vách đá cheo leo bên bông hay thử cơn lạnh từ các dòng suối từ trên cao đổ xuống.

Mạo hiểm hơn, tham gia vào những chiếc bè nhỏ do những tay chuyên nghiệp vượt sóng (white water) trong nhiều ngày trong dòng nước lũ để đến đập nước vĩ đại Hoover gần Las Vegas rất tốn kém.

Muốn tham dự trò chơi nguy hiểm này không phải dễ. Người ta phải ghi danh trước cả 6 tháng, may ra mới có chỗ. Cơ quan kiểm soát trò chơi này giới hạn chuyến đi hàng năm trên dòng sông Colorado, vì muốn bảo vệ môi trường, một phần vì sự nguy hiểm, nên bất cứ ai đi trên dòng sông này đều cần có giấp phép và phải có những tổ chức chuyên nghiệp đưa khách đi vượt sóng đi theo.

Anh Minh đưa chúng tôi lên ngọn núi cao để có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng Page và hy vọng chụp được một số hình ảnh của một ngày sắp tắt nơi cuối chân trời.

Trời Tháng Tư, tiết trời chưa nóng lắm, tuy nhiên hay bị mưa rào vùng núi. Nhìn chân trời phủ đầy mây đen. Chúng tôi không có may mắn được ngắm nhìn cảnh chiều tàn.

Ba ngày đường đã qua, sống cảnh cơm đường cháo chợ trong vùng sa mạc, ai trong chúng tôi cũng bắt đầu nhớ hương vị quen thuộc của món ăn Việt Nam. Vùng sa mạc, không bóng dáng người Việt chung quanh, làm sao thỏa mãn được cơn thèm chợt đến trong bữa cơm chiều.

Tôi vấn an mọi người, cứ về đến phòng trọ, sẽ đãi một chầu đầy hương vị quê hương. Trong lúc mọi người lo vệ sinh cá nhân, tôi lẻn ra chợ mua miếng bò tái, chút hành ngò, trổ tài bất đắc dĩ, nấu cho bạn món phở dã chiến đã mang theo từ ngày đầu.

Kinh nghiệm đi săn hình, giúp tôi luôn sửa soạn những lương thực kho để sẵn cho những lúc nhớ hương vị quê hương. Phở và mì ăn liền là hai thứ ít khi thiếu trong hành trang chuyến đi.

Tôi hỏi hai người bạn ảnh từ phương xa nhận xét về các món ăn Việt tại Mỹ và Việt Nam. Anh K. cho biết, mới qua anh còn xáo trộn tinh thần, chưa quen khẩu vị. Sau một thời gian ngắn, anh cảm thấy hương vị món ăn Việt tại Quận Cam ngon và có phẩm chất hơn. Ðiều kiện vệ sinh ở đây cao hơn so với bên nhà. Anh không ngờ bên đây bất cứ món ăn Việt Nam gì cũng có.

Tôi nói đùa với anh: “Qua Mỹ, chúng tôi luôn mang theo quê hương”.

Sau đêm nghỉ ngơi, mọi người tỉnh táo, sửa soạn hành trang và đồ nghề cho một ngày săn ảnh. Anh Minh bảo chúng tôi thủng thẳng không cần đi sớm, vì đi chụp hình ở “Slot Cayon” thời gian tốt nhất từ 10 giờ sáng đến khoảng 4 giờ chiều, vì lúc đó mặt trời đã lên cao, ánh sáng mới lọt vào được trong hang.

Không phải là công viên quốc gia, “Slot Cayon” được quản trị bởi Hiệp Hội Người Da Ðỏ Navajo trong vùng. Du khách không thể tự mạo hiểm, cần của sự hướng dẫn của người da đỏ. Trước hết họ muốn bảo vệ lợi nhuận du lịch trên đất của họ. Vùng này đầy cát, và đất đỏ nằm trong sa mạc rất nóng trong Mùa Hè, không an toàn cho du khách tự đi một mình.

“Slot Cayon” chia làm hai, một phần nổi trên mặt đất (Upper Slot Cayon), một phần chìm sâu dưới lòng đất (Lower Slot Cayon). Vùng này mới được khám phá vào năm 1931, cô bé Sue Tsosie, mới 12 tuổi trong lúc đi đưa đàn cừu từ Manson Mesa đến Kaibeto, cô đã khám phá ra “Slot Cayon”. Ngày nay nhiều người gọi là thung lũng Antelope. Ðôi khi cũng gọi vùng này là “Corscrew”, “Upper Antelope”, “Wind Case”, hay “the Crack”.

Ðất đá trong thung lũng Antelope tương tự như vùng đồi núi Grand Cayon, cấu tạo bởi loại đá có nhiều cát màu đỏ chia ra thành nhiều lớp có thể tách rời ra dùng trong xây cấp. Riêng “Slot Cayon” trong vùng Antelope là những hang động nhỏ, nằm lộ thiên, những hang động này được cấu tạp bởi những dòng nước lũ và gió sa mạc.

Ðường nét cấu tạo trong hang thay đổi theo thời gian, tạo nên những vân đá màu đỏ đậm nhạt tùy chỗ, bắt mắt hàng triệu du khách hàng năm.

Ðến “Slot Cayon” vào gần trưa. Khác với các công viên quốc gia, người da đỏ tự quản trị, tính chi phí cho chuyến thăm viếng khá cao so với những nơi chúng tôi vừa đi qua. Vào của tốn 6 Mỹ kim cho mỗi đầu người. Du khách bình thường còn phải trả $25 Mỹ kim cho phương tiện di chuyển và hướng dẫn viên chuyến thăm viếng kéo dài 1 giờ đồng hồ.

Riêng chúng tôi, máy móc, chân ba càng lỉnh kỉnh, ba lô trên vai được sự chú ý của nhân viên bán vé. Bà ta hỏi muốn chụp hình trong hang bao lâu. Tùy theo thời gian, bà tính thêm $10 đồng cho 1 giờ.

Hang “Upper Slot Cayon” sừng sững hiện ra trước mắt. Cửa hang tương đối rộng, càng đi vào sâu hang càng chật, đôi lúc chỉ vừa cho một người lọt qua. Hang một phần lộ thiên, nên có chỗ tối, chỗ sáng. Chúng tôi có sửa soạn, đem theo đèn của những người thợ mỏ, gắn trên đầu. Vào hang, mỗi người tự tìm cho mình một góc cạnh, đường nét đặc biệt của hang để thâu hình. Chúng tôi hẹn nhau trở lại địa điểm gần cửa để chụp cảnh ánh sáng lọt vào trong hang đúng 12 giờ trưa.

Sau bữa ăn trưa dã chiến, chúng tôi thăm viếng hang “Slot Cayuon” dưới đất với một lần chi phí nữa.

Cấu tạo của hang cũng lộ thiên, khác biệt là hang nằm sâu dưới lòng đất. Mọi người phải chui qua ngõ hẹp để xuống hang. Ðường xuống hang hiểm trở, khó khăn hơn, nhiều nơi cần dùng thang để leo xuống. Khung cảnh, cách cấu kết của đá cát đỏ cũng tương tự như hang “Upper Slot Cayon”.

Thăm viếng hang này khá nguy hiểm khi trời đổ mưa lớn. Ðây là vùng trũng nhất trong khu vực, khi có mưa lớn, nước các nơi đổ dồn về đây tạo ra cơn nước lũ chết người.

Cơn nước lũ Tháng Hai, năm 1997 đã giết chết 12 du khách khi thăm viếng vùng này. Mọi du khách sẽ nhìn thấy một bia tưởng niệm 12 nạn nhân đã mất mạng tại đây trên đường vào hang. Trong đó có 7 du khách là người Pháp, 2 người Hoa Kỳ, 1 người Anh, một người Thụy Ðiển. Sau biến cố thảm hại, người ta đã cho thiết lập hệ thống báo động an toàn, xây dựng nhiều thang sắt để cho du khách thể thoát chạy mau chóng khi có những cơn mưa sa mạc kéo đến bất thình lình.

Monument Valley

 Thấm thoát đoàn đi săn hình hơn nửa hành trình đã định, chúng tôi đã dừng chân Las Vegas, để 2 người bạn ảnh từ Việt Nam qua có dịp ghé vui chơi thủ đô cờ bạc thế giới, trước khi lên đường đi Zion National Park, Bryce Cayon, Slot Cayon (Antelope Valley) và những nơi khác.

Chuyến săn hình trong hang Slot Valley gây nhiều ấn tượng cho 2 bạn phương xa. Cách cấu trúc của hang đá màu đỏ gạch cua, hao mòn bởi dòng nước lũ, gió và thời gian từ 25,000 triệu năm qua, tạo thành những vân đá kỳ lạ, gây ấn tượng mạnh cho người mới thăm viếng lần đầu. Chìu bạn, Kim và tôi tán chuyện gẫu để mặc cho hai bạn từ Việt Nam qua, có đủ thì giờ tìm những hình ảnh đẹp cho mình.

Chuyến săn hình ở Slot Cayon vừa xong lúc xế trưa, chúng tôi dỡ món lương khô cùng nhau ăn trưa, bàn chuyện hành trình sắp đến. Anh Kim đề nghị nán lại đây thêm một đêm nữa cho mọi người thong thả, nghỉ ngơi.

Tôi đề nghị cố lên đường càng sớm càng tốt, cắt ngắn một ngày đường. Thời gian còn lại trong vùng Antelope Valley không mấy ngoạn mục so với Monument Valley. Ðoạn đường dài 4-5 giờ lái xe, cố đi, ngủ dọc đường cũng được, miễn sao đoàn đến gần địa điểm, để sáng sớm chỉ cần di chuyển một đoạn ngắn để đến gần địa điểm, kịp chụp bình minh vào sáng sớm ngày hôm sau. Mọi người đồng ý, đoàn lên đường ngay sau bữa ăn trưa, chúng tôi cố tranh thủ đến địa điểm trước giờ tắt nắng, có đủ thì giờ lấy khách sạn cho mọi người.

Lợi dụng đường xa, Kim và tôi khơi chuyện về các anh chị em nhiếp ảnh bên nhà.

“Ðời sống anh em nhiếp ảnh bên nhà cũng chật vật như bao người dân. Nhiều người phải làm 2-3 công việc khác nhau cùng một lúc để kiếm sống qua ngày. Một số làm cán bộ văn hóa, viết báo, làm hướng dẫn viên du lịch hay các nghề có liên quan đến nhiếp ảnh. Có sẵn máy móc trong tay, được đi đây đi đó, dễ có dịp săn hình so với người khác”. Anh K. tâm sự như vậy.

Anh K. cho biết thêm phần lớn người săn ảnh bên nhà còn sử dụng máy ảnh dùng phim, chỉ một số ít khá giả có phương tiện tậu cho mình một máy chụp hình bằng số (digital). Tại miền Nam đời sống kinh tế khá hơn, anh em trong đó có nhiều phương tiện hơn.

Nhiếp ảnh Việt Nam 10 năm trở lại đây gây nhiều tiếng vang trong các kỳ thi ảnh quốc tế, anh K. cho biết phong trào nhiếp ảnh Việt Nam đang có những cố gắng đặt biệt, họ rất chịu khó đi săn ảnh tại các vùng xa xôi hẻo lánh, tạo nhiều hình ảnh đặc sắc với thế giới nhiếp ảnh thế giới. Phần lớn những tác phẩm được giải thưởng đều trong phạm vi con người. Mô tả về những khuôn mặt của các sắc dân thiểu số vùng Tây Nguyên, hay sắc màu đặc sắc của các dân tộc Thượng du Bắc Việt. Những hình ảnh này hiếm có. Ngoài Việt Nam, người ta chỉ còn thấy con người cùng cực ở các nước còn lạc hậu, trong các vùng rừng già tại Nam Mỹ.

Anh Kim hỏi tiếp: “Như vậy đề tài có trùng điệp, gây nhàm chán trong người thưởng lãm?”

“Có phần đúng, tuy nhiên những tác phẩm của anh em Việt Nam về đề tài nhân bản được nhiều giải thưởng, vì các nhiếp ảnh gia khác trên thế giới ít không ai có những hình ảnh đặc sắc như vậy. Dù có lặp đi lặp lại cùng một đề tài, nhưng rất đặc thù nên luôn gây sự chú ý cho ban giám khảo”. Anh K. trả lời.

“Tại sao anh em nhiếp ảnh Việt không chọn thêm đề tài phong cảnh hay đời sống bình thường để khai thác?”

Anh K. nói: “Vấn đề nhiêu khê lắm, các anh ở nước ngoài chưa hiểu tình cảnh anh em nhiếp trong nước. Thứ nhất phương tiện thiếu thốn, giới hạn bởi kỹ thuật và máy móc làm sao cạnh tranh với các thế giới nhiếp ảnh bên ngoài về đề tài phong cảnh. Như anh biết nếu muốn đi chụp phong cảnh, cần có phương tiện di chuyển, cần có ống kính rộng, ống kính dài, máy móc tối tân. Bấy nhiêu điều kiện anh đủ thấy gây khó khăn cho nhiều anh em yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh trong nước. Thứ hai, phong cảnh, Việt Nam trong chiến tranh triền miên, kéo dài cả nửa thế kỷ, nhiều nơi bị tàn phá vì nạn phá rừng bán gỗ, môi trường không được bảo vệ đúng mức, nhiều phong cảnh đẹp bị hủy hoại vì hoàn cảnh đất nước. Thực tế hơn, phong cảnh Việt Nam khó có thể so sánh được với Trung Hoa. Do đó anh em chúng tôi đào sâu về đề tài con người đặc thù sẵn có để đi dự thi quốc tế”.

“Anh quên nói về đề tài đời sống hàng ngày trong nhiếp ảnh Việt Nam?”

“Cám ơn anh đã nhắc. Có lẽ người ta nhìn thấy quá quen thuộc, nên ít ai chú tâm. Một vấn đề tế nhị khác, nếu chúng tôi khai thác về đề tài này, có thể tự gây khó khăn cho chính mình?”

“Tại sao?”

“Anh nhớ, chúng tôi còn sống trong nền chính trị, kinh tế định hướng. Mọi người vẫn còn phải tuân theo định hướng từng ngành nghề, nhiếp ảnh của chúng tôi cũng không vượt qua các biệt lệ này. Những hình ảnh nghèo khó, tang thương đều bị lưu ý, bị kiểm thảo vì có tính các bôi bác chế độ. Thời gian sau này tương đối cởi mở chút đỉnh. Trong thời kỳ đánh Pháp, đuổi Mỹ, mọi hình ảnh về đời sống hàng ngày, nhiếp ảnh gia được chỉ thị chú trọng về các đề tài ca tụng chiến tranh, đề cao sự chiến đấu của mọi người, đề cao anh hùng tính của lớp người trẻ, thiêu thân trong cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam Bắc”.

“Trong một số tập nhiếp ảnh của Việt Nam, tôi thấy có một số tác phẩm không đạt nghệ thuật, nhưng vẫn có giải thưởng, được đề cao?” Anh Kim hỏi.

“Chúng ta đang bước vào lãnh vực khác. Giáo điều. Như đã nói ở trên, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn bị định hướng. Người đứng đầu của tổ chức phải có thẻ đỏ, theo đường lối của trung ương. Trong tất cả các ấn phẩm về nhiếp ảnh, luôn có những hình ảnh lãnh tụ tiêu biểu, cờ quạt của chế độ được dàn dựng khéo léo trong một khung cảnh đặt biệt nào đó. Những hình ảnh giáo điều này là thông hành, điều kiện cần có để nhà nước cấp giấp phép cho in ấn. Mọi tác phẩm của chúng tôi đều bị duyệt xét và cần được chấp thuận trước khi đi triển lãm, phổ biến đến công chúng”. Anh K. trả lời.

“Phương tiện giới hạn, nhiếp ảnh định hướng, tại sao phong trào nhiếp ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có nhiều người tham gia vào phong trào?”

“Lối thoát duy nhất trong hoàn cảnh chật hẹp của thực tế để anh em chúng tôi có hy vọng bước ra thế giới bên ngoài. Tóm gọn như vậy để mọi người hiểu hoàn cảnh của người cầm máy ảnh tại Việt Nam”. Anh K. đáp.

Anh Kim và tôi nhìn nhau, cảm thông với lời tâm sự của bạn mình. Riêng tôi, tự cám ơn đời sống ưu đãi đã dành cho mình, cám ơn vì có tự do, sáng tạo không bị định hướng.

Mải mê tâm sự đoạn đường dài như ngắn lại, đến Monument Valley vào lúc xế chiều. Mọi người đề nghị cho đi chụp vớt vát cảnh hoàng hôn trong vùng Monument Valley.

Tiện nghi là thói quen, tôi lo khách sạn cho mọi người trước, để tránh tình trạng ngủ ngoài xe. Thị trấn đầu tỉnh vào vùng Monument Valley tấp nập đầy du du khách. Từ khách sạn này qua khách sạn khác, mọi chỗ đều hết phòng. Họ giới thiệu chúng tôi đi ngược lại đoạn đường dẫn đến đây, may ra còn phòng để tạm trú đêm nay.

Anh em tiếc của trời, đề nghị cho đi chụp cảnh hoàng hôn trước, nếu có phải ngủ xe họ cũng bằng lòng. Chìu lòng mọi người, tôi trực chỉ con đường dẫn đến Monument Valley, mọi người mê man về sắc màu buổi chiều tàn trong khung cảnh hình vĩ núi non. Miên man trong cảnh sắc hùng vĩ, chúng tôi trở lại đầu tỉnh để hy vọng mỏng manh tìm được chỗ ngủ. Cuối cùng, chúng tôi đành chịu, đi xa gần 1 giờ lái xe mới tìm được chỗ cho mọi người.

Monument Valley, một trong kỳ quan, có người cho đó là 1 trong 8 kỳ quan thế giới. Cảnh sắc nơi đây cảnh hoàn toàn khác biệt so với Zion, Bryce Cayon, Slot Cayon hay Grand Cayon. Cảnh trong vùng này mang nét đặc thù không nơi nào có. Những ngọn núi đơn độc, ngạo nghễ, sừng sững đứng giữa khung trời bao la. Tạo hóa đã ưu đãi vùng sa mạc hoang dại này một cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn hàng triệu du khách từ Âu Châu qua.

Monument Valley ngày càng được thế giới biết đến qua điện ảnh. Khởi đầu từ thập niên 1930, giới điện ảnh Hollywood đổ ra hàng tỉ Mỹ kim để thực hiện phim ảnh lịch sử về cuộc di dân của Hoa Kỳ, các cuộc chiến giành đất của của các giông di dân từ Âu Châu với các thổ dân.

Các phim đã được dàn dựng quay tại Monument Valley: Stagecoach (1938), Kit Carson (1940), Billy The Kid (1941), My Darling Clementine (1946), For Apache (1948). She Wore A Yellow Ribbin, How The West Was Won (1962), Easy Rider (1969), Trial Bilie Jack (1974)... làm say đắm hàng triệu, triệu con tim mê điện ảnh thế giới.

Ngoài ra, Monument Valley cũng được các đài truyền hình dùng cảnh núi đồi hùng vĩ của Monument Valley làm bối cảnh cho quảng cáo, thúc đẩy dân chúng Hoa Kỳ có ước vọng sẽ có một lần viếng thăm vùng đất hùng vĩ của họ.

Với dân yêu nhiếp ảnh, thích về phong cảnh, Monument Valley là địa điểm hẹn phải đến cho những tay săn ảnh trên khắp thế giới.

Momument Valley là một công viên quốc gia, được sự quản trị bởi nhiều bộ lạc da đỏ Navajo trong vùng. Ðây là miền đất tự trị của người da đỏ. Chỉ có người da đỏ được quyền khai thác kỹ nghệ du lịch, dịch vụ. Họ được sống bất cứ nơi nào họ muốn. Tuy nhiên không được sang nhượng, bán đất đai cho người ngoài sắc dân da đỏ.

Du khách là nguồn lợi lớn lao, nằm trong tay một thiểu số biết cách hợp tác với các giới đầu tư bên ngoài. Trong khi đó, người da đỏ sống trong vùng vẫn sống trong hoàn cảnh khó khăn so với sắc dân da trắng.

Hoa Kỳ đã thành công trong việc đồng hóa dân da đỏ, được gọi là tự trị. Chánh quyền có chính sách ưu đãi giáo dục, giúp công việc cho bất cứ người da đỏ nào muốn hội nhập vào dòng chính. Nếu có khả năng vừa phải, con em của người da đỏ được ưu tiên cấp học bổng đi học bất cứ trường nào họ chọn lựa. Sau khi tốt nghiệp, đời sống văn minh, nhu cầu tiện nghị cám dỗ, họ mau chóng sát nhập vào xã hội mới, thỉnh thoảng trở lại miền đất tổ như những người du khách, quên mất nguồn gốc của mình lúc nào không biết.

Nguồn lợi kinh tế thứ hai to lớn hơn, kết hợp với các nhà đầu tư về kỹ nghệ cờ bạc, tổ chức các sòng bạc đem lại một ảnh hưởng chính trị quan trọng trong các kỳ bầu cử quan trong tại các vùng có đông người da đỏ sinh sống.

Chúng tôi lần mò vào một số bộ lạc người dân da đỏ, một phần muốn biết qua về đời sống, một phần tìm một hướng dẫn viên cho chúng tôi trong thời gian săn hình tại đây. Nhân dịp này tìm kiếm người mẫu có những nét đặc thù của giống dân da đỏ cho chuyến săn hình được trọn vẹn.

Từ bộ lạc này qua bộ nọ. Khung cảnh bộ lạc gồm nhiều túp lều bằng da thú như thường thấy trong phim ảnh không còn nữa, thay thế vào những căn nhà tiền chế xiêu vẹo. Họ sống trong hoàn cảnh còn thiếu tiện nghi, nhiều nơi không điện, nguồn nước uống trông cậy vào các giếng nước chung quanh, hay được chính quyền địa phương cung cấp hàng tuần.

Chính sách nâng đỡ, dễ dãi trợ cấp an sinh xã hội giúp người đỏ trong vùng Monument Valley khiến họ trở nên thụ động. Chính quyền địa phương không can thiệp vào nếp sống trật tự hàng ngày của dân đa đỏ. Họ chỉ can thiệp khi có lời yêu cầu của đơn vị tự trị do người da đỏ điều hành trong bộ lạc.

Nạn rượu chè, hút xách phá hủy bản chất linh động con người da đỏ, giết lần ý chí của phong trào đòi trao trả đất đai bị giống người di dân chiếm đóng trong thời kỳ lập quốc Hoa Kỳ chỉ còn là giấc mơ trong tiềm thức của người da đỏ.

Người hướng dẫn cho chúng tôi là một cựu tài xế cho nhiều công ty du lịch trong vùng. Anh mang thương tích trong người nhiều lần do việc lái xe trong cơn say. Là thổ dân, anh thông thạo đường đi nước bước vùng Monument Valley. Ði với anh chúng tôi không bị trả tiền vé vào cửa, được đưa đến một vào địa điểm bị giới hạn thăm viếng.

Khung cảnh hùng vĩ bao la của vùng Viễn Tây Hoa Kỳ bao la hiện ra trước mắt, cảnh sắc còn thiên nhiên, được bảo quản cẩn thận, từng đoàn xe nối đuôi nhau thăm viếng, mỗi nơi một cảnh hùng vĩ khác nhau, khó có giấy mực nào diễn tả hết được nét đẹp và tâm tư của những kẻ đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vùng Monument Valley.

 

Lê Minh

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art