Thứ Sáu, 03 Tháng Tám, 2012

Tượng Nữ Thần Tự Do ở New York

Tượng Nữ Thần Tự Do ở New York

Tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) nằm trên đảo nhỏ ở phía Tây Nam thành phố, ngay cửa sông Hudson đi vào hải cảng New York. Tượng bằng đồng mô tả một người đàn bà mặc chiếc áo thời La Mã, tay phải cầm ngọn đuốc giơ cao, tay trái ôm một bảng khắc, đầu đội vương miện. Tượng được khánh thành ngày 28 tháng 10, 1886 do người Pháp trao tặng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ ký kết bảng Tuyên Bố Ðộc Lập khỏi vương quốc Anh. Tượng Nữ Thần Tự Do to lớn đứng ở hải cảng New York để chào đón những di dân đi bằng tàu thuyền tới nước Mỹ, suốt hơn 124 năm qua từng là hình ảnh biểu tượng cho Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia có nền dân chủ dựa trên hiến pháp cũng là một trong những nước giàu mạnh nhất trên giới.

Từ khu Phố Tàu New York chúng tôi lái xe về hướng Nam trên đường Broadway, đến công viên Battery ở cuối đảo Manhattan sẽ gặp bến phà South Ferry để sang viếng tượng Nữ Thần Tự Do nằm ngoài đảo cách bờ chừng 2 km. Ở bến phà rất khó tìm chỗ đậu xe, thường là của tư nhân với giá khá cao nên tốt nhất đến đây bằng xe điện ngầm Subway và xuống ở trạm ga South Ferry. Từ phía bên thành phố New Jersey cũng có phà viếng tượng Nữ Thần Tự Do, bến phà ở công viên Liberty State Park nơi đây đậu xe dễ hơn. Du khách có thể đi từ bến phà New Jersey rồi khi trở về lên ở bến phà South Ferry và ngược lại. Ở bến phà có quày bán vé sang viếng tượng Nữ Thần Tự Do hoặc viếng thêm nhà Bảo Tàng Di Trú trên đảo Ellis nằm gần bờ, tuy nhiên muốn viếng cả hai nơi phải đi trước 2 giờ chiều mới có đủ thời giờ thăm cả hai đảo.

Tuy vé lên tượng Nữ Thần Tự Do được bán tại bến phà nhưng nếu muốn trèo lên vương miện, vì giới hạn số người lên đó nên thường hết vé. Do đó tốt nhất nên đặt mua trước trên Internet hay gọi điện thoại. Viếng tượng Nữ Thần Tự Do có hai loại vé: loại Crown Ticket là vé thăm cả 3 nơi là nhà Bảo Tàng dưới chân tượng, hành lang ngắm cảnh phía trên nóc của tòa nhà dùng làm bệ chân tượng và leo thang trôn ốc lên tới vương miện trên đầu tượng. Giá khá rẻ chỉ có 15 USD cho người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên, cao niên trên 62 là 13 USD và trẻ con từ 4 đến 12 tuổi là 8 USD. Loại vé không lên vương miện nghĩa là chỉ viếng Bảo Tàng và hành lang ngắm cảnh ngay phía dưới chân tượng thì giảm 3 USD cho mỗi loại vé. Còn vé xuống phà phải mua riêng cũng bằng giá vé viếng tượng Nữ Thần Tự Do mà không lên vương miện. Nếu chỉ mua vé phà không thôi thì chỉ dạo chơi công viên trên đảo Tự Do mà không vào nhà Bảo Tàng cũng như khỏi qua thủ tục khám xét về an ninh vì đề phòng khủng bố phá hoại tượng sau biến cố 11 tháng 9, 2001.

Chúng tôi đã mua vé trước trên Internet qua Website www.statueoflibertytickets.com trước vài ngày nên khi tới bến phà chỉ chờ phà sang đảo Tự Do (Liberty Island) cách bờ khoảng 2 km nên phà chạy 20 phút là tới. Phải sẵn sàng máy ảnh vì trên phà chụp những cao ốc khu Manhattan soi bóng trên mặt biển rất đẹp và tượng Nữ Thần Tự Do ngạo nghễ giữa biển trời bao la. Ðến đảo có tượng Nữ Thần Tự Do phải “check in” ở Information Center qua thủ tục khám xét rồi vào bên trong tòa nhà dùng làm bệ chân tượng nay làm nhà Bảo Tàng Tượng Nữ Thần Tự Do và bán quà kỷ niệm. Ðể lên nóc hành lang ngắm cảnh du khách phải dùng thang bộ. Trước kia có thang máy nhưng hiện nay đang đóng vì an ninh hay tu bổ gì đó? Tới nóc tòa nhà là hành lang ngắm cảnh nằm ngay dưới chân tượng, ở đây chụp ảnh, đi một vòng ngắm cảnh, nghỉ mệt sau đó tiếp tục vào bên trong để leo cầu thang bên trong bức tượng để lên chiếc vương miện trên đầu tượng.

Ðường lên vương miện

Ðường lên vương miện cũng khó khăn nhọc nhằn như trèo lên Vạn Lý Trường Thành, tuy không xa và mệt như trèo Vạn Lý Trường Thành nhưng ở đây lại nóng và ngộp! Nếu không đi thì không biết, nên khi tới New York là phải thăm tượng Nữ Thần Tự Do mà đến tượng rồi thì phải lên vương miện. Vương miện đã đóng cửa từ ngày khủng bố 11 tháng 9, 2001 mới mở lại nhân ngày Quốc Khánh 2009 vừa qua. Phải trèo 146 bậc thang trôn ốc bằng sắt mà chiều ngang rất hẹp chỉ vừa một người đi, tôi trèo hơi chậm nhưng những người phía dưới cũng kiên nhẫn chờ và bước chậm theo sau. Mỗi giờ chỉ cho vào 3 toán và mỗi toán khi lên tới phần đầu tượng bên trong vương miện chỉ cho vào mỗi lần 10 người. Ði bên trong tượng chỉ nhìn thấy chằng chịt những khung sắt có phần ghê rợn nhất là nóng bức vì không khí thường cao hơn bên ngoài khoảng 15 đến 20 độ F. Phía trong vương miện nhìn ra ngoài bằng 25 cửa sổ nhỏ, khung cửa lớn nhất cao khoảng 18” (46cm) nên tầm nhìn cũng giới hạn chỉ thấy một phần trời đất bên ngoài. Hôm nay có gió nên phần đầu tượng đong đưa tới lui, tuy được cho biết là an toàn nhưng cũng có cảm giác rờn rợn. Theo tài liệu khi xây tượng người ta để một độ hở cho đầu tượng di chuyển tới lui trong khoảng cách 3 inches (76mm) trong trường hợp sức gió lên đến 50 miles/giờ (80km/giờ) và ở phần cây đuốc cao hơn người ta để độ hở là 5 inches (130mm). Thà cho xê dịch còn hơn làm khít khao sẽ bị gãy đổ khi bị bão tố. Thời tiết xấu hay an ninh đe dọa, tượng được đóng cửa và hoàn lại tiền vé còn không thì dời lại ngày khác.

Kiến trúc tượng

Tượng Nữ Thần Tự Do lớp bên ngoài làm bằng đồng nguyên chất khi mới có màu đỏ nhưng nay màu xanh xám là vì phản ứng hóa học giống như rỉ sét do tiếp xúc với muối biển và những chất khác trong không khí. Lớp vỏ đồng bên ngoài được treo và nâng đỡ bằng hệ thống giàn giá bằng sắt bên trong thân tượng. Tượng diễn tả một người đàn bà vận chiếc áo choàng thời La Mã gọi là “stola”, đầu đội chiếc vương miện có 7 mũi nhọn tượng trưng cho tia nắng của vầng thái dương, chân tượng mang dép xăng đan đạp trên sợi dây xích đứt đoạn. Cánh tay mặt cầm ngọn đuốc đưa thẳng lên cao, riêng ánh lửa hiện nay được mạ vàng sáng loáng và tay trái ôm một tấm bảng khắc ngày 4 tháng 7 năm 1776 bằng số La Mã (VII IV MDCCLXXVI) là ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập. Tượng cao 151 ft (46m) được đặt trên một bệ (pedestal) bằng đá hình chữ nhật phía dưới là phần nền móng hình ngôi sao 11 góc khiến tượng có tổng chiều cao là 305 ft (93m).

Lịch sử bức tượng

Một nhóm chính trị gia Pháp muốn có một món quà trao tặng nước Mỹ nhân dịp đánh dấu 100 năm ngày độc lập của Hoa Kỳ nên giao cho nhà điêu khắc Frédéric Bartholdi sứ mạng thiết kế một bức tượng nào đó và phải hoàn tất trước năm 1876. Bức tượng ông Bartholdi đề xướng có tên Nữ Thần Tự Do gây nhiều dư luận trong chính trường Pháp vì thời ấy tuy với chính thể dân chủ Ðệ Tam Cộng Hòa nhưng một số chính trị gia trong chính quyền Pháp muốn trở lại chế độ quân chủ có vua chúa hay ít ra cũng tự do dân chủ một nửa như dưới thời Hoàng Ðế Napoléon.

Tượng nhỏ dùng làm mẫu bằng đất nung được đắp năm 1870 (hiện được trưng bày trong Bảo Tàng Nghệ Thuật Lyon) và tượng đúc bằng đồng tỉ lệ nhỏ do nhóm Mỹ kiều ở Paris trao tặng thành phố Paris ngày 13 tháng 5, 1885 hiện còn lưu giữ ở Ile des Cygnes bên Pháp. Ðiêu khắc gia Bartholdi đặc trách xây tượng khi sang Ai Cập thấy kinh đào Suez mới xây có hải đăng to lớn ở cửa biển nên ông nảy sinh ý tưởng phải xây tượng Nữ Thần Tự Do thật to lớn vĩ đại và đặt ngọn hải đăng trên đó. Về Pháp ông đề nghị người Mỹ xây chân tượng còn Pháp sẽ trách nhiệm đúc tượng thật lớn và ráp ở Mỹ. Nhóm làm tượng ở Pháp ráo riết chương trình gây quỹ với những buổi hòa nhạc do nhạc trưởng Charles Gounod dàn dựng ở hí viện Paris Opera với đề tài “Tự Do Thắp Sáng Thế Giới” cũng như tổ chức xổ số và gây quỹ được khoảng $250,000. Ở Mỹ cũng có chương trình gây quỹ tương tự để kiếm tiền xây chân tượng.

Ông Bartholdi phải tìm kỹ sư về cấu trúc vì tượng đồng quá lớn phải làm giàn giá vững chắc bên trong nhất là đặt ở cửa biển thường bão tố và ông giao cho Gustave Eiffel (người thiết kế tháp Eiffel) có nhiệm vụ điều nghiên làm cây cột sắt chống đỡ với những sườn sắt để dựng được cái vỏ tượng đồng đứng lên vững vàng. Ông Eiffel được phụ tá trợ giúp chi tiết là kỹ sư về cấu trúc Maurice Koechlin. Ông Bartholdi muốn tượng hoàn tất và giao cho Hoa Kỳ đúng ngày 4 tháng 7 năm 1876 nhưng không kịp vì những trở ngại bất ngờ, lúc đó chỉ cánh tay phải cầm cây đuốc đã xong. Cánh tay ấy được vội chở sang Mỹ và trưng bày trong Hội Chợ Kỷ Niệm 100 Năm Ðộc Lập mở tại Philadelphia, khách viếng phải trả 50 xu để leo cầu thang lên ngọn đuốc. Số tiền được bổ sung vào ngân khoản xây tòa bệ chân tượng. Ở Paris nhân Hội Chợ Paris năm 1878 phần đầu bức tượng được trưng bày trong công viên Trocadéro Palace cũng như những phần khác của bức tượng được đưa ra cho công chúng xem ở Công Trường Chiến Thắng gần Khải Hoàn Môn.

Bên Mỹ đảo nhỏ tên Bedloe trước kia có đồn lính Fort Wood hình ngôi sao nằm gần hải cảng New York được Hạ Viện chấp thuận bằng đạo luật ngày 3 tháng 3, 1877 là nơi đặt tượng Nữ Thần Tự Do theo ý kiến của ông Bartholdi và ngày 18 tháng 2, 1879 giấy chứng nhận chủ quyền thiết kế (Design Patent) bức tượng được cấp cho ông Bartholdi mô tả rõ ràng về bức tượng cũng như họa đồ. Bên Pháp việc gây quỹ đã hoàn tất vào tháng 7, 1882 nhưng bên Mỹ vẫn còn thiếu tiền để xây chân tượng do kiến trúc sư Richard Morris Hunt phụ trách nên việc xây phải ngưng lại. Chủ báo “The World” là ông Josepth Pulitzer (sáng lập giải Pulitzer) dùng tờ báo của mình đứng ra hô hào chỉ trích những nhà tài phiệt không đóng góp cho bức tượng, nhờ vậy tài chánh cũng có thêm và công việc được tiếp tục vào tháng 5, 1885.

Bức tượng được đưa tới hải cảng New York vào ngày 17 tháng 6, 1885 bằng chiến hạm Pháp tên “ Isère” chạy bằng hơi nước do thuyền trưởng Lespinasse De Saune chỉ huy. Ðể chuyên chở không cồng kềnh, tượng được tháo ra làm 350 mảnh nhỏ xếp trong 214 thùng gỗ. Hoa tiêu hải cảng là Joseph Henderson hướng dẫn chiến thuyền “Isère” vào vịnh New York và cặp bến an toàn vào đảo Bedloe. Ðảo này mãi tới năm 1956 mới chính thức đổi tên thành đảo Liberty (Tự Do) mặc dù người ta đã gọi tên đó từ đầu thế kỷ.

Vận động tài chánh xây chân tượng kết thúc ngày 11 tháng 8, 1885 và chân tượng hoàn tất ngày 22 tháng 8, 1886 sau khi 2 cặp gồm 8 đà sắt khổng lồ được chôn trong bê tông đưa thẳng lên nhằm nối kết giữa bệ chân tượng và sườn sắt của thân tượng. Những phần của bức tượng sau 11 tháng nằm trong thùng chứa chờ đợi chân tượng hoàn thành nay được mang ra đem ráp vào mất 4 tháng. Ngày 28 tháng 10, 1886 khăn che tượng Nữ Thần Tự Do được Tổng Thống Grover Cleveland vén ra trước hàng ngàn cử tọa, trước đây ông này khi còn là thống đốc tiểu bang New York đã từng... phủ quyết dự luật cấp $50,000 để xây chân tượng! Mười năm sau đó nước Mỹ đã tặng lại cho Pháp 10 triệu đồng trong các chương trình từ thiện.

Tượng Nữ Thần Tự Do có nhiệm vụ như ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè từ ngoài khơi đi vào cảng New York từ năm 1886 đến 1902 và đặt dưới quyền quản lý của Hội Ðồng Hải Ðăng Hoa Kỳ. Ðây là ngọn hải đăng của Mỹ đầu tiên dùng đèn chiếu sáng chạy bằng điện có thể thấy từ ngoài khơi cách xa 24 miles (39km). Ngọn đèn hải đăng ban đêm quyến rũ hàng trăm chim biển bu vào và nằm chết dưới bệ tròn quanh ngọn đèn. Mỗi ngày người quản đăng giữ ngọn đèn phải ra dọn dẹp. Trong thời Ðại Chiến Thứ Nhất, năm 1916 vụ nổ kho thuốc súng do đặc công Ðức Quốc Xã phá hoại làm hư hại tượng Nữ Thần Tự Do, mức thiệt hại tính theo thời giá hiện nay là 2 triệu đồng và người ta thay ngọn đèn bằng lồng đèn hình ngọn lửa với kính cửa sổ nhà thờ màu vàng. Năm 1986 thay lồng đèn bằng ngọn đuốc có những ánh lửa là những miếng kim loại dát vàng được chiếu sáng bằng những ngọn đèn spotlights từ phía dưới rọi lên. Sau biến cố 9-11 đảo Liberty đóng cửa và mở lại vào tháng 12, 2001 và tượng được mở trở lại cho du khách viếng ngày 3 tháng 8, 2004. Vương miện và thang trôn ốc bên trong được mở cho du khách lên viếng từ 4 tháng 7, 2009.

Tượng Nữ Thần Tự Do chân đạp xích xiềng nô lệ, tay cầm ngọn đuốc soi đường đứng ở cửa biển đi vào New York hơn trăm năm đã từng chào đón không biết bao nhiêu đoàn người tỵ nạn từ Âu Châu đi thuyền tới nước Mỹ sau một cuộc hải hành gian nan liều chết ra đi. Có thể nói gia đình tôi là một trong số người đó, ngày 30 tháng 3, 1979 từ trại tỵ nạn Thái Lan chúng tôi đã vào nước Mỹ qua cửa phi trường New York. Trên chính quê hương bị ngược đãi kỳ thị trong khi trên xứ người được ân cần chào đón và chúng tôi đã lập cuộc đời mới, đóng góp ít nhiều trên đất mới. Trở lại đây thăm Nữ Thần Tự Do để nói lời cám ơn, mong ánh đuốc Tự Do của Bà soi rọi khắp mọi miền trên thế giới, xua tan bóng tối bất công, áp bức để mọi người được tự do, hạnh phúc...

Trịnh Hảo Tâm

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art