Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2012

Thành phố Marseille

MARSEILLE

Marseille là hải cảng xưa nhất và lớn nhất của nước Pháp và là một thành phố quốc tế, đầy màu sắc và lý thú. Marseille được thành lập bởi các nhà hàng hải Hy Lạp đến từ vùng Phocée vào thế kỷ VII trước Thiên chúa Giáng sinh và cùng với Provence đã được hợp nhất vào nước Pháp vào năm 1481. Marseille có 797.491 dân và là đô thị lớn thứ hai của Pháp. Marseille là trung tâm cảng, công nghiệp và thương mại to lớn.

Thành phố chiếm một vị thế tuyệt vời, nằm sâu trong đáy của một cái vịnh có bốn bề là núi đá vôi trắng xóa nhưng đồng thời lại rộng mở huớng ra biến Địa Trung Hải với sóng nước màu thiên thanh. Miền duyên hải của Marseille có 57 km chiều dài trong đó Calanques chiếm 24km. Một mặt đặt chân trong nước, mặt khác lưng quay về phía các ngọn đồi bao quanh. Marseille chiếm một diện tích 240 km2 (gấp hai lần diện tích Paris. Khí hậu ở đây dịu nhờ gió nhẹ thổi vào từ biển (brise de mer). Không khí khô ráo, ít mưa nhưng nặng hạt.

LỊCH SỬ THÀNH LẬP THÀNH PHỐ MARSEILLE BẮT ĐẦU TỪ MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH

Với lịch sử thành lập 2600 năm, Marseille là thành phố cổ nhất của nước Pháp.Truyền thuyết lưu truyền rằng Marseille ra đời là do câu chuyện tình giữa một chàng thủy thủ trẻ tuổi phiêu lưu đến từ Hy Lạp và nàng công chúa bản địa người Ligure.Vào khoảng năm 600 trước Thiên chúa Giáng sinh một số thủy thủ lái buôn người Hy Lạp từ Phocée (một địa danh gần với Smyrme ngày nay, thuộc Turquie) mạo hiểm đổ bộ lên bờ Lacydon (tức Vieux Port ngày nay). PROTIS, thủ lãnh của các thủy thủ này đi tìm gặp thổ dân người Ligure lúc đó sống trên một ngọn đồi quay lưng ra biển. Những người Ligure bản xứ tỏ ra hiền hoà với các ngoại nhân đầy thiện ý này.

 

Theo truyền thuyết sự tình cờ đã đưa đẩy các thủy thủ phocéen đến vào đúng ngày thủ lĩnh người Ligure đang muốn tìm một chàng trai để kết hôn với con gái của mình là công chúa GYPTIS.Theo tục lệ, sau một buổi khiêu vũ tình tứ, nàng công chúa sẽ đặt ly ruợu dưới chân ý trung nhân mà nàng sẽ chọn. Và thế là MASSALIA ra đời do tiếng sét ái tình đánh trúng vào Protis, chàng trai phiêu bạt giang hồ đến từ Phocée. Như vậy Marseille đã trở nên thành phố đầu tiên của cái quốc gia mà sau này gọi là nước Pháp lúc đó chưa ra đời. Marseille ra đời trước cả khi mà Lutèce (tức Paris) được sinh ra từ đám sương mù đầm lầy của Ile de la Cité.

Suốt thời thượng cổ rồi thời trung cổ, thành phố Marseille phát triển ở bờ phía bắc của Cảng.Việc chọn nơi này làm đô thị không phải là không có lý do: một mặt được che chở bởi 3 ngọn đồi (Saint-Laurent,Les Moulins và Les Carmes),một mặt được các đảo Pomègues và  Ratonneau tạo nên hàng rào phòng ngự thiên nhiên. Ngoài ra còn được hưởng nguồn nước trong lành của Lacydon (Vieux Port). Chỉ vào năm 1666 dưới thời vua Louis 14 thành phố mới được mở rộng về phía nam. Nhà vua cũng ra lệnh xây 2 thành lũy để trấn giữ lối vào Cảng: Fort Saint Nicolas ở bờ bắc và Fort Saint Jean ở bờ nam.

MARSEILLAISE

Marseillaise là bài quốc ca của Pháp.Bài hát này được sáng tác bởi sĩ quan công binh Pháp tên là Claude-Joseph Rouget de Lisle

   - 20/4/1792: Rouget de Lisle lúc đó là đại úy sĩ quan đồn trú ở Strasbourg vào lúc Pháp tuyên chiến với Áo rồi sau đó với Phổ.Ông thuộc Tiểu Đoàn Những Đứa Con Của Tổ Quốc.

    - 25/4/1792,Thị Trưởng của thành phố Strasbourg Frederic de Dietrich tổ chức một buổi lễ hội yêu nước trong đó có Rouget de Lisle tham dự. Ông vừa là thi sĩ vừa là nghệ sĩ tài tử đàn violon.Ở địa phương ông đã nổi tiếng với các bài hát ca ngợi tự do.Trong buổi dạ hội,ông và bà Dietrich cũng như các tướng lãnh Binh Đoàn Sông Rhin yêu cầu ông thực hiện một bài quân ca để cổ võ tinh thần binh lính.Sau đó đại úy Rouget de Lisle trở về nhà ở đường La Mésange.

 Đêm đó ông sáng tác Bài Chiến Ca Quân Đoàn Sông Rhin. Ông đã viết 6 đoạn (couplets) và sáng tác nhạc trên chiếc đàn violon của ông. Ngày hôm sau, Rouget de Lisle đi gặp ông thị trưởng lúc đó đang ở trong vườn và trao cho ông bản nhạc mà ông đã sáng tác. Sau khi Rouget de Lisle ra về,  Dietrich liền đánh bản nhạc này trên chiếc đàn clavecin của ông và đánh giá bài hát của Rouget de Lisle là thật quá tuyệt vời. Do đó ông triệu tập các tướng lãnh và bạn bè đã hiện diện đêm hôm trước và đề nghị họ đến để thưởng thức bài hát do Rouget de Lisle vừa mới sáng tác.Thế là Bài Chiến Ca đã được Rouget de Lisle hát lần đầu tiên ở phòng khách của ông Thị trưởng, qua phần đệm đàn clavecin của bà Dietrich. Và rồi bài hát được phổ biến và lan tràn trong các buổi hội họp của các sĩ quan đồn trú.

 Ngày 29/4/1792, Bài Chiến Ca được trình diễn công khai ở Strasbourg bởi ban nhạc Vệ Binh Quốc Gia trước sự hiện diện của 8 tiểu đoàn.Sau đó bài nầy được hát ở Lyon, Montpellier và cả nước Pháp. Bài Le Chant de Guerre Pour L’Armée du Rhin được phổ biến lan rộng đến tận miền Nam nước Pháp và được hát ở Marseille ngày 22/6/1792 bởi bác sĩ Mireur. Thật vậy, viên y sĩ trẻ tuổi này đến từ Montpellier để gia nhập tiểu đoàn các nghĩa quân marseillais. Vào lúc yến tiệc, mọi người được yêu cầu cho nghe bài hát của mình. Bác sĩ Mineur liền leo lên bàn và bắt đầu cất cao tiếng hát bài ca ngợi Quân đoàn Sông Rhin. Một lần nữa bài hát được tiếp đón một cách nồng nhiệt. Ngày hôm sau báo chí Marseillais đăng tải lời và nhạc của bài hát.Trong lúc lên đường tiến về Paris,các nghĩa quân Marseillais cùng tiểu đoàn Montpellier đã hát liên tục bài hát này.

 Trên đường hành quân qua các phố phường làng mạc,các nghĩa quân tiếp tục cất cao tiếng hát và số người tình nguyện gia nhập đoàn quân ngày càng lớn dần lên.Cuối cùng tiểu đoàn các nghĩa quân Marseillais tiến vào Paris và tham gia vào cuộc nổi dậy ở Palais des Tuileries ngày 10/8/1792, vừa cất cao tiếng hát bài chiến ca cách mạng này.Từ đó bài hát được đặt tên là MARSEILLAISE.

MARSEILLE : TERRE D’ASILE 

Marseille từ bất cứ lúc nào trong lịch sử thành lập và phát triển,đã là đất tị nạn và thu nhận( Terre d’asile et d’assimilation).Thật vậy trước hết thành phố có tên là Massalia khi những người Hy lạp từ Phocée đổ bộ vào đây.Rồi sau đó vào năm 48 trước Thiên chúa Giáng sinh thành phố đổi tên là Massilia sau khi rơi vào tay Đế Quốc La Mã của César. Tiếp đến là lãnh địa của Wisigoth rồi Ostrogoth.

Lần lượt đổ bộ vào đây trước hết là dân Hy Lạp,sau đó là các di dân,nạn nhân đến từ Latin,Do Thái,Arménie,Ý,Corse,Tây Ban Nha và sau hết là Maghrébin (bao gồm dân đến từ Tunisie,Algérie và Maroc), Việt Nam, Căm bốt, Phi châu...Vào năm 1822, dân Hy lạp đổ xô tới đây sau đợt thảm sát ở Chios bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Các dân tị nạn sau đó đã trở nên thợ giày,thợ may,dân chài cá, thương gia... Vào cuối thế kỷ 19 đến lượt dân Ý ồ ạt đổ vào sau khi bị khánh kiệt bởi cuộc khủng hoảng nông nghiệp.

Cuộc diệt chủng ở Arménie năm 1915 rồi sau đó cuộc chiến tranh giành độc lập của người Thổ năm 1922 đã kéo vào Marseille hàng ngàn người Arménien và Hy lạp. Henri Verneuil (1920-2002), nhà điện ảnh nổi tiếng thế giới, là con của một dân nhập cư người Arménie.Ông sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trải qua thời thơ ấu ở Marseille.

Từ năm 1925 một làn sóng nhập cư khác đưa những người Ý chống fascite tới định cư ở đây. Yves Montand (1921-1991),diễn viên điện ảnh đồng thời là ca sĩ nổi tiếng, sinh ở Toscane (Ý).Gia đình của ông định cư ở Marseille và ông đã trải qua thời thơ ấu ở thành phố cảng này. Ông đã phải làm việc trong một xưởng làm xà phòng lúc 11 tuổi,rồi làm phu bến tàu.Có thời ông thất nghiệp không có việc làm.Nhưng rồi ông dần dần nổi danh.Trước hết ông là nghệ sĩ nhạc thính phòng (music-hall) trong các khu phố bắc Marseille. Đến năm 1939 ông trình diễn ở L’Alcazar. Chính nơi đây sự nghiệp sáng chói của ông bắt đầu.

Cưới Simone Signoret năm 1949, và ông là diễn viên điện ảnh trong gần 50 bộ phim. Năm 1960 ông quay phim cùng với Marilyn Monroe.Là nghệ sĩ có tư tưởng tả khuynh chịu dấn thân tranh đấu, nhưng ông đã xa lánh Liên Xô khi Hồng quân can thiệp vào Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc.Cho đến cuối đời,ông không ngừng tranh đấu cho Nhân quyền, kề vai sát cánh bên cạnh Tổ Chức Ân Xá Quốc tế.

Việc nhập cư người Maghrebin đã có từ lâu. Đầu thế kỷ 20,dân Bắc Phi nhất là Algérien được đưa vào hàng loạt để làm việc trong các nhà máy dầu,nhà máy đường và các nhà máy chế biến kim loại.Họ sống chủ yếu trong khu phố La Porte d’aix

BOUILLABAISSE

Ở Marseille người ta thường hay nói rằng: LES POISSONS VIVENT DANS L'EAU ET MEURENT DANS L'HUILE D'OLIVE (cá sống dưới nước và chết trong dầu olive ). Quy tắc này được áp dụng đúng nghĩa đối với món BOUILLABAISSE nổi tiếng này. Chữ Bouillabaisse phát xuất từ tiếng địa phương BOUILLABAISSO có nghĩa là « ça bout et on abaisse le feu » (sôi thì bớt lửa lại). Một lời giải thích kỳ cục hơn cho rằng nước canh (bouillon) này là do một nữ tu sĩ tạo ra. Khởi thủy món ăn này là món ăn của dân chài cá mà thành phần bao gồm những con cá quá nhỏ hay bị hỏng không bán được ở chợ cá.

BOUILLABAISSE do đó vốn là thức ăn của người nghèo. Nhưng ngày nay để ăn món BOUILLABAISSE thứ thiệt ở restaurant giá in nhất phải 40 Euro mỗi người!! Có một bài hát với lời ca: Pour faire une bonne bouillabaisse, il faut se lever de bon matin (để làm một món bouillabaisse ngon lành, phải thức dậy thật sớm vào buổi sáng).Nếu có thể phải đặt mua trước những poisssons de roche.. người ta sẽ dọn cho bạn trước hết là món canh với rouille (sauce rouge du pigment d'Espagne) và các croutons, sau đó là cá luộc sôi và nung đỏ hoe với dầu olive. Hương vị cũng quan trọng như cá : muối,tiêu,hành,cà chua,nghệ,tỏi...

ZINEDINE ZIDANE

ZINEDINE ZIDANE sinh năm 1972 trong các khu phố Bắc của Marseille.Gốc Algérie, anh lớn lên trong một khu cư xá nghèo,ở đây anh đã say mê bóng tròn từ hồi còn rất trẻ. Ở trường anh chỉ nghĩ đến bóng đá. Với sự đồng ý của bố, anh hết mình lao vào đam mê của mình và đầu quân vào Đội Bóng Thiếu Nhi của Pháp. Năm 16 tuổi anh là trung vệ cho đội bóng thành phố Cannes. Năm 18 tuổi anh trở nên cầu thủ thực thụ của đội bóng đá.

 Là cầu thủ dẫn bóng  (meneur de jeu) của Đôi Tuyển Pháp trong trận chung kết Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới năm 1998, ZIdane đã ghi 2 bàn thắng quyết định trước đội tuyển Brésil và giành cúp vô địch cho nước Pháp. Tòan thể nước Pháp đã hô to ZIZOU (biệt hiệu của Zidane). Đêm hôm chiến thắng, chân dung khổng lồ của Zidane được chiếu lên KHẢI HOÀN MÔN và Zidane trở nên biểu tượng cho sự hội nhập (intégration) kiểu Pháp. Ở Marseille chân dung của anh chễm chệ trên La Corniche de Marseille.

FORT SAINT JEAN

Fort Saint Jean bao gồm Tour Carré (còn gọi là Tour du Roi René), Tour du Phare (còn gọi là Tour du Fanal) và các thành luỹ (fortifications) mà nhiệm vụ là trấn giữ cửa bắc của cảng và là nơi xưa nhất của thành phố.Vào thế kỷ 13, ở lối vào cảng (Port),ở ngay chỗ mà ngày nay là Tour Saint Jean đã có một tháp canh gọi là Maubert. Sau khi Marseille bị cướp phá bởi quân của Alphonse Aragon năm 1423, vua René quyết định cho xây một công trình quan trọng hơn để thay thế Tour Maubert: đó là Tour Carré và Tour du Phare  (nhìn ra biển).

Vào thế kỷ 17,các thành lũy mới được xây dựng và bao gồm hai tháp này trong một tổng thể gọi là Fort Saint Jean. Vào thời đó, việc xây dựng các thành lũy Saint Jean cũng như Saint Nicolas là nhằm hai mục đích: răng đe dân Marseillais (có tiếng hay làm loạn) và bảo vệ cảng chống ngoại xâm. Việc chống xâm lăng thì chưa bao giờ xảy ra vì vậy pháo đài chỉ đóng vai trò răng đe đối với dân chúng mà thôi. Ngày nay FORT SAINT JEAN còn có một lối đi dạo dọc theo thành mà từ đây du khách có thể chiêm ngưỡng Jardin du Pharo ở bờ nam đối diện.

 

FORT SAINT NICOLAS

Vào thời trung cổ ở đây có một nhà thờ nhỏ gọi là Chapelle Saint Nicolas và một tháp phòng ngự (tour de défense) được vua Charles d’Anjou cho xây vào thế kỷ 13 .Vào thế kỷ sau đó tháp được làm lớn ra và thành luỹ được xây dựng thêm. Tháp này nằm đối diện với một tháp khác ở bờ bắc của Vieux Port gọi là Tour Maubert. Cả hai tháp có nhiệm vụ bảo vệ lối vào cảng. Năm 1660 sau khi khuất phục được Marseille, vua Louis 14 cho xây một pháo đài hình sao thay cho tháp phòng ngự cũ. 

Pháo đài Saint Nicolas được xây dựng từ năm 1660 đến 1664.Cũng như Fort Saint Jean và Fort du Château d’If, pháo đài Saint Nicolas chỉ đóng vai trò răng đe đối với dân Marseille và chưa bao giờ được sử dụng để chống lại ngoại xâm. Mặc dầu bị cắt đôi bởi Boulevard de l’Empereur năm 1862, Fort Saint Nicolas vẫn là thành trì đẹp nhất của vùng Provence.

PALAIS DU PHARO

Mãi đến thế kỷ thứ 19,các du khách tham quan Marseille đặc biệt sững sốt về sự thiếu vắng các công trình nghệ thuật trong thành phố. Có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng nguyên nhân thường nêu lên là các thương gia giàu có chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mà không nghĩ đến vẻ yêu kiều của thành phố.Theo tục lệ thời đó ở Marseille mọi gia đình giàu có sẽ mua một bastide (nhà nhỏ ở nông thôn miền nam nước Pháp) ở ngoại vi thành phố,đôi khi với giá cao.

Dưới sự thúc đẩy của Louis Bonaparte (muốn tìm cách mua chuộc Cảng Marseille không muốn ông làm Hoàng Đế) thành phố Marseille bắt đầu thấy nở rộ với sự xuất hiện của các cung đình và các dinh thự nguy nga tráng lệ đẹp tuyệt vời. Những đại lộ lớn như Le Prado và La Corniche được mở ra. Để nêu gương, Louis Bonaparte đã dùng phí tổn riêng để xây cho mình Palais du Pharo (1858-1860) ở mỏm đá Pharo ngay trên eo cảng (passe du port). Việc xây dựng dinh thự này là do ước nguyện của Louis Bonaparte thời đó muốn có một ngôi nhà có đôi chân nằm trong nước (résidence les pieds dans l'eau) và đã giao phó cho Hector (kiến trúc sư của Điện Louvre) thiết kế xây dựng. Nhưng sau đó hoàng đế không bao giờ đặt bước chân của ông vào dinh cơ này và đã tặng palais cho vợ mình là Hoàng Hậu Eugénie. Sau khi Napoléon đệ tam mất Hoàng Hậu tặng dinh cơ này cho Thành Phố. Ngày nay, Palais du Pharo có một công viên, với một thính đường có 900 chỗ ngồi và nhiều phòng hội họp.

HOTEL DE VILLE

Nằm ở Quai du Port, được xây dựng bằng đá hồng (pierre rose) năm 1663. Là nơi hiện nay là Hotel de Ville, trước đây kể từ thế kỷ 13 là Maison de Ville, nơi hội họp của các thương nhân và các quan chấp chính (consuls).Chỉ từ thế kỷ 17 Hotel de Ville mới được chính thức xây dựng do lệnh của Louis 14. Tượng bán thân của vua Louis 14 đặt ở chính diện toà nhà là công trình của nhà điêu khắc marseillais Nicolas Galinier. Trước Hotel de Ville là Ferry-Boat (mà các tác phẩm của Marcel Pagnol đã làm nổi tiếng), thực hiện nhiều lần trong ngày việc đưa khách từ Quai du Port qua Place aux Huiles.

LA CANEBIERE

La Canebière là đại lộ nổi tiếng nhất của Marseille.Tuy nhiên La Canebière không phải là con đường dài nhất và cũng không phải là cổ nhất của Marseille. Đại lộ này được xem như là biểu tượng của Marseille,được đại chúng hóa qua một bài hát của Vincent Scotto: “elle part du Vieux Port,et sans effort,elle va jusqu'au bout de la terre,notre Canebière”. Thật vậy đại lộ chạy dài từ Vieux Port (từ đây các con tàu với các thủy thủ sẽ xuất phát để đi khắp năm châu bốn bể) theo một đường dốc thoai thoải lên đến l'Eglise des Réformés. Sở dĩ đại lộ được gọi là Canebière là vì trước khi trục lộ được khai thông vào hậu bán thế kỷ 17 thì đây chỉ là một vùng đất đầm lầy trên đó mọc các cây gai dầu (canabis hay canebe theo tiếng provençal).Từ các sản phẩm thu hoạch các tù nhân khổ sai sẽ dệt thành các dây thừng, vải buồm tàu. Dọc đại lộ không bao giờ có cây mà chỉ có những ngọn đèn (lampadaires) mà thôi.

La Canebière đã từng là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân và văn sĩ. Joseph Conrad, người đã từng sống ở Marseille ba năm rưỡi,đã gợi lại đại lộ này trong hồi ký của ông: “Pour moi,la Canebière a été une rue qui menait vers l'inconnu”. Và đối với Edmond About : « La Canebière est une porte ouverte sur la Méditerranée et sur l 'univers entier;car la route humide qui part de là fait le tour du monde ».Vào hậu bán thế kỷ 20 với sự cáo chung các thuộc địa, đại lộ mất đi vẻ hào nhoáng ngày xưa.

       Phần dưới đại lộ trước khi đến Vieux Port là Palais de la Bourse (trong toà nhà này là Phòng Thương Mãi cổ nhất của nước Pháp và có thể nói của toàn thế giới), tọa vị ở Place du Général De Gaule.

LE PALAIS DE LA BOURSE

Là Phòng Thương Mãi và Công nghiệp (Chambre de Commerce et d’industrie) của Marseille. Nằm ở Place du Général de Gaule, trên đường nối dài của Đại Lộ La Canebière. Đây là Phòng Thương Mãi cổ nhất thế giới, được thành lập năm 1599. La Bourse, ngoài những hoạt động kinh tế,còn là nơi tọa vị của Viện bảo tàng Hàng hải và Hải ngoại (Musée de la marine et d’outre-mer).

Dinh thự này là công trình được xây dựng theo phong cách Đệ Nhị Đế Chế của kiến trúc sư Marseillais Pascal Xavier Coste.Đây là toà nhà đầu tiên được thực hiện với sườn nhà bằng kim loại. Là dinh thự đầu tiên được xây dựng dưới thời Đệ Nhị Đế Chế, Palais de La Bourse mở đầu một thời kỳ vô tiền khoáng hậu xây dựng các công thự ở Marseille.

       Ông Hoàng Louis Napoléon Bonaparte đã đặt viên đá đầu tiên ngày 26 tháng 9 năm 1852. Mặt tiền được trổ bởi 5 arcade và được trang trí bởi những biểu hiện của hàng hải, thiên văn, nông nghiệp, thương mãi và công nghiệp. Trang trí điêu khắc này hoàn toàn dành cho lịch sử vinh quang của nền thương mãi của thành phố Marseille

NOTRE DAME DE LA GARDE

Vào năm 1214, tu viện trưởng Abbaye de Saint-Victor cho phép tu sĩ ẩn dật (ermite). Thầy Pierre xây dựng một chapelle trên đỉnh cao nhất của ngọn đồi Colline de La Garde (162m, điểm cao nhất của thành phố). Nhà thờ này sau nhiều năm tháng đã trở thành một nơi hành hương quan trọng. Năm 1477, một chapelle mới được xây dựng thay thế cho cho nhà thờ cũ. Năm 1524, vua François Đệ Nhất cho dựng một pháo đài trên Montagne de la Garde và đồng thời cho mở rộng và cải tạo nhà thờ cũ.Trên cửa pháo đài ngày nay ta còn có thể thấy phù hiệu in hình 3 hoa huệ và con kỳ nhông, biểu hiệu của vua François Đệ Nhất.

 

Năm 1853, sau rất nhiều lần thương thuyết, một nhà thờ mới được dựng lên sau khi phá hủy nhà thờ cũ. Năm 1853, sau rất nhiều lần thương thuyết, một nhà thờ mới được dựng lên sau khi phá hủy nhà thờ cũ.Thật vậy phải thuyết phục Bộ Chiến Tranh từ bỏ pháo đài và xây dựng thay vào đó một Basilique rộng lớn hơn có thể chứa một số lượng lớn người hành hương (mỗi năm có đến trên 1,5 triệu người hành hương). Chính kiến trúc sư Espérandieux (tác giả của Nhà Thờ La Major) đã thực hiện việc xây dựng này theo cùng kiểu romano-byzantin của Nhà Thờ La Major.

Basilique Notre Dame de La Garde được phong thánh ngày 4 tháng 6 năm 1864.Trong suốt nhiều thế kỷ,các người hành hương đặt tên cho basilique này là Bonne Mère (Đức Mẹ Tốt Lành) vì cho rằng Nhà Thờ đã che chở họ.Trên đỉnh Tháp Chuông là tượng Đức Mẹ Đồng Trinh lấp lánh với chiều cao 9,70m, trọng lượng 4500kg, được mạ vàng nguyên chất (phải cần đến 29.400 lá vàng lá để thực hiện công trình này). Từ sân Nhà Thờ Notre Dame de La Garde du khách có được tầm nhìn với vòng tròn 360 độ lên toàn cảnh thành phố Marseille

CHATEAU D'IF

VŨNG TÀU MARSEILLE được khép lại về phía biển bởi Quần đảo Frioul. Quần đảo này gồm các đảo: Ile d'If,Ile Ratonneau, Ile Pomègues. Đảo If là đảo nhỏ nhất của quần đảo, có chiều dài 300m và chiều rộng 180m(3 hectare).Tuy là đảo nhỏ nhất nhưng lại là đảo nổi tiếng nhất vì đảo lấy tên của lâu đài được biết đến nhất là Château d’ If.

Năm 1524, do lệnh của vua François đệ nhất,đảo được xây cộng sự để phòng thủ chống lại mọi cuộc tấn công bằng đường biển của quân thù. Vào cuối thế kỷ XVI công trình được hoàn chỉnh bởi một vòng đai pháo đài bao quanh đảo. Vì pháo đài không bao giờ bị tấn công nên người ta cho là xây pháo đài trên đảo đã chẳng ích lợi gì, nhưng vua François đệ nhất đã có cái nhìn rất chính xác: Château d’if đã đóng một vai trò trong việc buộc quân tấn công phải kiêng dè.

Từ năm 1634, Château d’If trở thành nhà tù quốc gia. Giam ở đây không những bọn vô lại, những người tù khổ sai bất trị mà còn có những ông hoàng, các nhà quý tộc quấy rối (Mirabeau bị giam giữ ở đây 6 tháng), những người theo đạo Tin lành, những người nổi dậy trong cuộc Cách Mạng 1848 và các chiến sĩ Công Xã Paris. Nhưng người tù nổi tiếng nhất lại là Edmond Dantès, nhân vật hư cấu của tiểu thuyết Le Comte de Monte Cristo (Bá tước Kích Tôn Sơn) của Alexandre Dumas. Ở Château d’If du khách có thể tham quan nhà tù (cachot) nơi giam Edmond Dantès. Mặc dầu không có thật trong thực tế nhưng khách tham quan có thể tìm thấy cái lỗ mà ông ta đã đào trong xà lim lúc bị giam.

Château d’If được xếp hạng công trình lịch sử năm 1926. Để đi tham quan quần đảo bạn hãy đến Quai des Belges ở Vieux Port rồi mua vé khứ hồi giá 10 Euro để đi Iles du Frioul. Tàu đậu ở bến sẽ đưa bạn ra khơi Vieux Port. Đứng trên bong tàu lộng gió bạn có thể thấy thành phố cảng xa dần. Bạn có thể quan sát vô số con tàu sắp xếp ngăn nắp nơi bến cảng.. Rồi bạn sẽ thấy ở bờ phía bắc xuất hiện Fort Saint Jean với Tour Carré và Tour du Phare. Xa hơn bạn sẽ thấy Cathédrale de La Mayor lấp lánh vô cùng lộng lẫy như trong các chuyện thần tiên.

Ở bờ phía nam, xuất hiện Fort Saint Nicolas, rồi Palais du Pharo sừng sững trên Promontoire de Pharo. Những kỳ quan này sẽ biến mất nhanh chóng khỏi tầm nhìn của bạn khi con tàu vượt sóng hướng về ILE D'IF. Một hòn đảo nhỏ nằm giữa đại dương đã đi vào huyền thoại và bất tử qua tiểu thuyết bất hủ Bá Tước Kích Tôn Sơn mà có thời đã làm các bạn say mê lúc còn niên thiếu. Tàu sẽ ghé bến để đón khách ở Đảo Frioul và sẽ quay ngược trở lại để trở về bến Cảng.Thời gian của hành trình dài  khoảng 1tiếng rưỡi đồng hồ. Đây là một địa điểm không thể bỏ qua nếu bạn có dịp đi tham quan thành phố cảng Marseille.

LA CATHEDRALE DE LA MAJOR


Có 2 Nhà Thờ cùng mang tên LA MAJOR và ở cùng một vị trí: đó là La Vieille-Major và La Nouvelle-Major. Được xây dựng từ năm 381, Vieille-Major là nhà thờ cổ nhất của Marseille và đã được nhiều lần tu sửa. Nhưng bên cạnh Nouvelle-Major thì Vieille-Major chỉ là một bóng mờ. Vào thế kỷ XIX,Marseille trải qua một thời kỳ phồn vinh diệu kỳ được thể hiện trên bình diện quy hoạch đô thị bởi sự khai thông các trục lộ mới và sự xây dựng các công trình nghệ thuật, trong đó có Nhà Thờ Nouvelle-Major này.

Vua Napoléon Đệ Tam đã đặt viên đá đầu tiên năm 1852 nhưng công trình cần đến 40 năm mới hoàn thành. Nhà thờ là công trình của kiến trúc sư Vaudoyer và sau đó được kế tục bởi học trò của ông là Espérandieux (kiến trúc sư của Notre-Dame-De-La-Garde Nhà thờ được xây dựng phong phú bởi các vật liệu khác nhau: đá lục Florence, đá trắng Calissane, mosaique de Venise. Được kiến trúc theo kiểu byzantin, nhà thờ có kích thước nguy nga và lộng lẫy có thể so sánh với nhà thờ Saint-Pierre-De-Rome. Gian giữa (nef central) cao 20m, dài 142 m,có mái vòm (coupole) đường kính 17,7m. Nouvelle-Major là nhà thờ lớn nhất từ thời trung cổ của Pháp. Nằm chìa ra trên biển do độ sáng được hấp thụ nên nhìn từ xa nhà thờ có một vẻ lấp lánh rất đẹp.

LA FONTAINE CANTINI

Năm 1774 Hầu Tước của Castellane cống hiến cho thành phố một khu đất gần Porte d’italie. Hội đồng Thị chính quy hoạch tại đây một quảng trường mang tên nhà mạnh thường quân này (Place de Castellane). Đầu thế kỷ 19 nhà kiến trúc sư Michel-Robert Penchaud dựng một đài tháp (obélisque) ở giữa quảng trường. Năm 1911, Jules Cantini, thợ đá hoa người Marseille nổi tiếng đã tỏ ra hào phóng với các đồng hương khi xây và trao tặng cái fontaine đồ sộ này để trang điểm trung tâm quảng trường. Các hình điêu khắc chính bao gồm Marseille  (trên đỉnh của cột),La Méditerrannée, La Durance,le Rhone,le Gardon, là công trình do nhà điêu khắc André Allar thực hiện năm 1911.

ARC DE TRIOMPHE

Nằm ở PLACE JULES-GUESDE,còn được gọi là PORTE D'AIX.Được xây dựng năm 1825 bởi kiến trúc sư PENCHAUD để đánh dấu sự phục hồi triều đại BOURBONS.Nhưng năm 1830 do sự thay đổi chế độ,ARC DE TRIOMPHE trở thành nơi cử hành lễ kỷ niệm các trận đánh FLEURUS, HELIOPOLIS, MARENGO và AUSTERLITZ. Rồi thì khẩu hiệu lại thay đổi tùy theo sở thích của các nguyên thủ quốc gia sau đó. Ngày nay tượng đài này dần dần bị lãng quên bởi dân marseillais và khu vực bị tràn ngập bởi khu phố bình dân.Tuy vậy khách du lịch không thể hững hờ trước công trình lịch sử này với nghệ thuật trang trí tuyệt vời của nó.

PALAIS LONGCHAMPS


Palais Longchamps (1862-1869) chỉ thuần là một bài hát ca ngợi nước. Quả là như thế vì thời đó nước đối với Marseille không phải là dễ tìm. Đô thị từ lâu thiếu nước và vào thế kỷ 19 vấn đề càng trở nên tệ hại hơn,đặc biệt là trong thời kỳ dịch tả hoành hành năm 1835.Thành phố từ lâu chỉ được tiếp nước bởi hai con sông l’Huveaune và le Jarret nhưng lưu lượng nước bấp bênh và thất thường.Trên hải cảng này nước đôi khi còn hiếm hơn cả nghệ hoặc lụa.

Năm 1838,Hội Đồng Thị Chính đã ủy nhiệm kỹ sư công chánh Franz Mayor de Montricher xây một kênh đào để đem nước từ sông Durance vào Marseille. Công trình xây con kênh dài 85 km này kéo dài 10 năm. Ngay từ lúc bắt đầu dự án, người ta đã dự kiến xây một tháp nước hoành tráng ở Marseille để ca ngợi con kênh đào này.  

      Chính Henri Espérandieu,kiến trúc sư của Notre-Dame de la Garde đã được chọn để xây dựng tháp nước này, một trong những công trình đặc sắc nhất dưới thời Đệ Nhị Đế Chế,với hàng cột hùng vĩ tạo thành vòng bán nguyệt quanh một đài nước đồ sộ mà phối cảnh thể hiện sự dồi dào và độ màu mở gắn liền với nước của kênh đào.

     Trang trí điêu khắc được uỷ nhiệm cho các nghệ nhân nổi tiếng nhất thời đó.Nhà điêu khắc động vật nổi tiếng Antoine Louis Barye đã sáng tạo các con sư tử và hổ ở lối vào,còn đài nước là công trình của Jules Cavelier.Đài nước thể hiện con sông Durance được bao quanh bởi các hình tượng tượng trưng cho nho và lúa mì đặt trên một chiếc xe tải và được kéo bởi các các con bò đực vùng Camargue.

 Đại Linh (18.4.2007)

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art