Thứ Năm, 02 Tháng Tám, 2012

Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của các Đức Giáo Hoàng

Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của các Đức Giáo Hoàng

Sau 19 ngày nghỉ hè ở miền Lorenzago di Cadore, đông bắc Italia, từ chiều 27-7-2007,  ĐTC Biển Đức XVI đã về cư ngụ tại Castel Gandolfo, trong dinh thự mùa hè của các vị Giáo Hoàng cách Roma lối 25 cây số, một cảnh trí thật đẹp ở cao độ 426 mét, nhìn xuống hồ Albano. Dinh thự này được Đức Gioan Phaolô 2 đã gọi đùa là ”Vatican số hai”, còn Đức đương kim Giáo Hoàng gọi là ”Quê hương thứ hai” của ngài.

Thị trấn Castel Gandolfo chỉ có gần 8 ngàn dân cư và rộng 470 cây số vuông. Riêng khu vực dinh thự, vườn và nông trại của Tòa Thánh rộng khoảng 55 hecta, tức là lớn hơn Quốc gia thành Vatican 11 hécta.

Mùa hè ở Roma thật nóng bức, ẩm thấp và khó thở, nên người ta thường tìm đến những nơi thoáng khí hơn. Thời xa xưa, Hoàng đế Domiziano của La Mã, sau khi lên ngôi vào năm 81 sau Chúa Cứu thế giáng sinh, đã cho kiến thiết một dinh thự tại địa điểm ngày nay là Castel Gandolfo và hiện vẫn còn di tích tại đây. Nhưng sau khi hoàng đế bị ám sát vào năm 96, biệt thự huy hoàng của ông đã bị bỏ hoang và trở thành đối tượng cho các vụ cướp phá đủ loại cho tới thế kỷ 17.

Thời Trung cổ, các vị Giáo hoàng cũng thường tìm cách tránh cái nóng nực ở Roma và tới khu vực Castel Gandolfo, vừa thoáng khí vừa có phong cảnh đẹp đẽ hơn. Các vị thường có đoàn tùy tùng đông đảo đi theo, và trọ tại nhà của các hồng y ở trong vùng này. Tới thế kỷ 17, Đức Giáo hoàng Urbano 7 Barberini thấy rằng vị thủ lãnh Giáo Hội đi ở nhờ mãi cũng bất tiện, nên đã quyết định kiến thiết biệt thự Castel Gandolfo với sự trợ giúp của em ngài là ông Barberini, và mỗi năm hai kỳ ngài đều ra nghỉ tại đây.

Đức Giáo hoàng Piô 12 là người đã dần dần biến Castel Gandolfo thành nơi làm việc, chứ không còn là nơi nghỉ ngơi, như trước đây nữa. Ngài chuyển thời khóa biểu từ Vatican tới đây, với các buổi tiếp kiến, các buổi canh thức cầu nguyện, nghiên cứu các hồ sơ và chuẩn bị các văn kiện Tòa Thánh. Trong thời thế chiến thứ II, 10 ngàn người ở Castel Gandolfo và các vùng phụ cận đã tị nạn trong khu vực của Đức Giáo hoàng để tránh các cuộc bố ráp và lùng bắt của quân Đức Quốc Xã. Trong vòng mấy tháng tại đó, đã có 45 hài nhi ra chào đời và thường được rửa tội với tên thánh thứ hai là Piô hoặc Pia, để ghi ơn và nhắc nhớ Đức Giáo Hoàng Piô 12 bấy giờ. Sau thế chiến, các giới chức hữu trách tại Vatican đã cho tu bổ lại vườn Castel Gandolfo, và hiện nay, có 15 nhân viên làm vườn đảm nhận việc bảo trì những khu vườn rộng lớn. Khi không có ĐTC tại Castel Gandolfo, vườn này cũng được mở cho các nhóm du khách có đăng ký trước đến thăm viếng. Nhưng trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 4, 5 ngàn du khách mà thôi, ưu tiên dành cho những người quan tâm về lịch sử, nghệ thuật và khảo cổ.

Đức Gioan Phaolô 2 cũng tiếp tục thói quen làm việc như vậy, và mỗi ngày hai lần, các nhân viên mang hồ sơ từ phủ quốc vụ khanh Tòa thánh tới Castel Gandolfo cho ngài cứu xét chung kết và quyết định. Ngoài ra, trong mùa hè, ngài cũng thường mời các chuyên viên, các giáo sư đồng nghiệp với ngài ở Ba Lan trước kia, đến cư ngụ tại Castel Gandolfo, để cùng bàn luận và đào sâu các vấn đề liên quan đến giáo hội và thế giới ngày nay. Đàng khác, vì là người ưa thích thể thao, nên sau khi đắc cử giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô 2 đã cho xây một hồ tắm cỡ nhỏ trong biệt thự Barberini cũng là dinh giáo hoàng, với sự tài trợ của Hiệp hội những người Ba Lan tại Mỹ. Ngài cũng dành nhiều giờ để đi dạo trong vườn và bao giờ cũng dừng lại cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại đây.

ĐTC Biển Đức 16 cũng duy trì nhiều tập tục do các vị tiền nhiệm để lại, và lưu ngụ tại đây trong mùa hè và dịp nghỉ khác, như sau lễ Giáng Sinh hoặc Phục Sinh. Mỗi tuần vào sáng thứ tư, ĐTC thường đáp trực thăng trở về Vatican để tiếp kiến các tín hữu hành hương. Tuy nhiên, nếu số tín hữu hành hương đăng ký dự buổi tiếp kiến chỉ vào khoảng 3 ngàn, thì có thể là buổi tiếp kiến diễn ra ngay tại Castel Gandolfo. Các buổi đọc kinh truyền trưa chúa nhật và đại lễ, được ĐTC chủ sự tại khuôn viên dinh thự mùa hè này.

Ngoài ra, trong mùa hè này, ĐTC Biển Đức 16 sẽ rời khỏi Castel Gandolfo ít là hai lần khác nữa: một là cuộc gặp gỡ hàng trăm ngàn bạn trẻ Italia vào đầu tháng 9 tới đây tại Loreto, hai là cuộc viếng thăm mục vụ của ngài tại Áo từ ngày 7 đến 9-9 sắp tới.

Nhiều nhân vật đạo đời, các GM về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, sẽ được được ĐTC tiếp kiến tại Castel Gandolfo.

Theo thông lệ, ngày 15-8, lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, ĐTC cử hành thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ thánh Tôma Villanova ở Castel Gandolfo. Khác với vị tiền nhiệm, ĐTC Biển Đức 16 dành rất nhiều giờ cho việc đọc sách và viết lách, nên không thường xuyên đi đạo nhiều trong vườn Castel Gandolfo.

Cũng nên nói thêm rằng cạnh dinh thự mùa hè của ĐTC tại Castel Gandolfo có một khu nhà của ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Không xa đó, cũng có một khu nhà thuộc Bộ truyền giáo. Cho đến thời gian cách đây hơn 30 năm, các đại chủng sinh trường truyền giáo thường đến đây nghỉ hè chung với nhau. Thói quen này sau đó được bãi bỏ. Khu nhà đó được dùng làm Trung tâm đào tạo các giáo lý viên thuộc các xứ truyền giáo. Những năm gần đây, trung tâm này được dời về Roma, và nay chương trình đào tạo giáo lý viên không còn nữa.

Do quyết định của ĐHY Ivan Dias, người Ấn Độ, đương kim Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Trung tâm Phaolô 6 cạnh trường Truyền giáo, đào tạo các nữ tu, sẽ được di chuyển tới Castel Gandolfo kể từ tháng 9 tới đây. Trong số các nữ tu sẽ theo học tại Trung tâm này có 15 chị người Việt Nam thuộc các dòng khác nhau. Các chị thường học ngành giáo lý truyền giáo được tổ chức ngay tại Trung Tâm Castel Gandolfo.

LM. Trần Đức Anh, OP

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art