Chủ Nhật, 05 Tháng Tám, 2012

Chợ côn trùng Tịnh Biên

Chợ côn trùng Tịnh Biên

 

Các keo nhựa đựng rượu ngâm côn trùng bày trước chợ Tịnh Biên.

 

Bù kẹp núi

Một phụ nữ bán bù kẹp.

Chợ Tịnh Biên, thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, khá khang trang và bề thế, tọa lạc trên khu đất rộng nhưng chẳng có lấy một bóng cây. Tháng Tư Âm lịch, đầu mùa mưa, nắng chang chang như đổ lửa. Bọc quanh chợ, cửa Tây và cửa Nam, là hai dãy hàng quán bán cơm và nước giải khát được xây cất tạm bợ bằng cây tạp và mái tôn. Giữa trưa, mặt trời đứng bóng, ngồi ăn cơm, uống nước tại một trong nhiều hàng quán này, chúng tôi như “bốc cháy” cùng ánh nắng gay gắt của mặt trời miền biên giới!

Nhưng có một điều khiến chúng tôi chú ý là trên mặt bàn có 3 keo nhựa đựng những con vật lạ lẫm trong một thứ nước trắng đục và có màu nâu sậm. Hỏi anh chàng chạy bàn tên Tuấn mới biết đó là rượu thuốc trị nhức mỏi, đau khớp mãn tính, bổ thận, tráng dương. Tuấn nói đó là rượu do anh ngâm mối chúa, bù kẹp (bò cạp núi) và bửa củi (bổ củi) để bán kiếm thêm tiền “cà phê”. Rượu ngâm mối chúa tính con (8,000 đồng/con) mà bán, còn rượu ngâm bù kẹp thì 100,000đ/lít, rượu ngâm bửa củi giá 70,000 đồng/nửa lít. Chỉ có rượu ngâm bù kẹp và bửa củi mới ngâm chung với thuốc Nam hái trên núi.

Tuấn nói bửa củi và bù kẹp săn bắt trên núi quanh đây, còn mối chúa trước kia ở đây cũng có nhưng bây giờ phải “nhập” từ Campuchia. Anh kể: “Ở đây người ta qua lại biên giới hà rầm vì cán bộ hai bên biết dân ‘ba sọc’ (người sống ở biên giới, thẻ căn cước có ba sọc trên góc). Bên Miên (Tà Keo, Campuchia) ổ mối nhiều vô số. Người ta phá ổ mối lấy đất làm nền nhà, làm vách tường, đẹp ‘ác liệt’ không thua gì xi măng. Mỗi ổ mối chỉ có một con mối chúa, bự cỡ ngón tay cái, trắng nõn với cái bụng anh ách sữa. Nhưng săn bắt mối chúa cũng phải là người có tay nghề, biết kỹ thuật, ‘tay ngang’ lớ quớ không thể tìm ra, mà có bắt được con mối sẽ chết queo sau đó”.

Muốn bắt mối chúa phải có con mắt kinh nghiệm mới lần tới nơi nó trú ngụ sau khi phá ổ mối và bị hàng ngàn hàng vạn con mối lính, mối thợ tấn công không khoan nhượng. Bắt được mối chúa rồi ngắt bỏ đầu, ngâm ngay trong rượu, nếu không nó chết, không còn giá trị dược liệu. Tuấn chỉ tay về phía chợ Tịnh Biên nói: “Bên đó người ta bán rượu này nhiều lắm”.

Bên ngoài, quanh nhà lồng chợ Tịnh Biên, phía cửa Tây và cửa Nam, có khoảng 20 điểm bán một số rượu ngâm côn trùng. Chỗ nào cũng có khoảng trên chục keo nhựa đặt chồng lên nhau “chào hàng” với khách.

Chị Lê Thị Thắm cho biết loại rượu này bán rất chạy, dân Sài Gòn và các tỉnh khác tới đây mua, đâu chỉ có đàn ông, mà cả đàn bà con gái cũng thích thú móc hầu bao. Ngày thường, chợ Tịnh Biên tiếp nhận khoảng hai ba ngàn khách, Thứ Bảy-Chủ Nhật, số người đổ về đây tăng gấp đôi. Người ta đi cúng Bà (Bà Chúa Xứ núi Sam), ghé đây trước khi đi du lịch Hà Tiên. Hỏi một ngày thu nhập được bao nhiêu tiền, chị ỏn ẻn cười: “Cũng kiếm ăn qua ngày. Dịp Vía Bà Chúa Xứ (21 đến 24 Tháng 4 Âm lịch) thì ‘trúng đậm’ vì khách thập phương từ núi Sam đổ dìa đây nhiều lắm, và hầu như ai cũng mua mấy con nầy”.

Chị cho biết giá mối chúa 7,000 đồng/con, bù kẹp 1,000 đồng/con, bửa củi 500 đồng/con... Hỏi bửa củi bắt ở đâu? Chị cười nói: “Thì ở trong rừng, núi, nhứt là bên Miên. Loại này chỉ có mấy ông mua thôi, vì chỉ có một công dụng là...” Rồi chị cười e lệ không nói tiếp!

Gần bên chị Thắm là chị Trần Thị Sậm đang nhanh tay mang găng thật dầy bắt từng con bù kẹp cho vào bịch nylon bán cho khách. Người ta đứng bu quanh chị. Hỏi bù kẹp bán sao vậy, một bà khách mua cho biết 15,000 đồng 1 chục (10 con) (bà này bị “chặt đẹp” mà không biết, vì nơi khác chỉ bán 1,000 đồng/con thôi). Chị Sậm vừa trao bịch nylon bù kẹp cho bà khách vừa căn dặn: “Dìa ngâm rượu gốc, thêm thuốc Bắc càng tốt, 2 tháng sau là ổng uống được, rồi bà ‘khen’ ổng cho coi”.

Khách vãn, tỉ tê trò chuyện, chị Sậm cho biết số bù kẹp này do chồng chị, anh Chau Soc Kha, bắt trên núi. Mời chị lon nước thảo mộc “Dr. Thanh”, chị nhiệt tình kể: “Ði núi bắt bù kẹp phải biết phân biệt đâu là hang dế (nhỏ), đâu là hang rắn (lớn và láng), và đâu là hang bù kẹp (dẹp). Lớ quớ không biết rớ nhằm hang rắn thì bỏ mạng. Biết hang bù kẹp rồi, lật đá qua một bên, dùng cuốc đào, lấy tay bới một chút là bắt được chúng bằng chiếc kẹp sắt. Khi bắt bù kẹp phải cẩn thận, nếu không sẽ bị chúng phun nọc độc vô mắt, sưng và nhức cả tuần lễ lận...”

Gần đó cũng có một điểm người ta xúm nhau xem việc mua bán loài côn trùng này. Lân la hỏi một người đàn ông cao tuổi tướng tá khá tráng kiện mua và uống thuốc rượu này lần nào chưa, ông nói ngay: “Chưa, nhưng nghe đồn dữ quá nên mua về uống thử”. Rồi ông phân tích: “Ở Sài Gòn người ta bán bò cạp tới 3,000 đồng/con lận, mua ở đây rẻ hơn lại có giá trị dược liệu hơn”. “Sao vậy?” “Vì ở Sài Gòn là bò cạp nuôi, cho ăn dế, phổi heo, phổi vịt... đâu sánh bằng bò cạp hoang dã sống ở núi rừng, ăn cây thuốc”...

Chợ Tịnh Biên là nơi bán nhiều vải vóc, quần áo cùng một số hàng mỹ phẩm, phần lớn có xuất xứ từ Thái Lan. Nhưng bạn tôi nói bên trong chợ, nơi những hàng ăn uống, có phục vụ đặc sản địa phương, là bù kẹp chiên giòn. Anh nói cái thứ bù kẹp này chiên xong, dọn ra bàn, bốc mùi thơm đến nôn nao bụng dạ. Gắp một con, cắn nhẹ, nghe tiếng “bụp” từ thân con vật vang nhỏ cùng lúc chất béo từ “bộng” nó lan tỏa khắp các chân răng, mặt lưỡi, nhưng đã đời hơn là khi được hớp một ngụm rượu ngâm bù kẹp. Nghe mà bắt thèm!

Theo nhiều người “biết chuyện”, bụng bù kẹp mới là nơi “độc” nhất của con vật. Nó là phần ngon nhất, ngoài có vị nhân nhẩn của cỏ cây thuốc mà nó tích tụ còn có vị béo bùi đặc trưng mà không côn trùng nào có được. Ngoài ra người ta còn làm món bù kẹp lăn bột chiên bơ. Anh Lê Phước Lợi sống ở thị trấn Tri Tôn, An Giang, cho biết từ 6-7 năm nay, hai món này đã được bán ở quán Lộc, quán Nghệ, quán Gió Chiều, giá 30,000đ/dĩa, còn bù kẹp sống thì 2,500 đồng/con.

Không biết lý do gì mà bây giờ giá của loài côn trùng nhỏ cỡ ngón tay út (nhỏ hơn mấy năm trước), đen bóng này tuột xuống “thê thảm” như vậy, dù nó đã bị săn bắt kịch liệt từ nhiều năm qua?!

Phóng sự củaCát Tường/Người Việt

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art