Thứ Hai, 30 Tháng Bảy, 2012

Khám phá hồ Truồi

Khám phá hồ Truồi

Bao trọn chuyến xe taxi của hãng Mai Linh ở Huế với giá 600.000 đồng cho chín người đi, chúng tôi đã có một ngày nghỉ cuối tuần thật vui vẻ để khám phá bí mật hồ Truồi, nơi có thiền viện Trúc Lâm – Bạch Mã.

Cách Huế chưa tới 30 cây số. Không biết tự bao giờ cái tên xứ Truồi đã tồn tại cùng với địa danh xứ Huế để rồi ta có núi Truồi, sông Truồi, làng Truồi, dâu Truồi, cả gái Truồi nữa và giờ đây có thêm hồ Truồi.

 Hồ Truồi

Quang cảnh hồ Truồi kỳ vĩ hoang sơ và ấn tượng. Khởi công xây dựng từ năm 1996, đập Truồi cao 50 mét tạo nên dung tích lòng hồ đến 60 triệu mét khối nước. Và nữa, từ bên này hồ Truồi nhìn sang, chúng tôi bắt gặp toàn cảnh thiền viện Trúc Lâm – Bạch Mã đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.

Lại một chuyến đò qua bên kia thiền viện. Chậm mất rồi! Không sao, chủ đò là một thanh niên nhanh nhảu rút chiếc điện thoại di động và a lô. Năm phút đã thấy có ngay một chiếc đò mới. Đò từ từ tiến ra giữa lòng hồ. Phía bên kia, những tổ đường, chính điện, lầu chuông… của thiền viện quần tụ trên khu đồi nguyên sinh, dưới chân ngọn Linh Sơn dần dần hiện ra, rõ mồn một.

Thoáng chốc đến nơi. Trước mặt phía ở trên cao đã là thiền viện Trúc Lâm – Bạch Mã.  Chầm chậm bước chân lên 172 bậc tam cấp để đứng trước tam quan thiền viện. Khi đã ở cái vị thế trên cao mới có dịp quan sát một cách đầy đủ và toàn cục hồ Truồi. Cái lòng hồ rộng lớn kia giờ nằm gọn trong tầm mắt, làn nước trong xanh, cảnh vật tĩnh lặng, có cây xanh bao bọc, có núi cao che chắn, có cả giữa lòng hồ một đảo chơi vơi mà thơ mộng.

Tiếp tục cuộc hành trình đi ngược lên phía đầu nguồn. Nắng đã lên cao. Quang cảnh núi rừng cứ rộng mở dần, có cảm giác như dạo nào  viếng thăm Phong Nha động ở Quảng Bình hay Tam Cốc ở Ninh Bình. Mười lăm phút lênh đênh trên sông nước đã nghe tiếng nước chảy róc rách. Nước từ trên cao, chảy theo những con khe, con suối đổ vào lòng hồ. Một bãi đá cũng là bãi tắm hiện ra. Chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm người đã có mặt nơi đây để thư giãn trong ngày hè cuối tuần.

Điểm du lịch mới thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Chuyến qua phà giữa lòng hồ Truồi mênh mang sóng nước sẽ làm khách hành hương thích thú khi đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Bên kia bờ nước, dưới chân ngọn linh sơn, những tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông, tháp xá lợi… quần tụ trên khu đồi nguyên sinh bên kia bờ hồ Truồi dưới chân đỉnh Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng.

Đại đức Thích Tâm Hạnh, trụ trì thiền viện, cho biết trong một lần đi tìm cuộc đất xây thiền viện, từ đỉnh Bạch Mã nhìn xuống chợt gặp một vùng non nước xứ Truồi in bóng trời mây.

Thiền viện được khởi công từ tháng 3/2006, sau hai năm thi công trong điều kiện khá khó khăn vì cách trở đường vận chuyển. Với tổng kinh phí gần 15 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của giáo hội và phật tử, nay đã nên hình hài một quần thể danh lam giữa vùng sơn thủy hữu tình.

Với khoảng cách chưa đầy 30km từ trung tâm thành phố Huế, xuôi quốc lộ 1A về phía nam đến địa phận xứ Truồi (huyện Phú Lộc) rẽ phải thêm 10km, qua chuyến phà hồ Truồi, bỏ lại sau lưng những bụi bặm trần thế trước khi bước chân lên 172 bậc tam cấp để đứng trước tam quan thiền viện.

Nối dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với các thiền viện Yên Tử (Quảng Ninh), Đà Lạt, Tây Thiên (Vĩnh Phúc) và nay thêm thiền viện Bạch Mã ở xứ Huế, Huế có thêm một địa chỉ hành hương không chỉ riêng cho phật tử mà cả du khách khi tìm về cố đô.

Báo Du Lịch

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art