Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Vài suy nghĩ dựa theo bài góp ý thảo luận của một đấng bậc đáng kính về tương lai cộng đoàn chúng ta.

Vài suy nghĩ dựa theo bài góp ý thảo luận của một đấng bậc đáng kính về tương lai cộng đoàn chúng ta.

Đọc bài góp ý về 30 năm cộng đoàn (Nhịp Cầu số 192 chúng ta không khỏi không nghĩ ngợi về con đường sắp tới của cộng đoàn. Tác giả tiên đoán hai phương hướng trong tương lai theo cái nhìn bi quan và lạc quan. Thiết nghĩ, bi quan hay lạc quan đều có thể xảy ra được, vì chúng ta là một trong những cộng đoàn dân tộc thiểu số trên đất nước này. Trãi qua nhiều thế hệ, cho đến một giai đoạn nào đo, một trong những điều bi quan nhất mà chúng ta phải chấp nhận là cộng đoàn sẽ tan rã, biến mất hoặc hòa lẫn vào cộng đồng người dân sở tại vốn to lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Nhìn vào những cộng đồng người Việt nam ở các quốc gia khắp nơi trên thế giới, điều đó đã xảy ra. Có những cộng đồng tổ chức quy cũ, rất nhiều hoạt động vì lợi ích tinh thần của cộng đồng người Việt, nhưng rồi cho đến lúc nào đó mạnh ai nấy sống, người có tâm huyết thì bất lực vì không còn nhân lực hậu thuẩn để xây dựng cộng đồng, và cộng đồng người Việt vì thế cũng không còn được biết đến, gây thiệt thòi cho các thế hệ tiếp nối sau này, họ không còn hiểu bản sắc văn hóa của chính mình ra sao, hoặc chứng kiến những đấu đá của thế hệ trước, họ sinh ra có ác cảm về nguồn gốc dân tộc của mình. Đó là cái nhìn chung về những cộng đồng hoạt động có tính cách giữ gìn truyền thống văn hóa của người Việt, vốn mang nặng đặc tính xã hội hơn. Nói như thế, không có nghĩa là những cộng đồng mang tính tôn giáo được ngoại lệ, ngay trên đất Pháp này, đã có những cộng đoàn công giáo hoàn toàn không còn những hoạt động gì đáng kể nữa, mặc dù trước đây một vài thập niên những cộng đoàn này đã rất năng nổ phát triển mạnh mẽ trong trong các hoạt động đạo và đời của mình.

 Để xây dựng một cộng đoàn dân Chúa hoàn thiện (ít ra trên phương diện tinh thần) tất nhiên phải đòi hỏi rất nhiều yếu tố; mà yếu tố hoàn chỉnh bản tính con người luôn là điểm chính cần phải lưu tâm. Nhân bất thập toàn điều này ai cũng biết, con người luôn có những điểm yếu, nhưng để chấp nhận và nhìn thấy những điểm yếu của chính mình thì là một điều không dễ dàng chút nào.

Tôi mạo muội đóng góp vài suy nghĩ riêng tư của mình cho vấn đề này, không ngoài mục đích làm cho cộng đoàn chúng ta ngày trở nên là một đại gia đình đúng nghĩa. Cách sống cách nghĩ của từng người trong chúng ta cần phải đi đôi với hành động. Được như thế thì viễn tưởng tốt đẹp về một ngày mai của cộng đoàn được thêm phần khởi sắc hơn.

1/ Nhận diện cá nhân và tập thể :

 Đã có những người suy nghĩ, làm việc cho cộng đoàn hình như chỉ dành riêng cho một số người nào đó thôi. Tôi chỉ biết đi lễ và tham gia vào những dịp lễ hội cộng đoàn tổ chức là đủ rồi, có cũng được mà không có cũng xong, hơi đâu mà bỏ công sức ra gánh vác việc cộng đoàn. Làm việc về nghỉ ngơi cho khỏe… rất may những suy nghĩ này không nhiều lắm. Bởi vì cộng đoàn chúng ta vẫn từng bước phát triển, rất nhiều người hồn nhiên phục vụ cho cộng đoàn không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, vì họ hiểu rằng nếu có làm gì cho cộng đoàn này đi chăng nữa, như là một cách làm cho chính mình. Có một nơi để thể hiện được đức tin-đức cậy-đức mến, nếu không tiếp xúc hòa mình vào tập thể, mà đóng cửa quanh quẩn với nhau thì chúng ta sẽ sống và thực hành đức tin, đức bác ái của chúng ta trong một phạm vi rất hạn hẹp.

Cộng đoàn nào cũng vậy, có những giai đoạn thăng trầm, khi thăng chính là lúc từng cá nhân của đoàn hợp xướng biết hòa mình vào tập thể, biết góp tay góp sức lo cho việc chung. Lúc trầm chính là lúc cá nhân tự làm mình nổi bật lên bằng chính bản năng thường tình của mình. Họ tự tách ra và chọn một con đường khác biệt, đôi khi bắt tập thể phải theo như ý mình. Một nốt trầm mà chính người ca sĩ chuyên nghiệp cũng không thể nào thể hiện nổi thì sẽ làm hỏng dàn họp xướng.

Mỗi người là một cá thể riêng biệt không ai giống ai, thế nhưng có những cá nhân đưa tập thể đến bến bờ của sự vinh quang, đồng thời cũng có những cá nhân dẫn tập thể xuống vực thẳm hoặc đứng trên bến bờ ảo vọng. Sự vị nể, an phận muốn tránh va chạm vô tình đã đẩy cá nhân đó trở thành độc tôn, độc đoán họ sẽ sống trong sự tâng bốc giả tạo, rốt cuộc tập thể đó chỉ còn biết nghĩ tới những lợi ích cho phe nhóm quên đi cả một tập thể to lớn hơn mà mình đang nhân danh họ dấn thân phục vụ. Mặc dù dư sức để hiểu rằng cái tập thể to lớn đó dù không là một tổ chức quy cũ, không chức danh quyền hạn gì, nhưng chính là những người giám sát trung thực nhất.

 Những hoạt động của cộng đoàn, tất nhiên không hề là những hoạt động dành riêng cho một cá nhân, một tập thể nào cả, mà luôn mở rộng cho tất cả mọi người tham gia, và mọi người trong cộng đòan luôn có tư cách và trách nhiệm về sự thăng trầm của cộng đoàn mình. Tư cách và trách nhiệm đó được thể hiện bằng tiếng nói và thái độ trung thực phê phán của mình nếu tập thể hoặc cá nhân đại diện cho họ có những sự sai trái.

Có những suy nghĩ là mình không tham gia điều hành cộng đoàn, thì hội đồng có việc gì thì là chuyện của họ, mình có tư cách gì mà góp ý! suy nghĩ như vậy là vô tình dung dưỡng cho những sự sai trái phát triển. Mỗi tín hữu, giáo dân đều có đầy đủ tư cách góp ý xây dựng cộng đoàn, và chức năng ngôn sứ không chỉ dành riêng cho các Linh mục, mà chúng ta, những giáo dân thường tình sinh sống trong bất cứ cộng đoàn công giáo nào cũng có thể sử dụng chức năng đó mà nói lên được tiếng nói trung thực của mình. Đã có một thời chúng ta thờ ơ, lạnh nhạt với việc chung, không sử dụng chức năng ngôn sứ của mình để rồi có những hậu quả đến là đau lòng.

Tập thể đại diện cho cộng đoàn luôn rộng mở và kêu gọi mọi người trong cộng đoàn tham gia vào việc điều hành cộng đoàn, và mỗi cá nhân trong cộng đòan phải ý thức được điều đó, sẵn sàng tham gia trong hòan cảnh và điều kiện cho phép của từng cá nhân. Ngòai những lý do riêng tư đặc biệt, lý do tôi không có thời gian, tôi bận bịu việc này việc nọ chỉ là một cách thối thác tham gia việc cộng đoàn, lý do đó nếu chính đáng thì thật là tội nghiệp cho những người đang làm việc cho cộng đòan, chắc là tòan những người rảnh rỗi, nhàn hạ không có việc để làm… nên mới đi làm việc cộng đoàn! Mỗi người đều có từng ấy thời gian như nhau, 8 tiếng đi làm, 8 tiếng ngủ, 8 tiếng sinh hoạt giải trí và có 48 tiếng sau 5 ngày làm việc. Sử dụng ra sao thì do sự sắp xếp của từng cá nhân, nếu kho thì dư sức có một số thời gian… dành cho những việc không công, nhưng vui vẻ thỏai mái về mặt tâm linh. Bằng như luôn luôn cảm thấy bận bịu vì những công việc mà chính mình cũng chưa hình dung rõ ràng, thì đích thực là sự sắp sếp và sử dụng thời gian chưa được hợp lý.

Khi cá nhân đã chấp nhận ra làm việc với cộng đòan, đồng nghĩa với việc dấn thân và chấp nhận hòa mình vào tập thể. Tùy theo thời gian, tùy theo công sức và khả năng của mình mà đóng góp. Nhưng chắc chắn cộng đòan không phải là nơi thể hiện cái tôi vĩ đại của mình cho mọi người biết tôi là thế này tôi là thế nọ, phải theo như ý tôi. Cá nhân và tập thể nhỏ của hội đồng là đại diện cho giáo dân để phục vụ việc chung của cộng đòan, nếu suy nghĩ và đề cao cái tôi của mình quá lớn sẽ dẫn đến bè nhóm và độc tài…

 

 Phần đông chúng ta rất ngần ngại khi được ủy thác cho một chức danh gì đó để làm việc, vì tâm lý e ngại thiên hạ nghĩ mình là người háo danh. Thế nhưng, nếu suy cho cùng, nghĩ cho cạn những chức danh đó hòan tòan mang ý nghĩa là một sự phân bố trách nhiệm để dễ dàng trong công việc, để cộng đòan luôn được thuận tiện trong mọi vấn đề. Chức danh đó không thể lòe được ai, và chẳng ai vì chức danh đó mà tôn kính mình thêm lên, bỡi lẽ nhân cách của chng ta đã có trước chức danh. Chức danh có thể tạo ra sự đổ đốn nhân cách, chứ không thể tạo nên một nhân cách lớn, mà ngược lại chính nhân cách mới tạo ra chức danh. Bởi thế, chúng ta đừng nên ngần ngại khi được ủy thác cho một chức danh gì đó để có thể gần gũi gánh vác cùng mọi người trong việc chung của cộng đoàn. Hãy nhìn một số anh chị em, họ đã xem việc cộng đoàn như là việc nhà của mình, họ đã không ngại ngần trước bất cứ việc gì để cho ngôi nhà chung được khang trang hơn. Chức danh lúc này liệu có ý nghĩa gì trước những tà áo dài phất phơ đi bưng dọn, quét rác v.v… những hình ảnh rất cảm động, mà cộng đoàn cần trân trọng.

2/ Cộng đoàn Strasbourg - Cộng đoàn chúng ta:

Cá nhân và tập thể một khi đã nhận diện được vị thế của mình ra sao trong cộng đoàn. Lớn nhỏ gì cũng có một phần trách nhiệm về sự tồn vong của cộng đoàn.

 Tương lai chúng ta không biết trước được những gì sẽ xảy ra, tốt đẹp hơn, tệ hại hơn, mỗi người suy đoán theo như cách của mình. Thế nhưng, nếu ngay từ bây giờ chúng ta chuẩn bị chu đáo cho thế hệ mà chúng ta ưu ái gởi gắm cho họ về một ngày mai của cộng đoàn. Chắc rằng tương lai của cộng đoàn không đến nổi trở thành nổi âu lo cho chúng ta.

Cộng đòan Công Giáo Việt nam Strasbourg phải nói là một trong những cộng đoàn lớn, so với những cộng đoàn công giáo Việt nam khác trên đất Pháp. Chúng ta đã có một quá trình lịch sử 30 năm. Cộng đoàn đã trải qua nhiều thế hệ lảnh đạo, những bước thăng trầm của cộng đoàn như thế nào thì phần đông ai cũng rõ. Khi cầm tờ Đặc san kỷ niệm 30 năm cộng đoàn trong tay, có nhiều suy tư giống nhau liệu 30 năm sau chng ta còn may mắn có trên tay tờ kỷ niệm 60 năm cộng đoàn hay không. Đó là suy nghĩ có phần lãng mạng của lứa tuổi trung niên trên dưới 50, riêng các bậc trưởng thượng thì chắc rằng không dám nghĩ ngợi nhiều…30 năm, sự tồn tại đó đã là một thành quả đầy khích lệ với họ. Nhưng họ sẽ vui mừng và mãn nguyện hơn, nếu những thế hệ tiếp theo biết giữ gìn những thành quả của họ và cứ thế mà tiếp nối.

Chúng ta, những lứa tuổi trung niên chuẩn bị sự tiếp nối và trao cho thế hệ sau như thế nào, cũng còn lắm chuyện để bàn, nhiều chuyện để nói. Chúng ta không toàn tâm toàn ý, thì chắc rằng sự chuẩn bị sẽ chẳng đến đâu, không khéo có thể lịch sử cộng đoàn sẽ toàn những trang giấy trắng bắt đầu từ đây.

 Cộng đồng người Việt chúng ta, phần đông là tỵ nạn chính trị. Từ lúc phôi thai hình thành và cho đến bây giờ vẫn thế. Đến thời điểm ngày hôm nay, cho dù có nhiều phương hướng, nhiều chính kiến khác biệt nhau, danh nghĩa và xuất thân của chúng ta vẫn không bao giờ thay đổi, vì điều này nói lên nguồn gốc của chúng ta, và tất nhiên chúng ta không bao giờ xấu hổ hay chối bỏ nguồn gốc đó. Chúng ta phải giữ gìn, và lưu truyền cho thế hệ tiếp nối hiểu được và hảnh diện vì nguồn gốc xuất thân của mình. Cộng đồng người Việt, dù có nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung này, cho dù công giáo hay không. Sẽ không thể bàn cho thấu được việc gì, nếu không biết chính mình là ai? ở đâu? thì không thể nào biết phải làm gì! Chúng ta không phải bổng nhiên từ trời rớt xuống hoặc dưới đất chui lên. Cộng đồng người Việt khắp nơi nói chung, và ở Strasbourg nói riêng đều có một giai đoạn lịch sử nhất định, và hình thành nên từ những tâm tư ước nguyện của những con người thiết tha yêu thương quê Cha đất Tổ, mà vạn bất đắc dĩ phải rời xa.

 Nhìn một cách riêng vào cộng đoàn công giáo chúng ta, cũng như các cộng đoàn khác đủ mọi thành phần chung sống chia sẽ đức tin với nhau. Chủ tâm xây dựng một tập thể thờ phụng Thiên Chúa thật đúng ý nghĩa, đúng như tâm nguyện của người sáng lập, ngay cả những cộng đoàn Kitô tiên khởi cũng không tránh được những gút mắc, những sai lầm trong tín lý, khiến xảy ra những mâu thuẩn giữa các thành viên với nhau. Điều này đã tạo ra sự xáo trộn không đáng, mà bất cứ một cộng đoàn Dân Chúa nào cũng không tránh khỏi. Thật thế, Thnh Phaolơ viết: ”Ngôn sứ thì làm chủ những cảm hứng tiên tri của mình, bởi vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1 Cr 14,32).

Với não trạng gần như bất di bất dịch, và phong cách sống rất Việt nam. Người giáo dân ít khi nào dám đối thoại thẳng thắn với Linh mục, luôn xem Linh mục là đại diện Thiên Chúa và Thiên Chúa là Linh mục, ở vế đầu thì là điều tất nhiên, nhưng ở vế sau thì cần phải xem xét lại. Để định nghĩa cho chính xác về Thiên chức của Linh mục, đã có biết bao sách vở đề cập tới và tán tụng thiên chức Linh mục. Nhưng Linh mục người là ai ? vẫn như là một câu hỏi có nhiều thách đố. Trong con mắt đức tin Linh mục vẫn là con người tầm thường được chọn để làm việc phi thường“ tế lễ Thiên Chúa, một con người tầm thường, nhưng được Thánh hiến để làm công việc Thánh ? Tha tội, ban ơn hòa giải giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa“ Giáo hội định nghĩa Linh mục, theo sắc lệnh đời sống Linh mục của cộng đồng Vaticano II “Linh Mục người của Thiên Chúa, người của Giáo hội, người của mọi người“, Linh mục không thuộc bản thân mình, Linh mục phải sống cho một mình Thiên Chúa, sống hết mình cho quyền lợi của Thiên Chúa. Đó là tiêu chuẩn đánh giá Linh mục. Ngày nào đó, Linh mục sống hoàn toàn cho mình, cho quyền lợi của mình, hoặc cho ai khác, trừ Thiên Chúa, ngày đó Linh mục không còn là Linh mục đúng nghĩa nữa. Chính vì vậy một khi giáo dân có những bất đồng với Linh mục, cần phải có đối thoại, cần phải tháo bỏ não trạng coi Linh mục như là Thiên Chúa hoàn hảo trọn lành, không hề sai phạm. Đối thoại để xây dựng, đối thoại để hiểu biết, chứ không thể chơi những trò ném đá dấu tay hoặc tung hê dư luận lệch lạc để bêu riếu.

Giáo dân Cộng đoàn Strasbourg phải nói là tấm lòng họ hướng về cộng đoàn rất nhiệt tình và hăng say, họ luôn đi đầu trong những đóng góp về nhân lực, tài chánh. Cộng đoàn đã vượt qua bao khó khăn là cũng nhờ vào những tấm lòng vàng đó. Họ luôn tin tưởng vào những người đại diện họ, nếu những người đại diện họ có phong cách làm việc thể hiện đúng tâm tư và ước nguyện của họ, họ sẵn sàng chia sẻ và gánh vác khó khăn với cộng đoàn.

Giai đoạn 30 năm sắp tới, những người đang phục vụ cộng đoàn hôm nay suy nghĩ gì ? hoạch định tương lai cộng đoàn ra sao ? Chắc chắn là một câu hỏi mà những giáo dân trong cộng đoàn sẽ đặt ra. Như vậy rõ ràng, trách nhiệm về tương lai của cộng đoàn nằm trong tay của tất cả mọi người chúng ta, giáo dân lẫn người đại diện cho họ. Chúng ta phải làm gì để 30 năm sau của cộng đoàn, con cháu chúng ta vẫn đoàn kết bên nhau, làm những việc mà các bậc cha chú vẫn làm trước kia. Có lẽ việc trước tiên là chúng ta biết đối thoại, lắng nghe, tha thứ và hy sinh. Những đức tính này tất cả chúng ta đều có, nhưng nó như một kho tàng đang tiềm ẩn trong mỗi người, biết khai thác và lôi ra để phủ lên mình, và phong phú hơn là để lan tỏa ra cho mọi người xung quanh thì chắc rằng tương lai cộng đoàn sẽ tươi sáng, các đấng bậc trưởng thượng sẽ nở được nụ cười viên mãn.

Võ Hải Bình

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art