Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Thánh Margarita

Lời nói đầu:

      Ngày Chúa nhật 21-04-1991, theo niên lịch phụng vụ, là ngày mà Giáo hội khắp hoàn vũ cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ơn thiên triệu, chúng ta thường nói là ơn Chúa chọn, hay là ơn Chúa kêu gọi kẻ nọ người kia để ngài trao nhiệm vụ cứu nhân độ thế.

       Trong thời Cựu Ước, khi loài người sinh sôi nảy nở ngày càng đông càng nhiều, thì tội lỗi cũng tràn ngập trái đất. Chúa đã chọn tổ phụ Noe để đóng tàu cho vợ và dâu con, cùng các loài động vật trên trời và trên mặt đất vào tạm trú trong tàu, trong thời gian Chúa dùng Lụt Hồng Thủy để tiêu diệt tội lỗi khỏi mặt địa cầu. (Sáng thế, đoạn 6,7,8,9). Sau vụ tháp Babel, Chúa chọn tổ phụ Abaraham để tạo cho Chúa một dân riêng chuyên việc thờ phượng Thiên Chúa. (Sáng thế, từ đoạn 12) Để giải phóng dân Israel ra khỏi Ai-Cập, Chúa chọn ông Môisen (Xuất Hành, đoạn 1 và các đoạn kế tiếp). Sau đời Môisen, Chúa chọn các quan án (Juges) và tiên tri (Prophètes), để hướng dẫn dân Chúa, và chuyển lại cho dân mọi mệnh lệnh của Ngài.

       Đến thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu lựa chọn các tông đồ để trao sứ mạng truyền bá Tin mừng cho muôn dân muôn nước đến tận cùng trái đất. Chúa Giêsu đã xác nhận : Chính Thầy chọn chúng con, chứ không phải chúng con chọn Thầy. (Gioan 15,16). Sau các thánh tông đồ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục chọn người, bất luận nam nữ, tùy vùng, tùy thời, tùy hoàn cảnh, tùy nhu cầu, và tiếng Chúa gọi cũng được diễn ra lắm cách khác nhau như trường hợp Chúa gọi thánh Phaolô để truyền đạo cho dân ngoại (Tông đồ Công vụ 19, 1-20). Hoặc Chúa gợi ý trong lương tâm người ta. Chúa gọi lúc con người mới bập bẹ biết nói, hoặc lúc còn thanh xuân, hoặc lúc đã trưởng thành, miễn là đương sự biết lắng tai nghe tiếng nói của lương tâm.

       Tuy rằng Chúa gọi thật đó, song Chúa vẫn để cho con người tự quyết định, vì luôn luôn, Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người, xin vâng hay không vâng. Có một điều rất chắc chắn, rất lý thú, rất lạ lùng là khi Chúa đã chọn người nào để trao nhiệm vụ, thì Ngài cũng ban cho những ơn, và những phương tiện cần thiết để thành công. Nhờ vậy mà nhiều vị thánh tuy là người tầm thường về giòng dõi, về gia sản, về học vấn, nhưng đã làm được những việc cả thể chẳng khác gì các ngài đã đắp núi dời sông; công trình của các ngài trải qua bao thế hệ lưu đến ngày nay, và vẫn tồn tại và phát triển không ngừng. Đó là những vị thánh đã lập các dòng tu, nam cũng như nữ. Thật đúng với dụ ngôn về hạt cải mà Chúa Giêsu đã dạy : Nước trời cũng giống như hạt cải người ta gieo xuống đất; tuy là hạt nhỏ hơn cả trong các hạt giống, song khi nó đã mọc lên, thì nó hóa thành cây to lớn rườm rà đến nỗi chim trời tìm đến ẩn thân trong cành của nó. (Matthêu 13, 31-32).

        Cũng có những vị thánh sống âm thầm trong dòng tu, được Chúa chọn để truyền mệnh lệnh đặc biệt về việc sùng kính Mẹ Maria, như thánh nữ Catherine Labouré, một nữ tu tầm thường, của dòng Nữ tu Bác Ái số 140 rue du Bac, Paris.

         Thánh nữ Magarita Maria, Dòng Đức Bà Đi Viếng ở Paray le Monial, được Chúa Giêsu chọn làm bạn tâm giao để Chúa truyền dạy việc tôn thờ Trái Tim Chúa để được hưởng nhờ muôn vàn ơn ích phần hồn phần xác. Chúng ta còn nhớ cô thôn nữ chăn cừu Bernadette ở Lộ Đức và các em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giacinta ở Fatima được Chúa chọn để nhắc nhở nhân loại lo cầu nguyện, sám hối để làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nhờ Mẹ Maria bàu chữa.

        Cùng thời với chúng ta, tại giáo phận Huế, Chúa đã kêu gọi giáo sư Nguyễn văn Thích để vừa là Giáo sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ; ngài là một tân tòng đó. Cũng tại Huế, Chúa đã kêu gọi ba người cháu đời thứ năm của vua Minh Mạng, một ông vua bách hại đạo Công giáo cách khủng khiếp chẳng kém gì bạo chúa Néron đời xưa ở Roma. Đó là các cha Bửu Dưỡng, Bửu Đồng và Bửu Hiệp.

Vừa rồi Nhịp Cầu đón tin mừng chị Marie Stéphanie Khánh Hồng, dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế được long trọng khấn dòng ngày lễ Thánh Marcô 25.4.91 tại Roma. Ước gì các thanh niên thiếu nữ thuộc cộng đoàn Đức Mẹ Lavang biết lắng tai nghe tiếng Chúa âm thầm gọi mình và đáp lại một cách chóng vánh. Ước gì các bậc phụ huynh cũng biết lưu ý gợi chuyện với con em của mình, hướng dẫn chúng nó biết đáp lại ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Dâng một đứa con cho Chúa sẽ được Ngài đền đáp dồi dào cả hai phần hồn, xác. Ước gì chúng ta cũng rập một tiếng đồng thanh hát rằng Xin Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng rồi để Thiên Chúa hành động vì không có sự gì mà Thiên Chúa làm chẳng được (Lc 1, 37).

      Mong thay! Mong lắm thay! Ước gì được như vậy!! Amen.

      Thánh nữ Magarita Maria và mệnh lệnh của Trái Tim Chúa Giêsu

      Đặc biệt thân tặng các thỉnh sinh và tập sinh Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế tại Roma nhân ngày nữ tu Marie Stéphanie KHÁNH HỒNG khấn dòng lần đầu ngày lễ thánh Marcô thánh sử 25.04.1991 cũng tại Roma.

 

      Thiên Chúa bảy tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại Ngày thứ năm ấy, cách đây gần ngót 2000 năm, lúc nhá nhem tối, tại Giêrusalem, Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua lần cuối cùng của đời Ngài với mười hai môn đệ, vì đến hôm sau thì Ngài tự nộp mình để lãnh án tử hình.

       Trong bữa tiệc, tâm hồn khắc khoải, Chúa phán : Thầy bảo thật với các con, một người trong chúng con sẽ nộp Thầy. Các môn đệ đều ngạc nhiên nhìn nhau cố ý dò xét Chúa muốn nói về người nào. Gioan, đầu đang được dựa vào ngực Chúa, nên Phêrô ra dấu cho Gioan, yêu cầu Gioan hỏi riêng Chúa để biết ai là kẻ đã phản Thầy. Chắc chắn Gioan vô cùng cảm xúc được nghe trái tim Chúa phập phồng hồi hộp (Gioan 13, 21-25).

       Hôm sau, tức là ngày thứ sáu, trên đồi Golgotha, lúc ba giờ chiều, dưới chân thánh giá, bên cạnh Đức Maria, mẹ của Chúa, có Maria Magdalêna và mấy bà nhân đức, Gioan lại càng cảm động trầm tư khi được nghe bảy câu nói tối hậu của Chúa :

1. Hôm nay ngươi được vào nước trời với ta (Lc 23, 43).

2. Xin Cha tha cho chúng vì chúng chẳng biết việc chúng làm (Lc 23,34).

3. Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ. Gioan ơi! đây là Mẹ của con (Gn, 19, 26-27).

4. Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ con (Mt 27,46).

5. Ta khát (Gn 19, 28).

6. Mọi sự đã hoàn tất (Gn 19, 30).

7. Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha (Lc 23, 46).

       Vậy là việc cứu chuộc nhân loại đã hoàn tất. Chúng ta được cứu rỗi nhờ Chúa Giêsu tự hiến tế cho Đức Chúa Cha, chúng ta được trở lại làm con Thiên Chúa; cửa thiên đàng lại rộng mở cũng như khi Chúa Giêsu đến sông Jourdain để nhận phép Rửa tự tay Gioan Baotixita. Khi Ngài ra khỏi nước thì màn trời xé ra, Thánh Linh lấy hình chim bồ câu xuống đậu trên Ngài và từ trời có tiếng phán ra : Người là Con Ta yêu dấu và đẹp lòng Ta mọi đàng (Mc 1, 9-11).

       Cũng chiều ngày thứ sáu ấy, để các tội nhân mau chết, thì một tên lính đánh giập ống chân các tội nhân, song khi thấy Chúa Giêsu đã chết rồi thì y lấy lưỡi đòng đâm từ cạnh sườn bên phải của Ngài thấu quả tim, tức thì máu và nước chảy ra. Gioan tự mắt mình đã trông thấy và làm chứng để cho chúng ta tin.

      Gioan, nhờ đã được nghe nhịp tim của Chúa Giêsu, đã chứng kiến cạnh sườn Chúa bị đâm nên, hơn ai hết, Gioan dạy cho ta biết lòng Chúa Giêsu yêu thương ta đến mức nào. Bởi vậy, trong suốt đời, Gioan không ngừng dạy chúng ta phải thương yêu nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta từ muôn muôn đời.

      Từ thế kỷ XI, Chúa dùng thánh Bernard để phổ biến lòng Chúa thương yêu nhân loại. Thánh Bernard long trọng tuyên bố : Chúa Giêsu là mật ong ngon ngọt, là điệu nhạc êm ái, là ca khúc làm phấn khởi lòng người.

       Đến thế kỷ XIII, Chúa Giêsu tỏ cho thánh nữ Gertrude, người Đức, một nữ tu dòng thánh Bênêdictô, Trái Tim Chúa Giêsu hằng nóng lòng mong được loài người mến yêu. Cùng thời ấy, Chúa Giêsu cũng tỏ cho thánh nữ Mechtilde dòng Bênêdictô và Chúa dạy : Nếu muốn gặp Ta, thì hãy tìm trong quả tim của Gertrud

       Đến thế kỷ thứ XIV, Chúa đã chọn thánh nữ Catherine de Sienne. Chúa cho biết lòng Chúa yêu thương nhân loại thật là mênh mông, không bờ không bến. Thánh Catherine sinh năm 1347 tại thành Sienne nước Ý, thuộc dòng thánh Đaminh. Thánh nữ qua đời năm 1380.

      Năm 1601, trong tỉnh Normandie nước Pháp, có một cậu bé con nhà đạo đức, sau này là thánh Gioan Eudes. Thông minh, lanh lợi, siêng năng, có lòng sùng kính Đức Trinh nữ Maria; cần mẫn, cầu nguyện nhiều. Thọ phong linh mục năm 24 tuổi, ngài đi khắp nước Pháp - đang bị thời khí - giảng dạy và cứu giúp kẻ ốm đau bị bỏ rơi. Ngài đã gặp và chọn cô Maria des Vallées cộng tác với ngài khuyến dụ người thời ấy biết lòng Chúa thương yêu nhân loại là dường nào, đồng thời tổ chức việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu kết hợp cùng Trái Tim Mẹ Maria.

       Cha Gioan Eudes hăng say hoạt động và lập hai dòng tu : một dòng nam gồm các linh mục và một dòng nữ gọi là dòng Đức Bà Bác ái. Cả hai dòng ngày càng phồn thịnh. Trong thời gian cha Gioan Eudes dồn mọi nỗ lực cho sứ mệnh do Chúa truyền dạy thì Chúa cũng chuẩn bị và chọn một sứ giả tại một vùng khác, cũng thuộc nước Pháp, để truyền bá tình yêu của Chúa và việc tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, sứ giả ấy là thánh nữ Magarita Maria.

      Magarita chào đời Tại thôn Lautecour, làng Vérosvres, vùng sơn cước Charolais, có ông Claude Alacoque và phu nhân là Philiberte. Hai ông bà sinh được bốn đứa con, ba trai và một gái là Catherine song Catherine chết sớm.

      Ngày 22 tháng 7 năm 1647, hai ông bà sinh được một bé gái khác đặt tên là Magarita; sau này Magarita tự thêm cho mình tên Maria để phú dâng mình cho Đức Maria. Sau Magarita, ông bà còn sinh thêm được một trai nữa là Jacques về sau được làm linh mục. Ông Claude Alacoque được đi học rồi trở thành thừa-phát-lại của triều đình, còn bà Philiberte, một người vợ dịu hiền phúc hậu, chuyên lo nuôi nấng dạy dỗ con cái; mọi người trong gia đình sống thuận hòa, trong ấm ngoài êm thật là hạnh phúc.

Tuy vậy, gia đình không tránh khỏi những phiền hà bực bội gây ra từ nông trại ở ngay trước nhà mình mà những nhân vật gây phiền hà thì không ai xa lạ; đó là bà mẹ của ông Claude Alacoque, bà cô của ông Claude Alacoque và bà chị ruột của ông. Sự đời, có nhiều oái ăm thay!

       Từ kim cổ đông tây, giữa nàng dâu và mẹ chồng hay có những xích mích ganh tỵ, gièm pha, nói hành nói tỏi. Sở dĩ đã xảy ra như vậy vì gia đình ông bà Alacoque, tuy không phải là hạng triệu phú, nhưng được hằng ngày dùng đủ, không phải lao động vất vả; con cái đẹp đẽ, ăn mặc sạch sẽ, lễ phép dễ thương.

Sinh ra được ba ngày thì Magarita lãnh bí tích Rửa Tội tại thánh đường Verosvres, vú đỡ đầu là bà De Fautrière Chủ nhân một tòa lầu đài sang trọng ở Corcheval, bõ đỡ đầu là ông Antoine Alacoque tức là bác ruột của cô bé. Mấy bà già nơi nông trại, thấy xe cộ đón rước cô bé Magarita đi rửa tội một cách sang trọng càng thêm ganh tỵ. Cô bé có cặp mắt vừa rộng vừa đẹp, khuôn mặt xinh xắn dễ thương nên ba cậu anh trai khoái lắm, nhất là Chrysostome.

       Bà De Fautrière là vú, đem lòng yêu mến, xin ông bà Alacoque khi nào Magarita lớn lên chút nữa sẽ rước về ở với mình. Tính tình Magarita thật là dịu hiền, được mẹ giáo dục cho biết mến Chúa và làm vui lòng Chúa, bởi vậy mỗi lần thấy Magarita đùa nghịch, bà Alacoque chỉ bảo nhỏ nhẹ rằng : Đừng làm phiền lòng Chúa, thì cô bé thôi ngay và không bao giờ tái phạm.

Vừa lên bốn tuổi, mặc dầu còn non dại, song cô bé đã tự cảm thấy rồi đây sẽ dâng trọn đời mình để phụng sự Thiên Chúa. Magarita thích đọc kinh cầu nguyện lắm. Đàng sau nhà, có mấy cây rợp bóng mát, lại có một phiến đá lớn nên Magarita thích ra đấy một mình rồi chấp hai tay quỳ gối đọc kinh cầu nguyện.

      Lâu đài Corcheval của bà De Fautrière ở gần cách nông trại của Alacoque độ năm cây số, cho nên mỗi lần bà vú mời thì Magarita được bố cho lên ngựa, ngồi vào lòng bố. Ngựa đi nước kiệu, cô bé khoái lắm. Ở với bà vú, nhà cửa rộng rãi, vườn tược cây cối sầm uất, tha hồ chạy nhảy thỏa thích, lại có nguyện đường riêng. Magarita năng vào nguyện đường đọc kinh rất sốt sắng đến nỗi nhiều lần không nghe người nhà gọi nữa. Magarita còn được bà vú dạy giáo lý, tập đọc, tập viết, và nhờ thông minh hiếu học nên cô bé mau tiến bộ.

       Ở nhà, vắng Magarita thì gia đình cũng kém vui, vả chăng hai người con trai lớn phải lên Cluny vào trường trung học, cho nên Chrysostome khẩn khoản xin bố mẹ đem em gái mình về để có bạn, mặt khác, bà Alacoque cũng muốn rước Magarita về vì chồng mình, mặc dầu thuốc thang chạy chữa cũng nhiều lắm rồi, nhưng sức khỏe ngày càng sút kém, rồi liệt giường cho đến tháng chạp năm 1655 thì về chầu Chúa. Bấy giờ Magarita mới lên tám tuổi song cũng đã biết từ nay, mồ côi cha, thật là đắng cay chua xót, buồn tủi cho thân phận mình vì con không cha như nhà không nóc. Đau đớn thay! Buồn thảm thay! Hoàn cảnh mồ côi cha, Việt nam ta cũng có ca dao rằng :

Còn cha gót đỏ như son,

 Một mai cha chết, gót con đen sì.

Còn cha nhiều kẻ yêu vì,

Một mai cha chết, ai thì yêu con

      Lúc sanh tiền, ông Alacoque có nhiều con nợ, cho nên bà Philiberte gởi con trai vào nội trú, riêng Magarita thì được gửi vào trường do các nữ tu Clarisses dạy dỗ. Magarita bản tính vui vẻ, cần mẫn, lanh lợi lúc học cũng như lúc chơi nên được mọi người cảm mến. Bà Alacoque một mình, vừa lo việc nhà và con cái, vừa đi tìm mấy con nợ để có tiền độ nhật.

      Lên chín tuổi thì Magarita được rước lễ Vỡ lòng. Từ bấy giờ Magarita cảm thấy có sự thay đổi trong tính tình; mỗi khi thích chơi thì như có một động lực nào đó hướng dẫn Magarita kiếm nơi thanh vắng quỳ xuống và cầu nguyện. Magarita thọ bệnh

       Lên mười một tuổi, Magarita bị bệnh tê thấp gần như bại liệt, đi đứng không được, phải liệt giường, sức khỏe sa sút nhanh chóng. Tháng ngày trôi qua mà bệnh tình không thuyên giảm làm cho mẹ và các anh em rất âu lo vì bệnh kéo dài đã ba năm rồi. Khi Magarita lên 14 tuổi thì bà Alacoque khuyên con cầu nguyện với Mẹ Maria xin Mẹ cứu chữa. Magarita cầu xin Đức Mẹ cứu chữa mình và nếu được lành thì sẽ dâng mình làm nữ tu. Cầu nguyện xong, Magarita thấy trong người có đổi thay; những cơn đau nhức tê buốt biến dần, tự mình đứng lên được và đi được. Thấy con được lành, bà Alacoque xiết đỗi vui mừng, cảm động đến rơi lệ. Thấy Magarita nết na duyên dáng, nên mọi người trong thôn xóm yêu thương, liền tổ chức liên hoan để mừng Magarita đã bình phục.

Đời sống đen tối ở nông trại Delaroche

      Magarita, sức khỏe bình phục, thì Thiên Chúa lại gởi những thử thách khác. Nguyên do là sau thời gian ông Claude Alacoque qua đời rồi, ông anh cả quản lý tất cả cơ sở của nông trại. Vậy là bà Alacoque và Magarita phải rời căn nhà xinh xắn để sang ở nông trại Delaroche. Đây là giai đoạn cả hai mẹ con Magarita phải luôn sống trong cực hình nhục nhã, gây ra bởi bụng dạ xấu xa của ba bà mà chúng ta đã biết trên đây.

     Từ đây, dầu Magarita có chút học vấn, dầu ăn ở hiền lành dịu dàng, cũng không được các bà ấy đếm xỉa tới, lại còn bị đối xử quá hà khắc, quá tồi tàn, không bằng người tôi tớ. Thậm chí hai mẹ con không còn được tham dự mọi tiệc tùng của thân bằng mời mọc. Hằng ngày, hai mẹ con Magarita phải làm lụng vất vả, cơm non đòn già; hở một tí là Magarita bị tát tai, bị roi đòn, làm cho Magarita hóa ra sợ sệt đủ thứ đủ chuyện, lại còn áo rách quần xài, cơm không no bụng, ngủ không yên giấc, con người trở nên xanh xao gầy còm. Để tự yên ủi, Magarita chỉ còn biết cầu nguyện xin Chúa và Mẹ Maria ban cho mình đủ sức chịu đựng thử thách, can đảm vác thánh giá Chúa trao cho, hầu cam lòng chịu số phận oái oăm oan nghiệt từ thể xác lẫn tâm hồn.

      Trong gia đình, hai con trai lớn thì ở xa, Chrysostome và Jacques thì vào nội trú, nên chẳng ai thấu hiểu hoàn cảnh đọa đày của mẹ và chị em mình, thỉnh thoảng các bà xóm giềng lén lút cho hai mẹ con khi thì quả trứng, khi thì vài trái cây, khi thì ly cà phê.

     Sau nầy, Magarita mới tiết lộ rằng có nhiều ngày nàng chẳng được ăn uống gì cả, lại vì quá sợ đòn bọng, nên phải ẩn núp nơi một xó xỉnh nào đó, chứ không dám vô nhà, và thường tự nghĩ : Làm thân hành khất còn sướng hơn hoàn cảnh nầy.

      Tuy vậy, Magarita được Thiên Chúa ủy lạo theo cách của Ngài nên Magarita nói : Tôi dâng bao nỗi đau khổ của tôi để chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngày cũng như đêm, tôi quỳ dưới chân ảnh chuộc tội để khóc và tôi được Chúa Giêsu dạy rằng : Ngài muốn độc quyền chiếm hữu quả tim tôi và tôi phải hoàn toàn sống đời sống đau khổ của Ngài.

      Magarita cảm thấy ơn gọi của mình là sống kết hiệp với Chúa Giêsu, được mô tả bằng hình ảnh của Ngài bị đòn đánh rách nát từ đầu xuống chân lúc Philatô đưa Ngài ra trước mặt dân Dothái rồi bảo : Đây, Người đây (Gn 19,14). Đối với bản thân, Magarita quan niệm những nỗi đau khổ của mình là do Chúa an bài theo ơn thiên triệu, nên vui nhận với lòng cảm mến, vừa để đền tội lỗi mình và đền tội cho thế gian. Bởi vậy Magarita thấy rằng những đau khổ của mình không bao giờ đủ để đền bồi phạt tạ tội lỗi đã làm đau lòng Thiên Chúa.

      Đành là vậy, song thấy mẹ mình phải khổ đau, bị nhục mạ, bị hành hạ ngược đãi, bị mắng nhiếc vô duyên cớ nên Magarita rất xót xa trong lòng. Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai. Bà Alacoque thình lình bị sưng má, dần dần hóa thành một cục bướu, đau nhức, ăn ngủ chẳng được. Magarita lo lắng ngại ngùng cho mẹ nên đánh bạo nhờ cô ruột là bà Benoite gọi thầy thuốc đến khám chữa cho mẹ. Bà Benoite bĩu môi : Chà chà, rước thầy đến chữa cái mụt nhọt cho bà ấy ư? Ôi, cái đó thì khỏi nói; tiền đâu! hoài của!”

      May thay có người láng giềng động lòng trắc ẩn, nên mời ông thầy thuốc, nhân cơ hội đến trong xóm, khám bệnh giúp cho. Ông ấy bảo : Đây là loại ung nhọt nguy hiểm đến tánh mạng. Vừa khóc, Magarita hỏi :

- Thưa thầy, vậy thì chữa cách nào?

- Thử đắp nước nóng xem sao! Nói xong, y bỏ ra đi.

      Tại nông trại, chẳng ai để ý giúp Magarita - dù là một ý kiến suông - và cũng chẳng ai đoái nhìn hay thăm hỏi bệnh nhân. Ngày 01.01, Magarita sang nhà thờ, đến quỳ trước nhà tạm cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho con biết làm cách nào để chữa cho mẹ con”. Về đến nhà, thấy mụt nhọt của mẹ vỡ tung, máu mủ tuôn ra, Magarita can đảm rửa sạch rồi ngày ngày dùng kéo để cắt các chỗ thịt bị vữa, đồng thời thầm thĩ nguyện xin Chúa cứu giúp mẹ con mình; chẳng bao lâu bà Alacoque lành bệnh.

      Cậu Jean Alacoque, người anh cả, học xong, trở về nhà và định tự tay mình thu hồi phần tài sản để nuôi dưỡng mẹ và em gái, song rủi thay, Jean thọ bệnh rồi qua đời lúc mới 23 tuổi. Trong năm ấy (1663), bà nội và bà cô của Magarita cũng qua đời, vậy mà bà Benoite vẫn tiếp tục hành hạ khủng bố mẹ con bà Alacoque nên bầu không khí ở nông trại vẫn khó thở. Phần cậu con trai thứ nhì của bà Alacoque là Claude Philibert ngã bệnh rồi quy thiên, làm cho Magarita và mẹ lâm cảnh cùng cực.

Làm thỉnh sinh dòng Đức Bà Đi Viếng

       Bây giờ Magarita được 18 tuổi. Mặc dầu phải trải qua ngót bốn năm sống cảnh đọa đày khốn đốn mọi mặt, Magarita cũng trở thành một thiếu nữ dịu hiền, đẹp đẽ, duyên dáng, dễ thương, can đảm, chịu khó, mọi người đều khen ngợi.

      Trong làng nhiều cậu thanh niên cũng tìm cách liếc mắt đưa tình, ước mong được cùng nàng xây tổ ấm. Bà Alacoque thấy rõ điều ấy nên bảo riêng con : Con lập gia đình đi rồi mẹ sẽ sang ở với vợ chồng con, lánh khỏi nông trại đã làm cho mẹ con ta sống trong đau khổ tủi nhục.

      Magarita thưa : Thưa mẹ, thế thì lời con nguyện ước từ trước sẽ tính sao?”

      Mẹ nàng đáp : Đó chẳng qua là lời hứa khi còn non dại, con không bị ràng buộc bao nhiêu.

      Dù là trái với ý mẹ, song Magarita thấy mình bị ràng buộc với lời nguyền ước cách đây bốn năm bằng một sợi giây thiêng liêng không thể tháo gỡ được; mặt khác, Magarita cũng muốn làm sao để mẹ được sống sung sướng cho bõ những năm bị ngược đãi. Hai tư tưởng ấy đối chọi nhau, dày vò Magarita không ít cho nên Magarita tự đấu tranh và càng gia tăng hãm mình cầu nguyện, tưởng rằng làm như vậy là đẹp lòng Chúa Giêsu. Thời gian trôi qua, Magarita cứ mãi lưỡng lự chưa biết phải chọn đường nào, thì Đấng Quan Phòng giải quyết cách khôn ngoan như sau: Cậu con trai của bà Alacoque ăn học thành tài, lập gia đình với một phụ nữ rất mực đoan trang, công dung ngôn hạnh thập toàn. Chrysostome thu hồi phần sản nghiệp của mình, rước mẹ và em gái về chung sống. Thế là cả hai mẹ con Magarita tránh được mọi hà khắc trước đây, hết bỉ cực đến thái lai.

      Bà Alacoque vẫn ao ước giữ con gái của mình, sẽ gã chồng để sống gần mình. Phần Magarita thấy đời sống của mẹ từ nay có phần bảo đảm, được ổn định, nên quyết tâm đáp lại lời Chúa kêu gọi, lễ phép từ chối các mối lái cầu hôn và cuối cùng được mẹ và anh bằng lòng cho đi tu. Nhưng đi tu dòng nào bây giờ?

     Tại dòng Ursulines ở Mâcon đã có người chị em họ, nên gia đình muốn cho Magarita vào dòng ấy, song Magarita tự cảm thấy là chưa đúng đường. Trong lúc chờ đợi, Magarita dùng thì giờ rảnh rỗi để săn sóc giúp đỡ kẻ nghèo, tập họp trẻ con trong xóm để dạy giáo lý, tập cho chúng biết đọc kinh, biết cầu nguyện. Mùa hè thì dẫn trẻ ra đồng trống để sinh hoạt, mùa đông tháng giá thì đưa chúng về nhà sinh hoạt trong phòng riêng của mẹ. Có một lần bà Benoite biết được, nổi cơn khùng, đuổi cả bọn chạy có cờ; riêng bọn trẻ, được hướng dẫn dạy dỗ nên khoái Magarita lắm.

       Magarita hằng ngày cầu nguyện xin Chúa cho biết ý Chúa định về mình. Một hôm, Magarita nghe trong tâm hồn có tiếng bảo rằng : Cha muốn con vào dòng Đức Bà Maria. Dòng nữ nầy do thánh Phanxicô Salêsiô và thánh nữ Jeanne de Chantal sáng lập, gọi là dòng Đức Bà Đi Viếng, là dòng sống đời chiêm ngắm cầu nguyện và viếng thăm giúp đỡ bệnh nhân.

     Trong gia đình không ai muốn cho Magarita vào dòng Đức Bà Maria; riêng Chrysostome lần lượt có con cái bận rộn, nên cũng kém phần lo cho em gái của mình.

      Năm 1670, Magarita lên 23 tuổi. Năm ấy có cha dòng thánh Phanxicô khó khăn đến Verosvres giảng tĩnh tâm, giáo dân sốt sắng đến xưng tội. Magarita xét mình rất cẩn thận và ghi chép các tội lỗi của mình trên nhiều trang giấy.

     Vào tòa giải tội, Magarita cứ theo mấy tờ giấy ấy mà đọc, song cha giải tội ngăn lại, không cho đọc hết. Cha giải tội thấy được tâm hồn của Magarita. Sau đó ngài hỏi về đời sống và ý định của Magarita. Biết rằng Magarita quyết định vào dòng Đức Bà nên ngài thẳng thắn khuyên Chrysostome không nên cản trở ơn thiên triệu của em mình, đồng thời nên lo liệu mọi việc để Magarita được vào dòng Đức Bà.

Hơi hổ thẹn, Chrysostome hỏi em : Cô vẫn muốn đi tu ư?”

 - Em thà chết chứ không đổi ý.

 - Vậy để anh lo cho.

     Nói vậy nhưng mọi người trong nhà vẫn muốn ép Magarita vào dòng Ursulines mà thôi, làm cho Magarita không biết phải làm thế nào để bảo vệ ý định của mình. Một ngày kia, Magarita nghe trong tâm hồn có tiếng bảo : Con đừng sợ gì hết vì con là con của Mẹ và Mẹ luôn luôn đã là Mẹ con.

Được Đức Mẹ phán bảo như thế nên Magarita nói thẳng với anh : Em chỉ muốn vào dòng Đức Bà Maria mà thôi. Ở đấy em cách xa gia đình; không bà con, không thân thích, không giao dịch với ai cả. Em muốn đi tu vì lòng mến Chúa, xa hẳn trần gian, được ẩn mình vào một xó xỉnh nào đó thôi.

     Gia đình liền kể cho Magarita một số các dòng nữ. Khi nghe đến dòng Đức Bà ở Paray le Monial thì tự nhiên lòng Magarita vui vẻ hớn hở và phấn khởi. Biết rằng mình phải vào dòng ấy nên lập tức nói : Vâng, vâng, dòng Đức Bà ở Paray le Monial. Chrysostome bảo Được rồi, chúng ta cùng đi Paray le Monial xem thử rồi sẽ quyết định.

     Hai anh em lên đường đến Paray le Monial. Vừa mới bước chân vào phòng khách, Magarita nghe trong tâm hồn có tiếng nói : Cha muốn con vào dòng nầy. Magarita tỏ ngay với Chrysostome : Xin anh lo liệu cho em từ hôm nay vì em sẽ không vào dòng nào khác. Bất đắc dĩ, Chrysostome phải chiều ý em.

     Về lại Verosvres, Magarita trở nên vui vẻ lạ thường làm cho người nhà ngạc nhiên vì trước đây nàng quả thật trầm tư buồn sầu. ,Bà Benoite là cô ruột, tính nào vẫn tật ấy, mỉa mai châm biếm.  Bà Alacoque được con trai và cô dâu phúc hậu hiền hòa phụng dưỡng nên sẵn lòng dâng Magarita cho Chúa.

     Một tháng sau, nhằm ngày thứ bảy 20.06.1671, Magarita đến tu viện, tuy lòng tràn ngập vui sướng, song khi chân vừa bước vào ngưỡng cửa, biết rằng từ nay mình chỉ được gặp gia đình qua lớp lưới sắt thì tự nhiên rùng mình, rụng rời tay chân tưởng như chết được. Vậy mà, qua khỏi ngưỡng cửa rồi thì can đảm trở lại và buột miệng nói : Chúa muốn cho tôi ở đây. Magarita xem mình như đang vào nơi thánh vì cứ tưởng rằng các nữ tu đều thánh thiện cả rồi. Sau nầy mới biết mình đã quan niệm sai lầm.

     Vì ơn gọi riêng, Chúa đã cho phép Magarita phải gặp nhiều đau khổ còn hơn các lao đao cay đắng lúc ở nông trại Delaroche, do một vài nữ tu gây ra. Magarita tự bảo : Với bất cứ giá nào, mình phải nên thánh… Bề trên Dòng là mẹ Harsant và Bề trên Tập viện là mẹ Thouvant đón nhận Magarita, dẫn vào nhà nguyện chầu Thánh Thể. Magarita lấy lại bình tĩnh, vui vẻ.

     Mẹ Thouvant là người đầy đủ tư cách và nhiều kinh nghiệm trong chức vụ, thấy tân đệ tử hình như sống trong một thế giới khác nên cố gắng hướng dẫn đưa Magarita về với thực tế của đời sống tập thể theo luật dòng, mặc dù Magarita không có chủ trương sống biệt lập.

      Phòng của Magarita hơi hẹp nhưng gọn gàng sạch sẽ. Các thỉnh sinh trẻ tuổi hơn đón Magarita với niềm trìu mến; song có một số nữ tu vì địa vị xã hội, vì giàu có hoặc thuộc giới quý tộc, hoặc vào dòng một cách bất đắc dĩ nên thường cấu kết với nhau, có ý xem thường các nữ tu kém địa vị, kém tiền của.

Phần Magarita, biết thân phận mình, nên chẳng tranh, một chỉ lo về đời sống nội tâm và tìm hiểu thế nào là cầu nguyện, nên tìm hỏi mẹ Bề trên Tập viện thì được trả lời : Con hãy đến với Chúa như một tấm vải đang chờ đợi họa sĩ.

     Đang còn phân vân chưa hiểu ý nghĩa câu nói của mẹ bề trên tập viện mà cũng chưa dám hỏi lại thì có tiếng nói trong lương tâm : Con lại đây, Cha dạy cho. Chúa cho Magarita hiểu rằng linh hồn của mình là tấm vải trên ấy Chúa sẽ họa lại đời sống khổ đau của Ngài. Bắt đầu, Chúa sẽ tẩy sạch những gì làm cản trở công việc của họa sĩ.

     Magarita cảm nghĩ là Chúa vừa phán dạy thì Ngài cũng bắt đầu hành động trong tâm hồn mình. Từ đó, Magarita càng ước muốn mến yêu Chúa, và để tỏ lòng mến yêu ấy, Magarita càng khát khao hãm mình đền tội, nhưng lại phải theo mức độ do bề trên chỉ giáo mà thôi.

Vào nhà tập và mặc áo dòng

     Sau hai tháng làm thỉnh sinh, Magarita được vào Nhà Tập. Bề trên chỉ trách Magarita có vẻ vụng về, chậm chạp, nhút nhát, nhưng vẫn được mặc áo dòng.

     Ngày 25.08.1671, Magarita được gặp thân mẫu và mọi người trong gia đình đến dự lễ mặc áo dòng, lấy tên là Soeur Magarita Maria. Soeur Magarita lòng tràn ngập sung sướng, mặt mày biến dạng hóa ra sáng ngời làm cho mẹ bề trên Hersant ngạc nhiên khi Magarita đến hôn mẹ.

     Chúa Giêsu cho Soeur Magarita Maria biết thời gian làm tập viên là thời gian đính hôn; rồi đây, trong tương lai Ngài sẽ ban cho nhiều ơn riêng đặc biệt. Trong dòng, dần dần người ta thấy Soeur Magarita Maria biến đổi hẳn. Tại nguyện đường, trong giờ gẫm, Soeur Magarit Maria có vẻ lơ đễnh không theo dõi đúng mức bài suy niệm người ta đọc lớn tiếng, làm cho mẹ bề trên nhà tập lo ngại : có lẽ Magarita mất thăng bằng chăng! Tuy rằng Magarita có đức vâng lời nhanh chóng và đức khiêm nhường lạ lùng.

Bề trên thường đặt vấn đề lương tâm. Để thử thách, bề trên thường sai khiến làm nhiều việc trái với giờ giấc sinh hoạt, thí dụ, trong giờ nguyện gẫm thì sai Magarita đi quét sân, sau đó bề trên lại quở trách rồi dạy phải sinh hoạt như các chị em khác, đôi khi còn dọa là Magarita sẽ không được khấn dòng.

     Soeur Magarita Maria luôn luôn im lặng vâng lời, nhịn nhục, không thanh minh thanh nga, không bao giờ minh oan cho mình; cố gắng làm hết sức mình và thiết tha xin khỏi bị hoàn tục.

     Qua sự vâng lời chịu lụy tuyệt đối, người ta phải nhận rằng Soeur Magarita Maria được Thánh Linh hướng dẫn. Thường thường Soeur tìm làm những việc khó nhọc, nhưng có một việc không thể làm được, đó là phải ăn phó-mát (fromage).

     Thật vậy, cả nhà Alacoque không một người nào ăn được phó-mát, cho nên khi đưa Magarita vào dòng, anh Chrysostome đã báo trước để bề trên miễn cho Magarita khỏi phải ăn phó-mát. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì - hoặc là bề trên muốn trắc nghiệm để đoán xét Magarita - hoặc là do người dọn bàn vô tình mà hôm nọ, trước mặt Magarita, người ta đã đặt một đĩa phó-mát. Magarita nôn mửa, song ý chí và tình thương xui giục Magarita phải ăn, nên Magarita cố đưa miếng phó-mát vào miệng, nhưng chịu không nổi. Suốt ba ngày, cố gắng hết sức mà không khắc phục được. Mẹ bề trên liền cấm Magarita việc hãm mình nầy và nói : Con không xứng đáng. Soeur Magarita bụng bảo dạ : Phải chết hay là phải thắng, rồi chạy vào nhà nguyện xin Chúa ban cho mình đầy đủ nghị lực.

     Chúa phán : Vì tình yêu, không nên dè dặt gì hết. Magarita trở ra, xin mẹ bề trên cho phép ăn thử phó mát. Bề trên bằng lòng. Soeur Magarita đưa miếng phó-mát vào miệng nhai và cố nuốt... nhưng rồi phải rời khỏi bàn ăn vì nôn mửa, cầm không được.

     Kể từ hôm ấy, mỗi lần có phó-mát thì Soeur Magarita cố ăn, cố nuốt, mặc dầu bao tử không dung nạp, và sự hy sinh hãm mình ấy kéo dài tám năm liền, cho đến khi vì lý do sức khỏe, bề trên cấm ăn phó-mát.

Khấn dòng

     Thời gian khấn dòng cũng sắp đến rồi. Các bề trên lưỡng lự, không thể quyết định rằng nên hay không nên cho Soeur Magarita khấn. Kể ra thì cô ta chẳng có gì đáng trách, duy chỉ có khác hơn chị em là hơi đãng trí, phải nhắc nhở hoài cô ta mới chú ý. Về việc làm, có thiện chí thật, song đôi khi khá vụng về. Có vài nữ tu chống đối việc cho soeur Magarita khấn dòng, viện lý rằng cái nhân đức đặc biệt của cô ta không phải do Chúa ban, không khéo lại là do giả hình không đè nén nổi óc tưởng tượng của mình mà thôi.

     Magarita vào quỳ chầu trước nhà tạm nguyện rằng : Lạy Chúa Giêsu, Chúa làm nên cớ để nhà dòng đuổi con về nhà đấy. Chúa Giêsu phán : Con đi trình với bề trên cứ cho con khấn dòng, chẳng có gì mà phải lưỡng lự, ngại ngùng, sợ sệt, vì có Cha bảo lãnh cho con rồi.

     Vậy là mọi sự xong xuôi. Soeur Magarita Maria lo tĩnh tâm, dọn mình để khấn dòng và Chúa Giêsu cho Magarita lo hoàn tất mọi việc bề trên giao phó. Mẹ Thouvant càng chú ý đến soeur Magarita Maria hơn. Hễ thấy Magarita vào nhà nguyện gối quỳ tay chắp, người bất động, mặt sáng ngời, thì ngại cho sức khỏe của Magarita nên nhiều khi tìm cớ để Magarita ra khỏi giây phút mặc niệm trầm tư, vì sự kiện nầy làm cho những chị ơ hờ nguội lạnh khó chịu.

     Hôm nọ, Mẹ Thouvant vào nhà nguyện bảo soeur Magarita : Nhờ soeur ra ngoài vườn trông nom hai mẹ con con lừa, cho nó ăn cỏ và coi chừng kẻo chúng nó ăn luống rau nhé!. Soeur Magarita vâng lời, rời nhà nguyện ngay, và ra vườn đùa với con lừa con, lưu ý không cho mẹ con nó đến gần mấy luống rau. Chẳng bao lâu tâm hồn Magarita lại trầm tư, chỉ biết có Chúa Giêsu đang hiện diện trước mặt mình nên quỳ gối xuống nguyện cầu.

     Các nữ tu từ cửa sổ nhìn ra vườn, thấy soeur Magarita đang suy gẫm, lại thấy cả hai con lừa đang ở trong vườn rau thì la lên : Thưa mẹ, soeur Magarita đang đi vào cung trăng để lừa nó ăn hết rau rồi.

Mẹ Thouvant hốt hoảng ra vườn, sẵn sàng mắng phạt. Nhưng khi nhìn thấy soeur Magarita bình tĩnh ngồi, tay chắp, mặt sáng ngời, tâm hồn đang nguyện ngắm, còn hai con lừa đứng trong vườn rau thật đấy, song chẳng đá động gì đến rau.

     Ngạc nhiên, mẹ Thouvant nhất quyết rằng soeur Magarita được Chúa Giêsu hướng dẫn nên khi soeur Magarita nguyện gẫm thì Chúa Giêsu làm việc thay cho. Chăn lừa liên tục nhiều ngày từ sáng đến chiều và sau cơm tối, soeur Magarita phải đi quét dọn chuồng lừa, trong khi cả dòng vào nhà nguuyện đọc kinh. Thế mà Magarita lại thích, vì được Chúa Giêsu sát cánh với mình.

Suốt thời gian tĩnh tâm, soeur Magarita được đối thoại với Chúa Giêsu, rồi đến ngày 6.11.1672, Magarita khấn dòng dâng hiến trọn đời mình cho Chúa Giêsu, đúng như ước nguyện của mình từ thuở nào.

Được Chúa Giêsu chọn làm bạn tâm giao

     Soeur Magarita trung thành với lời khấn hứa, càng ra sức tỏ lòng mến yêu Chúa Giêsu cách can đảm và khiêm tốn, nên Chúa Giêsu trao cho Magarita một sứ mệnh mà Ngài sẽ cho biết nay mai.

     Ngày 27.12.1673, lễ thánh Gioan (tông đồ và thánh sử), soeur Magarita được rảnh rỗi đôi chút, liền sang nhà nguyện để kính viếng Thánh Thể. Nhưng, soeur Magarita sửng sốt vì chẳng biết là mình đang ở đâu nữa, vì được Chúa Giêsu diễn lại hoạt cảnh buổi chiều ngày thứ năm năm xưa, trong bữa tiệc ly, Chúa đã để cho Gioan - người môn đệ Chúa mến yêu - dựa đầu vào ngực của Chúa, thì nay Chúa cũng cho soeur Magarita dựa đầu vào ngực của Ngài một hồi lâu, rồi Chúa tỏ cho biết những kỳ công tuyệt diệu của tình thương Ngài và những bí nhiệm mà trước đây Ngài còn giữ kín.

     Chúa phán : “Trái Tim Cha yêu nhân loại cách say đắm và yêu thương con cách riêng, lửa mến yêu đang bừng cháy trong Trái tim Cha và cần phải được lan rộng ra. Cha đã chọn con để trao cho con nhiệm vụ truyền bá việc tôn thờ Trái Tim cực thánh của Cha. Chính vì sự yếu hèn, ngu muội của con mà Cha chọn con, có như vậy nhân loại mới nhận thức rằng mọi việc đều bởi Thánh ý Cha mà ra.

Bây giờ soeur Magarita cảm thấy Chúa Giêsu lấy quả tim của mình để nhúng vào trong trái tim của Chúa; từ đó quả tim của soeur Magarita nóng bừng bừng luôn mãi, thuốc men đều vô hiệu. Chúa còn phán thêm : Từ trước đến nay con đã chỉ muốn được làm tôi đòi nô lệ của Cha nhưng, từ nay con được làm môn đệ yêu dấu của Cha.

     Vậy là, cho đến mãn đời, soeur Magarita Maria được mang dấu thánh lưỡi đòng đã đâm thủng Trái Tim cực trọng Chúa Giêsu, cũng như trước đó mấy trăm năm, thánh Phanxicô khó khăn và thánh nữ Têrêxa thành Avila được mang năm dấu thánh của Chúa Giêsu.

     Bây giờ Chúa Giêsu còn đòi hỏi thêm nhiều điều nữa là :

1. Mỗi thứ sáu đầu tháng soeur Magarita phải rước Mình Thánh Chúa (thời bấy giờ giáo hữu ít được rước Mình Thánh Chúa, dầu là tu sĩ).

2. Mỗi ngày thứ năm trong tuần, từ 11giờ đến nửa đêm, soeur Magarita phải thông công với Chúa Giêsu lúc Ngài hấp hối cầu nguyện trong vườn Giêtsêmani, gọi là “giờ thánh, để cùng chịu đau khổ, cùng với Chúa cầu xin ơn thứ tha tội lỗi của nhân loại.

      Soeur Magarita vừa run sợ, đi trình mẹ bề trên để xin phép. Bề trên đáp : Không, không! Đừng bày đặt ra nữa. Tôi cấm hẳn đấy nhé.

     Soeur Magarita yên lòng vì đã vâng lời bề trên, song bị cơn sốt và thọ bệnh, làm cho bề trên bối rối nên bảo : Soeur cầu xin với Chúa đi, nếu được lành, tôi mới tin và cho soeur được toại nguyện.

     Soeur Magarita vâng lời, cầu nguyện và được lành bệnh vì chính Mẹ Maria - vì thấy con đường còn dài nên đã chữa cho Magarita. Mẹ Maria phán : Con đừng sợ, Mẹ không bỏ con, Mẹ sẽ mãi mãi phù hộ con.

     Thật ra, trong thâm tâm mẹ bề trên dòng, mỗi ngày đinh ninh chắc chắn rằng Magarita được ơn huệ đặc biệt, nhưng không để lộ ra ngoài, nhiều lần quở trách Magarita trước mặt các chị khác; những lần rủi ro làm đổ bể gì thì chị em trách móc, chế nhiễu tha hồ. Là người tế nhị và đa cảm, soeur Magarita cũng biết khổ tâm nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận mọi chê trách chế nhiễu, hầu đền bồi phạt tạ mọi tội lỗi xúc phạm đến Trái tim Chúa Giêsu và còn muốn tìm cách hãm mình nhiều hơn nữa. Vậy mà Chúa Giêsu cũng chưa bằng lòng; Chúa còn cho Magarita biết Chúa rất buồn vì có nhiều nữ tu kém nhân đức và Chúa dạy Magarita phải dâng mình làm của lễ đền tội cho các nữ tu ấy.

     Soeur Magarita được Chúa Giêsu tâm sự như vậy nên rất khổ tâm, nhưng không dám tự ý mình quyết định vì còn phải xin phép bề trên. Trước Thánh Thể, soeur Magarita say sưa cầu nguỵện và khóc lóc đến nỗi không thấy rằng các chị em đã đi ăn cơm tối. Chị em chạy quanh kiếm tìm rồi dẫn Magarita đến gặp bề trên.

     Bề trên bảo soeur Magarita phải thuật lại lời Chúa đã phán dạy trước mặt cả nhà dòng. Tội nghiệp cho soeur Magarita, thập tử nhất sanh vì ngại ngùng, nhưng cũng phải vâng lời Chúa Giêsu và vâng lời bề trên nên, thuật lại nguyên văn lời Chúa dạy là phải dâng hiến mình làm của lễ đền tội cho các chị em nữ tu kém nhân đức.

     Thế là các nữ tu đồng loạt la ó phản đối kịch liệt; mặc sức công kích, xoi bói mỉa mai, khinh chê nhạo báng; có người cho rằng soeur Magarita bị quỷ ám nên chạy đi lấy nước thánh rảy lên người soeur Magarita để đuổi quỷ, để trừ quỷ; người ta tha hồ hạ nhục soeur Magarita. Cứng hơn đá, vững hơn đồng, soeur Magarita được dịp kết hợp những khổ nhục của mình với cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

Được Cha de la Colombière hướng dẫn

     Magarita lại hoài nghi, sợ rằng mọi sự việc đã xảy ra là do trí tưởng tượng, nên tự đấu tranh khắc phục, để lấy lại bình tĩnh thăng bằng, sống như mọi chị em trong dòng, song không làm sao khỏi áy náy sợ sệt. Nhưng trong lương tâm lại có tiếng nói : Đã ở trong tay Đấng Toàn Năng rồi mà con còn sợ gì nữa chứ?”

     Năm 1675, cha Claude de la Colombière thuộc dòng Chúa Giêsu (Việt nam thường gọi là dòng Tên), là một nhân vật kiến thức sâu rộng và thánh thiện, được phái đến làm linh hướng cho dòng. Mẹ bề trên giới thiệu các nữ tu, rồi từng người vào toà giải tội để bày tỏ linh hồn mình cho cha linh hướng. Khi đến phiên mình thì soeur Magarita nghe tiếng lương tâm bảo : Này là người Cha sai đến với con đấy.

Thật vậy, trong tòa giải tội, cha De la Colombière thấy rằng đây là một linh hồn được mở rộng để trình bày mọi ẩn khuất. Magarita sợ trình bày về mình lâu quá e không tiện, nên cha De la Colombière hẹn gặp lại một lần khác; Magarita cũng thưa rằng mình sẽ vâng lời bề trên mọi đàng.

     Mấy hôm sau, cha De la Colombière trở lại và giải thích cho soeur Magarita biết rằng mọi sự việc đã xảy ra đều là hồng ân Thiên Chúa ban cho. Từ đó tâm hồn của cha linh hướng cũng như của Magarita cùng chung một quan niệm, là cả hai đều có bổn phận làm cho người ta biết lòng Chúa Giêsu thương yêu con cái loài người.

     Cha linh hướng dạy Magarita phải ghi chép lại những hồng ân đã lãnh nhận. Magarita lấy làm cực lòng nhưng bất đắc dĩ phải vâng lời; bắt đầu ghi chép rồi lại đốt đi, nhiều lần như vậy; cuối cùng bị ép buộc nên, vì đức vâng lời mà viết cho xong; nhờ vậy ngày nay chúng ta mới biết được nhiều chi tiết ly kỳ hi hữu của đời sống phi thường của thánh nữ Magarita Maria.

     Cũng trong năm 1675, Chúa Giêsu mạc khải cho Magarita nhiều điều rất quan trọng. Ngày 13 tháng 6, lễ kính Mình Thánh Chúa, được dịp chầu Thánh Thể lâu hơn ngày thường, soeur Magarita Maria thưa với Chúa Giêsu rằng mình muốn lấy tình thương để đáp lại tình thương, thì được Ngài phán : Con chỉ có thể đáp lại tình thương của Cha bằng cách thi hành những gì Cha truyền cho con. Nói xong, Chúa Giêsu liền chỉ vào quả tim của Ngài và phán : Đây là Trái tim đã yêu dấu loài người quá bội nên chẳng hề từ chối bất cứ điều gì để chứng minh tình yêu ấy; đáng lý ra Cha phải được loài người biết ơn, trái lại, phần đông đã lãnh đạm và bội bạc, lại còn khinh mạn dể duôi trong phép Thánh Thể. Cha càng đau đớn hơn nữa vì cũng có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, cũng vô ơn bạc nghĩa như vậy. Chúa truyền phải lập một lễ đặc biệt vào ngày thứ sáu sau lễ kính Mình Thánh Chúa để kính thờ Trái Tim Chúa hằng yêu thương nhân loại.

     Trong thánh lễ ấy, phải dọn mình để rước Mình Thánh Chúa để đền bồi phạt tạ Trái Tim Chúa, cầu xin cách riêng cho loài người nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, đoạn Chúa hứa sẽ ban nhiều ơn lành cho những ai trung thành tuân giữ những điều Chúa đã truyền dạy và còn phổ biến cho nhiều người khác thi hành.

     Soeur Magarita run sợ vì biết rằng nếu tường thuật những điều Chúa truyền dạy thì chẳng mấy ai tin nên thưa với Chúa Giêsu : Lạy Chúa, Chúa truyền dạy những điều quan trọng như thế cho con là kẻ nhỏ bé dốt hèn khốn nạn. Có biết bao nhhiêu người khác sẽ làm hay hơn con. Chúa Giêsu : Thế thì con không biết rằng Cha thường dùng những kẻ thấp hèn để làm những việc trọng đại sao?”

     Soeur Magarita : Vậy thì Chúa ban phương tiện cho con. Chúa Giêsu : Con cứ trình bày với người đầy tớ của Cha. Vì lý do ấy mà Cha sai y đến; y phải thực hiện cho được những gì Cha đã truyền dạy cho con.

     Soeur Magarita vào tòa cáo giải trình bày rõ ràng tỉ mỉ mọi chi tiết cho cha linh hướng mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Cha De la Colombière biết rõ đức vâng lời và đức khiêm nhường của soeur Magarita nên chẳng ngần ngại lo lắng xin lập Lễ Kính Trái Tim Chúa Giêsu đồng thời nâng đỡ hướng dẫn kẻ đã được Chúa chọn để làm bạn tâm giao. Song rủi thay! Được một năm thì cha Colombière bị thuyên chuyển sang Anh quốc. Soeur Magarita buồn lắm, thì được Chúa Giêsu dạy : Việc gì mà phải buồn! Một mình Cha không đủ cho con sao?”

Lại sống cuộc đời thử thách

     Mẹ De Saumaise mãn nhiệm kỳ bề trên năm 1678, rời Paray le Monial để sang Dijon. Mẹ rất hiểu tâm hồn soeur Magarita nên cũng đã hết sức nâng đỡ theo phạm vi của mình trong nhiệm vụ hết sức khó khăn tế nhị đối với chị nữ tu thánh thiện của dòng.

    Mẹ Greyfié từ Annecy đến thay thế mẹ De Saumaise. Bên trong, Mẹ Greyfié cũng rất tốt với soeur Magarita, nhưng bên ngoài lại tỏ ra cứng rắn. Ban đầu mẹ chẳng nói gì nhưng có ý tự riêng mình quan sát, hầu có thái độ đối với những gì có liên hệ đến nữ tu đặc biệt nầy.

    Cũng như các bề trên tiền nhiệm, mẹ Greyfié biết rõ sự thánh thiện của soeur Magarita và các mạc khải quan trọng là có thật, nhưng vẫn thử thách Magarita bằng cách quở trách trước mặt các chị khác, cho rằng Magarita là người vụng về, biếng nhác, không tế nhị. Soeur Magarita không bao giờ tự bào chữa vì nghĩ rằng mình đáng nhận mọi nhục nhã ấy, nên sung sướng dâng mọi đau khổ cho Chúa. Tuy vậy, mẹ Greyfié thường gửi cho soeur Magarita những mảnh giấy nho nhỏ, theo lối hàm thụ đầy tình thương yêu thán phục, ví dụ : Linh hồn của con là sở hữu của Chúa Giêsu và Ngài cũng thuộc về linh hồn của con; con hãy hồi âm cho mẹ, mẹ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ con. Linh hồn của con cũng được mẹ yêu chuộng như linh hồn của mẹ vậy.

    Chúa Giêsu dạy cho soeur Magarita phải xin mẹ bề trên ra lệnh bằng giấy trắng mực đen theo như luật của dòng. Từ hôm ấy Chúa cho Magarita hưởng Trái tim Chúa làm gia nghiệp đời tạm nầy và cả đời sau. Chúa tuyên bố : Con sẽ được Cha cứu giúp cho đến ngày Cha không còn quyền năng nữa mới thôi.

     Phần cha De la Colombière vì bệnh, nên từ Anh quốc trở về Pháp. Ngài đến Paray le Monial vài ngày và vui vẻ gặp lại soeur Magarita, con người luôn luôn khiêm nhượng vâng lời bề trên như cha đã từng viết thư cho mẹ bề trên Saumaise.

     Phần soeur Magarita, trải qua thời gian đau khổ phần xác vì hãm mình phạt xác và khổ đau về tinh thần vì bị chị em trong dòng châm biếm mỉa mai, nên thọ bệnh, phải vào ra phòng bệnh liên miên. Ngày 19.6.1680, áp lễ kính Mình Thánh Chúa, soeur Magarita nhờ chị y tá trình bề trên cho mình được tham dự thánh lễ để được rước lễ, nhưng chị y tá quên thưa với mẹ bề trên. Mẹ bề trên Greyfié bắt gặp, quát mắng : À, chị đi dự lễ được mà khai bệnh là nghĩa làm sao?  Thôi lo mang chăn mền và đồ dùng về phòng ngay và tiếp tục sinh hoạt như mọi chị em trong dòng.

     Không một lời thanh minh, mặc dầu còn bệnh, Magarita vừa run vì cơn sốt, vội vã mang áo xống chăn mền về phòng. Chúa Giêsu thấy Magarita vâng lời nhanh chóng, lại không muốn tố cáo điều vô ý của chị y tá, nên cho Magarita hoàn toàn bình phục.

     Cha De la Colombière lâm bệnh. Tháng 8 năm 1681, đến tỉnh dưỡng ở Paray le Monial và gặp Magarita nhiều lần. Người ta nghĩ rằng ngài được về quê quán, mong sẽ bình phục; song Magarita gửi cho ngài một mảnh giấy với hàng chữ : Chúa Giêsu muốn cha tận hiến đời sống ở xứ nầy. Vậy là cha De la Colombière chỉ còn dọn mình để về chầu Chúa.

     Trong lúc còn sanh tiền, cha De la Colombière cũng hết sức mình lo nhiệm vụ đã được giao phó, nhờ vậy mà người ta bắt đầu hiểu biết Trái tim Chúa rất yêu mến loài người, song những đòi hỏi của Chúa Giêsu cũng chưa được thỏa mãn nên soeur Magarita Maria rất cực lòng, tuy bây giờ trong dòng các chị em cũng bớt xoi mói châm biếm, chế nhạo, lại cũng có nhiều nữ tu kín đáo khen ngợi sự thánh thiện của soeur Magarita.

     Một hôm, có một đệ tử của dòng tên là Antoinette Rosalie bệnh nặng và thình lình mê man bất tỉnh. Sợ rằng cô ấy không hồi tỉnh được nên cả dòng buồn lắm. Mẹ Greyfié liền bảo soeur Magarita xin Chúa Giêsu cho Antoinette Rosalie hồi tỉnh, ít nữa là để được lãnh phép Xức Dầu Thánh và được rước Mình Thánh Chúa, làm của ăn đi đường.

     Vào nhà nguyện, soeur Magarita cầu xin với Chúa Giêsu và được phán truyền như sau : Cha ban cho ơn ấy với ba điều kiện; một là con phải lãnh nhận công việc bề trên trao cho con; hai là con phải đến phòng khách mỗi khi có người đến xin gặp con; ba là con phải viết lại những gì người ta bảo con viết ra. Ba điều kiện ấy làm cho Magarita cực lòng lắm vì bản tính chỉ muốn làm thinh và được quên lãng, vì vâng theo ý Chúa nên Antoinette được hồi tỉnh, lãnh các phép bí tích cuối cùng và qua đời một cách êm ái.

Làm bề trên tập viện

     Kể từ đây, Chúa Giêsu đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đã đề ra. Mẹ bề trên Greyfié mãn nhiệm và soeur Melin được bầu lên thay thế. Mẹ Melin chỉ định soeur Magarita Maria làm phụ tá. Tuy trái hẳn ý riêng mình thật : làm mẹ nhì một tu viện đã lâu nay khinh chê mình!

     Sau đó soeur Magarita làm bề trên Tập viện. Nhờ sự hướng dẫn đầy tình mẫu tử của soeur nên tập viện trở nên lành thánh. Bấy giờ dư luận chuyển hướng rõ rệt. Ngay trong phố phường người ta nói đến soeur Magarita với một lòng cung kính mộ mến, nhiều người muốn đến gặp để xin ý kiến hướng dẫn chỉ bảo đàng lành, hoặc xin cầu nguyện để được ơn nọ ơn kia. Soeur Magarita không thể nào từ chối được vì đã hứa với Chúa Giêsu rồi.

     Để bù lại những vị nể mà trong dòng dành cho mình, soeur Magarita cũng thân hành rửa chén bát, đi khuân củi, quét dọn nhà cửa, ngay cả nhà vệ sinh. Các tập sinh rất mến phục bề trên trực tiếp của mình vì được hướng dẫn dìu dắt vui vẻ, song không kém phần cương quyết. Soeur Magarita thường nói : Một tu sĩ mà không thích nguyện gẫm thì cũng giống như một binh sĩ không vũ khí.

    Nhờ vậy, có vài nữ tu tuy đã khấn dòng rồi nay xin trở lại tập viện để được bổ túc. Đầu năm 1685, bị mụt nhọt ở ngón tay, người ta phải dùng loại dao cạo để giải phẫu thấu xương song soeur Magarita can đảm nghiến răng không kêu la rên siết. Giải phẫu xong soeur còn nói : Ngợi khen Chúa. Trong năm ấy, gần đến lễ thánh nữ Magarita, quan thầy của bề trên tập viện, các tập viên cùng nhau thảo luận tìm cách làm vui lòng thầy của mình. Tất cả đều biết rằng bằng cách này hay cách khác, tỏ lòng tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu mà vị bề trên khả kính khả ái của mình hằng dạy một cách say mê là đúng điệu.

     Hôm ấy, các tập viên xin đưọc phép thức dậy lúc nửa đêm để chuẩn bị, họ dựng một bàn thờ ngay trong tập viện, họ trang hoàng, chính giữa bàn thờ họ trưng ảnh Trái Tim Chúa Giêsu vẽ bằng bút chì, chung quanh bức ảnh có hoa có nến trang nghiêm.

     Sáng ngày, cả thầy lẫn trò, ai nấy đều vui vẻ. Soeur Magarita mặt mày sáng ngời, đọc kinh dâng mình cho Trái Tim Chúa, cứ mỗi câu các tập viên đều lập lại và suốt ngày hôm ấy, các tập viên thay phiên nhau, cầu nguyện trước bàn thờ này. Món quà ấy làm cho soeur Magarita thỏa lòng vì là lần đầu tiên TráiTim Chúa Giêsu được công khai thờ kính. Chiều đến, soeur Magarita khuyên các tập viên nên tiếp tục cầu nguyện để Chúa Giêsu ngự trị trong lòng mọi người, phải yêu mến Trái Tim Ngài, phải trọn hiến dâng đời sống mình để được hạnh phúc đời nầy và đời sau.

     Khi trong dòng biết được biến cố nầy thì ai cũng ngạc nhiên vì cho đấy là một phát minh mới lạ, rồi công kích bề trên tập viện. Mẹ bề trên Melin cũng lấy làm khó chịu và phân vân không biết phải xử sự như thế nào. Song Chúa Giêsu phán với môn đệ mình rằng : Con đừng sợ gì cả vì Cha sẽ thống trị, mặc cho kẻ địch thù, mặc cho kẻ chống đối.

     Cha De la Colombière, trước khi qua đời, đã để lại nhiều tài liệu xuất bản thành sách. Một ngày nọ, tại nhà cơm, các cữ tu đọc quyển sách nhan đề Tỉnh tâm thiêng liêng nói đến một linh hồn được Chúa Giêsu chọn để truyền những mệnh lệnh của Ngài. Khi nghe đọc sách ấy, các chị ngừng ăn, chăm chú nhìn soeur Magarita làm cho soeur tái mặt, bẻn lẻn cúi đầu, cuối cùng mọi người mới xác nhận rằng soeur Magarita không phải là người mất thăng bằng, trái lại là người rất khiêm nhượng, từ bi, được Chúa Giêsu chọn để truyền mệnh lệnhcủa Ngài.

     Nhờ có tác phẩm ấy, nhờ các bề trên tiền nhiệm như mẹ Saumaise, mẹ Greyfié nên việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu được truyền bá đến các tu viện khác. Dầu vậy, soeur Magarita cũng chưa hết khổ đau. Nguyên do là người ta dẫn đến tu viện Paray le Monial một thiếu nữ con nhà quý tộc để xin vào tập viện.

     Soeur Magarita không nhận nên bị thân nhân cô ấy phản đối quyết liệt, bị dọa dẫm thưa kiện v.v... vì đã làm trái ý nhà quý tộc; sự thật là cô thiếu nữ ấy không muốn đi tu và cuối cùng cô ta mang hành lý về nhà.

Cha linh hướng mới

     Thiên Chúa phái cha Rolin, dòng Chúa Giêsu, đến làm linh hướng cho nhà dòng Paray le Monial. Thoạt nghe người ta nói về nữ tu đặc biệt là soeur Magarita Maria, cha Rolin do dự, song khi đã biết đời sống nội tâm của nữ tu nầy thì ngài hiểu mức độ thánh thiện của một linh hồn do Chúa Giêsu ngự trị và ban cho nhiều ơn cao trọng.

      Soeur Magarita xưng tội chung làm cho cha Rolin cảm phục nên dạy phải viết lại trọn đời sống của mình và mọi chi tiết về các hồng ân được Chúa ban. Kể từ ngày các tập viên tổ chức lập bàn thờ kính Trái Tim Chúa Giêsu để mừng lễ quan thầy của bề trên tập viện vừa trọn một năm, thì cũng đến giai đoạn Chúa Giêsu chọn để Trái tim Ngài được chính thức tôn thờ. Nguyên do là mẹ Greyfiégởi biếu soeur Magarita một bức ảnh Trái Tim Chúa. Bây giờ một bàn thờ được lập trong nhà nguyện dòng do soeur Des Escures để trưng bức tượng ấy.

     Soeur Des Escures trước kia là một trong những người chống đối soeur Magarita, thì nay lại là người sốt sắng tôn kính Trái Tim Chúa. Vậy là cả dòng đã bị chinh phục, soeur Magarita mừng đến nỗi không cầm được giọt lệ. Mẹ Melin lại còn quyết định xây nguyện đường riêng để tôn thờ Trái Tim Chúa. Các đệ tử góp tiền túi để hợp công xây dựng nguyện đường nầy. Soeur giữ vườn phát triển trồng hoa và các loại thảo dược (plantes médicinales) để có thêm lợi tức xây nhà nguyện. Soeur Magarita hết lòng cám ơn soeur Des Escures : Em chẳng còn ước ao gì hơn nữa vì nay Trái Tim Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, sau đó viết thư thăm mẹ Greyfié : Bây giờ con được toại nguyện rồi, con ước ao được chết lắm. Với một bề trên khác, soeur Magarita viết :Trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch không bao giờ khô cạn, mà chỉ muốn tuôn tràn hồng ân cho những ai có lòng thờ kính.

     Năm 1686, soeur Magarita mãn nhiệm. Ảnh Trái tim Chúa được vẽ bằng bút chì mấy năm trước được rời khỏi nhà tập và được trưng bày một nơi khác, các tập viên cũ, dù đã khấn dòng rồi, vẫn tiếp tục đến kính viếng, riêng soeur Des Escures xem đó là một vật kỷ niệm quý báu.

Làm nữ y tá

      Soeur Magarita được chỉ định làm y tá phụ cho soeur Marest, vì bề trên cũng muốn cho soeur Magarita có thì giờ để cầu nguyện. Một hôm nọ, soeur Marest nói với y tá phụ : Nhờ chị thay em để chầu Mình Thánh Chúa độ nửa giờ, mọi công việc ở bệnh xá em quán xuyến cho. Soeur Magarita vào nguyện đường cung kính quỳ trước Mình Thánh Chúa, sốt sắng chiêm ngắm như không còn biết gì ở trần gian nầy nữa.

     Bác sĩ của dòng, từ khi chữa bệnh cho soeur Magarita, không ngớt khen ngợi sự can đảm phi thường của soeur qua mọi cơn đau dằn vặt nên ngạc nhiên nói : Làm thánh cũng tốt lành thật, soeur Magarita lòng khiêm nhượng, biết rằng sở dĩ được như vậy là nhờ Đấng đã dùng mình làm máng xối để chuyển hồng ân của Ngài đến các linh hồn, nên đáp : Chúng ta chỉ cần phải yêu mến Chúa để được nên thánh, có ai ngăn cấm mình đâu, vì mỗi người chúng ta đều có một quả tim để mến yêu.

    Bấy giờ dân chúng càng ngày càng biết đến dòng Đức Bà ở Paray le Monial, nên Chúa Giêsu cũng tỏ ra hài lòng. Ngài cho soeur Magarita biết rằng các nữ tu dòng Đức Bà Đi Viếng lãnh nhiệm vụ tiên khởi để phát động việc tôn thờ Trái Tim Chúa thì các linh mục dòng Tên có nhiệm vụ rao giảng khắp nơi việc tôn thờ nầy, để được hưởng vô vàn hồng ân Chúa ban cho.

     Cũng từ đó, các linh mục dòng Tên giảng dạy, cổ võ việc lành nầy, xuất bản sách vở báo chí, thành lập các hội đoàn để cầu nguyện, tôn thờ Trái Tim Chúa. Thời gian nầy soeur Magarita còn sống.

Tại Bretagne, năm 1678, cha Huby thành lập Hội cấm phòng cho những ai muốn sống trong tình yêu Chúa Giêsu. Cùng hợp tác với cha Huby có bà Claude Thérèse de Karmeno và các bạn, cha đi khắp tỉnh giảng về việc tôn thờ Trái Tim Chúa và lập dòng Trái Tim Chúa Giêsu.

     Ở Paray le Monial, nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa Giêsu khởi công xây dựng năm 1686, được hoàn thành năm 1688. Ngày 07.09.1688 nghi lễ làm phép nhà nguyện thật long trọng. Giáo dân được mời tham dự và được phép vào nội cung, ai cũng tò mò muốn nhìn thấy mặt nữ tu đặc biệt mà ngoài phố phường thiên hạ đã không ngần ngại gọi là “thánh”, nhưng soeur Magarita rất điềm nhiên, không lưu ý đến mọi sự việc chung quanh mà chỉ tâm niệm cầu nguyện.

     Được dịp may hiếm có, nhiều giáo dân xin được gặp soeur Magarita để được nghe lời lành, được yên ủi, được hướng dẫn. Về sau nầy, tự thấy các chị trong nhà có phần kiêng dè mến chuộng mình nên soeur Magarita đột nhiên nói : Chắc tôi không còn sống bao lâu nữa vì không lãnh được khốn khó khổ đau nào nữa, vả chăng mẹ bề trên săn sóc tôi cẩn thận quá.

     Trong thời gian ấy, trong lúc khuân và sắp củi, có một thỉnh sinh vô ý nên bị thương nơi ống chân đau lắm mà không dám than van vì sợ bị hoàn tục. Thỉnh sinh ấy tự nghĩ rằng

     Ước gì tôi được đưa ống chân nầy chạm vào gấu áo của soeur Magarita... Đến chiều, trong giờ giải trí, thỉnh sinh nầy lợi dụng cơ hội thuận tiện, đến sau lưng soeur Magarita, nhẹ nhàng nắm gấu áo của soeur đặt lên ống chân mình mà chẳng ai hay biết gì cả. Sau đó mấy ngày, ống chân của thỉnh sinh nầy lành hẳn.

Dọn mình về chầu Chúa

     Soeur Magarita biết rằng cha Croiset đang viết một quyển sách nói về Trái Tim Chúa Giêsu nên sung sướng lắm vì như thế các mệnh lệnh và các điều Chúa hứa sẽ được phổ biến rộng rãi, soeur được lệnh phải ghi lại đầy đủ mọi chi tiết mà Chúa đã truyền dạy; song vì đức khiêm nhượng, soeur Magarita lại ước ao được chết trước khi quyển sách được xuất bản.

     Tự cảm thấy Chúa sắp gọi mình về, nên ngày 22.7.1690, soeur Magarita tĩnh tâm 40 ngày, dọn mình để hoàn toàn phú dâng mạng sống trong tay Đấng mà soeur thường gọi là nơi nương tựa độc nhất của mọi cậy trông của tôi.

     Xong cuộc tĩnh tâm thì soeur Magarita lâm bệnh ngày 08.10.1690, được rước Mình Thánh Chúa. Trong đêm, bệnh tình nghiêm trọng, soeur Magarita thầm thĩ cầu nguyện, xin lỗi mọi chị em rồi nói : Yêu mến Chúa thì hạnh phúc biết ngần nào, đoạn nói với chị canh bệnh : Xin chị hỏa thiêu quyển vở trong hộc tủ của em, trong ấy, vì vâng lời bề trên mà em đã ghi chép đấy. Soeur canh bệnh do dự, tự nghĩ quyển ấy chứa đựng một kho tàng vô giá, nên đáp : Xin chị trao chìa khóa tủ cho mẹ bề trên và cố gắng hy sinh ý muốn ấy đi.

     Ngày 17.10.1690, soeur Magarita quá yếu nên được lãnh bí tích Xức Dầu Thánh. Trong cơn hấp hối, ngẫu nhiên mà hai nữ tu (cựu tập viên) đến thăm, một đứng bên phải một đứng bên trái như từ trước soeur Magarita tiên báo. Soeur Magarita kêu tên Giêsu, linh hồn lìa khỏi xác về thiên cung, muôn muôn đời chiêm ngắm thánh nhan Đấng đã dạy mình phải loan truyền cho nhân loại biết tình thương vô lượng vô biên của Trái Tim Chúa Giêsu.

     Dân chúng ngoài phố bảo nhau : Bà thánh của dòng Đức Bà qua đời rồi. Soeur Magarita Maria về thiên cung nhưng sứ mạng của người được các cha dòng Tên tận tâm tận lực nối tiếp. Năm 1691, cha Croiset cho xuất bản quyển tóm lược hạnh tích vị nữ tu khả kính nầy Phát triển việc tôn thờ Trái tim Chúa Giêsu khắp hoàn cầu

     Năm 1715, cha bề trên Cả dòng Tên bắt đầu vận động xin Tòa Thánh phong soeur Magarita Maria lên hiển thánh song bị chậm trễ vì cuộc cách mạng đã làm chodòng Tên bị phân tán. Tuy vậy việc tôn thờ Trái Tim Chúa chẳng những được duy trì mà còn đều đều phát triển.

     Năm 1758, 143 vị giám mục của nhiều quốc gia trên thế giới xin với Đức Giáo Hoàng cho in vào sách lễ Lễ kính Trái tim Chúa Giêsu.

     Năm 1765, đã có trên một nghìn hội đoàn Trái Tim Chúa nhưng rồi cuộc nội chiến của Pháp đã giết hại rất nhiều linh mục cũng như rất nhiều linh mục phải vượt biên tị nạn.

     Từ đầu thế kỷ XIX, các nhà dòng, các tu viện đều tăng cường việc tôn thờ Trái Tim Chúa. Năm 1800, cha Pierre Coudrin, quê ở Poitiers, lập một hội dòng gồm có ngành nam và ngành nữ gọi là Picpus, chuyên giảng dạy và khuyến khích việc tôn thờ Trái Tim Chúa trong phép Thánh Thể; phong trào này phát triển và lan tràn nhanh chóng tại các đảo thuộc Úc dương châu (Océanie).

     Năm 1801, một thanh nữ ở Joigny tỉnh Yonne (Pháp) hiến dâng trọn đời mình để chuyên giáo dục thanh thiếu nữ, được cha Varin (dòng Tên) hướng dẫn, thành lập một dòng nữ chuyên việc tôn thờ Trái Tim Chúa. Dòng nầy được phát triển tại các quốc gia; về sau, vị sáng lập dòng được phong hiển thánh tức thánh Madeleine Sophie Barat.

     Năm 1835, một linh mục người Basque, mỹ danh Michel Garicoits thành lập tại  Bétharam, gần Lourdes hội Linh mục của Trái Tim Chúa. Cha Michel Garicoits qua đời năm 1863 và được Đức Piô XII phong hiển thánh năm 1947.

     Năm 1854, tại Issoudin, linh mục Chevalier thuộc Hội Giáo sĩ thừa sai Trái Tim Chúa Giêsu, chuyên giảng đạo tại các vùng thôn quê để trùng hưng đạo thánh Chúa. Sau đó ngài thành lập - khoảng 1847 - dòng nữ thừa sai Notre Dame Du Sacré Coeur.

     Năm 1856, Đức Piô IX truyền cho toàn thể Giáo hội phải mừng lễ kính Trái Tim Chúa Giêsu theo như Chúa đã truyền dạy rồi đến ngày 19.08.1864, ngài long trọng phong soeur Magarita Maria lên Á thánh.

     Năm 1861, cha Henri Ramière (cũng dòng Tên) xuất bản tạp chí Messager du Coeur de Jésus phát động việc tôn thờ Trái Tim Chúa.

     Năm 1866, cha Braun, người Lorraine, thành lập Hội Nữ tỳ Trái Tim Chúa để cứu giúp giới phụ nữ thất thân ở các thành phố lớn và giáo dục trẻ mồ côi.

     Sau chiến tranh 1870, cha Dehon lập Hội linh mục của Trái Tim Chúa tại Saint Quentin (Pháp). Ngài bênh vực giới thợ thuyền và giới nghèo khó nên người ta chụp mũ ngài là đảng viên xã hội, tuy vậy hội của ngài vẫn sinh hoạt và phát triển không ngừng.

     Lúc còn sanh tiền, soeur Magarita Maria đã có ý muốn xin vua Louis XIV dâng nước Pháp cho Trái Tim Chúa song chưa thực hiện được.

     Ngày 23.07.1873, Quốc hội Pháp bỏ phiếu chấp thuận luật xây dựng một Vương cung kính Trái Tim Chúa gọi là Vương cung của lời nguyện ước quốc gia (Basilique du Voeu National). Vì sau bao nhiêu đau thương do chiến tranh 1870 gây ra, nước Pháp muốn minh chứng lòng mình muốn ăn năn, trở lại trung thành thờ phượng Thiên Chúa là Chúa của mình. Vậy người ta quyết định xây dựng công trình ấy trên đồi Montmartre trông xuống thủ đô Paris; viên đá đầu tiên được đặt ngày 16.06.1875; tiền dâng cúng từ khắp nơi gởi về, ngay cả những người gia sản tầm thường cũng dâng số tiền dành dụm của mình. Kiến trúc sư chọn mẫu Byzantin của thế kỷ XII. Thật là một công trình vĩ đại, đẹp đẽ. Tháp chuông cao hơn 100m, quả chuông lớn nhất tên là La Savoyarde cân nặng 26.215 kg do giáo dân Chambéry dâng cúng. Sau đệ nhất thế chiến, Vương cung được làm phép và trên bàn thờ chính có một ít hài cốt của thánh Magarita Maria.

      Ngày 13.05.1920, Đức Benoit XV tuyên phong Hiển thánh cho Á thánh Magarita Maria. Trở lại năm 1899, Đức Léon XIII đọc kinh dâng toàn thể nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu và dạy các nước khắp hoàn cầu phải đọc kinh ấy trước Mình Thánh Chúa long trọng trưng bày trên bàn thờ trong ngày lễ Chúa Giêsu là Vua Vũ Trụ.

     Cứ theo đà ấy, việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu từ đời nọ sang đời kia được tiếp tục theo nhiều nghi thức để đền bồi phạt tạ mọi tội lỗi phạm đến Trái Tim Chúa hằng yêu thương nhân loại vô ngần.

Từ đầu thế kỷ XX, cha Matéo Crawlay dòng Picpus, sau cuộc hành hương Paray, liền có sáng kiến tổ chức việc tôn thờ Trái Tim Chúa trong gia đình. Ảnh tượng Trái Tim Chúa đặt vào nơi trịnh trọng nhất trong nhà để dâng toàn thể gia đình cho Trái Tim Chúa để Ngài làm chủ gia đình, rồi cha mẹ con cái đọc kinh cầu nguyện trước bàn thờ Trái Tim Chúa. Hằng triệu gia đình công giáo đã nghe theo và Đức Piô XII ban thưởng cho cha Matéo tước hiệu Tông đồ của Trái Tim Chúa.

     Những điều Chúa đã hứa cùng thánh nữ Magarita Maria

1. Những kẻ thật lòng dâng trọn mình cho Trái Tim Chúa Giêsu sẽ không mất linh hồn.

2. Những nơi nào trưng bày và tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu sẽ được hưởng nhiều hồng ân.

3. Những gia đình bị ly tán và những gia đình có lòng tin cậy cầu xin Trái Tim Chúa Giêsu thì sẽ được Ngài hộ phù giúp đỡ bảo vệ trong mọi cơn túng ngặt.

4. Chúa Giêsu sẽ bảo vệ cách riêng những cộng đoàn có lòng tôn thờ Trái Tim Ngài cho khỏi án công thẳng.

5. Những ai lo cho phần rỗi người ta, nếu có lòng tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu thì Ngài sẽ ban cho nhiều thành quả.

6. Những ai rước Mình Thánh Chúa liên tục trong chín ngày thứ sáu đầu tháng thì chắc chắn được Chúa ban cho ơn cứu rỗi.

     Những vị Giáo hoàng cận đại đối với việc tôn thờ Trái tim Chúa Giêsu Đức Gioan XXIII, trong thời gian còn là Sứ thần của Tòa Thánh tại Pháp, đã hành hương kính viếng Paray le Monial năm lần. Ngài nói : Việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu đã hướng dẫn trọn cuộc đời của tôi. Trái Tim Chúa muốn tôi phải là một người được hưởng nhiều hồng ân đặc biệt nên tôi sẵn sàng đổ máu mình để Trái Tim Chúa thống trị khải hoàn.

     Đức Phaolô VI, năm 1965, đã ra hai tông thư về việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Trái Tim Chúa Giêsu là hình ảnh đầy đủ ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Việc tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu phải được nẩy nở và phát triển không ngừng nơi mọi người và đó là hình thức chính đáng để chứng minh lòng sốt sắng sùng đạo.

     Ngày 17.10.1965, đức Hồng Y Wojtyla, Tổng Giám mục Cracovie, đã chủ tế tại Paray le Monial lễ thánh nữ Magarita Maria. Mười ba năm sau, vào ngày lễ thánh nữ Magarita Maria, 16.10.1978, ngài đắc cử Giáo Hoàng, niên hiệu Gioan Phaolô II - một trùng hợp lạ lùng - Tháng 10.1988, công du mục vụ lần thứ ba tại Pháp quốc, ngài đã không quên hành hương Paray le Monial.

Một vài kinh kính Trái tim Chúa Giêsu (Bản dịch của Tổng Giáo Phận Huế).

     Dâng ngày cho Trái Tim Chúa Giêsu :

     Kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, nhân vì trái tim cực sạch Đức Bà Maria, con xin dâng mọi sự con mơ ước nài xin, mọi việc con làm, mọi sự khó, con chịu trong ngày hôm nay, có ý đền bồi phạt tạ Rất Thánh Trái Tim Chúa vì tội lỗi con hằng sa phạm mất lòng Chúa, đặng hiệp cùng thánh ý Trái Tim Chúa hằng dâng mình tế lễ trên bàn thờ. Con lại dâng các sự ấy cho Trái Tim Chúa,có ý cầu nguyện cách riêng theo ý Đức Giáo Hoàng.

Buổi tối dâng mình cho Trái Tim Chúa Giêsu :

    Kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, chúng con xin phú dâng linh hồn và xác cùng mọi sự cho Trái Tim Chúa, nếu ngày hôm nay chúng con sa phạm điều gì lỗi, lời chúng con đã hứa, thì xin Chúa thương xót thứ tha. Lạy Chúa, xin hãy dùng trái tim vẹn sạch Đức Bà Maria là Nữ vương hay ban sự bình an, mà lập nước Chúa trong mọi gia thất khắp cả miền xứ chúng con. Chớ chi chẳng những mọi người giáo hữu, mà lại các dân các nước đều nhìn biết Chúa là vua rất nhân từ, mà yêu mến phụng thờ. Chớ chi cả và thiên hạ đều chung rập một tiếng tán tụng tung hô rằng Nước Chúa trị đến! Vạn tuế Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu là Vua hằng sống hằng trị đời đời chẳng cùng. Amen.

Kinh dâng loài người cho Trái Tim Chúa Giêsu.

       Lạy Đức Chúa Giêsu rất hiền hậu dịu dàng, là Đấng cứu chuộc loài người ta, xin đoái thương chúng con hết lòng khiêm nhượng sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa; chúng con là của Chúa, chúng con lại ước ao nên thật của Chúa. Ngày hôm nay chúng con ai nấy tình nguyện phú mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa, hầu đặng kết hiệp cùng Chúa chí thiết vững bền hơn.

      Thật nhiều người chẳng hề nhìn biết Chúa, lại nhiều kẻ khinh phiêu lệnh Chúa mà chê bỏ Chúa. Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, xin thương xót cả và hai, cho họ đặng hồi tâm, và ép họ hết thảy đều vào trong Rất Thánh Trái Tim Chúa.

      Lạy Chúa, xin hãy làm vua cai trị hết mọi người, chẳng những là các con hiếu thảo, chẳng hề lìa mặt Chúa, mà lại những con hoang đàng sấp cật bỏ Cha. Xin hãy làm cho họ trở về nhà cho kíp kẻo phải cùng cực đói khát chết thiệt xác hồn.

     Xin hãy làm Vua cai trị những kẻ hoặc lầm theo lẽ trái, mà xiêu lạc hoặc chẳng vâng thuận mà phân rẽ, xin đem họ về đàng chính lộ cho rập ràng một dạ kính tin, hầu kíp nên một đàn chiên và một Đấng cầm quyền chăn giữ.

     Xin hãy ban cho Hội thánh Chúa đặng thong dong hoan lạc chẳng hề nao, cho các nước thế gian đặng thái bình thịnh trị, xin hãy làm cho thành sự hầu khắp thế đều nổi tiếng vang lừng không khen Trái Tim Chúa là căn nguyên phần rỗi chúng con. Chúc vinh hiển kính tôn đời đời. Amen.

Gioan Baotixita Hồ Đắc Hóa

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art