Thứ Bảy, 23 Tháng Sáu, 2012

Thánh Odile (660-720) : quan thầy vùng Alsace (Pháp)

Đôi lời giới thiệu :

 Núi Sainte Odile (Mont Sainte Odile), cách Strasbourg độ 40 cây số về hướng tây nam, là một danh lam thắng cảnh, có tiếng tăm tại nhiều nước Âu châu như Đức, Anh, Ý, Áo, Hung gia Lợi, và nhất là Pháp thì nam, phụ, lão, ấu đều biết. Dãy núi Vosges ở tả ngạn sông Rhin, trùng trùng điệp điệp, song ngọn núi Sainte Odile hình như đứng riêng ra, đóng vai trò của một tháp canh khổng lồ để canh giữ toàn miền đồng bằng Alsace.

 Mùa xuân 1992, máy bay A 320 ngộ nạn cách núi Sainte Odile độ vài cây số, truyền thanh và truyền hình đã làm cho thế giới biết đến tên núi Thánh Odile.

 Vì sao ngọn núi ấy được gọi là núi Sainte Odile? Thưa vì trên đỉnh núi có nữ tu viện do công chúa Odile thành lập. Đành rằng phong cảnh ở đấy đẹp, hùng vĩ, hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch song cũng là một trung tâm hành hương kính viếng vị thánh nguyên là một công chúa nhan sắc tuyệt trần và là nơi, trong thánh đường, giáo dân Alsace thay phiên nhau đến thờ phượng và cầu nguyện đêm ngày trước Mình Thánh Chúa đặt trong mặt nhật (ostensoir), đèn nến sáng choang, hương trầm lẫn mùi hoa tươi, thơm ngát, rực rỡ.

 Năm 1988, ngày 11.10, trong dịp công du mục vụ tại miền đông Pháp, Đức Gioan Phaolô II đã hành hương tại núi Sainte Odile, ngài đã đến quỳ bên mộ thánh nữ để cầu nguyện và, trước khi rời khỏi núi thánh, ngài đã long trọng chúc lành cho cánh đồng truyền giáo Alsace.

 Trên đỉnh núi, viện nữ tu xưa, nay là cơ sở phục vụ người du lịch, khách hành hương, có khách sạn, có hàng ăn; tất cả đều do một vị linh mục kinh sĩ (chanoine) phụng mệnh tòa Giám mục Strasbourg điều khiển, có các nữ tu dòng Soeurs de la Croix (Thánh Giá) giúp việc, văn phòng thì do nhân viên dân sự túc trực... lệ phí phải chăng, khách được sống thoải mái.

 Muốn biết rõ ràng gốc tích núi Sainte Odile, xin mời qúi độc giả theo dõi hạnh tích của vị thánh sáng lập tu viện. Đời của ngài, có nhiều tình tiết lâm ly bí ẩn, cũng lắm thăng trầm nguy hiểm, cũng có đoạn săn đuổi nhau như trinh thám tiểu thuyết. Lúc sanh tiền ngài đã làm được nhiều phép lạ nhãn tiền.

 Càng đọc chúng ta càng thấy rõ bàn tay phép tắc nhiệm mầu của Thiên Chúa vì Thiên Chúa không bao giờ để cho những người đã hy sinh trọn đời mình để phục vụ Ngài mà lại phải thiệt thòi.

Hồ Đắc Hoá

 

Ai đã khám phá được hòn núi này? Vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII, dãy núi Vosges còn rất hoang dại, chẳng nơi nào có đường dẫn lên các hòn núi, họa chăng là có những đường mòn chật hẹp lách qua những cây thông cao ngất um tùm cành lá, nơi trú ẩn của thú rừng như mang nai, lang sói, heo rừng. Tiều phu đến hái củi và thợ săn đi kiếm mồi thường tới lui.

Ngày kia, buổi sáng đẹp trời, có hai thợ săn, một già một trẻ, đuổi theo một con mồi. Mải miết đuổi theo nó, họ lên tới đỉnh núi tên là altitona. Họ gặp một đoạn thành trì cũ kỹ đổ nát cỏ cây bụi bờ phủ lên. Cả hai đều dừng chân, đứng nhìn rồi bảo nhau : “Cái gì đây? Ai đã ở đây? Đây là một đoạn thành trì chứ không phải là tường nhà thường thấy”.

Người thợ săn trẻ tuổi bảo : “Hay là do người La mã trước đây hàng mấy trăm năm chọn núi này, xây thành trì đồn lũy và dinh thự tướng lãnh của họ chăng? Kể ra, đế quốc La mã đã thống trị bao nhiêu là quốc gia dân tộc. Đến khi tình thế đổi thay họ phải cuốn gói ra đi... Người La mã cũng có bộ óc chiến thuật, chiến lược quân sự cao lắm”.

Người già tuổi xen vào : “Chưa hẳn là vậy. Tổ tiên ta cũng chẳng kém gì. Trước khi quân La mã đi thôn tính đất đai của thiên hạ thì ông bà ta cũng đã biết chọn những nơi cao ngạo, xây đền để thờ thần thánh vậy chứ”.

 Thế rồi, vì tò mò, cả hai người cùng phanh phui, cứ theo đoạn thành trì mà tiến dần. Tuy bề ngoài xem ra điêu tàn, song càng tìm tòi thì họ thấy quả là cả một bức thành bao quanh hòn núi. Họ lần lên đỉnh, thấy bằng phẳng, có dấu vết nền móng dở dang của nhiều nếp nhà, lại còn có những đống đá chưa hề xử dụng, có thể lên đến hàng ngàn thước khối.

Mãi đến trưa, trước khi trở về nhà, hai bạn thợ săn dừng lại, nhìn vùng đồng bằng quanh núi, thẳng tắp, bao la. Đột nhiên người trẻ nói : “Anh ạ, tôi nghĩ rằng hai chúng ta săn thú, đuổi theo con mồi không bắt được mồi, song chúng ta không hoài công, vì chúng ta tìm được một địa điểm rất đẹp, rất thích hợp với lòng mong ước của vị Quận Công vùng chúng ta, vì ngài đang mong tìm được một nơi yên tĩnh, xây cất nhà cửa dùng làm nơi nghỉ ngơi mùa nắng hạ. Tôi nghĩ rằng không nơi nào có đủ tiêu chuẩn như nơi nầy : khung cảnh ngoạn mục, thoáng khí, dễ phòng thủ. Hơn nữa có biết bao nhiêu là đá còn nguyên vẹn, có thể xử dụng được liền. Anh em ta nên nghỉ ngơi, cơm nước, chứ giờ nầy thú rừng đang ở trong hang hốc, biết đâu mà tìm mà săn. Cơm xong, ta về trình cho ngài Quận Công biết việc khám phá lạ lùng nầy; nếu ngài chọn thì tất nhiên chúng ta được lãnh thưởng”.

Hai bạn thợ săn xuống núi, ngoảnh mặt nhìn lại, lấy làm đắc ý, lên ngựa, phóng về làng.

Dinh thự Hohenbourg.

Thời phong kiến ấy, toàn vùng Alsace do Quận Công Adalric, phụng mệnh vua, trấn nhậm, đóng dinh tại Ennenheim bây giờ là thị trấn Obernai. Căn cứ vào sử sách, Adalric là hậu duệ vua Dagobert, và cũng là người công giáo như bao nhiêu quan quyền thời ấy đã vào đạo công giáo sau khi vua Clovis chịu phép Thánh Tẩy. Họ là công giáo cho có danh nhưng trong cách sống, họ vẫn còn giữ lại những phong tục tập quán dị đoan man rợ của thời xa xưa. Về đến Ennenheim, hai nhà thợ săn xin vào yết kiến Quận Công. Họ trình bày cuộc khám phá bất ngờ của họ. Adalric lấy làm thích thú nên bảo họ là sáng mai đến dinh để dẫn đường cho Adalric đi thăm. Lên tới đỉnh núi Altitona, Adalric đi quanh quan sát. Đỉnh núi bằng phẳng, diện tích xem chừng đủ rộng để xây nhà cửa và quyết định việc xây cất dinh nghỉ mát như lòng mơ ước từ lâu.

Công trình xây cất bắt đầu xúc tiến. Adalric cho kiến trúc sư vẽ họa đồ : thành trì và pháo đài phòng thủ bên ngoài, dinh thự và các nhà phụ thuộc bên trong. Thời xa xưa ấy, xây dựng một công trình đồ sộ như thế trên đỉnh núi, máy móc không có, tất cả đều dùng sức người, quả là khó khăn cực nhọc, song Quận Công, chúa tể cả một vùng, sẵn tiền của, sẵn quyền uy, thì chẳng có gì ngăn trở được.

Quận Công cho tuyển dụng nhân công : thợ nề, thợ mộc, công nhân, hàng chục người kéo nhau lên núi Altitona công tác. Các đường mòn đương nhiên phải mở rộng để xe bò vận tải vật liệu cần thiết như gỗ, cát sạn, vôi hồ, cũng may là có sẵn đá cuội tại chỗ. Bụi bờ được phát dọn quang đãng. Họa đồ bày ra, đóng cọc, đào móng, xây thành lũy, pháo đài, nhà thờ nhà nguyện, nhà lớn nhà nhỏ, công đường, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, nhà cho kẻ tôi tớ hầu hạ, hồ chứa nước... Chính Quận Công đích thân hướng dẫn đôn đốc, có các sĩ quan phụ tá, công việc xây cất tiến hành đều đều với thời gian. Quận Công đi quanh thành trì, nhìn ra xa, phía đồng nội, khen ngợi cảnh trí thiên nhiên đẹp một cách rực rỡ huy hoàng.

Nhà cửa thành hình rồi thì đến việc trang hoàng bên trong. Từ Ennenheim, người ta đưa lên nhiều rương hòm, màn the lụa là trướng liễn được máng lên đâu đó sẵn sàng để rước Quận bà là Bereswinde lên nghỉ ngơi vì mùa nắng hạ cũng vừa đến. Dinh mới nầy gọi là Hohenbourg.

Bereswinde là người công giáo, rất sùng đạo, quảng đại, dịu hiền nên tôi tớ hầu hạ đều phục tùng với lòng thương yêu kính mến, dân tình trong vùng đều ca ngợi. Hằng ngày, ngoài việc săn sóc nội thất, kinh nguyện, Quận Bà giúp đỡ kẻ nghèo và bệnh nhân. Nhưng, điều đáng kể hơn hết là Bereswinde thường dùng đức độ cảm hóa chồng vì Adalric là người kiêu căng, hung hăng, mỗi lần tức giận ai thì quở mắng, đánh đập. Tính nóng chẵng kém gì Trương phi.

Odile chào đời.

Ông bà Quận Công kết bạn với nhau đã lâu ngày, rất mực yêu nhau, nên cũng mong ước có con cái để nối nghiệp nhà. Một hôm, hai ông bà, nhân buổi chiều tà ra vườn hóng mát. Nhìn về hướng tây, mặt trời sắp lặn tạo ra một khung cảnh lộng lẫy huy hoàng, cả hai cùng tấm tắc ngợi khen cảnh vật thiên nhiên đẹp hơn bức tranh của họa sĩ trứ danh.

Bereswinde âu yếm thỏ thẻ vào tai chồng :

- Em báo cho anh biết một tin vui.

- Tin gì vậy, hở em?

Đôi má ửng đỏ bẽn lẽn, Bereswinde nhỏ lời :

- “Em có thai”.

Adalric hớn hở hôn lên trán vợ, nói :

- “Thế thì có gì làm cho anh vui sướng hơn, anh cũng mong được làm bố lắm”.

Từ hôm ấy, trong đầu óc Adalric mong rằng đứa con đầu lòng của mình sẽ là con trai rồi cho Bereswinde thấy cả chương trình sẽ dạy dỗ huấn luyện cho con có đủ tài năng văn võ để nối nghiệp. Về phần quận bà, đặt con trong dạ, mẹ phải lo toan. Trước tiên, cảm ơn Thiên Chúa, phú dâng cho Ngài đứa con đầu lòng; rồi tự tay mình may tã lót, áo xống và quyết định sẽ dạy dỗ con thành người công giáo tốt, sống trong đường lối kính Chúa yêu người.

Tháng ngày thấm thoát trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Từ trong dinh, tiếng xầm xì Quận bà mang thai cũng đồn ra khắp chung quanh làng mạc. Ai ai cũng mừng cho Quận bà, cũng bàn tán - nhất là nữ giới - mỗi lần đến giếng làng múc nước, mỗi người một câu :

- Tôi mong cho Quận bà sinh con trai.

- Con trai hay con gái cũng được, miễn tánh nết được như Quận bà.

Thật sự dân làng thương yêu mến phục Bereswinde nên mỗi lần gặp được người từ trong dinh ra, họ đều hỏi :

- “Quận bà sinh chưa?”.

Ngày mong ước rồi cũng đến. Người thì đi rước nữ hộ sinh, kẻ thì nấu nước tắm, có vẻ rộn rịp trịnh trọng. Ở công đường Quận ông đang ngồi mong tin tức... rồi từ phòng bên trong, có tiếng trẻ thơ lọt lòng mẹ khóc “oa oa”, càng làm cho Quận ông hồi hộp. Con trai hay con gái đây?

Một nữ tỳ, chân bước rụt rè, tiến đến trước mặt Adalric. Trông thấy nữ tỳ, quận ông hỏi cách vội vàng :

- Bà mầy sinh rồi ư?

Nữ tỳ đỏ mặt, cúi đầu kính cẩn :

- “Vâng ạ! Nhưng... nhưng...”

- Nhưng gì nữa? nói mau đi!

- Bẩm Đức cha... nhưng... là một... bé gái ạ!

 Adalric nhăn mặt, thất vọng, buồn rầu... nói :

- “Ta thì mong con trai đầu lòng... sao bà mầy lại sinh con gái nhỉ?”

Nữ tỳ càng rụt rè... im lặng. Adalric nghĩ ngợi, tự an ủi :

- “Lần nầy không được thì chuyến sau vậy. Mình còn trẻ mà. Được công chúa đầu lòng xinh đẹp, dễ thương; rồi thì sau nầy sẽ kén rể trong hạng công tôn hoàng tử vậy.

Quận ông bảo nữ tỳ :

- Ẵm công chúa đến cho ta ngay.

Nữ tỳ run sợ đến muốn khóc, lưỡng lự...

- Còn gì nữa đấy? Công chúa khỏe không?

- Bẩm Đức cha... nhưng... nhưng...

Dậm chân, Adalric thúc giục nữ tỳ :

- Nhưng cái gì? Ấm ứ hoài. Nhưng cái gì? Nói mau đi!

- Bẩm... Công chúa... bị... mù ạ!

Cơn giận tràn hông, Adalric hét lên như tiếng sấm làm rung chuyển công đường :

- “Trời đất qủy thần ơi! Trời hại tôi rồi! Tôi có làm gì mà trời hại tôi. Trời ơi là trời”.

 Lính hầu khiếp vía, nữ tỳ thất đảm, cút mất.

 Số phận của công chúa.

Cơn giận của Adalric lên đến cực độ. Mối thất vọng quá lớn lao, quá đau đớn. Mình mong con trai mà trời lại cho con gái mà con gái mù thì là làm sao? ! ! Đường đường chính chính, mình là một quận công, làm chúa cả một giải sơn hà, dân cư hàng ngàn, quân hầu hàng trăm, oai vang lẫm liệt, tiếng tăm vang dội đến các lân bang. Nay tai họa đến như vầy, nhục lắm. Tự ái nổi lên, tính kiêu căng che lấp trí khôn, thành ra mù quáng. Thế nầy thì nhục ơi là nhục. Còn thể thống gì nữa! Thiên hạ sẽ nói rằng ta bị trời phạt! Ca dao có câu : “Mặn mất ngon, giận mất khôn”. Để rửa nhục, Adalric truyền lệnh phải thủ tiêu công chúa, phải tuyên truyền khắp nơi là “con gái của Quận công đã chết lúc vừa lọt lòng mẹ”.

Thời đại của chúng ta bây giờ, nói đến chuyện “cha giết con” là điều quái gở, không thể có và cũng khó tin. Song trước đây khoảng 1400 năm, con người vẫn còn man rợ, hung ác, người ăn thịt người, cha mẹ giết con lúc mới lọt lòng là chuyện xảy ra thường lắm.

Đạo công giáo là đạo thương yêu còn mới lạ, chưa phát triển, bác ái ít được nói đến, chưa phổ quát, chưa có thể xóa bỏ hết phong tục cổ xưa còn lưu trong huyết quản của đa số người tân tòng, nhất là hạng quyền quý. Trong giới vua chúa quan quyền mà sinh ra đứa con tật nguyền thì tự cho là tai họa, nhục nhã, bị trời oán, bị người nguyền rủa. Gặp trường hợp như vậy họ thủ tiêu “đứa con xấu số ấy”.

Được lệnh của Adalric, tôi tớ hầu hạ loan truyền tin “Con gái đầu lòng của Quận công đã chết từ lúc lọt lòng mẹ”. Trong dinh, Bereswinde biết điều bất mãn của chồng, biết chồng muốn giết “đứa con tật nguyền” nên một mặt than thầm khóc trộm, một mặt sốt sắng cầu nguyện xin Chúa phù hộ mạng sống của con, ngoài ra càng tỏ ra thương yêu con. Mặt khác, Bereswinde vận dụng hết can đảm can thiệp cho con, tìm hết mọi lý luận yêu cầu Adalric bỏ lệnh “giết con”. Đại ý Bereswinde nói : “Việc có con hay không, được con trai hay con gái, sinh được con tốt lành hay tật nguyền, đều do Thánh ý Chúa, cha mẹ chẳng làm gì hơn được. Nếu rủi ra đứa con tật nguyền, cha mẹ càng phải yêu thương nuôi dưỡng săn sóc chu đáo - loài vật còn biết thương con của nó huống hồ con người. Điều răn thứ năm của đạo công giáo Chúa đã dạy “Không được giết người”. Quyền sanh tử là quyền của Thiên Chúa, người với người còn không được giết nhau huống nữa “cha giết con”. Nếu vì tự ái, tự cao, mà anh quyết tâm phạm một tội ác tày trời, Chúa không bỏ qua đâu. Chúa có thử thách vợ chồng ta thì Ngài lại ban những hồng ân khác cho ta để bù.

Chúa toàn năng nhưng lại nhân lành vô cùng. Biết đâu, sau nầy, con của ta sẽ làm vẻ vang cho gia đình. Con của chúng ta, đồng ý là mầm giống của anh song là máu huyết của em; anh giết nó thì thà rằng anh giết luôn em đi một thể chứ có người mẹ nào có thể sống khi thấy con mình bị giết ngay trước mắt mình. Loài vật còn biết thương con mà! Anh ơi, tay chém tay sao nỡ, ruột cắt ruột sao đành! Nhân danh Thiên Chúa, em khuyên anh bãi bỏ cái lệnh độc ác của anh đi”.

 

 Lánh nạn.

Nghe quận bà thuyết phục, cơn giận của Adalric nguôi dần, bỏ ý định giết con song lệnh đã truyền khắp thôn xóm là “con chết lúc mới lọt lòng” thì bây giờ tính sao chứ! Chẳng lẽ để cho người đời biết mình đã “nói dối”.

 Adalric nói với vợ :

- “Vâng, nó sẽ không bị giết, song em phải cho mang nó đi đâu thật xa xứ biệt tăm. Từ giờ trở đi không một ai được hở môi nói hoặc nhắc đến chuyện đứa con tàn tật đã làm cho tôi quá nhục nhã, cũng như tuyệt đối sau nầy, mãi mãi sau nầy nó không được biết đến bố mẹ nó là ai nữa. Tuyệt đối ! Tuyệt đối! Em hiểu không?”

Đến đây, Bereswinde biết quyết định lần nầy của chồng là không thể lay chuyển được nữa, lui về phòng cầu nguyện xin Chúa ban ơn soi sáng cho mình biết đường lối để bảo vệ mạng sống của con. “Phải cho con đi lánh nạn”. Thà rằng phải xa con song biết con còn sống thì hơn là thấy con chết.

Bereswinde nhớ đến một người nữ tỳ kỳ cựu đã từng hầu hạ mình, tính tình thật thà, ngay lành trung hậu và đạo đức, nay về ở trong làng Scherwiller, hy vọng nàng sẽ giúp ta trong việc nầy. Nghĩ là làm ngay. Quận bà sai người đi gọi người nữ tỳ ầy, dặn thêm rằng :

- “Chỉ nói quận bà mời lên gấp”, không được nói thêm một tiếng gì khác; thảng hoặc có ai hỏi gì, bất cứ là ai thì chỉ trả lời : “không biết” - “không thấy” - “không nghe”.

Vì không có tài liệu nào cho biết tên người nữ tỳ ấy nên NHỊP CẦU xin phép dùng danh từ “Chị Hai” để trình bày câu chuyện cho có đầu đuôi vậy. Trong thời gian người nhà đi mời Chị Hai thì Quận bà lo thu xếp áo xống, tã lót và tiền bạc. Chị Hai không cần biết lý do, nghe bà chủ cũ cho gọi mình, thì vội vã ba chân bốn cẳng lên dinh yết kiến. Bereswinde dẫn Chị Hai vào phòng, vừa khóc thầm vừa giải thích mọi chuyện, xin Chị Hai vui lòng ẵm BÉ MÙ về nhà nuôi nấng thay mình, tốn hao không cần nghĩ đến, và ơn nghĩa ngàn đời không dám quên.

Chị Hai thưa :

- “Xin Quận bà yên trí. Tôi vui lòng đem bé về nuôi. Với ơn Chúa tôi sẽ săn sóc bé hết lòng. Ngõ hầu đền đáp ơn Quận bà đã quá phúc hậu với tôi. Xin Quận bà đừng khóc nữa kẻo hại sức khỏe. Bé sẽ không khổ đâu. Tôi sẽ thay Quận bà hết lòng lo lắng cho bé và tôi cũng sẽ tìm đủ mọi cách để Quận bà thường có tin tức của bé”.

Đêm đến, trời tối như mực, tứ bề im lặng vắng vẻ, trên trời ánh sao lấp lánh, Chị Hai ẵm Bé, nhìn trước nhìn sau, nhẹ bước nhanh chân đi qua chuồng ngựa, chẳng ai canh gác, lần mò xuống núi. Con thoát nạn được rồi, Bereswinde mới khóc thầm, nước mắt chảy xuống như hai giòng suối. Ôi! giàu mà làm gì? Rương hòm mà làm gì? Vòng vàng chuỗi ngọc mà làm gì? Có con mà không được bồng ẵm, không được nâng niu, không được nuôi nấng. Quận bà tự cho mình là người đau khổ hơn hạng tôi đòi hầu hạ trong dinh. Đêm khuya, Quận bà thao thức không ngủ được.

Chị Hai băng qua cánh đồng vắng, về đến nhà, đóng kín cổng, đặt Bé nằm trong nôi, ngồi thở phào nhẹ nhõm. Bé thoát nguy. Cuộc sống thường nhật của Chị Hai bắt đầu. Chị Hai thật tình xem bé như con ruột, mến yêu, bồng ẵm nâng niu, mớm cơm mớm cá. Tắm rửa giữ đúng vệ sinh. Bé thì ăn ngon ngủ kỹ nên chóng lớn, da mặt hồng hào, mập mạp, duy chỉ tiếc có một điều là bị mù đó thôi.

Tuy vậy, ở đời chẳng có giữ được “bí mật”, lâu dài rồi bí mật cũng “bật mí”. Tại Scherwiller, nhà Chị Hai cũng không phải là nơi ở quạnh hiu hẻo lánh. Trong xóm giềng, bà con lui tới với nhau là chuyện thường tình nên không cách nào giấu kín Bé mãi mãi được vì Bé cũng biết khóc, biết cười, rồi Bé cũng ọ ẹ tập nói. Chi em lân cận không người nầy thì người khác đến nhà giao thiệp chuyện đồng áng, chuyện nắng mưa, chuyện mất mùa được mùa, hỏi sức khỏe của Bé, đùa với Bé. Nhìn áo xống của Bé rồi khen đẹp khen sang trọng, đáng với hạng con quan chứ không phải là con hạng dân dã nông thôn.

Đến giếng làng múc nước, các bà cũng toe toét kháo nhau; bàn tán câu qua câu lại :

- Không rõ chị Hai lãnh con của ai về nuôi nhỉ?

- Tội nghiệp. Con bé mù.

- Không biết nó tên gì nhỉ?

- Chị Hai câm miệng thì họa có trời biết.

Ngày lại ngày, bọn tôi tớ hầu hạ trong dinh thỉnh thoảng có việc cũng đến làng Scherwiller, không kín miệng, cũng tiết lộ một cách nửa kín nửa hở, họ nói rằng con gái mù của Quận công, tuy được loan tin là chết lúc mới lọt lòng, nhưng vẫn còn sống đâu đó... Dân làng mới mang hai câu chuyện ra thảo luận, bàn tán, nói qua nói lại.

1. Trưởng nữ của Quận công bị mù và còn sống đâu đó...

2. Chị Hai lãnh một bé gái mù về nuôi.

3. Bé mù phải là con nhà giàu vì áo xống toàn là đồ sang trọng cả.

4. Chị Hai hồi trước đã hầu hạ trong dinh quận công.

Rồi họ tự kết luận : “Thôi, đích rồi. Bé gái mù mà Chị Hai lãnh nuôi một cách kín đáo là con gái đầu lòng của Quận công chứ còn của ai nữa”.

Phần Chị Hai từ ngày nhận Bé về nuôi, sống rất dè dặt, ít ra ngoài giao thiệp, cố tránh quần tam tụ ngũ, nhưng chuyện láng giềng xôn xao bàn tán cũng đến tai Chị Hai làm cho Chị Hai ái ngại, lo sợ những bất trắc có thể xảy ra, hại đến tánh mạng của Bé.

 Xa phương lánh nạn

Chị Hai nhờ người tín cẩn đưa tin “không lành” đến Quận bà để tìm cách đối phó. Đêm ấy, trời không sao không trăng, một chiếc xe bò đến nhà Chị Hai. Từ trên xe, một ông lão bước xuống, đấm cửa nhà Chị Hai. Bên trong, Chị Hai phập phồng lo sợ, đến tận cửa hỏi nhỏ :

- “Ai đó?”.

Ông lão ghé miệng vào khe cửa bảo :

-“Đừng sợ, yên tâm đi, thừa lệnh quận bà, tôi đến gặp chị đây”.

Cửa nhẹ nhàng hé mở, ông lão bước vào, cửa đóng lại. Ông lão nói nhỏ :

-“Tôi đến đưa Bé với Chị Hai xuống một tỉnh xa, gởi Bé vào một tu viện để tánh mạng Bé được bảo toàn. Xin Chị chuẩn bị gấp, chúng ta phải rời khỏi vùng này nội đêm nay”.

Không để mất một giây phút nào, có ông lão phụ giúp, thu xếp áo xống của Bé và của mình, luơng thực cần thiết, ra khỏi nhà, đóng kín cửa lại, lên xe. Đêm khuya, tứ bề hoang vắng, đôi bò lững thững kéo xe. Thông thường, nếu là người yếu đức tin, không dám liều lĩnh nghe lời một ông già đánh xe bò mà mình chưa quen biết. Ngồi trong xe, Chị Hai thầm thĩ cầu nguyện, xin cho cuộc hành trình quan trọng nầy được xuôi thuận.

Thời ấy, người buôn bán phải đi từng đoàn, phải vũ trang tự vệ phòng bọn cướp đường chứ không một ai dám “đơn phương” trẩy đi đường xa. Chiếc xe bò chở công chúa mù lịch kịch tiến dần, hết làng nọ đến làng kia. Từng đoạn, phải dừng chân cho người và vật nghỉ ngơi ăn uống. Công chúa, trong tay Chị Hai, xe lắc qua lắc lại như được đu đua, ngủ ngon lành, chẳng khóc một tiếng và cũng chẳng ai để ý đến chiếc xe bò.

Ra khỏi vùng Alsace rồi, ông già đánh xe mới tiết lộ nghề nghiệp của mình cho Chị Hai biết : -“Tôi làm nghề đánh xe tải hàng hóa, đi vùng này đến vùng nọ lâu rồi, nhà ở cũng gần Ennenheim, thường đến giao hàng cho Quận bà hồi ấy đang còn là một trinh nữ đoan trang, nhơn đức, phúc hậu, nhờ đó mà Quận bà biết tôi. Hôm kia, quận bà cho gọi tôi đến, giải thích tự sự rồi nhờ tôi đảm trách nhiệm vụ quan trọng nầy. Tôi cũng biết Chị Hai là người hầu hạ trong dinh và được quận bà tín nhiệm nên mới nhờ đem Bé về nuôi đó”.

Được biết như thế, Chị Hai cám ơn Chúa Quan Phòng đã an bài cách nhiệm mầu để có người dẫn đường cho công chúa mù đi tỵ nạn. Ngày qua ngày, người tỵ nạn cũng đến được nữ viện Palma - nơi chốn nầy ngày nay là Baumes-les-Dames - gần Besancon. Chị Hai ẵm Bé đến viện kéo chuông gọi của.

Nữ tu mở cửa. Chị Hai ẵm Bé vào. Cửa viện đóng lại. Bên ngoài, ông già đánh xe đi nhận hàng để trở về nguyên quán và sẽ phúc trình cho Quận bà công tác được hoàn thành. Bên trong tu viện, Chị Hai nói với nữ tu :

-“Tôi xin được một mình hầu chuyện với mẹ bề trên mà thôi”.

Mẹ bề trên đến. Chị Hai tường thuật mọi chi tiết rõ ràng, trao Bé cho mẹ bề trên là dì của Bereswinde. Từ đây đời sống của Bé được bảo đảm an toàn. Nhiệm vụ của Chị Hai cũng xong rồi song vì lòng khắng khít yêu thương Bé nên xin mẹ bề trên cho mình ở trong khuôn viên tu viện để tiện viếng thăm Bé.

Bề trên đón nhận Bé với một tấm lòng từ mẫu, không bao giờ đề cập đến lý lịch của Bé. Các nữ tu cũng chỉ biết đấy là một bé gái mù; bấy nhiêu cũng đủ để các nữ tu thương yêu săn sóc. Bé chóng lớn, ngoan ngoãn lại thông minh. Bé biết đi biết chạy vững vàng rồi thì được các nữ tu dẫn vào nhà nguyện đọc kinh, dự thánh lễ, lần lần Bé thuộc kinh hôm mai nằm lòng. Tuy mù, Bé không thấy gì, song nhờ tay sờ mó mò mẫm, nhờ mũi ngửi, nhờ tai nghe, mà Bé biết được phần nào các vật quanh mình. Bé rất tò mò, gặp ai cũng hỏi, gặp gì cũng muốn biết. Các nữ tu thấy Bé ngộ nghĩnh thì càng thương yêu giảng giải, rồi từ từ dạy giáo lý cho Bé.

Trong tu viện Palma, ngày lại ngày, mọi việc đều đều trôi chảy, nhưng quanh Bé vẫn có nhiều ẩn khuất chưa khám phá ra được, chưa được giải thích, chưa được đưa ra ánh sáng, ấy là vì lý do gì mà Bé chưa có một cái tên gọi, vì sao Bé chưa được rửa tội?

Chị Hai, ở trong khuôn viên tu viện, sẵn đất đai, trồng các thứ rau cải, chăm nom vườn tược, tự xem mình như là người của tu viện, cũng tham dự các giờ kinh lễ hôm mai. Thỉnh thoảng cũng xin phép dẫn Bé đến phòng của mình để chuyện trò giải khuây. Khi Bé lên được khoảng bảy tám tuổi, Chị Hai lần lượt kể cho Bé biết là Bé cũng có cha có mẹ như mọi người, vì sao Bé không được ở với cha mẹ, vì sao ở trong tu viện như thế nầy. Thời giờ thấm thoát, Bé nay cũng được mười bốn mười lăm tuổi rồi. Tầm vóc Bé nở nang đẫy đà, gọn gàng, hai má ửng hồng, cũng duyên dáng lắm. Chỉ tiếc là bị mù...

Công chúa mù được rửa tội

Trong thời ấy, bên hữu ngạn sông Rhin có một vị giám mục quý danh là Erhard đang lo việc truyền giáo khắp vùng Bavière là một vùng còn bán khai. Ngày kia, Thiên Chúa mạc khải cho ngài biết tại tu viện Palma có một thiếu nữ khoảng 14-15 tuổi, mù từ thuở bình sinh, chưa được lãnh bí tích Thánh Tẩy. Chúa truyền cho ngài đi rửa tội cho cô ấy và phải đặt tên Odile (còn gọi là Ottilia) nghĩa là ánh sáng của Thiên Chúa. Chúa cũng cho biết là khi được rửa tội rồi, cô ấy sẽ lành bệnh mù.

Đức cha Erhard vội vã lên đường vì ngài cũng nôn nóng muốn biết cô thiếu nữ được Thiên Chúa ân cần đoái nhìn cách riêng. Qua sông Rhin, ngài tìm đến thăm anh của ngài cũng là giám mục quý danh là Hydulphe đang ở tại tu viện Moyen-Moutier. Đức cha Erhard kể cho Đức cha Hydulphe nghe lệnh của Thiên Chúa, rồi mời Đức cha Hydulphe cùng đi Palma với mình.

Đến nữ viện Palma, hai ngài gặp mẹ viện trưởng, cho biết mục đích cuộc viếng thăm của mình. Vậy là toàn thể tu viện vui mừng, vì đây là một biến cố hy hữu, quan trọng và cũng là một vinh dự lớn lao dành cho tu viện. Hai ngài tiếp xúc với cô thiếu nữ mù, hạch hỏi về những điều giáo lý căn bản. Bé thuộc và đáp thưa rành mạch. Hai ngài hỏi bé có muốn được rửa tội để được trở thành Con Thiên Chúa trong Hội Thánh của Ngài không? Bé thưa :

- “Thưa con muốn lắm, con mong lắm”.

Cùng hội ý với Mẹ viện trưởng, hai Đức cha định ngày rửa tội cho Bé. Sáng hôm ấy, cả tu viện bận rộn như là ngày đại lễ. Bé vừa thức dậy, mẹ viện trưởng bảo :

-“Hôm nay, Đức Giám mục sẽ rửa tội cho con”.

Bé mừng quá, thưa :

-“Thế thì có gì làm con vui sướng bằng”.

Nhà nguyện được trang hoàng thật đẹp. Trên các bàn thờ hoa thơm ngát, nến lung linh. Bé chẳng trông thấy gì nhưng cũng cảm nghe thấy các nữ tu bận rộn cười nói lao xao. Lòng Bé rạo rực. Chị Hai cũng được tham dự.

Thánh lễ bắt đầu. Sau bài Phúc âm, mẹ viện trưởng dẫn Bé đến hồ nước. Bé bước vào hồ nước trong veo mát mẻ. (Thời ấy, người ta ban bí tích rửa tội bằng cách cho người dự tòng vào hồ nước ngập cả người). Đức Giám mục Erhard tiến đến, múc nước dội trên đầu Bé, vừa dội vừa đọc : “Odile, cha rửa con, nhân danh Cha... và Con... và Thánh Thần”. Đoạn, với dầu thánh, ngài ghi dấu thánh giá lên đôi mắt của Odile và phán : “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, ta truyền cho hai con mắt phần xác của con hãy mở ra như con mắt phần hồn của con đã được khai sáng”. Toàn thể tu viện sửng sốt nín thở, vì kìa, lạ lùng thay, đôi mắt Odile nhấp nháy rồi mở rộng ra sáng ngời hơn mắt người thường. Odile đưa hai tay lên trời kêu lớn tiếng : “Ngợi khen Chúa! Con thấy được rồi”. Đức Hydulphe giõng dạc cất tiếng : Te Deum Laudamus..., cả viện đồng thanh hát theo để tạ ơn Thiên Chúa. Nhiều nữ tu cảm động rơi nước mắt. Odile ngước nhìn lên trời, hai giòng lệ ấm tràn xuống hai gò má ửng hồng... Odile hớn hở.

Odile hoan lạc. Odile mừng rỡ. Odile xúc động. Odile sung sướng cái sung sướng không bút nào tả được. Odile nhìn quanh : bàn thờ, đèn và hoa, đây là đức giám mục, kìa là mẹ viện trưởng, xúm quanh là các nữ tu, Chị Hai cũng gần đấy... Thật là ơn tái sinh cho cả hồn lẫn xác Odile. Rồi đây Odile sẽ chiêm ngắm bao nhiêu là kỳ công của Tạo Hóa : bầu trời quang đãng, cây cối cảnh vật, sẽ phân biệt được màu sắc : xanh, đỏ, tím, vàng... Có đôi mắt trông thấy được, sướng biết bao.

Thi hành nhiệm vụ xong, hai Đức cha chuẩn bị từ giã Palma trở về địa sở. Trước khi rời tu viện, Đức cha Erhard biếu Odile một chiếc hộp đựng hài cốt các thánh, khuyên Odile luôn nhớ cầu nguyện, gởi gắm Odile cho viện trưởng. Mẹ viện trưởng mời hai Đức cha vào phòng khách tạm dùng điểm tâm, để tường thuật cho hai ngài rõ mọi chi tiết về lý lịch của công chúa Odile mù : lúc mới lọt lòng - bị cha ngược đãi - phải lánh nạn...

Ngạc nhiên, Đức cha Erhard định rằng, trên đường về sẽ đến dinh Hohenbourg gặp Quận công Adalric, cho ông ta biết phép lạ đã xảy ra khi trưởng nữ của ông được rửa tội, mong rằng nhờ hồng ân Chúa đã ban, ông sẽ bỏ lối sống ngạo nghễ v.v... Nhưng, vì ngài phải về Bavière, vả lại, vùng tả ngạn sông Rhin là dưới quyền của Đức cha Hydulphe nên Đức cha Hydulphe sẽ đảm trách thì danh chánh ngôn thuận hơn.

Lòng chai đá của Quận công Adalric

Về đến tòa Giám mục, Đức cha Hydulphe lo giải quyết mọi vấn đề của giáo phận còn ứ đọng trong thời gian ngài đi Palma, đoạn lên núi Altitona để thăm quận công. Adalric và phu nhân trịnh trọng rước Đức cha vào phòng khách. Chủ và khách an tọa. Sau phần trà nước là những câu xã giao thường lệ, tiếp đến là những chuyện linh tinh như thời tiết, nắng mưa, mùa màng, dân tình...

Sau đó, Đức cha đi vào mục tiêu chính của cuộc viếng thăm nầy, ngài nói :

- “Thưa quận công, thưa Bà, tôi vừa ở tu viện Palma về. Tại đấy, tôi đã tham dự lễ rửa tội cho công chúa, trưởng nữ của ngài, do Đức cha Erhard, giám mục Bavière chủ tế. Ngài đặt tên cho công chúa là Odile. Tiếp theo, ngài lấy dầu thánh làm dấu thánh giá trên hai con mắt của công chúa, đồng thời truyền cho hai con mắt của công chúa mở ra, thì lạ thay, cả hai con mắt của công chúa liền mở ra; công chúa không còn bị mù nữa”.

Nghe vậy, Quận bà chấp tay, ngước mắt lên trời, nói :

-“Ngợi khen Chúa! Con xin đội ơn Thiên Chúa”.

Adalric thưa :

-“Tôi cảm ơn Đức cha đã cho tôi biết tin ấy. Song, từ lúc lọt lòng, nó bị mù. Tôi tức giận cho những ác thần đã hại tôi, Tôi bị xấu hỗ, bị nhục với lân bang, nên ra lệnh giết ngay. Phu nhân tôi năn nỉ quá nên tôi bất đắc dĩ phải để nó sống. Tôi buộc phải cho nó đi biệt xứ, tôi từ nó. Tôi đã ban lệnh phải loan báo cho mọi nơi biết là nó chết từ khi lọt lòng mẹ. Bây giờ, khắp nơi đâu đó đều biết như vậy rồi. Đường đường là một quận công, danh giá nhất vùng, lân bang trọng nể, tôi không thể đính chính hay thanh minh được nữa. Hay là nói cho gọn và dứt khoát tôi chẳng bao giờ có con gái đầu lòng.

Adalric vẫn kiêu ngạo, lòng dạ hóa ra chai đá, giữ vững lập trường, nói thêm :

-“Hơn thế nữa, nay trời cho vợ chồng tôi được một gái và bốn trai rồi, đủ rồi. Con mù ấy tôi xem như là con rơi con rớt... dọc đường”.

Thấy công việc chẳng kết quả gì, Đức cha Hydulphe cáo từ. Riêng quận bà tiễn Đức cha đến cửa sổ rồi thì vào phòng riêng khóc lóc và cầu nguyện.

Đời sống của Odile tại tu viện Palma

Hai đức giám mục rời tu viện Palma. Mẹ viện trưởng cho Odile biết hai ngài sẽ vận động với Quận công để Odile được đoàn tụ với gia đình. Trong lúc chờ đợi kết quả, mẹ khuyên Odile hãy cầu nguyện. Từ nay, Odile theo nếp sống của tu viện như một nữ tu : kinh lễ, làm việc trong nhà và học hành. Mười lăm tuổi, bây giờ mới bắt đầu học đọc học viết, học toán, học văn phạm. Nhờ thông minh và hiếu học, Odile quyết chuộc lại khoảng thì giờ thất học vì “mù”. Nghĩ đến hồng ân Chúa ban cho mình, “hồng ân tái sinh cả hai phần hồn xác”, Odile quyết định, với ơn Chúa, dâng hiến trọn đời mình để phụng sự Thiên Chúa, cho Thiên Chúa, trong bậc tu hành. Odile vui thỏa khi đọc được Kinh thánh, đọc hạnh các thánh, cố tâm học đòi lối sống của các ngài.

Phần Chị Hai, sau khi Odile được rửa tội một thời gian thì lâm bệnh. Odile xin phép bề trên để thường xuyên thăm viếng săn sóc Chị Hai, tận tình lo cơm cháo thuốc men, hầu đền ơn con người đạo đức trung hậu, cộng tác với mẹ mình, nuôi dưỡng mình lúc còn bé bỏng chẳng quản công lao khó nhọc, vượt núi băng ngàn đưa mình đến nơi tỵ nạn an toàn, nên mình mới có ngày nay. Vì tuổi già, Chị Hai ngày mỗi liệt nhược và thở hơi cuối cùng trong tay Odile. Bề trên cho an táng Chị Hai trong nghĩa trang của tu viện. Chị Hai chết, Odile tự thấy mất đi một vật gì quý báu, tự thấy bên mình vắng bóng một ai, tự thấy mình cô đơn hơn. Dù sao, khi còn sống, Chị Hai cũng tượng trưng một phần quê hương xứ sở; tuy không phải là huyết nhục nhưng đã lâu năm ẵm ấp mình. Những lần hướng về phương bắc, Odile tự cảm cái tình viễn xứ, nó lâng lâng, nó bắt mình mơ màng, mong chờ... Quê của mình ra sao? Gia đình mình ra sao? Khuôn mặt bố mẹ mình ra sao? Mình có em út không? Rồi đây, mình có được đoàn tụ với gia đình không? Ở trong viện, chung quanh mình có nữ tu đông, vui, thương mình thật, nhưng sao mình vẫn tự thấy cô đơn, lạc lõng?... Những câu hỏi ấy cứ lẩn quẩn trong đầu óc Odile.

Giá trị của những tin tức vụn vặt

Thời ấy, khoảng cách từ Hohenbourg đến Palma quả là xa xôi diệu vợi, đường sá chưa mở mang, phương tiện chuyển vận hiếm có; người ta đi bộ, dùng lừa ngựa, dùng xe bò, phải tụ tập từng đoàn, có vũ khí phòng quân gian phi đón đường cướp giựt. Mỗi chuyến đi cũng mất trên mươi ngày; trên lộ trình, có từng trạm nghỉ chân cách nhau từ 10 đến 15 cây số. Odile được bề trên trao nhiệm vụ giúp đỡ kẻ nghèo khó và khách qua đường thường đến tu viện xin ăn hay xin trú ngụ, nghỉ chân. Khách bộ hành gặp nhau cũng chuyện trò, đủ thứ, đủ loại : chuyện buôn bán lời lỗ, chuyện hàng tốt xấu, chuyện thời tiết, chuyện mùa màng, chuyện dân tình, chuyện săn bắn, chuyện tranh chấp vùng nọ với vùng kia...

Odile để ý đến một số bộ hành mặt mày có vẻ lương thiện, vì họ chuyện trò vui vẻ, đàng hoàng. Tin tức toàn là tin vặt, song gom góp lại thì có giá trị cao. Nhờ vậy, cứ tích lũy các tin vặt hàng tháng hàng năm mà Odile biết đến vùng Alsace. Thỉnh thoảng Odile cũng thản nhiên góp vào câu chuyện của họ, đặt những câu hỏi “gợi chuyện” để họ nói cho vui vậy, song dụng ý là để biết tin tức về gia đình mình. Cứ thế Odile biết mình là trưởng nữ của Quận công Adalric, mình có một em gái tên là Roswinde và bốn em trai là Hugon, Adalbert, Etichon và Batachon. Odile cứ lặp đi lặp lại các tên ấy đến nằm lòng. Mỗi lần, trong lúc đi lại phục dịch khách, nghe họ nói đến các tên ấy, thì quả tim Odile phập phồng, rồi cũng xen vào hỏi :

- Ông có nghe nói đến ngài Quận công không?

- Có ạ. Quận công Adalric oai vang lắm.

- Quận bà phúc hậu lắm phải không?

- Khỏi bàn tán. Quận bà đẹp, duyên và rất nhân đức.

- Quận công có con cái gì không?

- Nếu hoàn toàn là 6 người : 2 gái, 4 trai. Nhưng nay còn lại một gái, 4 trai, vì công chúa trưởng nữ chết lúc mới lọt lòng.

Tin nầy làm cho Odile càng bàng hoàng, vui mừng mà xót xa, nhất là họ ca tụng Hugon là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, thông minh, đẹp người tốt nết, có đủ đức tính của một hiệp sĩ tương lai.

Odile mơ màng, thấy lòng mình mến thương Hugon cách lạ lùng, như là chị em đã được sống với nhau từ thuở bình sinh. Odile mong cho mình được gặp em, được cùng đùa giỡn chuyện trò. Ý tưởng ấy dằn vặt Odile, thúc bách Odile tìm cách liên lạc với Hugon.

Tối hôm ấy về phòng, Odile chong đèn biên thư cho Hugon. Nội dung bức thư, Odile cho Hugon biết lý do vì sao mình phải sống cảnh tỵ nạn.

 Chim xanh chuyển thơ

Thơ viết xong, Odile đọc đi đọc lại, bỏ vào ngăn kéo, quỳ gối dâng mình cho Chúa, tắt đèn, lên giường ngủ. Đêm nay sao khó ngủ quá, trằn trọc lăn lóc, miệng thầm đọc kinh để dỗ giấc ngủ song giấc ngủ không đến; lắng tai nghe bốn bề im phắc, các nữ tu ngủ ngáy khò khè, bên ngoài gà gáy đã mấy lần... Odile vẫn sáng mắt... nhưng rồi mệt lả người Odile thiếp ngủ từ bao giờ không hay.

Sáng ngày thức giấc cùng các nữ tu đi dâng thánh lễ, dùng điểm tâm rồi tiếp tục công tác trong ngày : phục dịch người nghèo khó và khách bộ hành; trong đầu óc Odile suy nghĩ làm cách nào cho thơ của mình đến được tận tay Hugon, em mình. Cuối ngày, xong nhiệm vụ, Odile về phòng, xếp gọn bức thơ, dùng vải bọc lại, may thành cái bao giống như chiếc bùa hộ mệnh kháchbộ hành thường mang, vì thời ấy người ta còn dị đoan tin vào bùa ngải.

Hôm sau, phục vụ khách, Odile nghe một người cho biết sẽ ngược lên vùng bắc liền bắt mánh hỏi :

- Thế ông có đi qua Alsace không?

- Có ạ. Tôi ở vùng ấy.

- Ông biết dinh Hohenbourg không?

- Có ạ. Nhà tôi ở gần đấy.

- Ông có biết công tử Hugon con ngài quận công không?

- Có ạ. Thỉnh thoảng tôi cũng đi săn với cậu ấy.

- Tôi muốn nhờ ông chút việc được không?

- Được lắm chứ.

- Vậy, nếu gặp cơ hội, xin ông trao chiếc bùa nầy cho công tử. Tôi hết lòng cám ơn ông. Odile trao chiếc bùa cho người khách.

- Tôi sẵn lòng lắm. Cô yên trí. Chuyến nầy về, tôi sẽ đi săn với cậu công tử và tôi sẽ trao tận tay.

- Xin cảm ơn ông. Xin Chúa phù hộ ông về đến quê bằng yên.

Hoàng tử Hugon

Hôm sau, cơm nước xong, người khách giã biệt Odile. Chúc cho khách thượng lộ bình yên, Odile vẫy tay đưa, khách ngoảnh lại nhìn đáp lễ. Odile nguyện xin cho Hugon nhận được thơ của mình và, cũng từ đó, mong nhận được tin vui, tin lành. Người khách về đến làng vừa gặp đúng kỳ hẹn đi săn của Hugon. Đêm ấy, họ săn được một con nai, đưa về dinh xẻ thịt chia phần. Trước khi về nhà, người khách gặp riêng Hugon và nói :

-“Thưa hoàng tử, đây là chiếc bùa hộ mệnh của một tiểu thư gửi tặng hoàng tử”.

Vừa nói vừa trao bùa cho Hugon. Đón chiếc bùa, Hugon khoái chí, nói :

-“Cảm ơn chú, chú cũng biết làm chim xanh nữa ư?”

Hai đàng cười xòa, từ giã nhau. Tối hôm ấy, vào phòng, Hugon mở bùa ra vừa thầm nghĩ :

-“cô tiểu thư nào gửi cho mình đây? Có phải là bắt đầu làm quen để rồi làm thân không?”

Trong bao vải là một lá thư. Hugon bắt đầu đọc :

Palma, ngày... tháng... năm...

Hugon, em thân thương của chị,

Chị là Odile, từ phương xa, có lời thăm em an mạnh hồn xác. Em ơi, từ lúc lọt lòng mẹ, chị bị mù. Bố xem đó là tai họa tày đình do trời giáng xuống, làm mất thể diện của đấng quan quyền, nên định giết chị ngay. Song mẹ ta cố tình thuyết phục can ngăn. Kết quả thì bố buộc phải cho chị đi xa xứ, biệt tăm, không ai được nói đến, nhắc đến, xem như chị đã chết từ lúc mới lọt lòng.

Mẹ chúng ta đã nhờ người thân tín đem chị về nuôi. Nhưng được một thời gian ngắn, láng giềng bàn tán xôn xao. Sợ bị tiết lộ, mẹ lại phải nhờ người đem đi lánh nạn tại tu viện Palma, tương đối an toàn hơn.

Năm chị lên 15 tuổi, có Đức Giám mục đến ban phép rửa tội cho chị. Được rửa tội rồi thì chị khỏi mù. Thật là một phép lạ cả thể. Được sáng mắt, chị bắt đầu học đọc, học viết, học văn phạm, chị sống trong tu viện như một nữ tu, được bề trên giao cho trách nhiệm phục vụ khách bộ hành tứ phương đến xin trú ngụ nên chị thu lượm được nhiều tin tức rất giá trị. Chị biết mình có thêm một em gái là Roswinde và bốn em trai là Hugon, Adalbert, Etichon và Batachon; Chị còn biết rõ Hugon nay là một thanh niên tuấn tú, đủ tài đức, tương lai sẽ rực rỡ.

Em Hugon của chị ơi, biết mình có cha mẹ và đàn em 5 đứa mà riêng chị phải sống kiếp lưu đày, lạc loài cô đơn, chị rất đau khổ, chỉ mong được đoàn tụ gia đình để đêm ngày phụng dưỡng song thân và săn sóc đàn em cho trọn đạo hiếu.

Chị xin có lời lạy bố mẹ, thăm các em. Tuy rằng chưa thấy và chưa biết mặt các em, song máu huyết tình thân, chị đã yêu quý các em lắm. Hugon em ơi! Em có cách gì giúp chị không hở em? Trong thời gian chờ đợi tin lành, chị cầu nguyện cho gia đình ta và chúc em vạn an.

Chị hôn em.

Ký tên : Odile.

Hugon đọc thơ đến ba bốn lần. Trời khuya rồi. Mọi người đã an giấc, Hugon lên giường nhưng thao thức mãi vì bức thơ, mong đến sáng ngày sẽ gặp bố để xin rước chị Odile về nhà. Hugon sắp sẵn trong trí khôn những câu mình sẽ dùng khi ra trước mặt bố. Hugon tự nghĩ : “Thế nầy thì không chịu được, chị của mình có tội tình gì mà phải sống cảnh lưu đày mãi mãi được! Nghĩ đi nghĩ lại rồi thiếp ngủ. Sáng ngày Hugon đi gặp bố đang ngồi trong công đường. Thấy trưởng nam của mình bước vào, Adalric tỏ vẻ vui. Hugon lễ phép chào :

- Con lạy bố ạ!

- Ừ con. Đêm nay ngủ ngon chứ?

- Thưa bố, con có một việc muốn xin bố.

- Việc gì, con cứ thưa, miễn là nó thuộc về quyền hạn và khả năng của bố.

- Thưa nó hoàn toàn ở trong tay bố.

- Ừ, con cứ thẳng thắn nói đi, hay là, con đã “chấm” được tiểu thư nào rồi đấy

quận công đắc ý, cười...

- Thưa không phải. Con còn trẻ lắm, chưa “nhắm” cô nào hết.

- Thế con xin gì? Nói hẳn đi.

- Thưa bố, Chị của con là Odile...

Vừa nghe đến tên Odile, mặt Adalric đỏ bừng, dậm chân, đập bàn, trợn mắt, thét lên :

- Im mồm. Không được nói thêm nữa. Tao đã cấm cả nhà nầy không một ai được nói đến con ấy nữa. Lệnh của tao đã truyền ra là nó chết từ lúc mới lọt lòng. Gần hai chục năm nay, trong dinh ngoài quận, khắp cả dân gian đều biết như vậy. Thôi, cút đi ngay... vừa nói vừa khoát tay đuổi Hugon...

Bị bố từ chối cách quyết liệt, Hugon thất bại, chắp tay vái tạ, lui về phòng. Buồn lòng, Hugon lại đọc thơ của chị. Hugon muốn giúp chị, nóng lòng trông thấy mặt chị, muốn tìm cách rước chị về cho bằng được. Ngày ngày Hugon suy nghĩ bụng bảo dạ :“ Thì mình cứ cho đi rước chị về, khi về đến nhà rồi, bố trông thấy thì sự việc cũng đã rồi, sẽ không nỡ lòng nào đuổi chị được nữa”.

Một liều ba bảy cũng liều. Ở đời, không liều thì chẳng làm được việc gì. Hugon viết thơ cho Odile, nội dung cho biết là mình phái người đến rước chị về. Cuối thơ thêm câu : Em đang mong đón chị.

Ký tên : Hugon.

Kín đáo, Hugon sai quân hầu đánh “xa mã” của bố, mang thơ đi Palma rước Odile.

Đoàn tụ gia đình.

Đoàn kỵ binh và xa mã đến tu viện Palma trao thơ. Odile đọc xong thì trình thơ cho Mẹ viện trưởng. Odile đứng yên lặng, lòng giao động. Viện trưởng nói :

- Ngợi khen Chúa. Con chuẩn bị hành trang trở về gia đình. Chúc con gặp nhiều may mắn. Bà có lời thăm toàn thể gia đình con. Nhớ cầu nguyện cho nhà dòng.

Nhẹ bước, Odile chuẩn bị hành trang, lòng bùi ngùi vì phải rời tu viện là nơi mình được ẩn náu từ tấm bé, nơi mình đã được Chúa ban cho sáng mắt phần xác và sáng mắt phần hồn, phải từ giã viện trưởng là bà dì của mình, phải xa các nữ tu phúc hậu, đã dạy dỗ tập tành nếp sống tu hành đạo đức cho mình, tình nghĩa mười mấy năm tròn, quyến luyến nồng nàn, thương yêu sâu đậm. Song ở đời muốn được việc nầy thì phải hy sinh việc khác, chẳng mấy ai bắt cá được cả hai tay.

Kể ra giờ phút chia tay thật là cảm động. Mẹ viện trưởng và các nữ tu đều chúc cho Odile thượng lộ bình an. Kẻ ở người đi chẳng ai ngừng được giòng lệ chan hòa. Tay bắt tay mà không nỡ rời ra, mặt nhìn mặt mà không nỡ ngoảnh đi. Người ở nhìn kẻ ra đi. Kẻ ra đi mỗi bước mỗi ngoảnh lại. Đến cổng, Odile quay người nhìn lại, vẫy tay vĩnh biệt. Cổng tu viện đóng. Odile lên xe. Đoàn kỵ binh thúc ngựa, hướng bắc nhanh tiến.

Từ ngày liều lĩnh sai quân hầu mang xa mã đi rước chị, công tử Hugon thường đứng trên thành quách, nhìn về hướng nam, ngóng chờ. Một mặt thì mong cho Odile được mọi sự an toàn trong cuộc hành trình vất vả, một mặt thì lo lắng không biết rồi đây, trông thấy con gái đầu lòng, thái độ của bố mình sẽ ra sao. Thực ra, trong tâm trí Hugon xao xuyến không ít. Quận công cũng thường dạo quanh Hohenbourg, cũng nhận thấy Hugon lúc nầy năng đứng nhìn về hướng nam, có vẻ mơ màng như người si tình, nên bất giác hỏi :

- Mấy hôm nay bố thấy con thường nhìn về cõi xa xăm, con có hẹn với tiểu thư nào không?

Nghe bố hỏi, tự nhiên Hugon bị xao xuyến, cúi đầu, không thưa lại. Nhưng ở đời, việc gì phải đến không kíp thì chầy nó cũng sẽ đến. Quận công nhìn về hướng nam thấy cát bụi bay tung nên nói :

- Bố đoán không sai, con đang chờ khách quý vì bố thấy đoàn kỵ binh đang tiến đến.

Đoàn xe tiến dần vào con đường dẫn lên dinh. Quận công nhận ra là chiếc xa mã của mình thì nheo mắt nhìn Hugon, rồi nghiêm khắc :

 

- Thế nầy là nghĩa thế nào? Xa mã và đoàn kỵ binh là của tao, ai đã lộng quyền cho kỵ binh ra khỏi lãnh địa của tao? Ai?... ai?...

Hugon mong rằng thường thường bố cũng tỏ ra mến mình, hy vọng bố sẽ bớt giận khi Odile đến trình diện, thì mọi việc đều êm đẹp nên thưa :

- Thưa bố, chị Odile của con về đoàn tụ với gia đình.

Quá tức giận, Adalric mắng :

- Quá lắm! Quá lắm. Ta đã bảo là ta đã từ nó rồi. Nhưng ai đã lộng quyền phái kỵ binh đi đón nó?

Hugon can đảm và khiêm nhượng quỳ gối chắp tay thưa :

- Thưa bố, mọi lỗi là do con vì lòng thương chị. Con lạm quyền phái kỵ binh đi đón. Con xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Xin bố tha thứ cho con.

Giận quá hóa điên. Trong tay sẵn có cây gậy, Adalric bổ vào đầu con. Hugon lăn đùng ra, tay chân run rẩy, bất tỉnh hồi lâu. Cũng vừa lúc ấy Odile bước vào dinh. Được tin, Quận bà vội chạy ra. Mẹ con ôm nhau khóc mừng khóc tủi, mấy đứa em cũng xúm lại quanh chị, rồi tất cả đưa nhau sang phòng khách. Adalric, bao nhiêu tức giận đã đổ lên đầu Hugon nên xấu hổ, tự thẹn với lương tâm, ngồi thừ ra. Trông thấy quận bà và các con dẫn trưởng nữ vào, lại thấy trưởng nữ của mình tướng mạo đoan trang, mặt mày sáng rỡ, lòng sắt đá cũng mềm dịu, đứng lên đón Odile.

Lập trường bất nhất của Quận công

Odile cảm ơn Thiên Chúa đã cho mình được đoàn tụ gia đình. Mọi người được vui vẻ. Odile bắt tay vào việc hầu hạ cha mẹ, săn sóc các em, tưởng rằng cảnh sống êm đềm được kéo dài mãi mãi. Song, song, chữ song và chữ nhưng thường không tránh được ở đời. Sau một thời gian chẳng bao ngày tháng, Adalric bỗng nhiên nhớ lại trước đây cũng vài mươi năm rồi, mình đã cho tuyên truyền khắp nơi rằng con gái đầu lòng của mình đã chết từ lúc mới lọt lòng, nay mình đón nhận Odile, cho sống trong dinh, hóa ra mình mâu thuẫn, một quận công uy quyền đâu có thái độ mâu thuẫn, lập trường bất định như thế được, hóa ra mình đã nói dối, nhục với bọn tôi đòi hầu hạ, hổ mặt với lân bang, cho nên Adalric lại tìm cách ngược đãi Odile. Adalric không cho Odile ở trong dinh, không muốn thấy mặt Odile nữa, bắt Odile phải sống chung với vài người nữ tu già lão được Adalric nuôi trong nếp nhà gần dinh. Quận bà và con cái can thiệp cũng vô hiệu.

Odile vâng lệnh bố, tự nghĩ rằng miễn là được về nơi chôn nhau cắt rốn; không được chung sống trong dinh nhưng miễn là thỉnh thoảng được thấy cha mẹ và đàn em, mục đích chính đã đạt được là quý rồi. Từ đây, Odile áp dụng lối sống của mình như một nữ tu : cầu nguyện và làm việc, có lợi tức thì giúp đỡ người nghèo khó trong vùng.

Một buổi sáng kia, trời mưa rét, Adalric trông thấy một người mặc áo thô, che giấu một vật gì trong áo, đi ra khỏi khuôn viên. Tưởng rằng nữ tỳ trộm cắp đồ trong nhà đem bán ra ngoài. Adalric gọi lại :

- Ê, mụ kia! Lại đây.

Odile rụt rè, khép nép, run sợ, đến gần chào :

-“Con lạy bố!”

Trông thấy con trong dáng điệu ấy đẹp ra phết, Adalric hỏi :

- Con đi đâu trời mưa rét như vầy?

- Thưa con mang chút bột ra ngoài xóm làm chiếc bánh cho bà lão đang ốm mà không có gì để ăn.

Bỗng nhiên Adalric bị xúc động đến cội rễ, thấy thương con cách lạ lùng, tiến lại nắm tay con, ôm con vào lòng rồi nói :

- Con đừng ở trong nhà ấy nữa. Từ nay con phải sống cuộc đời xứng với đấng bậc của con là “công chúa”, trưởng nữ của Quận công vùng Alsace. Bố sẽ truyền cho trong ngoài biết Odile là ái nữ của bố.

Dẫn Odile vào dinh, truyền cho các nữ tỳ hầu hạ Odile. Thế là một lần nữa Odile phải thay đổi nếp sống. Ngoài giờ học hành, vá may thêu thùa, Odile cũng tập cỡi ngựa, tham dự tiệc tùng, cung tên săn bắn.

Vâng lời bố theo lối sống mới giữa bao người ruột thịt thân yêu. Sướng thật nhưng quá ồn ào bận rộn. Odile nhớ cuộc đời đã trải qua ở tu viện Palma : yên tĩnh, điều độ, dễ chịu. Vì vậy mà giữa những tiệc tùng náo nhiệt, tâm hồn Odile như lạc lõng; những lần cùng các em cưỡi ngựa vào rừng săn bắn, Odile tưởng như mình đang cùng các nữ tu đi viếng bệnh nhân.

Từ ngày được rửa tội, được sáng mắt, Odile đã định dâng trọn đời mình cho Chúa. Có dịp thuận tiện, Odile xin phép Quận công :

- Thưa bố, con có một điều muốn xin bố.

- Việc gì, con cứ nói đi.

- Xin bố cho phép con về tu viện Palma để được sống đời nữ tu.

- Không được. Không! Không! Không bao giờ bố chịu như vậy. Bố hối hận lắm rồi. Bố thương yêu quý mến con hơn ngọc vàng châu báu. Bố không thể để cho con sống xa bố nữa đâu.

Odile nghĩ bụng “âu đây cũng là ý Chúa”. Odile lại tổ chức lối sống hợp với lý tưởng của mình. Ngoài việc phải tham dự tiệc tùng hay giải trí cho vui lòng bố, vừa lòng các em, Odile dùng nhiều thì giờ thăm viếng kẻ ốm đau tật bệnh. Odile làm những việc ấy với hết lòng thương yêu cung kính, tiếng tăm vượt khỏi ranh giới vùng núi rừng Altitona; kẻ nghèo khó, người bệnh nhân, từ xa xôi cũng tìm đến để được công chúa Odile chiếu cố. Trong thinh lặng, bằng tính tình, bằng gương lành, dần dần Odile làm cho bố và đàn em biết nếp sống đạo đức. Quả thật, Odile không ăn diện, không trau dồi phấn son, song tầm vóc cao ráo, duyên dáng, đẹp lắm.

Adalric, vì thuộc vào hạng văn võ kiêm toàn nên trong quận thường có khách quý tìm đến giao thiệp đủ việc, gởi gắm con cái đến thụ huấn binh nghiệp, học săn bắn chung với anh em Hugon. Các công tôn hoàng tử cũng là hạng tuấn tú, đều để ý đến Odile, cũng lăm le tìm dịp để được trông thấy giai nhân, cũng liếc trộm, cũng nháy mắt đưa tình. Trong số các công tôn hoàng tử ấy, có hoàng tử Germany quá mến mộ Odile nên cũng ngay thẳng ngỏ lời với Adalric, xin cưới Odile.

 Thoát thân bảo vệ lý tưởng

Adalric và Bereswinde nghĩ rằng “mối ấy” quả đúng là môn đăng hộ đối, chắc hẳn chẳng có “đám” nào hơn được nữa, vả chăng Odile cũng đến “tuổi lập gia đình”, cho nên nhận lời cầu hôn của hoàng tử nước Germany. Theo tục lệ và tập quán thời bấy giờ, phận làm gái thì cha mẹ sở sanh sở định, đặt đâu ngồi đó, “xuất gia tùng phụ”. Mặt kác, trong giới vua quan quyền quý cũng thường “chính trị hóa hôn nhân”, gả con để có thêm đất đai, gả con để có thêm vàng bạc. Một hôm Adalric gọi Odile, cho biết là đã bằng lòng gả Odile cho ông hoàng xứ Germany. Odile ngạc nhiên lễ phép thưa :

- Thưa bố, như thế không được vì con không muốn lập gia đình.

- Con không thể gặp được mối nào xứng đôi vừa lứa như hoàng tử nầy. Thấy nó có đủ tiêu chuẩn để cho đời của con được hạnh phúc.

- Thưa bố, con không lập gia đình vì con đã nguyện dâng trọn đời con để phụng thờ Thiên Chúa theo bậc tu trì.

Adalric chẳng cần nghe lời con biện minh. Kén được chú rể hạp nhãn quan mình : quyền quý giàu sang, bạc vàng châu báu, ảnh hưởng chính trị của mình sẽ lan rộng, ranh giới phía đông được củng cố. Quen cái tính độc tài độc đoán, quen ra lệnh chứ không quen tuân lệnh; cuộc hôn nhân của con xem như đã ngã ngũ, thì nó sẽ được tổ chức long trọng theo ý của mình. Adalric bảo :

- Con đừng nhiều lời. Bố đã ra lệnh, con phải tuân theo. Làm vợ của hoàng tử có quyền kế nghiệp vua, con sẽ là hoàng hậu. Ở đời có ai danh giá bằng. Con hãy chuẩn bị để làm lễ Vu quy.

Chuyến nầy tuy ra lệnh cho con nhưng Adalric tỏ vẻ dịu dàng, không hung bạo như trước, song vẫn không kém phần cương quyết. Odile biết là không cuỡng lại được lệnh của bố đã ban ra và cũng không biết phải đối phó như thế nào, bèn lạy tạ lui về phòng. Về phòng, Odile cầu nguyện xin ơn soi sáng, xin cho mình giữ lời nguyền cho trọn. Thời gian trôi qua, ngày lại ngày.

Trong dinh quận công, đời sống có vẻ nhộn nhịp hơn thường. Hoa viên được dọn dẹp, nhà cửa được sơn lại, màn trướng thay cũ đổi mới, phòng khách, phòng ăn được trang hoàng... Odile biết rằng người ta đang chuẩn bị mọi sự cần thiết cho ngày “đám cưới”. Odile suy nghĩ rồi đi đến tối hậu quyết định.

Đêm ấy, bầu trời quang đãng, trong dinh mọi người đều yên giấc. Một mình Odile cởi bỏ tất cả áo quần công chúa, mặc áo hạng nữ tỳ, ra khỏi phòng, theo các dãy hành lang, rời dinh, qua khỏi sân đình, đến cửa hậu là lối ra vào của súc vật, chờ người lính gác quay lưng, nhanh chân ra khỏi thành quách, rảo bước lách giữa các hàng thông, xuống núi.

Đi đâu bây giờ? Odile nghĩ bụng : “Nếu trở lại tu viện Palma thì, sau khi thấy vắng mình, thế nào bố cũng sai người đến bắt về. Thôi thì cứ đi cho thoát thân ra khỏi Alsace, sang bên kia sông Rhin sẽ liệu, có Chúa phù trì chở che”. Đến sông Rhin, đi dọc theo bờ, Odile gặp một “lão ông” chèo thuyền đưa khách qua lại, nhờ lão ông cho mình sang bên kia sông. Giòng nước chảy mạnh, ông lão ra sức chèo chống vừa để ý đến cô thôn nữ, tuy ăn mặc đơn giản nhưng tầm vóc đẫy đà, nét mặt tươi sáng; cũng muốn hỏi đêm khuya một dạ, một thân một mình, đi đâu vậy? Song không hiểu vì sao ông ta dè dặt, lặng thinh, cứ lo chèo chống. Đến bờ bên kia, Odile trả tiền, lên bờ, ngoảnh lại cám ơn ông lão :

-“Cảm ơn ông. Xin Chúa phù hộ ông”.

Rồi Odile cứ hướng đông mà tiến. Tại Hohenbourg, mãi đến gần trưa, người nữ hầu mới nhận ra “không thấy công chúa”, chạy vào phòng, phòng vắng; áo xống vất bừa bãi trên giường, nữ tỳ hô hoán lên rồi chạy đi trình cho quận ông quận bà :

-“Sáng nay, con không thấy công chúa dùng điểm tâm, và phòng thì vắng tanh, áo xống vất trên giường”.

Adalric nheo mày :

-“Thế nghĩa là gì?”

Rồi quát tháo cho lệnh lục soát các phòng, các nhà phụ thuộc, các hồ nước, rảo tìm các bụi bờ, khe suối. Vô hiệu, Adalric hiểu ngay : vì bị ép gả chồng nên Odile đi trốn. Adalric giận lắm, quở mắng lung tung, nhất là bọn nữ tỳ hầu hạ, không lo chăm nom đến nỗi công chúa trốn khỏi nhà mà cũng chẳng một ai hay. Adalric thét lên :

-“Quân đâu! Thắng gấp ngựa cho tao, tao rượt bắt cho được con bé cứng đầu nầy”.

Adalric thúc ngựa dẫn đầu, theo sau là quân hầu, cho ngựa phi nước đại. Rảo khắp vùng khắp xóm, đến đâu cũng hỏi tin tức. Vô hiệu. Tới bờ sông, gặp ông lão chèo thuyền, Adalric hỏi :

- Ông lão ơi, ông có thấy một cô thanh nữ đến đây không?

- Thưa có. Cô ấy nhờ tôi đưa qua bờ bên kia.

- Cô ấy như thế nào?

- Thưa vóc người dong dỏng, ăn mặc theo lối dân quê song mặt mày khôi ngô ra dáng con nhà sang trọng.

- Chính nó đấy. Chúng ta rượt theo.

Đoàn người ngựa tìm cách sang sông. Phần Odile, sang sông Rhin rồi, đi được một đoạn thì quá mệt, ngồi lại bên đường nghỉ chân. Bỗng nghe tiếng vó ngựa, đoán rằng quận công sai quân đi lùng bắt mình về, hoảng hồn, Odile chạy vào nấp sau mấy tảng đá. Lạ lùng thay, tảng đá lớn bèn nứt ra làm hai, đủ cho Odile ẩn mình. Odile cầu nguyện : “Lạy Chúa vô cùng phép tắc, xin che chở con”. Adalric và đoàn tùy tùng chạy ngang qua đấy, chẳng trông thấy gì, song Odile thấy rõ từng người một. Tìm mãi chẳng bắt gặp được con, Adalric giục ngựa trở về dinh Hohenbourg. Odile tuy còn hồi hộp nhưng cũng đủ sáng suốt tạ ơn Chúa Quan Phòng đã khéo an bài cho mình thoát nạn, rồi cứ hướng đông tiếp tục đi.

Về đến dinh, Adalric vào gặp quận bà. Thấy Bereswinde đang buồn rầu than khóc, biến cố nầy làm cho quận bà đau khổ gấp trăm phần biến cố cho con đi tỵ nạn vì, Bereswinde đã hưởng được sự vui mừng sống với trưởng nữ, mẹ con tâm đồng ý hiệp chưa được bao lâu, nay lại mất con. Đau đớn nầy bút nào tả được! Cơn giận đang trào hông, Adalric mắng trách vợ :

-“Còn khóc cái gì nữa. Con hư tại mẹ. Không lo gìn giữ để cho con gái bỏ nhà ra đi. Chẳng biết nó đi hướng nào. Đi mà làm gì. Sống trên nhung lụa nay lạc lõng bơ vơ, sống thế nào được. Không khéo rồi... thất thân cũng nên. Thôi! Thế nầy thì từ đây, tôi dứt khoát từ nó, không cho nó bén mảng ở vùng Alsace nầy nữa, chứ đừng mong bước vào nhà nầy”.

Phần hoàng tử xứ Germany, thất vọng, trở về quê nhà. Nếp sống trong dinh Hohenbourg trở lại bình thường như thuở nào - cách đây vài mươi năm - không có Odile.

Phần Odile, ra khỏi tảng đá, một thân, lại đi tìm đến các xóm nhà Odilienstein thuộc vùng Brisgau gần Fribourg xin tá túc. Odile làm thuê làm mướn để độ nhật. Có lúc túng quá phải đi xin ăn. Nhưng dư được đồng tiền nào, Odile lại giúp cho kẻ nghèo khổ hơn mình. Có thì giờ rảnh thì đi viếng thăm phục dịch bệnh nhân. Dân chúng trong vùng thấy Odile đạo đức nhân hậu, ắt hẳn không phải là hạng người hạ tiện đều khen ngợi mến thương, nhưng cũng chẳng biết được động cơ nào xúi giục Odile chọn nếp sống lạ lùng như thế.

 Quận công hối hận

Thời gian quả là một lương y, một liều thuốc linh nghiệm. Odile vắng nhà, bặt vô âm tín. Nếp sống trong dinh bình thường thật nhưng trong gia đạo vẫn thấy có một cái gì đó, trống vắng mất mát, âm thầm song nặng nề khó thở. Quận bà thì cứ thở vắn than dài, đàn con với bạn môn sinh cùng tiếp tục học hành, săn bắn nhưng thiếu hoàng tử Germany, thiếu Odile thì như chim thiếu bạn, cá lạc đàn... Người như Adalric nóng tính, hung hăng, độc đoán, nhưng đôi mắt tinh anh sắc sảo, thì làm sao không nhận ra được điều đó. Tự thấy mình đã đối xử với con quá nghiêm khắc nên thẹn với lương tâm, cơn nóng giận lắng dần xuống thì lửa hối hận càng âm ỷ. Adalric bây giờ thấm hiểu rằng : sở dĩ con gái cưng của mình bỏ nhà ra đi, chỉ vì muốn theo lý tưởng cao thượng, sống đời đồng trinh trong giới tu hành, mà mình thì đi ngược lại, ép nó phải lập gia đình. Adalric đánh giá con mình : dịu hiền, đức độ, hiếu thảo, từ tâm.

Adalric tự lên án mình và thấy lòng mình thương con dào dạt. Một ngày kia, không chịu được nổi dằn vặt của lương tâm, Adalric ra sắc lệnh, nội dung như sau : “Ta là Adalric, quận công Alsace, lấy danh dự truyền rằng : nếu trưởng nữ của ta là Odile muốn trở về gia đình, ta sẽ rộng tay đón rước. Ta cho phép Odile chọn lối sống theo lý tưởng cao đẹp của kẻ tu hành. Trong dân, ai tìm gặp mà đưa Odile về cho ta sẽ được hậu thưởng”.

Ký tên và đóng ấn tín.

Đoàn kỵ mã chia nhau đi rao truyền công lệnh. Trong dân gian nghe rao truyền cũng chào xáo : “Thế nghĩa là gì? “ Kỵ mã cũng đến Brisgau. Lẩn trong thứ dân, Odile lắng nghe, cúi đầu suy nghĩ. Muốn biết chắc chắn thiệt hư, Odile xin người kỵ mã cho mình xem bản lệnh. Thấy rõ chữ ký và ấn tín của quận công, Odile thầm tạ ơn Chúa. Không còn phải sống ẩn náu, Odile trở về Hohenbourg sau một năm vắng mặt.

Về đến dinh, Odile trình diện. Adalric giang rộng hai tay đón con vào lòng, cảm động :

-“Thôi từ nay con muốn sống thế nào, bố hoàn toàn theo ý con”.

Odile khiêm nhượng quỳ gối thưa :

-“Xin bố mẹ tha cho con cái lỗi đã làm bố mẹ lo lắng buồn phiền”.

Hạnh phúc gia đình trở lại trọn hảo. Nhờ đức độ, khiêm nhượng, Odile cảm hóa được quận công thành người đạo đức, biết nhận lãnh thánh ý Thiên Chúa.

Công chúa lập tu viện

Qua các biến cố như đã diễn tả, lần nầy Adalric và Odile bắt đầu cảm thông, tín nhiệm lẫn nhau. Adalric giữ lời hứa để cho Odile sống theo lý tưởng cao đẹp là : dâng hiến trọn đời, sống bậc tu hành, phụng sự Thiên Chúa, hầu tạ ơn Ngài vì những hồng ân trọng đại Ngài đã khấng ban.

Thời ấy, tại vùng Alsace, có nhiều người thánh thiện đã sống ẩn mình trong các hang hốc, chuyên cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, nhưng toàn là nam giới. Về nữ giới thì có những viện ở ngoài quận hạt. Odile ước ao cho vùng Alsace cũng có một viện nữ tu vì nghĩ rằng : nhờ lời cầu nguyện của các nữ tu, Chúa sẽ ban nhiều hồng ân hồn xác cho xứ sở mình, mặt khác, các nữ tu sẽ giúp ích cho bao nhiêu bệnh nhân và người nghèo khó.

Odile trình cho bố biết “dự tính” của mình. Adalric lắng nghe và suy nghĩ cách đáp ứng lời thỉnh cầu của con. Adalric sẵn lòng cho Odile sống đời tu hành thật nhưng mặt khác cũng không muốn con xa mình, rồi cũng do sự kiêu căng riêng, muốn cho Odile đã không thành vợ của hoàng tử mà tương lai sẽ là hoàng hậu thì - đi tu - Odile phải có cấp bậc gì trong tu viện, xứng là con của ngài quận công mới được. Vậy Adalric nói với Odile :

- Bố sẵn lòng lập một tu viện giao cho con làm viện trưởng; con lo tuyển chọn chị em, còn mọi việc bố đảm trách.

Càng nghĩ, Adalric thấy rằng không có nơi nào có đủ điều kiện để xây tu viện bằng trên đỉnh núi Altitona sẵn có dinh thự Hohenbourg. Thật là một địa điểm lý tưởng. Nghĩ xong, quận công quyết định ngay. Lúc trước khắc nghiệt với con bao nhiêu thì nay càng tỏ ra quảng đại bấy nhiêu để bù lại quá khứ sai lầm của mình. Adalric hiến dâng dinh thự Hohenbourg để biến thành nữ tu viện của Odile.

Hôm ấy, Adalric mặc áo đại trào, đầu đội mũ miện, ngồi trên ngai giữa công đường, oai vang lẫm liệt, gọi Odile vào “hầu chầu”. Odile mặc áo dài trắng phủ toàn người, đầu trùm khăn voan, đến quỳ trước mặt bố. Adalric nghiêm chỉnh tuyên bố :

-“Ta là quận công Adalric, long trọng nhường cho con quyền làm nghiệp chủ dinh Hohenbourg với tất cả đất đai thuộc núi Altitona nầy để con lập tu viện”.

Nói xong, Adalric trao cho con các giấy tờ và văn kiện liên hệ. Odile nhận lãnh, cám ơn quận công. Hai bố con để rơi xuống mấy giòng lệ nóng hổi của hạnh phúc từ đây. Buổi chầu vắn tắt song thật cảm động.

Tuy nhà cửa sẵn có song phải sửa sang : phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách, nhà nguyện... theo nhu cầu của một viện tu. Thợ thuyền lại một lần nữa được động viên lên đỉnh núi làm việc. Chính Adalric đôn đốc công tác, Odile cũng bắt tay vào việc với thợ thuyền. Công tác đang tiến hành, tuy chưa hoàn tất song đã có nhiều thanh nữ quanh vùng đến xin nhập viện. Odile rộng tay đón nhận thỉnh sinh; trong số ấy, Odile vui mừng nhất là ba cô con gái của Adalbert là Attalle, Eugénie và Gwendelinde.

Odile bắt đầu huấn luyện cho các cô lối sống như ở viện Palma; kinh nguyện, đảm trách mọi việc nhà và mọi sinh hoạt bác ái. Nhờ có căn bản học vấn, Odile tổ chức các lớp văn hóa, thêu thùa, tập bỏ thói quen của lối sống dễ dãi, vì các cô cũng là con nhà có thế giá, có chức quyền giàu sang. Lương thực hằng ngày là bánh, hoa quả, rau đậu; áo xống sang trọng thì hoặc sửa thành áo dòng hoặc gởi trả lại cho gia đình.

Số thỉnh sinh ngày một đông, nhà hóa ra chật. Nhà nguyện không đủ chỗ vì ngoài số nữ tu, dân các làng lân cận đến tham dự các giờ kinh nguyện và lễ misa mà phải đứng ngoài cửa nhìn vào. Thấy vậy, Odile đề nghị xin quận công xây cho một nhà nguyện rộng rãi hơn vì Odile muốn cho mọi người được vào nhà Chúa để tham dự các lễ nghi một cách thoải mái.

Từ đây Adalric không từ chối lời con thỉnh cầu, đôn đốc xây nhà nguyện mới gọi là “Nguyện đường của Mẹ Thiên Chúa”. Bên cạnh nguyện đường chính lại xây thêm một nguyện đường nhỏ hơn dành riêng cho Odile được một mình đến cầu nguyện.

Nguyện đường mới tương đối đủ chỗ cho nữ tu và giáo dân rồi, Odile mới nghĩ đến điều mình ước nguyện từ lâu là xây một nguyện đường - cũng trong khuôn viên tu viện - để kính thánh Gioan Baotixita là vị thánh mà Odile có lòng sùng kính riêng sau ngày được lãnh bí tích rửa tội.

Odile phân vân không biết chọn địa điểm nào nên cầu nguyện xin thánh Gioan Baotixita tự chọn địa điểm cho vừa ý ngài. Theo tài liệu lưu trữ, xem ra thơ mộng, đơn giản mà ngộ nghĩnh. Nguyên do là thời xa xưa ấy, đồng hồ như chúng ta xài bây giờ chưa có. Để biết giờ giấc thì : ban ngày độ chừng mặt trời mọc, mặt trời lên cao, mặt trời lặn; ban đêm thì căn cứ vào các đợt gà gáy, căn cứ vào trăng và các ngôi sao. Vì thế các viện nữ tu cắt cử một nữ tu trách nhiệm giữ giấc ban đêm, vài ba lần ra ngoài trời nhìn trăng nhìn sao.

Đêm nọ, trời không trăng, nữ tu ra ngoài nhìn sao trên trời để biết chừng đánh chuông báo thức, đọc kinh ban sáng, thì thấy phía xa xa một vùng ánh sáng chói lọi, tưởng là hỏa hoạn. Nhưng khi định thần, nữ tu ấy phân biệt rõ ràng là thứ ánh sáng ấy mát dịu chứ không phừng phực. Nữ tu đến gần để quan sát thì khiếp đảm, vì giữa vừng ánh sáng ấy Odile đang quỳ gối nguyện kinh. Yên trí, nữ tu trở về phòng ngủ.

Sáng ngày, nữ tu ấy đi gặp Odile trình bày điều lạ mình đã được mục kích và xin được biết ý nghĩa của điềm lạ. Odile nói :

-“Tôi có lòng sùng kính thánh Gioan Baotixita lắm nên muốn xây một nhà nguyện để dâng kính ngài. Tôi không chọn được địa điểm thích ứng vì trong khuôn viên nầy nhà ngang nhà dọc cũng nhiều rồi. Đêm qua, tôi đang cầu nguyện thì một bầu ánh sáng hiện ra, trong ấy có thánh Gioan Baotixita. Ngài đến và chỉ cho tôi địa điểm để xây nguyện đường dâng kính ngài. Xong rồi ngài và bầu ánh sáng biến mất”.

Ngay hôm ấy, Odile cho khởi công và chẳng bao lâu thì hoàn thành. Odile rất thích đến cầu nguyện trong nguyện đường thánh Gioan Baotixita. Các nhà cửa hoàn tất. Nữ viện của Odile được Đức Giám mục địa phương đến dâng thánh lễ và làm phép nhà, nhận lời khấn của Odile và của 130 nữ tu, long trọng công nhận Odile là đệ nhất viện trưởng viện nữ tu Hohenbourg. Toàn thể gia đình quận công và rất đông giới chức và nhân dân địa phương sốt sắng tham dự các lễ nghi - sau đó thì quận công và phu nhân với con cái dọn về Ennenheim.

 Tu viện Odile phát triển

Từ đây, trên đỉnh núi Altitona, các nữ tu lo tự túc sinh nhai, ăn chay, cầu nguyện, giúp đỡ người nghèo, săn sóc bệnh nhân. Hạng nguời nầy, không đời nào và cũng không nơi nào thiếu, họ tìm đến tu viện để nhờ miếng cơm manh áo hoặc thuốc men. Thời buổi ấy, hạng cùng đinh làm lụng vất vả, ăn ở thiếu vệ sinh. Một vết thương tầm thường có thể phát ra thối tha hôi hám. Đương nhiên các nữ tu cũng vận dụng hết khả năng để thi hành đức bác ái.

Buổi sáng kia, có nữ tu gặp một bệnh nhân nằm queo bên cổng viện. Bệnh nhân nầy, vì đường lên núi dốc quá nên đuối sức, té xỉu mà không ngồi dậy được. Nữ tu ấy gọi các chị em khác đến phụ nhau đỡ bệnh nhân đứng lên. Nhưng khi đến gần, họ nhào lui một cách hãi hùng vì bệnh nhân hôi hám quá. Phung cùi là một tứ chứng nan y thời đấy. Tay chân mình mẩy mặt mày lở loét trông thật kinh tởm. Bệnh nhân nằm thở hổn hển rên siết thảm thê.

Các nữ tu chẳng ai dám đến gần, phần thì vì quá thối, phần thì sợ lây bệnh. Họ bảo nhau :

- Chị em ta cũng không thể để bệnh nhân chết ở đây.

- Biết thế nhưng hôi quá em nôn mửa đây.

- Chị em ta phải xử trí thế nào?

Một nữ tu nói :

-“Các chị đứng đây canh chừng để em vào trình với mẹ viện trưởng.

Nói đoạn, nũ tu chạy đến gõ cửa phòng Odile; nữ tu ấy thưa :

- Thưa mẹ, có một bệnh nhân bị té xỉu đang nằm ở cổng viện.

- Thì đỡ ông ta dậy rồi săn sóc ông ta.

- Nhưng thưa mẹ, ông ta bị phung. Toàn người lở loét, trông rất ghê tởm, hôi hám quá, chị em chúng con nôn mửa, không đến gần được.

- Chị bảo ông ấy nhẫn nại chút xíu. Tôi đến ngay.

Nói đoạn, Odile xuống bếp lấy một bát cháo nóng, mở tủ thuốc lấy dầu và mấy cuộn băng rồi đi ra cổng. Bệnh nhân đang rên đau. Odile tiến đến, nghẹt thở vì mùi tanh xông lên. Lưỡng lự nhưng lòng yêu người mạnh hơn ý riêng. Odile quỳ xuống, để bát cháo, băng vải và dầu một bên, nâng bệnh nhân, hôn lên mặt bệnh nhân, Odile khóc nức nở và nguyện rằng : “Lạy Chúa, nếu đẹp lòng Chúa, xin Chúa ban lại sức khỏe cho bệnh nhân nầy”. Trông thấy hành động của viện trưởng, các nữ tu kia cảm thấy hổ thẹn, cùng nhau đến gần. Họ bảo nhau : “Mùi hôi tanh bớt đi nhiều lắm”. Càng đến gần càng trông thấy các vết thương không còn máu mủ chảy ra nữa mà khô dần; mặt mày và cả con người lại có thịt có da.

Bệnh nhân tỉnh táo tự ngồi dậy rồi đứng lên, tay chân thân mình sạch như những người lành mạnh. Các nữ tu đều sửng sốt và vui mừng. Odile quỳ gối ngước mắt lên trời, chấp tay tạ ơn Thiên Chúa.

Tin phép lạ nầy đồn ra rất nhanh chóng trong dân gian. Bệnh nhân đưa nhau đến ngày càng đông. Các nữ tu niềm nở đón tiếp, cơm nước, thuốc men; cũng có nhiều bệnh từ xa đến, được lưu giữ cho tới khi bình phục. Sự việc nầy làm cho chị quản lý ngại ngùng, đến trình với viện trưởng :

- Thưa mẹ, nhà hết rượu rồi.

- Sao chị âu lo thế? Chị em chúng mình phục vụ cho Đấng đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn người, không kể đàn bà và trẻ con mà! Lo gì lắm thế! Chị cứ tiếp tục cấp dưỡng bệnh nhân như thường.

Vâng lời, chị quản lý trở về lo công việc theo nhiệm vụ của mình, lòng bán tín bán nghi. Khi sửa soạn các chum để phơi thì chum nào cũng đầy rượu; nếm thử thì đúng là thứ rượu ngon hơn loại rượu thường dùng. Chị quản lý hô hoán là phép lạ. Toàn viện đều ca tụng song viện trưởng bình tĩnh, đội ơn Chúa vì Ngài không bao giờ để cho những kẻ đã dâng hiến trọn đời để làm việc cho Ngài phải thiếu thốn nhu cầu.

Công việc của tu viện theo nhịp tiến đều đều. Odile chưa thỏa dạ, còn xuống các làng mạc quanh núi để thăm viếng bệnh nhân. Với chiếc gậy, mỗi ngày Odile lên xuống nhiều lượt. Nắng ráo còn đỡ nhưng mùa đông tháng giá, tuyết phủ trắng xóa, trông thì đẹp mắt song trơn trợt. Odile không lo cho bản thân mình nhưng ái ngại cho bệnh nhân. Odile suy nghĩ, hội họp các chị để tìm biện pháp thích nghi. Sau khi bàn thảo, toàn viện quyết định như sau : “Chị em vẫn sống trong viện nhưng phải xây một bệnh viện ở sát chân núi để bệnh nhân đến dễ dàng. Số chị em trẻ khoẻ sẽ chia phiên nhau phụ trách mọi công việc ở bệnh viện”.

Odile chọn địa điểm gần suối nước, bắt đầu việc xây cất. Được biết biến cố nầy, quận công tích cực tham gia công tác. Quận công càng sung sướng vì như thế, ngài được gần với trưởng nữ hơn và được góp phần vào việc trực tiếp săn sóc bệnh nhân. Bệnh viện xây cất xong được gọi là bệnh viện thánh Nicôlaô và chẳng bao lâu cũng đầy bệnh nhân. Các nữ tu thay phiên nhau phục vụ, bất quản lên xuống nhọc mệt vì được chính viện trưởng khuyến khích ủy lạo.

Lâu ngày, các nữ tu nhận thấy việc đi về như thế chưa phải là diệu kế vì bệnh nhân không được săn sóc đúng mức, nên bàn với Odile :

- Thưa mẹ, chúng con thấy rằng chúng ta để cho bệnh nhân sống xa chúng ta quá. Nếu như cạnh bệnh viện cũng có một tu viện thì đêm cũng như ngày, ta có thể săn sóc bệnh nhân dễ dàng hơn.

Odile suy nghĩ và quyết định xây cất tu viện Niedermunster, chọn những chị em đủ tư cách và khả năng đến ở để lo cho bệnh viện. Trong thời gian tu viện nầy đang xây cất thì một biến cố xảy ra như sau : Hôm ấy, đôn đốc thợ thuyền, Odile hơi mệt nên ngồi nghỉ chân. Trong số thợ thuyền có một người mang ba nhánh cây tilleul đến trước mặt Odile, chào hỏi lễ phép rồi dâng ba nhánh cây vừa nói :

-“Thưa viện trưởng, xin vui lòng nhận ba nhánh cây nầy. Trồng xuống nó sẽ mọc lên sum sê, sau nầy giáo hữu hưởng nhờ bóng mát”.

Odile nhận món quà lạ lùng rồi cảm ơn; người thợ đi lẫn vào đám đông, Odile không còn gặp lại nữa. Nhiều nữ tu thấy màn kịch ngộ nghĩnh, cười khúc khích rồi nói :

- Thưa mẹ, món quà quý đẹp quá. Mẹ nhận làm gì. Loại tilleul trồng bằng nhánh không sống đâu. Hoài công thôi.

Odile không cười nhưng thản nhiên vì thấy nơi con người khác thường ấy là một sứ giả của Thiên Chúa nên nói :

-“Tôi sẽ trồng ba nhánh cây nầy”.

- Thưa mẹ, không nên. Con nghe nói rằng tilleul xui xẻo lắm, hơn nữa nó có nhiều sâu, hại sức khỏe chúng ta.

Odile nghiêm chỉnh nói :

-“Luận điệu ấy là của dân ngoại dị đoan từ xưa lưu truyền lại. Tôi tin là Thiên Chúa gởi ba nhánh cây nầy cho chúng ta”.

Ngay lúc ấy, Odile cho đào ba lỗ rồi ở mỗi lỗ Odile đặt xuống một nhánh, vừa lấp đất, vừa đọc : “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”

Các nữ tu, kể ra cũng đã được mục kích những việc lạ lùng xảy ra trong tu viện, nhưng lần nầy không thể nhịn cười được. Ba nhánh cây chẳng đáng giá bao nhiêu lại cành lá héo rồi, làm sao sống được.

Sáng ngày, nhiều nữ tu đinh ninh rằng ba nhánh cây đã ủ rủ cụp xuống, rồi gọi nhau ra xem. Nhưng lạ lùng thay, ba nhánh cây tươi xanh đứng vững! Truyện còn cho hay rằng ba cây tilleul sống rất lâu năm, cành lá sum sê. (Về sau hai cây chết vì hỏa hoạn thời vua Louis XIV, còn cây thứ ba đến thế kỷ XVIII mới khô cằn.) Ngày nay trong sân của viện có nhiều cây tilleul, tạo nhiều bóng mát cho khách hành hương và du lịch.

Quận công Adalric tạ thế

Công việc của tu viện tiến đều. Tại Ennenheim, quận công và quận bà cũng gìa lần với thời gian. Tánh tình của quận ông - sánh với thời còn trẻ - khác nhau một trời một vực, không còn nóng nảy bồng bột lại rất từ tốn. Biết mình gần đất xa trời nên một mặt phân chia tài sản cho con cái và cho tu viện, một mặt hướng dẫn Adalbert lãnh đạo mọi việc trong quận hạt rồi làm di chúc, kịp trao quyền nối nghiệp cho Adalbert.

Quận ông và quận bà thường lên nữ viện thăm Odile. Hai ngài rất ưa thích lối sống bình thản, thanh tịnh, trật tự, sạch sẽ. Về sau, để khỏi phải lên xuống, hai ngài chọn một ngôi nhà trong viện để sống chuỗi ngày còn lại bên cạnh trưởng nữ mến yêu của họ.

Ngày tháng dịu dàng dần trôi. Quận ông thọ bệnh. Odile túc trực bên giường thuốc thang cơm cháo và giúp ngài dọn mình, sẵn sàng đón giây phút tối hậu. Ngài nhớ lại cuộc đời quá khứ như một cuốn phim chiếu lại những hành động sai lầm vì nông nổi, nóng tính, nhỏ mọn. Odile an ủi khuyên lơn quận ông phải vững tin vào lòng nhân từ vô lượng vô biên của Thiên Chúa. Cuối cùng chính trong vòng tay của Odile, quận ông trút hơi thở một cách nhẹ nhàng.

Quận bà và các con cháu khóc lóc thương tiếc song rồi cũng nguôi dần vì tin rằng, một ngày kia, mọi người sẽ gặp lại nhau trên thiên đàng để hưởng nhan thánh Chúa là hạnh phúc muôn muôn đời. Nói mà nghe thì dễ nhưng trong thực tế của bản tính con người, quận bà cũng chua xót cực lòng không ít. Và rồi, Đấng Quan phòng nhiệm mầu phép tắc an bài rất khéo, rất nhân từ để quận bà sớm sum họp với quận ông.

Hôm ấy vừa đủ chín ngày sau khi quận ông tạ thế, thì quận bà, chẳng mắc bệnh gì, đang quỳ gối đọc kinh ở nguyện đường, tự nhiên người của ngài từ từ xiêu về một bên. Các nữ tu vội đến đỡ dậy thì linh hồn bà lìa khỏi xác. Cái chết quá nhẹ nhàng, quá lành thánh.

Thi hài của hai ông bà quận công Adalric đuợc an táng chung với nhau trong tu viện, đúng với câu : “Sống thì đồng tịch đồng sàng, chết thì đồng quan đồng quách”. Dân gian gần xa được tin, đến tham dự thánh lễ an táng rất đông vì họ nghĩ đến những ơn ích đã được hưởng nhờ của viện và những công trình bác ái mà hai ông bà Quận công đã làm cho họ.

An táng bố mẹ xong, Odile hằng cầu nguyện cho linh hồn của hai ngài được sớm hưởng ánh sáng ngàn thu. Mấy ngày sau, Chúa cho Odile trông thấy linh hồn của quận ông bị lửa luyện ngục bao phủ. Liên tiếp năm ngày năm đêm Odile chuyên cầu nguyện, không ăn không ngủ. Chúa lại cho thấy linh hồn ấy được thiên thần đưa về thiên quốc. Trong tu viện, nguyện đường nhỏ ấy gọi là “Lệ ngọc thánh đường” (Chapelle des larmes) là nơi Odile cầu nguyện. Dưới chân bàn thờ, nơi tảng đá, có hai dấu trũng xuống, và tục truyền đó là hai dấu đầu gối của Odile.

Mặc dầu đã chọn được người điều hành tu viện Niedermunster, Odile vẫn từ trên núi Altitona xuống viếng thăm. Odile dùng gậy theo đường tắt để thu ngắn khoảng cách. Một ngày nọ, ngày nắng hè chói chang, ở lưng chừng sườn núi, Odile trông thấy một người đàn ông đang nằm trên đất. Đến gần mới nhận thấy đó là một lão mù. Cúi xuống, Odile nói :

-“Tội nghiệp, ông cần tôi giúp gì cho ông?”

Ông lão đáp :

-tôi khát nước quá, xin cho tôi nước uống.

Odile nghĩ cách giúp ông lão. Nếu để ông nằm đấy mà đi lấy nước thì quá xa, không khéo lấy được nước đem đến, ông lão chết mất rồi. Trời nắng to, các vũng nước đọng đều khô cả rồi. Không do dự, sẵn cây gậy trong tay, Odile dùng gậy đập vào tảng đá gần đấy và nguyện rằng : “Lạy Chúa, xin thương xót ông lão nầy. Ông sẽ chết khát vì con không tìm thấy nước”. Lạ lùng thay! Trong tảng đá nước trong và mát chảy ra. Odile chụm hai tay, vục nước cho ông lão uống cho đến khi ông tỉnh lại. Odile hỏi :

- Ông có tin vào Thiên Chúa không?

- Có ạ. Tôi tin Thiên Chúa toàn năng và nhân từ.

Odile nhúng tay vào nước suối, vừa rửa mắt cho ông lão vừa nói : “Nhơn danh Đức Giêsu Kitô, ông hãy mở mắt ra”. Ông lão liền mở mắt ra, trông thấy cảnh vật chung quanh, bấy giờ ông ta mới biết thế nào là cây cối, là núi đồi, đồng nội. Trông thấy dung mạo người đã cho mình uống nước, rửa mắt cho mình, truyền cho mắt mình mở ra; ông đinh ninh người ấy là mẹ viện trưởng. Ông lớn tiếng kêu :

-“Con đội ơn Chúa đã cho con được thấy”

rồi quay mặt nhìn Odile :

-“Thưa mẹ, con cảm ơn mẹ”.

Ông lão hết khát nước lại được sáng mắt, Odile dẫn ông lên tu viện cho ông cơm ăn áo mặc. Nơi tảng đá, nước vẫn chảy mãi cho đến ngày nay và được gọi là suối nước phép lạ thánh Odile (Source miraculeuse de Sainte Odile). Nước suối mát trong, và từ đó người ta đến lấy nước rửa mắt. Để gìn giữ bảo vệ, người ta đã xây và đặt ống dẫn nước để dễ cho vào chai. Người ta thường khấn xin thánh Odile chữa con mắt, chữa lỗ tai và các chứng nhức đầu. Bà công chúa mù thuở nào, chẳng những đã chữa cho nhiều người sáng con mắt phần xác, mà quan trọng hơn là đã giúp cho nhiều người được sáng mắt phần hồn, trở thành những Kitô hữu thánh thiện.

Những ngày cuối đời của Thánh nhân

Tháng năm nối tiếp trôi nhanh, tuổi càng cao và càng đè nặng lên vai. Odile chóng già chóng yếu và cảm thấy mình sắp làm một cuộc hành trình quan trọng. Trong cả hai tu viện, các nữ tu đều thấy rõ như vậy nên buồn lo, nghĩ rắng “vắng mẹ viện trưởng, mình sẽ ra như thế nào”. Nhưng Odile, trước cái chết chẳng chút sợ hãi vì suốt đời đã hết lòng phụng sự Thiên Chúa theo ơn gọi.

Odile an ủi chị em như người mẹ hiền trăn trối với đàn con. Ngày 13 tháng 12, Odile liệt giường, tập họp các nữ tu, yêu cầu ghi lại những điều căn dặn cuối cùng : “chị em hãy thương yêu nhau, tha thứ cho nhau, đoàn kết với nhau; ăn ở khiêm nhượng, giữ vững đức tin, siêng năng cầu nguyện, phải cầu tiến, đừng tự mãn. Chị em phải nhớ rằng một ngày kia cũng sẽ đến đoạn đường cuối đời, mình sẽ phải trả lẽ với Chúa chí công về tất cả tư tưởng, lời nói và việc làm của mình”.

Các nữ tu khóc lóc, Odile an ủi : “Chị em đừng khóc nữa, xin hãy vào nguyện đường cầu cho tôi được ơn chết lành thì hay hơn là thương với khóc”. Odile chúc lành và các nữ tu lui vào nhà nguyện. Odile một mình thầm thĩ cầu xin rồi lịm đi. Linh hồn rời khỏi xác. Cầu nguyện xong các nữ tu trở lại thăm, vừa đến ngưỡng của, thấy mẹ viện trưởng đã tắt thở, họ vừa khóc vừa nguyện : “Lạy Chúa, mẹ chúng con lặng lẽ chết một mình mà không được rước Mình Thánh Chúa làm của ăn đi đường. Xin Chúa cho mẹ chúng con sống lại để được rước Thánh Thể Chúa rồi hẵng đi”. Odile mở mắt nhìn quanh trách nhẹ : “Gọi tôi về làm gì, dù là một chốc lát”. Nhưng hiểu ý các nữ tu, Odile nói tiếp : “Đã vậy rồi, xin Chúa Giêsu đoái thương, ngự vào lòng con, để chứng thật con được ơn nghĩa trước mặt Chúa”.

Odile ngồi dậy rồi quỳ gối ngay trên giường. Vài nữ tu vội chạy vào nhà nguyện mở cửa Nhà Tạm, mang bình đựng Mình Thánh Chúa đến. Odile cung kính thờ lạy, đón lấy và rước lễ. Giây phút sau, từ từ nằm xuống. Linh hồn lìa khỏi xác. Hôm ấy là ngày 13 tháng 12 năm 720, hưởng thọ 60 tuổi. Công chúa Odile đệ nhất viện trưởng tu viện Hohenbourg về thiên đàng, đời đời hưởng nhan thánh Chúa để tiếp tục trông nom gìn giữ, phù hộ cho quê hương xứ sở Alsace.

Từ các nguyện đường gióng lên tiếng chuông tử, báo hiệu phút vĩnh viễn ra đi của mẹ viện trưởng. Nhân dân các xã thôn đình chỉ mọi công việc, tuôn đến núi Altitona, vào tu viện Hohenbourg để chiêm ngưỡng đấng đã dày công giúp đỡ họ cả hai phần hồn xác.

Giữ đúng lời trối của mẹ viện trưởng, các nữ tu đưa thi hài ngài vào quàng tại nguyện đường kính thánh Gioan Baotixita để người người giàu nghèo sang hèn gần xa kính viếng. Tám ngày sau, các vị chức sắc trong giáo hội địa phương long trọng dâng thánh lễ rồi táng xác thánh nhân vào huyệt mộ bằng đá. Mọi người nguyện cầu : “Lạy bà thánh Odile, cầu cho chúng tôi”. Như vậy, vì lòng thương kính, dân chúng đã gọi Odile là thánh và truyền miệng nhau, mãi đến thế kỷ thứ X thì Toà thánh phê chuẩn và chọn ngày 13 tháng 12 trong năm làm ngày lễ Bà Thánh Odile.

Tu viện Hohenbourg thời hậu Odile

Thánh nhân qua đời rồi, tu viện liên tiếp bị chiến tranh tàn phá và bị cướp bóc. Việc hành hương kính viếng ngài cũng bị gián đoạn. Nhưng sau mỗi lần bị xâm phạm hay bị hỏa hoạn, tu viện lại được trùng tu, việc sùng kính lại được phục hồi vì khách hành hương không thối chí, không phải là họ mến tu viện, nhưng vì nhớ đến công đức của thánh nhân.

 Trên đỉnh núi, tu viện Hohenbourg là mồi cho sấm sét vì thời ấy chưa phát minh được cột thu lôi (paratonnerre), cộng thêm bọn côn đồ phá phách cướp của. Hơn thế nữa, Alsace cũng là vùng trung tâm điểm của những cuộc tranh chấp giữa các thế lực đối chọi nhau từ thế kỷ thứ X : quân Hung Gia Lợi, quân Armagnacs, quân Bourguignons, quân Rustands, quân Anh.

Tuy vậy, trong thế kỷ XVI, chiến tranh tôn giáo (Guerre de Religion) hai tu viện mới bị xâm phạm, bị thiệt hại nặng nề. Tu viện Niedermunster không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.

Dù bao tai biến giáng xuống dồn dập trên tu viện, ngôi mộ của thánh Odile vẫn trơ trơ với tuế nguyệt, thật là Thánh ý Thiên Chúa, người phàm tục không ai dám đụng tới. Hoàng đế Charlemagne, vua Richard coeur de Lion đã từng hành hương kính viếng mộ của ngài.

Đức Giáo Hoàng Léon IX quê quán Haut Rhin đã hai lần đến hành hương giữa thế kỷ XI : ngày 17.12.1050 ngài đã xức dầu thánh làm phép nguyện đường kính thánh Gioan Baotixita.

Tháng 5.1354, hoàng đế nước Đức là vua Charles IV, có giáo quyền địa phương chứng kiến, đã cho lệnh mở nắp quan tài. Toàn thể tham dự viên đã chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa vì thi hài của Thánh Odile vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó quan tài được đậy nắp lại.

Thời cách mạng Pháp, tu viện Hohenbourg mới thật là bị tàn phá. Các tu sĩ Prémontrés, đang ở để gìn giữ tu viện và mộ của thánh Odile bị bách hại, phải qua Đức lánh nạn, song cũng có vài tu sĩ cố tình ở lại, họ sống lẫn lộn trong đám thường dân. Sợ xác thánh bị quân vô đạo xâm phạm, họ hiệp nhau đưa xác thánh đi giấu. Nhờ vậy mà khi quân bạo tàn mở quan tài ra thì hài cốt thánh không còn trong quan tài nữa. Lúc thời thế lắng dịu, giáo dân lại đặt xác thánh vào quan tài như cũ. Thời gian sau, một linh mục trong vùng, quý danh là Rumpler, mua lại cơ sở hư nát của tu viện Hohenbourg do chính quyền cách mạng địa phương bán. Việc trước tiên là ngài xem và biết đích xác là xác thánh vẫn còn trong mồ. Với sự phụ lực của giáo dân, cha Rumpler đem xác thánh về Ottrot cho vào hộp, đục vách tường, đặt hộp xác thánh vào, xây trám lại. Năm năm sau, tình thế ổn định, cha Rumpler xin giáo quyền cho phép kiệu hài cốt thánh về chỗ cũ. Ngày 06.10.1800, một cuộc rước kiệu long trọng đưa xác thánh vào tu viện. Hôm ấy cả vùng Alsace như đi vào một ngày đại lễ, họ hát kinh Te Deum để tạ ơn Chúa.

Năm 1853, người ta tổ chức quyên tiền, mua trọn hòn núi Altitona và từ đó, núi Altitona được đổi tên thành núi Thánh Odile, dâng cho Đức Giám mục Alsace. Toà Giám mục đặc phái kinh sĩ đến điều hành mọi công việc như đã giới thiệu trong đoạn đầu.

Hồ Đắc Hóa

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art