Thứ Năm, 18 Tháng Giêng, 2018

Ký ức chợ Tết xưa ở quê

Tôi xa quê đã mấy mươi năm, nhưng cứ mỗi độ Xuân đến, nỗi nhớ chợ quê ngày Tết lại tìm về như những thước phim quá khứ đẹp, đau đáu tâm hồn không thể nào quên.

Quê tôi vốn có nhiều sông rạch đan xen nên gần Tết xuất hiện rất nhiều ghe hàng bán đủ loại quần áo, vật dụng, thực phẩm như dầu hôi, tim đèn, bánh kẹo, mứt, chuối khô, bánh tráng, bánh phồng, tôm khô, củ kiệu, giấy dán dưa, thịt heo, hột vịt… Mỗi ghe hàng đều trang bị các chiếc kèn bóp tay kêu rất lớn. Cư dân hai bên sông nghe tiếng kèn đổ xô ra để mua rất đông vui. Thường buôn bán kiểu này người bán không nói thách, người mua cũng khỏi phải trả giá. Chủ ghe hàng còn nhớ rất rõ những yêu cầu đặt hàng lần tiếp theo của “thượng đế”. Có một quy luật bất thành văn là người mua phải trả hết nợ cho người bán trước cuối năm, vì quan niệm nợ để sang ngày mùng Một sẽ không “hên”.

Trên bờ thì chợ Tết nhóm sớm, thông thường khoảng 2 đến 3 giờ sáng là đã đông kín người đến mua bán nhộn nhịp. Hồi đó các chợ chưa có điện nên việc việc giao dịch diễn ra dưới ánh sáng của các loại đèn “chong”, đèn “ống khói”, đèn măng-xông, đèn bình ắc-quy. Những cơ sở mua bán lớn thì “chạy máy đèn” bằng dầu lửa đỏ. Xuồng ghe các loại đậu chen chúc dưới bến sông cuối chợ. Phía đầu chợ là bãi đậu của mấy chiếc xe ngựa, xe lam ba bánh. Các hàng quán ăn uống hầu như hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhiều nhất là các quán nhậu bình dân, quán cà phê, hủ tíu, cháo lòng phục vụ cho người buôn bán tại chợ Tết.

Hàng hóa tại chợ Tết nhà quê rất đa dạng, những cành mai vàng đã chiết ra, có khi bán nguyên cây; thực phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến; có cả pháo, bát quái, bùa nêu và bài tứ sắc… Do tập quán mua bán Tết theo kiểu tự sản, tự tiêu nên người bán thường đến chợ trước để giành chỗ tốt, trải các tấm ni lông hay manh chiếu để thuận lợi hơn. Trước đó, tại trung tâm chợ luôn có các gánh hát “bồ tèo”, các đoàn “lô tô” đến “đóng đô” làm ăn đến qua Tết mới “rút dù”.

Càng về sáng, không khí lại càng nhộn nhịp. Chợ bắt đầu xuất hiện các ông thầy Nho ăn mặc chỉnh tề, quần trắng áo the ngồi mài mực để “cho chữ”. Nhiều nhóm hát sơn đông mãi võ cũng có mặt bán thuốc đi kèm với các tiết mục biểu diễn nội công, võ thuật, bắt rắn… Ghe xuồng chở bông cũng vừa ghé bến, chủ yếu là các loại đơn giản như vạn thọ, thược dược, hướng dương, mồng gà, cúc… Hồi đó nhà quê chưa có các loài bông “quý tộc” như lay-ơn, mâm xôi, trạng nguyên…, và hai mươi chín Tết coi như là chấm dứt việc mua bán tại các chợ nông thôn. Ngày ba mươi, việc mua bán rất thưa thớt vì ai ai cũng về nhà để lo cúng kiến ông bà tổ tiên, chỉ còn lại những bạn hàng bán vét hàng hóa còn lại để trở về gia đình, và lai rai những người nghèo đi phiên chợ cuối, những mong mua rẻ được vài vật dụng cần thiết cho gia đình ngày đầu năm.

Bây giờ, những hình ảnh này đang ngày càng hiếm ở quê, bởi việc mua bán ở các chợ nông thôn hầu như đơn giản hơn nhiều. Hàng hóa tập trung hầu hết ở các chợ trung tâm nên người mua bán không phải đi sớm như trước, hàng quán không phải thức khuya. Giao thông cũng đã thuận lợi nên không còn cảnh xuồng ghe tấp nập đi chợ Tết ban đêm. Trẻ con hầu như không còn biết đến không khí chợ Tết xưa.

Cứ cảm thấy tiêng tiếc một cái gì đó khó tả mỗi khi nhớ về những ngày se lạnh, được theo cha mẹ bơi xuồng chở đến mua sắm tại các chợ quê cuối năm.

PHAN THỊ ANH THƯ

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art