Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy, 2012

Đức Maria trong Thánh Kinh

ĐỨC MARIA TRONG THÁNH KINH

I. TRONG CỰU ƯỚC

Nhờ ánh sáng của Tân ước chúng ta nhận ra Đức Maria trong Cựu ước. Một khi đã nhận ra hình ảnh tiên tri trong Cựu ước của Mẹ Đấng Messia thì học thuyết Thánh mẫu cũng được hiểu sâu hơn. Thực ra Tân ước đã được chuẩn bị ngay từ trong Cựu ước và Tân ước chỉ mang lại sự mạc khải trọn vẹn nhờ tận dụng tất cả những gì đã được mạc khải trước đó.

1- Hình ảnh

Trong Cựu ước có rất nhiều hình ảnh đã được truyền thống và phụng vụ của Giáo hội dùng để diễn tả mầu nhiệm Đức Trinh nữ. Chẳng hạn: sao mai, rạng đông mỗi lúc thêm sáng tỏ, cầu vồng báo hiệu trời tốt, đám mây đẫm nước mưa, đất màu mỡ sinh trái hảo hạng, vườn địa đàng, thang của Jacob, bụi gai rực lửa, tấm vải phủ đẫy sương của Gédéon ...

Tuy nhiên đây chỉ là những hình ảnh mà Thánh kinh dùng để diễn tả một cách bóng bẩy những chân lý Thánh Kinh được mạc khải ở những nơi khác. Cũng vậy khi áp dụng vào Đức Maria những gì mà các sách khôn ngoan ca ngợi nơi sự Khôn ngoan vĩnh cửu thì phụng vụ cũng chỉ có ý khẳng định sự liên kết chặt chẽ giữa Đức Maria và Chúa Kitô trong chương trình của Thiên Chúa.

2- Nghĩa tiên trưng

Có nhiều đoạn trong Cựu ước được hiểu về Đức Maria theo nghĩa tiên trưng (sens typique). Chẳng hạn các đoạn nói về các phụ nữ danh tiếng hoặc anh hùng của Israel mà Giáo hội đem áp dụng vào Đức Maria. Lời Elisabeth chào Đức Maria được phỏng theo lời ca ngợi Judith trong Cựu ước. Bài Magnificat mang âm hưởng của những chúc tụng của Anna, mẹ của Samuel. Đức Maria đã thực hiện một cách tuyệt hảo vai trò của người phụ nữ Israel sinh con là phúc lành quí giá đối với một phụ nữ Do thái. Phúc lành này đã đạt tới tột đỉnh trong chức vụ làm Mẹ Đấng Messia của Đức Maria.

Những đoạn Cựu ước có nghĩa tiên trưng quan trọng hơn cả về mặt thần học là những bản văn liên quan đến thiếu nữ Sion, hiện thân của dân Israel và vị Hôn thê trong Nhã ca. Đức Maria là thiếu nữ Sion vì Người vừa đón nhận vừa ban tặng Đấng Messia, và như vậy Người thực hiện được ở mức độ cao nhất thiên chức làm hôn thê của Giavê.

Các bản văn này cũng có thể áp dụng vào Giáo hội. Và điều này cho thấy giữa mầu nhiệm Thánh mẫu và mầu nhiệm Giáo hội có một tương quan rất thâm sâu.

3- Nghĩa văn tự

Trong Cựu ước có một số sấm ngôn có thể hiểu về Đức Maria theo nghĩa đen hoặc văn tự (sens littéral), nghĩa là trực tiếp nhằm Đức Maria.

1/ Khởi Tin mừng (Gn 3,15)

Sau khi loài người sa ngã, Thiên Chúa lên án con rắn, một bản án chứa đựng lời hứa cứu độ: Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ cắn lại gót chân.

Bản Hi-bá-lai gán chiến thắng con rắn, hiện thân của mãnh lực thù địch chống Thiên Chúa và chống loài người, cho toàn thể dòng giống người nữ. Bản dịch Hi lạp thì viết: Ngài (Autos) sẽ đạp... nên qui chiến thắng cho Đấng Messia chứ không phải toàn thể dòng giống người nữ. Còn bản La tinh lại viết : Bà (Ipsa) sẽ đạp..., nghĩa là coi chiến thắng thuộc về
người nữ. Cách dịch của bản La tinh không chắc chắn lắm. Nhưng người ta đã căn cứ vào bản dịch này để đồng hóa dễ dàng Đức Maria với người nữ trong bản văn.

Nếu không tính đến sự kiện bản văn này được dùng trong Tân ước, thì chỉ có thể hiểu rằng bản văn này loan báo một cuộc ác chiến giữa nhân loại và sức lực thù nghịch tượng trưng bởi con rắn. Chính nhờ những mạc khải trọn vẹn hơn, đến sau, mà trong Giáo hội người ta đã nhận ra trong bản văn này khuôn mặt Đấng Cứu thế và Người Mẹ sinh ra Ngài (cf. LG n.55)

2/ Sấm ngôn của Isaie (Is 7,14)

Năm 736, Jérusalem bị vây hãm, vua Achaz muốn cầu cứu binh đội Assyrie. Isaie ngăn cản và loan báo Thiên Chúa sẽ ban một dấu chỉ: Chính Thiên Chúa sẽ cho các ngươi một dấu. Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con và bà sẽ gọi tên con là Emmanuel. Chữ Almah của bản Hi-bá-lai có nghĩa là thiếu nữ hoặc thiếu phụ mới cưới được bản Hi lạp dịch là trinh nữ càng làm cho bản văn thêm rõ nghĩa.

Tin mừng Matthêu coi sấm ngôn này đã được thực hiện khi Chúa Kitô, Emmanuel đích thực, sinh ra bởi Trinh nữ Maria (Mt 1,23).

3/ Sấm ngôn của Michée (Mi 5,1-2a )

Năm 736, quân Assyrie được mời đến giúp Jerusalem. Năm 701, họ quay lại không phải để trợ giúp mà để tàn phá. Trong lúc lâm nguy Michée can thiệp để trấn an dân chúng: Phần ngươi, hỡi Bethléem Ephrata nhỏ bé nhất trong các chi tộc Juda, chính từ nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta Đấng phải ngự trị Israel. Nguồn gốc của Ngài lên tới... những ngày xa xưa. Giavê sẽ phó nộp chúng cho đến thời người nữ phải sinh con sẽ sinh con (Mi 5,1-2a).

Các Thánh sử sau này ngụ ý sự sinh hạ của Đấng Messia như là sự thực hiện của sấm ngôn này. Bản văn này đã chứa đựng, mặc dầu chưa rõ nét, mạc khải về Đấng Messia sẽ sinh ra và người phụ nữ, một trinh nữ, sẽ sinh ra Ngài. Mi 5,1-2a ám chỉ Is 7,14. Đấng phải ngự trị Israel và Emmanuel cũng là một. Người nữ phải sinh con” và “trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con cũng là một.

II. TRONG TÂN ƯỚC

1- Trong lời giảng đầu tiên của các Tông đồ

- Nội dung lời giảng này được trình bày ở đầu sách Công vụ Tông đồ : Cuộc đời công khai và giáo huấn của Đức Giêsu, sự chết rồi phục sinh vinh quang của Ngài. Chính biến cố phục sinh này bộc lộ tỏ tường Ngài là Con Thiên Chúa (Ac 1, 21-22).

Đức Maria không phải là đối tượng của lời giảng ban đầu của các Tông đồ, ít nhất là không trực tiếp. Giả sử ngay buổi đầu Đức Maria được truyền giảng cùng với Đức Giêsu thì đã có thể gây ngộ nhận: Kitô giáo có thể bị đồng hoá với các tôn giáo mầu nhiệm. Các tôn giáo này thần hoá người nữ và thờ một đôi thần nam nữ. Khi các Thánh sử nhắc đến Đức Maria trong cuộc đời hoạt động của Đức Giêsu thì cũng bỏ qua đặc ân làm mẹ của Người: Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta... Đây là mẹ Ta và anh em Ta, vì ai thi hành ý Thiên Chúa, người đó là anh em, chị em và mẹ Ta (Mc 3, 31-35. Xem Mt 12, 46-50; Lc 8, 19-21). Khi bảo các môn đệ gạt ra ngoài tương quan huyết nhục để vào Nước Thiên Chúa và cuộc đời mới, vĩnh cửu thì Đức Giêsu đã tỏ ra trung thành với con đường Ngài đã chọn là khước từ hình ảnh trần tục về Đấng Messia.

Sự cao cả và vai trò độc đáo của Đức Maria không phải chỉ do sự kiện Người đã sinh ra Đấng Cứu thế về mặt thân xác (mẫu hệ thể lý). Có một sự cao cả và một đặc ân lớn hơn. Khi một phụ nữ kêu lên: phúc cho bà mẹ đã cưu mang Thầy” thì Đức Giêsu đã nâng cao tầm nhìn : Đúng hơn phải nói: phúc cho kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28).

Thực ra cũng có những lời ca ngợi mẫu hệ thể lý của Đức Maria. Nhưng những lời này thuộc Tin mừng thời thơ ấu, chứ không thuộc thời hoạt động công khai.

- Trong tất cả các bản văn nói trên, Đức Maria chỉ là một dịp để Đức Giêsu dựa vào đó mà giảng dạy. Sự hiện diện của Người trong quãng đời hoạt động của Đức Giêsu chỉ được nhắc qua khi có dịp. Người không có trong số các chứng nhân phục sinh. Người có hiện diện trong ngày Ngũ tuần nhưng sau đó không còn được nhắc đến nữa. Một sự xoá mình như vậy sau khi đã nổi bật trong Tin mừng thời thơ ấu là một huyền nhiệm cần tìm hiểu ý nghĩa. Các bản văn sâu sắc của Gioan có thể gợi cho ta một vài ý.

- Mặc dầu tính giản dị của những bài tường thuật thời hoạt động của Đức Giêsu có thể làm ta ngạc nhiên, Đức Maria vẫn được nhìn nhận là mẹ thật của Ngài, là đấng đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài, đã sống với Ngài cho khi Ngài tới ba mươi tuổi. Theo Gioan khi Đức Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa, người Do thái đã vặn lại bằng cách kể ra gốc gác cha mẹ Ngài, Ngài đã không phủ nhận. Ngôi Lời đâm rễ sâu trong thế giới nhục thể, đó là nền tảng của mọi chức vụ vì mọi sự cao cả của Đức Maria. Cần nhấn mạnh Người là một phụ nữ và bởi Người Ngôi Lời trở thành người. Đối với đức tin Kitô giáo, điều này quan trọng hơn sự đồng trinh hay sự thánh thiện của Đức Maria. Các Thánh sử có nói đến “các anh em và các chị em” của Đức Giêsu, nhưng đây chỉ là họ hàng của Chúa. Đức Giêsu vẫn là người con độc nhất của Đức Maria. Nếu không thì từ trên thập giá, Đức Giêsu đã không trao phó mẹ Ngài cho Gioan.

- Mẫu hệ của Đức Maria cũng được Thánh Phaolô nhấn mạnh. Tác giả này không gợi lại cuộc đời của Đức Maria cũng không minh nhiên gọi người là mẹ Đức Giêsu. Nhưng ngài đã nhắc đến người phụ nữ đã sinh ra Con Thiên Chúa vĩnh cửu khi thời gian chuẩn bị đã mãn. Con Thiên Chúa đã sinh ra bởi một người nữ theo thể xác, chấp nhận sống dưới lề luật, để giải thoát những người sống dưới lề luật và cho họ trở thành con Thiên Chúa (Ga 4, 5). Ở đây tác giả bức thư không chủ ý ca ngợi sự cao cả của người phụ nữ diễm phúc này, nhưng đã diễn tả rất rõ sự kiện cốt yếu làm nền tảng cho Thánh mẫu học: Con độc nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa đã sinh ra bởi một phụ nữ, bởi một người mẹ theo thể xác, nhờ đó Ngài trở thành Đấng Cứu độ chúng ta.

2- Trong các Tin mừng thời thơ ấu

Các tường thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu đã có chủ ý bộc lộ ngay trong nguồn gốc những nét lớn về số phận và sứ mệnh của Đức Giêsu. Chủ ý đó đòi hỏi một thể văn nhất định, một thứ tiểu sử tôn giáo nói lên lòng tin vào Đức Giêsu mà không làm biến chất các sự kiện và thay đổi ý nghĩa của chúng.

Bài tường thuật của Matthêu có vẻ thuật lại mọi sự theo quan điểm của Thánh Giuse và không nhấn mạnh đến vai trò riêng của Đức Maria. Luca trái lại chú trọng không những đến Đức Giêsu mà còn đến Đức Maria nữa. Tác giả này vừa muốn bộc lộ tư cách thiên sai và nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu vừa chú tâm nhấn mạnh đến vai trò riêng của Đức Maria. Người không phải là một kẻ vô danh không có gì đặc sắc, nhưng là một nữ tỳ đích thực của Chúa, được Ngài sủng ái, một người nghèo của Giavê biết thán phục trước các hồng ân, biết cảm tạ và trung tín với ý Thiên Chúa.

Việc truyền tin hé mở cho Maria thấy những kỳ công Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Người và bởi Người. Thái độ đáp ứng bằng đức tin và ưng thuận làm cho thiếu nữ ấy trở thành Người có phúc. Và phúc lộc này đã lan tràn đến Elisabeth và làm cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ. Lời của người chị họ ca ngợi : Em là người có phúc nhất trong giới phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng thật có phúc (Lc 1, 42).

Đoạn tiếp theo trong Tin mừng Luca cho thấy rõ những tâm tình và những cảm nghiệm của Maria. Luca nhắc lại hai lần: Maria ghi sâu vào lòng những gì đã thấy đã nghe. Đức Maria là một trong những nguồn cảm hứng chính của Luca. Luca đặt Người vào địa vị trung tâm. Sứ điệp mà Luca ghi lại chẳng những liên quan đến Chúa Kitô mà còn liên quan đến Đức Maria nữa.

Tuy nhiên dầu diễn tả rất sát Đức Maria, các bản văn của Luca về thời thơ ấu của Đức Giêsu,bằng cách dùng hoặc ám chỉ nhiều bản văn Cựu ước, gợi lên một cách tế nhị những nét tương tự giữa các sự kiện của Tân ước và Cựu ước. Trong khi Matthêu minh nhiên chỉ cho thấy các biến cố Tân ước đã hoàn tất các sấm ngôn Cựu ước như thế nào, Luca không trực tiếp chứng minh nhưng để cho độc giả tự nhận ra qua cách thuật các biến cố của mình. Chẳng hạn để phác họa nhân vật Maria, Luca dùng chính những chữ mà các sấm ngôn đã dùng để mô tả thiếu nữ Sion đón nhận Đấng Messia, hoặc dân Israel đón nhận sự hiện diện và Giao ước của Giavê.

Đọc trong ánh sáng đó, hai chương đầu của Tin mừng Luca trở nên rất phong phú về mặt học thuyết. Có thể kể vài nét chính.

+ Đức Maria là mẹ thật, nhưng vẫn đồng trinh khi sinh con

Chân lý này được diễn tả dưới hình thức một cuộc hiển linh: Thiên Chúa đến trong Đức Maria. Cũng như trong các biến cố chịu phép rửa và biến hình, chính Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần tỏ mình. Theo Matthêu, chính bởi tác động của Thánh Thần mà trinh nữ đã thụ thai. Thánh Thần là tác giả của những công trình bí nhiệm và thuộc về Thiên Chúa.

+ Đấng phải sinh ra từ Đức Maria là Đấng cao cả và là chính Đấng Messia

Tính thiên sai được khẳng định : Đức Chúa... sẽ ban cho Ngài ngai vàng của David, tổ tiên Ngài. Đây là chức vụ thiên sai tâm linh và siêu việt. Theo Matthêu, Ngài sẽ được gọi là Giêsu (nghĩa là : Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội) và là Emmanuel (nghĩa là : Thiên Chúa ở cùng chúng ta) như ngôn sứ đã hứa. Trong bài tường thuật Giáng sinh của Luca, Ngài được công bố là Đấng Cứu thế, con vua David. Ông già Siméon nhìn nhận Ngài là ánh sáng muôn dân và vinh quang của dân Israel. Ngài là chính Đấng Messia theo Isaie và các ngôn sứ lớn nhất. Sấm ngôn về Người Tôi tớ của Giavê cũng được gợi lên khi Ngài được loan báo sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng.

Nhưng không phải chỉ có vậy. Khi truyền tin sứ thần còn đi xa hơn trong việc bộc lộ danh tính Đấng sẽ sinh ra: Hài nhi sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa(Lc 1, 35). Chữ Con Thiên Chúa đây không phải chỉ có nghĩa là Đấng Messia, là con vua David mà thôi, nhưng phải được hiểu theo nghĩa mạnh như Phaolô và Gioan thường dùng. Chính chữ Con Thiên Chúa này chỉ rõ nguồn gốc và bản tính của Đấng Messia. Luca cũng đặt vào miệng Elisabeth lời chào trong đó Maria được gọi là mẹ của Chúa tôi. Mặt khác cũng cần so sánh đoạn Đức Maria thụ thai với hai bài tường thuật chịu phép rửa (Lc 3, 22 ) và biến hình (Lc 9, 34) . Trong hai bài tường thuật này Đức Giêsu đều được gọi là Con Thiên Chúa và cùng có Thánh Thần ngự xuống hoặc có mây của Thiên Chúa bao phủ. Hai bài tường thuật này đều quy chiếu về đoạn Ex 40, 35: Bóng mây của Thiên Chúa bao phủ nhà lều và Thiên Chúa ngự trong nhà lều giữa dân Ngài. Ngày truyền tin, Thánh Thần cũng bao phủ Đức Maria và cung lòng Người cũng trở thành Đền thờ trong đó Thiên Chúa hiện diện. Chính Thiên Chúa đầu thai trong lòng Trinh nữ.

+ Làm Mẹ Thiên Chúa là đặc ân độc nhất, ngoại lệ

Chữ đầy ân sủng mở đầu cho lời chào của sứ thần nói lên tính ngoại lệ đó. Điều lạ lùng này làm chính Maria phải bỡ ngỡ. Đây là một đặc ân biệt vị. Maria là đối tượng được Thiên Chúa ưu ái, người được hưởng hồng ân tuyệt hảo. Như vậy, làm mẹ của Đấng Messia không phải chỉ trở thành một dụng cụ hành động của Thiên Chúa mà còn là một ân huệ, một đặc sủng, một hiệu quả của tình yêu của Thiên Chúa. Nhiều lời khác diễn tả cùng một ý nghĩa : Đức Chúa ở cùng Bà (Lc 1, 28) Phận nữ tỳ hèn mọn Ngài đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Vì Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả (Lc 1, 48-49 ). Một khi lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã tự do lựa chọn một người mẹ cho Đấng Messia thì Ngài chỉ có thể đổ đầy trên người ấy đủ mọi thứ ân phúc.

+ Sự chuẩn bị nơi Đức Maria

Lời sứ thần Bà đẹp lòng Thiên Chúa cho hiểu: Maria là người chính trực và xứng đáng được Thiên Chúa viếng thăm và hưởng đặc ân của Ngài.

Như trên đã nói, Đức Maria được Luca mô tả là một người nghèo đích thực của Giavê, một nữ tỳ của Chúa, một thiếu nữ Israel mang trong mình ước vọng cứu độ của toàn dân, một người luôn vâng theo những thôi thúc của Thiên Chúa. Dầu đã đính hôn với Giuse, Maria vẫn đồng trinh. Khi sứ thần loan tin người sẽ là mẹ, Maria đã nêu ra quyết tâm sống đồng trinh. Điều này thật khó chấp nhận trong khuôn khổ luật cũ. Dẫu nghịch với tập tục đương thời, Maria theo đuổi ý định hiến dâng cho Thiên Chúa sự khiết trinh của mình và việc đính hôn với Giuse là một cách thức để thực hiện ý định này. Đức Maria đã đi trước về mặt tâm linh thời đại và môi trường của mình. Người đã đi trước Giáo hội bằng ân sủng và bằng ơn gọi của Người.

Chính ý định sống đồng trinh này đã chuẩn bị cách bí nhiệm Đức Maria đón nhận chức vụ làm mẹ Ngôi Lời nhập thể.

+ Sự ưng thuận của Đức Maria trong lòng tin và vâng phục

Giá trị tâm linh của mẫu tính (maternité) của Đức Maria cũng như sự tham dự của Người vào công trình cứu độ tùy thuộc vào sự ưng thuận này. Hiến chế Lumen Gentium nhấn mạnh điểm này: Trinh nữ Maria đón Ngôi Lời Thiên Chúa cả vào tâm hồn lẫn thân xác (n. 53). Đức Maria trở nên Mẹ Đức Giêsu bằng cách chấp nhận Lời Thiên Chúa, hết lòng đón lấy ý định cứu độ của Thiên Chúa và tận hiến làm nữ tỳ của Chúa... dưới quyền và cùng với Con Ngài (n. 56).

Điều gì là sự ưng thuận của đối tượng đó ? Chính là sự sinh hạ của Đấng Messia Cứu thế. Đức Maria đã được soi sáng trước về sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu. Nhưng Người có nhìn thấy rõ thần tính của Đấng Người sẽ sinh ra không? Luca đã thuật lại việc Con Thiên Chúa (theo nghĩa mạnh) thụ thai trong lòng Trinh nữ. Điều Luca viết đây không phải chỉ phản chiếu niềm tin của các Kitô hữu sau Hiện xuống mà còn diễn tả điều mà Đức Maria đã thấy ngay lúc đó.

Đức Maria đã tin vào điều đang được thực hiện nơi chính mình. Người đã thấy mầu nhiệm của Con của Người. Tuy nhiên, những gì Người thấy lúc đó là thấy trong đức tin, nghĩa là trong bóng tối. Tất cả phần tiếp theo của bài tường thuật đều cho thấy như vậy. Đức Maria đã bỡ ngỡ trước lời tiên báo của Siméon, Người không hiểu lời Đức Giêsu đáp khi tìm thấy trong Đền thờ. Nguồn gốc và bản tính của con người được tỏ cho Người qua các ý niệm và loại suy Thánh kinh. Nhưng đức tin thì vượt qua các ý niệm để lĩnh hội chính thực tại. Đức Giêsu càng tỏ mình ra và càng nói rõ thì đức tin của Đức Maria càng trở nên minh nhiên. Đối với Người, Phục sinh và Hiện xuống cũng là những giai đoạn quyết định. Nhưng trong mọi người chỉ có mình Người đã được biết giai đoạn đầu, khoảnh khắc độc nhất và khôn tả của Nhập thể. Và cũng chỉ mình Người có thể làm chứng sự kiện ấy.

3- Trong các tác phẩm của Gioan

Các bản văn của Matthêu và của Luca đã được soạn thảo công phu để chuyển tải được nhiều nội dung học thuyết. Đặc tính này còn thấy sâu đậm hơn nữa trong các tác phẩm của Gioan. Nhờ linh hứng, việc soạn thảo như vậy không làm biến dạng các sự kiện và lời nói, nhưng bộc lộ ý nghĩa thâm sâu của chúng.

- Lời tựa của Tin mừng Gioan

Có thể lấy lời tựa này để soi sáng bài tường thuật Truyền tin của Luca. Điều đã xảy ra nơi Đức Maria khi Thánh thần xuống trên Người và quyền năng của Đấng Tối Cao bao trùm Người... thì Gioan gọi là sự Nhập thể của Ngôi Lời và Ngôi Lời ở giữa chúng ta, chính vì thế mà Đấng được thụ thai trong Đức Trinh nữ là Con Thiên Chúa trong thể xác. Tuyên tín Nicée đã tổng hợp Luca và Gioan khi xác định: Et incarnatus est de Spiritu Sancto ex Maria Virgine. Gioan biết rõ Luca và thường hiểu ngầm tác giả này, không có lý do gì để nghĩ rằng Gioan đã không thấy sự giống nhau ấy.

Dầu sao thì Gioan cũng biết rất rõ Đức Maria và đã nói về Người trong hai bản văn quan trọng mở đầu và kết thúc bài tường thuật cuộc đời công khai của Đức Giêsu : Đức Maria ở Cana và ở dưới chân Thập giá.

- Đức Maria tại tiệc cưới Cana ( Jn 2,1-11)

Dấu lạ ở Cana chẳng những là dấu lạ đầu tiên của Đức Giêsu nhưng còn là một phép lạ điển hình (như mọi dấu lạ Gioan thuật lại: hoá bánh, chữa người mù, cho Lagiarô sống lại). Những gì đã diễn ra ở Cana thật giàu ý nghĩa, ý nghĩa thầm kín mà Gioan gợi lên một cách kín đáo và tế nhị. Qua việc nước biến thành rượu, Gioan muốn nói sự thay thế nhiệm cuộc cũ bằng nhiệm cuộc mới. Qua hôn lễ trần gian, Gioan nhìn thấy hôn lễ thiên sai (noces messianiques) giữa Thiên Chúa và nhân loại khi bước sang thời đại mới. Đức Maria đã hiện diện tại tiệc cưới này, dấu lạ đã được thực hiện nhờ sự can thiệp của Người... Điều này có nghĩa Người có một vai trò cầu bầu trong việc thiết lập Giao ước mới.

Đức Giêsu bảo giờ của Ngài chưa đến. Giờ đây là giờ nào? Giờ Đức Giêsu tỏ mình hay giờ quyết liệt vì nó mà Ngài đã đến, tức là giờ của Thập giá? Hiểu theo cách thứ hai thì đúng hơn, bởi vì giờ Đức Giêsu tỏ mình ra đã điểm khi Ngài chịu phép rửa. Giờ của Đức Giêsu, giờ Ngài tự hiến tế cũng sẽ là giờ của Đức Maria. Lúc đó Người cũng sẽ có mặt và việc cầu bầu của Người sẽ khởi đầu.

Thực ra dấu lạ Cana không làm cho giờ của Đức Giêsu đến sớm hơn. Nó chỉ như một biểu hiệu báo trước thực tại, và Đức Maria còn phải xóa mình đi cho tới khi giờ của Đức Giêsu (và cũng là giờ của Người) đến.

- Đức Maria dưới chân Thập giá (Jn 19, 25-27)

Không có sự kiện nào, không có lời nào do Gioan viết ra mà lại thiếu ý nghĩa, không chứa chất một mầu nhiệm. Dầu vậy chúng không mất tính lịch sử cụ thể.

Trên núi Sọ, Đức Giêsu đã trao Đức Maria cho người môn đệ Ngài yêu. Điều này chứng tỏ cho tới lúc đó Ngài vẫn săn sóc Mẹ Ngài, nếu cần... và cũng chứng tỏ, ngoài Đức Giêsu, Đức Maria chẳng có người con nào khác. Chúng ta được biết chắc chắn: Gioan đã được sống với Đức Maria, đã được nghe và thấy chứng tá của Người, đã được đức tin của Người soi sáng và có lẽ ông cũng là người trung gian chính thuật lại truyền thống được ghi trong các Tin mừng thời thơ ấu. Nhưng không phải chỉ có vậy: Người môn đệ được Đức Giêsu yêu còn là điển hình của những người tin và của những bạn hữu của Đức Giêsu. Mẫu tính của Đức Maria không ngừng lại nơi một mình Gioan, nhưng bao trùm hết mọi người mà Đức Giêsu coi là thuộc về Ngài.

Những người chú giải theo nghĩa ngụ ý (interprétation allégorique) cho rằng những gì được nói ở đây về Đức Maria thì thực ra phải được hiểu về Giáo hội. Nhưng qua những lời trối trăn, Đức Giêsu đích thực đã nói về Mẹ Ngài và dầu Gioan đại diện cho toàn thể tín hữu, ở đây trước hết nói đến chính Gioan, người đầu tiên được Đức Maria trở thành Mẹ.

F.M. Braun còn đi xa hơn nữa. Trong cuốn La Mère des fidèles - Essai de théologie johannique, tác giả này cho rằng, theo ý Gioan, Đức Maria dưới chân Thập giá là chính sự thực hiện của người phụ nữ của khởi Tin mừng, của người phụ nữ mà dòng dõi được coi như chống lại con rắn? Cần ghi nhận rằng: Gioan đã đọc khởi Tin mừng trong bản Hy lạp và theo bản văn này không phải tất cả dòng dõi, nhưng một người thuộc dòng dõi người nữ (autos, ipse), nghĩa là chính Đấng Messia, sẽ đạp dập đầu con rắn. Hơn nữa đối với Gioan, tất cả những nét khác nhau của cảnh tượng diễn ra trên núi Sọ đều là sự thực hiện của một sấm ngôn, bởi thế ngay sau đó tác giả mới viết thêm một chi tiết rất có ý nghĩa: “Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất”. Sự gì đã hoàn tất đây? Sấm ngôn nào đã được thực hiện ở đây, nếu không phải là sấm ngôn của khởi Tin mừng?

- Người nữ trong sách Khải huyền ( Ap 12 )

Chương 12 sách Khải huyền này gây nhiều tranh luận và có nhiều ý kiến khác biệt nhau, nhất là về cách giải thích danh tính người phụ nữ được mô tả trong đoạn này. Người nữ sinh con trai và bị con Rồng tìm cách hãm hại là ai, biểu trưng cho cái gì ? Người nữ ấy biểu trưng cho Dân Thiên Chúa hay cho Đức Maria, hay cho cả hai ?

+ Ý kiến thứ nhất cho rằng: theo nghĩa đen (sens littéral), hoặc nghĩa thứ nhất,bản văn không nói đến Đức Maria.

Thực vậy nhiều nét của Người nữ như được mô tả trong bản văn thích hợp với Dân Thiên Chúa, chứ không hợp với Đức Maria. Chẳng hạn sau khi sinh Đấng Messia, Người nữ phải trốn vào sa mạc để thoát khỏi sự đe dọa của con rồng (Ap 12, 6.14). Khoảng thời gian con Rồng bách hại Người nữ (1260 ngày, một thời hai thời và nửa thời) tương ứng với thời gian Dân Thiên Chúa chịu bách hại, hoặc theo ngôn sứ Daniel (Dn 7, 25; 12, 7) hoặc theo sách Khải huyền (Ap 11, 2-3; 13,5). Cũng vậy, lời ám chỉ đến những người khác trong dòng dõi bà (Ap 12, 17) cũng hợp với lối giải thích tập thể hơn áp dụng vào một cá nhân. Bởi thế cần bác bỏ ý kiến cho rằng Người Nữ trong sách Khải huyền đoạn 12 biểu thị hoặc độc chuyên (exclusivement) hoặc theo nghĩa thứ nhất (nghĩa đen) Đức Maria, người mẹ riêng của Đức Giêsu. Theo một quan niệm đã được Cựu Ước, Do thái giáo và Qumran chứng thực, người phụ nữ biểu trưng cho Dân Thiên Chúa, Dân sinh ra Đấng Messia và Dân Thiên Sai.

Tập thể do Người nữ biểu thị ở đây cũng bao gồm cả Giáo hội của Chúa Kitô, Israel mới nối dài Israel cũ. Những gì nói về Người Nữ - Israel thì cũng nói về Người Nữ - Giáo Hội.

2/ Ý kiến thứ hai chủ trương: theo nghĩa thứ hai (hoặc nghĩa đầy đủ, sens plénier) Người Nữ trong sách Khải huyền cũng tượng trưng cho Đức Maria. Bằng chứng là có thể đặt song song đoạn sách Khải huyền với bản văn Gn 3,15 của Cựu ước. Người Nữ trong sách Khải huyền được mô tả qui chiếu về Evà : bị cám dỗ bởi Satan, con rắn xưa ( Ap 12,9 ; cf. Gn 3, 1sq ), sinh trong đau đớn (Ap 12,2; Gn 3,16), bị Satan bách hại (Ap 12,6.14 ; cf Gn 3,15), cả Người Nữ lẫn dòng dõi (Ap 12, 17; cf Gn 3,15).

Tuy nhiên, nhiều tác giả có uy tín, trong đó có M. E. Boismard, tỏ ý hoài nghi về ý kiến này. Theo Boismard, nếu quả thật trong Gn 3, 15 loan báo Đức Maria thì Người Nữ trong Ap 12 cũng tượng trưng, theo nghĩa thứ hai, cho Đức Maria . Nhưng vấn đề được đặt ra là đối với tác giả sách Khải huyền, Eva trong Gn 3, 15 có thực sự loan báo Đức Maria không, hay chỉ ám chỉ Dân Thiên Chúa có trách nhiệm phải trả thù con Rắn đã quyến dũ mình. Boismard kết luận rất thận trọng : Rút cục, Người Nữ của Ap 12 biểu thị một cách chắc chắn, theo nghĩa thứ nhất, Dân Thiên Chúa là dân sinh ra Đấng Messia và các thời thiên sai. Tác giả sách Khải huyền có muốn biểu thị cả Đức Maria , mẹ riêng của Đấng Messia không? Có thể như vậy,nhưng những luận cứ được đưa ra để chứng minh không đủ để tạo nên một xác tín” (Introduction à la Bible, tome II, p. 738).

+ Cũng có một ý kiến thứ ba nghiêng hẳn về cách chú giải thánh mẫu. Một số tác giả bênh vực ý kiến: hình tượng Người Nữ trong Khải huyền nhằm, theo nghĩa thứ nhất (nghĩa đen) cả Dân Thiên Chúa lẫn Đức Maria. Họ lý luận như sau: Gioan đã chủ tâm mô tả bên này bằng những nét thích hợp với bên kia. Phương pháp này rất thông dụng và người ta nhận thấy có một tương quan tiên trưng giữa hai thực tại. Cũng như trường hợp bánh sự sống trong Gioan 6: Bánh sự sống cũng một trật là manna, là đức tin, là Thánh Thể . Ở đoạn Ap 12, Gioan và Luca gặp nhau: Gioan coi Đức Maria là sự hoàn tất cánh chung của Israel, Người là Thiếu nữ Sion sinh ra Đấng Cứu Thế.

Các tác giả này cũng nhận định, những đau đớn khi sinh con, cũng như cuộc chạy trốn vào sa mạc... là những kiểu nói bóng. Rất có thể đem áp dụng vào Đức Maria, Người Mẹ đau khổ đặc biệt trên Núi Sọ, Người Mẹ hoàn toàn tinh tuyền thoát khỏi mọi ảnh hưởng của Satan. Đấy là chưa kể Đức Maria đã sinh ra Đấng Messia một cách cụ thể và trực tiếp hơn Israel cũ và Người cũng là Mẹ tâm linh của mọi Kitô hữu như Israel mới.

KẾT LUẬN

Từ những điều nói trên, có thể tạm kết luận:

1. Một số bản văn trong Tin mừng Nhất lãm nói đến Đức Maria , Mẹ của Đức Giêsu. Tuy nhiên vai trò cá nhân của Người Mẹ đó không được đặc biệt chú trọng , nhất là trong thời hoạt động công khai, trái lại còn có vẻ âm thầm, kín đáo.

2. Trong các Tin mừng thời thơ ấu, vai trò cá nhân này được đề cao. Những đức tính và đặc ân như trinh khiết, vâng phục, lòng tin, thánh thiện, được Thiên Chúa ưu ái... được diễn tả bằng những lời lẽ trân trọng.

Qua Tin mừng thời thơ ấu, đằng sau Đức Maria ta thấy xuất hiện những hình ảnh quen thuộc như thiếu nữ Sion, dân Israel, hôn phu của Giavê... Những hình ảnh này như mở rộng tầm mức con người và vai trò của Đức Maria.

3. Gioan đã góp thêm nhiều yếu tố mới về Đức Maria , Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể đương nhiên dọi ánh sáng vào việc thụ thai trinh khiết của Đức Maria. Cũng nhờ Gioan chỗ đứng của Đức Maria trong việc thực hiện ơn cứu độ trở nên sáng tỏ hơn.

4. Đọc lại Cựu ước trong ánh sáng của Tân ước, người ta thấy Cựu ước cũng loan báo Đức Maria. Người nữ phải sinh con, Trinh nữ mang Đấng Emmanuel đến cho thế giới không phải là một khuôn mặt cô lập, bí ẩn. Nơi khuôn mặt ấy có thể nhận ra Người Nữ có một người nối dòng sẽ thắng con Rắn. Cũng có thể nhận ra thiếu nữ Sion, hiện thân của Israel, một ngày kia sẽ đón nhận và sinh ra Đấng Messia.

5. Các tác giả bất đồng về cách chú giải Gn 3,15 và Ap 12.

Dầu sao Phụng vụ cũng áp dụng vào Đức Maria rất nhiều nét của Người Nữ mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, cũng như Công đồng Vatican II đã quả quyết: Trong ánh sáng của mạc khải trọn vẹn, Mẹ Đấng Cứu thế đã được phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con Rắn mà Nguyên tổ đã nhận được (LG 55).

Cuộc tranh luận giữa các nhà chú giải xoay quanh ý nghĩa tập thể và ý nghĩa cá thể của Người Phụ nữ. Tuy nhiên cũng cần chú trọng đến tương quan nguồn gốc và tương quan loại suy giữa Dân Thiên Chúa và Đức Maria, đúng như H. Troadec đã nhận định: « Cũng như Israel cũ, Đức Maria đã sinh ra Đấng Messia, và cũng như Giáo hội, Người là Mẹ của bất cứ môn đệ nào của Đức Giêsu. Vận mệnh cá nhân của Người đồng hoá với vận mệnh của toàn thể Israel cũ và mới ».

Lê Phú Hải omi.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art