Chủ Nhật, 24 Tháng Sáu, 2012

Chuyện Bernadette Lộ Đức (13-25)

Chương 13 : Ủy ban địa phận điều tra

Mùa hè năm ấy, Đức cha Thibaut, GM Montpellier đến Cauterets nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng. Làng thuộc về Hautes-Pyrénées,có trên một ngàn dân cư, ở cao độ từ 932 đến 2350 thước, mùa đông là nơi thi trượt tuyết, mùa hè có suối nước có chất lưu-hoàng (sulfure) chuyên trị về phổi và bệnh ngoài da. Trong thời gian lưu lại nơi đây, tình cờ ngài biết được chuyện Bernadette với hang Massabielle.

   Đức cha Thibaut có mái tóc bạc trắng, ngã sang màu vàng như tơ lụa. Đôi môi ngài mềm mại, dịu dàng. Nhất là đôi mắt, đẹp làm sao, màu xanh thiên thanh, như loài hoa cúc ở ngoài đồng nội. Ngài là con người cởi mở, lại có tâm hồn của thi nhân. Cũng như bao người khác, ngài nghe biết chuyện Lộ Đức qua báo chí mà thôi.Ngài cũng đồng ý với cảm nghĩ và nhận xét của phần đông giáo sĩ người Pháp, tức là phải dè dặt trước những điều huyền bí. Ngài cũng nghĩ rằng không có gì nguy hiểm bằng sự mập mờ, lẫn lộn giữa tôn giáo và tình trạng hiện hữu của quỷ ma. Vì thế, ngài cho mời Bernadette đến và yêu cầu em thuật lại tất cả những diễn biến đã xảy ra để ngài được nghe một cách chính xác.

   Có ai ngờ được một sự việc phi thường đã xảy ra khi em đến gặp đức cha Thibaut. Thông thường thì em kể lại gần như máy móc về chuyện Bà hiện ra vì quá thuộc lòng, nhưng lần này, em kể lại với một giọng đầy xúc cảm, hứng khởi lạ lùng khi nhìn gương mặt hiền dịu và đôi mắt xanh biếc của ngài. Đây là lần đầu tiên trong đời có cuộc gặp gỡ tao phùng, một sự giao ngộ hiếm có với một tâm hồn giống như tâm hồn của em, với một tấm lòng cũng nhiệt tình như em. Một tâm hồn biết nhận ra và nắm lấy cái bí quyết của niềm vui, của tình yêu, của mê say đến ngất trí.

   Ngay từ phút đầu, em không còn kể lại chuyện hang đá một cách thông thường như bao lần khác, nhưng em đến quỳ trứơc mặt Đức cha, em đóng vai Bernadette rồi đóng vai của Bà lúc hiện ra: «...Đây là buổi trời rét như cắt của ngày 11 Tháng Hai. Đây là vũng bùn em cào lên khi vâng lệnh của Bà. Đây là sông Gave mà Bà kêu em quay trở lại, vì không đúng nơi chốn. Đây là hang Massabielle mà em như lết bò vào, theo lệnh của Bà.Đây, là... »

   Sự tái diễn sống động ấy có một hiêụ năng phi thường,đến nỗi em cũng cảm thấy như có một thần lực mới mẻ lôi kéo em về với Bà, và dẫn đưa Bà đến nơi đây, ngay trong phòng này, để làm hồi sinh lại giây phút thiêng liêng tại hang đá. Lúc em diễn tả lời Bà nói, đôi tay em giang ra, và nói như Bà nói với mình,với một giọng nghiêm trang và đầy trìu mến: « Con có vui lòng đến đây trong vòng 15 ngày không ? »

   Vừa nghe xong, Đức cha bỗng đứng lên và ra khỏi phòng.Đôi mắt ngài tràn đầy giọt lệ. Ngài xúc động đến nghẹn ngào.Ra ngoài vườn, ngài ngồi dựa lưng vào một gốc cây, miệng không ngớt lập đi lâp lại: « Thật là kỳ diệu! 15 ngày phải chăng là để phù hợp với 15 sự Mầu nhiệm Mân Côi ! »

   Hai hôm sau, Đức cha Thibaut từ giã Cauterets để đi ngay Lộ Đức,mặc dù bác sĩ khuyến cáo ngài phải tĩnh dưỡng hoàn toàn, không nên lo lắng gì trong thời kỳ dưỡng bệnh. Đến nơi, lập tức,ngài yêu cầu cha sở Lộ Đức mời đến cho ngài, tại khách sạn ngài trú ngụ, hai người đã chứng kiến những lần Bernadette xuất thần tại hang đá. Cha sở chọn bác sĩ Dozous, y-sĩ chính thức của Lộ Đức, và ông Giám đốc Quan thuế. Ong này, nhiều lần có mặt tại hang đá, thưa với Đức cha:

   - Thưa Đức cha, trong đời con, đã nhiều lần ngắm nhìn các đào kép nổi tiếng nhất của sân khấu nước Pháp. Thế mà,ví với Bernadette,họ chỉ là những hình nộm, nhăn nhó làm trò gượng gạo để diễn tả sự đam mê, say đắm hay những cảnh tượng thương tâm. Còn cô bé thì đã diễn tả cho ta những gì chân thật của niềm vui cực lạc,mà miệng lưỡi con người không thể diễn tả được. Đức cha kêu lên: « Đúng thế! » Nhận thấy đây là lúc thuận tiện để thúc đẩy một cuộc vận động, Cha sở nói:

   - Thưa Đức cha, khi gặp Đức GM Tarbes, xin đừng quên nói lại với ngài...

   Quả thật, Đức cha Thibaut đâu có quên. Mặc dầu chưa hết thời kỳ dưỡng bệnh tại Cauterets, ngài đã vội vàng lên đường đến Tarbes thay vì trở về Montpellier. Đến Tarbes, ngài đã thảo luận với Đức cha Laurence trong vòng ba tiếng đồng hồ. Sau đó, ngài mới trở về Montpellier...

   Cha Peyramale được điện tín của Đức cha Laurence gọi đến gặp ngài tại tòa Giám Mục. Lần trước ngài được đón tiếp nồng hậu, thì lần này ngài lại phải ngồi đợi ở Phòng khách khá lâu,mới được mời vào. Đức cha như có vẻ băn khoăn, trao cho cha Peyramale một tài liệu có đóng nhiều con dấu và nói: Tolle et lege ! (Hãy cầm và đọc). 

   - Thưa Đức cha, đây có phải là sự bổ nhiệm ỦY BAN ĐIỀU TRA của Tòa Giám Mục không?

   Nói xong, cha sở ngồi xuống ghế và bắt đầu đọc những giòng chữ rất đều, đẹp,có những chữ hoa mỹ thuật:

   QUYẾT ĐỊNH CỦA ĐGM TARBES VỀ VIỆC ỦY -NHIỆM MỘT ỦY BAN ĐIỀU TRA NHỮNG SỰ KIỆN GỌI LÀ XẢY RA TẠI HANG MASSABIELLE.

   Bertrand-Sévère LAURENCE, GM của Tarbes; do lòng thương xót của Thiên Chúa và ân sủng của Tòa thánh, kính gởi các linh Mục và giáo dân địa phận,lời chào và phép lành Tòa thánh,nhân danh Đức Kitô,Chúa chúng ta. » 

   Sau những tháng ngày biến động về vụ một Bà hiện ra tại hang đá Massabielle cho Bernadette như lời em nói, thì hàng giáo sĩ luôn giữ thái độ dè dặt: không phản đối mà cũng không chấp nhận. Vì thực ra, việc Bà hiện ra không ai biết đích xác là việc từ trời xuống hay do quỉ dữ hiện lên, nhưng rồi ngày tháng sẽ rõ.Dẫu vậy, bổn đạo hoang mang vì một mặt, có những tín hữu quá khích, mặt khác chính quyền chống đối, cho nên giáo dân mong hàng giaó sĩ có một thái độ rõ rệt để hướng dẫn niềm tin. Cũng vì thế mà hôm nay, chúng tôi gửi Bức thư luân lưu này để minh định lập trường của địa phận:

   Chúng tôi không thể tiên quyết nhìn nhận là có sự hiện ra hay phủ nhận là không có, nếu trước đó, chưa có sự kiểm tra các nhân chứng, các sự việc lạ lùng xảy ra, các điều mà dân chúng vốn sẵn sàng gán cho là phép lạ.

   Chúng ta tin rằng Thiên Chúa toàn năng có thể làm những phép lạ cũng như lòng từ mẫu Maria có thể hiện ra ban bố một Sứ vụ; nhưng trước khi phán quyết rõ ràng, chúng tôi phải tận dụng hết mọi phương thế khoa học, y-học trần gian trước khi nhìn nhận là sự việc thiêng liêng.Vì vậy một UỶ BAN ĐIỀU TRA của giáo phận sẽ được thiết lập để hành động một cách vô tư, sáng suốt, khách quan để trình lên giáo quyền duyệt xét.Tuy nhiên, hang đá hiện giờ đang bị nhà chức trách cho rào cản ngăn viếng thăm, nên chúng tôi cũng chưa hành động một cách tích cực, trước khi hàng rào cản ngăn kia được tháo gỡ để cho dân chúng được tự do đi lại cầu nguyện một cách ôn hòa theo niềm tin của mình.

   Ủy Ban chỉ có thể điều tra trong hoàn cảnh tự do, không ai bị ràng buộc, phía chính quyền cũng như phía giáo dân. Chúng tôi hy vọng cuộc ngăn cản của chính quyền sẽ được mau giải tỏa để cho sự thể sớm trở về tình trạng bình thường như trước.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi yêu cầu anh em tín hữu đừng tỏ lòng sùng kính một cách quá khích, hay có những thái độ cử chỉ thiếu tôn trọng trật tự công cọng, khích động vì chúng ta không thể có điều gì tốt đẹp xảy ra trong rối loạn. Việc Bà hiện ra là từ trời mà xuống, thì dần dần sự việc sẽ sáng tỏ hơn.Mong anh em tín hữu đọc kinh cầu nguyện thêm và làm các việc đạo đức trong ôn hòa và với niềm tin. » Ký tên và đóng dấu: ĐGM Tarbes.

   Đọc xong, cha sở nghĩ thầm: có lẽ ĐGM muốn đặt một thử thách cho Hoàng đế hay cho Bà hiện ra đây? Hoàng đế, chính quyền hay Bà, ai là người phải chịu thối lui trước ? Nếu hàng rào còn đó mãi, thì Bà không đủ « uy quyền » để làm cho hàng rào tan biến. Hay trái lại, vì uy quyền của Bà, mà hàng rào sẽ được lệnh dẹp tan vì nhượng bộ!

   Nhưng khi cha sở đứng dậy ra về, thì Đức cha như sực nhớ điều gì, bèn gọi ngài lại:

   -Còn Bernadette thì sao? Cha nghĩ gì về con nhỏ đó.Nó nghĩ gì về tương lai của nó?

   -Thưa Đức cha, nó là đứa bé có tâm hồn giản dị.Nó không có chút tham vọng. Ứơc nguyện duy nhất của nó là được trở về với đám đông vô tên vô tuổi,mà trước kia nó đã sinh sống.

   Đức cha nhìn vào khoảng trống như muốn nhìn thấy trước trong tương lai:

   -Ước nguyện đó dễ hiểu và thông cảm. Nhưng với tư cách là nhà thần học, Cha có thể tin rằng một tâm hồn đã được những biến cố lạ lùng đó, không thể không có một tương lai phi thường sao? « Suối nước lạ; lời Bà phán truyền; lòng tin mạnh mẽ của bổn đạo; lòng khiêm nhu, vô vị lợi của kẻ chứng nhân nghèo nàn... »

   Khi Uy Ban điều tra xong, chúng ta sẽ gởi hồ sơ sang bộ nghi lễ Rôma... Vì thế, hỡi Bernadette, Giáo hội sẽ đặt con dưới sự bảo vệ rất chu đáo. Giáo hội sẽ trồng con như một bông hoa quý và hiếm có, vào trong một khu vườn tốt đẹp của Hội thánh. Có thể là Dòng Kín, Dòng Khổ tu nghiêm nhặt... »

   Cha sở nghe thế, rất ngạc nhiên, ngài vội nói:

   -Thưa Đức cha, chắc chắn là nó không muốn đâu, vì nó là con bé chất phác, sức khỏe yếu kém, không đủ sức để sống đời sống siêu nhiên nhiệm nhặt như thế đâu. Và hơn nữa, nó chưa đầy 15 tuổi!

   - Bernadette sẽ khôn lớn.Vì từ nay đến ngày Ủy ban nhóm họp thì còn phải nhiều năm tháng nữa. Và cá nhân tôi, tôi muốn Uy ban trình lên những tang chứng rõ ràng, minh bạch, tuyệt đối không ai chối cãi được nữa. Từ đây tới đó, Bernadette sẽ tiếp tục một cuộc đời bình thường, nhưng tôi yêu cầu cha sở đặc biệt canh chừng, giữ gìn Bernadette khỏi bị chính quyền và dân chúng quấy phá. Sau hết, em sẽ đi vào giai đoạn quan trọng, nên xin cha sở nói lại với em một lần chót là em nên nói những gì em thấy, em nghe ở hang đá một cách hoàn toàn đúng sự thật, không thêm không bớt. Có thế, mới ích lợi cho em, cho chính quyền và cho chúng ta nữa! »   

Chương 14 : Phiên họp khai mạc và phép lạ

Ngày 17 tháng 11 năm 1858, lúc 11 giờ trưa, bỗng nhiên chuông Nhà thờ Thánh Phêrô của Lộ-Đức đổ hồi. Điều này có nghĩa là một biến cố phi thường vừa xảy ra cho giáo xứ, nhưng có tầm vóc to lớn của địa phận. Hay nói cách khác, có ảnh hưởng đến Uy Ban điều tra của giáo quyền. Thực vậy, tất cả những điều kiện mà ĐGM Laurence đặt ra hay mong chờ đều đã được thỏa mãn:

   - Hoàng đế Nã phá Luân III đã ra lệnh bãi bỏ việc phong tỏa hang đá Massabielle, sau khi Hoàng tử 2 tuổi, được lành bệnh nhờ uống nuốc suối Lộ Đức.

   - Đô trưởng Hautes-Pyrénées, Bá tước Massy, đã bị thuyên chuyển đến Grenoble, một nơi gần tận cùng miền Nam nước Pháp.

   - Hàng rào bằng gỗ bao vây hang đá, đã được Cảnh sát tháo gỡ.

   Không còn trở ngại nào về phía chính quyền, cho phép GM Laurence lấy cớ để trì hoãn điều tra những diễn biến bấy lâu tại hang đá nữa. Dẫu vậy, vừa mới hôm qua, lúc họp các nhân viên trong Uy Ban, Đức cha vẫn còn nhấn mạnh một cách hết sức rõ ràng: một sự lành bệnh do phép lạ của suôí nước, không phải là không có tính cách bất khả giải thích.

   Để cho PHÉP LẠ trở nên tuyệt đối, bất khả phủ nhận, nó còn phải có một yếu tố chính yếu của nó: đó là tính cách tức khắc, trọn vẹn và vĩnh viễn, như tiếng trong Phúc Âm: « Hãy đứng dậy và đi... Anh ta đứng dậy và vác chõng mà về. » (Gio 5:8-9)

   Với quan điểm này, Đức cha vẫn còn tự dành cho mình quyền quyết định tối hậu về các trường hợp mà Uy ban sẽ đệ trình lên cho ngài. Nói thế để thấy Đức cha thận trọng và dè dặt đến đâu.

   Lễ nghi khai mạc phiên họp đầu tiên của Uy ban đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nó được đặt dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà sự soi sáng và hướng dẫn rất cần thiết cho sự thành công của Uy Ban. Các thần-học gia của Uy Ban tập trung quanh bàn thờ chính của ngôi thánh đường khiêm tốn của Lộ Đức.

   Sau này, có thể trong một thời gian dài, rất dài,nếu Uy Ban nhận thấy có dấu chỉ siêu nhiên trong các biến cố Massabielle, thì lễ bế mạc sẽ làm vang dội các vòm khổng lồ của một Đền thờ Thánh Phêrô khác,ở Rôma, oai nghiêm và hùng vĩ hơn nhiều!

   Các hàng ghế danh dự được đặt ngay trước bàn thờ,dành cho các bác sĩ,các nhà hóa học, địa chất học, các bác học ngoài Giáo hội. Phía sau hàng ghế danh dự này là hàng ghế các nhân chứng quan trọng nhất về các lần hiện ra. Người ta thấy bà Millet và các người bạn của bà ăn mặc sáng chói như những hiệp sĩ của vinh quang thiên quốc. Cô Peyret đã may cho những ngươì chứng, những bộ áo xứng đáng với ngày trọng đại hôm nay. Cô cũng ngồi ở hàng ghế đầu và bên cạnh có anh quản gia Philippe. Những bạn học của Bernadette ngày 11 tháng 2 năm 1858. Các nữ tu cũng đến tham dự.Những người hàng xóm cũng rất đông.

   Cha sở bắt đầu hát kinh cầu Thánh Thần, Veni Creator Spiritus. Mọi người ngạc nhiên, thì thầm hỏi nhau: « Bernadette ở đâu? Gia đình François chỗ nào? Sao hôm nay không thấy đến dự »

   Sau cùng, người ta mới tìm ra Bernadette nhân vật chính yếu, đứng trong đám dân chúng vô tên tuổi, bên cạnh có cha mẹ vàToinette. Người ta vội vàng đẩy em và gia đình lên ngồi vào hàng ghế đầu!

   Nhưng em thì chẳng tỏ ra vui vẻ chút nào. Trái lại, nét mặt đầy lo lắng, sợ sệt. Từ trước đến nay, nào là Cảnh sát trưởng Jacomet, nào là Biện lý Dutour, nào là Chánh án Rives, đã làm khổ cho em với những buổi tra vấn, hỏi cung, những lời đe dọa. Bây giờ lại đến các linh mục, các bác sĩ. Chính vì thế mà trong khi mọi người rất hân hoan, thì Bernadette lại đâm ra bối rối, kinh hoàng. Em tự hỏi: « Taị sao lại còn có những chuyện phiền phức,khó hiểu này? Và để làm gì? »

   Sau thánh lễ, Ủy Ban họp khóa khai mạc tại nhà cha sở. Có tất cả độ hai mươi nhân vật, vừa thuộc giới đạo, đời ngồi chung quanh một cái bàn lớn. Dọc theo tường, có những ghế dành cho người làm chứng.

   Người chứng đầu tiên được mời ra trước Uy Ban dĩ nhiên là Bernadette. Người ta có cảm tưởng đó là bị can ra trước vành móng ngựa! Không biết bao nhiêu lần rồi,em phải kể lại câu chuyện. Lần này em không thuật lại với một giọng máy móc và vô tình cảm, và cũng không trình bày một cách say đắm như trước mặt Đức cha Thibaut. Em dùng một giọng ngắn gọn,nhưng sôi động.Chính lối mà người ta thường trình bày ở tòa án, lúc phải tranh đấu cho sự sống còn của mình.

   Cuộc tường thuật bị ngắt lời, để cho nhân chứng đến trước Uy ban xác nhận hay đính chính những lời em khai. Nhưng người làm chứng lại tỏ ra thiếu trí nhớ, còn em thì không quên một chi tiết nào. Hình như em đã sống ngoài thời gian, và nay chỉ còn tập trung trí óc vào biến cố lớn lao nhất đời em.

   Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi nụ cười của Bà đã khắc sâu vào tâm tư, trí nhớ của em, và luôn luôn hồi sinh trong tâm hồn em với tất cả màu sắc và hương vị, làm cho em say đắm, không hề nguôi.

   Chính vì thế, chính vì cái trí nhớ siêu phàm ấy, vượt lên trên mọi trí nhớ, đã làm cho Ủy Ban điều tra phải ngạc nhiên và đã gây cho họ một ấn tượng phi thường. Và những câu trả lời nữa, cũng đã làm cho nhân viên Uy ban không khỏi cảm thấy lạ lùng, thán phục. LM Nogaro hỏi Bernadette về điều bí mật mà Bà đã tỏ riêng cho em. Không một chút do dự, em trả lời:

   - Điều đó liên hệ một mình em mà thôi.

   Câu trả lời rất ngắn gọn và dứt khoát này đã làm cho nhân viên Ủy Ban điều tra nhìn nhau, không biết phải nên đánh giá thế nào. Một người khác nêu lên vấn đề « ăn cỏ và các cây nhỏ: »

   - Tôi không biết tại sao Bà lại yêu cầu em làm một việc kỳ dị, là ăn cỏ như loài vật. Như vậy không phù hợp với hình ảnh tốt đẹp mà em đã nói về Bà.

   - Thế thì lúc ông ăn rau và xà-lách thì sao?

Uy ban cũng bỡ ngỡ trước câu trả lời xem ra như bất kính,nhưng đầy thực tế đó. Trong khi ấy, ở hàng ghế các nhân chứng, người ta nghe những tiếng xì xào, tỏ ra bằng lòng và mãn nguyện về lối đối đáp thẳng đuột của Bernadette.

   Từ ngày được lành bệnh nhức đầu kinh niên và con mắt khỏi vảy cá, nhờ suối nước, ông Tỉnh trưởng Lacadé, một người yêu đời và ham sống, nhưng rất thực tế, đã quyết định trở về đời sống siêu nhiên. Ông quyết định bãi bỏ giấc mộng biến Lộ Đức thành một chỗ giải trí cho những kẻ giàu sang, một nơi lý tưởng cho khách du lịch đến tìm khung cảnh huyền bí. Sẽ không còn những đồ án thiết kế, những Đại-thế-giới cờ bạc, quán nhạc, vũ trường mang mặt nạ! Sẽ không có những phụ nữ đẹp tuyệt trần trong những y-phục lộng lẫy; những trẻ em quần ống rộng, viền ren,chơi bóng trong các công viên hoa thơm cỏ lạ.

   Ông Tỉnh-trưởng bỗng nhiên nhận thấy và tin chắc rằng: một suối nước chữa lành các bệnh tật là một nguồn thiên-dược do Trời ban cho, không phải là nơi để kinh doanh của những công ty sản xuất và bán các chai nước suối, có nhãn hiệu hình Trinh Nữ đang chữa lành một em bé mù mắt.Điều này xem có vẻ lố bịch và xúc phạm, và có lẽ sẽ bị Giáo hội can thiệp chống đối.

   May mắn thay, chưa phải là quá muộn. Ông vẫn còn thời gian hành động trước Giáo hội. Bởi vì đến nay, Uy ban điều tra chưa có phán quyết chấp nhận. Và chính vì thế, ông Tỉnh trưởng mới là người đi tiên phong trong việc ủng hộ và công nhận các biến cố siêu nhiên của Lộ Đức.

   Bà Millet ngạc nhiên khi nghe anh quản lý Philippe báo tin cuộc viếng thăm bất ngờ của ông Tỉnh trưởng. Ông đi ngay vào vấn đề:

   - Ngày mai, Uy ban điều tra của Tòa Giám mục sẽ viếng thăm lần đầu tiên hang đá Massabielle. Trước khi họ đến, chúng ta nên biến hang đá thành một bồn hoa khổng lồ, để chứng tỏ một cách hùng hồn, trước những những cặp mắt nghi ngờ của các ông ở Tòa Giám mục, lòng tin tưởng và sự ủng hộ nhiệt thành của dân chúng Lộ Đức về sự thực của phép lạ.

   Hơn nữa, trước khi Uy ban đến hang đá lúc 11 giờ, thì phải có một đám rước long trọng, dưới sự hướng dẫn của Tòa Tỉnh-trưởng, gồm có những người tốt đẹp hơn hết, tiến đến hang Massabielle. Người được tuyển chọn để tổ chức đám rước quan trọng này là bà quả phụ Millet. Bà vui sướng hân hoan tột độ, khi thấy, bỗng nhiên, linh hồn được nâng lên tận trời cao, nắm ngay lấy cơ hội, với đôi bàn tay thông thạo...

   Quả nhiên, hôm sau, đúng 9 giờ sáng, một phần lớn những người tốt đẹp, quan trọng của Lộ Đức đã có mặt tại đường Bourg, trước dinh Tỉnh trưởng.Các ông thì mặc y phục ngày lễ, các bà thì đội khăn voan màu trắng. Bầu trời cuối thu, ủng hộ đám rước, hôm đó đẹp và trong sáng một cách tuyệt vời.

   Ông Tỉnh trưởng cùng đòan tùy-tùng bước ra cửa lớn, được mở rộng cả hai cánh. Ông bước đi chậm rãi, nghiêm trang, mày râu nhẵn nhụi, chỉ còn chòm râu cằm tỉa nhọn, màu xám, vễnh ra phía trước. Một giải băng tam tài (biểu hiệu chức tước) quấn trước bụng, tay trái cầm cái mũ thành cao, màu đen, tay phải đang có cây nến cháy sáng. Trước khi ra lệnh khởi hành, ông yêu cầu ai nấy hát một bài mừng Đức mẹ:

 Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng trinh

 Đoàn con dâng tiếng hát,dâng tấm lòng, dâng đời sống!

   Đoàn người vừa đi vừa hát, trên tay mỗi người có cây nến cháy sáng.Họ tiến đến hang đá, trước khi Uy ban điều tra của tòa Giám mục có mặt tại đó.

   Vấn đề Lộ Đức được các báo chí Pháp khai thác và phát triển đến tột độ. Nhưng Đức cha Laurence nhất quyết theo đúng quy luật của ĐGH Benoit XIV, về việc « phong Chân phước và phong Thánh ». Quy luật đó là thời gian. Giữa phép lạ và việc nhìn nhận phép lạ, Đức cha đặt một thời gian là bốn năm cho Uy ban điều tra để cứu xét và đánh giá mọi sự việc.

   Thời gian là một thứ át-xít mạnh nhất trên đời, mà chỉ có vàng ròng mới chống lại được. Tất cả những loại kim khí khác, nhẹ hơn, sẽ bị át-xít xoi mòn và sau cùng, làm cho tan rã và tiêu tan. Biết bao nhiêu biến cố đã kích thích dân chúng suốt một ngày dài, để rồi chỉ còn là một giấc mơ ngày hôm sau. Cũng như biết bao kỷ niệm của những trang sử oai hùng, hay đau khổ của một dân tộc, rồi cũng phải phai mờ và tan biến, lúc tiếng gà gáy, báo hiệu những ngày mới lạ khác, lúc rạng đông bắt đầu.

   Phép lạ tại Lộ Đức có lẽ cũng thế. Nó làm sôi động toàn thể nước Pháp.Nhưng Đức cha cho rằng từ nay đến cuối năm, sự sôi động ấy có thể từ từ lắng xuống. Và có thể đến năm thứ hai, chẳng còn ai nhắc đến nữa. Và câu chuyện hiện ra tại Massabielle chỉ còn là một kỷ niệm thú vị, nhưng chẳng còn hậu quả gì hết.

   Chính trong chiều hướng đó mà Đức cha đã ấn định bốn năm làm việc cho Uy ban điều tra. Trong thời gian bốn năm để thử thách phép lạ,Ủy ban sẽ không có một quyết định dứt khoát nào hết. Họ chỉ tìm kiếm, khảo sát, kiểm tra các tài liệu, dữ kiện xảy ra và thành lập các hồ sơ. Ví dụ, người ta sẽ theo dõi xem các bệnh được chữa lành một cách kỳ diệu, sẽ còn tiếp tục hay giảm bớt. Người ta sẽ xem sự sôi nổi của dân chúng từ Lộ Đức đã lan khắp nước Pháp, có một nền tảng vững chắc không. Hay trái lại, đó chỉ là một phong trào sớm nở, tối tàn của đám dân chúng vì quá mệt mỏi, chán ngán về thuyết Hư Vô của lớp thượng lưu mà thôi.

   Các bệnh được chữa lành một cách kỳ lạ, thực tình không chấm dứt; trái lại càng gia tăng, tháng này qua tháng khác.Các bác sĩ của Uy ban điều tra xem xét và nghiên cứu mỗi trường hợp rất tỉ mỉ. Vì uy tín nghề nghiệp, họ không mấy ưa thích thừa nhận một bệnh nhân được chữa lành do ngành « y khoa thiên quốc. »

   Những trường hợp khám nghiệm của Văn phòng các bác sĩ được đệ trình lên Giám Mục. Ngài phân chia ra làm ba loại:

   1- Những bệnh được lành một cách vô cùng đặc biệt, có vẻ hoàn toàn khác thường.Ngành y-khoa tuyên bố là bất lực để giải thích lý do lành bệnh.

   2-Những trường hợp mà sự bất khả giải thích lên đến cao độ, đến nỗi các bác sĩ của Uy Ban điều tra sẵn sàng chấp nhận là một « phép lạ. »

   3-Trường hợp bất khả giải thích cho mọi thời đại, mọi tiến bộ y-khoa, đó là yếu tố tức khắc, trọn vẹn và vĩnh viễn.

   Sau đây là một trong những trường hợp thuộc loại lành bệnh một cách tức khắc, trọn vẹn và vĩnh viễn nói trên :

   CÔ GÁI MÙ ĐƯỢC SÁNG MẮT

   Cô Marie, con của ông bà Moreau, 16 tuổi, đang học tại Bordeaux ( Pháp). Cô bị một tai biến khủng hoảng về đôi mắt. Bác sĩ Bermond, một bác sĩ chuyên khoa về mắt, nổi tiếng trong tỉnh, chẫn đoán bệnh tình của cô và nói: « võng mạc trong mắt bị bong ra, và chứng mù mắt không thể nào tránh khỏi. »

   Quả thực, chỉ vài tuần sau đó, một tấm màn máu chảy ra, che gần hết đôi mắt đẹp của thiếu nữ, và cứ mỗi buổi sáng sau khi thức đậy, tấm màn ấy càng dày thêm lên, cho đến khi không còn trông thấy nữa.

   Trong trường hợp quá nguy khốn này, ông bà Moreau không tuyệt vọng, vẫn tiếp tục chiến đấu, và nhất định không muốn chấp nhận Định mệnh. Hết khám nghiệm bác sĩ này đến dùng thứ thuốc khác, cho đến lúc chẳng có kết quả gì, thì gia đình quyết định đem con lên Paris, thủ đô của ánh sáng, để điều trị.

   Đây là hy vọng cuối cùng! Vào ngày ấn định cho chuyến đi Paris, ông Moreau, đọc một tờ báo, trong đó có bài tường thuật về việc một phụ nữ tên là Rizot được lành bệnh phi thường, nhờ suối nước Lộ Đức.

   Lúc đó ông Moreau nhớ lại, khi Marie được sinh ra, đã là một sự khó khăn kinh khủng. Ông bác sĩ và y tá cho rằng hài nhi đã chết rồi. Trong giờ phút cực kỳ đau khổ và tuyệt vọng đó, Moreau đã có lời khấn hứa với Đức mẹ là nếu đứa bé vừa sanh ra còn sống sót thì sẽ « dâng » cho Đức mẹ, nên đặt tên cho nó là Marie.

   Mười sáu năm qua, không những Marie đã sống sót, mà còn trở nên một nữ sinh duyên dáng, một nguồn hạnh phúc cho gia đình. Thế mà giờ đây, một tai biến kinh hoàng khác lại xảy đến. Đôi mắt trong sáng và tươi đẹp kia đã bị mù! Ngay tức khắc, ông thay đổi hướng đi: thay vì lên kinh đô ánh sáng, ông xuôi về hang đá tối đen Massabielle.

   Dịp may là hang đá vừa được mở cửa lại cho dân chúng. Người ta lấy một cái khăn nhúng vào suối nước, rồi đắp lên mắt mù của cô Marie, đang nằm trên một cái cáng, bất động, như một kẻ bại liệt !

   Sau một lúc, người ta rút khăn ra, cô gái vội ngồi lên, mở to đôi mắt như vừa trông thấy ánh sáng. Mọi người chung quanh không hề quên thái độ và cử chỉ ấy của cô. Cái màng máu đỏ, bít tròng mắt và che ánh sáng, bỗng nhiên bị xé toang. Marie đã thấy được... Người ta đem đến cho cô một tờ báo. Cô cầm lấy và đọc hết mọi trang, như người sáng mắt thông thường.

   Liền sau đó, Uy ban điều tra của Tòa Giám mục cấp tốc đi ngay đến Bordeaux để gặp bác sĩ Bermond. Họ xin phép tham khảo hồ sơ bệnh lý của Marie, và các lời phê của bác sĩ, trong lần khám nghiệm cuối cùng.

   Tất cả câu chuyện này làm cho bác sĩ Bermond bực tức đến phẫn nộ, vì ông không muốn giao lại hồ sơ cho Uy ban điều tra. Vì lần khám sau hết, ông đã ghi một cách chắc chắn: « Vòng mạc trong con mắt đã bong ra. Chứng mù mắt không thể tránh khỏi.  »

Chương 15 : Xây đền thờ theo lời Bà

Ngày 18 tháng Hai 1862, Đức cha Laurence thảo một bức Thư Luân-lưu để gởi cho con chiên bổn đạo,sau khi Uy ban điều tra phép lạ Lộ Đức đã kết thúc. Lời phán quyết đã được khởi sự như sau: « Bertrand-Sévère Laurence, dựa vào lòng Chúa nhân từ và ơn huệ của Tòa thánh, GM ở Tarbes..., gửi hàng giáo sĩ và bổn đạo trong địa phận, lời chào và lời chúc lành trong đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.  »

   Tiếp theo là những trang dài phân tích những hiện tượng phép lạ Lộ Đức,và sau cùng, là lời tuyên bố trịnh trọng sau đây:

   Điều 1: Chúng tôi xét rằng Đức MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI, Mẹ Thiên Chúa, đã thực sự hiện ra với Bernadette Soubirous tại hang Massabielle, gần tỉnh LỘ ĐỨC lần đầu tiên vào ngày 11 tháng Hai năm 1858 và những lần kế tiếp,tất cả là 18 lần.Việc hiện ra là xác thực, các tín hữu được phép tin là chắc.

   Điều 2: Chúng tôi ban phép cho tín hữu trong địa phận được phép tôn kính Đức mẹ hiện ra tại hang đá Lộ Đức.

   Điều 3: Để đáp ứng ý muốn của Mẹ Maria,nhiều lần đã bày tỏ lúc hiện ra,chúng tôi đề nghị sẽ cất xây một Thánh đường trên đất hang đá thuộc quyền sở hữu của các GM ở Tarbes... 

   Bức thư mục vụ của Đức cha đã có một tiếng vang rất lớn trong dân chúng, và báo chí công giáo phổ biến rất sâu rộng. Không ai còn hồ nghi sự hiện ra được nữa! Đồng thời ngài cũng đệ trình sự nhận định và lời phê phán lên đức Giáo hoàng Piô XI, vị đại diện của Chúa Kitô dưới thế, có nhiệm vụ cai quản Giáo hội.

   Việc dự định xây cất một thánh đường nơi đây, thực sự là một kế-hoạch hết sức vĩ đại và rất tốn kém. Đức cha không thể nào hoàn thành được, nếu không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của con chiên bổn đạo trong nước và ngoài nước nữa, nhất là việc xây cất lại thực hiện tại vùng đất hiểm trở của núi Espéluges.

   Đáp lại lời kêu gọi tha thiết đó, những gì đã xảy ra lại là một phép lạ khác nữa.Chỉ trong vòng vài tuần lễ, hai triệu quan đã được gửi tới Tòa Giám Mục, tới-tấp từ khắp nơi trên thế giới.Số tiền khổng lồ này, gồm phần lớn là các xu, các đồng hào của những kẻ nghèo. Cũng nên biết số tiền hai triệu này, người ta đếm được mười triệu đồng xu láng bóng! Chính loại 25 xu này mà François được lão chủ Cazenave trả tiền công, vào sáng 11 tháng Hai 1858, khi ông mang thùng rác đầy máu mủ của Bệnh viện đi đốt và đổ xuống sông Gave, trước hang đá.

   Sức người có hạn.Tuổi già thì sức yếu.Đức GM Laurence nhận biết sự hạn hẹp của khả năng và sức khỏe của mình, nên giao việc lo xây cất đền thờ cho cha sở Lộ Đức. Đối với cha Peyramale, đây là lúc ngài được vinh dự nhất.

   Việc đầu tiên, cha sở thảo luận với ông Thị trưởng Lacadé, để mua đứt nguyên hòn núi Espéluges và các vùng đất chung quanh, vì vùng này thuộc về đất công xã. Ông Thị trưởng là người sùng đạo, không đòi hỏi số tiền khổng lồ, quá đáng. Hơn nữa, là nhà cai trị biết nhìn xa thấy rộng, lại có đầu óc kinh doanh cỡ lớn, ông nhận thấy rồi đây, khi toàn thể nước Pháp và các đoàn hành hương quốc tế, từ khắp thế giới đổ xô đến Lộ Đức, thì chắc chắn nền kinh tế và thương mãi của tỉnh sẽ càng phồn thịnh và phát triển đến mức độ không thể tưởng tượng được.

   Nhưng trên hết và trước hết, ông vui mừng và tin rằng, như vậy mà giấc mơ vĩ đại của đời ông sẽ thành tựu. Đó là đoạn đường xe lửa nối liền Tarbes với Lộ Đức dài 20 cây số sẽ được hoàn thành. Và từ nay,các nhà triệu phú năm châu, bốn bể, có thể đáp chuyến xe lửa tốc hành đi thẳng đến Lộ Đức, mà không phải dừng laị ở Tarbes, để rồi nhờ-vả các loại xe ngựa cổ lỗ của sở chuyên chở.

   Đối với ông Thị trưởng Lacadé, sự thành công này không phải là một phép lạ. Nó là kết quả của một phép lạ khác, vĩ đại hơn. Thực vậy, những ai biết rõ mục đích của đời mình, và biết lèo-lái trên thác nước của giòng đời, thì sẽ không bao giờ thất bại. Những kiến trúc sư tài-ba, lỗi lạc, vội vàng đến Nhà Xứ để trình bày những đồ án xây cất nhà thờ. Cha sở đối xử với họ không chút nương tay. Ngài tỏ ý bất mãn khi thấy một kiến trúc sư danh tiếng, trình bày cho ngài đồ án xây cất ngôi nhà thờ quá nhỏ, mà nếu đặt trên hòn núi Espéluges thì khác nào một trái nho đặt trên một quả bóng đá.

   Đối với con người khổng lồ như ngài và niềm mong đợi lớn lao của ngài, thì phải có một kiến trúc đường bệ, uy nghi mới xứng đáng cho Bà. Đó phải là một Thánh đường vừa hùng vĩ, vừa cao-vút, vượt lên khỏi hai sườn núi, chễm chệ trên đỉnh núi, xem như tất cả ngọn Espéluges chỉ là cái bệ mà thôi. Ngôi thánh đường này phải được dựng lên, ngay trước mắt Giáo hội và Quốc gia, như là một bằng chứng hùng-hồn về sự toàn thắng của LÒNG CẬY TIN!

   Kế-hoạch của cha Peyramale còn đi xa hơn nữa. Con sông Gave sẽ được chặn lại, và cho chảy đi hướng khác. Một phần suối nước của các máy xay bột sẽ được lấp bằng. Một công trường rộng bát ngát và uy-nghi trải dài trước hang đá. Các thợ chuyên môn và các tay làm vườn lành nghề, sẽ biến hang đá thành một vườn hoa vĩ đại, chạy suốt theo sườn núi, như hai cánh tay khổng lồ, đầy màu sắc.

   Vào ngày Khánh thành làm phép bàn thờ Thánh đường,một cuộc tổ chức vô cùng long trọng đã xảy ra. Ban Tổ chức chọn một ngày trong tháng Hoa, 21 tháng Năm 1866, đúng ngày Thứ hai dịp Lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, lúc đó các loại hoa ở vùng núi Pyrénées đã đua nhau nở rộ. Ông Thị trưởng ra lệnh treo cờ trong toàn tỉnh. Trước ngày đó, tại các nhà, hàng trăm cây nến đã thắp sáng sau cửa kính, để đón chào ngày trọng đại sắp đến.

   Đức Cha Laurence đến Lộ Đức trước một ngày để chuẩn bị. Tất cả tu sĩ, giáo sĩ sẽ có mặt. Năm trăm linh mục sẽ phụ tá ngài cho Ngày Tạ Ơn lớn nhất trong đời ngài. Các Dòng tu Cát-Minh, các Sư-huynh trường CG, các nữ tu Dòng Nevers, sẽ tháp tùng ngài. Toàn quân đội đồn trú tại Lộ Đức sẽ mang đồng phục trắng của cuộc diễn hành, dưới quyền điều khiển của một Đại Uy. Còn phần ngài, Đức cha sẽ mặc những phẩm phục của đại lễ gồm áo thêu, mũ tế của Giám mục, và cây gậy Mục tử bằng vàng trên tay phải.

   Ngày đại lễ bắt đầu. Bernadette có mặt hôm đó, vì cũng lý do này mà Bernadette chưa rời Lộ Đức để em có thể tham dự. Nhưng không phải là ngày Bernadette khoe khoang, cho là nhờ mình mà mới có ngày hôm nay, ngày thực thi lời Trinh Nữ nói với em: « Hãy đi nói với các Cha phải cất xây một Thánh đường nơi đây. »

   Nhà Dòng đã cho Bernadette ăn mặc như các em trong Hội Con Cái Đức Mẹ : áo và voan trắng, đi theo nhau trong đoàn thể làm cho bổn đạo muốn tìm kiếm Bernadette cũng khó lòng. Em nghiêm trang, mắt nhìn xuống, tay lần hạt... Nhiều người nhận ra « sứ giả » của Trinh Nữ, nên khi đoàn con cái Đức mẹ đi ngang qua, họ ùa vào tìm cách cắt miếng voan hay áo của Bernadette... vì lòng ngưỡng mộ. Hôm đó nếu không có các nữ tu ngăn chận thì voan, áo gì của Bernadette cũng sẽ bị rách tả tơi. Thấy thế, Bernadette không hiểu được lý do tại sao họ làm thế, nên em nói cách đơn sơ: « Họ dốt thế! »

   Chiều tới, các kẻ hành hương của tất cả miền Bigorre kéo nhau về Dưỡng nhi viện các Bà đòi cho được thấy Bernadette. Các Bà buộc lòng phải cho em ra gặp dân chúng. Họ hoan hô ca ngợi em làm em phản đối và cho rằng: « Các người đưa tôi ra cho người ta coi như một con vật kỳ lạ! »

   Công việc xây cất thánh đường do cha sở Peyramale đích thân cai quản vẫn tiếp tục với bao khó khăn, tranh luận trong ngoài, thì Bernadette không hay biết, hoặc dính dấp gì vào đó cả.Nếu đôi khi em phải can thiệp hay nói ra khi được cha sở hỏi ý kiến lúc ngài giới thiệu bức tượng Đức mẹ Lộ Đức do nhà điêu khắc Fabisch tạc, thì em mới thẳng thắn nhận định mà thôi: « Đẹp thật.., nhưng không giống Đức mẹ tí nào cả.Thực khác một trời một vực! »

   Trước khi thời hạn ấn định bốn năm sắp chấm dứt, Cha Peyramale được Đức cha Laurence mời đến Tarbes. Ngài thân mật tiếp cha sở trong phòng làm việc của Ngài.

   Sau cuộc thảo luận, cha sở trở về Lộ Đức, và ngay lập tức cho mời Bernadette đến. Hôm đó, đúng lúc sắp bước vào mùa chay. Một lớp tuyết dày, bao phủ những cành cây keo và những cây ngô đồng trong vườn cha sở. Mùa đông đã về, làm cho mọi người cảm thấy lạnh thấu xương.Đó là hơi thở băng giá của dãy núi Pyrénées, cũng được xem là lời nhắn gởi của các đỉnh phủ tuyết Pic du Midi, và của chóp « núi bị quỉ ám » Vignemal xa hơn.

   Trong phòng làm việc của cha sở, ngọn lửa ấm áp ngon lành tỏa hơi ấm.Những khúc củi thông nổ lách tách.Nhưng Bernadette lạnh run, từ ngoài bước vào. Mùa Hè cũng như mùa Đông, em chỉ có cái mũ trùm đầu cũ kỹ.

   Cha sở đón chào em bằng một câu nói đầy ngạc nhiên:

   - Ồ, Bernadette, bây giờ con đã trở thành một thiếu nữ rồi, đâu còn là một cô bé như ngày xưa nữa!

   Ngài đẩy cái ghế gần lò sưởi cho em ngồi, và rót đầy hai ly rượu vang nhỏ, rồi đến ngồi trước mặt em:

   - Này con.Có lẽ con đã biết công việc của Uy Ban điều tra Tòa Giám Mục sắp xong rồi. Đến đầu năm sau, Đức cha có trong tay đầy đủ các hồ sơ. Phần con, con có một ý thức gì về các hoạt động của Uy ban này không?

   - Ồ thưa cha, họ kiểm tra và khảo sát những bệnh nhân được khỏi bệnh. Nhưng là một điều khó khăn cho họ, vì luôn luôn có những người lành bệnh.

   - Còn phần con, người ta sẽ làm gì đối với con? Uy -ban điều tra hay sao?

   - Nhưng con đã trả lời tất cả những câu hỏi của các ông ấy rồi. Con hy vọng thế là xong: họ không cần đến con nữa.

   - Ồ, đâu có dễ dàng và giản tiện như thế hỡi con. Bà đã chọn con trong số các trẻ.  Con là trung tâm của một câu chuyện dài, mà từ trước tới nay chưa bao giờ có trong thời đại chúng ta.Bởi vậy, làm sao con nói được: tôi đã làm tất cả những gì tôi phải làm. Bây giờ hãy để yên cho tôi sống của đời của riêng tôi.

   Cha sở lấy ngón tay chỉ vào khoảng trống, ngài tiếp:

   - Hỡi con!Con giống như một viên đạn đựơc bắn ra. Không ai có thể thay đổi được hướng đi của nó. Bây giờ con hãy cẩn thận và để ý. Uy-ban điều tra sẽ ban hành một Tờ trình lựơng định và đánh gía về chuyện của con. Sự phán quyết ấy công nhận rằng: có thể chắc chắn con đã được Đấng quyền năng trên trời tuyển chọn. Và chính con đã làm cho suối nước vọt lên, và nhờ đó một phần lớn, các phép lạ được Uy Ban kiểm chứng và ghi nhận.

   Cha sở ngừng lại một lát rồi hỏi qua chuyện khác, như đưa em vào vấn đề Ơn gọi:

   -Các nữ tu tại Bệnh viện và trong trường học có tử tế với con không?

   Bernadette quên đi tất cả những bực bội bấy lâu, thản nhiên đáp:

   - Ồ thưa cha, họ vui vẻ và tử tế lắm.

   -Thế thì con không nghĩ rằng một ngày kia, con cũng sẽ trở nên một Nữ-tu sao?

   Bernadette im lặng, không trả lời...Cha sở tưởng em ngần ngại trước các Lời Khấn bắt buộc. Ngài đặt tay lên đầu em và nói một hơi dài cho cạn lý lẽ:

   - Hỡi con!Cha biết hết. Không ai bắt buộc con phải vào đời tu sĩ, nếu con không muốn. Còn các Lời tuyên khấn, nếu có bắt buộc, thì người ta tuyên khấn là do lòng nhiệt thành, khao khát con đường trọn lành như ngọn lửa cháy rực, và mong muốn được hy sinh tất cả cuộc sống mình cho Thiên Chúa. Có lẽ, đây là một sự đòi hỏi quá nhiều đối với con chăng? Nhưng Cha tin rằng, rồi đây rồi con sẽ hiểu.

   Trong ba Lời Khấn hứa của một Nữ tu, có lẽ Lời Khấn Vâng Lời làm con khó chịu hơn hết chăng? Con đã biết vâng lời Bà, nhưng cha biết con là đứa bé có tính khí-khái, thích tự do, tự lập, không muốn lệ thuộc ai. Nhưng đức GM Laurence có lý khi ngài nói với cha rằng: « làm sao chúng ta để cho con bé Bernadette --mà đức TRINH NỮ ĐÃ ĐOÁI NHÌN-- đi lại và sống như kẻ hoang-dã, trong lúc Giáo hội đang họp bàn để thảo luận về các lần hiện ra, về phép lạ Lộ Đức ».Không, hỡi con! Giáo hội sẽ trồng con như một bông hoa quí và hiếm có, trong khu vườn tốt đẹp nhất của Hội thánh.Vì thế, Cha có bổn phận bảo vệ.

Cuối cùng, ngài nói rõ ý mình hơn nữa:

   - Con muốn tránh định mệnh của con, như một đứa học trò trốn học sao? Thiên quốc đã chọn con, bây giờ con chỉ còn chọn Thiên quốc với hết tâm hồn của con. Sự thực không phải như vậy sao? Con hãy trả lời cho cha biết.

   Bernadette, một lần nữa, giữ yên lặng. Nhưng trong thâm tâm, em cũng đã cảm thấy phần nào đường lối sau này của em rồi, như có lần em đã nói. Lấy giọng vui vẻ hồn nhiên, cha sở kết thúc:

   - Chẳng bao lâu, ĐGM Nevers là Đức cha Forcade, sẽ đến đây. Ngài là người nhã nhặn đáng mến. Ngài sẽ hỏi con chuyện này chuyện kia, con sẽ trả lời cho ngài một cách thành thực nghe con. Dòng Mẹ của các Nữ Tu Nevers được đặt dưới quyền của ngài đó. Những luật lệ của Dòng tu này tốt đẹp và cao trọng. Nữ tu dạy học cho con đó cũng thuộc về Dòng Nevers này vậy.

   Ngài ngừng lại đây, không nói thêm nữa.Ngài đưa bàn tay từ giã Bernadette, trong khi đó thì em quỳ một gối hôn tay ngài và bước ra khỏi phòng. 

Chương 16 : Bernadette từ giã Lộ Đức

Ngày Thứ sáu 25 tháng Chín 1863,Đức cha Forcade, GM Nevers, đến thăm Dưỡng nhi viện Lộ Đức để biết Bernadette là ai, và hỏi xem cô bé có dự định gì về tương lai không. Mẹ Bề-trên lấy tay chỉ một cô gái nhỏ nhoi đang ngồi gọt cà-rốt trong bếp, và nói với Đức cha: « đó kìa! » (c’est ça!)

   Ngài cũng hơi ngạc nhiên khi thấy « sứ giả » của Mẹ Maria đã được bao người ca tụng, tiếng tăm nổi như cồn, thế mà an phận ngồi trong một căn nhà vắng lặng gọt khoai..., làm ngài cũng đâm ra kính phục, ít nữa sự khiêm tốn hiếm-có kia cũng là một ơn lạ của Đức Mẹ ban cho. Ngài lại gần,nhẹ nhàng và vui vẻ gợi chuyện:

   - Con đang làm gì đó?

   - Dạ con đang gọt cà rốt để các Bà nấu xúp.

   - Thế con có ý định sau làm Đầu Bếp cho các Bà?

   - Dạ thưa không.

   - Thế thì có bao giờ con nghĩ đi tu không?

   - Thưa không thể được.

   - Tại sao thế?

   - Đức cha không biết là nhà con nghèo: con không bao giờ có của hồi môn cần phải có.

   - Nhưng con không biết là đôi khi người ta cũng nhận các cô gái nhà nghèo đi tu, khi họ thực sự có ơn gọi.

   - Nhưng thưa Đức cha, các cô gái không có hồi môn đó là những người khéo tay, có học sẽ làm việc giúp lại Nhà Dòng... Còn con, không biết gì và chả làm được gì cả.

   - Thật con không biết làm gì cả sao?

   - Dạ phải.

   - Ít nữa, con cũng biết gọt cà rốt đấy chứ!

   Lời nói đùa vui làm cho Bernadette không dấu được nụ cười. Bầu khí cha con thực hòa dịu,nhẹ nhàng và đầy tin cậy lẫn nhau. Còn Đức cha thì tâm hồn không khỏi xúc động khi thấy Bernadette trả lời cách đơn sơ, thật thà, nhất là khiêm tốn. Khiêm tốn đến nỗi, bề ngoài không thấy gì tỏ ra là một người đã được hồng ân thấy Đức mẹ hiện ra.

   Đức cha không muốn gây áp lực nào cho Bernadette trong việc lựa chọn Dòng tu. Nhưng ngài cũng muốn biết sơ qua ý định của em để lo liệu:

   - Con có biết thánh bổn mạng của con (Bernard) cũng có lập một Dòng không?

   - Thưa Đức cha, con cũng có lần nghe nói ở đó người ta sống trong thinh lặng, nguyện cầu và chiêm ngắm rất cao.

   - Con nói đúng, và thánh Bernard còn là vị thánh có lòng mến Mẹ Maria nữa đó...

   - Nhưng con không thể vào tu Dòng đó được, vì sức khỏe của con không cho phép sống cuộc đời tu hành hãm mình nhiều đến thế.

   - Thế không còn Dòng nữ nào ám hạp cho con sao?

   - Thưa Đức cha, tháng trước,có Dòng muốn kêu con vào, nên cho con ướm thử khăn voan của Dòng. Nhưng con thấy khăn voan Dòng ấy to lớn quá, không hợp cho dáng người thấp nhỏ của con.

   - Còn Dòng mấy Bà Nevers ở đây thì sao? Các Bà có mời con vào không?

   - Thưa không.

   - Thế tại sao con vào đây gọt khoai cho các Bà?

   - Dạ, thưa chính vì các Bà không gọi con, mà con lại cảm thấy yêu mến Dòng này, và ước ao được làm Đệ tử. Nhưng con không tỏ ý xin vào, vì con cảm thấy mình « dốt nát, nghèo hèn, bất tài, không thể nuôi mộng trở nên nữ tu của Dòng đó được »

   - Nhưng nếu khi con thực sự muốn vào Dòng này, thì Cha sẽ lo liệu cho con được.

   - Con xin cám ơn Đức cha.

   - Con hãy tiếp tục suy gẫm và cầu nguyện thêm.

   Buổi gặp gỡ kết thúc tốt đẹp. Hai bên đều cảm thấy như có ý Chúa sắp xếp cho cuộc gặp gỡ quan trọng này.

   Có lẽ Chúa đã thúc đẩy em muốn vào Dòng các Bà ở Nevers vì nơi đó em sẽ tìm được nguồn an ủi siêu nhiên trong kinh nguyện, hãm mình và nhất là sống ẩn dật trong Trái Tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria như chính chị về sau đã nói: « Tôi tới đây để sống ẩn dật. »  

   Một yếu tố ngoại lai đáng kể nữa là cách phục sức của các bà Nevers có phần ám hạp cho tâm tình ước muốn ẩn dật của Bernadette.

   Khi ở Tập-viện, Bernadette thường hay kéo cái voan trên đầu của áo Dòng xuống che mặt một tí. Mẹ Giám-tập có hỏi điều đó, thì chị cho biết: « Đó là cái mái nhà nguyện của con ».

   Đó là chưa kể những yếu tố khác mà Bernadette không nói ra, chẳng hạn như em có lòng mến các Bà Dòng Nevers đã dạy học và dạy bổn cho em khi em theo học ở Lộ-Đức. Có lẽ Chúa đã muốn hướng dẫn cho em trong việc chọn lựa này, từ khi cha sở can thiệp cho hai chị em vào học miễn phí tại đó.

   Thế rồi, tháng Tám 1864, Bernadette tỏ ý cùng Bà Bề trên ở Lộ Đức: «Thưa Mẹ, con nhất quyết đi tu, và nếu Mẹ muốn nhận con vào Dòng, con sẽ sung sướng được trở nên Nữ tu ở Nevers. » 

   Nhưng Bernadette còn phải ở lại Lộ Đức hai năm nữa, vì còn thiếu sức khỏe. Trong thời gian đó, em ở với các Bà, theo chương trình Nhà Dòng như một nữ tu; và săn sóc bệnh nhân với cả tấm lòng trìu mến..

   Nhưng có ai ngờ là khi biết được Bernadette xin vào Dòng, các mẹ Bề trên Tu viện Nevers lại có ý phản đối, trong khi nhiều Dòng nữ khác lại muốn « mời » em vào, cho ướm thử áo Dòng của mình mà không được. Không phải các Bà Dòng Nevers nhận thấy Bernadette nghèo, dốt nát, sức khỏe rất yếu kém..., đến nỗi bà Mẹ Louise Ferrand nói với Đức cha là Bernadette sẽ trở nên « cột trụ » của Phòng thuốc! Thực ra, các Bà ái ngại thì đúng hơn. Điều ái ngại chính yếu sâu xa nhuốm tính cách thiêng liêng hơn: Bernadette đã thấy Đức Mẹ hiện ra!

   Nhận một tập sinh vào Dòng là một cô gái đã được thấy Đức Mẹ, có sức lôi cuốn hàng ngàn người theo, và chắc là đã được Người chỉ dẫn con đường nên thánh... thì đó không phải là dễ. Nếu không nói có thể gieo nhiều lộn xộn trong Dòng, và gây khó khăn cho Bề trên và Mẹ Giám tập trong việc đào tạo huấn luyện Bernadette trên con đường trọn lành, như đối với các thỉnh sinh khác?

   Nhưng cuối cùng, vì đức cha Forcade nhấn mạnh - Đức cha là Bề trên của Dòng -, và yêu cầu, nên các Bà đành vâng lời và nhường bộ. Đức cha tán thưởng và chuẩn nhận việc quyết tâm của Bernadette xin vào Dòng Nevers, với tất cả lòng nhân ái của ngài. Ngài cám ơn Mẹ bề trên đã vui nhận lời ngài. Sau đó, các Bà được lệnh chuẩn bị đưa Bernadette từ Lộ Đức lên Nhà Dòng Mẹ tại NEVERS.

   Để cho Bernadette yên tâm lên đường vào tu viện ở NEVERS, và cũng để nâng cao giá trị tinh thần của gia đình em, Đức cha Laurence đã thuê Nhà máy xay bột Lacadé cho ông François khai thác làm ăn sinh sống, giá 300 francs một năm.

   Ngày 20 tháng Tám năm 1867, Cha Peyramale lại mua hẳn luôn Nhà máy ấy cho François làm ăn. Ngày nay căn nhà xưa cũ đáng quý này được gọi là « Maison paternelle de Bernadette (Căn nhà bên nội Bernadette).

   Công việc bấy giờ không còn ế-ẩm như xưa nữa. Tại Lộ Đức, khách sạn bắt đầu mọc lên. Khách hành hương tuôn về. François được mọi người kính nể, chứ không bị đối xử như trước nữa ! Cazenave, chủ khách sạn, thì rất vồn vã mỗi khi François đi ngang qua. Vì bột mì của cối xay Lacadé của ông rất được nhà hàng và khách sạn chiếu cố. François không còn gọi Cazenave là « Thưa Đại Uy » nữa, mà là một khách hàng đặc biệt, trung thành mua bột mì.

   Gia đình của Bernadette không còn ở tại căn nhà nhỏ hẹp tại đường Petits des Fossés nữa, mà về sống tại nhà cối xay Lacadé. Cái « nhà tù » với những bức tường ẩm ướt, cửa sổ có chắn song sắt, nay hoàn toàn vắng lặng. Lão chủ Sajous không còn cho ai thuê nữa. Căn phòng nhỏ hẹp đó, bấy giờ có vẻ tang thương vì hoang phế và ảm đạm.

   Trong khi đó thì ngày ấn định cho Bernadette lên đường đi tu viện NEVERS là ngày 4 tháng Bảy 1866.

   Chiều hôm trước, Mẹ Bề-trên Lộ Đức đã dành cho Bernadette một đặc ân, nói được là cuối cùng: cho xe ngựa đưa Bernadette ra viếng hang đá MASSABIELLE. Mẹ Bề-trên và chị nữ tu cùng đi theo.

   Giờ tạm biệt đã điểm. Bernadette quỳ đúng vào chỗ ngày xưa em thấy Đức Mẹ hiện ra 18 lần. Rồi với giáng điệu như ngày xưa, em nhìn lên hang đá và thì thầm: « Ôi !Mẹ của con. Làm sao con từ giã Mẹ được! »

   Bernadette đứng lên, đi đến hang đá và cúi xuống rất lâu hôn kính nơi đã được chạm gót hồng của người Mẹ thiên thai.  Bernadette trầm ngâm một hồi thật lâu, như dán chặt vào tảng đá đã được chúc phúc. Còn sự chia lìa nào đau xé con tim hơn nữa, còn sự hy sinh nào sâu xa mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi tâm hồn một thiếu nữ đang độ thanh xuân. Không những phải rời cha, rời mẹ, rời đàn em nhỏ dại,mà phải rời ngay nơi nôi hèn của Ơn gọi trời cao...

   Chính vì thế mà về sau khi ở Nevers, Bernadette đã cho rằng hy sinh lớn nhất đời của chị phải kể là rời quê quán, xóm làng, gia đình thân yêu và hang đá « bầu trời của tôi !» 

   Nhưng Bernadette đã biết rằng kể từ giờ phút này, sứ mạng của mình ở Lộ Đức đã chấm dứt. Đã đến lúc phải rời Hang đá, một nơi rồi đây sẽ được hàng ngàn cây nến thắp sáng lên, hàng ngàn tâm hồn khắc khoải tìm đến Suối nước mà Bernadette đã khơi dậy.

   Em rời Hang đá để cho hàng triệu người khắp năm châu tuôn đến. Em đi, để cho muôn người đến tìm Suối nước để « uống và rửa » Em đi để hàng triệu người đến để đốt nến cầm tay, đèn tâm hồn bừng sáng, nối đuôi nhau đi kiệu, tung hô tình yêu Mẹ thiên thai để thực thi lời Mẹ « muốn người ta đến đây đi kiệu nữa ». Em đi, để muôn người được đến dâng việc đền tội, tắm rửa tâm hồn thể xác, đền tội để trở về cùng Thiên Chúa.

   Còn em, em đi để trở nên Bạn tình Giêsu, hoàn thành sứ mạng của mình dưới thế qua cuộc đời hy sinh,nguyện cầu và chịu đau khổ trong tâm hồn và trên thể xác mỏng dòn để cứu các linh hồn cho Chúa!

   « Mẹ không hứa là con sẽ được hạnh phúc ở đời này, mà ở đời sau »

   Lời nhắn gởi ấy luôn vang dội trong tâm tư của Bernadette, là động lực giúp cho Bernadette mạnh tiến, khi gặp khổ đau, khi bệnh tật đến đè nặng tấm thân yếu mềm, khi Satăng đến thử thách, khi gặp bao cảnh đau thương ngay trong chính gia đình mình! Anh chị em gây gỗ để cho người em trai mà Bernadette yêu thương nhất, « Mon petit Pierre », phải bỏ nhà ra đi! Bernadette không xin Mẹ Maria cho hết khổ đau phải chịu, nhưng xin cho được can đảm lãnh nhận như xưa kia Đấng Cứu Chuộc trong vườn cây dầu!

   Mẹ Bề trên khi thấy Bernadette thiết tha nguyện cầu ở hang đá như thế, không đành gọi trở về sớm. Nhưng rồi chiều đã xuống, rừng núi âm u tỏa ra khí lạnh,gợi đến cái giá buốt của tháng Hai 1858 xưa, Mẹ cũng phải cho một nữ tu đến nói nhỏ với Bernadette.

   - Chị ơi, Mẹ nói hãy về!

   Mặc dầu còn bao luyến tiếc, còn bao lưu luyến, nhưng em cũng lấy nghị lực để đứng lên dứt khoát.

   Thấy thế, mẹ Bề trên Alexandrine Roques nói:

   - Con ơi! Đức mẹ ở khắp nơi mà!

   - Dạ phải, chị đáp, con biết, nhưng hang Massabielle là bầu trời của con!

   Chiều hôm đó,em về dùng cơm tối với gia đình tại nhà máy Lacadé. Không nói ai cũng biết được mỗi lời trao đổi trong bữa cơm là cả ngàn kỷ niệm buồn vui,nhớ nhung được khêu dậy !Mọi người đều xúc động đến nỗi không ai ăn uống gì được !

   Thế rồi, Bernadette nhìn ngắm ngôi nhà của cha mẹ mình một lần chót! Từ giã ngôi nhà cha mẹ mà biết rằng, tuy còn sống, mình sẽ không bao giờ trở lại nữa, hẳn là một việc đau lòng xót xa! Một mái nhà đầy thương nhớ,nhất là tình gia đình thắm thiết ràng buộc mẹ con, chị em trong cảnh nghèo khó, đùm bọc lẫn nhau.

   Hôm sau, khi trời chưa rạng, cả nhà đem Bernadette đến Trường các Bà để từ đó giã từ lên đường. Một vài người thân quen cũng đã có mặt. Nhiều người nước mắt lưng tròng.

   Bà Bouhort nói với đứa con trai đã được cứu sống nhờ nước suối, nay được 10 tuổi :

   - Con ơi! Hãy nhìn một lần nữa vị « Thiên thần » này! Con sẽ nhớ giây phút này suốt đời con, cho dù con có sống đến trăm tuổi đi nữa! » Nói xong, hai giòng lệ của bà tuôn trào. Đứa bé nhìn Bernadette một cách sợ sệt, cúi đầu chào, rồi ôm chầm lấy mẹ.

   Bà Millet ôm choàng và áp đầu Bernadette vào bộ ngực khổng lồ của bà: « Cháu nhớ cầu nguyện cho bà. Bà là một kẻ khổ sở, cô đơn và bị bỏ quên. » Nói xong, bà đeo vào cổ Bernadette một sợi giây chuyền có hình Thánh giá bằng vàng. Bernadette, như thói quen, không hề nhận quà bánh gì của ai, gạt ra, mặc dầu bà ta năn nỉ. Bernadette biết rằng, bây giờ hơn bao giờ, em chẳng cần gì đến những thứ ấy!

   Bà dì Bernarde nói nhỏ vào tai cháu một vài lời khuyên, nên sống thế nào cho xứng đáng tại Tu-viện.

   Ông bố, trong những trường hợp quan trọng, thường tỏ ra thanh-cao, thấy có bổn phận khuyên nhủ con gái:

   - Con ơi! Hãy cư xử thật tốt lành ở Tu viện như ở nhà cha mẹ con vậy.

   Bà mẹ, trong năm vừa qua, đã yếu sức, nay trông già hẳn đi. Bà lấy ra một cái khăn trắng bằng vải tốt, gói một ít thuốc để con hít khi bị suyễn, làm quà từ biệt con gái. Rồi bỗng nhiên, bà nghẹn ngào:

   - Như vậy là chúng ta sẽ không bao gặp lại con nữa!

   - Thưa mẹ, Nevers đâu có xa lắm với Lộ Đức. Vả lại, tu viện cho phép thân-nhân được đến viếng thăm trong mọi lúc.

   Toinette bấy giờ đã 20 tuổi, Jean-Marie,vừa được 15, Bernard-Pierre,7 tuổi và các Dì nữa, đều có mặt.Mọi người khóc rộ cả lên.Bernadette đành dằn lòng và lấy lời an ủi :

   - A hay! các người giàu nước mắt nhỉ. Tôi đâu có thể ở đây mãi được !

   Bernadette chậm rãi bước lên xe. Chiếc xe ngựa lăn bánh, giã từ Trường học, Dưỡng Nhi Viện, giã từ xóm cũ, với con đường gồ ghề nhỏ hẹp Les Petits Fossés. Lúc mái ngói của các căn nhà đã bị khuất sau rặng cây, thì lúc ấy Bernadette mới cảm thấy nỗi từ biệt, chia ly thật đau đớn, chua xót. Bernadette biết rằng không bao giờ mình còn gặp lại được cha hay mẹ ở trần gian này nữa. Và với tấm lòng người con hiếu thảo, đầy nhậy cảm, em lấy làm khổ tâm để xa rời những kẻ mà chị yêu mến nhất trên đời này.

   Chiếc xe ngựa lặng lẽ lăn bánh, nhắm thẳng Tarbes để rồi nơi đây, lên xe lửa đi Nevers, sau khi ghé Bordeaux và Périgueux.

   Đó là ngày Thứ tư 4 tháng 7 năm 1866, Bernadette được 22 tuổi.

II : Nevers 1866-1879

Chương 17 : Tu viện Saint Gildard - Nevers

DÒNG NỮ TU BÁC ÁI NEVERS mà Bernadette xin vào, là do một đan sĩ Dòng Biển Đức, Dom J-B Delaveyne, sáng lập. Mục đích Dòng là săn sóc kẻ nghèo và dạy dỗ các trẻ em, mở các viện mồ côi...

   Linh mục Jean-Baptiste Delaveyne, sinh năm 1653, thuộc Dòng Biển Đức. Năm 1676,ngài trở về quê quán là Saint-Saulge, cũng thuộc miền Nièvre như Nevers. Ngài vừa theo học bảy năm trời ở Paris dưới thời đại huy hoàng của Vua Louis XIV (Vua mặt trời), nên khi trở về lại quê cũ, ngài vẫn còn tiếp tục sống cuộc đời xa hoa của kinh thành ánh sáng, thích chơi với những ông lớn, những kẻ có quyền thế trong vùng Morvan.

   Thế rồi hai năm sau, một cha sở bạn, có vài lời nhận xét về lối sống xa hoa đó, làm cho cha Delaveyne thức tỉnh và quyết định trở về lối sống thánh thiện ngày xưa của ngài. Ngài đi cấm phòng ở tu viện Autun. Khi ngài cấm phòng trở về, bổn đạo nhận thấy ngài đã thay đổi hẳn. Ngài xúc động khi thấy đời sống của dân quê trong vùng quá thiếu thốn, nên bắt đầu đem lòng yêu mến họ, dấn thân chiến đấu cho quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Càng ngày ngài càng noi gương Chúa Giêsu, nên ngài đã đề nghị các cô gái họp nhau lại để sống tình yêu chí thánh đó. Ngài nói: « Các chị không nên nghĩ gì hơn là lòng bác ái; không tìm ích lợi nào hơn là ích lợi của những kẻ khốn cùng. »

   Thế là Dòng Nữ tu bác ái Nevers ra đời vào 1680.

   Hai nữ tu đầu tiên của Dòng là Marie Marchangy và Anne Legeay.Họ vào Tập viện năm 1680 và hai năm sau thì tuyên khấn.Nhà Dòng, từ buổi sơ khai, được thành lập tại Saint-Saulge, quê quán của vị sáng lập. Nhưng đến năm 1685, Nhà Dòng được dời hẳn về NEVERS và trở nên Nhà Dòng Mẹ cho tới ngày nay.

   Khi mới dời về NEVERS, Dòng tọa lạc tại Place de Saint- Pierre (giờ được đổi tên là Place de Guy-Coquille), rồi sau đó lại dời về Rue de la Parcheminerie. Đến khi Cách mạng Pháp bùng nổ năm 1789, Nhà Dòng dời về trong tòa nhà được gọi là Sainte-Marie. Và đến năm 1856, thì Nhà Dòng dời hẳn về số 34, Rue de Saint-Gildard. Vì thế người ta quen gọi là Tu Viện Saint-Gildard.

   Mười năm sau khi thành lập, Dòng được nhiều ơn gọi và bành trướng nhiêù nơi trong nước Pháp. Một vài nữ tu của Dòng còn được nhiều ơn thiêng đặc biệt và có đời sống hoạt động và chiêm ngắm thật cao độ. Chẳng hạn như Marcelline Pauper, Bề trên Nhà, và Marie Marchangy, Bề trên Tổng Quyền. Người ta có thể ví Bà ta như thánh nữ Têrêxa thành Avila. Cách mạng Pháp bùng nổ, cũng như khi giặc giữa Pháp và quân Phổ (Prusse), gây bao đau thương và đói kém vì những cuộc tàn sát, thì các nữ tu Nevers đã không quản thân liễu yếu đào tơ, tận tâm lo lắng cho những kẻ bị đạn lạc. Các Bà lại còn đi khất thực để nuôi những kẻ thiếu ăn, cũng như đã có mặt bên cạnh những kẻ sắp lìa đời.

   Nhưng có lẽ vì thế mà Cách Mạng Pháp đã bắt các Bà phải cởi bỏ áo Dòng tu, tuyên thệ trung-thành với Nền Cộng hòa Pháp quốc, và từ bỏ Thiên Chúa! Nhưng các Bà đã nhất quyết trả lời: « Chúng tôi sẵn sàng chết vì đạo! »Thật lời nói đó không khác gì lời tuyên bố khẳng khái của cha ông chúng ta trong đức tin, trước lời dụ dỗ hay đe dọa của vua chúa thời xưa!

   Thế là các Bà bị tống giam, nhưng các Bà đã không sờn lòng, lại còn ước mơ được hồng ân tử đạo.Nhưng rồi, dân chúng gây áp lực với chính quyền đòi phải thả các Bà là những vị ân nhân của họ. Lại thêm các Bà vẫn cương quyết giữ vững lập trường, từ đầu tới cuối, nên chính quyền đành nhượng bộ, thả các Bà ra.Bấy giờ nhà Dòng được 28 nữ tu và đang thời kỳ phát triển mạnh.

   Ngày nay, Dòng đã có mặt ở trên bốn lục địa: Phi châu, Á châu, Nam Mỹ và Âu châu để lo cho những kẻ nghèo và những kẻ sống ngoài lề xã hội. Các Bà sống gồm từng nhóm nhỏ, sống giữa những kẻ nghèo để bênh vực cho họ có nhà ở, có được học hành, được thuốc men và có nơi ăn ở, có việc làm...

   Ở Phi Châu:

   Từ năm 1925, các Bà mở những Trung tâm tuổi trẻ để lo việc giáo huấn. Trong các vùng gần sa mạc về phía Nam Phi châu, các bà lo cho những trẻ khuyết tật, chống nạn mù chữ và giúp đỡ việc học hành.

   Ở Á châu: Cao Ly: các bà lo học tiếng địa phương và mới bắt đầu lo cho những kẻ vô gia cư

   Ở Nhật Bản: Các Ba nhắm đặc biệt đến việc giáo dục.Các Bà lo cho các vùng mà dân di cư là thiểu số.Lo cho các người già về y tế và lo cho các cô gái người Thái bị nạn mãi dâm, và vào năm1995 ở Kobé, các bà vừa lập một nhóm nhỏ để lo cho các ông gìa sống trong những nhà tiền chế và chưa được có nơi ở tử tế.

   Ở Thái Lan : Các Bà lập những thư viện trong các làng mạc và cấp học bổng cho các trẻ em để ác em có thể đi học.

   Ở Nam Mỹ: Ở Chí Lợi: các Bà giúp cho các người nghiện ngập hút xách...

   Ở Bolivie: Các Bà mở mang về y tế và bênh vực quyền lợi đàn bà trẻ em.

   Ở Âu Châu: Các nhóm sống thành từng nhóm nhỏ, ở ngoại ô và các vùng quê hẻo lánh để giúp nạn mù chữ, giúp các gia đình bị tù tội, nâng đỡ các người già tại tư gia.

   Các nữ tu về hưu lại đi đến với các người trong nhà dưỡng lão hưu để giúp họ biết những ngày còn lại.

 Riêng tại NEVERS:

   Là Nhà Dòng Mẹ: đó cũng còn là Trung tâm Quốc Tế Hành hương, Trung Tâm Quốc Tế Nguyện cầu và Trung Tâm Quốc Tế Bồi bổ tinh thần siêu nhiên cho những kẻ làm việc thiện nguyện, bác ái...

 

   Chiếc xe lửa khởi hành ở Tarbes lúc 7 giờ sáng Thứ tư mồng 4 tháng 7 năm 1866, để đi NEVERS.

   Chuyến đi tuy mệt, nhưng Bernadette cũng có những cảm nhận vui buồn lẫn lộn : u-hoài nhớ nhà, nhớ quê, nhớ nơi chôn dau cắt rốn, rời quê lần đầu và cũng là lần chót; cũng như đầy ngỡ ngàng vui thích của kẻ ra đi, xa xóm làng, nhìn được tận mắt những điều mới lạ,khác xa chân trời nhỏ bé hạn hẹp của quê nhà.

   Bernadette đã ghi lại những cảm nghĩ đó trong lá thư gửi về cho các Nữ tu Dưỡng Nhi viện Lộ Đức ngày 20 tháng Bảy sau đó:

   « Xin các Chị để em kể cho các Chị nghe chuyến đi của Léontine Mouret và em. Chúng em đến Bordeaux lúc 6 giờ chiều ngày Thứ tư 4/7/1866.Chúng em lưu lại đó cho tới một giờ sáng Thứ sáu hôm sau. Lợi dụng thời gian đó, chúng em được các Bà cho đi, các Chị nghe đây, bằng xe hơi, để viếng thăm tất cả các nhà... Em hân hoan cho các Chị hay đó không phải là loại nhà như ở Lộ Đức đâu nhé... 

   Chúng em còn được ra viếng sông Garonne, xem các tàu bè. Rồi lại được đi viếng Vườn Bách Thảo nữa. Nơi đây có hồ cá đủ màu,xanh,đỏ, trắng vàng. Thật tuyệt đẹp khi ngắm chúng tung tăng bơi lội trong nước. Thứ sáu,chúng em ngủ lại Périgueux. Hôm sau, lên đường lúc 7 giờ 30 và chúng em đến Nevers lối 10g30 tối.

   (...) Xin các Chị vui lòng đọc kinh cầu nguyện cho em,nhất là lúc các Chị ra hang đá. Các Chị sẽ gặp em ở đó trong ý nguyện, dưới chân hang đá mà em rất yêu mến.... 

   (...) Phần em,em không quên được các Chị trước tượng Đức Mẹ Suối Nước (Notre-Dame des Eaux) được đặt ở góc vườn tu viện Nevers, trong một cái hang đá. Đó là nơi em ra tỏ bày nỗi lòng u buồn của em trong những ngày đầu. Rồi từ đó, Mẹ giám tập mến yêu của chúng em cho chúng em ra đó mỗi chiều... »

   Léontine cùng đi là cô bạn ở Lộ Đức. Cô mới 17 tuổi, nhưng lại muốn đi tu; nhưng cha mẹ lại muốn cô ta chờ vài năm nữa.Cho nên, ngày 26 tháng Năm 1866, Bernadette đã phải gởi thư cho hai ông bà để nài ép cho cô con gái cùng đi với mình nay mai: 

   « (...) Được biết cô con gái của hai bác bấy lâu khát khao vào Dòng tu, nên cháu viết thư này xin hai bác chấp nhận cho em tìm được hạnh phúc của mình. Cháu biết nỗi hy sinh to lớn của kẻ làm cha mẹ phải xa lìa đứa con gái thân yêu, nhưng xin hai bác hãy đại độ với Chúa thì Ngài sẽ không bao giờ thua kém về lòng đại độ đâu.

   (...) Hai bác chấp nhận nhiều hy sinh để giao phó cô em cho một người đàn ông mà có lẽ hai bác không biết người đó bao nhiêu và có khi anh ta làm cho cô em khổ; và hai bác lại từ chối cho cô em dâng hiến cuộc sống cho Vua trời đất?

   (...) Xin hai bác quyết định nhanh chóng, để nếu hai bác muốn cho cô em đi với cháu thì ngày ra đi cũng kề gần rồi.Chúng cháu sẽ lên đường có nhau và, khi đến Nevers,chúng cháu cũng sẽ mau mắn thích hợp... »

   Cũng vì thế mà Bernadette cũng đã không đáp trả mối « tình si » của một chàng trai tỏ ý muốn lập gia đình vơí mình. Nghe thế có lẽ nhiều người lấy làm lạ, nhưng thực ra đừng tưởng Bernadette trở nên một « siêu nhân » sau khi thấy Đức Mẹ hiện ra làm cho các chàng trai nhìn như một vị « thiên thần ». Trái lại, bên ngoài, Bernadette vẫn sống như trăm ngàn thiếu nữ đương thời, có khác là tâm tư của em đã dành trọn cho Chúa và Mẹ Maria.

   Chàng trai say mê lạ thường đó là sinh viên y-tá nội trú bệnh viện Nantes. Ngày 20 tháng Tư 1866, chàng đã tỏ ý muốn cho Đức cha Laurence, vì chàng xem ngài như Cha linh hướng của Bernadette. Lời lẽ như sau:

   « (...) Con thấy hình như con không làm gì tốt hơn là lấy vợ, và con muốn cưới cô Bernadette. Nếu con không lấy được nàng, con sẽ rời bỏ thế gian, và con xin Chúa cho con chết trong cô đơn »

   Không biết Đức cha có trao thư đó cho Bernadette hay không; nhưng ngài đã thẳng thắn trả lời cho chàng là việc đó không thể được, vì Bernadette đã dốc quyết vào đời tu hành! Có lẽ chưa có vị thánh nữ nào, khi còn là cô gái, lại có chàng trai « trồng cây si » sâu rễ đến thế!!!

   Chiếc xe lửa ì ạch nhả khói trắng,cán nghiền trên đường rầy sắt, đang tiến vào nhà ga NEVERS. Bấy giờ vào lối 10 giờ đêm. Mẹ Alexandrine Roques, Bernadette và Léontine lần lượt bước xuống xe lửa.

   Một chiếc xe ngựa đã đứng chực sẵn ở sân ga để đưa ba người về Nhà Dòng Nevers. Đừơng về tu viện dốc dác, nên cả người lẫn ngựa đều thở mệt. Phần những bốn ngày đường, phần tàu lắc lư và nhả khói bụi bặm nên Bernadette cảm thấy đuối sức. Nhiều lần đã phải hít thuốc lá đem theo để dễ thở!

   Khi cánh cửa tu viện Nevers hé mở để đón đoàn người vừa đến, thì Bernadette đã thấy ngôi tu viện quá đồ sộ. Dưới ánh đèn đêm, dãy nhà ba tầng lại càng thêm to lớn và đầy bí ẩn. Tim Bernadettte thắt lại. ..

   Đây là ngày lịch sử: 10g30 tối Thứ bảy mồng 7 tháng 7 năm 1866, người « con cưng » của Đức mẹ Lộ Đức đặt chân đến tu viện NEVERS,khởi đầu cuộc đời tận hiến trong ẩn dật.

   « Tôi đến đây để ẩn dật », lời Bernadette đã nói về sau. Nhưng mặc dầu bao lần Bề trên đã hứa đi hứa lại là không để cho các vị cao cấp đạo đời dễ dàng đến gặp chị, Bernadette có được sống « ẩn dật » như lòng mình mong muốn không?  Bernadette mặc bộ đồ màu xanh sọc người ta biếu. Còn gia tài hành trang thì chỉ có cái dù cũ kỹ, cao bằng người, đầu cán dù làm bằng viên đá tròn trịa của miền Pyrénées. Ngoài ra còn cái túi vải sọc đựng chút áo quần..., trong đó có túi thuốc để hít, làm nhẹ cơn suyễn.

   Bernadette không thể ngờ được là những đồ vật rất tầm thường của cô gái nghèo đi tu như thế lại được Nhà Dòng gìn giữ như những báu vật của một vị thánh!

   Các nữ tu đón tiếp các chị mới đến, đưa vào Phòng cơm ăn uống trước khi dẫn lên Nhà ngủ ở tầng trên.

   Mẹ Bề trên chúc hai chị:

   - Các con hãy học lấy nghệ thuật ở Dòng tu: tối lên giường là ngủ ngay! Một giấc ngủ đầy-đủ là nghệ thuật cao-cả của những người trong các Dòng tu!

   Nhưng tối đến, Bernadette không thể hay chưa học được cái nghệ thuật của tu viện: lên giường là ngủ ngay. Chị trằn trọc mãi mà không sao nhắm mắt được. Không phải giường nằm lót gỗ cứng, vì xưa kia ở « nhà tù » chỗ ngủ còn khổ hơn nhiều; cũng không phải vì chuyến đi vừa qua rất mệt mỏi; cũng không phải vì lo âu sẽ qua cơn tôi-luyện trong lò lửa thiêng liêng của đời tu trì... Nhưng vì tâm trí bắt quay về với gia đình.

   Chị xót xa khi nghĩ đến người mẹ. Lúc từ giã, Bernadette mạnh dạn giữ tâm hồn, nước mắt không để tuôn rơi vì chia ly... nhưng giờ đây, trong đêm mờ tối ở viện tu không một tiếng động, chị thấy mẹ của mình luôn can đảm chịu đựng cuộc sống lầm than, không tỏ ra yếu lòng trong sự đấu tranh dành cho con cái miếng cơm manh áo.

   Chị nhớ đến hàng trăm lần,đời sống khổ cực của gia đình,những ngày mẹ đi giặt thuê, tìm việc khắp thôn xóm để đổi lấy cho các con một ít bánh mì. Chị nhớ đến nồi cháo « bo-bo » quanh năm trên bếp, đến người cha thất nghiệp, có khi vào tù tội oan ức, đi năn nỉ tìm việc, kiếm từng đồng xu, hay lặn lội đến thăm lúc chị đi ở cho bà Dì hay cho gia đình vú nuôi.Chị cảm thấy, tự đáy lòng, như một mặc cảm là đã yên phận một mình tại tu viện, để lo phần rỗi cho chính mình, trong khi mình là chị cả, phải ở lại nhà bên mẹ, lo cho gia đình,để giúp đỡ an ủi em út...

   Nhưng rồi Bernadette nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình hiện giờ đã khá hơn trước, nhờ cha sở mua cho Nhà máy để cha mẹ làm ăn, nuôi các em. Tuy không phải là sự đánh đổi để chị vào Dòng, nhưng trong khi mỗi người đeo đuổi theo một Ơn gọi, thì Chúa quan phòng không để cho Bernadette từ đây phải bận tâm về đời sống vật chất của gia đình như trước. Có buồn bực xảy ra về sau chăng, là trên phương diện tình chị em, và thiêng liêng hơn...

   Chính các ý tưởng đầy an ủi như thế, mà nỗi niềm mong nhớ và quá khứ có trở về một cách u-buồn đến đâu cũng tan dần,làm cho chị ngủ quên khi nào không hay...

   Sáng dậy, Bernadette không ngờ mình đã được nằm ngủ trên cái giường có nệm êm, có mùng và drap trắng tinh, in hệt 21 cái giường tương tự của các thỉnh sinh cùng phòng. Điều làm Chị hơi « ngợp » chính là cái trần nhà ngủ quá cao, so với cái dáng người Bernadette chỉ có 1th40! Léontine và Bernadette, bỡ ngỡ lạ lùng trước thế giới mới lạ, nhìn nhau nước mắt chạy quanh, làm các chị em cùng Dòng nói đùa: « Khóc đi! Khóc đi! Đó là dấu có ơn kêu gọi. »

   Chúa nhật 8 tháng 7 sau đó, Mẹ Tổng Quyền yêu cầu Bernadette thuật lại cho cả Nhà Dòng nghe về việc Đức mẹ hiện ra. Không nói được ai cũng biết là chị em trong Dòng nô nức biết bao khi sẽ được nghe và thấy tận mắt con người trước đây đã trực tiếp chuyện trò với Đức Mẹ. Tất cả Nhà Dòng họp tại Phòng Hội.

   Mẹ Bề trên lên tiếng :

   - Hôm nay chúng ta vui sướng đón nhận Bernadette trong ngôi nhà này. Quả thực những nguyền ước của chúng ta bấy lâu, giờ đây đã được lấp đầy: Bernadette đang ở giữa chúng ta! »

   Sau đó Mẹ nhường lời cho Mẹ giám tập. Người rồi đây có trách nhiệm đào tạo Bernadette. Mẹ không ngần ngại thú nhận ước mong của mình trước kia: « Ngày mà tôi được thấy cặp mắt đã thấy Đức mẹ, sẽ là ngày đẹp nhất đời tôi! ». Một vài chị hướng nhìn về Bernadette xem phản ứng ra sao trước những lời ca ngợi như thế; nhưng họ không khỏi ngạc nhiên khi thấy chị vẫn thản nhiên như lời khen tặng ấy không ăn nhằm gì đến mình.

   Dẫu vậy, Mẹ giám tập lên tiếng để đặt Bernadette vào đúng chỗ như Bà mong muốn:

   - Mẹ biết chị em ai cũng muốn hỏi Bernadette về việc Đức Mẹ hiện ra, nhưng để Bernadette khỏi phải nói đi nói lại cho nhiều người, nên Mẹ tổ chức buổi họp đông đủ này để Bernadette kể lại một lần và chỉ một lần này thôi là xong. Bernadette đến đây không phải để đề-cao hồng ân đã được,nhưng để chịu đào tạo trở thành một nữ tu đạo đức, can trường, vui chịu khổ đau vì Chúa và nhất là sống trong khiêm nhường,vâng phục...

   Dứt lời, Bernadette tiến ra giữa chị em và thuật lại một cách đơn sơ, chân thật việc chị thấy Đức mẹ hiện ra ở hang Massabielle. Em khoác bộ áo của dân miền Bigorre và thuật lai bằng tiếng địa phương để cách diễn tả dễ dàng và xác thực hơn tiếng Pháp mà em không được thành thạo bao nhiêu. Cả phòng hội đều im lặng, nín thở lúc em quỳ xuống diễn tả lại lúc em mở mắt to ra nhìn lên Đức Mẹ. Quả thực như Mẹ giám tập đã nói đến hạnh phúc nhìn được cặp mắt đã được nhìn thấy Đức Mẹ! Bernadette lúc ấy như đang ngất trí lúc Bà áo trắng hiện ra ở hang đá Massabielle!

   Nhưng Mẹ giám tập không để hở một cơ hội nào, một chi tiết nào trong trình thuật để làm cho Bernadette khỏi tự đưa mình lên. Cho nên sau khi nghe nói là em không thể nuốt trôi được bùn đang bỏ vào miệng lúc Bà yêu cầu em hãy đi cào đất tìm mạch nước:

   - Sao con không đủ hãm mình để nuốt trôi bùn con cào lên, theo lời Bà dạy?

   - Thưa Mẹ, thật bùn hôi tanh quá, con cố gắng nhưng rồi phải mửa ra.

   Cả phòng hội có tiếng xì xầm, có phần nôn nao lên. Nhưng rồi Bernadette thêm:

   - Dẫu vậy thưa Mẹ và các chị, con cũng đã cố hết sức nhắm mắt lại để cuối cùng nuốt được chút bùn đó !

   Các chị nghe thế, ai nấy đều cười vui trước tâm hồn đơn sơ chân thật của Bernadette.

   Sau khi kể xong, Mẹ giám tập cám ơn Bernadette rồi nói với các chị:

   - Bernadette đã kể hết cho chúng ta nghe chuyện Bà hiện ra rồi. Từ đây Mẹ cấm không ai được hỏi Bernadette về việc hiện ra nữa. Các con đã nghe rõ chưa?

   - Dạ, tất cả đều đồng thanh đáp.

   Riêng Bernadette thì thở nhẹ ra và nói thầm:

   - Mẹ cấm như thế là đúng, vì thực ra, mình cũng không muốn ai nhắc lại chuyện Lộ Đức. Đời mình bây giờ là đây, là chính tu viện Nevers này

   Nhưng rồi trong tuần lễ đầu, Bernadette không khỏi cảm thấy bơ vơ lạc lõng, buồn bạn vì khi các chị trong Dòng đi ngang qua Bernadette, ai nấy đều cúi đầu nhìn xuống đất, không ai hỏi han Bernadette câu nào. Lệnh của Mẹ giám tập ! Nỗi niềm đau khổ nhỏ nhặt đó tiên báo những đau khổ to lớn về sau mà Bernadette sẽ phải chịu nơi đây để cuộc đời tận hiến của chị mỗi ngày thêm hoàn hảo!

   Nhưng có lẽ Bernadette không biết rằng việc chị được sống với các nữ tu Nevers bấy giờ mà người ta gọi một cách kính cẩn là «Les Dames de Nevers » (các Bà Dòng Nevers) quả là một đặc ân khác thường. Đức Mẹ Lộ Đức đã phải làm một cuộc « cách mạng » xã hội để chọn đứa bé nghèo hèn, bần cùng làm « Sứ giả », rồi « đưa » vào Dòng tu gồm những kẻ quí phái, thượng lưu. Cho nên không lạ gì,Mẹ giám tập không tin phép lạ Lộ Đức,không tin việc lựa chọn « ngược đời » ấy, nên Bà đã nói: « Thiếu gì những đứa trẻ khá giả hơn và nữ tu đạo đức hơn Bernadette mà Đức Mẹ lại không chọn !»

   Sự phân biệt hạng người giàu sang với hạng người nghèo hèn đã thịnh hành trong giới xã hội bấy giờ như ta đã thấy nơi các học sinh Trường các Bà ở Lộ Đức, mà người ta còn thấy ngay cả trong giới đạo đức nữa...

   Vào thời buổi 1866 ấy, những kẻ có chức quyền, tiền của, thì có ghế quỳ dành riêng trong nhà thờ, có bọc nhung đỏ một cách hãnh diện, có khắc tên tuổi; hoặc có những hàng ghế dành riêng cho gia đình, họ hàng, ngăn cách với hạng bình dân chân lấm tay bùn, để họ quỳ ở hàng ghế đầu gần Cha trên trời ! Bấy giờ có người nào có thể tưởng tượng được gia đình bần cùng François Soubirous có thể có một người con chễm chệ trên một trong những ghế quỳ bọc nhung đỏ đó? Hay cả gia đình chiếm môt hàng ghế dành riêng trong nhà thờ? Người ta làm việc bố thí năm ba xu để mua thiên đàng,trong khi không dám đụng đến bàn tay kẻ mình bố thí. Đó là thời buổi khinh chê nhau: người ta tìm kẻ nghèo hơn mình để dìm họ xuống!

   Người giàu, người trưởng giả, kẻ quí phái thì « quần là áo lượt », tay đeo găng, mũ có phủ voan che mặt... các ông thì mặc áo đuôi tôm, đồng hồ có sợi giây bằng vàng thả chéo qua ngực...  

Chương 18 : Mặc áo dòng

Vài ngày trước lễ Mặc Áo Dòng, Me giám tập dẫn Bernadette đến gặp Mẹ Bề trên tu viện là Joséphine Imbert... Nhin vẻ mặt của Bà, người ta có thể đoán được rằng Bà vừa cầu nguyện rất nhiệt tâm trong phòng riêng. Những lời cầu nguyện đầy ưu tư lo lắng ấy là vì Bernadette, người đã thấy Đức mẹ Lộ Đức, sắp được lãnh Áo Dòng...

   Trước hết, Mẹ giám tập trình bày:

   -Thưa Mẹ Bề Trên, vấn đề đầu tiên cần phải nghĩ đến. Thỉnh sinh này mang cái tên Bernadette mà thế giới đều biết. Hàng ngày các báo chí ca tụng, và trong bức thư luân lưu của Giám mục, cũng có nhắc đến một cách vinh quang. Tuy vậy, những tên tuổi vĩ đại, cũng như những sự nghiệp lừng danh thế trần đối với nữ tu chẳng có gì là giá trị cả. Cho dù những vinh quang và tên tuổi kia đã phải gặt hái thu lượm được qua gian nan chiến đấu, đau khổ... Chúng ta loại bỏ tất cả những gì thế gian có ý nghĩa với chúng ta, và chúng ta cũng không màng nghĩ đến những gì chúng ta có giá trị đối với nhân thế!

   Hơn nữa, cái tên gọi Bernadette, có vẻ là một tên trẻ con, hay một danh từ để tô điểm thêm mà thôi.

   - Rất đúng! Mẹ Bề trên tiếp lời, thì trước khi vào Tập viện, thỉnh sinh phải chọn một tên thánh khác và có thể chọn ngay bây giờ. Con đã nghĩ đến tên thánh nào chưa?

   - Dạ chưa?

   - Vậy ai là vú đỡ đầu rửa tội của con?

   - Dạ, bà dì con.

   - Vậy tên thánh của bà dì là gì?

   - Dạ là Bernarde.

   - Vậy thì tên trong Dòng của con, theo Mẹ nghĩ, nên chọn là Marie-Bernard. Một người đỡ đầu cho con trên trời, một người đỡ đầu dưới thế. Con có đồng ý không?

   - Thưa Mẹ, con thấy không gì hợp lý hơn!

   - Vả lại, con cũng nên biết thánh Bernard mà con mang tên hôm nay, cũng là một vị thánh có lòng sùng kính Đức Mẹ Maria đặc biệt nữa đấy.

   Đây là cái hy sinh đầu tiên của Bernadette tại tu viện, trước khi chị sẽ gặp nhiều hy sinh về sau. Hy sinh cái tên gọi vang dội khắp thế giới,cái tên mà hàng trăm người thân yêu không ngớt ca ngợi hàng ngày, cái tên mà về sau, cả thế giới đều biết khi nghe nói đến.

   Sau đó Mẹ Bề trên nói một cách nghiêm trọng hơn:

   - Hỡi con gái thân yêu của Me. Ngày mai là ngày LỄ MẶC ÁO DÒNG, con sẽ được mặc áo Dòng, trở nên Nữ tu cuả Dòng thánh. Ngày con sẽ bước vào con đường khó khăn, tu luyện. Nhưng đây là con đường, sau khi con trút bỏ hết đời sống trần thế, sẽ dẫn con về đời sống vĩnh cửu. Đây là đoạn đường khó khăn nhất đối với một số thỉnh sinh.

   Trước hết, Mẹ không biết con có ý thức đến vai trò của Mẹ không? Mẹ được giao phó nhiệm vụ săn sóc, hướng dẫn, uốn nắn những con cái của Dòng như các bà mẹ trần gian dạy dỗ, sửa trị con cái mình, để cho họ nên người, nên người biết con đường phải để theo, con đường trái để tránh, nhất là trên con đường thiêng liêng đầy cạm bẫy của cám dỗ, của sức mạnh hỏa ngục...Tất cả những đòi hỏi mà Mẹ mong chờ nơi con là tôi-luyện cho con được như vàng ròng, loại bỏ hoàn toàn những kim khí khác lẫn trộn vào. Mẹ là người hướng dẫn con trên đường thiêng liêng để con trở nên một Nữ tu hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa và mẹ Maria cũng như cho các linh hồn.

   Lúc 14 tuổi con đã được một hồng ân không thể tưởng tượng được, người Mẹ thiên thai đã chọn con trong muôn một đứa trẻ khác, có khi đạo đức hơn con. Nhưng hồng ân Thiên Chúa ban cho ta vì lượng hải-hà của Người, chứ không phải vì tài cán đức-độ của mình. Vì thế con đường tu luÿên nhân đức của con để xứng đáng Nước Trời còn dài, còn rộng, còn thênh thang.

   Nhưng tu viện không phải là Nhà tù, Lề luật không phải là gò bó ép buộc. Con tự ý tự nguyện sống ở tu viện hay tuyên lời khấn hứa... Nếu con không muốn, thì ngay tức khắc, con có thể rời ngôi nhà này, và rời bỏ áo Dòng. Mẹ hay Mẹ Giám tập không ai phiền trách gì con! Tu viện không phải là một đại gia đình của sự thống khổ, đớn đau, ép buộc; trái lại, đó là nơi chan chứa niềm vui tự nhận, vượt lên trên hết những niềm vui thế trần.

   Và để kết thúc buổi gặp gỡ này, Mẹ chúc con chuẩn bị sốt sắng cho ngày mai là Ngày lễ Mặc Áo Dòng! »

   - Con xin cám ơn những lời vàng ngọc mà Mẹ chỉ dạy, và hứa sẽ tuân theo. 

   Bầu không khí ban mai yên tĩnh và mát mẻ của NEVERS như chào mừng ngày Lễ MẶC ÁO DÒNG của 22 chị thỉnh sinh.

   Đó là ngày 29 tháng Bảy 1866, chỉ gần ba tuần lễ sau khi Bernadette đến tu viện St-Gildard. Thời gian thỉnh-sinh của Bernadette được rút ngắn lại... Có lẽ Bề trên cho những năm tháng Bernadette ở Dưỡng Nhi Viện các Bà ở Lộ Đức (1863-1866) đã là thời gian thử thách khá đầy đủ, hoặc vì lòng mến-phục đức hạnh của người « con cưng » của Đức Trinh Nữ làm cho Nhà Dòng dành cho chị ơn huệ đặc biệt ấy.

   Tiếng chuông vang rền như thôi thúc nhịp bước của các chị trẻ tuổi, đang nhanh chân xuống lầu để tiến về ngôi Nhà thờ bề thế của Dòng xây cất ngay trong sân, mở rộng cửa cho bổn đạo đến dự lễ. Trời chưa sáng mà nhà thờ đã chật ních bổn đạo. Một số đông khác, nhờ thời buổi hè nắng, vây chặt ở trước cửa nhà thờ như để đón trước đoàn kiệu sẽ băng qua Vả lại cũng để được trông thấy Bernadette đi cùng với các chị thỉnh sinh.

   Đoàn kiệu từ trong Tu viện đi ra. Ai nấy nhôn nhao, dành chỗ tốt để trông thấy Bernadette cho được. Nhưng trong y phục của thỉnh sinh, từ ngoài nhìn vào thì chị nào cũng giống chị nào, không phân biệt được. Nhưng họ cũng đoán được đâu là Bernadette, qua dáng điệu, cách đi đứng, cách cầm chuỗi, môi miệng mấp máy đọc kinh...

   Đi đầu là thánh giá đèn chầu. Kế sau là 22 chị thỉnh sinh đầu đậu voan trắng rồi đến các nữ tu của Dòng và một số nữ tu quan khách được mời về tham dự. Rồi đến các Mẹ Bề trên. Cuối cùng là vị Giám mục trang nghiêm trong phẩm phục với gậy chủ chăn cầm tay, từ từ cất bước và tay ban phép lành cho bổn đạo. Có Cha Tuyên úy của Dòng và một linh mục phụ lễ tháp tùng.

   Đoàn kiệu tiến vào thánh đường. Mọi người đứng dậy. Các chị tiến đến bàn thờ thì rẽ ra hai hàng để đi đến dãy ghế dành riêng cho mình, ngồi theo thứ tự đã được chỉ định. Bernadette được sắp đặt quỳ ở hàng ghế thứ hai, phía ngoài cùng. Làm như thế, để tránh cho bổn đạo khỏi tò mò, phần khác để gìn giữ chị trong đức khiêm nhu. Vì dẫu sao, Mẹ giám tập không hề quên tìm mọi cách để cho chị khỏi tự đưa mình lên, tuy rằng suốt những ngày tháng trong Dòng, chưa có chị nào thấy Bernadette cho mình hơn chị em vì đã thấy Đức Mẹ. Trái lại, chị luôn xem đó là một đặc ân Đức Mẹ ban cho chị, chứ thực ra chị cũng không hơn gì ai. Hơn nữa, chị còn tự hạ mình và nói: « nếu Đức Mẹ tìm được cô bé nào thấp hèn hơn tôi thì Người đã không chọn tôi ».

   Tiếng cung đàn trên tầng đờn đã trổi lên hân hoan chào đón. Vị Giám mục bước đến trước bục bàn thờ. Ngài trao gậy chủ chăn cho Cha phụ lễ, rồi quỳ ở cấp bục cuối cùng, và cất cao lời kinh cầu Thánh Linh xin Người đổ ơn xuống cho đoàn thỉnh sinh mặc áo Dòng hôm nay: VENI CREATOR SPIRITUS. (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm...) Cả nhà thờ cũng họa theo lời vị chủ chăn. ..

   Riêng Bernadette thì chị không thể không nghĩ đến giờ phút xưa kia quỳ trước hang đá Massabielle, nhìn thấy Đức Mẹ và đám đông xung quanh cũng cất lời hát, hòa với tiếng kinh lần hạt.Có khác chăng là xưa kia,không có bàn thờ, không có vi chủ chăn, không có các chị thỉnh sinh đồng khóa...Nhưng xưa cũng như nay, Bernadette tin rằng Đức Mẹ Vô Nhiễm vẫn có mặt, cũng đang đưa mắt âu yếm nhìn chị, và như nói với chị: « Con yêu dấu, hôm nay là chặng đường thứ nhất con phải tiến, hôm nay là ngày con được thỏa nguyện ước mơ sống chôn vùi trong tình yêu chí thánh ».

   Sau kinh cầu, ngài bước lên cấp bàn thờ.Hai vị phụ lễ về chỗ ngồi dành riêng. Rồi vị GM, ngồi trịnh trọng, quay mặt lại nói với các thỉnh sinh :

   « Các con thân mến,

   Hôm nay là ngày vui mừng và là ngày trọng đại của Nhà Dòng và nhất là của các con. Các con đã quyết tâm giã từ gia đình, bạn hữu, thế gian để chọn Chúa GIÊSU làm Bạn tình. Các con sẽ đem sức hăng say của tuổi trẻ để đeo đuổi đời sống tu trì trong tu viện NỮ TU BÁC ÁI NEVERS này, dưới sự hướng dẫn của những Mẹ Bề trên dày kinh nghiệm tu đức... Để trở nên xứng đáng là bạn tình của Giêsu, các con sẽ được mang một TÊN MỚI, tên mới sẽ nhắc cho chúng con đã xa lánh trần gian, để sống đời sống mới, đời sống đức tin, đời sống tình yêu chí thánh, tình yêu Mẹ Maria.

   « Cha vui sướng hiệp ý cùng cha mẹ ruột thịt hay thiêng liêng cuả các con, anh em, bạn bè chúng con cũng như anh chị em tín hữu có mặt hôm nay để cầu xin Chúa đỡ nâng và ban sức mạnh cho chúng con thực hiện được ý định ngay lành đó. Cha cũng biết, có người trong chúng con, không được may mắn và hân hạnh có người cha hay người mẹ đến dự lễ Mặc Áo Dòng này, vì họ ở quá xa, và có khi không có tài chánh và phương tiện để ra đi một chuyến xa đến thế. Đối với những người đó, Cha xin họ hãy can đảm lãnh nhận nỗi đau buồn thắm thiết đó như một sự hy sinh đầu tiên dâng lên cho Bạn tình là Giêsu.

   « Thực ra không hẳn là của lễ hy sinh đầu tiên, nhưng khi đành từ giã mẹ cha ra đi, dâng mình vào tu viện, các con cũng đã làm một sự hy sinh to lớn đầu tiên rồi. Nhưng các con đừng quên, tuy ở phương xa, những người thân yêu của các con cũng sẽ hiệp lời cầu nguyện và dâng thánh giá xa lìa đó lên cho Thiên Chúa. Họ hiệp của lễ đó cùng với món quà họ dâng lên Thiên Chúa từ đầu là chính việc dâng chúng con vào đời sống tu viện »

   Một vài thỉnh sinh sụt sùi, nước mắt như chạy quanh gò má, khi nghe những lời chân thành cao cả đau thương đó, nhưng họ đã kềm chế được... Trong số đó, thiết tưởng không hẳn là không có Bernadette!

   Rồi vị Giám mục kêu tên từng người. Dĩ nhiên ai nấy đều trông chờ đến lượt Bernadette.

   Khi nghe gọi « Soeur Marie-Bernard », tên mới trong Dòng của Bernadette, chị khiêm tốn rời khỏi hàng ghế, từ từ tiến tới trước mặt vị Giám mục,quỳ hôn nhẫn ngài. Tất cả mọi con mắt trong nhà thờ đều đổ dồn về chị nữ tu thấp nhỏ ấy. Mẹ Bề trên Imbert Joséphine, tiến ra đứng bên cạnh chị Marie-Bernard, tay cầm voan mới, đen tuyền, để trao cho vị GM phủ lên đầu cho Marie-Bernard để biến chị thành một nữ tu của Dòng thánh.

   Ngài vừa trao voan vừa nói: « Hỡi MARIE-BERNARD, con hãy nhận lấy khăn voan mới này mà Chúa Giêsu khoác lên cho con. Xin Người biến con trở thành con cái Dòng thánh. Con hãy sống theo Luật Dòng, và theo tinh thần thánh thiện và công chính của Đấng đã tạo dựng con người tinh tuyền từ thưở ban sơ... »

   Marie-Bernard hân hoan và sung sướng đỡ lấy và hôn kính y phục mới.Khăn voan đen tượng trưng cho lòng can đảm chết cho thế gian, tội lỗi, mà chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Về sau, chị nói: « Chúa Giêsu chỉ muốn ta thuộc về một mình Ngài thôi.  »

   Bernadette sau khi được khoác voan đen tinh tuyền, từ tốn trở về chỗ cũ, các chị khác cũng luân phiên lên nhận voan mới và tên thánh mới.

   Sau lễ nghi, cả Nhà thờ như xôn xao trước cảnh tượng vừa đẹp mắt, vừa cảm động. Các thỉnh sinh, voan trắng, nay trở thành nữ tu với voan đen tuyền, nghiêm trang trong y phục mới..., bỗng đứng lên rồi lần lượt ra khỏi hàng ghế đi « áp má » chia vui với các vị Bề trên, chị em trong Dòng,rồi đến thân quyến, bạn hữu có mặt. Trong khi đó thì các Bà hợp với tiếng dương cầm trên tầng đờn, cất lời hát bài Thánh vịnh 132 bất hủ : Ca khúc lên Đền của Vua Đavít.

 Hạnh phúc tốt đẹp lắm thay

 chị em chung sống với nhau một nhà,

 như dầu quý đổ trên đầu

 xuống râu xuống cổ áo chầu A-a-rông,

 như sương từ đỉnh Khéc-môn

 tỏa trên đồi núi Xi-on lan tràn.

 Nơi đây ân huệ CHÚA ban,

 chính là sự sống chứa chan muôn đời.

   Bao người chen lấn để được đến «áp má » Marie-Bernard - cơ hội ngàn vàng - tương tợ như đoàn người, tám năm về trước, sau khi Bernadette ở hang Massabielle về, đã vây chặt căn nhà tồi-tệ tối-tăm ở đường Petits Fossés, để « đụng » đến cô bé, để xin cô bé « làm phép » xâu chuỗi họ mang theo. Có khác chăng là giờ đây đoàn người có đến vây kín Bernadette thì cũng còn trong vòng trật tự!

   Thế rồi đâu lại vào đấy.C ác chị tân-y trở về chỗ cũ, tham dự thánh lễ. Lời cuối cùng với phép lành của vị Chủ tế: « Lễ xong, các con hãy ra về »như cầu chúc các chị mạnh dạn lên đường hoạt động tông đồ cho Nước Chúa...

   Không những Nhà Dòng mà cả bổn đạo tỉnh Nevers nhỏ bé đã sống một ngày rất đầy đủ. Thiết tửơng không còn mơ ước nào hơn!

   Bữa cơm trưa hôm ấy tại Nhà Cơm tu viện thực vui như ngày hội. Nhà cơm của tu viện rộng lớn, hàng chục bàn được kê san sát vào nhau, các cánh cửa sổ lớn được mở rộng ra đón lấy ánh sáng làm cho căn phòng như thêm rộng rãi. Các ghế ngồi đều chật cả, vì không những sĩ tử trong Dòng mà còn quan khách của các Dòng khác được mời đến nữa. Các chị được nói chuyện lúc ăn cơm trưa hôm ấy, vì trong tuần, trừ các ngày Lễ lớn, các nữ tu ăn cơm trong yên lặng, ai nấy lắng nghe người đọc sách thiêng liêng ngồi trên bàn nhỏ đặt giữa nhà. Trước khi được khởi sự nói chuyện, ai nấy lắng nghe chị đọc sách đọc một đoạn Phúc Âm, rồi Mẹ bề trên chủ tọa ra hiệu ngừng bằng một tiếng chuông nhỏ. Chị đọc sách xướng lên:

   - Ngợi khen Chúa Giêsu và Đức Bà Maria.

   - Bây giờ và đời đời Amen. Tất cả đồng thanh đáp.

   Thật hạnh phúc cho chị tân-y nào được ngồi gần chị Marie-Bernard hôm ấy ở phòng cơm. Vì kể cả trong bữa cơm, Bernadette luôn vui tính, hồn nhiên. Chắc các chị không quên nhắc lại một hôm kia, có một chị khi ăn đã ghim trật một miếng cà rốt trên dĩa mình, làm cho nó văng ra, lăn tròn chạy dài trên bàn. Thấy thế, Bernadette đã phải « ôm bụng » cười rất lâu..., tuy rằng sau đó, chị phải đi xin lỗi Bề trên.  

   Marie-Bernard ngồi ăn giữa căn phòng rộng rãi, sáng sủa với những thức ăn tương đối đầy đủ... nhưng lòng trí lại gợi đến những năm tháng ở nhà với cha mẹ, em dại. Chị nhớ đến bà mẹ bấy lâu đầu tắt mặt tối để kiếm miếng cơm cho gia đình, cho đàn con vừa đông vừa gầy yếu; nhất là cho mình có được miếng bánh mì mềm tốt, vì mình ho hen yếu sức cần được bổ dưỡng!

   Chị nghĩ có lẽ mình có lỗi với mẹ cha, đã bỏ gia đình, bỏ đàn em nhỏ, vào tu viện cho cuộc sống mình được an toàn. Nhưng rồi chị nghĩ đó cũng là vì chị đã hành động theo Thánh Thần thúc đẩy trong tâm can, có muốn chống lại cũng không được, tương tợ như xưa kia, chị không muốn ra hang đá nữa để vâng lời mẹ cha ngăn cấm, nhưng có lúc không thể kìm hãm được dưới sự thúc bách trong tâm tư để phải ra hang đá. Thánh thần thổi đâu tùy ý!

   Thế rồi, khi mọi người ăn uống xong, Mẹ Bề trên chủ tọa bấm cái chuông nhỏ để trên bàn báo giờ cơm đã chấm dứt. Và cũng chấm dứt luôn giòng tư tưởng của chị Marie-Bernard đang quay về lại những ngày bên mẹ cha!

   Các chị đứng dậy đẩy ghế vào, rồi đọc kinh cám ơn sau khi ăn. Sau đó ra sân của tu viện giải trí!

Chương 19 : Vị Giám mục tất tưởi trong đêm trường

Một giờ sáng! Trên con đường vắng tanh, dưới ánh đèn lờ mờ của thành phố Nevers, một người đàn ông ngồi thu mình trên chiếc xe ngựa. Áo choàng rộng bị gió thổi tung lên. Người phải đưa cả hai tay để đè lên và giữ cái nón rộng vành khỏi bị gió thổi bay. Chính nhờ cái nón rộng vành ấy, với sợi giây màu tím, mà người ta nhận ra đó là Đức cha Forcade, GM địa phận Nevers.

   Cho dù bác tài có cho ngưạ cất vó nhanh, thì cũng phải mất một thời gian khá lâu mới đến Tu viện St-Gildard. Vị GM lo sợ rằng khi đến nơi thì quá muộn! Người ta đã phải đánh thức ngài dậy giữa đêm khuya là thế.

   Vì trước tình trạng cực kỳ khẩn cấp của nữ tu trước kia đã thấy Đức mẹ hiện ra tại Lộ Đức, thì việc có mặt của một vị giám mục, xét ra rất đỗi cần thiết. Hơn nữa, kinh nghiệm cho ta biết rằng, trước giờ chết của một tâm hồn được trời cao ban ân sủng, có thể có nhiều phép lạ diễn ra. Hơn nữa, chính vị GM địa phận lại phải có mặt tại giường kẻ được ân sủng sắp qua đời, để biết đâu, đón nhận những lời trăn trối hay bày tỏ ý muốn của Thiên Chúa cho ngài. Bernadette, trước giờ hấp hối, có thể bày tỏ cho ngài biết thêm về việc Đức Mẹ hiện ra, hay chị muốn rút lại những lời xưa kia đã nói, đã quả quyết! Chưa kể rằng chính ngài là người đã nhất quyết đưa Bernadette vào tu viện Nevers, cũng như đã trao voan tập sinh cho chị là Marie-Bernard!

   Lúc xe ngừng trước cổng tu viện, ngài bước xuống xe, thì Mẹ Bề trên đã chực sẵn ở đó. Hai người cùng đi vào nhà, cùng đối đáp. Đức cha lo lắng, hỏi trước:

   - Tình trạng bệnh nhân ra sao, Mẹ bề trên?

   Mẹ bề trên vốn là người bình tĩnh, cũng cảm thấy bối rối trước câu hỏi đó... Chiếc đèn Bà cầm trên tay chiếu ánh sáng màu vàng nhạt lên gương mặt đầy vẻ lo âu của Bà:

   - Thưa Đức cha, bác sĩ đã tuyên bố: « Không còn chút hy vọng nào nữa! »

   - Ôi hỡi Mẹ Thiên Chúa, đây là một cuộc thử thách lớn chưa từng thấy. Mẹ bề trên đã làm gì cho bệnh nhân chưa?

   - Thưa Đức cha, đáng lẽ Marie-Bernard rước MTC như của ăn đi đường cách đây một tiếng đồng hồ rồi. Nhưng chị cứ nôn mửa, không thể cho chịu MTC được. Vì vậy cha Tuyên Uy chỉ xức dầu kẻ liệt cho chị.

   - Chị còn tỉnh táo hay là bất tỉnh nhân sự ?

   - Thưa Đức cha, chị rất yếu ớt, nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn.

   Đức cha đi vào phòng khách, cởi áo choàng, ngồi xuống ghế để lấy laị sức:

   - Làm sao một sự việc như thế lại có thể xảy ra được? Mẹ giám tập đã đối xử quá nghiêm khắc chăng, cho nhiều hình phạt thể xác quá đáng chăng?

   Mẹ bề trên kính cẩn thưa:

   - Thưa Đức cha, Mẹ Giám tập và con đã đồng ý với nhau là đối xử khắt khe với nữ tu Marie-Bernard để uốn nắn tâm hồn người, nhưng tất cả cũng ở trong vòng lề luật Dòng. Vả lại, theo lời khuyên của bác sĩ thì chúng con đã để cho chị phụ giúp Nhà bếp. Đâu có gì là nặng nhọc. Chính chị cũng vui sướng bằng lòng công việc ấy.

   Đức cha thở dài:

   - Thực tôi cũng không ngờ được, không hiểu được sự việc xảy ra, khi nghĩ rằng người ta đã giao phó Bernadette cho chúng ta chưa đầy một năm, mà chúng ta đã... Toàn thế giới đang hướng mắt theo dõi cuộc sống của Bernadette.

   Xin Mẹ bề trên hãy tưởng tượng xem, những hậu quả rất nghiêm trọng sẽ xảy ra, nếu Bernadette qua đời một cách quá sớm! Miệng lưỡi của bao nhiêu kẻ thích đàm tiếu, phóng đại. Ngòi bút của các nhà báo thích săn tin giật gân, tha hồ mà thêu dệt. Và rồi những suy đoán, những ngờ vực rất nặng nề sẽ đổ lên đầu chúng ta. Đức Cha Laurence, GM địa phận Tarbes, người bạn thân tình của tôi, là một người lớn tuổi đáng kính, nhưng rất cương quyết...

   Không muốn nói hết câu, Đức cha yêu cầu được đưa vào Phòng bệnh nhân.

   Bernadette đang nằm bất động trên giừơng trong góc tường phía bên tay phải lúc đi vào. Gương mặt co rúm lại, sau nhiều lần ho xuất huyết và nôn mửa liên miên. Hơi thở thì ngắn và hổn hển, đến nỗi người ta tưởng cơn hấp hối đã bắt đầu. Đôi mắt vẫn trong sáng, nhưng có cái nhìn xa xăm, như hướng về một cõi huyền bí nào.

   Bác sĩ đang theo dõi nhịp tim đập. Cha Linh hướng cùng một số nữ tu đang quỳ chung quanh, thì thầm đọc kinh cầu nguyện cho kẻ sắp qua đời. Mẹ Giám tập trong trạng thái rất căng thẳng, đứng cứng đờ, hai tay chắp lại, nét mặt nhợt nhạt, đôi mắt sâu thẳm, hướng nhìn Bernadette.

   Ngài đến gần và nhẹ đặt tay lên tay Marie-Bernard:

   - Con có thể hiểu lời Đức cha nói không?

   Chị gật đầu, tỏ ý hiểu lời ngài nói.

   - Con có ước muốn bày tỏ điều gì với vị Giám mục của con không?

   Chị lắc đầu chậm rãi.

   - Con có sức để nói không?

   Chị lắc đầu rất nhẹ. Đức cha quỳ xuống rồi đọc một vài kinh nguyện.Rồi ngài đứng lên, rất xúc động. Ngài yêu cầu Mẹ bề trên dọn cho ngài một phòng để có lẽ ngài phải qua đêm ở đây.

   Trong khi đó thì Mẹ giám tập đến gần Đức cha và thưa với ngài:

   - Thưa Đức cha, có lẽ Đức Trinh Nữ sẽ không hài lòng chúng ta, nếu phải đón nhận tâm hồn nữ tu được tuyển chọn này, trong khi người chưa tuyên Lời Khấn Dòng. Con mong ước cho chị Marie-Bernard được tuyên Khấn trọn đời trong Dòng trước khi nhắm mắt, có được không, thưa Đức cha?

   - Được lắm. Vị GM có đặc quyền nhận lời khấn của người tu sĩ sắp từ trần gọi là Khấn in articulo mortis.

   Đức cha cúi xuống rất sát trên gương mặt nhợt nhạt của Marie-Bernard và nói nhỏ:

   - Cha sẽ khởi sự đọc LỜI KHẤN Dòng ngắn gọn đặc biệt cho con. Nếu con đồng ý thì chỉ cần gật đầu nhẹ là đủ. Đức Trinh Nữ sẽ rất vui mừng khi đón nhận con.

   Đức Giám mục bắt đầu, trong những điều kiện hết sức đặc biệt và ngoại lệ của Nghi lễ khấn trọn đời trong Dòng. Phòng Y tế lúc ấy chật ních cac nữ tu đang quỳ tham dự và cầu nguyện.

   Ai nấy tỏ ra vui sướng và nhẹ nhỏm khi thấy chị Marie-Bernard đã gật đầu tỏ ý chấp nhận Lời Khấn lúc vị Giám mục đọc xong Lời tuyên khấn và trao Tượng chuộc tội cho chị. Sau đó, vị bác sĩ cho bệnh nhân uống vài giọt nước. Đức cha nhìn bác sĩ như thầm hỏi: « Còn bao nhiêu lâu nữa? ». Bác sĩ tỏ ý thất vọng và hoàn toàn vô tin tưởng!

   Nữ tu Marie-Bernard yếu dần... rồi bỗng nhiên, thở hổn hển rất mạnh. Ai cũng nghĩ đây là giây phút lâm chung, linh hồn sắp lìa khỏi xác. Cha Linh hướng và các nữ tu tăng gia lời cầu nguyện cho kẻ sắp lìa đời. Có một vài chị quá xúc động, khóc thút thít...

   Mẹ Bề trên đến gần Bernadette cố ý chờ chị trút hơi thở cuối cùng để được vuốt mắt cho chị, cặp mắt đã được hồng ân nhìn ngắm Đức Mẹ dưới đất...

   Nhưng lạ lùng thay đó không phải là hơi thở cuối cùng, mà là hơi thở đầu tiên của sự hô hấp bình thường trở lại, sau cơn biến chứng rất nặng của bệnh suyễn.

   Rồi Marie-Bernard tỉnh táo, sắc hồng trên mặt dần dần trở lại như người vừa ngủ dậy. Mẹ Bề trên giật mình, kinh ngạc, thì Marie-Bernard đã nói :

   - Mẹ cho kêu Đức cha để con khấn Dòng vì Mẹ sợ con chết tối nay phải không? Thế thì con nói thật với Mẹ là tối nay con chưa chết đâu!

   Mẹ Bề trên sững sốt và tức bực, nửa đùa nửa thật, đáp ngay:

   - Thực con là đứa bé ngu xuẩn! Mẹ tuyên bố là nếu sáng mai mà con chưa chết thì Mẹ sẽ lấy lại khăn voan của người tân khấn. Mẹ sẽ bắt con vào Tập viện với khăn voan của người thỉnh sinh! Con nghe rõ chưa?

   Nghe tiếng Bernadette đối đáp với Mẹ bề trên, các chị vội vàng chạy lại. Soeur Emélie ngạc nhiên hỏi Bernadette:

   - Chị làm sao thế?

   -Có sao đâu, Bernadette trả lời. Chúa chưa muốn em về. Em đã đến trước cửa Thiên đàng, nhưng Chúa nói: « Về đi. Còn sớm quá! »

   Chị còn nói với nữ tu Louise: 

   - Em còn nhiều khuyết điểm quá, Chúa chưa muốn đón em..

   Nhưng Chúa lại muốn đón nhận một Louise khác là Louise Castérot, mẹ của Bernadette. Bà qua đời vì quá yếu mệt trong cuộc đời vất vả. Lúc ấy mới 41 tuổi, nhưng đã 9 lần sanh nở, và chỉ còn lại 4 đứa con ! (1)

   Theo giáo luật, Lời Khấn in articulo mortis sẽ không có giá trị nữa, nếu đương sự, sau khi Khấn mà không qua đời. Vì thế, Nhà Dòng muốn cho Marie-Bernard dâng lại Lời Khấn cách công khai với chị em tập sinh một khi mãn Nhà tháng 10 năm sau.

 

(1) Chú thích: Vợ chồng François Soubirous có 9 người con:

1- Bernadette (7-1-1844 / 16-4-1879).

 2- Jean (13-2-1845 / 10-04-1845)

 3- Marie-Toinette (19-9-1846 / 13-10-1892).

 4- Jean-M.(10-12-1848 / 4-1-1851).

 5- J-Marie(12-5-1851 / 27-2-1919)

 6- Justin (28-2-1855 / 1-2-1865).

 7- Bernard-Pierre (10-9-1859 / 2-2-1931).

 8- Jean Soubirous (4-2-1864 / 11-9-1864)

 9- Một bé gái sinh năm 1866, sống chỉ được vài phút

Chương 20 : Lễ Khấn dòng : Marie Bernard vào đời tận hiến

Một trong những ngày lễ tươi đẹp nhất của đời tu Dòng, nhất là đối với Bernadette, chính là ngày LỄ KHẤN DÒNG.Ngày mà vị Giám mục, thay mặt Giáo Hội, nhận lời Khấn Dòng của ngừơi nữ tu để họ được thuộc trọn về Nhà Dòng và với Chúa. Đó là ngày 30 tháng 10, 1867 tại Nevers.

   Gần ba tháng trước đó, khi ngồi trên xe ngựa giã từ hang đá Massabielle thân yêu để lên đường về Nhà Dòng Nevers, Bernadette đã mơ màng nghĩ đến ngày hôm nay, ngày được thuộc trọn về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và khi đã quyết định xin vào dòng ở Nevers, Bernadette đã viết thư cho Mẹ Bề trên tu viện tỏ niềm hân hoan và nỗi mong chờ: « Ôi! Thưa Mẹ thân yêu, con mong chờ đến ngày đẹp nhất mà con được hạnh phúc vào Tập Viện, vì có lẽ đó là thiên đàng thực sự dưới thế! »

   Trước thời kỳ tuyên khấn, các chị tập sinh đã theo dõi chương trình tu đức ở Tập-viện, trong vòng một năm, dưới sự hướng dẫn của mẹ Giám tập Thérèse Vauzou, một nữ tu dày kinh nghiệm hướng dẫn về đường tu đức, thông hiểu những uẩn khúc của các tâm hồn tập sinh. Vì các chị còn non yếu trên đường tu đức, như thể chim non còn yếu cánh, chưa tung được ra ngoài trời đầy sương gió thử thách.

   Thử thách về sau họ sẽ gặp hay không, họ chưa biết hay chưa nghĩ tới; nhưng bấy giờ, trước ngày sắp tuyên khấn, họ rất xúc động.Trong khung cảnh vắng lặng của Nhà nguyện Tập viện ở trên lầu cao, họ đã theo Mẹ Giám tập hướng dẫn tập dượt về buổi lễ tuyên khấn để làm quen với nghi lễ hoàn toàn mới lạ với họ. Nào phải đi lên, đi xuống, rẽ hàng phải hàng trái làm sao cho đồng nhịp, lúc nào quỳ lúc nào đứng... Tâm tư họ xao xuyến với bao ước mơ... Rồi những lúc được vào Phòng may Nhà Dòng để ướm thử áo Dòng, voan mới, học cách ăn mặc áo Dòng, gài voan lên đầu... tương tợ như cô dâu được sửa soạn trước ngày lễ cưới.

   Họ không thể là không hồi hộp vì bấy giờ là phần thưởng của cả một năm Tập viện, năm học hỏi về tu đức, sau những tháng ngày cầu nguyện để đeo đuổi ơn gọi. Một số đông vào Dòng lúc còn non trẻ, riêng Bernadette thì gọi là « tu muộn » vì chị vào Dòng lúc 22 tuổi, tuổi đầy nhựa sống và đầy hứa hẹn tương lai của cuộc đời người thiếu nữ...

   Mấy tháng trước đó, Mẹ Giám tập đã gửi đơn lên Mẹ Tổng Quyền để lãnh ý kiến xem các chị tập sinh được khấn hết hay không. Năm vừa rồi, có chị đã phải trở về lại gia đình, vì lý do sức khỏe,hoặc vì Bề trên xét không có ơn gọi. Được biết thế, các chị tập sinh càng gia tăng lời cầu nguyện, việc hãm mình riêng để xin ơn được Khấn Dòng.

   Thế rồi, một hôm kia, đang giờ chơi tại sân rộng lớn của Nhà Dòng, Mẹ Giám tập vỗ tay ra hiệu tụ họp các tập sinh lại.  Các chị chưa hiểu vì sao. Mẹ Giám-tập vui vẻ tuyên bố về kết quả xin đơn Khấn. Mọi người đều đón chờ lời tuyên bố... Lời đó chỉ vỏn vẹn có ba tiếng: ĐƯỢC KHẤN HẾT!

   Nghe thế, các chị reo vui. Họ thở ra nhẹ nhỏm. Sau bao tháng chờ mong! Niềm hân hoan hiện rõ trên nét mặt mỗi người, nhất là trên gương mặt bầu bĩnh hiền dịu của Bernadette. Có niềm vui nào thanh cao hơn, có niềm vui nào chân thành và sung mãn hơn. Sung sướng hơn cả niềm vui của kẻ đi thi mà trúng giải, của người lực sĩ chạy đua mà về nhất... vì là niềm vui thanh khiết và cao cả!

   Còn gì sung sướng cho người tu sĩ bằng khi được KHẤN DÒNG. Bao lời giảng dạy về lợi ích thiêng liêng của việc Khấn Dòng, bao lời cầu nguyện của Nhà Dòng, của những người ân nhân, hay những kẻ thân yêu cho người tu sĩ được giây phút linh thiêng đó! Thánh An-Phong đã nói: « Khấn Dòng là như chịu Rửa tội lần thứ hai ». Còn mơ ước nào bằng!!!Bao nhiêu ơn Chúa đổ xuống, tâm hồn được thanh tẩy, tương tợ như đón nhận giọt nước thánh xóa bỏ hết mọi tội lỗi cuả mình, những tội phạm trước mặt mọi người, nhất là những tội phạm trước mặt Chúa mà chỉ một mình Chúa biết...

   Bernadette có tâm hồn trong trắng, có lẽ không cần ơn ích đó, nhưng khấn Dòng đối với chị lại là cả một việc hệ trọng: được thuộc về Dòng thánh, được bao ơn ích sống mật thiết hơn với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Người đã nói một cách chân thật và hồn nhiên trong trắng, sau khi Khấn Dòng lúc lâm chung: « Bây giờ tôi thuộc về Nhà Dòng, không ai có quyền đuổi tôi về được nữa. »

   Sự chuẩn bị gần nhất và trực tiếp nhất là ba ngày tĩnh tâm trước ngày lễ, do Cha tuyên úy phụ trách.

   Ngài nhắc đến ý nghĩa của Ngày Khấn Dòng.Khấn Dòng tức là bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới là đức GIÊSU, Bạn của người nữ tu. Lời ngài trầm trầm mỗi buổi sáng vào buổi suy gẫm trước giờ cử hành thánh lễ như đã rót vào tai các chị, ngọt ngào như lời một bà mẹ thiết tha khuyên con, mong cho con chóng thành người, người có đức độ, ngoan ngoãn vâng theo tiếng gọi của Thánh Linh. Về sau, Bernadette đã nói về những buổi suy gẫm đó là « những lời đi thẳng vào tim người nghe ».

   Lời của ngài cất lên lúc tinh sương, giữa bầu khí im lặng hoàn toàn và trang nghiêm của ngôi Nhà nguyện nhỏ xinh của Tập viện đã làm cho họ chìm trong lời nguyện sốt sắng, trong sự sẵn sàng hy sinh để làm bất cứ việc gì để đổi thay,để cởi bỏ con người cũ. Bấy giờ, không có một sức gì có thể lôi cuốn họ được, ngoài sự dấn thân cho Giêsu Tình Yêu. Lẽ sống của họ là ở đó, hạnh phúc cuả họ ở trần gian và ngày sau là ở đó. Dieu seul! Chỉ có Giêsu, và Giêsu Bạn lòng mà thôi !

   Ba ngày tĩnh tâm trong trạng thái hăng say đó, trôi qua nhanh, quá nhanh, tuy các chị phải hoàn toàn giữ im lặng suốt ngày, không trao đổi với ai một lời. Đêm áp lễ, có lẽ không chị nào lại không chập chờn, khó ngủ. Cả một khúc phim cuộc đời mỗi người đã quay lại một cách rõ rệt. Riêng Bernadette, chị không thể không hình dung lại những ngày được hồng ân thấy Đức Mẹ hiện ra, lòng trí chị vẫn còn quay về với Hang đá mà chị gọi là « ma chère grotte » (hang đá thân yêu của tôi).

   Làm sao chị có thể quên đựơc nụ cười hiền dịu và thần tiên của Bà áo trắng, hiện ra như một cô gái nhỏ, đã hơn một lần nghiêng xuống trên mình.Nhất là vào giờ phút từ- biệt:Bà hiện ra từ đàng xa như nhắc cho Bernadette biết con đường tiến đến với Bà là phải qua những chặng đường dài hy sinh, vui chịu cuộc khổ đau của cuộc đời trần thế.Lời Bà căn dặn vẫn còn như văng vẵng bên tai: « Mẹ không hứa là con sẽ được sung sướng ở đời này đâu, mà ở đời sau...! »

   Trời mới có 6 giờ sáng, mà nhà thờ đông người, không còn một chỗ trống. Ai nấy cũng muốn trông thấy chị Marie-Bernard lên đọc lời khấn Dòng. Ai nấy đều đứng dậy lúc vị Giám mục và hai cha phụ tế trong phòng thánh bước ra tiến về bàn thờ. Các chị tân khấn thì quỳ trên những dãy ghế dành riêng ở những hàng đầu. Những hàng ghế kế tiếp là những dãy ghế dành cho các nữ tu trong Dòng, và phía sau nữa là ghế dành cho cha mẹ, ân nhân bà con được mời. Các chị tân khấn thì ngồi theo thứ tự đã được chỉ định.Bernadette được sắp đặt quỳ ở hàng ghế thứ hai và ở ngoài cùng như lần Mặc Ao, cũng vì để gìn giữ chị trong đức khiêm nhu.

   Sau khi quỳ hát kinh Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm, vị Giám mục bước lên cấp bàn thờ. Hai vị phụ lễ về chỗ ngồi dành riêng.

   Rồi vị Giám mục ngồi trịnh trọng, quay mặt lại nói với các chị tập sinh:

   - Các con thân mến,

   Hôm nay là ngày vui mừng và là ngày trọng đại của các con và của Giáo hội. Sau một năm học hỏi Luật Dòng, nguyện cầu, thực tập nhân đức ở Tập viện, chúng con đã quyết tâm sẽ dâng Lời Khấn nguyền ở trong Dòng để tiếp tục con đường tu đức, nên thánh và làm việc tông đồ. Chúa Giêsu sẽ ban sức mạnh tình yêu của ngài cho chúng con để chúng con đi gieo rắc cho những người chung quanh mà các con sẽ gặp trên bước đường tông đồ sau này, theo đường lối của Nhà Dòng.

   Trong ba ngày tĩnh tâm vừa qua, các con đã nghe cha Tuyên Uy giảng giai về ý nghĩa ba lời khấn. Cha không muốn nhắc lại đây thêm nữa. Cha chỉ xin nói một lời là những Lời Khấn kia mà chúng con tự ý ràng buộc mình, nó không phải là sợi giây cầm giữ sự tự do của các con, của con người các con... trái lại nó là những thành trì, những hàng rào ngăn cản, hướng dẫn chúng con đi cho đúng đường lối Giáo hội trong tình yêu Chúa Giêsu và làm ích cho các linh hồn, nhất là cho những linh hồn tội lỗi. »

   Sau lời khuyên của vị Giám mục, các chị lần lượt lên dâng Lời Khấn. Dĩ nhiên ai nấy đều trông chờ đến lượt Bernadette

   Khi nghe gọi « Soeur Marie-Bernard », chị khiêm tốn rời khỏi hàng ghế ngồi, từ từ tiến tới trước mặt vị Giám Mục,quỳ hôn nhẫn ngài. Tất cả mọi con mắt trong nhà thờ đều đổ dồn về chị nữ tu nhỏ bé ấy. Mẹ Bề trên Imbert Joséphine, tiến ra đứng bên cạnh chị Marie-Bernard, chứng kiến Lời Khấn Dòng. Đức cha hỏi:

   - Hỡi MARIE-BERNARD, con xin gì cùng Hội thánh?

   - Thưa Đức cha, con khẩn nài Đức cha cho con được Khấn ở trong Dòng Nữ tu Bác ái Nevers này, mặc dầu con không xứng đáng được ân huệ này.

   - Con muốn trở nên một Nữ tu để được hưởng vinh dự trần gian, hay chỉ vì làm cho Thiên Chúa được sáng danh và con được hưởng phần linh hồn?

   - Thưa Đức cha, con chỉ có một mục đích là muốn tuân theo thánh ý tốt lành thánh thiện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà thôi.

   - Xin Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn con ý chí tốt lành thánh thiện đó, ban cho con được như ý.

   - Amen

   Rồi ngài trao tượng Chuộc tội và nói:

   - Con hãy nhận lấy tượng chuộc tội này như thuẫn đỡ trên đường tu đức sau này,và suốt cuộc đời tông đồ của con.

   Rồi như thấy trước sức khỏe yếu kém của Marie-Bernard, ngài ôn tồn nói :

   - Nếu sau này, vì đau ốm hay thiếu sức khỏe để thi hành đầy đủ việc tông đồ hay đi săn sóc bệnh nhân theo luật Dòng, thì con hãy tự an ủi mình là xưa kia Chúa Giêsu cũng đã bị treo trên thánh giá. Lúc đó, ngài như không làm gì được cả,nhưng đó chính là những giây phút ngày giờ đẹp lòng Chúa Cha hơn cả, và có giá trị cứu rỗi cả thiên hạ. »

   Chị đỡ lấy cây Thánh giá, hôn kính rồi thầm thỉ:

   - Lạy Trái tim Chúa Giêsu đã phải chịu đâm thâu qua, xin Chúa nhận lấy những đau khổ của con vì tật bệnh, vì nhớ nhà, xa nhà, xa quê, xa xóm làng... như những lời khẩn cầu tha thiết con dâng lên Chúa. Xin cho con được can đảm bỏ vương vấn trần gian, bền gan chịu đựng thánh giá Chúa gửi đến sau này. Tất cả chỉ vì tình yêu Giêsu và để cứu các linh hồn. »

   Sau đó vị GM tuyên bố: Giờ đây con hãy mạnh dạn tuyên lời Khấn Dòng.   

   MARIE-BERNARD đã đọc Lời khấn một cách mạnh dạn, rõ ràng, không nặng tình cảm. Bernadette dấn thân trong Dòng Nữ tu Bác ái Nevers theo bốn lời khấn của Dòng, thay vì ba Lời Khấn như hầu hết các Dòng khác. Đấng lập Dòng Nữ tu Nevers, Dom de Laveyne đã thiết lập vào năm 1682 thêm Lời Khấn thứ tư này là Lời Khấn Bác ái để các chị ý thức là trong sứ mạng tông đồ nên chú trọng đến nhân đức quan trọng của đạo Chúa.

   Nhưng một ít lâu sau, Tòa thánh La mã nhận thấy lời khấn thứ tư (Bác ái) không cần thiết, và không hợp Giáo luật, nên đã bãi bỏ, chỉ giữ ba lời khấn như hầu hết các Dòng tu. Đó là Lời khấn Khó nghèo, Khiết-tịnh và Vâng lời.

   KHÓ NGHÈO: Người nữ tu khấn giữ nhân đức Khó Nghèo, không phải vì ưa chuộng đời sống khổ cực, nhưng chấp nhận một đời sống từ bỏ quyền tư hữu, quyền làm chủ đồ vật, sự vật mà người ở đời rất ưa chuộng. Một đời sống không xây đắp trên giàu sang vật chất, không mơ ước tích của cải trần gian. Một đời sống dùng của cải trần gian như một phương thế cần thiết cho sự sống, để tâm trí khỏi bám vào đó mà sao nhãng của cải thiêng liêng vô giá và bền vững hơn: gia tài thiên quốc.

   Người nữ tu sống và dùng những gì Nhà Dòng cung cấp, để tâm trí khỏi bị chôn vùi vào đó như một số đông người thế, sống để lo làm giàu, tích của trần gian hư nát, có khi gây những vụ cướp giựt, đâm chém vì tham tiền, gian tham ham hố...

   Về nhân đức này, thì Bernadette đã có căn bản từ nhỏ. Trong khi nhà không có gì ăn, thiếu củi đốt, thiếu chăn bông mùa đông gía buốt... thế mà em không hề nhận một số tiền to nhỏ nào của kẻ tò mò đến nhà, khi nghe em nói thấy Bà áo trắng hiện ra. Ngay đứa em của mình khi người ta đến nhà, dúi đồng tiền vàng vào tay nó, bảo nó lấy chai ra hang đá múc nước suối, thì chị cũng bắt nó phải trả lại ngay!Khi mấy người em ở Lộ Đức mở tiệm bán ảnh đạo, chị cũng đã có lời căn dặn đừng ham buôn bán mà quên cả Chúa, Mẹ!

   KHIẾT TỊNH: Người nữ -tu tự ý khấn giữ đức trong sạch, dành tâm hồn và thân xác cho Thiên Chúa tình yêu chí thánh. Người có gia đình thì phải lo lắng cho chồng con, người nữ-tu tận hiến cho Chúa để lo mở mang Nước trời, dành tình yêu bao quát cho muôn người trong tình yêu chí thánh là đức Giêsu.

   Nhân đức này, Bernadette cũng đã có căn bản từ nhỏ.Người luôn nết na, đến nỗi khi phải lội qua suối lúc đi kiếm củi, Bernadette cũng đã nhìn trước nhìn sau, trước khi phải vén váy lên một ít để băng qua con lạch...Hơn nữa, tâm hồn của chị luôn trong trắng như bình pha lê, không một bóng dáng tội lỗi len lõi được vào tâm hồn của người con của Mẹ Vô Nhiễm!

   VÂNG LỜI: Người nữ -tu tự ý khấn giữ đức Vâng lời cấp trên, vâng theo Luật Dòng, từ bỏ ý riêng của mình mà tuân theo sự hướng dẫn của Bề trên là kẻ thay mặt Chúa để hướng dẫn mình... Bernadette có tính khí khái, nên nhiều khi cũng gặp khó khăn. Nhưng lần nào chị cũng cố gắng dẹp ý riêng mình mà tuân theo lời của Bề trên. Mỗi lần phải ra Nhà khách gặp các vị GM hay ân nhân Nhà Dòng, theo lời Bề trên, thì Bernadette cũng đã vui vẻ thi hành. Nếu được chọn lựa theo ý mình, thì, Bernadette đã nói, «em không ra. » Hoặc chị đã có cách tài tình để « thoát » êm thấm, như hai trường hợp dưới đây.

   Một hôm có một nữ bá tước đến nhà thờ để xin gặp Bernadette. Thấy một nữ tu nhỏ người, khiêm tốn ở trong nhà thờ đi về tu viện, nữ bá tước không thể ngờ đó là con người mình muốn gặp, nên đã nói:

   - Ma Soeur nói giùm là có một nữ bá tước muốn gặp Bernadette nghe.

   - Vâng, để tôi vào kêu Bernadette cho.

   Nhưng chị đã chuồn êm thấm...

   Lần thứ hai là lúc ở Tập viện, lúc nghe đọc sách về chuyện một nữ tu đang gặp Chúa Giêsu hiện ra, nhưng khi nghe chuông Nhà Dòng báo giờ đọc kinh chung thì chị đã để Chúa ở lại đó mà đi. Đọc kinh xong, chị trở lại thì Chúa Giêsu nói:

   - Con đã để Cha ở lại vì vâng theo Luật Dòng, nên Cha còn chờ con, chứ con không nghe theo chuông, thì Cha đã bỏ con mà đi lâu rồi!

   Được hỏi Bernadette sẽ cư xử thế nào trong trường hợp đó, thì Bernadette trả lời:

   - Con thì con không làm như chị kia.

   Ai nấy ngạc nhiên, tửơng rằng Bernadette khinh thường luật Dòng, thì chị nói: « Con bồng Chúa Giêsu đi đọc kinh luôn. Người bé nhỏ và nhẹ biết mấy ! »

   Bernadette, sau khi tuyên khấn, từ tốn trở về chỗ cũ của mình, quỳ bên cạnh chị em bạn cũng đã luân phiên lên tuyên khấn cho đến chị cuối cùng.

   Chiều đến, Nhà Dòng Nevers tập họp tại Phòng Hội để Đức cha ban Bài-sai (Chứng thư đi làm tông đồ) cho các Chị tân khấn, phái các chị đi các Nhà Dòng, Nhà thương, hay Dưỡng nhi viện để các chị làm việc tông đồ.

   Riêng trường hợp Marie-Bernard thì Đức Cha và Mẹ bề trên tu viện đã phải dàn xếp với nhau trước. Lý do là để giữ chị Marie-Bernard lại Nhà Dòng Mẹ, tuy trái với tập tục của Nhà Dòng là không được giữ một chị tân khấn nào lại Nhà Dòng chính, để tránh sự ghen tị. Vả lại để làm cho Bernadette không cảm thấy được ưu đãi. Trường hợp đặc biệt thì phương cách phải đặc biệt!

   Ta hãy nghe các lời đối đáp sau đây, khi Marie-Bernard quỳ dưới chân Đức cha Forcade, có Mẹ bề trên ngồi gần đó.

   - Còn Marie-Bernard thì làm sao? Đức cha hỏi Mẹ bề trên?

   - Thưa Đức cha, Mẹ bề trên đáp, chị Marie-Bernard này không làm được việc gì cả. Gửi chị đi đâu thì chỉ làm cho Nhà ấy thêm gánh nặng.

   - Thực con không biết làm gì sao ? Ngài hỏi chị.

   - Thưa Đức cha, đúng như thế. Xưa kia con đã nói với Đức cha thời ở Lộ Đức rồi. Và Đức cha nói không sao!

   - Thế thì con có biết đọc kinh, pha trà thuốc cho người đau không?

   - Dạ có.

   - Thế thì, vì « bác ái », Cha giao cho con phận sự « cầu nguyện » và phụ tá chị Y-tá ở Nhà Dòng Mẹ.

   - Vả lại, thưa Đức cha, chị Marie-Bernard luôn đau ốm là hợp lẽ; Mẹ bề trên thêm vào.

   Sự dàn xếp trước, thế mà thành công. Giữ Marie-Bernard ở lại Nhà Dòng Mẹ là không bị người ta đến quấy rầy,xin thăm viếng, có khi xin Bernadette « chữa bệnh ». Nhà Dòng còn giữ cho chị được khiêm nhường vì chị cảm thấy thật là mình « bất tài vô tướng », nên không được gởi đi đâu như các chị tân khấn khác. Chính Marie-Bernard cũng không ngờ sự sắp xếp đó, nên đã cảm thấy tủi nhục đó trước chị em, tuy chị không để lộ ra ngoài.Khi ra sân chơi, chị vẫn hồn nhiên, vui vẻ nói cười như không gì xảy ra. Mãi về sau Marie-Bernard mới tâm sự với các chị khác: « Em muốn được gởi đi ra ngoài nhà Dòng làm việc như các chị kia,nhưng tại em không biết làm gì cả.Dẫu sao em vẫn muốn làm theo ý Chúa hơn. »

   Ý Chúa, phải. Chỉ thời gian ngắn sau ngày lãnh trọng trách « cầu nguyện », phụ tá Phòng thuốc, rồi về sau được giao thêm cho lo Phòng thánh, thì chị đã nhiều lần ngã bệnh, nhiều lần đã phải liệt giường liệt chiếu.

   Nhưng chính trong thời gian ấy mà người ta đã nhận thấy lòng nhân đức và tinh thần hiệp khổ đau của chị đối với sự khổ nạn của Chúa Giêsu lên rất cao.

   - Chị muốn tham dự các buổi cầu kinh với chị em trong Dòng, nhưng chỉ được tham dự từ Phòng thuốc,vì chị liệt giường... Hoặc đôi khi các nữ tu bồng chị đến.  

   - Chị muốn đươc năm phút không đau đớn để nhắm mắt ngủ một chút mà không hề được,vì cơn đau đeo đuổi suốt đêm.

   - Chị muốn có chị bạn là Léontine tiếp tục đến chăm lo cho mình, nhưng Mẹ giám tập, khi biết được, đã cố tình đổi chị khác thay thế, vì không muốn Bernadette gặp lại cô bạn cùng miền, cùng quê!

   Sau khi Khấn trọn đời hôm 22 tháng Chín 1878, bệnh tình của chị trở nên trầm trọng và chị đau đớn cho tới chết. Một vị linh mục năng viêng thăm chị trong mấy tháng cuối đời chị, đã cho biết là chị ho kinh niên, ho rát cả lồng ngực, lại thêm đau bao tử, đầu gối lỡ loét...

   Bởi đâu Bernadette đã tìm được nghị lực để chịu các khổ đau lớn nhỏ đó, chỉ vì chị nghĩ đến các linh hồn,chị cần phải chịu khổ đau để cứu các kẻ tội lỗi như lời chị cầu nguyện cùng Chúa:

   - Lạy Trái tim Chúa Giêsu rất từ nhân, xin hãy nhận mỗi giọt nước mắt của con,mỗi tiếng rên trong cơn đau,như một lời cầu xin cho những kẻ đau khổ,cho tất cả những kẻ than khóc,cho tất cả những kẻ quên Chúa. »

   Trươc các cơn đau đớn, chị nói :

   - Trong khổ đau xác hồn của Bạn tình Giêsu,người ta chỉ có thể nghe lời này: « Lạy Chúa,xin vâng, không có nhưng, không có nếu ! »

   Quả thực, trong những năm tháng ở Tu viện, ở trên giường bệnh... Marie-Bernard đã vuông tròn sứ vụ tông đồ Đức cha giáo phó là cầu nguyện, cầu nguyện cho kẻ có tội trở lại. Chị cũng đã kết hiệp khổ đau của mình với thánh giá của đức Kitô để thực thi lời Đức Mẹ nhắn gởi: Ăn năn thống hối!!!

   Cũng vì Bernadette đã biết thánh hóa khổ đau,chịu thánh giá đè nặng cuộc sống để cứu các linh hồn, để đem lại nguồn an ủi siêu nhiên cho bao người gặp khổ đau xác hồn... nên sau khi về trời, Chị đã ngẫu nhiên trở thành kẻ Phù hộ các kẻ đau yếu, là Người bàu chữa trên trời cho kẻ khổ đau xác hồn nơi dương thế.

   Trong nhà thờ của Marquise d’Aligre ở Bourbon-Lancy nước Pháp, xây cất vào thế kỷ XVII, với một Nhà thương cho người đau ốm, tật bệnh, già nua, có một bức tượng của thánh nữ Bernadette. Dưới chân tượng, có để một bản kinh đánh máy đã lâu đời bằng tiếng Pháp xin thánh nữ cầu bàu cho những bệnh nhân của họ. Lời lẽ thật thống thiết. Xin trích dịch vài đoạn :

   « (...) Lạy Thánh nữ Bernadette, bởi vì Thánh nữ đã sống trong sự hãm mình, trong sự cương quyết ẩn dật, thân xác đã phải chịu bao khổ đau, nên Thánh nữ đã dạy cho chúng tôi biết khắc khổ ăn năn. Tín thư của Thiên Chúa không khi nào được diễn tả đầy đủ cho bằng, và vì Thánh nữ luôn luôn trung thành để chịu khổ đau trong âm thầm nên ngày nay Thánh nữ có thế lực và được hiển vinh

   (...) Bởi vì Thánh nữ có lòng nhân ái nghiêng mình xuống trên sự yếu đuối của chúng tôi... chúng tôi khẩn nài,hỡi Thánh nữ, xin thương đến những kẻ đau ốm chúng tôi và lấy lòng yêu thương khẩn cầu cho họ trước tòa Đức Mẹ Lộ Đức. »

   (...) Lạy Mẹ Maria,mặc dầu lời cầu của chúng con có bất xứng đến đâu, xin Mẹ chấp nhận cho thánh nữ Bernadette được nhiều đóa hoa ơn thiêng mà thánh nữ câu xin cho chúng con, để nhân danh Mẹ, thánh nữ tuôn xuống trên nhân loại khổ đau....

   (...) Lạy Đức mẹ Lộ Đức. Lạy thánh nữ Bernadette... xin cầu cho chúng con! »

Chương 21 : Chị em gặp mặt

Sau cơn bệnh xuất huyết ngặt nghèo, và theo lời yêu cầu của ĐGM Nevers, Mẹ bề trên đã giao phó cho Marie-Bernard một công việc ít mệt nhọc nhất. Đó là nhiệm vụ tại Phòng thánh: mỗi sáng, chuẩn bị bỏ bánh lễ đầy vào các chén thánh, trước khi thánh lễ bắt đầu.

   Ngoài công việc hàng ngày đó, là tham dự các buổi kinh nguyện chung trong Dòng, chầu MTC, lần hạt Mân Côi, và sau cùng là những giờ nghỉ ngơi.Marie-Bernard, không còn ra sân chơi giải trí với các chị em khác như trước nữa. Công việc của Marie-Bernard, theo lơì chị nói một cách bình dị là « chịu đau ốm. »

   Hôm đó là ngày 18/12/1878, mới ba giờ chiều mà trời đã bắt đầu hơi tối. Đây là giờ yên tĩnh nhất trong tu viện.Một số các nữ tu có thói quen xét mình.,xưng tội... vì là giờ giữ yên lặng để kính nhớ đức Kitô tắt thở trên thánh giá. Marie-Bernard nằm yên trên giường bệnh, đang dâng lên cho Chúa những đau khổ của những giây phút bị cơn suyễn hành hạ, cũng như những mụn nhọt ở đầu gối lỡ loét!

   Một giờ sau, chị giữ cửa tu viện lên cho Marie-Bernard hay là Mẹ bề trên cho phép chị xuống Phòng khách, vì có người khách lạ đến thăm.

   Marie-Bernard hết sức ngạc nhiên và tự hỏi: người khách lạ đó là ai? Bấy lâu chị đã cám ơn Mẹ bề trên đã từ chối biết bao khách quý đến tu viện xin gặp chị. Mẹ dư biết Bernadette rất bực bội khi phải đi ra Phòng Khách tiếp những vị giám mục, những kẻ ân nhân Nhà Dòng, cho nên khách đến thăm phải được gạn lọc rất dữ dội. Người khách hôm nay phải là một nhân vật phi thường nào đó, mới được cái hân hạnh có phép Mẹ bề trên.

   Bernadette được chị giữ Phòng thuốc dìu xuống thang lầu để vào Phòng khách và đặt ngồi trong chiếc ghế to... Trời sâm sẩm tối và Bernadette đang còn đau ốm, nhưng khi cánh cưả mở ra, Bernadette nhìn thấy người đàn ông lạ, đang bước vào Phòng Khách và đứng lại nhìn mình như để chắc chắn khỏi lầm lẫn.Ngừơi đó lên tiếng thưa:

   - Thưa Ma Soeur còn nhớ tôi không? Tôi là. ..

   - A, chị nhận ra rồi. Em là Jean-Marie của chị...

   Còn anh Jean-Marie, khi nhìn thấy tình cảnh đau ốm của chị mình thì lòng anh thắt lại. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của thời niên thiếu sống với nhau trong căn « nhà tù » ở đường Petits Fossés giờ đây hiện ra trong tâm trí. Nhưng anh không có giờ để ôn lại dĩ vãng. Được may mắn gặp lại chị mình lần đầu và có lẽ cũng lần chót, anh cũng lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Nhưng anh không thể cầm được nước mắt, hai giòng lệ cứ tự nhiên trào từ khóe mắt anh!

   Để bầu khí bớt u sầu, và có lẽ thêm tính cách gia đình, chị mở lời trước:

   - Sao em lại gọi chị là Ma Soeur như gặp một nữ tu ngoài đường phố. Không, chị bây giờ vẫn là Bernadette của em ngày trước.

   Nói xong, Bernadette như muốn đưa tay đón lấy người em trai, trong khi đó, thì anh Jean-Marie, gạt nước mắt, tiến tới ôm chầm lấy chị, nghẹn ngào. Bernadette đỡ lấy người em trong vòng tay của mình một hồi lâu, rồi bản tính nết na sẵn có của chị làm cho Bernadette đẩy nhẹ em ra và nói:

   - Em lấy ghế mà ngồi để chị em mình nói chuyện. Sao em đến thăm chị mà không báo cho chị biết trước. Chị định không xuống rồi đó, khi không biết tên tuổi người đến thăm chị. Nhưng không hiểu sao, trong lòng chị như có ai thúc...

   -Em đâu có định đi. Em đang làm việc thì nghe người ta nói chị đau rất nhiều, nên em thấy phải...

   Chị ngắt lời, như không muốn nghe ai nói đến bệnh tình của mình.

   - Đâu có đau gì nhiều đâu em.Em thấy chị hôm nay thì rõ. Người ta nói quá đáng đó thôi. Cũng những cơn ho suyễn như ngày xưa chị ở nhà. Đến đây thì bị đau ở đầu gối thôi. Không gì phải lo lắng thái quá.

   Nói thế, nhưng chị cũng phải đè nén cơn đau, làm cho người em chú ý :

   - Chị đau đầu gối nhiều lắm hả? Có lẽ là đau « đầu gối voi » đó.

   - Thì cũng đau nhức như em biết, nhưng chị quen chịu đựng như mèo chịu đòn rồi!

   Rồi như lấy lại nghị lực, chị trách nhẹ :

   - Sao bấy lâu em không trả lời thư chị?

   - Sau này, chị đâu có viết thư về nhà nhiều đâu ?

   - Em biết sao không? Chị nghe nói là thư chị gửi về, các em để cho nó chạy đi khắp nơi cho người ta đọc. Chị còn nghe nói có người đến nhà mình, cắt xén chút ít áo vải của chị để lại nhà, hay xin giữ đồ vật chị dùng xưa làm kỷ vật nữa. Nếu các em cứ làm như thế, thì rồi đây chị không viết thư về nhà nữa là xong.

   - Vì người ta xem chị như một vị thánh rồi đó.

   - Phải rồi. Phong thánh cho chị sớm đi, để rồi sau này chị rát cổ họng trong luyện tội mà không ai nhớ để cầu nguyện cho chị!

   - Chị nói thế chứ...

   Đến đây, Bernadette đổi qua chuyện khác:

   - Nghe đâu bây giờ các em làm ăn phát tài lắm hả? Em bán hoa trước hang đá phải không?

   - Đâu có chị. Em làm đất và san bằng cỏ cây trước hang Massabielle để dọn làm Nhà thờ cho Đức mẹ, theo lời Bà áo trắng yêu cầu chị ngày xưa đó. Mỗi ngày em chưa được 50 xu!

   - Thì tiền đâu em đi tới đây?

   - Một người hành hương từ xa đến, không hiểu sao biết em là em của chị, rồi cho em tiền vé xe lửa.

   - Còn em Pierre của chị thì sao?

   - Nó lớn và cao to lắm chị ạ.

   - Chị nghe nói em nó cũng bán tượng ảnh phải không?

   - Phải, nhưng nghe đâu Đức cha ở Tarbes có ý kêu nó về giúp việc cho ngài.

   - Nếu em nó còn buôn bán tượng ảnh, thì nói lại là chị bảo là đừng ham làm giàu. Ít nữa, ngày Chúa nhật phải đóng cửa tiệm để đi Nhà thờ. Chúa, Mẹ sẽ cho nó bán lại được gấp đôi trong tuần sau.

   - Dạ, để em nói lại.

   - À,trong mấy thư trước, em đã cho chị biết tên của vợ em (Marie-Madeleine Escolé), nhưng em lại không cho chị biết cô ta có phải là người Lộ Đức không? Có thuộc về một gia đình sùng đạo không?

   Tưởng chị trách mình bỏ đời tu hành để về lập gia đình, nên cậu em thanh minh:

   - Chị biết không, em đi tu, nhưng thấy không tu được, nên em xin về và lập gia đình đó chị ạ.

   -Chị không trách em là không tu tiếp, vì chị không muốn em hay em Pierre đi tu làm Sư Huynh hay Linh mục chỉ vì để được danh tiếng. Còn hôm Lễ cưới, sao em không báo cho chị vài ngày trước để chị hợp ý cầu nguyện.

   - Chị biết, có một người chị tu hành như chị, không phải dễ cho đời sống tu đức của tụi em đâu.

   - Thực ra chị mong muốn hai em dâng mình cho Chúa và được ơn bền đỗ.Nhưng một khi không tu được, thì về kiếm một nghề mà sinh sống có sao đâu.

   Rồi sực nhớ lại chuyện gây gỗ trong gia đình bấy lâu mà Bernadette chỉ biết qua thư từ các em gửi đến. Nên giờ đây, Bernadette nắm lấy cơ hội, nói tiếp:

   - Sao chị em trong nhà lại gây gỗ nhau về gia tài bé bỏng ba để lại, làm gương xấu cho người xung quanh?

   - Có gì đâu chị, lúc ấy,em đi lính về, không vào đường tu nữa nên về ở với gia đình Toinette. Còn em Pierre, cũng thế. Nó không trở lại trường trung học, cũng không vào Đại chủng viện, rồi lại cũng về sống trong nhà đó nữa. Rồi lời qua tiếng lại, nên anh chị em cãi cọ nhau... vì tiền bạc!

   - Em nên nhớ, không phải lúc mình giận dữ bực bội là lúc nên viết thư từ hay bộc lộ ra. Trước hết, phải bình tĩnh đã,suy nghĩ chín chắn rồi sau đó mới hành động. Người ta thường nói: « khi giận mất khôn! » Em và Toinette không dàn xếp được sao, khi Pierre nó còn trẻ (17 tuổi). Chị khuyên em hãy cầm mình, nhất là giữ lấy sự hòa an và hòa hợp trong gia đình là điều quý trọng nhất.

   - Chị biết không, không phải lỗi tại em đâu nhé.

   - Chị nói để em rõ, vì em và vợ của em mà em Pierre bỏ nhà ra đi, đến ở nhờ nơi cha Sempé. Em nói cho chị biết có tốt đẹp gì khi em mình phải đi ở với người ngoài như thế không? Chị lấy làm hổ thẹn vì các em: dân chúng Lộ Đức nghĩ thế nào khi thấy các em của Chị gieo những gương xấu như thế ? Trong khi, đáng lý ra, các em phải là những người làm gương sáng! Chị buồn lắm vì các em, khi thấy trong gia đình không có đoàn kết,trong khi các người có thể sống chung với nhau một cách hạnh phúc, chấp nhận nhau, mỗi người góp thiện chí của mình.

   - Dạ, chị nói thật đúng,có lẽ Chúa còn để cho chúng em thấy không phải chị được hồng ân của Đức Mẹ là mọi sự trong gia đình mình êm xuôi đâu. Chúng em mỗi người còn phải cố gắng, ăn năn thống hối,sống thánh như Đức mẹ đã nói với chị.

   - Còn riêng em Pierre, Bernadette tiếp, thì chị muốn nói trực tiếp với nó như thế này: « Em làm thế có đẹp lòng Chúa và Mẹ không? Em là đứa trẻ nhất nhà, em phải biết kính trọng chị Toinette, anh rễ Giuse và anh Jean-Marie. Chị muốn em phải thương yêu hết những người đó. Chị rất bằng lòng là em học nghề làm vườn, điều đó sẽ giúp em sau này,nhất là em có khiếu. Chị khuyên em đừng giao du với bạn bè xấu nết; em làm cho mình hư hỏng mà em không ngờ. Hãy yêu thích làm việc,rồi em sẽ tìm được việc làm... »

   Hai người nói chuyện đã lâu, nhưng chưa ai đả động gì đến chuyện cha mẹ đã qua đời. Hình như ai cũng không muốn gợi lên trước.

   Bỗng chốc, Bernadette nhắm mắt lại và nói với một giọng đầy xúc cảm:

   - Còn mẹ mất ra sao em có biết không?

   Jean- Marie ngừng một lát, như để bớt gợi sầu đau cho chị, nên nói vắn tắt:

   - Mẹ mất một cách dịu dàng, như được ơn Chúa giúp đỡ. Chị biết không, Mẹ mất đúng ngày Lễ Đức mẹ Vô Nhiễm (8/12/1866) như Người muốn an ủi ba và mẹ, vì đã hy sinh dâng đứa con đầu lòng cho Chúa.

   Bernadette lấy nghị lực nơi tình yêu Đức Mẹ để khuyên em:

   - Thôi em ạ, chúng ta đừng quá buồn,nhưng nên tuân theo ý Chúa. Ý Chúa luôn êm dịu mặc dầu giữa bao khổ đau ta gặp.Chúng ta hãy lắng nghe tiếng ngài trong lòng chúng ta : « hãy can đảm, ta chặt đứt những sợi giây liên lạc thắm thiết nhất ở đời này; nhưng Ta lại nối kết ở trên trời... Hãy can đảm lên các con, thánh giá chỉ trao gởi cho những kẻ Ta chọn lựa. Ở dưới đất này là khổ đau, thì ở trên trời là hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu! »

   Nói đến chuyện mẹ mất, Jean- Marie không thể không kể luôn chuyện người cha qua đời tháng thánh Giuse : (4/3/1871)

   - Khi được tin ba mất chị có buồn không?

   Hỏi xong, cậu mới thấy mình lỡ lời, nếu không nói là vô lễ với chị.Nhưng Chị đã trả lời một cách chân thực:

   - Dĩ nhiên là có. Chị đã khóc nhiều. Khi được thư báo tin buồn đó, chị đã đứng dựa vào lò sưởi của tu viện vừa đọc vừa khóc... vì em biết ba đã thương yêu chị nhiều đến đâu. Hình như ba sống là để lo cho chị có đủ ăn, đủ mặc, và được hạnh phúc. Nhưng giờ đây, Chúa giáng xuống trên kẻ chúng ta thương nhất trần gian.

   Làm sao chị quên được tình thương lo lắng của ba đối với chị bất kỳ chị ở đâu. Ba đã lặn lội lên đồi Bartrès để thăm chị nhiều lần, lúc nhà phải gửi chị đi lên chăn cừu cho bà vú nuôi. Ba luôn mượn cớ là đi giao bột cho khách hàng, hay có dịp đi qua vùng đó để vào hỏi thăm sức khỏe của chị.

   - Nhưng có điều an ủi cho chị em mình là trước khi ba mất, ba đã chịu Phép Xức dầu, và Pierre có mặt ở nhà. ..

   - Còn Toinette thì sao?

   - Chị ta khổ cực vì đường chồng con lắm. Sinh đứa nào thì y như chết đứa đó. Chị cầu nguyện cho Toinette với.

   - Em nhắn lại với Toinette là chị...

   - Em xin cắt lời chị, vì em nghe nói vợ chồng Toinette nay mai sẽ đến thăm chị đó, chị sẽ có dịp nói chuyện nhiều với họ. (Vợ chồng Toinette đến thăm Bernadette ở tu viện Nevers vào ngày 18/3/1879).

   - Còn chị không muốn về thăm Lộ Đức sao? Ngày xưa, ba mẹ cấm mà chị cũng cứ thôi thúc muốn ra hang đá mà?

   Bernadette cười vui và nửa đùa nửa thật, trả lời câu nói dí dỏm của em:

   - Có chứ, nếu chị biến được thành con chim đậu trên cành cây cao gần đó, không ai trông thấy thì chị về.

   Cả hai cùng cười khi thấy hình ảnh ví von ngộ nghĩnh ấy.

   Hai chị em nói chuyện cũng khá lâu, và trời đã khá tối. Bernadette cũng cảm thấy mệt nên Jean- Marie đứng lên xin từ giã. Bernadette còn lo lắng cho em trên đường về. Trách nhiệm của người chị cả vẫn còn đeo đuổi Bernadette lúc đã vào đường tu hành:

   - Giờ đây, em về lại Lộ Đức. Khi đến nhà, nhớ cho chị biết tin em đã đến nơi,kẻo chị lo lắng dọc đường em có sự gì trục trặc về xe cộ chăng.

   Rồi nắm lấy tay em, trước khi từ giã, và nói với em như lần cuối:

   - Nếu Chúa có đòi hỏi chị em mình sẽ không còn dịp gặp lại nhau ở dưới đất này nữa, thì chúng ta hãy vui lòng chấp nhận nghe em. Chị hẹn gặp lại em ngày sau trong Trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria...

Chương 22 : Cha con tương phùng

Một tuần sau khi người em trai là Jean-Marie đến tu viện Nevers thăm Marie-Bernard, thì trong giấc ngủ, chị hay mơ về gia đình. Tuy chị đã can đảm ra đi theo tiếng Chúa gọi, nhưng chị vẫn luôn nhớ đến và cầu nguyện cho các em dại, mẹ cha, nhất là người cha xưa nay vẫn mến thương chị hơn cả như chị đã tỏ bày với cậu em hôm đó.

   Thế rồi, một hôm kia, chị đang đau ốm, nằm trên giừơng, đưa tâm hồn về Lộ Đức, rồi về căn « nhà tù », thì không hiểu sao, chị được phép xuống Phòng khách! Người ta đặt chị vào ghế to rồi khiêng chị xuống thang lầu và đưa vào Phòng khách. Cánh cửa mở ra, một người đàn ông đã lớn tuổi xuất hiện. Người đó đi hơi khom khom, tay vân vê chiếc mũ dạ cầm tay, ra vẻ lúng túng ái ngại. Khi thấy chị ngồi trong ghế to, ông đứng lại như nửa mừng nửa âu lo. Marie-Bernard, tuy có phần mệt mỏi, nhưng cũng đủ sáng suốt để nhận ra người đàn ông đó trạc tuổi thân sinh. Trong lòng chị đang tự hỏi... thì người đàn ông lên tiếng trước:

   - Xin cho biết có phải Soeur Marie-Bernard không ạ? Tôi đột ngột đến thăm Ma Soeur vì cũng đã nhiều năm qua, không được có dịp...

   Qua tiếng nói và thái độ đứng vân vê chiếc mũ dạ, làm cho Marie-Bernard không còn nghi ngờ gì nữa. Đó chính là thân sinh của mình. Chị giang đôi tay ra, nhè nhẹ đứng lên đi vài bước và nói trong nghẹn ngào:

   - Ba, Chính là ba phải không? Làm sao có thể tưởng tượng được giây phút gặp ba hôm nay!

   - Phải, ba cố gắng thu xếp việc nhà, dành dụm tiền bạc và xin phép Bề trên để được đến thăm con.

   Marie-Bernard, nước mắt chảy quanh gò má, nhưng cố gắng cắn đôi môi lại để khỏi phải bật cười:

   - Sao ba gọi con là Ma Soeur?  Và Soeur Marie-Bernard?  Đối với ba, con luôn là Bernadette. Bernadette của ba mà !

   Nói xong, Bernadette ôm choàng lấy người cha, áp mặt vào ngực cha như để che dấu đôi giòng lệ. Nhưng ông François, năm ấy đã ngoài ngũ tuần, mái tóc đen, nay đã hoa râm, thì vẫn đứng sững sờ cứng nhắc. Khi xưa Bernadette ở nhà, lúc thấy Đức mẹ, thì đứa con mình chỉ là đứa bé, nhưng nay đã trở thành một nữ tu đạo đức, nghiêm nhặt, thì tất nhiên ông cảm thấy ái ngại và lúng túng trong việc xưng hô. Đến nay, ông vẫn còn nhớ lại với nỗi khiếp sợ chen lẫn hối hận là: lần đầu tiên đứa con gái của ông được ân sủng Trời ban cho, về nhà thuật lại Bà áo trắng hiện ra, thì ông lại nổi giận muốn đuổi nó ra khỏi nhà, và cho nó một bài giáo huấn tràng giang bảo nó có mơ mộng thì đi theo các gánh xiếc...

   Thấy ba như chưa có vẻ tự nhiên, nên chị đã bình tĩnh thưa :

   - Thật là đội ơn Chúa và Mẹ Maria đã ban cho con được gặp lại ba như thế này.

   - Thì con biết, sau khi con đi tu được mấy năm, thì ba chưa dám nghĩ đến chuyện đi thăm con; nhưng rồi khi mẹ con mất, ba càng thấy cô đơn hơn, tâm hồn trống vắng, nhớ con quá, nên ba nhất quyết tìm dịp đến thăm con.

   Nghe thế, Bernadette nhắm mặt lại và hỏi thân sinh với một giọng đầy xúc cảm:

   - Thế thì mẹ con mất ngày nào ba nhỉ ? Sao lúc đau ốm, không ai báo tin cho con biết.

   - Khi mẹ con đau ốm, trong nhà không muốn làm phiền con, để con yên tâm mà tu hành. Mẹ qua đời một cách êm thấm, sau khi đau ốm một vài ngày. Thánh cả Giuse đã giúp đỡ mẹ trong gìờ lâm chung. Mẹ mất ngày 8 tháng 12, hầu như đúng 5 tháng sau khi con đến tu viện Nevers (7/7/1866). Ngày mẹ con mất, ba không thể quên đươc, vì đúng ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm đó.

   Con biết không, chỉ một mình con là niềm vui lớn lao nhất của mẹ... Mẹ luôn đeo ảnh tượng có chân dung thu nhỏ của con. Hiện nay tại Lộ Đức, người ta bán rất nhiều ảnh tượng của con, mà họ mua về để làm kỷ niệm và xin ơn. Cho đến giây phút cuối cùng, mẹ vẫn gọi tên con!

   Còn mẹ con, người ta cũng vẽ hình và thu nhỏ lại, lồng vào ảnh tượng để bày bán nữa. Hôm nay ba mang đến cho con một trong những ảnh tượng có hình mẹ thu nhỏ ở bên trong. Không biết Nhà Dòng có cho phép con đeo không?

   Bernadette vui mừng thấy ảnh của mẹ được lồng trong một cái ảnh tượng quý gia :

   - Con nghĩ Mẹ Bề trên có lẽ sẽ cho con đeo vật kỷ niệm này, nhưng ba cũng biết là có đeo ảnh của mẹ con hay không, thì con cũng đã luôn luôn đeo hình ảnh của ba và mẹ trong lòng rồi.

   Còn về ảnh của mình được bày bán, thì chị nói:

   - Ba thấy không, nghe đâu hình của con bán có năm ba xu một cái. Con nhỏ bé và chỉ có giá như thế thôi. Giá trị trước mặt Chúa mới là cao trọng phải không ba. Điều đó thì ai cũng có thể được « bày bán » trước mặt Chúa cả.

   Nghe thế ông cũng cười vui với con. Thấy ông bố vui vẻ, chị nhắc lại một vài chuyện ngày xưa:

   - Ba nhớ không, khi con đi chăn cừu cho bà vú ở Bartrès, thì ba đến thăm con. Rồi con hỏi ba về mấy con cừu của con sao có con lưng xanh lè. Ba lại trả lời cho con là: « Cỏ chúng nó ăn chạy lên đến lưng. Nó sắp chết rồi đó! » Ba nói nghiêm trang quá, làm con tưởng thiệt. Cho nên, con muốn khóc vì thương chúng. Thật bấy giờ con còn dại khờ quá ba nhỉ ! Thôi bây giờ ba kể cho con nghe công việc làm ăn của ba ra sao đi ?

   - Thú thực với con, kỳ này, nhờ cha xứ Lộ Đức thu xếp, nên ba đã có được một Nhà máy xay bột như trước, và công việc làm ăn khá giả. Từ ngày con đi đến giờ, Lộ Đức xây cất rất nhiều. Khách sạn moc lên không biết bao nhiêu. Đường xe lửa từ Bordeaux về Lộ Đức cũng đã được thiết lập làm cho khách hành hương nhiều nơi đổ xô về Lộ Đức mỗi ngày thêm đông... Ông Thị trưởng còn cho cất nhiều nhà thương để săn sóc cho những kẻ già nua, tật bệnh, trong số đó có cái được gọi là « Bệnh viện Bernadette ».

   - Ô hay, con nghĩ là phải đặt tên « Bệnh viện Đức Bà Thương Khó » mới phải hơn chứ.

   Rồi chị nhớ đến đứa em gái:

   - Con Toinette, em con?

   - Nó đã lấy chồng, ở mãi tận miền Bigorre, đã có hai đứa con. Nhưng nó không được may mắn về đường con cái. Con thấy không, vào cuộc đời gia đình, cũng có những khó khăn không kém cuộc đời tu trì của con đâu.

   - A, chuyến xe lửa của ba đến lúc mấy giờ? Ba ăn uống gì chưa, để con lo liệu?

   - Ba vừa đến chuyến một giờ trưa.

   - Chúa ôi, thế thì ba đói lắm, để con xin phép làm cho ba một chút thức ăn.

   Ông bố chưa kịp từ chối, thì Bernadette đã từ từ quay laị và gọi một nữ tu, xin chị vui lòng dọn cho một ít thức ăn...

   Một lúc sau, nữ tu bưng vào một mâm cơm đầy thức ăn nước uống... Bernadette tỏ lòng cám ơn chị phụ trách.

   - Mời ba xơi cơm, cơm Nhà Dòng thanh đạm, nhưng cũng đủ chất bổ sức khỏe.

   Nghe thế, ông bố quay lại hỏi con:

   - Thật ba có lỗi quá, nãy giờ ba quên hỏi con có sức khỏe không? Con còn ho hen mệt như trước không? Làm sao mà con như đau yếu quá vậy?

   - Thưa ba, cơn suyễn vần còn, nhưng nhờ được các Bà săn sóc chu đáo, và có thuốc men, thì con cũng chịu đựng được.Vả lại, con có làm gì trong Dòng đâu, con chỉ nghỉ ngơi ở Phòng thuốc mà thôi. Vả lại, ở đây, các Bà săn sóc cho con hơn người ta săn sóc hoàng hậu nữa đó!

   - Khi con đi rồi, ba hối hận là lúc con còn ở nhà, ba đã không lo cho con đầy đủ. Ba cố gắng kiếm việc để có tiền nuôi con cái, nhưng thời đó không đào đâu ra công việc. Nhiều đêm ba nằm nghĩ mà hổ thẹn thấy không xứng đáng làm người cha... Con biết rồi, ở đời mà không có tiền, người ta khinh chê mình lắm!

   - Thôi ba đừng nghĩ nữa, bây giờ ba có việc làm đầy đủ rồi, chúng con cũng đã lớn... Thôi ba ăn đi kẻo nguội hết rồi.

   François bụng đói như cào, nhưng phải ăn uống từ tốn, vì đang ở trong một căn phòng có nhiều bức hình Chúa Mẹ, có ảnh tượng Thánh gia... làm ông cũng cầm đũa nhẹ tay. Bernadette rót rượu mời thân sinh, làm chị nhớ đến ngày xưa lúc rót rượu cho khách lúc giúp việc cho quán ăn của bà dì Bernarde.

   François cầm cốc rượu lên môi và làm như không bị « ma men » ám ảnh,hỏi con:

   - Đây là rượu vang hay rượu lễ? Lâu nay ba ít uống rượu lắm, nhưng hôm nay ba nâng cốc rượu này để mừng cha con mình họp mặt! Con ở đây có nhớ đến Lộ Đức, và có khi nào con muốn trở về Lộ Đức thăm không? Hôm trước đây, người ta làm lễ đội triều thiên cho Đức mẹ Lộ Đức đó.

   - Thưa ba, chỗ của con bây giờ là ở tu viện này, trên giường bệnh. Đừng tiếc giùm cho con, con đã thấy nhiều cái huy hoàng lộng lẫy hơn đó nữa...

   - Con không muốn về gặp lại Đức mẹ ở Massabielle sao?

   - Thưa ba, con sẽ gặp lại Đức Mẹ trên trời ba ạ!

   Nói thế, nhưng có lần tâm trí Bernadette cũng đã quay về Lộ Đức là lúc chị được tin Cha Pomian qua đời. Bấy giờ chị đang ra sân chơi với các chị tập sinh. Bernadette liền nắm lấy tay nữ tu Victoria Cassou lôi kéo ra khỏi sân chơi, nức nở. Bernadette vừa khóc vừa than thở: « Cha Pomain và cha Sempé là hai người mà em thương nhất ở trên đời; các ngài đã thực hiện được những điều mà em không làm được... »

   Trong khi đó thì ông François vừa ăn xong bát cơm cuối cùng, và trái cây tráng miệng. Hai cha con nói chuyện đã lâu, và trời cũng bắt đầu xâm xẩm tối, nên ông đứng lên nói lời từ giã.

   Bernadette muốn cầm giữ thân sinh lại lâu hơn nữa, nhưng chị biết giờ đây mỗi người đã một hướng, một Ơn gọi, chị không thể níu kéo lâu hơn nữa. Vả lại, Đức Mẹ đã ban cho chị hồng ân là đã gặp được thân sinh... thì cũng như bao lần khác, chị đành lấy chia ly hay khổ đau làm của lễ hy sinh dâng lên cho Chúa và Mẹ.

   Bernadette tiễn người cha ra cửa... Ông thân sinh đi được vài bước ở ngoài sân, quay lại lần cuối, nhìn đứa con gái thân yêu mà gia đình ông đã dâng lên cho Chúa. Bernadette đưa tay chỉ lên trời, như lời hẹn sau hết của người con hiếu thảo đặt niềm cậy trông nơi Đức tin!

   Tiếng chuông tu viện Nevers điểm 5 giờ sáng đánh thức các nữ tu dậy để sửa soạn đọc kinh, thì cũng làm cho Marie-Bernard giật mình tỉnh dậy: Cơn mơ êm dịu của chị cũng vừa chấm dứt !!!

   Chị mở mắt, và ngạc nhiên thấy mình vẫn còn nằm yên trên giường, chứ không phải vừa từ giã cha già ở Phòng khách, vì người cha đã qua đời ngày 4 tháng Ba năm 1871 !!!

Chương 23 : Thánh Giá và vinh quang

Thiên Chúa đối xử với Marie-Bernard như ngài đã đối xử với Con Một của ngài, như đối với Đức Trinh Nữ Maria.Chính là con đường thập giá mà ngài dẫn đưa họ tới vinh quang

   Trong hai năm cuối cùng 1878-1879, Marie-Bernard đau rất nặng ở đầu gối và cả mình-mẩy, nên chỉ nằm trên giường.Muốn tham dự buổi cầu nguyện, hay dùng bữa cơm chung với chị em trong Dòng, người ta phải khiêng chị đến nơi đó.

Có một chuyện mà chị em trong Dòng thường nghĩ đến khi thấy Marie-Bernard đau nhiều, nhưng không ai dám hỏi thẳng Bernadette. Thế rồi, sau nhiều tuần lễ, nhận thấy bệnh tình Bernadette không thuyên giảm, Mẹ bề trên mới lên tiếng trong một bữa cơm:

   - Hỡi Marie-Bernard, Mẹ chắc là con cũng có nghĩ đến một điều, như tất cả mọi người trong Dòng. Nhưng vì con đau yếu nhiều quá, nên con không thể nghĩ đến một chuyến đi xa.

   - Thưa Me, con thật không hiểu Mẹ muốn nói điều gì.

   Me Bề trên mỉm cười:

   - Con có nghĩ rằng con sẽ thử làm một chuyến đi về Lộ-Đức để hành hương, nhờ ơn huệ của Mẹ Vô Nhiễm? Người đã chữa lành cho biết bao khách hành hương đau khổ tuôn đến hang đá, đem lại nguồn an ủi vô biên hồn xác cho biết bao bệnh nhân trên thế giới, không lẽ không chữa lành cho con là « người con yêu dấu » của Người hay sao?

   - Ồ không! Thưa Mẹ Bề trên, không thể nào được.

   - Tại sao thế hỡ con?

   - Thưa Mẹ, bởi vì con không hề xin cho được lành bệnh, cho khỏi cơn đau; nhưng con luôn khấn xin cho con đủ can đảm và đủ ơn thánh để dâng những hy sinh đớn đau cho Chúa. Đối với con, phương châm là: « Nguyện cầu, Chịu khổ và Xây đắp Nước Trời; ngoài ra mọi sự là không gì đáng kể Mẹ ạ ! »

   Các chị em trong bàn ăn, ngồi im lặng rất lâu, sau cùng một chị hỏi:

   - Tôi không hiểu điều đó. Tại sao Hang đá Lộ Đức lại không có hiệu nghiệm cho chính người khơi nguồn? Tại sao Chị biết điều ấy? Hay là Bà đã nói điều này cho Chị rồi?

   - Bà không còn hiện ra với em nữa. Nhưng em biết.!

   Sau lễ Ba Vua năm 1878, bệnh tình lại trở nên rất trầm trọng. Cục bướu ở đầu gối không phải là vết thương nhiễm trùng chóng hết. Nó là triệu chứng của một căn bệnh chết người! Vì đó chính là bệnh lao xương, rất lâu dài và rất đau đớn.

   Cuộc khổ nạn của Bernadette, cô bé được hồng ân Lộ Đức năm xưa, kéo dài ròng rã đã bảy năm. Nay bỗng nhiên cơn bệnh biến chứng, càng gia tăng tình trạng tuyệt vọng và đau đớn khủng khiếp.

   Bác sĩ Saint-Cyr vội vàng báo tin cho Mẹ bề trên biết đây là những ngày cuối cùng của nữ tu Marie-Bernard. Lập tức, Mẹ Joséphine Imbert đến trình với Đức cha Lelong, GM Nevers bấy giờ. Ngài viết ngay một bức thư cho ĐGM Tarbes, bấy giờ là Pichenot.

   Đức cha Pichenot, sau khi nhận được thư, liền gửi ngay hai nhà thần học của chủng viện Tarbes đến Nevers, để liên lạc với hai nhà thần học khác tại địa phương.

   Một Uỷ-ban điều tra đặc biệt được thành lập, với nhiệm vụ ghi lại những điểm về phép lạ, trong lúc chứng nhân quan trọng và duy nhất còn tỉnh táo. Thế mà, không biết do ai thiếu kín đáo, hoặc bằng cách nào mà có kẻ cho rằng Uỷ-ban ra đời vì Bernadette đang bị những nỗi bứt rứt, băn khoăn,và hối hận trong lương tâm về những diễn biến xưa ở hang đá.

   Một tờ báo nắm lấy cơ hội, đã cả gan cho chạy hàng chữ: « Cô gái làm phép lạ tại hang Massabielle, nay bị lương tâm cắn rứt. Đây là bằng chứng sự sợ hãi trước giờ chết, phải trả lời về những giả mạo và những mưu đồ phỉnh gạt trước kia tại Lộ Đức »

   Một buổi sáng mùa đông, Mẹ Joséphine Imbert đến bên giường bệnh Marie-Bernard và thì thầm:

   - Này con gái yêu quý của mẹ! Hai ĐGM khả kính của Tarbes và Nevers mong muốn, một lần nữa, được nghe từ miệng của con, những điều Đức Trinh Nữ đã phán với con và đã chỉ thị cho con. Các ngài đã cử bốn nhà thần học thông thái, tài giỏi đến đây, trưa nay, để ghi nhận lời xác quyết của con, về tất cả những lần hiện ra, mà con đã được phước lãnh nhận. Ngoài ra, Hội đồng của giáo đoàn tu viện St-Gildard chúng ta cũng có mặt, để tăng thêm phần vinh dự cho con.

   Nghe thế, Bernadette âu lo, chị nghĩ là người ta sẽ còn đến quấy rầy mặc dầu chị đang đau ốm nặng. Chị chỉ biết nhắm mắt lại và cố gắng lấy hơi thở. Thấy thế, Mẹ bề trên tìm cách khuyến khích và an ủi:

   - Hỡi Marie-Bernard! Mẹ biết con không thích người ta phỏng vấn, hỏi han chuyện năm xưa. Nhưng con hãy chấp nhận, như là một bổn phận. Con đã khấn giữ đức vâng lời, thì đây là lúc con phải thi hành lời con khấn hứa. Mẹ sẽ canh chừng để họ đừng hỏi con quá nhiều làm con quá mệt. Mẹ hứa với con điều đó.

   Buổi họp long trọng được tổ chức  tại một phòng rộng lớn, gía lạnh của Tu viện. Người ta sắp sẵn 24 cái ghế dựa theo hình bán nguyệt. Khi Mẹ Bề-trên Joséphine Imbert và Mẹ Giám-tập Vauzou đưa Bernadette vào phòng họp, nằm trên một cái băng ca, thì Mẹ Tổng Quyền, tám nữ tu của Dòng, ĐGM Phó của Nevers, các đại diện của Tòa Giám mục và một số thành phần khác của các giáo sĩ, đều đứng dậy. Các nữ tu khác của Nhà Dòng thì đứng lui phía sau.

   Vị đại diện lớn nhất của các thần học gia cúi xuống một cách dịu dàng và hết sức thận trọng, gần sát Bernadette:

   -Thưa Ma Soeur, chúng tôi tránh tất cả những gì làm Ma Soeur kiệt sức. Chúng tôi sẽ đọc lại một cách từ từ Biên bản của Uy ban điều tra năm 1858. Biên bản này gồm tất cả những điều Ma Soeur đã tuyên bố, cách đây đúng 20 năm. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu Ma Soeur, là xác nhận lại những lời tuyên bố đó. Ma Soeur có cảm thấy làm được việc này không?

   Bernadette nhìn chung quanh với đôi mắt lo âu, và nhẹ nhàng gật đầu.

   Giọng đều đều của người đọc biên bản lọt vào tai Bernadette, như từ một cõi xa xăm vô tận nào đó, kể lại câu chuyện một cô bé 14 tuổi, đi kiếm củi và xương khô, bỗng nhiên gặp một Bà đẹp, mặc áo trắng hiện ra trong hang.

   Bài tường thuật kéo dài, rất dài. Bỗng một cơn băng gía thấm vào tứ chi của Bernadette. Hơi thở rất yếu ớt, đông lại thành một áng mây mù trước miệng. Bernadette đưa hết sức tàn lực, để chịu đựng cuộc điều tra. Bài tường thuật ngừng lại, nhà thần học dịu dàng hỏi:

   - Soeur có thể xác nhận một lần nữa, như là một sự thật, những điều Ma Soeur vừa mới nghe không?

   Đôi mắt van nài của Bernadette nhìn xa trong quãng trống. Với một hơi thở rất nhẹ, chị thì thầm như tiếng một trẻ nhỏ: « Tôi quên hết! Nếu nhỡ tôi lầm thì sao ! »

   Mẹ Bề trên thấy Bernadette mệt qúa, nói như trong cơn mơ, nên yêu cầu các nhà thần học chấm dứt bài đọc và câu hỏi. Bernadette không đủ sáng suốt để nhận biết một cách rành rẽ các lời nghe đọc nữa. Vả lại, Bernadette đâu phải luôn luôn ghi đi nhớ lại trong tâm tư chuyện hiện ra ở hang đá đâu. Đối với em, chuyện Bà áo trắng đã lùi xa vào dĩ vãng. Chị chỉ sống cho hiện tại.

   Vì thế, cuộc điều tra chấm dứt. Người ta mang Bernadette trở về phòng thì một cơn biến chứng trầm trọng làm cho Bernadette nước mắt tuôn trào. Nữ tu Nathalie, vội đến quỳ bên giừơng và đặt tay lên trán của Bernadette:

   - Chị đã bày tỏ hết sự thật rồi. Không còn ai sẽ đến quấy rầy chị nữa đâu. Chị yên tâm nằm nghỉ đi.

   - Ồ! Em biết điều này rõ hơn ai hết. Người ta sẽ còn quấy rầy em bao lâu em còn sống trên đời này. Người ta sẽ còn hỏi em nữa, hỏi nữa. Họ ra về, họ sẽ quên hết, để rồi họ trở lại hỏi nữa, điều tra nữa.

   - Vì họ quá lý luận, suy đoán trong khi chị thì đón nhận ơn Chúa như một trẻ thơ.

   - Em biết họ vẫn tiếp tục không tin lời em. Có lẽ họ đã tin, nhưng họ không làm sao hiểu được ơn huệ quá lớn lao Đức mẹ ban cho qua em! Nhưng ơn huệ ấy đã ban cho em lâu lắm rồi. Từ đó đến giờ, Đức Mẹ đâu có hiện ra với em nữa. Đâu phải giây phút nào em cũng gợi lại trong tâm trí chuyện hiện ra đâu.

   Nói xong, Bernadette nằm nghỉ mệt chốc lát, rồi ra hiệu cho chị Nathalie lấy giùm tấm ảnh trong ngăn kéo của mình.

   - Xin chị lấy tấm ảnh Đức mẹ Lộ Đức mà cha sở Peyramale biếu cho em...

   Cầm bức ảnh trong tay, Bernadette nhớ lại cái chết của ngài. Tuy bấy giờ Cha Peyramale đã lên làm Giám mục, nhưng Bernadette, trong thư gửi cho cha Pomian ngày 15 tháng Chín 1877, vẫn xem Đức cha Peyramale là cha sở mến yêu của mình.

   « Thưa cha Pomian. Con rất tiếc là không viết thư cho cha sớm hơn, vì con được tin Cha sở Lộ Đức qua đời (8/9/1877), làm con bàng hoàng... Thật là tin đau đớn cho dân Lộ Đức. Họ đáng nói là vô ơn nếu họ không nhìn thấy trong cái chết của vị Chủ chăn tốt lành và đáng mến đã hăng say làm vinh danh Chúa và lo phần rỗi cho họ. Có lẽ ngài quá lo nghĩ về việc xây cất ngôi nhà thờ vĩ đại cho Đức Mẹ làm cho ngài ngã bệnh chăng.Con không lấy làm ngạc nhiên về điều đó, vì ngài lo lắng biết mấy cho công cuộc xây cất mà ngài đã bắt đầu một cách tốt đẹp...

   (...) Con dư biết là cái chết bất ngờ và nhanh chóng của Mục tử đáng kính và đáng mến đó đã làm cho cha đau buồn hết sức. Cha gắn bó với ngài và mến phục từ trước đến thế, chắc hẳn sự ra đi của ngài để lại cho cha một sự trống vắng. Nhưng có điều an ủi là chúng ta có thêm được một đấng bàu chữa trên trời làm dịu nỗi đau thương của chúng ta... »

   Một giờ sau, Bernadette lên một cơn biến chứng trầm trọng. Và ngay đêm đó, người ta đưa chị trở về Phòng thuốc Sainte Croix của tu viện.

Chương 24 : Những giây phút cuối cùng trước giờ vĩnh biệt

Hôm đó là ngày 16 tháng Tư năm 1879. Một ngày Thứ tư Phục sinh. Một ngày Thứ tư sáng sủa và đẹp như mơ. Ngày mai là ngày Thứ năm với những lễ nghi phụng vụ long trọng.

   Vào giữa trưa, nữ tu Nathalie sau khi xong công việc tông đồ ở Nhà thương, thì trở về nhà Dòng. Đến cổng tu viện, bỗng nhiên chị như linh cảm điều gì. Chị không về phòng mình vội, mà chị nghĩ ngay đến Marie-Bernard. Và không còn do dự nữa, chị chạy ngay đến Phòng thuốc Sainte-Croix.

   Một nữ tu đau ốm nằm tại Phòng thuốc với Bernadette cùng phòng, đã được Bề trên cho dời qua phòng bên cạnh để chỉ còn Bernadette trong phòng. Cha Tuyên úy của Dòng được mời tới gấp vào một giờ trưa. Trời bỗng dưng đổ cơn mưa ập xuống tắm gội cỏ cây. Trận mưa như loan báo hồng ân của Đức Trinh Nữ đổ xuống cho người con đã được chọn, vào giờ phút sẽ gặp lại. Chị ngồi nơi ghế bành, thở hổn hển và toàn thân đau nhức quá sức.

   Chị xưng tội một cách rất sốt sắng. Sau đó, nhớ lại là Đức Piô IX có ban phép lành cho chị vào giờ phút hấp hối, nên chị yêu cầu tìm cho chị tờ giấy đó, tưởng rằng phải cầm trong tay mới lãnh ơn ân xá được.Nhưng người ta cho chị hiểu là chị chỉ cần có ý cầu xin tên cực trọng Chúa Giêsu là đủ.

   Soeur Nathalie bước vào, đến gần thì Bernadette kêu lên:

   - Chị ơi, em sợ, em sợ...

   Nathalie quỳ xuống bên cạnh, nhẹ nắm tay Bernadette:

   - Chị sợ gì, sợ ma quỷ đến cám dỗ chăng?

   - Phải, nó có đến nhiều lần, nhưng em kêu tên Giêsu và bảo nó cút đi.

   - Thế thì Chị còn sợ gì nữa không?

   - Em đã nhận được quá nhiều ân sủng. Đáng lẽ ra, em phải xứng đáng hơn. Chị nhớ cám ơn Đức Mẹ giúp cho em thêm với.

   - Chị yên tâm...

   Nữ tu Nathalie đi cấp báo cho Mẹ Bề trên, để cho mời ngay bác sĩ Saint-Cyr. Bernadette đang bị lay chuyển bởi một nỗi đau đớn cùng cực, nhưng lại có thể thở rất sâu. Rồi với một giọng bình tĩnh rõ ràng, Bernadette xin lỗi Mẹ Bề trên, Mẹ Giám tập và các chị em trong Dòng, vì cho rằng, bấy lâu mình làm phiền cho họ, vì những gương xấu, nhất là tính kiêu căng. Nhưng thực ra, cho đến giờ phút cuối cùng, Bernadette luôn sống trong khiêm nhu, hạ mình và luôn cho mình còn nhiều thiếu sót, lỗi lầm trên đường nhân đức. Có lẽ đó là điều bí mật mà Bà đã dạy cho Bernadette chăng? Không còn gương khiêm hạ nào hơn!

   Rồi chị quay qua hỏi nữ tu Nathalie:

   - Hôm nay là ngày thứ mấy hỡi chị?

   - Hôm nay là ngày Thứ tư.

   - Như vậy mai là ngày THỨ NĂM nhỉ. Sẽ còn có một ngày THỨ NĂM TRỌNG ĐẠI!

   Một niềm vui sướng tỏa rạng từ đôi mắt mở to của bệnh nhân. Nữ tu Nathalie không hiểu gì hết về niềm hạnh phúc đó. Chính là ngày THỨ NĂM đầu tiên, 11/2/1858, lúc đi kiếm củi khô, em đã thấy Bà áo trắng hiện ra trong hang Massabielle

   Chính ngày THỨ NĂM hôm sau, 18/2/1858, Bà đã nhã nhặn và lễ phép hỏi em có vui lòng đến tại đây trong vòng 15 ngày không? Cũng chính ngày THỨ NĂM tuần sau, 25/2/1858, Bà lại yêu cầu em hãy đi đến suối nước để uống và rửa. Và cũng ngày THỨ NĂM trong ngày cuối của 15 ngày Bà yêu cầu, 4/3/1858, Bà cho em ngất trí và trao điều bí mật cho riêng em; cho nên Bà không hiện ra hôm đó, tuy có 20.000 người tụ tập để đón chờ phép lạ. Nhưng Bà đã chờ đến THỨ NĂM sau, 25/3/1858, lễ Truyền Tin, Bà mới hiện ra cho em và cho mọi người có măt. Bà trả lời câu em hỏi và mọi người mong chờ biết danh tánh của Bà: Ta Là Vô Nhiễm Nguyên Tội !

   Nghĩ đến điều đó, Marie-Bernard không còn sợ hãi gì nữa.Chị đã lấy lại bình tĩnh và nằm nghỉ.

   Một ít lâu sau, chị lại mệt xỉu. Ai cũng tưởng chị sắp qua đời, cho nên các nữ tu đã mang Bernadette đến ghế bành, cạnh lò sưởi trên ấy có tượng Đức mẹ Lộ Đức đặt giữa hai cây nến đang cháy sáng. Bernadette nằm trên giường khó thở, nên mới được đem xuống ngồi ngã người trên ghế bành, chân gác lên chiếc ghế đẩu trước mặt... Nhưng rồi, chị lấy lại sức, tuy vẫn còn thở hổn hển.

   Một hồi sau, chị mở mắt ra và nhận biết tất cả. Với một sức mạnh lạ thường, mà đã nhiều ngày qua chưa từng thấy bao giờ, chị làm dấu thánh giá với nét mặt rạng rỡ, hớn hở phơi phới, mà Bà đã dạy chị làm một cách trang trọng lúc hiện ra tại hang đá. Căn phòng đầy người. Mẹ Joséphine Imbert, mẹ Giám tập và các nữ tu đều quỳ xuống đọc kinh nguyện cầu cho kẻ hấp hối lâm chung.

   Cha linh hướng đọc kinh nguyện gẫm của Vua Salomon, nói về linh hồn thiếu nữ đón tiếp chàng rễ: « Tôi ngủ, nhưng trái tim tôi còn thức. Đó là tiếng của Bạn tình tôi. Chàng kêu cửa. Hãy mở cửa, hỡi người em gaí, người yêu của tôi, chim bồ câu, người rất trong trắng của tôi! Bởi vì đầu tôi thì đầy sương mai và tóc tôi thì đầy giọt mưa đêm. »

   Sau đó, các nữ tu cùng cất tiếng hát. Đôi mắt của Bernadette long lanh khác thường, đang nhìn vào khoảng trống. Người ta tưởng ánh mắt đó tìm kiếm Cây thánh giá treo tường. Các nữ tu liền lấy xuống và để trên ngực cho chị. Marie-Bernard ôm ghì lấy một cách say mê, nhưng đôi mắt thì vẫn hướng về cõi xa xăm, rồi chị kêu lên ba lần như một nỗi vui mừng: Ồ kìa! Ô kìa! Ô kìa!

   Rồi toàn thân rung chuyển. Chị để bàn tay rơi xuống nơi con tim, đôi mắt hạ xuống và chị nói rõ như nói với một ai: « Lạy Chúa, con mến Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn con! »Chị yêu cầu người ta cột chặt cây Thánh giá vào người chị để Tượng chuộc tội không rơi khỏi tầm tay của chị. Một sức mạnh mới, khó hiểu, nâng bệnh nhân lên cao, và từ lồng ngực phát ra một tiếng kêu rung động và âm vang rất lâu: « Ôi tôi yêu thương Chúa biết bao! »

   Tiếng kêu rất lớn làm mọi người im lặng. Người ta có cảm giác là Bà đang có mặt trong phòng. Đấng rất thánh, rất dịu hiền đã đích thân đến đón rước đứa con yêu dấu của mình và đem về nơi cực lạc muôn đời. Vào lúc 15giờ kém 5, một nữ tu lấy lời phấn khởi Marie-Bernard:

   - Chị hãy tin cậy, Đức Me sẽ xuống gặp chị.

   - Em cũng hy vọng như thế!

   Vào khoảng 15 giờ 15, các chị lần hạt đọc kinh Kính mừng... Bernadette đọc tiếp trong hơi thở cuối cùng: « Cầu cho con là kẻ có tội,có tội... » Bernadette tỏ ý xin uống chút nước. Nữ tu Léontine Mouret, bạn cùng quê Lộ Đức và cùng đi chuyến xe lửa về Nevers, vội đi lấy ly nước đem lại. Bernadette đỡ lấy ly nước, thấm môi, rồi trả ly lại, sau khi đã làm Dấu Thánh Giá, lần cuối cùng, một cách trịnh trọng như Đức Mẹ đã dạy cho chị xưa kia. Ai nấy thinh lặng, liên tưởng đến tiếng kêu Ta khát của đức Kitô trên Thánh giá. Quả thật, giờ đây Marie-Bernard cũng đang nằm trên thánh giá khổ đau, như giang đôi tay dâng hiến cuộc sống của mình...

   Đoạn Bernadette nhìn Léontine lần cuối, nhớ những ngày niên thiếu ở Nhà máy xay bột, rồi nói:

   - Em bị nghiền nát như bột mì trong cối xay.

   Lời nói đó làm cho Léontine nghĩ đến lời Phúc Âm: « nếu hạt lúa không rơi xuống đất... ».

   Thế là hoàn tất. Marie-Bernard nghiêng đầu bên trái, rồi êm ái trút hơi thở cuối cùng!

   Bernadette đã vĩnh biệt trần gian, đem theo ba điều bí mật Đức mẹ đã dạy cho chị! Đó là ngày 16 Tháng Tư 1879, lúc 15g15 chiều Thứ Tư Phục Sinh.

   Thông thường sự Chết chấm dứt nét mặt con người bằng một cử chỉ bất thần. Trái lại sự Chết lại làm cho nét mặt của Bernadette rạng rỡ. Đúng vào lúc thở hơi cuối cùng, khuôn mặt xuất thần của Bernadette lại tái diễn, giống như cuộc sống của người được nối liền với Bà qua mọi thời gian và không gian. Không còn chút gì đau đớn trên khuôn mặt! Các nữ tu mở rộng các cửa sổ. Bên ngoài mùa xuân đã đến với một làn gió nhẹ. Người ta nhìn thấy các cây trong vườn đã nở hoa và đám mây bạc đang lững lờ trôi qua khung cửa sổ.

   Các Bà lo sắp đặt cho Bernadette nằm ngay ngắn lại, thay y phục Dòng sạch sẽ thẳng thắn, thắp các cây đèn để chung quanh thi hài. Ánh sáng ban chiều trắng bạc và ánh sáng màu vàng của các cây nến cùng chiếu lên khuôn mặt của Bernadette như đang trong tình trạng xuất thần vĩnh viễn!

   Mẹ Bề trên lấy vòng hoa đã được kết sẵn đặt lên đầu cho Bernadette như triều thiên phần thưởng và niềm hy vọng dành cho các nữ tu tận hiến qua đời trong Dòng thánh. Giờ phút này, Mẹ không khỏi nhớ lại cuộc đời thơ ấu của Bernadette, lúc em đi vào rừng kiếm củi, và Bà áo trắng hiện ra. Em chạy vội về trình diện Cha sở Lộ Đức. Bấy giờ ngài không tin, nhưng giờ đây, trước cái chết an lành, thánh thiện của Bernadette, có lẽ ngài đã phải suy nghĩ lại.

   Qua những năm tháng điều tra, thẩm vấn và với bao phép lạ của suối nước, cũng như bao ơn huệ mà giáo xứ Lộ Đức của ngài đã được, thì tâm tình cảm nghĩ của ngài có lẽ đã đổi thay. Mẹ Bề trên như nghe tiếng nói của ngài từ trời cao vọng xuống: « Hỡi Bernadette, người con thân yêu của Lộ Đức, đời sống vĩnh cữu của con đã bắt đầu. Những tiếng này không có nghĩa là bây giờ con đã ở trên trời, mà còn muốn nói bây giờ con còn ở trần gian nữa. Xưa kia, đôi mắt của con đã trông thấy những điều kỳ diệu hơn mắt của cha. Trái tim của con chứa đầy Tình yêu hơn những con tim chai đá của cha.

   Bởi thế con có mặt và hoạt động mọi ngày, chẳng những là ở suối nước Massabielle, mà trong mỗi hoa đang nở rộ trong vườn, và ở các cánh đồng nữa.Đời sống muôn đời của con đã bắt đầu ! Cái chết thánh thiện của con giờ đây đã biến đổi tâm tư cảm nghĩ của bao người trước kia cũng « cứng lòng « như Cha. Nếu xưa kia, cha đã nghe lời con thì bấy giờ tâm tư của cha đã khoan khái nhẹ nhàng biết bao. Nhưng trước khi qua đời, cha cũng đã đặt hết tin tưởng vào Bà áo trắng của con. Cha biết làm gì hơn là cám ơn con! »

   Còn riêng Mẹ Bề trên thì Bà cũng nhớ đến người con thân yêu của Đức Mẹ mà Dòng thánh được phước đón lấy trong vòng 13 năm qua. Nhưng cũng trong thời gian qua đó,biết bao điều kỷ luật gắt gao, biết bao lời qưở trách có khi quá đáng, biết bao hình phạt cố tình để uốn nắn người con mà Trời giao phó cho người trần gian... mà giờ đây có lẽ Bà cũng ái ngại khi nghĩ đến.

   Nhưng hình như chị không nghĩ như thế, cuộc đời của chị là những chuỗi ngày qua trong thử thách, chiến đấu, trong can trường, trong sự chấp nhận hy sinh, quyết vác thánh giá theo chân Giêsu tử nạn, vì tất cả những khổ đau đó đều có ích cho Nước Trời.

   Vì thế, Mẹ Bề trên như đọc được trên môi miệng Bernadette đang thì thầm những lời « cám ơn Chúa » :

   - đã cho con sinh ra trong một gia đình nghèo, người mẹ vất vả, người cha thất nghiệp, bị tù tội...

   - đã cho con bị chính quyền tra hỏi, dọa nạt, bị hàng Giáo sĩ nghi ngờ, chất vấn!

   - đã để cho con bị Mẹ Bề trên nói là vô dụng; Mẹ Giám tập đối xử nghiêm khắc!

   - đã để cho thân xác mỏng dòn của con đầy vết đau ; tâm hồn trải qua những đêm tối đức tin !

   - đã để cho những kẻ thân yêu nhất trên đời, được Chúa gọi về mà con không được gần bên!

   - đã đem con ẩn dấu vào những thương tích của Chúa để con kết hiệp khổ đau đời mình với Chúa khổ nạn và Mẹ sầu bi để cứu các linh hồn !

 Xác thánh được quàng tại Nhà nguyện của tu viện để cho bổn đạo đến kính viếng. Tin về cái chết của Bernadette được loan truyền rất nhanh trong tỉnh Nevers, và không ai là không kéo đến viếng xác Bernadette lần chót. Ai nấy đều đem theo một đồ vật gì để đụng đến xác thánh... Nhà Dòng định để xác ba ngày rồi chôn cất, nhưng dân chúng bổn đạo kéo đến chiêm ngắm và nguyện cầu quá đông, nên Nhà Dòng phải để thêm một ngày nữa mới chôn cất.

   Đức cha Lelong, GM Nevers, phải hoãn chuyến công du mục vụ để ở lại chủ tọa lễ an táng hôm Thứ Bảy 19 tháng Tư 1879. Ngài đã mượn lời trong sách Tôbia để áp dụng cho Marie-Bernard: « Che đậy những bí mật của vua chúa là điều tốt đẹp; nhưng ca ngợi và cao rao những kỳ công tuyệt hảo của Thiên Chúa là điều đáng khen hơn! »

   Lễ mồ Requiem được ca đoàn của Nevers đảm trách. Xác của Bernadette được đem chôn trong nhà nguyện dâng kính thánh Giuse, trong vườn của tu viện, trước đám đông người tham dự. Lễ nghi rất long trọng, nhưng ngôi mộ rất đơn sơ, thích hợp cho cái chết của một người nữ tu khiêm hạ về tinh thần lẫn vật chất.Thực Phúc cho các kẻ nghèo, vì Nước Trời là của các người! » (Lc 6:20)

   Chính ngôi mộ đơn sơ, nghèo hèn này rồi đây sẽ làm cho cả thế giới phải kinh ngạc khi xác người nữ tu được khai quật lên để duyệt xét tu bổ cho hồ sơ xin phong thánh cho Bernadette!

   Về sau, xác của Chị đã được bốc lên lần cuối là 1925.Ngày nay xác thánh được yên nghỉ muôn đời trong Hòm Kính (La Châsse) nặng đến 400 kí, chạm trổ lộng lẫy đặt trước bàn thờ Đức Mẹ trong nhà thờ xây cất trong sân tu viện. Còn ngôi mộ cũ,trước chôn sâu dưới lớp sàn lót đá hoa, thì nay chỉ có một tấm chiếu cối tầm thường, nghèo nàn trải lên trên đánh dấu chỗ ngôi mộ. Có một chậu hoa đặt trên sàn gạch, cây thánh giá đơn sơ bằng gỗ đặt nằm trên chiếu phía trên đầu, và một miếng gỗ nhỏ,đặt phía dưới chân, chỉ ghi có giòng chữ:

   Ici repose le Corps de Bernadette SOUBIROUS. (1879 -1925)

   (Đây là nơi chôn Xác Bernadette Soubirous )

   Cả đến lúc chết, nấm mồ của Bernadette cũng được xem như là ngôi mộ của kẻ nghèo hèn, khó khăn, đơn giản, nếu không nói là hèn hạ đối với lăng tẩm của những bậc vương giả, những ngôi mộ đắp xây của những kẻ có bạc tiền, những anh hùng dân tộc, những nhà văn lừng danh, những nghệ sĩ nổi tiếng của trần gian phù du...

   Nhưng chính đó lại là nơi an nghỉ của một vị thánh, mà danh giá và vinh quang chỉ muốn tồn tại muôn đời trong tình yêu Giêsu chí thánh, trong cung lòng Trinh Nữ Maria, trong muôn vàn tiếng ca ngợi của triều đình các thánh.

   Đó mới là vinh quang và giàu sang bất diệt!

Chương 25 : Lễ Phong Thánh cho nữ tu Marie Bernard

Hôm đó là ngày 8 tháng 12 năm 1933, Lễ Đức mẹ Vô Nhiễm. Trời quang đãng, sáng sủa, ánh nắng ấm áp của bầu trời nước Ý đã làm cho quang cảnh tấp nập rộn ràng tại Công trường Thánh Phêrô ở La Mã thêm hùng vĩ, và phi thường. Đó là LỄ PHONG THÁNH cho nữ tu MARIE-BERNARD, cô bé Bernadette ngày xưa.

   Trên 50 ngàn người từ khắp nơi tuôn về Rôma tham dự lễ Phong thánh.Họ thuộc nhiều quốc gia khác nhau, gồm có hàng ngàn đại diện các Dòng tu nam nữ, các hội đoàn CG, các ngoại giao đoàn của trên bốn mươi quốc gia. Nhóm quan trọng nhất là nhóm người Pháp, gồm giáo sĩ và giáo dân. Đông nhất là phái đoàn đại diện cho vùng Lộ Đức: 15.000 người. Đại sứ Pháp là Charles Roux.

   Thánh đường Phêrô chứa được 80.000 người. Nhưng hôm ấy con số lên đến 90 hay hơn nữa. Đó là chưa nói đến lối đi ở giữa, phải để rất rộng cho ĐGH và đoàn tháp tùng của ngài từ ngoài tiến vào. Tất cả 16 vị Hồng Y của triều đình Tòa thánh. Những vị nổi tiếng là: Gaspari, Granito di Belmonte, Pacelli (đức Piô XII sau này ), Marchetti. Không ai nhớ hết tên các TGM, GM vì có tất cả 118 vị.

   Nhưng trong số giáo dân đến tham dự đông đảo này, đáng chú ý hơn hết là Bouhort. Tên thật là Justin Bouhort. Năm ấy đã gần 80 tuổi, thế mà người ta vẫn gọi là « cậu bé Boubou », để nhớ lại gần 80 năm qua, cậu là đứa con đầu lòng của phép lạ suối nước Lộ Đức. Người ta vây chung quanh cụ già làm vườn này để bắt tay cụ, chào hỏi cụ và giới thiệu cụ với những vị cao cấp trong giáo hội và ngoại giao đoàn.

   Đại sứ nước Pháp bấy giờ đã nhất thiết can thiệp để cụ được có một chỗ ngồi trên khán đài danh dự. Cụ rất sung sướng để kể lại chuyện năm xưa, lúc còn là đứa bé hai tuổi, bị chứng bệnh kinh phong và tê liệt đôi chân. Trong cơn tuyệt vọng, mẹ cậu, như một người điên, đã bồng cậu chạy bay ra suối nước lạnh cóng, dìm cậu xuống nước ngập đến cổ. Nhờ vậy, cậu đã được cứu sống. Cậu kể lại, sau đó cậu thường gặp Bernadette, cho đến ngày cô từ giã Lộ Đức để vào Dòng tu taị Nevers.

   Bouhort thích mô tả một cách trịnh trọng và thắm thiết, những cử chỉ, giọng nói phong cách cô gái đã tìm ra suối nước nhiệm mầu, nhờ đó mà cậu còn sống sót, và sống cho đến ngày nay. Cũng vì thế, cụ rất sung sướng, với tuổi gần 80, là người duy nhất trong số người đến tham dự, là kẻ đã có gặp gỡ thân mật với « Nữ quan thầy của Lộ Đức ». Cụ vẫn còn nhớ kỹ nét mặt thân yêu, giọng nói êm dịu và hình dáng của Bernadette, tưởng chừng như cô vừa mới từ giã chúng ta, cách đây chỉ mấy tiếng đồng hồ. Những người khác đâu có thể biết được nhiều đến thế. Vì họ không có những kinh nghiệm cá nhân và trực tiếp như vậy. Tất cả những gì họ biết, chỉ là qua sách vở,báo chí hình ảnh hay tiếng đồn mà thôi.

   Người ta kể laị rằng, lúc cậu ba tuổi, thường được vị Thánh nữ ẵm bồng trên tay lúc hai gia đình ở gần nhau và thường qua thăm viếng. Và người ta hỏi cảm tưởng của cụ về ấn tượng và cảm giác trước cảnh hùng vĩ Ngày Phong Thánh hôm nay, với số dân chúng đông đảo kinh khủng, từ khắp nơi đến chào mừng vị Thánh nữ mới của nước Pháp.

   Và kìa, trước mắt cụ nhân dịp lễ, những cánh cửa khổng lồ của đền thờ thánh Phêrô đã có những tấm màn màu đỏ. Những cửa sổ nhỏ trên vòm cũng có giăng màn đỏ. Để cho ánh sáng mặt trời không thể lọt vào bên trong. Thật là một cảm giác phi thường khi nghĩ đến bóng đèn chiếu sáng,mỗi bóng ít nhất cũng 100 watts...

   - Vậy xin cụ cho biết cảm tưởng của cụ, vì cụ là người có liên lạc thân hữu với gia đình Soubirous; cụ đã mục kích được cảnh nghèo khó của gia đình Thánh nữ..?

   - Ồ vâng, chúng ta không dễ gì quên được cảm xúc thời thơ ấu. Lúc còn nhỏ, tôi đã trông thấy cảnh khốn quẫn của gia đình Soubirous. Hôm nay lại được chứng kiến cảnh huy hoàng, với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của Ngày Phong Thánh mà trên đời không có gì sánh nỗi. Và như vậy, chỉ mới có 54 năm qua, sau ngày Bernadette qua đời! Bên cạnh vinh quang này, một vị Vua chúa giàu sang, một vị Tổng thống oanh liệt hay một vị lãnh tụ nổi tiếng, lấy gì để so sánh.

   Người ta đề cao họ lên trong một vài năm, hay suy tôn trong thời kỳ họ còn lãnh đạo; nhưng sau khi họ chết, người ta chôn vùi họ trong một hố sâu, để họ tan biến đi. Còn lại cái gì? Còn lại một tên tuổi trong sách sử, hay có khi, ngoài ý muốn của họ, toàn thân bị « lạnh giá » trong một nấm mồ trống rỗng vĩ đại mà với thời gian, « danh thơm tiếng tốt » cũng sẽ tan dần, tàn úa rồi bị lãng quên! Hãy nhớ đến Hoàng đế chiến chinh Nã phá Luân, « chọc trời phá nước » để mở mang bờ cõi nước Pháp, để rồi, mạt vận, bị giam cầm trên hòn đảo và chết thảm thương... Có người nói là ông ta bị phe phái mình... đầu độc! Bởi thế không có gì bằng con đường siêu thánh, tuy chật hẹp và gai góc, nhưng chắc chắn dẫn đến Nước Trời hằng sống!

   Tiếng kèn bằng bạc vừa trổi lên. Chiếc kiệu của Đức Piô XI tiến vào lối giữa của đền thờ. Hai bên có những vệ binh Suisses đi kèm những Hồng-y, Giám mục với những chiếc gậy bằng vàng, có chạm trỗ. Ngai của Đức giáo hoàng đặt ở cuối nhà thờ.Hai bên có 16 vị Hồng y, và dưới chân bệ của ngài là các Trưởng Bộ của Tòa Thánh. Những nghi lễ rất long trọng, giờ đây sắp diễn ra một cách chậm rãi.

   Một vị Hồng y đến gần Giáo hoàng,quỳ gối và đọc một vài câu bằng tiếng la tinh. Vị này đảm trách việc Phong thánh và cũng là vị đại diện của nữ tu Marie-Bernard. Vụ phong thánh này đã kéo dài trong nhiều chục năm qua, vì phải qua nhiều chặng điều tra tương phản. Một nhóm tìm cách bệnh vực đời sống thánh thiện của Bernadette, một nhóm khác đóng vai đối nghịch « bới lông tìm vết », mà người ta thường gọi là Trạng sư của Quỷ (Avocat du Diable). Nhưng cuối cùng, với yếu tố thời gian, nhóm ủng hộ đã giải quyết cuộc tranh chấp bằng những chứng minh không ai chối cãi được!

   Ngày trước, ông Biện lý Vital Dutour không thuyết phục được Bernadette khi hỏi cung cô bé 14 tuổi ấy, thì ngày nay, Trạng sư của Qủy cũng không dễ dàng đánh bại được Bernadette, mặc dầu nay cô chỉ là một tử thi! Bernadette vẫn đương đầu với mọi chống đối như xưa kia còn sống, bằng cách khép miệng những kẻ muốn phản kháng!

   Mặc dầu bị bệnh trong nhiều năm, nhất trong năm cuối cùng, thi hài của Bernadette không có một dấu vết thương nào, không một mùi hôi thối nào xông ra.

   Ngày Thứ tư 22 tháng Chín 1909, tức là 30 năm sau ngày Marie-Bernard qua đời, chiếu theo giáo luật, Tòa án phong thánh cho thành lập tại Nevers một Uy ban có nhiệm vụ khai mở nấm mồ của Bernadette để khám nghiệm tử thi.

   Phía đạo gồm có: Đức cha Gauthey, GM Nevers và các nhân viên Tòa án giáo sĩ và ba chứng nhân: Cha Perreau,Mẹ Tổng Quyền Marie Joséphine Forestier và Mẹ Phụ tá. Phía đời thì có ông Tỉnh-trưởng, ông Phó, BS Jourdan và BS David. Ngoài ra còn có hai thợ nề và hai thợ mộc.

   Tất cả đều thề hứa là sẽ nói sự thật. Tất cả Uy ban tiến về Nhà nguyện thánh Giuse là nơi chôn xác thánh nữ. Người ta mở vít nắp quan tài ra và cắt đứt lớp thiếc bên trong bọc xác.

   Mọi người ngạc nhiên khi thấy thi hài không bị tan rã, và có thể nói là không thay đổi, vẫn còn nguyên vẹn. Khuôn mặt, hai bàn tay, cánh tay và thịt rắn chắc lại. Đầu hơi ngã về bên trái, miệng hơi hé, để lộ hàm răng còn cứng cát. Mắt nhắm lại, nét mặt có vẻ hoan lạc. Toàn thân thì cứng và chắc chắn đến nỗi các nữ tu Nevers tham dự cuộc điều tra chính thức, có thể lật qua lật lại, hoặc dễ dàng nâng lên đặt lên bàn có phủ khăn trắng, dự bị để đựng hài cốt. Rồi các nữ tu tắm xác và đặt vào một quan tài mới, lót kẽm và lụa trắng. Trong vài giờ thi thể bị đưa ra ngoài, bị gió nên hơi đen lại.

   Thế rồi, quan tài mới mẻ được đậy lại, hàn chì, vặn vít và đóng bảy con dấu khằng. Những người thợ khiêng quan tài đặt lại vào huyệt cũ như trước. Công việc khởi sự từ lúc Uy ban đến là 8g30, tới khi kết thúc lễ nghi là 17g30.

   Vấn đề xác của Bernadette được giữ nguyên vẹn như thế không hẳn là một phép lạ, vì người ta nhận thấy rằng có nhiều nơi, nhờ khí hậu đất đai mà thân xác chôn nơi đó được giữ gìn hơn. Dẫu vậy, trường hợp của Bernadette cũng đáng lưu ý, đáng liệt vào những hiện tượng họa hiếm: thân xác lúc qua đời đầy những bệnh tật, huyệt chôn thì ẩm, áo Dòng bị mốc, chuỗi hạt nơi tay gỉ rét và Tượng ảnh chuộc tội thì mốc xanh,nhưng thi hài vẫn còn nguyên vẹn!.

   Có lẽ vì thế mà khi Biên bản cuộc khám nghiệm và các bằng chứng nhận thấy tận mắt, làm cho dư luận xôn xao. Phe chống đối và một số báo chí nổi lên vu khống cho rằng sở dĩ thi hài không tan rã chỉ là một sự lường gạt trắng trợn. Họ cho rằng: vài giờ sau khi chết, người ta đã khéo léo ướp xác, để rồi bây giờ cho rằng đây là một thi hài thần diệu, được hồng ân Thiên Chúa tuyển chọn. Nhưng sự thực, chỉ là một xác chết tầm thường, theo kiểu ướp xác của Ai Cập. Trước kia, Luật sư của Quỷ nắm lấy lý lẽ này để chống đối việc phong thánh.

   Nhưng việc Thiên Chúa đã làm thì còn nhiều chứng minh kỳ diệu khác nữa.

   Mười năm sau,một Uy Ban thứ hai được thành lập và nấm mồ lại được mở ra một lần nữa để khám nghiệm, để tiến tới việc nhìn nhận « Nhân đức anh hùng » của Marie-Bernard là giai đoạn đầu tiên trong việc duyệt xét để Phong thánh.

   Đó là ngày 3 Tháng Tư 1919 do một Uy ban gồm có: Đức GM Nevers bấy giờ là Chatelus, các nhân viên Tòa án giáo sĩ, ông Tỉnh-trưởng Nevers, ông Phó, ông Cảnh sát trưởng, các Đại điện tỉnh cùng BS Talon và BS Comte. Công việc khám nghiệm và đặt lại vào áo-quan như lần đầu. Chỉ có điều đáng nói là lần này, sau khi khám xét tử thi, mỗi ông Bác sĩ vào một phòng riêng, không được liên lạc với nhau, để thảo tờ trình về những gì mình đã thấy, chiếu theo y-khoa. Lạ thay là hai bản phúc trình của hai Bác sĩ giống hệt nhau và hoàn toàn giống như ý kiến của BS Jourdan và BS David khám lần đầu.

   Bản tường trình của BS Comte có đoạn:

   « Khi quan tài được mở nắp, thì ta thấy thi hài hoàn toàn nguyên vẹn, không một mùi hôi. Xương sống còn nguyên và người ta có thể khiêng thân hình lên bàn không chút gì khó khăn... »

   Còn bản tường trình của BS Talon cũng ghi tương tự: « (...) không có một mùi hôi nào xông ra, không có người nào có mặt mà lấy làm khó chịu vì mùi hôi thối. .. »

   Chiều hôm ấy, lúc 5 giờ, người ta đem đặt quan tài xuống huyệt nơi Nhà thờ thánh Giuse, trước sự chứng kiến của ĐGM, Mẹ Tổng quyền và ông Cảnh sát trưởng.

   Ngày 18 tháng Mười Một 1923, đức Giáo-hoàng tuyên bố Bernadette thực có « Nhân đức anh hùng. » Lời nhận định đó mở đường cho việc phong Bernadette lên cấp hai là CHÂN PHƯỚC (Bienheureuse), trước khi được nhìn nhận là Hiển thánh.

   Muốn được thế, cần phải có cuộc khám nghiệm thi hài lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng. Và cũng là dịp để Bác sĩ lấy một ít thịt, xương, để làm « xương thánh »để gởi về Rôma, về Lộ Đức hoặc các nhà Dòng các Bà.

   Ông Cảnh sát trưởng Mabille, BS Talon và BS Comte được mời đến như lần trước. BS Comte, với tư cách là chuyên môn về khoa mổ xẻ, sẽ lấy một ít « xương thánh ». Đó là ngày 18 tháng Tư năm 1925, gần đúng 26 năm sau khi Bernadette qua đời (quá hai ngày). Mọi người đều đặt tay lên Phúc Âm tuyên thệ.

   Sau đây là một đoạn của bản phúc trình của BS Comte:

   « Thể theo lời ĐGM Nevers yêu cầu,tôi lấy một ít thịt nơi sườn thứ năm và thứ sáu nơi thi thể Bernadette để làm « xương thánh ». Tôi nhận thấy rằng ở trong lồng ngực có một khối thịt cứng, bền chặt, nhất là tình trạng bất ngờ của lá gan không chút hư hỏng, sau 46 năm chôn cất. Đáng lý ra bộ phận thiết yếu mềm nhũn đó phải tan bấy nhanh chóng,hoặc đọng cứng lại; nhưng khi lấy dao cắt thì thấy mềm dẻo. Tôi đã lưu ý cho những kẻ phụ giúp tôi là tình trạng đó không phải là điều tự nhiên. Mẹ Tổng quyền đã tỏ ước muốn là Bác sĩ đừng tìm đến quả tim Bernadette, cứ để nguyên vẹn trong lồng ngực!... »

   Là người phụ nữ và là người mẹ thiêng liêng, Bà hiểu rõ, hơn ai hết, con tim là trọng tâm của con người. Vì nếu người ta thường nói « con mắt là cửa sổ của tâm hồn », thì ta cũng nói được «con tim là chính tâm hồn » của người đó vậy. Một phản ứng đầy mẫu tính và chắc cũng là nguyện vọng của Bernadettte muốn được ở « trọn vẹn » với chúng ta cả xác lẫn tâm hồn! Muôn ngàn đời cảm tạ tình thân ái của một « người chị « và một « người mẹ »

   Sau đó, BS lấy băng quấn thân xác Bernadette lại, chừa có mặt và tay. Người ta đem xác đặt vào quan tài, rồi trước khi tẩm liệm lại, người ta lấy khuôn sáp in lên mặt và hai tay để về sau áp lên mặt và hai tay che bớt mốc đen vì đưa thi hài ra ngoài gió, cho dễ ngắm nhìn. Nhưng vì lớp sáp thật mỏng, và đúng khuôn mặt và hai tay nên không đổi hình dạng mặt hiền hòa và đôi tay mềm mại của người nữ tu trẻ tuổi và thánh thiện.

 Ngày chúa nhật 14 tháng sáu 1925, lễ MTC, đức Giáo hoàng Piô XI long trọng công bố nâng Marie-Bernard lên hàng CHÂN PHƯỚC trước đám đông vây đen nghẹt công trường thánh Phêrô. Về phía Nhà Dòng Nevers, thì có mẹ Tổng Quyền Marie-Thérèse Bordenave, và giòng họ Soubirous thì có Pierre Soubirous (mà Bernadette thường âu yếm gọi là « Mon petit Pierre). Ông ta đã trịnh trọng dâng lên đức giáo hoàng hôm ấy một ít xương thánh của Bernadette, chị mình và marraine của mình. Nhưng ông ta lại không được may mắn tham dự ngày đại lễ phong THÁNH cho Bernadette (1933), vì ông ta mất năm 1931, hưởng thọ 72 tuổi đời! Ông về trời và cùng chị là Bernadette tham dự lẽ phong thánh cho Marie Bernard tự trời cao, tận nguồn gốc, giữa các triều thần thánh và nhất là trong Trái Tim Chúa Giêsu và trong cung lòng mẹ Maria như lời Bernadette thường hẹn với em út mỗi khi chia tay ở trần gian. Lời hẹn hội ngộ tại trời cao quả đã ứng nghiệm!!!

   Ngày 18 tháng Bảy sau đó, Xác thánh nữ được đặt vào Hòm kính (La Châsse) và đưa về Nhà Tập của Dòng. Ngày 3 tháng Tám, Hòm kính được long trọng dời về Nhà nguyện của tu viện. Một Tuần Tam Nhật (4,5,6 tháng Tám) được cử hành long trọng chào mừng vị CHÂN PHƯỚC mới của Giáo hội và tu viện Saint-Gildard Nevers.

   Phe đối lập việc Phong thánh không còn nêu lên những chống đối nào nữa. Đó là vào năm 1925. Nhưng còn phải đợi thêm tám năm, việc phong thánh mới được chính thức tuyên bố. 

   ĐẠI LỄ PHONG THÁNH. Đó là ngày 8 tháng 12 năm 1933, sau khi 8 năm đã trôi qua và luật sư của Bernadette đã thắng tất cả mọi phiên tòa xét xử của tòa án phong thánh, việc cử hành lễ phong thánh được diễn ra.

   Vị luật sư hội đồng Hồng Y, đại diện cho Bernadette, liền bước lên trước bệ của Đức giáo hoàng và kính cẩn xin ngài ghi vào danh sách các chư thánh, tên của người con gái năm xưa tại Lộ Đức: Bernadette SOUBIROUS.

   Đức Piô XI không trực tiếp đáp lại lời yêu cầu, mà qua phát ngôn viên. Đó là ĐGM Bacci, ghế ngồi được đặt dưới chân bệ Giáo hoàng. Ngài nói:

   - Đức Thánh Cha không còn ước mong nào hơn sự phong thánh này. Nhưng trước khi có sự chấp nhận long trọng, còn cần phải kêu xin ánh sáng của Thiên Chúa.

   Toàn thể dân chúng quỳ xuống cất tiếng hát Kinh Cầu các Thánh. Sau đó đức Giáo hoàng cất cao kinh cầu Thánh Linh: VENI CREATOR SPIRITUS... Toàn thể Nhà nguyện Sixtine vang lên lời van nài Ngôi Ba soi sáng...

   Dứt bài hát, luật sư của Bernadette, một lần nữa, dâng lời thỉnh nguyện. ĐGM Bacci đứng lên và đến bái lạy đức Giáo-hoàng và đưa cao hai cánh tay lên :

   « Hỡi Phêrô! đang sống trong kẻ kế vị ngài, xin hãy đứng lên và tuyên bố ». Rồi quay về phía giaó dân đang đứng đông đảo, ngài kêu lớn tiếng:

   « Và hỡi quý vị, hãy cung kính và lắng nghe lời phán truyền bất khả sai lầm của Phêrô ». Giọng nói dõng dạc của đức Piô XI, qua máy vi âm, vang dội khắp nơi, trong bầu không khí tôn nghiêm của Đền thờ Thánh Phêrô:

   « TA NHẬN ĐỊNH VÀ TUYÊN BỐ RẰNG:

   Chân Phước Marie-Bernard được nâng lên hàng Thánh Nữ Đồng Trinh và Hiển Tu. Ta ban phép cử hành Lễ kính nhớ Người hàng năm vào ngaỳ 18 tháng Hai... »

   Thế là Lễ kính nhớ « Sứ giả » của Trinh Nữ Maria được ấn định đúng một tuần sau ngày Lễ kính Đức mẹ Lộ Đức (11 tháng Hai )

   Lời tuyên bố của đức Giáo hoàng vừa chấm dứt, thì bài TE DEUM (Tạ Ơn Chúa) được hàng trăm ngàn tín đồ hát lên theo nhịp kèn bằng bạc. Cũng trong lúc đó, những quả chuông khổng lồ của đền thờ thánh Phêrô đã bắt đầu đổ dồn.

   Những quả chuông của 300 thánh đường tại Rôma, cũng như vô số các quả chuông trên toàn thế giới, cũng vang rền để chào mừng vinh quang muôn đời của cô bé Bernadette SOUBIROUS, kẻ chăn cừu hèn mọn tại LỘ ĐỨC năm xưa!

   Bấy giờ là 11 giờ trưa. Đức Thánh Cha cử hành đại lễ bằng tiếng latinh để nhấn mạnh đến tính cách phổ quát có liên hệ đến toàn thế giới, trong ngày trọng đại hôm ấy.Sau bài Phúc âm, ngài thuyết giảng:

   « Các thánh phải được so sánh với những kính viễn vọng của các Nhà thiên văn học. Nhờ các kính viễn vọng mà chúng ta có thể biết được những ngôi sao xa xôi, mà với con mắt thường, chúng ta không thể nào phân biệt được.

   Với sự trung gian của các thánh, chúng ta học phương pháp nhìn một cách rõ ràng các chân lý mà hàng ngày bị bao phủ đối với mắt chúng ta.

   Chúng ta hãy ca ngợi đức tinh tuyền của Bernadette, tính giản dị và mộc mạc và tinh thần chiến đấu không nao núng để bảo vệ tính chất xác thực của những gì Thánh nhân đã trông thấy. Trong suốt cuộc đời của Thánh nữ cũng như trong những phép lạ của Lộ Đức, người ta có thể nhận ra một SỨ ĐIỆP mà sự phong phú dồi dào sẽ không bao giờ vơi.

   Bernadette trong thời kỳ đau ốm, đã cho ta biết quỷ Satan đang tìm cách ám hại Người, nhưng đã bị xua đuổi vì lòng Người tin tưởng vào đức GIÊSU KITÔ. Thế giới ngày nay, và một phần nhân loại đang ở dứơi ảnh hưởng của Satăng.Cơn sốt của những tà thuyết cuồng loạn có nguy cơ xô đẩy nhân loại vào một cảnh điên rồ,đầy chết chóc.

   Chính trong cuộc tranh đấu khó khăn để đạt đến chiến thắng cuối cùng, LỘ ĐỨC đã chẳng những đứng vững một cách hiên ngang như một tảng đá, mà chính đời sống của Bernadette SOUBIROUS vẫn tiếp tục ảnh hưởng và hoạt động qua mọi thời gian, như là một Chứng tá cho ĐỨC TIN và niềm Cậy Trông vào Đức Giêsu Kitô, Đấng có từ trước (Heri), hiện giờ (Hodie) và mãi mãi (Semper) về sau ! »  

Chương Thay Lời kết

NEVERS và LỘ ĐỨC là hai nơi hành hương không mấy người tín hữu VN nào lại không mơ ước được đến kính viếng, ít là một lần trong đời của mình. Riêng người CG Việt Nam hải ngoại thì được may mắn : hoặc đến hành hương riêng tư với gia đình, hoặc đi chung theo Hội đoàn CG tổ chức.

Chúng tôi xin ghi lại những giòng Nhật ký đầy cảm xúc của những kẻ hành hương kính viếng NEVERS. Đó là những cảm nghĩ thiết tha, những tâm tư chân thành, mộ mến và cảm phục riêng tư trước gương sáng của cô bé chăn cừu miền Pyrénées và nữ tu Marie-Bernard đầy lòng can đảm vui chịu khổ đau để cứu linh hồn kẻ có tội...

   Riêng LỘ ĐỨC thì là kinh thành muôn thưở của các bệnh nhân được những chuyến xe lửa chở đến, trong các cuộc hành hương. Mạch nước do Bernadette khơi dậy lên theo lời « Cô gái áo trắng » truyền dạy, đã trở thành một suối nước chảy dư dật từ đó cho đến nay...

   Những tật bệnh được chữa khỏi nhờ Suối nước, không kể xiết đến nỗi một Trung tâm Quốc tế Y-Khoa khám nghiệm được thành lập để xác nhận theo khoa học, những người quả thực lành bệnh một cách kỳ diệu,lạ lùng,vượt sự hiểu biết của y-khoa nhân thế!

   Như Đức Mẹ đã yêu cầu, nhiều cuộc rước kiệu vĩ đại đã được tổ chức tại Lộ Đức.Quan trọng nhất và cũng là cảm động nhất là cuộc rước kiệu Thánh Thể diễn hành qua các xe lăn của bệnh nhân đang nằm, ngồi, dâng lời cầu tha thiết:

   «Lạy Chúa, xin cho con đi được!

   «Lạy Chúa, xin cho con nghe được!

   «Lạy Chúa, xin cho con thấy được!

   « Lạy Mẹ Maria, xin cho con được can đảm lãnh nhận khổ đau !

   «Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết dâng thống khổ hồn xác để đền tội!

   « Lạy Thánh nữ Bernadette, xin chuyển cầu cho con !

   Những lời cầu xin đó đã phát xuất tự đáy lòng con cái Chúa từ buổi rước kiệu đầu tiên ngày 22 tháng Tám 1888. Ban đêm, một cuộc rước kiệu khác được thực hiện với một biển lửa do hàng ngàn cây nến thắp sáng cuồn cuộn trôi chảy xung quanh Vương Cung Thánh Đường Mân Côi và tràn ngập các lối đi. Hàng giờ, lời kinh, tiếng hát vang dội giữa đêm khuya, nhất là bài ca Ave Maria bất hủ, do một LM ở Luçon sáng tác, đã được hàng trăm hàng ngàn con tim cất hát vang lần đầu tiên ngày 27 tháng Năm 1873.

   Bài Ave Maria đó, qua hơn 100 năm, vẫn còn được con cái Mẹ khắp năm châu đến hành hương, ca vang chúc tụng lòng Hiền Mẫu thiên quốc rộng như biển sâu, đã nghiêng mình xuống trên nhân loại, qua cô bé quê mùa,chất phác. ..

   Chính trong những lời kinh dâng lên Thiên Chúa và lời khẩn nài Mẹ Maria một cách thiết tha của bệnh nhân, mà nhiều người đã được Trời cao khấng nhậm.

   LỘ ĐỨC, từ đầu cho đến nay, 143 năm qua, đã xảy ra biết bao phép lạ kỳ diệu, chữa lành các bệnh nan y... trong số đó có 66 trường hợp lành bệnh lạ lùng đã được Giáo hội công nhận.

   Đáng ghi nhớ là 7 phép lạ đầu tiên vào năm 1858, năm Đức mẹ hiện ra, do Đức cha Laurence công nhận ngày 18 tháng Giêng 1862; và phép lạ mới đây nhất được Đức cha Claude Dagens công bố ngày 11 Tháng Hai 1999 tại Pháp.

Bảy phép lạ đầu tiên:

   1- Bà Latapie Catherine ở Loubajac (1/3/1858).

   2- Ông Bouriette Louis ở Lộ Đức (tháng Ba 1858)

   3- Bà Cazenave Blaisette ở Lộ Đức (tháng Ba 1858

   4- Ông Busquet Henri ở Nay (29/4/1858)

   5- Ông Bouhort Justin ở Lộ Đức (6/7/1858)

   6- Bà Rizan Madeleine ở Nay (17/10/1858)

   7- Cô Moreau Marie ở Tartas (9/11/1858)

(Antonio Bernado, Lourdes Then and Now, trg 146)

Phép lạ thứ 66 :

   Đó là trường hợp ông y-tá Jean-Pierre BÉLY,bấy giờ 51 tuổi, bị chứng bệnh sơ cứng mạch thần kinh rất trầm trọng Bệnh tình đã làm cho ông càng ngày càng yếu, và ông đành thôi hành nghề y tá. Sau đó, ông bị liệt giường và chỉ còn trông chờ vào chuyến đi Lộ Đức với phái đoàn Mân Côi để tìm sức mạnh thiêng liêng...

   Những triệu chứng đầu tiên của cơn bệnh là vào năm 1972, khi ông còn hành nghề y tá. Mệt mỏi những ngón tay ngón chân như bị kiến bò. Mãi đến năm 1984, bác sĩ chuyên khoa, chuẩn bệnh, rồi tuyên bố: bệnh sơ cứng mạch thần kinh. Một buổi sáng trong năm đó, ông ta ngủ dậy thì thấy bị tê liệt bên phía tay mặt. Ba năm sau đó, theo lời ông ta kể lại, thì thực là kinh khủng nhất. Đó là một căn bệnh làm cho ta mất tinh thần vì căn bệnh khi lên khi xuống, khi giảm khi tăng. Sau cùng, cổ tay tôi biến dạng và tôi không òn xử dụng hai cánh tay được nữa. » Và khi ông theo phái đoàn hành hương lộ Đức ngày 5 tháng mười 1987, thì ông đã phải liệt giường và được liệt vào loại bị bại liệt 100%

   Ngày 9 tháng 10 nm 1987 là ngày cuối cùng của chuếnhanh hương lộ Đức. Tình trạng ủa ông thực nguy kịch. Ông ta không nhìn thấy tình trạng nguy khốn của mình, nhưng bạn hữu của ông đều nhận thấy và sợ rằng ông không cđủ sức trở về được nữa. Những gì đã xảy ra sau đó, ta hãy nghe lời ông kể lại: « Hôm ấy, tôi đang nằm trên băng ca tại công trường Lộ Đức dành cho các người ngồi trên xe lăn để nhận Bí tích xức dầu bệnh nhân. Quang cảnh buổi lễ thực cảm động và đầy phấn khởi.

   Sau khi được Xức dầu, tôi cảm thấy tâm hồn bình an lạ thường, một niềm vui và an bình khôn tả. Hình như những gì xấu xa trong đời tôi đều được gột rửa hết. Những âu lo, dằn vặt, bối rối. Tôi cảm thấy khoan khoái và như cắt đứt với thế giới bên ngoài. Tôi cảm thấy nhẹ lâng lâng. Tôi không biết mình đang ở đâu.Tôi không biết đến thân xác tôi nữa. Tôi có thể nói là tôi đã đươc lành trong tâm hồn trước khi trên thân xác. (1) Tâm thần được bình an và thanh tịnh đó vẫn không rời tôi cho đến hôm nay...Và mỗi ngày qua, tôi có cảm tưởng như luôn sống lại giây phút đó;

   Rồi người đẩy cáng đưa tôi về lại phòng. Khi người ta đặt tôi lên giường, bấy giờ tôi mới bắt nhịp lại với thân xác tôi. Tôi không biết những chuyện đó xảy ra đã bao lâu. Tôi không có ý niệm về thời gian. Tôi cảm thấy lạnh. Không phải cái lạnh bên ngoài tới, nhưng như tôi rơi vào một cái hố lạnh lẽo. Điều đó không làm cho tôi dễ chịu. Tôi cảm thấy như mình ra đi, bị quăng qua bờ bên kia. Thế rồi, bất ngờ tôi lại ảm hấy có hơi nóng nơi những ngón chân. Như một ánh lửa nhập lòe nơi xa, lớn dần lên rồi sưởi ấm và đemlại sự sống; Sứ ấm ấp đó lên dần lên các bàn chân của tôi, lên bắp chân, bắp thịt rồi toàn thân tôi. Sức ấm càng lên dần như càng đem lại sự sống cho tôi. Tôi có cảm tưởng như được người ta nắm làn da trên lưng của tôi mà kéo tôi ra khỏi hố lạnh đó. Điều đó xảy ra phải nhanh chóng lắm, nhưng tôi không có ý niệm thời gian. Rồi một lúc, tôi có cảm tưởng như như ai lôi dậy đặt ngồi nơi mép giường, làm cho tôi tự hỏi tôi làm gì ở đó.

« Chiều đến, người ta đẩy băng ca tôi ra dự nghi lễ kế thúc. Lúc đó, tôi bị thôi thúc muốn đứng lên và đi quá chừng. Nhưng nhìn xung quanh mình chỉ hấy toàn những kẻ nằm liệt giường, nên sợ làm cho họ bị sốc. Thế là từ đó, tôi quyết định phải kín đáo. Tối đến, tôi nghe trong lòng thôi thúc một cách rất mạnh mẽ: « Nào đứng lên và đi » Thấy tôi cựa mình, người canh đêm hỏi tôi có gì vậy. Tôi nói là tôi muốn đứng lên à đi nhà vệ sinh. Thế là tôi đi được lần đầu tiên. Cô kia chỉ đỡ hai cánh ta y tôi thôi. Tôi bước những bước đầu tiên trong đêm vắng, cảm thấy cũng là lạ, như đứa bé tập đi.

   Tôi không muốn đi khai báo ở Hội đồng bác sĩ Lộ Đức. Tôi làm ra như không được gì quan trọng... Khi về tới ga nhà ở Angoilème, tôi ngồi trên xe lăn để chờ vợ tôi đến đón. Khi lên xe về nhà, tôi cắt nghĩa cho vợ tôi biết là sức khỏa tôi đã khản quan hơn trước; Khi vợ tôi thấy tôi bước lên cầu thang vào nhà, thì bà ta hiểu... ».

Ông Bély không chút nghi ngờ về ơn lạ mình được; nhưng ông chỉ nói: « Đây kà Chúa Giêsu cho tôi lành nhờ lời cầu ủa Mẹ Maria. Tôi không cầu xin đặc biệt cho tôi lành bệnh. Khi đi ngang qua hang đá, tôi chỉ nói với Chúa: » Chúa biết con, Chúa sẽ cho con điều gì tốt lành... » Nếu có ai không tin ông được ơn lành bệnh, ông chỉ lặp lại lời của thánh nữ Bernadette nói về các lần hiện ra : « Tôi có phận sự nói ra cho anh nghe, chứ không buộc anh phải tin điều đó ». Nếu có ai cứ nhấn thêm, thì ông ta nói: « Anh muốn nghĩ sao thì nghĩ, hãy đi hỏi mấy ông bác sĩ »

   Mấy ông bác sĩ thì có ông nào nhận bệnh nhân lành vì phép lạ dâu. Những bác sĩ không có lòng tin thì cho là những chứng bệnh có thể chữa lành, nhưng y khoa hiện thời chưa tiến bộ đầy đủ để khám phá thôi. Kể cả bác sĩ Patrick Theiller, người phụ trách Văn phòng y khoa thánh địa Lộ Đức, tin vào phép lạ, nhưng cũng đã nói: « Một người có bệnh chỉ được chữa lành, nếu bệnh đó có thể chữa được.  Phép lạ không bao giờ chống lại sự tự nhiên. Người ta không bao giờ thấy một người bị un trisomique được lành bệnh ở Lộ Đức. Nói tóm; cái mà người ta gọi là phép lạ, theo quan niệm y khoa thì đó là « một việc lành bệnh tự nhiên ». Theo tôi, tôi cho răng phép lạ xử dụng đường lối của thiên nhiên, nhưng bằng phương thế mà y khoa chưa tìm ra được.» (Un malade ne peut guérir que d’une maladie guérissable » Khi người a hỏi bác sĩ về nước Lộ Đức chảy tràn trề thì sao, ông ta cười và trả lời: « Nước không phải làm phép lạ, nếu không thì người ta thấy rõ rồi.Nó cũng không có một tính chất chữa bệnh nữa. Nó chỉ là điều nâng đỡ cho đức tin mà thôi ». Điều này thì bác sĩ nói đúng. Nếu nước Lộ Đức là phép lạ, thi ai uống vào đều lành bệnh, nhưng nước Lộ Đức có làm cho người đau lành bệnh hay không, đều tùy thuộc vào lòng tin mạnh hay nhẹ và tùy vào tình thương ủa Chúa và mẹ Maria.

   Bac sĩ Theiller còn cho biết còn đang nghiên cứu hai trường hợp lành bệnh về ung thư đáng chú ý nữa: Một người phụ nữ người Pháp 25 tuổi và một bà người Ý khoảng 60 tuổi, được lành bệnh năm 1995. Cuộc điều tra hầu như sắp kết thúc và có thể được hính thức nhìn nhận vào năm 2003. Đó sẽ là phép lạ thứ 67 và 68.

   Ông Bély không muốn nói đến phép lạ của mình. Nhưng một năm sau, theo lời khuyên của Đức cha Rol, ông ta trình diện với Văn Phòng Y-khoa Lộ Đức. Thế là khởi đầu cho guồng máy điều tra chính thức về trường hợp lành bệnh của ông. Ủy Ban Y-khoa Quốc tế Lộ Đức gồm có 30 bác sĩ chuyên về Thần-kinh học và Tâm-phân học duyệt xét hết sức tỉ mỉ, không chút nương tay.

   Cuối cùng Uy ban đành tuyên bố là sự lành bệnh này không thể giải thích theo những dữ kiện của khoa học, và để dành cho Giáo hội phán quyết. Phía giáo quyền thì việc điều tra kéo dài trong vòng... 12 năm. Hàng năm, ông phải ra trước một Uỷ ban y khoa quốc tế gồm 60 đến 80 bác sĩ và trả lời những câu hỏi luân phiên của họ. Có người còn gài bẫy cho ông để ông trượt vỏ chuối, theo kiểu nói của ông, bằng cách đặt câu hỏi: « Thế là ông đã gặp được Đứ mẹ? » Ông trả lời: « Đó là ông nói chứ không phải tôi ». Cách hỏi cố tình sai lạc này và câu trả lời thẳng đuột của ông chẳng khác nào thời Bernadette bị chất vấn trước ông cò chất vấn! Cuối cùng thì trường hợp lành bệnh của ông đã được Giáo hội chính thức nhìn nhận là... phép lạ !

   Ngày 11 tháng Hai 1999, cả bổn đạo vùng Angoulème kéo nhau đến họp đông đủ tại Nhà thờ Notre-Dame d’Obézine để nghe Đức cha Claude Dagens tuyên bố về trường hợp lành bệnh của ông Bély, năm ấy 63 tuổi và đã về hưu. Trước mặt mọi người, ông tỏ lòng cám ơn Chúa đã cho ông đứng lên được « trong tâm hồn và thể xác. »

   Sau đó Đức cha chính thức tuyên bố:

   « Nhân danh Giáo hội, tôi nhìn nhận một cách công khai là ông Jean Pierre Bély, đã thực sự lành bệnh vào ngày Thứ Sáu 9 Tháng 10, 1987 tại Lộ Đức. Sự lành bệnh tức khắc và trọn vẹn này là một ơn huệ riêng Chúa ban cho ông và là một dấu chỉ rõ ràng về Tình thương của Thiên Chúa cứu chuộc,được thực hiện nhờ Đức mẹ Lộ Đức cầu bàu. »

   Toàn thể dân Chúa có mặt hôm ấy vỗ tay vang dội thánh đường!

   Mặc dầu được lành bênh, nhưng trên phương diện xã hội, ông ta vẫn là một người tàn phế 100%, nên ông vẫn giữ tấm cạc người què quặt và được trợ cấp xã hội như trước. Vì đối với chính quyền, ông là người tàn phế dứt khoát rồi. Nhưng cuộc đời của ông đã hoàn toàn bị xáo trộn. Người ta mời ông diễn thuyết, làm chứng khắp nơi. Các Nhà truyền hình đến nhà quay phim, trong đó có Ý, Nhật, Cao ly, Đức. Khi ông trở lại Lộ Đức, có kẻ nhìn ra được ông thì, như Bernadette xưa, ông bị người ta xúm lại sờ đụng đến ôngt a, có kẻ còn muốn cắt xé một chút áo quần của ông.

   Nhưng người được hồng ân phép lạ đã liên kết với nhau thành một nhóm nhỏ riêng biệt. Thỉnh thoảng họ gặp nhạu tại Lộ Đức. Riêng ông Bély thì đã đến Lộ Đức họp đến 10 lần trong mỗi năm. Việc đầu tiên là ông đến Văn phòng các bác sĩ xem có trường hợp lành bệnh nào nữa không để họ gặp nhau, uống miếng nước chia vui.

   Được biết, sau khi được lành bệnh, ông ta trở về đời sống thường nhật, với gia đình vợ con, cố gắng gieo vui tươi và hy vọng cho mọi người. Có lần ông đã nói: «Từ đây trở đi tôi muốn sống như con người của tôi,làm tang chứng cho những gì xảy đến cho tôi. Và mang trong đầu, câu nói của thánh nữ Bernadette khi nói về các lần Đức mẹ hiện ra: »Tôi có phận sự nói ra cho các người biết, nhưng tôi không có phận sự làm cho các người tin điều đó»

   Ông còn cho biết có nhiều cơ quan hội đoàn khôbng muốn mời ông ta đến nói chuyện làm tang chứng, vì « họ sợ làm cho những kẻ đau ốm khác có sự hy vọng được lành bệnh một cách hão huyền như ông ta. » nhưng ông Bély không đồng ý với lối nhận đinh đó, ông nói: Đó là lối nhận định của người lành mạnh, trái lại đối với người đau yếu, họ nhìn thấy tôi được phép lạ lành bệnh là một tia hy vọng cho bệnh tình của họ ».

   Nhưng lời nói chí lí hơn cả là của bác sĩ Theillier khi ông nói: « Những kẻ đau yếu đến Lộ Đức, ngừời nào cũng nuôi hy vọng được phép lạ lành bệnh. Nhưng phép lạ đích thực là một số đông người đau ốm đến lộ Đức không được lành bệnh trở về, nhưng họ không thất vọng ».

Phan Hữu Lộc

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art