Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Hai Chúa nhật sâu đậm

Mặc dầu Việt Nam đã thất thủ ( 30/4/75) được vài tháng, và chính thể ở Ai Lao đã thay ngôi đổi chủ, nhưng bấy giờ đời sống dân chúng tại Vạn Tượng vẫn còn tạm thời điều hòa như trứơc. Vì thế, tôi còn có thể tiếp tục đi dạy hoc, để điều khiển ngôi trường cho đến Hè (15/6/1975) mới cho thầy cô, và học trò nghỉ học, và sẽ tìm đường vượt biên đi Pháp sau. Dẫu vậy, trước thời gian đó,nhiều sĩ quan người Lào quốc gia đã đến trường xin cho con em họ nghỉ học, gọi là về quê lánh nạn. Trong thời gian « bắt buộc » tạm thời phải lưu lại, tôi đã được sống hai ngày Chúa nhật sâu đậm trong đời tôi.

     I. LỄ NHÀ THỜ THÁNH TÂM

     Sáng chúa nhật hôm ấy, gia đình tôi đi lễ Nhà thờ Thánh Tâm như thường lệ. Nhưng khác trứơc kia, bổn đạo giờ đây vỏn vẹn có vài chục người dự lễ. Các hàng ghế trống trải trông thấy. Ai nấy đều lặng lẽ và có vẻ trầm ngâm khác thường. Mọi người có mặt, nhưng có lẽ trong đầu óc ai nấy đều quay cuồng theo thời cuộc đang biến chuyển…

     Trên bàn thờ, vị chủ tế lại là Cha Heni Rouzière (+ 30/6/1994, 75 tuổi), Giám Đốc Trường Hy Vọng, ngài phải chậm rãi đọc các bài thánh lễ bằng tiếng Việt làm cho tâm hồn tôi thêm bồi hồi xúc động… Vào nửa buổi lễ, một ánh nắng mặt trời xuyên qua cửa sổ thánh đường. Ánh sáng le lói, yếu nhạt không đủ chiếu sáng một góc cung thánh làm cho bầu khí thêm ảm đạm, tẻ nhạt…

     Chỉ một mong chờ

    Lễ xong, ai nấy ra về, không ai buồn trao đổi với ai nhiều lời như xưa. Hình như ai nấy đều mong sớm về nhà để lo việc gia đình riêng tư… Tôi gặp vợ chồng anh bạn đồng nghiệp. Chúng tôi bắt tay nhau và chỉ trao đổi có một câu : Chưa đi à ? Một câu nói gói ghém cả tình trạng và tâm tư của người Việt công giáo còn lại bấy giờ .

    Lễ xong, trứơc khi về nhà, chúng tôi tạt vào tiệm phở N.Đ, ở ngay sau lưng nhà thờ, để ăn bát phở như thói quen. Tiệm nằm trên con đường Samsenthai. Một số đông thực khách là người Lào, chỉ có năm ba người Việt lạ hoắc, làm cho tôi ngạc nhiên trứơc sự thay đổi lạ kỳ này. Ngạc nhiên hơn nữa, là người bưng bát phở cho khách không phải là bà chủ quen thuộc với chúng tôi xưa kia, mà lại là một người tôi chưa bao giờ gặp. Hỏi ra mới biết, tiệm đã sang cho chủ mới từ bao giờ mà nào tôi có hay ! Thế mới biết, trong khi chúng tôi loay hoay lo điều khiển ngôi trường cho xong, chờ thời gian và tìm cách vượt biên, thì bao ngừơi Việt quốc gia khác cũng không ngồi yên như xưa được. Chủ cũ giờ đây chắc đang ở phương trời xa xăm nào rồi, nếu không là Thái Lan.

     Tôi đón lấy bát phở do chủ mới trao cho, và tôi húp một muỗng nứơc. Lạ thay, tôi nghẹn ngào không nuốt ngon như ngày trứơc. Không những hương vị đã khác, và tôi cảm thấy giờ đây mọi sự, kể cả sự ăn uống, đều xem như tạm bợ, chỉ mong chờ giải quyết đựơc một việc khẩn trương là việc RA ĐI.

Ăn xong, chúng tôi trả tiền, rồi lặng lẽ rời khỏi tiệm về nhà, cách đó vài trăm thứơc !

       Một sáng chúa nhật khác, chúng tôi đi lễ Nhà thờ Phone Xay, thường gọi là Nhà Thờ Lào, nằm trên con đường Nongbone. Đó là ngôi nhà thờ vừa mới xây cất, gần Chợ Sáng, dành ưu tiên cho bổn đạo người Lào, vì người Công Giáo Lào bấy giờ cũng khá đông, cần nơi chốn thờ phượng theo tiếng bản xứ. So với 30 năm về trứơc, khi tôi mới tới Vạn Tượng thì số bổn đạo người Lào, nói được, đếm trên đầu ngón tay, vì Ai Lao là nước lấy Phật giáo làm quốc giáo, và vị vua phải là đấng sùng Phật.

     Thánh lễ đại trào

     Tôi ngạc nhiên khi vừa đến trứơc Nhà thờ Lào, vì thấy xe hơi đâu mà đậu san sát trong sân nhà thờ, điều mà trước kia, khi tôi đi lễ ở đây, không hề thấy.

     Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa, khi bứơc vào thánh đường, bổn đạo người Lào đã ngồi chật ních nhà thờ, chúng tôi đành phải chọn đứng cuối lòng nhà thờ, đồng thời cũng dễ quan sát luôn thể.

     Trên bàn thờ đỏ rực hoa nến, giữa cung thánh lại đặt một ghế cho vị giám mục. Tôi nghĩ bụng : thì ra hôm nay là ngày Đức Cha Etienne Loosdregt, (+13/11/1980, 72 tuổi) giám mục địa phận, đến làm lễ, nên người ta đi đông như thế. Quả thực, vị chủ tế tiến ra hành lễ là một Giám mục, có gậy chủ chăn và mũ đại trào. Nhưng kìa, sao không phải GM người Pháp nói trên, vì tôi quen biết ngài nhiều, mà lại một Đức cha người bản xứ ! Ngạc nhiên hơn nữa, đó là cha Tôma Nantha, Cha xứ của tôi trứơc kia vào thập niên 1950 .

     Nỗi ngạc nhiên của tôi chưa hết khi tôi thấy trên cung thánh, ngoài vị giám mục, cựu cha xứ của tôi, còn có một vị Hồng y đi kèm theo nữa. Phải, một vị HỒNG Y, vì tôi bắt gặp rõ ràng qua y phục của ngài là màu đỏ tía. Làm sao có sự kỳ lạ này : một Hồng y và một giám mục người bản xứ đang có mặt trên cung thánh để dâng lễ đại trào !

     Làm sao có vị Hồng y của Tòa thánh đến Vạn Tượng đúng lúc nuớc mất nhà tan ! Nhưng mọi sự đều đựoc sáng tỏ vào phút ĐGM Nantha lên tòa giảng sau Phúc âm. Ngài cho biết ngài vừa ở Rôma về, sau khi qua đó để đuợc thụ phong giám mục, và cùng về nứơc với ngài, có đức Hồng Y, đại diện giáo hoàng.

     Chính thể Ai Lao đã thay đổi, không thuận tiện cho đời sống đạo công giáo, nên Đức Thánh Cha phái vị đại điện qua để an ủi đỡ nâng con cái mình, đồng thời tìm cách thích ứng với hoàn cảnh mới. Đức giám mục cho biết, chiều nay vị Hồng y cùng ngài sẽ đi gặp Bộ truởng Nghi lễ của chính phủ nhân dân Ai Lao và trao một ngân phiếu cho vị Bộ trưởng (không nói rõ số tiền ) gọi là góp phần vào công trình xây đắp xứ sở…

     Rồi ngài nói vị Hồng y sẽ có vài lời cùng anh chị em bằng tiếng Pháp, và ngài sẽ thông dịch lại bằng tiếng Lào cho mọi người hiểu rõ. Đức H.Y nói mấy lời khích lệ người tín hữu Lào, nhắc sơ qua lịch sử giáo hội tiên khởi, đời sống khó khăn chịu bắt bớ của giáo đoàn đầu tiên, nhưng đừng quên là Thánh Thần Chúa ở cùng Giáo hội, ở với tâm hồn mỗi người giáo hữu để soi sáng cho họ, giáo huấn họ và ban sức mạnh cho họ để vững tin…

     Mấy lời ngắn ngủi nhưng đầy sinh khí, làm cho ai nấy phấn khởi và đầy hi vọng ở ơn thánh và ở Giáo hội Ai Lao vừa mới được hoa quả đầu mùa : vị chủ chăn nguời đồng hưong đầu tiên !

Riêng tôi, cũng thấy phấn khởi lạ thường sau bài giảng đó, niềm phấn khởi kia, tôi cũng cảm thấy hiển hiện trên mỗi khuôn mặt mỗi người tham dự, hình như có một luồng gió mới vừa thổi đến cho cộng đồng Công Giáo Lào bấy giờ !

     Vào giờ rước lễ, người lên rước lễ rất đông, rất nhộn nhịp. Hình như ai nấy đều hiểu từ đây, rứơc lễ kết hiệp với Chúa Kitô hay là sống đạo, đích thực, không những là bổn phận thiết yếu của người tín hữu mà còn là điều một mất một còn của đời sống đức tin của giáo dân Lào.

     Tân Giám mục hàn huyên

     Sau thánh lễ, mọi nguời ra khỏi nhà thờ, tụ họp ngay tại sân để đuợc gặp vị Tân giám mục. Chúng tôi sung sướng đến hôn nhẫn ngài, nói đôi lời với ngài, hỏi sơ qua chuyện ngài đi La Mã. Tôi rất quen biết với ngài từ những 30 năm về trước, khi tôi vừa đặt chân đến Vạn Tượng. Bấy giờ ngài là cha xứ Họ đạo Thánh Tâm trước khi Giám Mục địa phận bổ nhiệm Lm Võ quang Linh O.M.I, kế nhiệm ngài .

     Bấy giờ, Ngài đã giao cho tôi thành lập Đoàn Hùng tâm Dũng chí của giáo xứ, giúp các em thiếu nhi mộ mến đọc kinh lần chuỗi, siêng năng đi lễ ngày Chúa nhật…, mà trong đó có nhiều em thực hiền lành, sốt sắng đạo đức mà tôi không hề quên cho đến ngày nay. Hè đến, ngài còn cho phép tôi xử dụng ngôi Trường Hy Vọng (còn xập xệ) để dạy thêm tư riêng cho một số học trò bé nhỏ. Trong số đó nhiều em sau này đã thành tài như em Lavang, nhất là em Long, sau thành kỹ sư v.v…

     Khiêm nhu và thánh thiện

     Ngài là trong những linh mục ngừơi bản xứ kỳ cựu nhất và nổi tiếng thánh thiện, sống rất khó nghèo, khiêm tốn và không thích lối sống tân kỳ với những tiện nghi của thời đại (không xe hơi đời mới chẳng hạn). Có một lần các linh mục O.M.I địa phận cấm phòng chung tại Vạn Tượng xong, các cha chụp hình lưu niệm. Có gì tự nhiên hơn. Nhưng Cha Tôma Nantha không muốn có mặt, lánh đi đâu, các cha kêu ngài mãi ngài mới ra chụp chung. Ngài cho việc chụp hình chung, không gì là cần thiết. Ngài thường nói (tiếng miền Trung) : « Thì cũng rứa… », có lẽ có nghĩa là chẳng gì quan trọng ở đời (việc trần gian) mà phải phiền hà, rộn ràng ! Chiếc ghế ngồi bàn giấy làm vỉệc của ngài lâu năm quá, đứt giây, thay vì đổi cái ghế mới, ngài lấy giây gai chằng chịt lại ngồi thay… !

     Sau thời gian rất dài lãnh nhiệm vụ cha xứ, ngài đuợc thuyên chuyển về giảng đạo cho người Lào tại vùng quê, ngài vui lòng ra đi với chiếc xe 2CV cọc cạch. Nhưng chính trong những thời kỳ đó mà Giáo hội kêu gọi ngài về làm giám mục chủ chăn nguời bản xứ đầu tiên trong giai đoạn cực kỳ khó khăn cho đời sống đức tin !

     Ai cũng đoán đựơc là ngài nhận trọng trách Giám mục vì vâng lời hơn là nghĩ đến danh vọng, xem đó là nghĩa vụ nặng nề Chúa giao phó hơn là lãnh một chức tứơc, vì vốn bản tính ngài luôn sống trong khiêm nhường như đã nói. Chắc ngài đã nhiều lần từ chối, nhưng cuối cùng phải nhận lời, tuân theo ý Chúa, dù ngài biết rằng cả một trọng trách nặng nề sẽ đè lên vai của ngài trong giai đoạn chính quyền cộng sản Lào lên cầm quyền...

     Sau một vài phút hàn huyên, chúng tôi xin cáo từ ngài ra về. Mặt trời đã lên cao, tỏa những tia nắng ấm ấp xuống cảnh vật như như đánh dấu một ngày tưng bừng cho Giáo hội Ai Lao, cho ngài, cho chúng tôi.

     Chúng tôi hân hoan lên xe trở về nhà, đâu có ngờ rằng lần gặp gỡ đầu tiên với vị Tân giám mục hôm đó lại là lần cuối. Tạm biệt đã thành vĩnh biệt !

     Chúa đã rứơc ngài về trời, thưởng công cho ngài vào ngày 8/4/1984, hưởng thọ 76 tuổi ! Ngài được an táng trong lòng nhà thờ Thánh Tâm Vạn Tượng, nơi an nghỉ của vị giám mục bản xứ tiên khởi !

(Pâques 1987)   

     BÓ ĐUỐC CHUYỀN TAY

     Vị GM Tôma Nantha đã nằm xuống tháng tư 1984, nhưng ngài đã lo liệu cho « bó đuốc đức tin » đựơc có người chuyền tay. Ngày 1 tháng giêng 1983, ngài đã tấn phong tại Nhà thờ Thánh Tâm Vạn Tượng cha Jean Khamsé làm giám mục phó với quyền kế vị ngài. Quả là được Thánh thần hướng dẫn đẩy đưa.

     Đức Cha Khamsé

     Ngài sinh năm 1942 tại Vạn Tượng, thụ phong linh mục năm 1975, thuộc dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm (O.M.I). Ngài đã từng du học tại Pháp và Phi luật tân. Ngài cho biết là gia đình ngài trước kia theo đạo Phật, mới trở lại đạo Công Giáo từ đời ông nội.

     Đời sống đạo của người Công Giáo Lào bấy giờ chỉ được thu hẹp tại nơi thờ phượng hay tại tư gia. (rập khuôn đàn anh Tàu và VN) Nước Lào, dưới thời Chính phủ nhân dân Lào bấy giờ nhận Phật giáo là quốc giáo (sau khi đã dẹp bỏ sư sãi ngay sau khi chiếm quyền), nên người Công Giáo Lào, trong đời sống xã hội, phải tuân giữ truyền thống và tập tục Phật giáo (đòn chính trị để chế ngự và gây khó khăn cho người tín hữu Công Giáo ?)

     Tự do… hạn chế

     Đức cha được tự do đi lại viếng thăm tín hữu, nhưng ngài cho biết mới đây, lúc đức Jean Paul II đến Thái Lan, Đức Cha được mời qua gặp vị thủ lãnh Giáo hội, nhưng chính quyền Lào không cấp chiếu khán xuất ngoại !.

     Dẫu vậy, người Lào vẫn xin gia nhập Giáo hội Công Giáo, cũng như tín hữu Lào vẫn có ơn kêu gọi làm Linh mục. Nhưng trước thời cuộc khó khăn, các người tân tòng phải học giáo lý nhiều năm mới được chịu phép Rửa tội, để việc giữ đạo của họ sau này được vững vàng…

     Đạo Chúa vẫn lớn mạnh

     Người Công Giáo Lào bấy giờ khoảng 35.000 người trong số gần 4 triệu dân. Các linh mục bản xứ gồm 17 vị, còn nữ tu là 90 người. Nhiều họ đạo lẻ loi không có linh mục coi sóc. Ngày chúa nhật, có nữ tu đến lo cho đọc kinh, cầu nguyện và cho chịu lễ. Một hình thức sống đạo thích ứng dưới chế độ CS Ai Lao !

(trích Nhật ký 30/4/1994)

Phan Hữu Lộc.

VẠN TƯỢNG MAI- JUIN 1975

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art