Thứ Sáu, 15 Tháng Sáu, 2012

Mộng ước cầm tay

(trích Nhật Ký 1975)

      Chân thành ghi ơn :

- Ô. Arnault và bà Annie: nguyên tòng sự ONU tại Vientiane.

- Ô.B. Guy Larivière, nguyên tòng sự Sở Quan Thuế tại Vientiane.

- Ông Lesage, nguyên Giám đốc Tư Thục tại Xiêngkhoáng.

- Bà Freeze, nguyên tòng sự ONU tại Bangkok.

- Anh Năm, người hướng dẫn chuyến đi của chúng tôi.

- Bạn Hiền (+), nguyên Giáo sư Grenoble.(Pháp)

- Cha xứ Fatima, Dindaeng, Dòng OMI

 và những nguời đã tận tâm giúp gđ chúng tôi có đủ điều kiện và giấy tờ đáp phi cơ đi Pháp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng không quên những người có lòng tốt đối với chúng tôi như gia đình ông bà Hóa, cô Thái Lan, cô Liên, bà Kế, vợ ông Tổ Trưởng, và những người khác mà tôi không thể kể hết ra đây, trong việc chuẩn bị ra đi này..                           

 VỌNG CÁC GIÃ TỪ     

      Chiều ngày 10/7/1975, cũng như chiều ngày hôm trước, mưa trút xuống tầm tã trên kinh-đô Vọng Các đang nóng rực vì độ hè, mãi đến 6 giờ chiều mới tạnh. Trời vẫn còn u-ám, nhưng đó đây vài tia nắng hiếm hoi như còn hoi hóp trước khi lịm tắt. Cảnh vật buồn, ảm đạm như sầu tiễn người ra đi...

     Tôi vội vã ra đường phố Đìn Đèng (Dindaeng) để đón taxi đem gia đình tôi ra phi trường quốc tế Đon Mương (Don Muang) (1) đáp phi cơ đi Pháp. Mộng đi Pháp ấp ủ từ lâu, chuẩn bị hai ba lần,nay mới thành sự thực, mới khỏi tuột tầm tay…

      Nhớ lại sáu năm về trước (1969), khi còn một mình, tôi đã đựoc ông René Péchard (+), Hội trưởng Hội A.P.E.L (Association pour la Protection des Enfants du Laos) tại Vientiane, lo liệu cho có việc làm (Surveillant Lycée) bên Pháp để khi qua thì có thể vừa đi làm vừa học Luật. Đức GM địa phận, Etienne Loosdregt, (+ 13/11/1970) cũng đã cấp giấy giới thiệu như là một dịp rất tốt cho tôi xuất ngoại, để khi trở về Ai Lao, tôi đắc lực bành truớng ảnh hưởng của văn hóa Pháp, vì bấy giờ tôi là Giáo sư Pháp văn cho Lyceum S., một tư thục có tiếng tại Thủ đô Vương quốc Ai Lao. Giấy giới thiệu cầm trong tay và Viện Đại học Grenoble cũng đã cấp Giấy chứng nhận đơn xin nhập học Luật của tôi, tôi chỉ còn phải lo liệu tài chánh và ra đi lúc nào thuận tiện….

      Thế rồi, một hai năm trứơc khi Sàigon thất thủ (1973), vấn đề đi Pháp bỗng dưng nổi lên tại Vạn Tượng như một cơn gió lốc : sinh viên Lào, Việt đi Pháp du học, nam có, nữ có và đủ ngành; người giàu đi du lịch thăm con, xem mặt dâu rễ tương lai, vợ Việt theo chồng Pháp về nứơc; cả đến những thanh niên tuổi trên dưới 20, có nghề nghiệp hay chả có việc gì làm, mới thấy tà tà bát phố, hoặc kéo nhau đấm đá vì tranh giành người đẹp, hoặc ghen tương bồ bịch…, đùng một cái là nghe nói đi Pháp rồi ! Đi nhanh chóng và « dễ dàng » hơn các bà đi buôn hàng chuyến đường phi cơ Vientiane-Saigon nữa. Hình bóng, tin tức gửi về loạn xạ làm cho người ở lại cứ nôn nao cả lên, quyến rũ cả đến những bà xưa nay không hề có một ý tưởng đi xa khỏi thành phố mình ở.

      Nghe đâu bên Pháp dễ sống lắm: trai thì gác hồ tắm ăn lương, gái thì gọt khoai, nhặt rau thuê cho các Nhà hàng VN vốn khó kiếm người làm. Có những chàng trai còn được mời để đóng phim, vì nghe đâu người ta đang quay cuốn phim Les Chinois à Paris, cho nên bao nhiêu dân da vàng mũi tẹt đều được mời vào đóng phim, vì dân Tàu nổi tiếng là đông và... lộn xộn xí ngầu! Những chàng trai đó gửi hình về cho các em: chụp ở Arc de Triomphe nổi tiếng, Tháp Eiffel, Basilique Montmartre, hay bên bờ sông Seine thơ mộng... làm cho mấy em tha hồ ham muốn, cho các cậu tha hồ ước mong, cho cả bao người thêm nôn nóng, hậm hực, khát khao...

     Thậm chí một anh bạn dạy học Toán cùng trường với tôi, tự nhiên xin nghỉ dạy học, về Việt nam thăm mẹ, gom một ít « vitamine T » rồi lên Vientiane mua vé phi cơ bay qua Pháp, đành để lại cô vợ và đứa con gái còn nhỏ. Ngày ngày cô vợ bồng con đến tôi nói chuyện về người chồng nơi xa đó, dành dụm gửi tiền về…

      Rồi một năm trước khi Sàigòn nghẹn ngào uất hận (1974) khi mà các tỉnh miền Nam đã bắt đầu rơi rụng một cách quái lạ, thì ở Vạn Tượng, đời sống vẫn trầm tĩnh, nếp sinh hoạt của việt kiều phần đông không chút gì đổi thay, nguời ta vẫn đua nhau sắm sửa, ăn mặc, chăn nuôi gà vịt,mua đất xây nhà, làm thêm trường học, gặp nhau họp bàn các giấc chiêm bao để đánh số đề… thì gia đình tôi đã tính chuyện đi Pháp một cách tích cực, để ít nữa, một người đi trước như anh bạn giáo sư Toán, dọn chỗ cho người nhà qua sau.

     Cho đến khi tin Sàigòn thất thủ ập đến (30/4/75) như một cơn giông tố bỗng đâu lùa tới,như một bầu trời tối đen giáng xuống, như một cơn thác lũ tuôn trào không ai cản ngăn nổi : tin sét đánh đó đã làm cho tất cả Việt kiều tại Ai Lao như đứng tim, nín thở, bàng hoàng không thể nói được. Ai nấy đều nghĩ đến việc phải tìm đuờng ra đi ngoại quốc !

    Mộng đi Pháp (hay Mỹ) không còn là mơ ứơc chuẩn bị du học mà là một việc không còn có thể chần chờ được nữa… Đó là một mục tiêu phải đạt tới, nếu còn muốn sống đời sống Tự do, đúng nghĩa của nó. Riêng gia đình bé nhỏ chúng tôi, việc chuẩn bị đi Pháp trước đó, giờ đây chuyển qua việc lo gấp rút di cư !

MỘT THÁI LAN THANH BÌNH

      Mãi nghĩ đến những ngày đau thuơng mất nứơc vừa qua, thì một chiếc xe thắng mạnh trên đường phố Đìn Đèng để tránh một người đi băng qua đừong, làm cho tôi quay về với thực tại. Tôi đang phải lo đón một chiếc tắc xi ra phi trường.

      Nhìn lại cảnh sống thanh bình của vùng Đìn Đèng này, ở ngoại ô thành phố Bangkok, kể từ ngày gia đình tôi đến tạm trú (25/6/75) để hy vọng xin được Chiếu khán đi Pháp, vẫn sinh hoạt như thường lệ.

      Anh chàng người Tàu trẻ tuổi, nước da trắng, mặt xương xương, chủ một tiệm đồ điện nằm sát Nhà xứ-nơi tôi thường ghé chơi, mua cái ấm nước, đồ điện, hoặc ngồi nói chuyện về thời cuộc-, bấy giờ vẫn vui tươi, thản nhiên, ngồi gãy đờn lúc vắng khách… Bà người Tàu công giaó, to béo, hiền hòa, chủ cả một tiệm tạp hóa, kem lạnh cùng đồ ăn thức uống đủ loại, ở đối diện bên kia đường, bấy giờ bà vẫn từ tốn ra vào bán hàng như mọi ngày. Nơi đây, tôi thường có thói quen sáng sáng qua mua sữa tươi cho hai đứa con nhỏ của tôi, hoặc tạt vào đứng uống chai Pepsi mỗi khi đi lên lo giấy tờ ở ONU hay Tòa Đại sứ Pháp về. Ở Bangkok rất khó tìm được một « quán cóc » bên lề đường để vào « kéo ghế » kêu một chai Pepsi hay một tách cà phê như ta thường thấy đầy dẫy ở Vạn Tượng. Vì thế, mỗi khi đi đường khát nước-trời lại nóng nực-phải đi mỏi cả chân mới tìm được chỗ bán Pepsi ướp lạnh và phải mua và đứng tại chỗ mà uống.

      Bà người Tàu CG nói trên cho biết bà đã sống ở đây 20 năm qua, từ lúc vùng Đìn Đèng này còn là một vùng sình lầy, đất đỏ. Đìn Đèng, theo tiếng Thái có nghĩa là Đất Đỏ. Gần đó là Bến xe buýt đang tấp nập hoc sinh lên xuống, vì là giờ tan học của trường nhà xứ Fatima. Học sinh Thái, đã từ lâu, vẫn là thành phần được ưu đãi của xã hội. Các em nói năng lịch sự, đi học bằng xe buýt miễn phí, mặc đồng phục. Trai áo trắng, quần kaki ngắn sát đầu gối, gái áo trắng, váy xanh biển, cổ thắt nơ cùng màu. Trên ngực áo luôn thêu tên trường để dễ nhận biết thuộc trường nào.

CHẠNH NHỚ QUÊ

      Chiều xuống thấp dần, nhưng sinh hoạt nơi đây vẫn bình thản trong cuộc sống tương đối hòa bình của mảnh đất cuối cùng đang cực lực chiến đấu để khỏi bị « nhuốm đỏ » của miền Đông Nam Á... Riêng tôi, lạc lõng giữa khung trời xa lạ này mà lòng xót thương chạnh nhớ đến quê hương xa vời, đến những em không còn được cắp sách đến trường, hay những em bé quá nghèo đói, lam lũ, bới tìm trong những đống rác để độ nhật, đến những cửa tiệm phải đóng cửa vì thời cuộc đổi thay, đến những kẻ bại sản, vì bị bóc lột trắng trợn, phải ngủ đầu đường xó chợ...

     Một chiếc tắc xi nào đó, chút nữa đây, sẽ đưa gia đình tôi đến một khúc quặt, một đổi thay toàn diện, một cuộc sống hoàn toàn đổi mới, đầy bất ngờ không thể nào biết đựơc…

      Phải mất gần 20 phút, tôi mới đón được một chiếc, vì xe qua lại như khung cửi, nhưng tắc xi nào đã có một người khách thì không đón người khác. Trả giá cả xong, giá thông lệ lên phi trường là 40 bạt, tương đương 2 đôla bấy giờ, anh tài còn cho xe chạy thẳng một vòng rồi mới trở về lại để đưa tôi về nhà Xứ, vì đường một chiều, như muốn làm cho tôi thêm nôn nóng...

      Tôi vội vàng lên chào từ giã Cha xứ, vì hôm qua, tôi phải lên gấp ở Ty Cảnh sát kiều vụ, để xin Giấy Hồi Hương chính thức có đóng dấu xuất cảnh. Sau đó, đi mua sắm chút ít, nên chưa kịp gặp ngài được. Ngài nở nụ cười chúc chúng tôi lên đường bình an. Đó là nụ cười hiếm hoi của ngài mà tôi thấy vào dịp tôi ra đi, chứ thường ngày, nét mặt ngài luôn nghiêm nghị.

     Đối với người Âu Tây thì một tiếng « Ô-voa » và « Merci » là đủ trả ân nghĩa, không cần dài dòng và mang nặng quà cáp gì cả. Nhưng thiếu cái tiếng nhỏ nhoi và ý nghĩa to lớn là « cám ơn » thì chứng tỏ mình là con người thiếu văn hóa, không biết cách cư xử ở đời ! Âu Tây vốn ít tình cảm, và tính lại thẳng thắn, tâm tình giúp đỡ vì bác ái, vì nhân đạo… hơn là vì mối lợi,cho nên khi làm xong công việc, không cần ân nghĩa lâu năm dài tháng như người Việt ! (Có lẽ cũng vì nghĩ vậy, nên tôi chân thật không mua cái gì « tặng » ngài để tỏ lòng cám ơn !).

HAM HỐ CỦA CẢI

      Chiếc tắc xi đón đựơc đã chạy vào cổng Nhà xứ. Cùng đi với tôi hôm đó, có thêm hai gia đình được may mắn lên đường trước anh em. Một vài người trong trại đang đứng bao vây xe của chúng tôi, cho rằng chúng tôi là những kẻ may mắn, trong khi anh tài xế đang loay hoay chất đồ đoàn chúng tôi lên xe làm sao cho gọn vì hành lý ai cũng nhiều.

      Nghĩ cũng tức cười khi thấy đám người gọi là « di cư, lánh nạn », ra đi với « hai bàn tay trắng », nhưng khi lên đường đi ngoại quốc… thường lại cồng kềnh những đồ đạc, có khi nhiều hơn bình thường trong đời sống trước đó.

      Con nguời vẫn luôn ham hố, vẫn phải và muốn bám vào vật chất, tiền tài để tìm sức mạnh, sức sống. Ngay khi ở trại, người ta cũng dành nhau từng cái mùng mới,mùng rộng, từng cái chiếu nằm, lấn nhau từng chỗ để đặt cái lò, phơi áo quần, ham hố thêm từng bát phở, khúc bánh mì viện trợ... Nói sao cho hết những thấp hèn của con người trần tục…, tiếc rằng những con người đó không thuộc hàng giá áo túi cơm. Nhưng có lẽ trong số đó, lỗi của nhiều người cũng nhẹ bớt đi, vì họ chỉ là những người bình dân, sống với đồng lương cố định, và tai họ thường nghe những câu chuyện không xây dựng bao nhiêu. Họ còn nghe nói những trại định cư tại Pháp không thiếu gì những kẻ giàu có, những chủ tiệm buôn, tiệm vàng, những ông chủ nhà thầu, tiệm Thuốc tây…, những tay đi buôn đại bự, những người có villa tại Pháp, có con đỗ đạt tại Paris ! Có người lại hài hứơc cho rằng : « Trại định cư tại Pháp dành cho kẻ giàu hơn là cho người nghèo » !

ĐON MƯƠNG LẠC LÕNG

      Chào từ giã Cha xứ xong, giã từ một vài nguời quen trong trại, và không quên thầm cảm tạ Mẹ Fatima, Quan thày Giáo xứ, chúng tôi ra hiệu cho tắc xi lên đường. Nói sao cho xiết tâm tư tôi hôm ấy !!!

      Chiếc tắc xi chạy một lúc khá lâu mới đem chúng tôi đến phi trường Đon Mương. Tôi không biết là bao xa, nhưng cứ xem anh tài xả hết tốc lực thì cũng đủ rõ và khi đến phi trường thì trời đã tối. Tôi vội đem hành lý vào cân và làm thủ tục lên đường. Lạc lõng giữa phi trường quốc tế, tương đối to lớn hơn Tân Sơn Nhất nhiều, nhưng chúng tôi đã được nhân viên hải quan chỉ dẫn chu đáo nên mọi giấy tờ đều nhanh chóng. Họ đã giúp đỡ chúng tôi một cách tận tình và đã « thông cảm » cho chúng tôi về số ký « thặng dư » của hành lý một cách đầy lịch sự. Họ đã nhã nhặn hướng dẫn chúng tôi xuống hầm để kiểm soát lại hành lý vừa cân xong trước khi họ cho chuyển vào lòng phi cơ. Bấy giờ tôi quên nghĩ đến tiền « típ », vì không có thói quen, hơn là vì thân phận di-cư!

      Tôi thấy mến họ và nghĩ đến những người quan thuế Tân Sơn Nhất xưa, theo lời các bà Simương hay về Sàigon buôn vàng, thuốc lá…, thì các bà than phiền là hay bị « vòi vĩnh » và đối xử không đựơc như quan thuế tôi vừa nói ! (2)

BOEING 747

      Trời mưa trở lại khi chiếc xe buýt của Air France (A.F) đưa chúng tôi từ cổng ra phi cơ. Bấy giờ, trời đã tối như mực, mưa thì nặng hột, nên tôi không nhìn thấy cảnh vật bên ngoài. Dưới ánh đèn của phi đạo, tôi chỉ kịp nhận thấy chiếc phi cơ chúng tôi đi quá to lớn, đồ sộ, khi tôi bước xuống xe buýt chạy vội tới cầu thang để vào lòng Boeing cho khỏi bị ướt... Đây là chiếc phi cơ loại Boeing 747, nên rất to lớn và rộng rãi. Khi vào trong, tôi có cảm tưởng như bước vào một căn nhà. Hàng ngang có đến 10 ghế ngồi, ngăn ra bởi hai lối đi hai bên; còn hàng dọc thì khỏi phải nói: hun hút, hàng dãy ghế, không biết đâu là đâu!

       Mỗi người đều có chỗ ngồi ghi nơi vé. Riêng chúng tôi lại được đặt ngồi ngay hàng ghế đầu, nhìn vào vách tường… Tôi ngỡ ngàng, chưa kịp ngồi xuống ghế, vì tự hỏi làm sao phi cơ rộng như thế mà cho mình ngồi dán mũi vào bức tường thế này, thì như đoán được sự bỡ ngỡ của tôi, một cô chiêu đãi viên đã vội đến ngay, cho hay là chúng tôi được xếp ở đây là vì trước khi phi cơ cất cánh, người ta sẽ gắn vào tường một cái nôi cho em bé tôi (Alphonse) nằm nghỉ suốt lộ trình vạn dặm!

       Tuy là về đêm, nhưng không khí bên ngoài của các nước nhiệt đới vẫn còn hâm háp nóng, nên trong lòng phi cơ có máy lạnh hơi nhiều, nên tôi phải thu mình trong chiếc áo len mang theo. Các cô chiêu đãi duyên dáng trong y-phục màu hồng nhạt hay xanh dương, đi tới đi lui sắp chỗ ngồi. Tôi quay lại nhìn số hành khách trong phi cơ: quá ít ỏi, so với chiếc phi cơ khổng lồ, đến nổi có thể nói mỗi người có thể chiếm 5, 7 chỗ mà vẫn còn dư...

MƯA RƠI GIÃ TỪ

         « Mesdames, Mesdemoiselles, Messieurs... » Tiếng cô chiêu đãi vọng ra từ micrô trong lòng phi cơ loan báo cho hành khách biết là sắp đến giờ khởi hành.

         « Thưa quí vị, chặng đường Bangkok-Paris dài những 10.000 cây số. Trên đường bay, chúng tôi sẽ ghé lại Bombay và Téhéran trước khi đáp xuống phi trường Charles de Gaulle ở Pháp. Xin quý vị vào chỗ ngồi và thắt giây nịt an-tòan... Cám ơn quí vị. » Tiếng nói nhẹ nhàng của chiêu đãi viên người Pháp làm cho tôi nhớ lại chuyến đi ở Thái Lan, từ Oudon về Bangkok, trên chiếc Xe suốt KBX 407. Xe cũng có gắn máy lạnh, cũng có giọng nói duyên dáng không kém.

     Chiếc Boeing rời phi đạo từ bao giờ và đang lao nhanh trong đêm tối như muốn biến mất trong đêm trường mịt mù... Chiếc phi cơ quá to lớn, nên lúc nó chuyển mình ra phi đạo cất cánh, tôi không cảm nhận được gì, hay là tôi quá chìm sâu trong nhớ thương! Khi ghi lại những giòng này, tôi chỉ còn nhớ bấy giờ, bên ngoài trời tối đen như mực, mưa to gió lớn vẫn không ngừng, như dòng nước mắt chảy không hề cạn của cuộc đời di cư!

         Ngồi thu mình trong lòng phi cơ nghĩ đến giờ phút sẽ đặt chân trên nước Pháp, tôi không khỏi bùi ngùi khi nghĩ lại biết bao cố gắng bấy lâu để được ngày hôm nay. Bao nhiêu người ngoại quốc cũng như người đồng hương giúp đỡ cho chuyến đi, vì bao lần ôm mộng xuất dương du-học mà nào dễ có thành. Mộng ấp ủ đi Pháp bấy lâu, nay đã thành tựu, đã trở nên một thực tại ! Mộng ước đã cầm tay !

BOMBAY BY NIGHT

      Bánh xe phi cơ chạm đất làm tôi giật mình,mới biết mình đang ở trong phi cơ. Rồi tiếng cô chiêu đãi nhẹ nhàng loan báo: « Thưa quí vị, phi cơ vừa đáp xuống phi trường Bombay, và ngừng lại đây trong một tiếng đồng hồ để hành khách lên xuống. Hãng chúng tôi còn có xe để đưa quí vị nào muốn vào xem Bombay by night rồi sẽ đem về trở lại. Cám ơn ».

      Một số hành khách xuống, có lẽ đã đến nơi; còn một số ít lại đi theo xe của hãng vào Bombay lựơn phố rồi sẽ trở ra. Tôi cũng muốn vào thăm thành phố lúc ánh đèn lên. Chắc Bombay đẹp lắm, lấp lánh và dịu dàng như những tấm lụa làm tại đây, mà những người Ấn độ ở Vientiane bán vải lụa Bombay thường đon đả mời khách...’Xơn bừng. Bừng tí nọi, bò xía ngân ’. Nhưng vì bận con dại,và cũng vì đêm hôm tối tăm mờ mịt, nên tôi cũng không buồn đi, ngồi lì ở phi cô cho bộ tiêu hóa làm việc. Bữa ăn trưa vừa rồi trước khi đến Bombay kể cũng khá đầy đủ. Vả lại tôi sợ lỡ tàu nên thôi. Ra đi bỏ tất cả để đến nơi chốn, không lẽ còn « ham » theo những cái phụ sao ! Le second suit le principal !

      Một vài lao công của hãng tại địa phương lên phi cơ quét dọn, và sau đó một số hành khách địa phương bứơc vào phi cơ. Hành khách bấy giờ kể cũng khá đông, tuy phi cơ rất to lớn, cho nên chỗ còn dư cũng không bao nhiêu.

      Tôi ngồi nhìn hành khách lên xuống, tòan là người ngoại quốc làm cho tôi thêm chạnh lòng, thêm cô đơn. Bỗng tôi vừa kịp nhận thấy có một cặp hành khách người đồng hương ngồi xa phía sau, nên tôi đến gợi chuyện cho vui... Đó là một cặp vợ chồng nguời Việt còn trẻ tuổi. Chàng trai cho biết chỉ chạy thoát đựoc có một mình qua Thái Lan rồi bị giữ tại trại. Mãi về sau mới có người nhà tại pháp bảo đảm cho qua mới ra được Trại để đi xin visa. Anh là nguời miền nam, nói tiếng pháp được một ít, tuy không lấy gì làm xuất sắc, có lẽ học ở trong Trại trứơc khi xuất trại. Anh và cô bạn (ngồi bên) gặp nhau ở trại tỵ nạn Thái Lan, rồi quen thân, sau cùng làm đám cưới, trước khi đi Pháp. Thật như người ta thường nói: quen nhau mồng ba, yêu nhau mồng sáu và cưới nhau mồng chín, cho nên trông họ còn e ngại và bỡ ngỡ vớ nhau lắm.

      Téhéran tuyệt đẹp về đêm Rồi phi cơ chuyển mình và lên đường. Tôi không thấy gì hơn khi nhìn qua cửa sổ, ngoài những ánh đèn phi đạo, chỉ là đêm tối bao trùm. Mãi là trời đêm. Có lẽ tôi sinh vào giờ Hợi (10 giờ đêm), nên phải đi đêm, không thấy trời trăng mây nước gì, cả lúc phản lực vượt qua đại dương!

TÉHÉRAN HẠ CÁNH           

      Nhưng đi đêm mãi rồi cũng có ngày thấy ánh sáng. Quả thực, sau đó phi cơ đáp xuống phi trường Téhéran vào buổi chiều. Hành khách được mời nghỉ đêm tại một khách sạn lớn trong tỉnh và dùng bữa cơm tối. Tất cả phí tổn đều do hãng Air France đài thọ.

      Xe ca của hãng chở chúng tôi và thành phố Téhéran. Phi trường cách xa thành phố xa quá, nên sau một hồi xe chạy quanh co mãi mới vào đến phố và đỗ ngay tại khách sạn lớn nhất tỉnh.

     Tất cả hành khách đều xuống xe, ào vào guichet ghi tên, hỏi chìa khóa phòng. Mọi người chen lấn để lấy số chìa khóa, sợ đến sau, không có chỗ tốt! Tôi cũng phải chen lấn để được ghi tên và hạng thứ ba.

      Thế rồi, họ kêu tên theo số thứ tự đã ghi. Kêu người thứ nhất, không thấy ai trả lời, rồi họ kêu người thứ hai cũng không có ai… trong khi người ghi tên số thứ 8, 10 hay 20 lại cứ sấn tới và chỉ vào tên của mình ghi trên giấy. Còn tôi đứng thứ 3 thì đang chờ đến phiên mình… thì họ lại ngừng và không kêu nữa, tôi không hiểu sao. Có lẽ họ bực mình kêu hai ngừơi trứơc mà không thấy ai tới! Tôi nghĩ thầm: “rõ mình là con người hẫm hiu, hễ sắp tới phiên mình thì y như có trục trặc, có gì cản trở….”

     Bực mình chờ kêu tên mãi không thấy, tôi chen vào và lấy tay chỉ vào tên của mình ghi nơi giấy để lấy chìa khóa phòng. Thế rồi cũng đựơc chìa khóa. Số phòng 308.

PHÒNG RỘNG VÀ SANG

     Người bồi phòng hướng dẫn chúng tôi vào thang máy và… vào phòng. Một sự ngạc nhiên khi chúng tôi bứơc vào phòng. Phòng có hai giường,một giường to, một giừơng nhỏ, drap, nệm đâu đó đẹp mắt. Sàn phòng lót tapis, có buồng tắm, bồn tắm. Phòng xem ra sang trọng hơn Hotel lớn của Bangkok, nơi dành cho khách sang.

     Phòng ngủ chúng tôi bỗng chốc biến thành nơi phơi tôm khô cho nó xả hơi, chúng tôi mua từ Băng Xén và phơi áo quần trẻ em. Phần thì đi đường quá mệt, phần thì đồng hồ tay không đổi giờ địa phương, nên chúng tôi không dám đi đâu chơi xa, rồi trở về phòng tắm rửa và xuống thang máy vào phòng cơm tối dành cho khách của A.F hôm ấy.

     Phòng cơm rộng lớn, cao to và trang hoàng khá đẹp với những đèn điện như chòm sao, những tapis bản xứ. hai bàn dài với hai dãy ghế hai bên chỉ choán có một góc nhỏ. Phần lạ, phần mới ngủ dậy, chúng tôi ăn cũng thấy ngon. Nhưng bia uống ở đây đắt quá, phần ăn thì khỏi phải trả, A.F trả thay, nhưng đồ uống thì phải mua riêng, nếu không muốn uống Zup cung cấp.

     Ăn xong, trở lên phòng để dọn dẹp và ngủ nghỉ vì đại diện A.F cho biết là phi cơ sửa chữa không thể bay được trước 10 giờ đêm. Thế là chúng tôi đánh một giấc khá say. Bấy giờ là lối 6, 7 giờ tối.

Đến 8g30 tối, tôi đang mơ màng giấc điệp thì nghe chuông điện thoại trong phòng reo lên inh ỏi.

- Alô! tôi giật mình cầm điện thoại lên tai. C’est la chambre 308?

- Oui, monsieur, tôi đáp.

- Allez vite à la gare, l’avion décollera à 9h.

- Merci.

     Nói xong, tôi giật bắn cả người. Chỉ còn nửa tiếng nữa thôi mà đồ đạc còn lộn xộn, nhất là mấy ký tôm, đang đổ ra phơi trên bàn.

     Thế là chúng tôi phải hốt tôm vội vàng và thu xếp đồ đạc và xuống thang máy, hỏi Concỉerge khách sạn xem sao, vì tôi vẫn còn giữ giờ Thái Lan.

     Tôi vội hỏi khách sạn mấy giờ rồi và mấy giờ phi cơ bay và làm sao ra phi truờng cho kịp. Nhân viên khách sạn cho biết mọi người đã ra phi truờng hết rồi, nên anh ta vội kêu tắc xi cho chúng tôi ra phi truờng. Bấy giờ trời đã tối hẳn.

     Chiếc tắc xi màu đen nặng nề đỗ trứơc Hotel và Hotel cho biết là tiền xe phải trả là 5 đôla, và họ dặn : Không đựơc cho thêm vì họ biết tắc xi hay đòi thêm tiền khách.

     Chiếc xe lao hết tốc lực, vòng vo mãi mới ra đựoc ngoại ô thành phố để phóng về phi trường. Trời về đêm cảnh đẹp qúa, hôm ấy có lẽ là rằm hay 16 vì trăng sáng và đẹp lắm, con đường dẫn ra phi trường chìm trong ánh sáng của trăm ngàn ngọn đèn điện bao quanh… mà từ xa nhìn vào trông giống như những hạt kim cương lấp lánh. Cả một bức tranh tuyệt đẹp, nhưng tôi không còn lòng trí nào để thưởng thức cái cảnh đẹp ấy… Lòng chỉ hồi hộp, sợ ra hụt chuyến phi cơ.

       Anh tài lái thật giỏi. Chiếc Chevrolet cứ cho chạy như bay, nó lao mình như muốn nuốt hết những chặng đường còn quá dài… Có lẽ là cái cớ để khi đến phi trường đòi tiền thù lao. Vì thực thế, khi đến phi trường, tôi vội vã lấy đồ đạc xuống và rút tiền trả, nhưng tôi chỉ có tờ 10 đô, không có tờ 5. Nên tôi phải vào guichet để đổi. Anh chàng tài xế xách đồ theo và… muốn đòi cả 10 đô, như muốn nói công anh chạy như điên. Tôi chưa kịp lấy tiền đổi thì nhân viên cảnh sát phi trường và đại diện A.F thấy thế, đến can thiệp.

- Anh đi từ đâu tới đâu, đại diện A.F hỏi tôi.

- Từ Hotel International đến đây.

Họ định giá bao nhiêu?

- 5 dollars.

- Thôi được, anh cầm và cất tờ 10 đôla của anh đi, để chúng tôi lo liệu với anh tài xế này.

     Tôi hơi buồn khi cầm lại tờ 10 đô, tôi định nói với họ : “hãy trả 5 đôla, còn tôi, tôi biếu anh ta 5 đôla nữa vì công anh chạy bán sống bán chết đưa tôi kịp ra ga vào phút chót”. Nhưng tôi không nói được gì, đứng lặng nhìn bà đại diện A.F và nhân viên C.S phi trường dìu anh tài xế đi. Có lẽ một nửa, tôi muốn để cho sự công bằng làm việc, vì anh ta đã bằng lòng 5 đô, nay lại muốn lấy cả 10 đô; vả lại, cũng muốn theo lời khách sạn dặn không trả thêm tiền, để cho khách sau khỏi bị đòi như thế. Nhưng nửa lại thấy tội nghiệp cho anh ta vất vả và có công thật.

     Tôi chạy vội vào phía trong nhà ga thì hành khách còn đang ngồi chờ đông đủ cả, chưa ai lên tàu; tôi hú hồn, thở nhẹ nhõm. Mấy nguời Việt cùng đi chuyến hôm đó cho biết là trưa ấy, sau giờ cơm, nguời ta đã viết giấy cho biết là hành khách phải tụ tập hết ở tầng dưới vào lúc 6 giờ để ra phi trường; và khi đến giờ, có đến hai chuyến chở người ra phi trường. Nhưng bấy giờ chúng tôi đâu có hay biết, đang ngủ và ở cả trên lầu. Thú thật, bấy giờ tôi cũng thầm trách người mình sao đi chung mà không thấy chúng tôi xuống mà không báo cho chúng tôi, vì thực ra trễ chuyến đó quả là …nguy hiểm. Nhưng nghĩ lại là do lỗi mình, trách ai bây giờ. Một kinh nghiệm cho lần sau!

TÉHÉRAN BAY TRỞ LẠI

     Nhưng được nghỉ mệt qua chuyến chạy cấp tốc này, nay lại phải khổ cực để tự tay chuyển hành lý mình lên phi cơ 747, vì không hiểu sao, nhân viên phi cảng đâu không làm. Thôi, mình di cư thì cứ tự túc tự cường!

     Thế rồi, Boeing 747 rầm rộ chuyển động cơ bay đựơc hơn một tiếng đồng hồ rồi, lại không muốn bay tiếp nữa. Chúng tôi đang ngồi yên thả hồn theo mộng mơ xuất du, thì tiếng cô chiêu đãi đã vọng lên từ máy phi cơ, báo động: « Thưa quí vị, vì lý do kỹ thuật, phi cơ buộc lòng phải bay trở lại Téhéran. Xin quí vị bình tĩnh và tránh di chuyển vô ích trên phi cơ... »

     Trời đất quỷ thần ơi! Khi vượt biên thì gặp ngày dân Lào biểu tình, khi đến trại tạm cư Fatima thì xe hỏng máy, thiếu nước, làm reo không buồn đi. Khi phải ra phi trường Téhéran thì ngủ quên giờ, suýt hụt tàu, nay đang yên ổn trên phi cơ khổng lồ Boeing 747 vượt trùng dương... thì phi cơ to lớn lại không đủ sức bay qua biển cả. Phải trở đầu lui! Nhưng rồi tôi cũng tự an ủi: “Thà trở về Téhéran ngủ một giấc ngon lành chờ đợi, còn hơn nằm lạnh giá dưới lòng biển sâu!”

DI CƯ… RÁCH NÁT  

      Boeing 747 đáp xuống phi trường Téhéran thì tiếng chiêu đãi viên lại vọng lên, ra việc làm: « Thưa quí vị, chúng ta sẽ đổi qua chiếc Boeing 707, và xin quí vị lấy hàng hóa của mình và chuyển qua phi cơ ấy ». Hành lý của chúng tôi trên 747 thì họ vất bừa bãi xuống phi đạo, mà đa số rương hòm của hành khách di cư thì bằng thùng giấy cạctông, nên giờ đây không những móp méo mà còn gần rách toang. Thật số phận dân di cư thì kêu vào đâu được! Phi đạo lại không có đèn sáng!

     Chúng tôi phải ra sân chọn valy của mình hay bagage của mình để cho người khuân vác đưa qua Boeing 707. Tôi mất đến hơn 15 phút để đi tìm giữa đống hàng hóa ngỗn ngang mấy cái valy và bagage của tôi để cho phu khuân vác đưa qua Boeing 707. Thế mới biết hàng hóa phải niền cho thật kỹ, dán tên cho to và rõ ràng. Vì vậy mà khi đến Paris, đồ đoàn tôi ít hư hỏng, còn bà Ph. thì thùng cạctông rách tứ tung.

BOEING 707 TÍ HON

     Tôi bứơc vào lòng Boeing 707 với tất cả thất vọng, vì 707 hẹp quá và nhỏ quá, so với 747, không có chỗ móc nôi em bé như 747,nên chúng tôi phải bồng em bé trên người.

     Boeing 707 chỉ bằng loại Air VN đi Saigon Vientiane xưa, hoặc lớn hơn một tí thôi. Hay là vì chúng tôi vừa đi Boeing 747 quá to lớn, quá đồ sộ, quá tiện nghi chăng. Tuy vậy, nghĩ bụng rằng đi chật chội nóng nảy mà tới Paris còn hơn đi 747 rộng rãi mà có khi nằm ngủ dưới lòng đại dương! Thấy chúng tôi ngồi chật chội quá và phải bồng em bé trên tay, nên cô chiêu đãi kiếm riêng cho tôi một chỗ khác, còn chỗ của tôi thì dành cho em bé có chỗ để nằm ngủ

     Ngồi trong lòng phi cơ 707, ai nấy ngao ngán nhìn nhau, như tự hỏi: Boeing 707 liệu có đủ sức bay qua đại dương đựơc không ? Hay đây lại là hậu quả ra đi đúng vào ngày con số 13 ? (13 Tháng Bảy 75).

ATHÈNES SÁNG RỰC

      Nhưng bé tí mà bé hạt tiêu, gan dạ. Boeing 707 hăng say lướt gió ngàn, vượt đêm thâu... Và không bao lâu, đã đến Athènes: thành phố bấy giờ đang lên đèn sáng rực trời đêm. Từ trên lòng phi cơ nhìn xuống như trăm ngàn hạt kim cương lấp lánh. Thật đúng danh xưng là « nơi chôn dau cắt rốn « của nền văn minh sáng chói trời Âu, giờ đây đang yên ngủ im lìm. Phi cơ đáp xuống bãi lấy nhiên liệu rồi lại tiếp tục lên đường. Chúng tôi ngồi yên trong lòng phản lực cũng không biết là chặng đường còn bao nhiêu cây số ngàn, nhìn ra ngoài thì chỉ thấy tòan đêm tối dày đặc.

      Phi cơ lại cất cánh và xuyên đêm trường lạnh giá để nuốt chặng đường cuối cùng để rồi đưa chúng tôi đến Đất hứa, nơi mong chờ.

PARIS : NÂNG LY CHÚC MỪNG

     Chặng đường dài mấy rồi cũng đến giờ kết thúc. Mọi hành khách trong phi cơ đều nôn nóng khi tiếng cô chiêu đãi vọng lên từ máy phóng thanh: « Thưa quí vị, chỉ còn độ nửa tiếng đồng hồ nữa, Boeing sẽ đáp xuống phi trường quốc tế Charles de Gaulle, Paris. Chúng tôi hy vọng quí vị hài lòng về chuyến bay này. Và hy vọng gặp lại quý vị trong những chuyến bay tới. Xin kính chào quí vị! ».

Sau đó, mọi người được mời dùng kẹo và Champagne do hãng Air France khoãn đãi. Vì thực ra, nói đến nước Pháp thì làm sao quên được Champagne. Cho nên dù là khách di cư đi nữa, nước Pháp cũng tỏ ra lịch sự mời hành khách thưởng thức hương vị đặc biệt của Phù-lang-sa chứ!

    Rồi chiêu đãi đưa cho chúng tôi mỗi nguời một tấm cạc để làm thủ tục lúc xuống sân bay trong đó điền vào địa chỉ nơi đi và nơi đến. Tôi ngần ngừ không biết phải ghi thế nào đây, vì trước khi còn ở trại Fatima, có người cho biết nếu ghi có thân nhân tại Pháp thì không đựơc đón nhận vào Trung tâm. Hay là tôi cũng phải làm như một vài người đển Pháp trước tôi mấy tháng qua, ngồi lì ở phi trường cho tới chiều tối, vì làm như không có nơi trọ để cảnh sát can thiệp và gọi Trung tâm định cư tới đưa về Trung tâm? (như thế là có lợi)

     Tôi nhớ lại lời của ông Nguyễn văn L. dặn đứa con trai khi người con còn ở Trại Fatima với tôi: “khi đến Pháp thì con phải khai là giấy tờ mất hết và xin về Foyer “ là nơi ông ta (bố) đang ở. Toàn những mưu mô của người Việt di cư để được vào Trại hưởng phụ cấp. Một vấn đề khác nữa là trước ngày tôi ra đi Pháp, có người đặt vấn đề với ông Đ.H và giáo sư T. là qua Pháp có lẽ cũng nên ý tứ, vì “bên kia” có thể cho xe Hồng Thập Tự ra đón rồi đưa mình về Camp của họ và thu hết giấy tờ của mình thì sao ?” Toàn những lo toan không căn cứ, đầy lo âu hão huyền, thiếu nền tảng, nói lên sự bấn loạn lo lắng của người Việt quốc gia di cư trứơc khi lên đường đi Pháp.

      Giờ đây nâng cốc Champagne lên môi trước khi phi cơ ngừng hẳn ở phi đạo, tôi thầm nghĩ không biết đây là ly rượu mừng ngày tôi và gia đình đặt chân đến nước Pháp tự do, đúng ngày áp lễ Cách mạng của Pháp (14 Juillet) hay là lời thầm chúc cho dân tộc VN cũng mau hưởng được Tự do để toàn dân được sống trong Hòa Bình, Hạnh Phúc thực sự ?

    Hôm ấy là ngày 13/7/1975, lúc 4g30 sáng. Tôi bước xuống phản lực, thở làn không khí trong lành trên mảnh đất Tự Do của nứơc Pháp mà tôi đã chọn làm Quê hương thứ ba của gia đình tôi!

        NB: (1) Từ 28/9/2006, phi trường Đon Muong này dành để đi trong nứơc, còn đi quốc tế là phi trường mới Souvarnabhumi (đọc là Suvanapoum!)

(2) Nếu nói đến nhân viên hải quan XHCN ngày nay thì miễn bàn!  

 Phan Hữu Lộc

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art