Thứ Năm, 28 Tháng Sáu, 2012

Ông Trùm Xứ

Ông Trùm Xứ

- Tôi đã nói rồi, không được làm lễ, làm văn nghệ ngoài trời dịp Giáng sinh. Đây là quy định của nhà nước. Tôi sẽ không chịu trách nhiệm nếu như có chuyện đáng tiếc xảy ra !

Ông Tâm lặng yên, rời ủy ban xã lòng buồn vô hạn. Lời phán quyết của bí thư xã làm ông suy nghĩ mông lung lắm. Thế là Giáng sinh năm nay, có lẽ sẽ lạnh lắm! Sẽ không có thánh lễ nửa đêm, mà theo đức tin đơn sơ của ông, Chúa Hài Đồng khó mà xuống thế, ít là nơi giáo xứ nghèo nàn này. Thế thì buồn quá ! Ông cảm thấy mất mát một thứ gì quí giá lắm ! Nhớ năm nào, được sự tín nhiêm của cha xứ cũng như mọi người, ông được bầu làm Chủ tịch hội đồng giáo xứ, mới đó mà đã 4 năm. Đây là nhiệm kỳ thứ 2 ông tại vị. Tài mọn, sức hèn, nhưng ông đã đem hết khả năng Chúa ban phục vụ giáo xứ. Cha xứ hài lòng, các ông trong hội đồng kính nể vì tính cương trực và lòng đơn sơ của ông. Giáo xứ sống êm đềm trong ơn nghĩa Chúa… Cho đến một ngày…

Ngày 30 tháng Tư mưa như thác đổ, cơn mưa đầu mùa sao… dữ dằn quá ; mấy ông giải phóng vào ướt như chuột lột. Nói là ông cho oai vậy, chứ mặt mày tên nào tên nấy non choẹt, xanh xao ; bộ đồ đen cũ mèm ôm sát người vì ướt mưa ; để lộ tấm thân còm cõi trông mà thảm hại. Vậy mà, những con người trông yếu ớt thế, với khẩu AK lớn hơn khổ người đã làm cho họ có một sức mạnh phi thường. Khỏi phải nói, ai cũng biết, có sự thay đổi lớn lắm, trật tự xã hội, con người…bị đảo lộn hoàn toàn.

Giáo xứ của ông không ngoại lệ ! 

Thỉnh thoảng Cha xứ phải đi làm việc cả tuần lễ. Những lần như thế, không có thánh lễ ở nhà thờ. Bà con giáo dân phải buồn rầu... ăn chay đọc kinh ở nhà, đền bù thánh lễ. Có khi Cha xuất hiện bất thình lình, nói với ông : Ông thông báo cho bà con, sẽ có thánh lễ vào lúc 3h sáng mai, sau đó tôi phải đi gấp... Thế là, sáng hôm đó, nhà thờ chật ních người dự lễ, ai nấy đều cảm thấy ấm lòng… mặc dù trên khuôn mặt phảng phất nét lo âu !

Sau một thời gian gặp nhiều khó khăn, giáo xứ dần dần ổn định trong… khuôn khổ nhà nước. Các hội đoàn trở lại hoạt động bình thường, tuy không được rầm rộ như trước. Mọi người cũng quen dần với chế độ mới, không thắc mắc gì, miễn là mỗi ngày họ được đi lễ, được đọc kinh liên gia, đọc kinh tháng Đức Mẹ v.v… Nhưng ông Tâm không có được sự thanh thản như bà con trong giáo xứ. Mỗi khi có việc, ông thường thay mặt Cha xứ lên ủy ban xã…Thường là để xin phép…Ông không ưa công việc này lắm, nhưng vì bổn phận, phải làm. Cuộc đời ông chưa từng xin xỏ ai, nhưng vì giáo xứ, ông đành cúi đầu trước những tên ngồi đó chiễm chệ, ngang tàng, tuổi đời không đáng làm con của ông…

Lần này cũng thế, ông bực dọc lắm, và trong thâm tâm, ông không chịu khuất phục. Làm lễ nửa đêm có gì quá đáng đâu mà phải cấm ! Chỉ vì nhà thờ thì nhỏ, mà giáo dân đi dự lễ quá đông, cho nên phải đứng bên ngoài kéo dài cả mấy chục mét. Họ lấy lý do an ninh, trật tự công công mà cấm không được làm lễ ngoài trời như vậy ! Phải đành vậy sao ? Ông Tâm suy nghĩ nát óc, thậm chí còn làm rộn đến giấc ngủ, nhưng bài toán vẫn chưa có lời giải đáp !!!

Thời gian nặng nề trôi…Một tháng sau…

 - Nếu các ông muốn làm lễ đêm Noêl, thì phải để hình bác Hồ trong nhà thờ, chỗ cao nhứt !

Lời nói có vẻ như thách đố của bí thư xã, khi hắn đi ngang nhà xứ, làm mọi người không khỏi bàng hoàng. Và tới giờ này, ai cũng hiểu rõ vấn đề… Đêm đó, ông Tâm không tài nào chợp mắt được ! Giữ đạo từ nhỏ cho đến bây giờ, đây là lần đầu tiên, mà bắt đầu từ hơn tháng nay, đã đặt ông vào cái thế hết sức nan giải. Bài toán đã bế tắc, không có lời giải đáp, lại càng bế tắc hơn. Cha xứ, một vị chủ chăn rất hiền hòa, đã nói với ông như một lời an ủi: Hãy phó dâng, có Chúa, Ngài lo liệu tất cả, ông ạ ! Cùng lắm, tôi sẽ không làm lễ nửa đêm, để khỏi bị rắc rối!… Ông đón nhận lời Cha xứ dạy, nhưng lòng ông vẫn thấy không ổn chút nào! Miên man suy nghĩ cả đêm, đến khi chợp mắt được thì trời đã gần sáng. Vậy mà trong giấc ngủ ngắn ngủi ấy, một giấc mơ lạ đã níu kéo ông, đưa ông đến chốn thần tiên, lạ hoắc. Ông thấy mình lạc vào một khu rừng tối, nhưng trước mặt là một lâu đài tráng lệ… Ông tiến tới, bỗng có tiếng nói bên tai như ra lịnh Phải qua cổng này, mới được vô lâu đài… Ông Tâm tỉnh giấc, hình ảnh cái cổng lâu đài vẫn còn theo ông về thực tại. Phải rồi, cái cổng, ồ… cái cổng. Một ý nghĩ chợt lóe qua đầu ông…

 Mồ hôi nhễ nhại, ông Tâm vừa hút thuốc, vừa ngắm nhìn cái công trình bất đắc dĩ mà gần tháng nay ông bị mất ăn mất ngủ. Thực ra, chỉ là cái cổng chào đơn sơ, cách nhà thờ khoảng 100 mét, ông cho đặt hình Hồ chủ tịch ở mặt tiền cổng, như một cách trả lời và đáp ứng lời yêu cầu của bí thư xã, một tên luôn làm khó và bắt chẹt mọi hoạt động của giáo xứ. Thế nhưng, ông phải chịu lời chỉ trích từ nhiều phía: một số vị trong hội đồng, bà con trong giáo xứ. Riêng Cha xứ, ngài rất thông cảm và tán thành ý kiến của ông. Cuối cùng, trong phiên họp vừa qua, với lời lẽ chân thành, tế nhị, lý lẽ của ông đã được mọi người chấp nhận, tuy trong lòng họ không được vui cho lắm!

 Về phía chính quyền, ông không lo ngại, ông có đủ lý lẽ để đối đầu, nếu bị chất vấn. Giờ đây, ông cảm thấy thanh thản, vì đã tận lòng, tận sức… cho đêm nay… Chúa giáng trần được trọn vẹn !

 Đêm Giáng sinh năm đó, bà con đi lễ thật đông, đông hơn mọi năm. Ông Tâm đến nhà thờ thật sớm, nhìn bà con lũ lượt đến, lòng lâng lâng niềm vui khó tả ! Thỉnh thoảng, nhìn về phía cổng chào, ông thấy hai cổng phụ hai bên được người ta sử dụng nhiều hơn, tuy rằng cổng giữa rất rộng, nhưng chỉ lác đác vài người qua lại. Ông không ngạc nhiên lắm. Điều này ông đã đoán biết từ lâu…

 Lễ xong trên đường về, ông Tâm thoáng nghe đám thanh niên đi phía trước đối đáp với nhau :

 - Tưởng năm nay không có lễ nửa đêm, nhưng cuối cùng đông hơn và sốt sắng hơn mọi năm.

 - Ca đoàn hát hay quá !

 - Cha Hảo giảng hay, làm xúc động quá !

 - À, tao thấy có mấy tên lạ mặt đứng đứng xớ rớ gần cái cổng !?

 - Mấy tên công an chứ ai!

 - À ra thế! Có bác hồ, có công an… trông chừng, mình đâu còn lo sợ gì nữa!

 Trong bóng đêm, ông Tâm vẫn rảo bước, trên môi nở nụ cười mãn nguyện…

 (Về sau, tên bí thư xã biết chuyện, ức lắm, nhưng chẳng làm gì được. Ngày ông Tâm mất, bà con giáo xứ thương tiếc và cảm phục đức tin và lòng can đảm của ông…)

TG

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art