Thứ Hai, 25 Tháng Sáu, 2012

Chuyến xe đò chiều mùng hai tết

Chuyến xe đò chiều mùng hai tết

Năm 1959, Long còn là sinh viên đại học sư phạm Đà lạt còn Vân là sinh viên văn khoa Sàigòn. Họ yêu nhau từ lúc nào ? Không ai biết. Nhưng anh chị em Vân đều nhìn thấy tình yêu của họ qua ánh mắt, qua nụ cười.

Sau ngày 23 âm lịch, Long hối hả cùng các bạn đáp xe đò về Sàigòn để được gần người yêu trong thời gian nghỉ tết. Gặp lại nhau, tay bắt, mặt mừng, lòng vui rộn rã, Vân cũng như Long đều muốn níu thời gian để bù lại những tháng ngày xa cách. Có lẽ cha của Vân hiểu được lòng cô con gái mình nên ông mở lời rủ Long tháp tùng gia đình ông về quê ăn Tết ngày mùng hai. Chàng vui vẻ nhận lời ngay còn Vân thì nhìn Long với gương mặt tươi rói.

Thế là sáng mùng hai, Long cùng Vân và người chị thứ năm tên Phượng đi xe buýt ra bến xe đò Thủ Thừa ở chợ Bình tây để lấy vé về cầu Voi. Những anh chị em khác trong gia đình Vân thì đi bằng phương tiện riêng, kẻ Vespa, người Lambretta. Họ hẹn gặp lại nhau ở nhà chú Tư Kiên để gởi xe và cùng đi bộ vào Cai Tài.

Chuyến xe đò lăn bánh đúng giờ đưa chị Phượng và Long Vân đến cầu Voi trước mọi người. Cả nhà chú Tư đon đả ra chào hỏi khiến Long bối rối trước những cặp mắt soi bói với những câu hỏi xa gần, vì chàng chưa là gì trong gia đình Nguyễn công. Ba Má Vân và các anh chị nàng cũng vừa đến nơi đúng lúc. Long thở phào nhẹ nhõm, Vân cũng hết ngượng ngùng. Từ cầu Voi vào làng quê Mỹ Thạnh khoảng hai cây số nếu đi đường tắt băng qua ruộng. Những kẻ thị thành phải đi trên bờ đê với bước ngã, bước nghiêng nên mồ hôi lấm tấm thấm ướt vai áo. Long lầm lũi đếm bước bên cạnh Vân, thỉnh thoảng len lén nắm tay nàng siết nhẹ. Nàng vẫn để yên bàn tay mình trong lòng bàn tay chàng. Kỷ niệm bổng đổ xô về khi đoàn người đi dưới hàng dừa xanh, Long nhìn Vân như để hỏi nàng còn nhớ hay đã quên. Mà làm sao Vân quên được năm trước, chàng đưa nàng về quê ngoại để ôn bài thi tú tài, họ đã dừng chân tại nơi đây và ngồi bên nhau dưới bóng cây dừa để ăn bánh mì thịt. Hôm nay, chân họ giẫm lên lối cũ nhưng ngoài mặt làm ra vẻ dửng dưng. Một làn gió từ sông Vàm cỏ thổi tạt vào làm dịu bớt cái nóng oi ả nơi thôn quê. Vài người đưa mắt nhìn về hướng chợ Cai Tài, lòng chỉ mong sao chóng đến. Chó nhà ai cất tiếng sủa vang khi trông thấy người lạ mặt. Phải lần dò từng bước đi qua hai cầu khỉ mới đến cây cầu ván bắt ngang sông nối liền đôi bờ của chợ Cai Tài. Thêm một phen, Long bẽn lẽn đi sau cùng để tránh né những cái nhìn tò mò của bà con xa gần trong gia đình Vân. Một ngày nhộn nhịp với tiếng nói cười rộn rã trong nhà bà ngoại Vân. Các chị em nàng bắt tay vào việc chuẩn bị bữa cơm trưa cúng ông bà trong khi các ông anh ra bờ ao hái dừa giải khát.

Nhà bà ngoại Vân được xây cất theo lối kiến trúc xưa gồm có ba gian, hai chái. Gian phải và trái đều có cửa sổ trông ra vườn. Hai bộ ván gõ mun đen dày được kê sát vách, hai cái tủ cẩm lai nằm gần bên. Gian giữa có một tủ lớn bằng gỗ trắc cẩn ốc xà cừ dùng làm bàn thờ tổ tiên.Trước tủ thờ có bộ trường kỷ để tiếp khách. Tám tấm hoành phi mang nhiều câu đối treo lủng lẳng trên hai hàng cột gỗ song song. Sau hai bức màn cạnh tủ thờ là phòng ngủ thoáng mát của bà ngoại Vân và một phòng dành cho người trong gia đình từ xa đến. Cái chái bếp nằm phía sau để nấu ăn. Quanh nhà sum xuê nhiều cây ăn trái như mận, xoài, dừa, vú sữa.

Nhờ nhiều bàn tay của phụ nữ nên các thức ăn ngày tết được dọn lên bàn nhanh chóng để chuẩn bị cúng ông bà. Trên bàn thờ, ngoài bình hoa huệ trắng còn có cặp dưa hấu to màu xanh đậm cùng với dĩa trái cây ngũ quả cạnh bộ lư hương và cặp chưn đèn đồng màu vàng lóng lánh. Ba Má Vân trịnh trọng mặc lễ phục cổ truyền đốt nhang đèn lâm râm khấn vái. Đàn con cháu đứng sau lưng chấp tay tưởng niệm các bậc tiền nhân. Cả gia đình quỳ lạy bàn thờ phũ khói nhang nghi ngút. Sau nghi lễ cúng tổ tiên đến lượt ba má Vân và các con cháu mừng tuổi bà ngoại Vân. Hai đứa cháu nhỏ, con của ông anh Vân được bà cố cho hai bao lì xì đỏ chói sung sướng cười toe toét. Phải đợi nhang tàn, các người lớn tuổi mới được ba má Vân mời vào bộ trường kỷ. Một cái bàn tròn được kê thêm bên cạnh cho đủ chỗ mọi người ngồi. Thoáng nhìn qua đã thấy ê hề các món ăn ngày tết. Nào là bánh tét, bánh ếch, canh khổ qua dồn thịt, mắm thái ăn với thịt ba rọi và bún, thịt heo quay kho với cá lóc và trứng vịt ăn chung với dưa giá, chả giò cuốn với rau sống chấm nước mắm ớt, hay dưa đầu heo cuốn bánh tráng với rau sống, dưa leo, khế và chuối chát chấm mấm nêm, vịt tiềm ăn với cơm hay bún tùy ý thích của mỗi người. Các đòn bánh tét cũng được cắt từng khoanh ăn với củ cải ngâm nước mắm hoặc củ kiệu chua. Các chai bia con cọp và xá xị con nai được khui ra liền tay. Đến phần tráng miệng thì có bưởi, quít, xoài và các thứ bánh ngọt ăn trước khi uống trà sen.

 Xong bữa cơm, các chị em Vân lo dọn dẹp tất bật. Long lủi thủi đến ngồi dưới tàng cây vú sữa, đưa mắt nhìn cảnh vật trải dài với ruộng lúa ngút ngàn. Thiếu Vân bên cạnh, Long cảm thấy một ngày đi qua tẻ nhạt mặc dù thỉnh thoảng nàng cũng nhanh chân chạy ra trao đổi vài câu với chàng. Người anh cả của Vân trao cho Long chiếc võng, chàng cột vào thân hai cây dừa rồi leo lên nằm đong đưa chờ vài ngọn gió từ sông thổi vào. Xế chiều, chim bìm bịp kêu nước lớn. Ba Má Vân nhờ chú Năm Ca lấy chiếc tam bản đưa đoàn người ra cầu Voi để về Sàigòn. Cũng mất hơn ba mươi phút ghe đưa gia đình đến nhà chú Tư Kiên. Chị Phượng cùng với Long Vân đón xe đò từ lục tỉnh lên để quá giang. Nhưng các lơ xe đều khoát tay từ chối không đón khách vì xe nào cũng chật ních người. Trong lúc chị em Vân lo lắng thì có chiếc xe đò Tam Hữu từ Long An lên. Long đưa tay vẫy gọi. Xe dừng lại bên vệ đường cho ba người lên. Điều làm cho Long ngạc nhiên là trên xe chỉ võn vẹn có năm hành khách. Mặc kệ, có xe về Sàigòn là tốt rồi. Chị Phượng ngồi ghế trước. Long và Vân chọn phía sau. Giờ đây, hai người tha hồ tựa vai nhau, tay đan tay, mắt ngắm cảnh. Chiếc xe chạy đến cầu Ván thì tốc độ giảm rồi bò dần đến cầu Bến lức. Không nghi ngờ gì nữa, xe trống hành khách là vì xe hư phải cố lết về Sàigòn để sửa chữa. Chị Phượng ngoái cỗ ngó Vân với ánh mắt lo lắng. Ngược lại, vài hành khách khác lộ vẻ khó chịu. Vân nhìn Long như hỏi ý kiến. Chàng nói khẽ bên tai nàng : Đành thôi! Hy vọng nó lết về đến Chợ lớn hay Phú Lâm cũng được. Qua cầu Bến Lức, chiếc xe tiếp tục ì ạch lăn bánh. Để Vân đừng nghĩ vẩn vơ, Long thì thầm pha trò : Như vầy, hai đứa mình kéo dài những giây phút gần nhau thêm Vân gượng cười, trong lòng vẫn lo âu. Bác tài xế và anh lơ xe tìm lời phân bua với hành khách vì họ bắt đầu gắt gỏng. Chị Phượng cũng ngồi không yên, thấp thỏm nhìn màn đêm từ từ buông xuống. Mọi người tự hỏi họ phải xoay xở ra sao nếu xe nằm suốt đêm giữa đồng không mông quạnh. Rồi xe cũng qua được Gò đen, lết tới Bình điền, gắng hết sức vào Phú Lâm mới dừng hẳn. Hú hồn! Hành khách uể oải xuống xe gọi taxi, họ thở phào nhẹ nhõm. Long đưa chị em Vân về đến nhà rồi mới yên tâm quay về với cha mẹ chàng…

Thoáng cái mà đã năm mươi hai năm đi qua, chuyến xe đò chiều mùng hai tết vẫn còn là một kỷ niệm khó quên trong lòng vợ chồng Long Vân. Gợi nhớ chuyện xưa, Long phì cười. Giờ đây không còn gì chia cách họ. Họ đi mãi bên nhau, đi hết đoạn đường còn lại, một đoạn đường không còn xa bao nhiêu, bỡi vì họ đang bước vào mùa thu của cuộc đời, cho nên họ nhìn nhau mà yêu thương dâng đầy trong ánh mắt.

VL

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art