Thứ Ba, 19 Tháng Sáu, 2012

Đối diện lương tâm

Chương một.

Lai lái xe ra khỏi cổng Bịnh viện Nguyễn văn Học thì mây đen vần vũ báo hiệu cơn mưa lớn sắp đổ xuống thành phố. Bà bán cơm dĩa bên vệ đường hối hả thu dọn thức ăn vào gánh để tìm chỗ ẩn trú ; bác phu xe kéo tấm vải phủ trước chiếc xích lô. Người đi bộ nhanh chân rảo bước, kẻ lái xe tăng thêm tốc độ, ai cũng mong mau về đến nhà trước khi trận mưa to ập xuống. Gió rít từng hồi tung bụi mù mịt cuốn theo cành khô lá úa. Ngàn cây vật vã ngã nghiêng dưới cuồng phong.

Lai vừa đến ngã tư Bình hòa thì vài hạt đầu tiên đập vào kính xe. Độ hai phút sau, mưa xối xả trút xuống, Lai cho quạt kính chạy tối đa. Qua khỏi cầu Băng ky, trời sụp tối, đèn đường vàng vọt bị màn mưa dày che khuất chỉ tỏa ra được vài tia sáng yếu ớt. Lai cố giương to mắt vì hai bóng đèn xe không đủ giúp chàng trông xa hơn, Lai giảm tốc độ khi qua cầu Bình lợi. Những thanh ván thấm nước trơn trợt, Lai giữ chặt tay lái để xe không chao đảo. Xuống dốc cầu, chàng rẽ trái về Lái thiêu.

Đèn đường không còn nên màn đêm vây quanh, Lai vừa lái xe, vừa lo sợ vì khoảng này thường có kẻ gian chận xe cướp của. Dù mưa còn to, chàng nhấn ga tăng tốc độ. Thình lình bên vệ đường một bóng mờ lướt qua gây tiếng va chạm mạnh làm xe mất thăng bằng, Lai cố điều khiển để không rơi xuống ruộng. Mồ hôi toát ra, chàng không phân biệt được bóng mờ trước mắt là gì ? Người hay thú vật ? Lai thầm nghĩ giờ nầy ai đi trong đêm mưa ? Có lẽ một con heo đi lạc. Chàng muốn ngừng lại xem hư thực nhưng sợ bất trắc nên đổi ý.

Về đến Lái thiêu, mưa thưa dần. Lai cho xe vào trong sân rồi vội xuống ra trước xem, thấy vành xe bị móp sâu. Chàng cố tìm một vết máu còn dính nhưng chẳng có, chắc mưa to đã xóa đi hết ? Mẹ của Lai thấy con không vào nhà nên ra hỏi :

- Hôm nay có ca mổ nào khó lắm sao mà con về trễ vậy ?

Chàng ngước nhìn mẹ mệt mỏi đáp :

- Dạ không. Tại mưa lớn, đường trơn trợt nên con lái chậm.

Bà Trọng khen :

- Cẩn thận như thế là tốt.

Bỗng bà chợt nhớ:

- Hồi chiều có Bích đến chơi, nó có ý đợi con nhưng thấy quá trễ nên ra về .

Lai nhíu mày uể oải :

- Bích có nói gì không Má ?

Bà điềm nhiên cười:

- Nó bảo con hứa đi Nha trang với nó.

Lai buồn bã:

- Bích muốn, chứ con thì còn do dự.

Bà Trọng ái ngại nhìn con :

- Má thấy con nên nghỉ một tuần để đi du ngoạn với Bích và các bạn cùng lớp của nó ; vả lại, Bích cũng muốn giới thiệu con với họ.

Nghe mẹ khuyên, Lai thở dài :

- Bịnh viện thì có người thay con, còn phòng mạch ở nhà thì sao? Chẳng lẽ đóng cửa ?

Bà Trọng cằn nhằn:

- Thì nhờ bạn con, bác sĩ Quân ở Thủ dầu một xuống thế. Con cũng từng làm như vậy khi gặp trường hợp giải phẫu khó.

Lai không cãi mẹ nhưng bắt sang chuyện khác:

- Phòng mạch có bịnh nhân không Má ?

Mẹ chàng cười đáp:

- Trời mưa to, chỉ có vài người đang ngồi chờ.

Lai hối hả:

- Thôi, để con ra khám cho họ.

Lai tốt nghiệp bác sĩ giải phẫu đã hơn hai năm. Ban ngày, chàng phục vụ tại Bịnh viện Nguyễn văn Học, chiều về, Lai dành thì giờ còn lại để khám cho dân trong vùng. Ông bà Trọng chỉ có hai người con trai : Lai và Lộc. Sau khi đỗ tú tài hạng ưu, Lộc được chính phủ cấp học bổng cho sang Pháp du học. Chàng cũng theo ngành y khoa như anh, chỉ còn ba năm nữa Lộc sẽ trình luận án và về nước. Gia đình ông Trọng thuộc thành phần giàu có trong vùng; sau khi Lai tốt nghiệp, ông bà xây riêng cho chàng một phòng mạch cạnh bên nhà để hành nghề.

Chợ Lái thiêu có hai con đường chính. Từ Sàigòn lên, trước khi vào chợ, xe cộ rẽ sang phải rồi qua cầu vào phố; ngược lại, nếu từ Bình dương hay Búng xuống, họ phải đi dọc theo phía trái bên hông chợ để rời Lái thiêu. Quận chỉ có hai phòng mạch. Bác sĩ Khải, lớn tuổi, không làm việc trong bịnh viện nên khám suốt ngày. Bác sĩ Lai, còn trẻ, mới ra trường, phục vụ tại bịnh viện công, do đó, phòng mạch tư của chàng chỉ mở cửa từ bảy giờ đến chín giờ tối. Đa số người bịnh đến với Lai đều ngụ ý muốn được giới thiệu nhập viện vì nhân viên hành chánh nể trọng chàng.

Hơn một giờ khám bịnh, Lai đóng cửa phòng mạch trở vào nhà. Theo thói quen, chàng đi tắm trước khi ăn cơm chiều. Ông bà Trọng hay dùng bữa trước vì biết giờ giấc của con mình bất thường. Chị Tư giúp việc hâm nóng lại thức ăn. Lai ngồi vào bàn nhưng khó nuốt được, chàng vẫn còn thắc mắc cái bóng mờ ngả vào xe: thú hay người ? Nếu con thú thì không sao. Còn nếu người ? Lai nhớ rõ, theo luật hiện hành, lái xe bất cẩn cán chết người, tài xế gây tai nạn bị ngồi tù ít nhất năm năm theo luật hình, còn hãng bảo hiểm chỉ bồi thường một số tiền cho gia đình nạn nhân theo luật hộ. Hình và hộ đã được phân định rõ rệt. Nếu Lai ngồi tù thì tương lai của chàng sẽ ra sao ?

Chị Tư giục Lai dùng cơm kẻo nguội vì chén của chàng vẫn còn đầy, Lai gật đầu lấy lệ. Chàng quyết định sáng mai phải trở lại Bình triệu để biết sự thật ra sao ? Lai ăn qua loa rồi đứng lên vào phòng. Đặt lưng nằm lên giường, Lai lại nghĩ đến Bích, vị hôn thê của chàng.

Lai và Bích quen nhau từ lúc còn thơ ấu vì hai gia đình ở cạnh bên. Cha mẹ Bích cũng giàu không kém ba má Lai. Theo thời gian, hai người yêu nhau khi chàng chưa đỗ bác sĩ, còn nàng thì mới vào trường dược. Thấy Lai và Bích có vẻ tâm đầu ý hợp, cha mẹ đôi bên đề nghị ngồi sui. Một lễ hỏi được tổ chức trọng thể tại nhà ông bà Đặng để mở đường cho con mình đi đến hôn nhân. Chồng bác sĩ, vợ dược sĩ, quá xứng đôi rồi. Dòng đời không êm suôi như con người mơ tưởng. Đất có bên lở, bên bồi, sông có chỗ cạn, chỗ sâu; lòng người như sông và đất.

Khi Bích lên năm thứ tư đại học dược khoa, nàng bắt đầu dệt mộng. Giấc mơ của nàng không giản dị như các cô gái khác. Bích không muốn mở một tiệm âu dược gần phòng mạch chồng, ngày ngày đứng bán thuốc. Lai và Bích phải là hai nhân vật quan trọng sau này. Nàng ao ước Lai sẽ làm tổng trưởng. Tại sao không ? Vì hiện giờ người đứng đầu bộ y tế cũng là một bác sĩ. Còn nàng sẽ là một nhân vật có tiếng tăm trong tương lai. Biết được tham vọng của người yêu, Lai ngỡ ngàng vì chàng hoàn toàn khác Bích. Lai chọn nghề bác sĩ để cứu người. Chàng không thiếu tiền vì cha mẹ khá giả; Lai chẳng tham danh vọng vì sợ dài gian nan. Lai muốn có một cuộc sống bình thường. Hàng ngày, chàng hàn gắn vết thương cho người; cuối tuần đưa vợ con đi du ngoạn đó đây. Lai được sinh ra và lớn lên trên mảnh vườn cây ăn trái; chàng muốn đời mình mãi gắn bó với mẫu đất đen màu lá mụt. Một biệt thự khang trang nằm giữa khu vườn rộng, sau nhà là rừng măng cụt ngút ngàn, hàng sầu riêng thẳng tắp trĩu nặng đong đưa, dãy chôm chôm sai oằn trái đỏ vàng lẫn lộn. Đối với Lai, thế là đủ lắm rồi.

Ngã rẽ tâm tình bắt nguồn từ đó. Có lúc cha mẹ đôi bên định tổ chức lễ cưới cho hai con, nhưng Lai cứ hẹn dần, chờ Bích ra trường rồi sẽ tính. Bích không quan tâm mấy đến sự khác biệt tính tình giữa hai người, nàng tin rằng rồi đây sẽ thuyết phục được Lai để chồng mình trở thành người trong mộng.

Thường khi, vì quá mệt, Lai ngủ rất dễ, nhưng đêm nay, chàng không chợp mắt được. Chuyện cái bóng mờ trong chiều mưa, chuyện trách móc của Bích ngày mai vì chàng sẽ từ chối đi Nha trang với nàng... Đầu thôn tiếng gà gáy sáng. Lai uể oải vào phòng tắm sửa soạn đi làm. Chị Tư chưa kịp nấu nước pha cà phê thì Lai đã đẩy xe honda ra sân. Chị ngạc nhiên hỏi:

- Sao hôm nay cậu đi xe gắn máy ?

Lai cười :

- Xe tôi bị trục trặc nên mượn đỡ honda của Lộc. Vả lại, thỉnh thoảng phải cho máy chạy.

Đoạn chàng cho xe nổ máy:

- Thôi tôi đi nhé!

Đúng ra, Lai không dám lái chiếc xe mang thương tích trở lại Bình triệu sợ bị nhận diện. Khác hẳn chiều hôm qua, sáng nay bầu trời quang đãng. Trên không trung, lơ lửng vài cụm mây trắng đan nhau;hai bên đường, ánh nắng lung linh xuyên qua tàu lá chuối, sương muối còn đọng trên cành hoa giấy, tiếng gió thì thào qua rặng trúc bờ tre; mặt trời đã lên khỏi ngọn dâu. Chẳng mấy chốc, Lai đến đoạn đường xảy ra tai nạn. Chàng chạy chậm lại để quan sát. Thấy có quán cơm tấm, cà phê, Lai dừng lại, khóa xe rồi lững thững bước vào. Ông chủ trạc năm mươi tuổi vui vẻ mời khách:

- Ông dùng chi?

Lai khẽ đáp:

- Bác cho tôi một dĩa cơm bì.

Bên ngoài, một thanh niên dựng xe vào vách, nhìn chủ quán cười:

- Bác Tư khoẻ không ?

Ông trố mắt:

- Ủa cậu Tân, hôm nay không đi làm sao?

- Dạ có chứ.

Tân thư thả ngồi vào bàn:

- Bác cho cháu ly cà phê đen.

Chủ quán chưa hết thắc mắc:

- Sao giờ này cậu còn ở đây ?

Chàng giải thích:

- Cháu đi trễ một chút vì phải đến chi cảnh sát để họ lấy lời khai.

Ông ngạc nhiên:

- Chuyện gì vậy ?

Tân chẫm rãi :

- Bác không hay chiều hôm qua có xảy ra tai nạn chết người bên kia đường sao?

Ông tròn mắt kinh ngạc:

- Vậy à! Mưa lớn quá, tôi đóng cửa sớm nên có hay biết gì đâu.

Lai rụng rời tay chân, đầu óc quay cuồng, chàng không nuốt được muỗng cơm vì cổ họng như bị ai bóp nghẹt. Lai cố giữ bình tĩnh để nghe tiếp. Chủ quán sốt ruột hỏi:

- Mà sao cậu biết ?

Tân ôn tồn kể :

- Hôm qua, cháu đi làm về lúc trời mưa to, ngoài đường tối đen. Khi đến đây, thấy có người nằm trên vũng nước, cháu tưởng anh ta say rượu té nên dừng xe lại định đỡ lên; ai ngờ mình ảnh đầy máu. Sợ quá, cháu chạy đến bót cảnh sát để trình báo. Họ liền điện thoại gọi xe cấp cứu đoạn theo cháu trở lại đây, nhưng quá trễ vì anh ta đã chết.

Chủ quán giục giã :

- Cậu có biết người đó là ai không ?

Tân nhanh nhẩu :

- Dạ anh Phúc, bạn đồng nghiệp của cháu.

Ông ngao ngán thở dài :

- Tưởng ai, chứ thằng đó thì tôi biết nhiều. Chiều hôm qua, nó đánh vợ con nhừ tử rồi ra quán Bảy Ếch nhậu. Chắc quá say nên đâm đầu vô xe người ta.

Đoạn ông tiếp:

- Tội nghiệp cô Hồng có người chồng chẳng ra gì.

Tân cũng đồng tình:

- Bác nói đúng. Anh Phúc dạo nầy thay đổi nhiều, đi làm sáu ngày thì nghỉ hết ba, sửa xe cẩu thả bị chủ hăm đuổi.

Chợt nhớ ra, Tân đứng lên:

- Thôi đến giờ rồi, cháu đi nghe bác Tư.

Lai quên cả ăn uống, chàng gọi chủ quán tính tiền rồi ra xe đi thẳng đến bịnh viện. Cảm thấy không còn tinh thần để làm việc, Lai vào gặp bác sĩ trưởng khoa xin nghỉ phép một tuần. Về đến nhà, chàng lên giường nằm. Bà Trọng tưởng con bịnh nên ân cần hỏi han. Lai chỉ trả lời qua loa rồi nhắm mắt lo nghĩ. Viễn ảnh đen tối hiện ra trong đầu chàng.

Một giờ sau, Lai trỗi dậy, thay quần áo, lái xe trở xuống Sàigòn. Lần nầy, Lai không đi qua Bình triệu, chàng ra khỏi Lái thiêu, rẽ phải hướng về An phú Đông. Xe qua cầu An lộc, An nhơn, Gò vấp đoạn thẳng đến Bình hòa. Chủ tiệm sửa xe ô tô thấy khách quen dừng trước cổng tiến ra chào :

- Xe của bác sĩ có vấn đề gì sao ? Hôm trước tôi chỉnh kỹ rồi mà.

Lai gượng cười :

- Không, máy vẫn tốt, nhưng bị móp cái vè trước. Anh vỗ lại và sơn luôn nhé.

- Bác sĩ để đó cho tôi.

Bỗng chợt nhớ:

- A, mà hôm nay ông bỏ bịnh nhân sao ?

- Tôi nghỉ phép.

Chủ tiệm nhìn Lai:

- Bác sĩ về bằng cách nào ? Hay là lấy xe tôi đi đỡ.

- Cám ơn anh. Độ bao lâu mới sửa xong?

- Vài ngày thôi.

Lai lái chiếc xe lạ trở về nhà trước sự ngạc nhiên của cha mẹ chàng. Bích đến tìm Lai hai lần đều không gặp, nàng giận dỗi bỏ đi Nha trang cùng các bạn. Lai thấy nhẹ nhõm vì chàng cần có thời gian để tìm gặp vợ con người vừa tử nạn. Lương tâm không cho phép Lai ngủ yên.

Chương hai.

Vì gia cảnh nghèo, đám tang của Phúc được tổ chức đơn sơ; lác đác vài người hàng xóm đến phúng điếu. Hồng bằng lòng lời đề nghị của cha mẹ chồng đưa linh cữu Phúc về Búng an táng.

Sáng nay, nàng ngồi nhìn di ảnh chồng trên bàn thờ rồi thở dài ngao ngán. Kỷ niệm năm xưa vùng sống lại. Hồng và Phúc là đôi bạn chung lớp. Mỗi sáng, tuy không hẹn, hai người cùng đứng đón xe lam trước chợ Búng để lên Bình dương học. Ngày tháng đưa họ đến chỗ thân nhau. Cuối niên học, Hồng đỗ tú tài, Phúc thi rớt. Nàng khuyên Phúc tiếp tục nhưng Phúc không nghe; chàng xuống Sàigòn ở trọ nhà người cậu, đóng tiền học khoá sửa xe gắn máy, còn Hồng thì trúng tuyển vào quốc gia sư phạm. Hai năm sau, Hồng tốt nghiệp và được bổ nhậm về dạy trường tiểu học Bình triệu, Phúc cũng trở thành chú thợ lành nghề, chàng làm công cho tiệm Tấn phát ở ngã năm Bình hòa. Giai cấp thầy thợ không cản trở họ thành chồng vợ. Hồng được mẹ cha cho tiền mua căn nhà nhỏ trong xóm đạo gần nhà thờ Fatima; nhờ thế Phúc đi làm cũng không xa.

Thời gian qua, Hồng sinh bé Loan. Có tiếng khóc cười của trẻ thơ, tình chồng vợ tưởng đâu sẽ gắn bó hơn, nào ngờ Phúc đổi tính. Mỗi khi thấy Hồng nói chuyện với các thầy giáo dạy chung trường, Phúc không bằng lòng. Tự ti mặc cảm tăng dần theo ngày tháng, những cơn ghen vô cớ làm Phúc mất đi phẩm cách. Bảy năm chung sống là chuỗi thời gian dài vô tận. Hồng vì con nên chịu đựng còn Phúc thì được thế làm tới. Cho đến một hôm, thầy giáo Hoài đi ngang nhà trông thấy Hồng, ghé lại chuyện trò đôi câu. Chẳng may, Phúc về đến, nổi cơn thịnh nộ liền gây sự với đồng nghiệp của Hồng và tát tai nàng trước mặt hàng xóm. Từ đó gia đình biến thành địa ngục, Phúc uống rượu li bì, lấy cớ say đánh chưởi vợ; tội nghiệp, Loan mới sáu tuổi đầu cũng bị nhiều trận đòn oan. Hồng xấu hổ khi vào trường thấy các bạn xót xa nhìn những vết bầm trên gương mặt kiều diễm của nàng. Sức chịu đựng của con người có hạn. Phúc đã đẩy Hồng vào chân tường, nàng định xin ly dị , nhưng đơn chưa kịp nộp thì Phúc tử nạn.

Tiếng gõ cửa kéo Hồng về thực tế. Nàng nhìn ra sân thấy một người đàn ông lạ mặt mỉm cười chào:

- Xin lỗi, có phải đây là nhà cô giáo Hồng không ?

     Hồng gật đầu:

- Dạ phải, tôi là Hồng, còn ông ?

     Lộ vẻ lúng túng:

- Dạ tôi là Lai, bạn của anh Phúc.

Hồng cố moi trong trí nhớ xem chồng nàng có người bạn nào tên Lai ? Tuyệt nhiên không. Hơn nữa, ông khách lạ có phong cách trí thức thì làm sao là bạn với một người thợ sửa xe như Phúc được ? Hồng e dè hỏi :

- Ông quen với anh Phúc lúc nào mà tôi không nghe anh ấy nhắc đến ?

     Lai ấp úng :

- Bạn thân từ nhỏ; lớn lên mỗi người một nơi nên mất liên lạc.

     Hồng không muốn tìm hiểu thêm, nàng mời khách vào trong :

-Mời ông ngồi.

     Đoạn gọi con:

- Loan à, mang trà ra mời bác.

     Để phá tan bầu không khí nặng nề, Lai thân tình hỏi:

- Thưa chị, tôi đọc báo thấy tin anh Phúc vừa bị nạn.

     Hồng buồn rũ rượi:

- Dạ đúng.

     Lai đắn đo trong giây lát:

- Nghe nói dạo này anh Phúc thay đổi tánh tình nhiều.

     Hồng nhìn sửng:

- Sao ông biết ?

- Bạn cùng lớp kể lại.

     Hồng ngạc nhiên:

- Thế trước kia ông cũng học ở Bình dương ?

     Lai lắc đầu:

- Dạ không, tôi học ở Sàigòn.

     Hồng không hiểu nổi. Làm gì có chuyện chung lớp ? Nàng bèn chuyển đề tài :

- Vậy hôm nay ông đến để chia buồn với mẹ con tôi.

- Dạ phải, và tôi xin được phúng điếu muộn.

     Hồng nhã nhặn từ chối :

- Xin lỗi, tôi không thể nhận, cám ơn lòng tốt của ông.

     Lai cố thuyết phục :

- Nhưng chị cũng cho phép tôi được giúp đỡ cháu một phần nào.

     Loan mang tách trà bước ra chào khách. Lai trìu mến :

- Cháu mấy tuổi ?

- Dạ cháu sáu tuổi.

     Giọng nói ngọt ngào, Lai vuốt tóc đứa bé sớm mồ côi cha :

- Bác có chút quà tặng cháu.

Lai nhét nhanh vào túi áo của Loan một phong bì. Sợ Hồng ngăn cản con, Lai uống vội tách trà rồi đứng lên kiếu từ.

Sau khi người khách lạ ra về, Hồng bảo con mở bao thư ra xem. Nàng giật mình trước số tiền quá lớn. Loan cũng ngạc nhiên, cô bé bèn trao hết cho mẹ giữ.  Một tháng đi qua, tai nạn chết người chìm vào quên lãng. Cảnh sát xếp hồ sơ vì họ còn nhiều việc quan trọng phải làm hơn là truy lùng người lái xe bất cẩn. Lai cũng trở lại làm việc thường ngày trong bịnh viện.

Từ khi Bích đi Nha trang về, nàng tỏ ra lạnh nhạt với Lai, vết rạn nứt tình cảm trở nên trầm trọng. Trưa thứ bảy, Lai về sớm, chàng ghé qua xóm đạo Bình triệu để thăm mẹ con Hồng. Đậu xe ngoài quốc lộ, chàng đi bộ vào. Lần gặp gỡ này, không khí khác hẳn lúc trước, Hồng đổi cách xưng hô, tiếng ông lạnh nhạt được thay bằng tiếng anh thân mật. Hồng mời Lai vào nhà và tự nàng đi pha trà. Ngồi một mình trong phòng khách, Lai nhìn di ảnh của Phúc, người chàng chưa quen mà nay nhận là bạn thân thiết. Tiếng Hồng nhỏ nhẹ:

- Chiều nay anh Lai được nghỉ ?

Lai giật mình :

- Dạ, còn chị ?

- Tôi chỉ dạy buổi sáng.

Lai nhìn quanh:

- Cháu Loan đâu chị ?

- Nó vừa sang nhà bạn.

Ngồi đối diện, Hồng nhìn Lai với nhân dáng đôn hậu, đằm thắm:

- Anh Lai, hôm trước anh cho cháu nhiều tiền quá khiến tôi ngại lắm. Nay tôi xin phép gởi lại anh vì lương giáo viên cũng đủ để mẹ con tôi đắp đổi.

Lai khẩn khoản :

- Chị Hồng, nếu chị xem tôi là bạn thì xin chị đừng từ chối.

Rồi chàng hỏi bâng quơ chuyện nhà trường, chuyện bé Loan. Độ mươi phút, Lai từ giã Hồng ra về trong khi nàng ngồi lặng thinh, miên man suy nghĩ. Sau khi Phúc chết, Hồng cảm thấy trút được gánh nặng trên vai, nàng không còn nhận những cái tát tai của ông chồng vũ phu ;vết bầm trên đôi má tan dần nhường chỗ cho một vẻ đẹp diễm kiều trên gương mặt người góa phụ trẻ. Mẹ con nàng giờ đây được sống bình yên. Bao nhiêu lời nói cọc cằn, cử chỉ thô bạo của Phúc theo chàng vào nấm mộ.

     Lai lui tới nhiều hơn, do đó tình cảm cũng tăng dần. Một sáng Chúa nhựt, chàng đến mời Hồng và bé Loan đi phố Nguyễn Huệ. Cả ba bách bộ từ nhà ra quốc lộ, Hồng ngạc nhiên khi Lai mời mẹ con nàng lên chiếc xe du lịch thật đẹp. Nàng trầm trồ khen :

- Anh Lai giàu mà giấu.

Lai khoát tay :

- Cũng thường thôi chị à.

Bé Loan chen vào :

- Tại sao mỗi lần đến nhà cháu Bác không mang xe vào ?

Lai từ tốn:

- Sợ khó trở đầu, Bác đậu ngoài nầy cho tiện.

Ngồi cạnh Lai, Hồng trộm nhìn chàng trai lịch duyệt, thanh tú, nói năng mềm mỏng, còn Lai thì thỉnh thoảng liếc nhanh Hồng để ngắm một thiếu phụ mỹ miều với mái tóc nhung mượt mà và cái nhân dáng dịu dàng kín đáo. Loan ngồi phía sau khoái chí, huyên thuyên kể chuyện. Lai đưa mẹ con Hồng đi dạo khắp Sàigòn, chàng chọn quà mua tặng Loan. Thình lình Bích từ đâu xuất hiện. Lai niềm nở giới thiệu Bích với Hồng. Sau khi biết được Lai đã có vị hôn thê, Hồng cảm thấy một thoáng buồn len lỏi vào tim nàng, còn Bích thì tự ái nổi dậy, chỉ chào hỏi qua loa vài câu rồi bỏ đi. Bích không tin Hồng và Loan là vợ con của bạn Lai, nàng nhất quyết Lai lén lút ăn ở với Hồng có con; Bích phải thuật lại chuyện nầy cho cha mẹ biết.  Lai vẫn thản nhiên đưa mẹ con Hồng đi ăn kem. Loan hồn nhiên nói cười không dứt, Hồng cũng vui theo con.

- Anh Lai !

Đôi chút áy náy; Lai nhìn Hồng :

- Gì đó chị ?

Hồng lỏn lẻn chớp mắt :

- Anh cho Hồng xin một điều.

Lai giục giã :

- Chị cứ nói.

Nàng ấp úng :

- Anh bỏ tiếng chị khách sáo ấy đi vì Hồng nhỏ tuổi hơn anh mà.

Trên gương mặt rạng rỡ niềm vui, Lai mỉm cười :

- Nếu chị cho phép.

Hồng trố mắt:

- Lại chị nữa. Anh gọi em là Hồng đi.

Lần đầu tiên nghe Hồng xưng em, chàng lặng người sung sướng. Rời tiệm kem, Lai đưa Hồng và Loan trở về Bình triệu. Trước khi từ giã, chàng đề nghị:

- Kể từ hôm nay, Hồng cho phép tôi được chăm sóc bé Loan như đứa cháu ruột của tôi.

Mắt chớp nhanh, đôi má ửng hồng:

- Cám ơn anh, anh tốt với mẹ con em quá!

Cũng như mọi lần, Lai nhét nhanh một phong bì vào túi áo Loan rồi ra về. Hồng cảm động nhìn theo, lòng thừa hiểu Lai muốn giúp cả hai mẹ con nàng chứ không phải chỉ riêng Loan. Từ lúc quen thân với Lai, mỗi lần soi gương, Hồng thấy mình trẻ và đẹp hơn xưa. Giông tố ngày nào đã vùi dập cành hoa, nhưng khi cuồng phong đi qua thì bông hồng lại khoe sắc thắm. Số tiền của Lai tặng bé Loan giúp mẹ con nàng sống thoải mái;Hồng không còn bận tâm đến cảnh thiếu trước hụt sau.

Chương ba.

Lái thiêu chiều nay thưa người qua lại, các tiệm bên hông chợ lần lượt đóng cửa vì cơn mưa lớn sắp đổ xuống. Phòng mạch bác sĩ Lai đã có vài bịnh nhân ngồi đợi. Mẹ chàng ra vào sốt ruột trông con về.

Trên đường từ Búng về Bình triệu, Hồng dừng xe hai lần để tránh mưa. Đến Lái thiêu, nàng lại phải tìm chỗ trú ẩn vì trận mưa rào tiếp tục. Nhìn quanh quẩn, hàng quán đều đóng kín mít, Hồng thấy có một phòng mạch bác sĩ bèn vào đại. Khép nép ngồi cạnh hai bịnh nhân trong phòng chờ đợi, Hồng nghe họ đối đáp:

- Hôm nay trời mưa chắc bác sĩ về trễ.

Một bà đứng tuổi hỏi :

- Bà đi bác sĩ Lai mấy lần rồi ?

Người đối diện nhanh nhẩu :

- Ba lần. Ông nầy giỏi và nhân đức lắm.

Hồng ngạc nhiên tự hỏi : Lai nào ? Chẳng lẽ bạn nàng ? Hồng tò mò lắng nghe tiếp câu chuyện :

- Nói vậy bà cũng biết.

Người kia quả quyết :

- Đúng đó, ổng còn giúp đỡ tiền cho người bịnh mua thuốc khi thấy người ta nghèo.

Hồng thầm nghĩ một bác sĩ như thế thật hiếm có. Bên ngoài, mưa vừa dứt hột, Hồng rời phòng mạch. Trước khi ngồi lên honda, nàng liếc nhìn tấm bảng ghi phía trước : Bác sĩ Nguyễn phước Lai, chuyên trị bịnh tim. Trong đầu hoang mang, Hồng muốn ở nán lại xem mặt bác sĩ đó, nhưng sợ con trông nên lái xe về.

Chiều cuối tuần, Lai đến thăm Hồng và Loan. Chàng mua một con vịt quay, hai ổ bánh mì để biếu mẹ con Hồng. Gặp Lai, Hồng bỗng nhớ lại câu chuyện ở phòng mạch hôm nào nên bóng bẩy hỏi :

- Anh Lai, em chưa biết họ của anh.

Lai ngơ ngác:

- Tôi họ Nguyễn.

Hồng cười khúc khích :

- Nguyễn phước Lai. Bác sĩ Nguyễn phước Lai, có phải vậy không anh ?

Lai sửng sốt:

- Hồng làm thám tử từ bao giờ ?

Cả hai cùng phì cười. Loan không hiểu nên nhìn sửng mẹ. Hồng bèn giải thích:

- Bác Lai làm bác sĩ đó con.

Loan vồn vã hỏi:

- Tại sao bác giấu con với mẹ ?

Lai đưa tay vuốt tóc bé Loan:

- Tại con với mẹ chưa bị bịnh nên bác chưa có dịp nói.

Cả ba cười nắc nẻ. Từ khi có Lai, căn nhà nhỏ xinh xinh trong xóm đạo trở nên ấm cúng, chàng giờ đây là điểm tựa và niềm vui của gia đình Hồng. Tiếng chuông giáo đường rộn rã trên không trung. Lời kinh chiều trầm buồn làm lắng dịu tâm hồn, mọi ưu phiền tan biến, mọi tội lỗi sẽ được thứ tha, con người quay về dưới chân Chúa để cùng cầu nguyện.

Một sáng Chúa nhựt, Bích đưa cha mẹ nàng đến nhà ông bà Trọng. Chị Tư liền vào đánh thức Lai. Chàng choàng dậy nghe ngóng. Trong phòng khách, ba má Lai niềm nỡ tiếp sui gia, Lai cũng chỉnh tề bước ra chào. Sau vài câu thăm hỏi, ông bà Đặng đi vào đề. Họ thuật lại chuyện con gái mình gặp Lai ngoài phố Nguyễn Huệ với người tình và đứa con riêng. Lai trố mắt nhìn Bích:

- Nếu Hồng là người tình thì làm sao anh có thể giới thiệu Bích là vị hôn thê của anh được ?

Bích bĩu môi:

- Anh đóng kịch vụng về lắm.

Lai lắc đầu:

- Không, anh khẳng định Hồng và Loan là vợ con của người bạn vừa tử nạn.

Bích nhún vai :

- Em không tin.

Với tâm trạng chán chường:

- Tin hay không là quyền của em.

Bích gằn giọng:

- Anh có thể cho em gặp riêng cô Hồng được không ?

Lai sầm mặt:

- Nếu em muốn, nhưng với điều kiện em không được lớn tiếng với người ta.

Ông bà Trọng nghe qua câu chuyện, trong lòng trách sui gia sao quá vội vàng nghe lời con. Bà liền đề nghị :

- Để tránh việc đáng tiếc có thể xảy ra, tôi sẽ theo Bích đến nhà cô Hồng.

Bích không đồng ý :

- Con muốn đi một mình.

Lai nhăn mặt khó chịu :

- Chắc em định làm lớn chuyện với người ta ?

Bích nhún vai cười mỉa:

- Đó là quyền của em.

Lai phẫn nộ :

- Quyền gì ? Em nên nhớ em chưa phải là vợ của anh. Em chỉ có quyền từ hôn thôi.

Bích hầm hầm quắc mắt :

- Cái gì ? Từ hôn à ? Chuyện đó em đã nghĩ, chỉ chờ anh nói ra.

Lai chụp ngay cơ hội :

- Thì hôm nay anh nói đó. Luôn tiện có cha mẹ đôi bên, chúng ta nên dứt khoát đi.

Bích kênh kiệu:

- Anh khỏi thách.

Đoạn nàng nhìn cha mẹ rồi quay sang ông bà Trọng :

- Xin ba má hủy bỏ cuộc đính hôn giữa con và anh Lai.

Ông bà Trọng chưa kịp mở lời khuyên thì Bích đã bỏ ra về. Cha mẹ nàng cũng giận dỗi bước theo con. Lai chán nản trở vào phòng, lòng nhẹ nhõm vì kể từ hôm nay Bích đã loại chàng ra khỏi giấc mộng quyền lực của nàng.

Một tháng sau, Hồng đột ngột đến bịnh viện tìm Lai. Hai người vui mừng gặp lại nhau. Chàng đưa Hồng vào văn phòng riêng để dễ trò chuyện. Lai mời nàng ngồi rồi ân cần hỏi:

- Hồng đến thăm tôi hay có việc gì ?

Hồng áy náy:

- Có chút chuyện.

Lai sốt ruột:

- Hồng cứ nói.

Nàng cúi mặt ấp úng:

- Hôm qua bác gái có tìm đến nhà em.

Lai trố mắt :

- Má tôi đến để làm gì ?

Hồng chẫm rãi kể :

- Bác nói tại em nên Bích từ hôn với anh.

Lai lắc đầu phì cười :

- Chuyện từ hôn là do sự đồng ý của Bích và tôi chớ đâu có đơn phương, Hồng đừng bận tâm. Rồi má tôi có nói gì nữa không ?

Hồng thẫn thờ :

- Bác tìm hiểu xem lời anh giãi bày với Bích có đúng sự thật không ?

Lai khoan khoái:

- Thì nay mọi việc đã rõ, tôi có bịa đâu.

Đoạn chàng nhíu mày:

- Mà làm sao má tôi biết nhà Hồng ?

- Em cũng không biết.

Thoáng nghi:

- Có thể bà cho người theo dõi tôi.

Ánh mắt chợt buồn, Hồng thiểu não:

- Tại em mà tình anh dang dở.

Lai điềm nhiên:

- Không đâu. Việc nầy tôi đã nghĩ từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Hồng đừng nhắc đến nữa.

Lai bèn chuyển đề tài nói sang chuyện khác:

- Cháu Loan vẫn đi học bình thường chứ ?

Hồng gật đầu:

- Dạ, dạo nầy cháu học giỏi lắm.

- Mừng cho Hồng.

Liếc nhìn đồng hồ:

- Xin lỗi Hồng, đã đến giờ tôi phải vào phòng mổ, Hồng về nhé. Vài hôm nữa tôi sẽ ghé thăm.

Tiễn Hồng ra cửa, Lai muốn nói thêm điều gì nhưng lại thôi.

Chương bốn.

Sau cuộc đổi đời năm 1975, Lai ngán ngẩm khi phải hòa mình với cuộc sống mới. Vì thiếu bác sĩ, suốt ngày chàng miệt mài với công việc giải phẫu; có hôm phải ở lại vài giờ cùng mọi người làm vệ sinh công cộng hoặc học chính trị xã hội chủ nghĩa để thấm nhuần tư tưởng ưu việt của lý thuyết Mác Lê và cũng để biết giá trị lao động chân tay ! Bác sĩ có bổn phận làm việc phụ lao công, nhưng lao công có phụ việc bác sĩ được không ? Lai chán nản lắc đầu.

Nhớ lại những ngày cuối tháng tư, Lai bị dằn co giữa đi và ở. Vài người bạn trong ban giám đốc trước khi rời khỏi nước đã khuyên Lai nên theo họ. Vì yêu quê hương và không nỡ bỏ mẹ con Hồng bơ vơ nên Lai quyết định ở lại. Phòng mạch tư của chàng tạm đóng cửa. Mức sống xuống dần, tuy nhiên, Lai vẫn thường xuyên giúp đỡ Hồng và Loan. Tinh thần bị giao động, Lai và mẹ con Hồng không còn những ngày cuối tuần vui vẻ bên nhau, họ âm thầm chịu đựng cuộc bể dâu.

Còn Bích, hai năm sau khi từ hôn, nàng tốt nghiệp đại học rồi làm lễ cưới với bác sĩ Quân. Đồng vợ, đồng chồng, họ leo lên đài danh vọng không mấy khó. Quân ra ứng cử dân biểu đơn vị Bình dương còn Bích thì chọn Lái thiêu. Hai vợ chồng đều đắc cử, họ hãnh diện bước vào hạ viện của nền đệ nhị cộng hòa. Chẳng bao lâu, Quân được mời tham gia nội các với chức vụ tổng trưởng y tế trong khi Bích vẫn tiếp tục làm dân biểu quốc hội cho đến gần cuối mùa Xuân 1975, vợ chồng chạy trối chết vào phi trường Tân sơn nhứt để được trực thăng bốc ra khỏi nước.

Thấm thoát đã mười hai năm qua, Lai vẫn âm thầm bảo bọc mẹ con Hồng. Loan không còn là cô bé ngày nào, nàng vừa đỗ bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển vào Đại học sư phạm. Hồng nhận thấy Loan càng lớn càng đẹp hơn nhiều. Tại sao khoảng thời gian dài đã không đưa Lai vào đời Hồng ? Chàng vẫn là điểm tựa của mẹ con Hồng, chỉ cho chớ không đòi hỏi lại. Hồng âm thầm nuôi hy vọng Lai sẽ tỏ tình cùng nàng, nhưng Lai vẫn giữ tình bạn thật cao qúy. Loan cũng nhận ra điều đó vì cô nàng đã mười tám tuổi đời. Có lần Loan hỏi mẹ :

- Có phải mẹ yêu bác Lai không ?

Đôi má ửng hồng, mắt chớp nhanh :

- Sao con biết ?

Loan cười lỏn lẻn :

- Con chỉ đoán thôi.

Đoạn nàng thắc mắc :

- Nhưng tại sao bác Lai không tiến tới ?

Hồng cúi đầu gằm mặt :

-Mẹ cũng không biết. Chắc tại mẹ không xứng đáng.

Loan cãi lại :

- Con không tin như thế. Mười mấy năm qua, bác luôn luôn trìu mến săn sóc mẹ con mình. Khó hiểu thật. Có lẽ bác lớn tuổi nên không còn nghĩ đến việc lập gia đình ? Hay tại bác đã một lần dang dở nên đâm ra hoài nghi tất cả ?

Hồng tính nhẩm, Lai lớn hơn nàng năm tuổi. Năm nay Hồng ba mươi sáu thì Lai bốn mươi mốt rồi. Câu hỏi chưa được giải đáp thì đã đến giờ Hồng đi dạy, Loan cũng chuẩn bị đến trường.

Nhờ chính sách đổi mới của chính quyền cộng sản, người dân mới được sống thoải mái hơn lúc đầu. Lai mở lại phòng mạch tư. Khi tinh thần bớt căng thẳng thì con tim rung động lại. Nhiều đêm Lai thao thức, chàng không thể để tình trạng nầy kéo dài mãi được. Tội nghiệp cho Hồng và cho cả Lai. Chàng biết Hồng yêu mình vì đã mấy lần nàng từ chối lời cầu hôn của gã thương gia và một bạn đồng nghiệp. Chỉ cần Lai mở lời, Hồng sẽ ngã vào lòng chàng để đón nhận tình yêu. Tuổi đời đâu chờ đợi ai, tại sao Lai còn do dự ? Phải chăng lương tâm quái ác cứ cản bước đường tình ? Chàng đã đền bù việc vô tình cán chết Phúc bằng cách bảo bọc vợ con anh ta suốt mười hai năm qua. Tại sao Lai tự hành hạ mình thêm nữa ? Đối diện với lương tâm, Lai cảm thấy mình đền xong tội vô ý giết người. Lai quyết định cưới Hồng dù cha mẹ chàng có ngăn cản.

Một chiều thứ bảy, Lai đến Bình triệu tìm Hồng nhưng không gặp. Loan cho biết mẹ về Búng thăm bà ngoại bịnh. Lai định ngồi đợi, bỗng Loan gợi ý muốn bác Lai đưa di dạo một vòng Sàigòn như xưa. Lai nhận lời vì rất thương Loan. Chiếc xe du lịch ngày nào được chủ sử dụng lại. Khi đến vườn bách thảo, Loan xin vào xem, Lai cũng chiều ý. Hai bác cháu rảo bước ngắm cây cảnh. Một chập sau, họ ngồi trên băng đá dưới gốc đa già để nghỉ chân, Loan lấy khăn tay chậm mồ hôi nhễ nhãi trên trán

- Bác Lai.

- Gì đấy Loan ?

Do dự trong giây lát:

- Cháu muốn biết một việc.

Lai sốt ruột :

-Việc gì cháu cứ nói.

Loan e ấp:

- Tại sao Bác không cưới vợ ?

Chàng cười xòa:

- Tại Bác già rồi.

Loan cãi lại:

- Cháu không tin. Chắc Bác chưa tìm được người.

Lai muốn nói hết những gì chất chứa trong lòng, nhưng chàng ngừng kịp lúc, vì người được nghe không phải là Loan mà là Hồng. Chàng chuyển đề tài nhưng Loan chận lại:

- Bác có biết từ lâu mẹ con cháu thương bác lắm không?

Lai gật gù:

- Bác biết.

Giọng nghẹn ngào đầy cảm xúc :

- Vậy sao Bác không tiến tới ?

Lai nhíu mày:

- Bác cũng không biết.

Giòng nước mắt chợt tuôn ra:

- Mẹ bảo tại mẹ không xứng đáng vì đã có một đời chồng và một đứa con.

Lòng bâng khuâng xao xuyến, Lai lặng thinh. Loan tưởng mình đoán trúng, nàng khẽ nắm tay Lai:

- Thế Loan có xứng đáng được Bác yêu không ?

     Lai sửng sốt trước lời tỏ tình táo bạo của cô gái trẻ, chàng cố giữ điềm tĩnh, rút tay lại đoạn nghiêm chỉnh hỏi:

- Cháu không thấy tuổi tác cách biệt giữa Bác và cháu sao ?

Loan bướng bỉnh:

- Loan không cần biết. Loan yêu và muốn được sống với người mình yêu.

Lai để ý thấy Loan bắt đầu đổi cách xưng hô, nàng quên đi tiếng cháu. Chàng lúng túng:

- Nhưng dễ gì mẹ cháu bằng lòng.

Loan nũng nịu:

- Mẹ thương Loan lắm, thế nào Loan cũng thuyết phục được.

Chàng điềm đạm hỏi:

- Thế còn cậu Hiệp ? Cậu ấy sắp đỗ kỹ sư và tỏ ý xin cưới cháu. Tại sao Loan không chọn người xứng lứa vừa đôi với cháu ?

     Loan hững hờ :

- Tại Loan không yêu anh ấy.

Sợ Loan thất vọng rồi làm liều, Lai tìm lời an ủi:

- Cháu còn trẻ, hãy suy nghĩ chính chắn kẻo sau này hối hận.

Lệ chảy vòng quanh khoé mắt, Loan rưng rưng:

- Nhưng Loan muốn biết Bác có yêu Loan không ?

Lai gượng cười:

- Cháu hỏi đột ngột quá khiến Bác khó trả lời.

Không muốn cô gái vừa mới biết yêu phải vướng vào vòng khổ, Lai tìm một giải pháp. Chàng dìu Loan đứng lên:

- Thôi mình về đi, trời tắt nắng rồi.

Trên đường trở lại nhà, Lai và Loan miên man trong dòng suy nghĩ. Lương tri thôi thúc, Lai sợ oan nghiệt sắp giáng xuống gia đình Hồng còn Loan thì nghe tiếng nấc nghẹn ngào trong tim. Muốn lánh mặt mẹ, Loan xin ghé nhà người bạn gái. Lai thẫn thờ trở lại xóm đạo tìm Hồng. Hồng đang chấm bài, thấy Lai thấp thoáng, nàng vui mừng bước ra mở cổng. Lai theo Hồng vào nhà.

- Anh có gặp con Loan ngoài ngõ không ? Hồng khẽ hỏi.

- Loan vừa đi dạo vườn bách thảo với tôi.

- Thế à ! Hai bác cháu bỏ rơi em rồi.

Lai cười tủm tỉm:

- Làm gì có việc đó. Tại Hồng đi Búng chưa về.

Chàng ngồi xuống ghế nhìn Hồng. Hôm nay, Lai nhận thấy nàng tuyệt đẹp. Với cái nhân dáng dịu dàng, mái tóc nhung mượt mà xõa xuống bờ vai, nàng mặc chiếc áo ngắn xanh, quần trắng ôm gọn người làm nổi bật làn da trắng mịn, đôi guốc sơn xinh xinh, quay da mềm ôm lấy những ngón chân ngọc ngà. Hồng có gương mặt trái soan, đôi mắt đen huyền lúc nào cũng ươn ướt như chực khóc dưới hàng lông mi dài cong vút, đôi môi xinh mộng, hàm răng đều và chiếc mũi dọc dừa nho nhỏ. Một vẻ đẹp thanh thoát ngày nào vẫn còn đó, một thân hình thon thả toát ra nét gợi cảm kín đáo vẫn vẹn nguyên. Thấy Lai nhìn mình trân trối, Hồng cúi đầu bẽn lẽn:

- Làm gì anh ngẩn người ra thế ?

Đoán Hồng đã đọc được tư tưởng của mình, Lai trìu mến:

- Hôm nay tôi muốn nói với Hồng hai việc quan trọng.

Hồng sốt ruột giục:

- Chuyện gì thế anh ?

     Vẫn vẻ đôn hậu, đằm thắm, Lai cầm tay Hồng:

- Hồng, em có yêu anh không ?

Hai tiếng anh em lần đầu tiên được Lai thốt ra làm nàng sung sướng ngây ngất. Má ửng hồng, mắt chớp nhanh, miệng dịu dàng e ấp:

- Tại sao anh đợi đến bây giờ mới hỏi, anh thừa biết em đã yêu anh từ lâu rồi.

Giọng nói ngọt ngào:

- Thì anh cũng thầm yêu em bao năm qua.

Lệ chảy vòng quanh khóe mắt:

- Em chỉ đoán, nhưng sợ mình không xứng đáng nên ít hy vọng.

Đoạn nàng thỏ thẻ:

- Anh chưa trả lời câu hỏi của em.

Lai đến cạnh Hồng, nhẹ ôm người yêu vào lòng. Hồng lịm người với niềm vui sướng đến quá bất chợt, nàng tựa đầu vào ngực Lai, hơi thở dồn dập, mắt long lanh tình tứ, đưa tay choàng cổ Lai, đôi môi chờ đón nụ hôn dài đắm đuối. Không gian như lắng đọng, thời gian như dừng lại, Hồng cùng Lai quyện lấy nhau, họ chơi vơi ngụp lặn trong hạnh phúc tuyệt vời, trong tình yêu đan bằng những ước mơ một cuộc sống lứa đôi đầy mộng đẹp. Đoạn Hồng nũng nịu:

- Trả lời em đi.

Lai đắn đo suy nghĩ:

- Hôm nay anh tỏ tình với em vì anh sắp đi xa.

Hồng hoảng hốt:

- Đi xa, mà đi đâu ? Rồi chừng nào anh về ?

Thấy Hồng hoang mang giao động, Lai liền trấn an:

- Anh được cử sang Pháp tu nghiệp trong hai năm, em có chờ đợi anh không ?

Quẹt ngang đôi hàng nước mắt, Hồng nghẹn ngào:

- Em đã chờ anh mười mấy năm rồi. Thêm hai năm nữa, thời gian có là bao. Em xin hứa.

Chuỗi hôn nồng tiếp nối, Hồng nhắm mắt thu mình trong vòng tay ân ái của nguời tình. Bỗng chợt nhớ, Hồng ngậm ngùi hỏi:

- Còn việc quan trọng thứ hai anh muốn nói với em ?

Lai ấp úng:

- Cây kim giấu lâu ngày trong túi cũng phải lòi ra. Trước khi chúng ta thành chồng vợ, anh cần cho em biết một sự thật, dù sự thật đó có phũ phàng làm đau lòng em hay có thể chuyển hướng tình yêu của em đối với anh.

Nghe giọng nói thiểu não của người yêu, Hồng thấp thỏm lo âu:

- Quan trọng đến thế sao anh ?

Lai bùi ngùi kể:

- Anh xin lỗi vì đã dối em. Thật ra anh không phải là bạn của anh Phúc.

Hồng thẫn thờ:

- Quả thật, ngay từ đầu em đã sinh nghi. Nhưng bạn hay không cũng chẳng liên quan gì đến tình yêu của chúng ta.

Ánh mắt buồn sâu thẳm, Lai thở dài:

- Có chứ em.

Nàng không hiểu:

- Tại sao ? Anh làm em điên mất.

Lòng đau nhói, tim thắt lại:

- Chính anh là người lái xe bất cẩn gây ra cái chết cho anh Phúc.

Hồng bàng hoàng :

- Thì ra thế. Nhưng theo biên bản của nhà chức trách lúc bấy giờ thì anh Phúc là người có lỗi vì quá say rượu nên tự đâm đầu vào xe người ta trong đêm mưa mù mịt.

Lai bèn thuật lại tỉ mỉ câu chuyện cho Hồng nghe. Tòa án lương tâm đã buộc Lai đền tội mười mấy năm qua. Vì thế, dù đã yêu Hồng tha thiết, Lai cũng đành câm nín. Nước mắt chợt tuôn ra, Hồng buồn tê tái:

- Nói ra thì không phải, chứ anh Phúc chết rồi, em mới thoát ra khỏi giòng đời nghiệt ngã. Vả lại em cũng có ý định xin ly dị trước khi anh ấy bị tử nạn.

Ngổn ngang trong dòng suy nghĩ, Hồng ủ rũ:

- Thời gian qua, anh đã bảo bọc mẹ con em chu đáo hầu chuộc lỗi, ngày nay đối diện với lương tâm, anh đâu còn gì để ray rứt nữa.

Lai xúc động trước tấm lòng cao đẹp của người thiếu phụ bất hạnh:

- Cám ơn em.

Đoạn Lai phân vân :

- Còn tình yêu của chúng mình ?

Giọt nước mắt lăn dài trên má:

- Em đã quên cái quá khứ đắng cay rồi nên mãi mãi yêu anh dù trong hoàn cảnh éo le nầy.

Lai hoan hỉ, lòng lâng lâng yêu đời. Trước khi ra về, chàng căn dặn Hồng:

- Trong thời gian anh vắng mặt, em cố khuyên Loan nên nhận lời cầu hôn của Hiệp, cậu ấy xứng đáng lắm.

Hồng gật đầu đồng ý:

- Em cũng thấy Loan có cảm tình với Hiệp.

- Mong rằng ngày anh trở về nước, hai đứa nó đã thành hôn.

Hồng bịn rịn tiễn người yêu ra cửa. Hôm nay mới thật là ngày hạnh phúc nhất đời nàng. Lai cũng thầm cám ơn định mệnh vì nhờ chuyến đi tu nghiệp nầy, chàng tránh cho mẹ con Hồng điều khó xử. Lai mong thời gian sẽ xóa mờ tình cảm bồng bột của Loan và lý trí giúp nàng chọn đúng hướng đi.

Chương năm.

Lai đến Pháp đã hơn một năm. Ban đầu, chàng định tá túc nhà Lộc, em ruột của Lai, nhưng sau đổi ý, chàng tìm thuê một căn phòng nhỏ ở khu Paris mười ba. Lộc sau khi đỗ bác sĩ không về nước vì cuộc đổi đời năm 1975. Chàng xin ở lại Pháp và cưới cô y tá tóc vàng phục vụ chung trong bịnh viện. Họ đã có hai con, một trai, một gái; Lộc và Yvette sống êm đềm theo năm tháng. Ngày Lai đặt chân lên nước Pháp, hai vợ chồng Lộc niềm nở đón tiếp tại phi trường Charles de Gaulle. Lộc thương anh muốn đưa Lai về ở chung, nhưng sau tuần lễ đầu, Lai nhận thấy cô em dâu tỏ vẻ khó chịu nên chàng xin em được ra riêng hầu tránh phiền toái cho Lộc. Hiểu ý anh và cả ý vợ, Lộc không giữ anh lại nữa.

Những tháng tu nghiệp trong một bịnh viện công, Lai may mắn được quen bác sĩ Long, trưởng khoa giải phẫu tim cũng là người chỉ huy trực tiếp của chàng. Long theo cha mẹ sang Pháp hơn hai mươi lăm năm, chàng cưới vợ đồng hương nên còn giữ nếp sống Việt nam; hai vợ chồng mới có một cháu gái, bé Ngọc Mai. Long đối xử rất tốt với Lai. Biết chàng sống đơn độc, vợ chồng Long thường mời Lai đến nhà dùng cơm để kể cho nhau nghe chuyện nghề nghiệp và chuyện quê nhà. Nhờ Long, Lai được biết vài điều đau lòng. Trong số bác sĩ Việt tu nghiệp, một người định trốn ở lại Pháp, một người nhờ Long đưa giúp sang Anh quốc để xin tỵ nạn, nhưng Long từ chối. Chàng dùng tình cảm thuyết phục họ nên trở về nước vì bịnh nhân đang cần bác sĩ giỏi. Rất may, họ đã nghe lời Long khuyên. Lai ngán ngẩm khi nhớ đến câu: lương y như từ mẫu; thật mỉa mai quá!

Thời gian học hỏi trong bịnh viện, Lai có dịp tiếp xúc với nhiều nữ y tá Pháp, chàng nhận thấy đa số rất nhiệt tình, tận tâm săn sóc bịnh nhân, còn ngoài đời thì họ quá tự do trong tình cảm. Lai thầm khen phụ nữ Pháp rất đẹp với làn da trắng hồng, cặp mắt xanh, chiếc mũi cao, đôi môi đỏ mộng, nhưng họ thiếu dáng đi uyển chuyển dịu dàng của các cô gái Việt nam. Một hôm đi làm về, Lai sửng sốt nhận được một phong thư của Loan gởi sang. Chàng vội vã bốc ra xem.

 

Sàigòn, ngày 8 tháng 10 năm 1985

Kính thưa Bác,

Trước hết cháu xin lỗi Bác vì đã trộm xem thư của Bác gởi cho mẹ cháu. Thật quá ngỡ ngàng và xấu hổ cho cháu khi biết được Bác đã nặng tình với mẹ cháu còn mẹ cháu thì cũng tha thiết yêu Bác. Suýt chút nữa cháu mang tội bất hiếu vì vô tình làm đau lòng mẹ.

Tình yêu bồng bột và lãng mạn bùng cháy nhanh rồi cũng chóng tàn lụi. Lý trí đã giúp cháu không còn chao đảo. Hôm nay cháu mượn những dòng chữ này để nói lên lời tạ lỗi dù cháu chưa làm gì nên tội, phải không Bác ? Mẹ cháu đã nhạt nhòa nước mắt kể lại cho cháu nghe những gì Bác thố lộ trước khi ra đi. Thương Bác quá ! Trong bao năm, Bác đã bị lương tâm dằn vặt, nhưng nếu không có Bác che chở thì mẹ con cháu ra sao ? Hai kẻ bất hạnh bềnh bồng trên giòng đời nghiệt ngã. Cháu cũng đồng ý với mẹ khi cho rằng Bác không có lỗi gì trong cái chết của cha cháu. Định mệnh sắp bày đưa Bác vào thay chỗ cha cháu để dìu dắt mẹ con cháu đến bến bờ hạnh phúc. Cháu chỉ thương Bác chứ không có ý gì buồn Bác. Cháu xin Bác một điều là quên những lời nông nổi của cháu trong vườn bách thảo khi xưa và kể từ hôm nay Bác nhận cháu làm đứa con ruột của mình. Được như thế, cháu sẽ hãnh diện với đời có một người cha hiền đức.

Nghe lời mẹ khuyên và cũng nghe theo tiếng lòng, cháu đã làm lễ đính hôn với anh Hiệp, người mà Bác ngợi khen có đủ tư cách làm chồng cháu sau nầy. Ngày cưới của hai cháu cũng gần kề, sợ Bác không về dự được. Thôi thì cánh thiệp hồng sẽ đưa tin vui đến Bác. Trước khi dừng bút, cháu xin chúc tình yêu của Bác và mẹ mãi mãi nồng thắm.

Kính và thương Bác nhiều.

Loan

 

Lai xúc động, chàng đọc lại mấy lần, lòng cảm thấy hân hoan khi biết Loan đã trưởng thành trong tình yêu. Chàng liền ra phố tìm một món quà xứng đáng mua gởi về mừng ngày cưới của Loan.

Thấm thoát mà đã gần hai năm trên xứ người. Một sáng Chúa nhựt, Lai đến thăm vợ chồng bác sĩ Long và luôn tiện báo tin Lai sắp về nước; họ mời chàng ở lại dùng cơm. Trong khi trò chuyện, Lai được biết Long có chân trong hội bảo vệ trẻ em hè phố ở Việt nam, chàng cảm phục Long và hứa sẽ bắt nhịp cầu liên lạc để giúp bạn. Thấy Lai tận tụy với nghề nghiệp, có tài và yêu dân tộc, Long đặt trọn lòng tin.

Ngày Lai giã từ nước Pháp, Long cùng vợ ra phi trường đưa tiễn. Lộc và Yvette cũng đến chào từ biệt, họ hẹn năm sau sẽ về thăm cha mẹ. Con chim sắt tung mình trên mây trắng mang Lai trở lại quê nhà.

Mười hai giờ trên không trung là thời gian dài Lai thấp thỏm nôn nóng chờ đợi phút tương phùng. Gương mặt chàng rạng rỡ niềm vui khi phi cơ đáp xuống sân bay Tân sơn nhứt. Ra khỏi phòng kiểm soát hành lý, Lai thấy cha mẹ chàng hớn hở vẫy tay chào. Cách khoảng không xa, Hồng và Loan cũng có mặt, Hiệp bồng một bé sơ sinh đứng cạnh Loan.

Sau khi tay bắt mặt mừng, Lai đưa Hồng đến trình diện mẹ cha đồng thời báo tin chàng sẽ cưới Hồng trong vài tuần nữa. Loan tươi cười chào Lai và giới thiệu Hiệp, chồng nàng cùng đứa con mới tròn một tuổi. Ông bà Trọng trìu mến nắm tay Hồng vui vẻ nhận nhìn con dâu. Mộng ước nay thành sự thật, Hồng sung sướng ngã đầu vào vai Lai, môi tìm môi, họ trao nhau nụ hôn dài thương nhớ. Mười bốn năm qua, tình yêu phong kín nay được nở rộ tuy muộn màng nhưng thật nồng thắm. Dù cuộc đời sau này có ra sao, tình họ vẫn cứ đẹp mãi.

Viết xong ngày 14 tháng 02 năm 2003

VL

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art