Thứ Bảy, 26 Tháng Năm, 2012

Gợi nhớ Saigon


      Về quê hương lần nầy, sau chuyến đi thăm vài tỉnh miền Tây Nam Việt, tôi quanh quẩn ở Sàigòn, la cà trong các hiệu sách trên các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay Tự Do. Chọn mua được một vài quyển sách của các nhà văn trước năm 1975, tôi hài lòng tiến vào tiệm kem Bạch Đằng, lên lầu, ngồi cạnh khung kính, ngắm nhìn phố phường Lê Lợi. Tuy xa Sàigòn gần 30 năm nhưng bụi thời gian chưa phủ kín được trong ký ức tôi những kỷ niệm của Sàigòn năm xưa. Tôi hờ hững nhìn Sàigòn trước mắt để gợi nhớ Sàigòn của thuở thiếu thời. Những hình ảnh thân thương bỗng đổ xô về. 
     
     Sàigòn đối với tôi là quyến luyến và kỷ niệm. Sàigòn là nơi cha mẹ tôi chọn lựa để sinh sống. Tôi đã bén rể ở thành phố nầy và đã sống hơn nửa cuộc đời trên mảnh đất Sàigòn. Nơi đây, tôi đã học hành, trưởng thành và tạo lập một mái ấm gia đình. Sàigòn cũng là nơi tôi có nhiều bạn bè từ trung học cho đến đại học. Các địa điểm của Sàigòn còn là những cái móc trên những đoạn đường tôi đã đi qua trong cuộc đời mình. Nào là tiệm phở An Lợi đường Hai Bà Trưng, quán mì Cây nhãn trên đường Đinh tiên Hoàng, chiếc xe bánh mì Ba Lẹ ở Đakao. Nào là tiệm cơm tấm bì do một người Ấn có vợ Việt làm chủ trên đường Hồ văn Ngà. Tôi nhớ những tiệm cơm bình dân khu chợ cũ, tiệm cơm Tàu Tiến Phát trên đại lộ Hàm Nghi, khu mì ở ngã sáu hay ở ngã tư Bình Hòa, cho đến những tiệm cơm tây ở Đakao. 
      
     Con đường Phan đình Phùng đã cho tôi nhiều kỷ niệm nhất. Vì đi lại nhiều năm trên con đường nầy, tôi đã quen từng ngã tư của nó. Từ đài phát thanh Sàigòn chạy dài cho đến gần Bàn cờ, đường Phan đình Phùng có hai hàng cây cao rợp bóng mát che bớt cái nắng oi ả của Sàigòn. Đã bao nhiêu năm tôi tung tăng đi trên con đường nầy. Đi đến Sân vận động thanh niên, tôi rẽ qua đường Công lý để vào trường Chasseloup Laubat học. Ngoài đường Phan đình Phùng còn có những con đường thanh lịch khác, ít xe qua lại, như Đoàn thị Điễm gần trường nữ trung học Gia Long hay Nguyễn bỉnh Khiêm với những tà áo trắng ríu rít chuyện trò đi đến trường Trưng Vương. Rồi còn nữa. Song song với con đường Phan đình Phùng là đường Phan thanh Giản trải dài bóng mát. Một luồn gió lao xao trên hàng sao già làm những cánh hoa khô lay động, xoay xoay đôi cánh xinh xinh, theo làn gió quay tròn như chong chóng rớt xuống thềm cỏ. Nơi đây, tôi đã bao lần đứng chờ người yêu, một nữ sinh Gia Long, lúc tan trường về, cùng các bạn thong dong trên những chiếc xe đạp như đàn bướm trắng. Khung cảnh lãng mạn nhầt phải kể đến hình ảnh hàng hàng lớp lớp lá me bay lúc trời chuyển mình sắp mưa trên hai con đường Gia long và Lê thánh Tôn. Lá me rơi lất phất vuốt ve đôi má hây hây hay vướng mắc vào mái tóc hoặc cuống quít sau tà áo của một cô gái đang đếm bước bên lề. Mỗi lần đi trên con đường Cường Để, ngang qua dòng nữ tu, tôi loáng thoáng thấy vài khuôn mặt trang nghiêm và lạnh lùng. Tôi chưa đủ thánh thiện để nhìn được cái đẹp tâm hồn của những khuôn mặt tu hành mà chỉ hình dung nỗi cô đơn trong lòng họ, và bốn bức tường trắng kia như vô tình gặm mòn tuổi thanh xuân của người con gái. Sàigòn thường có những cơn mưa bất chợt. Mưa nhạt nhòa đó, rồi bất chợt nắng chói chang đó. Sau cơn mưa, mặt đường còn loang loáng nước lại óng ánh dưới ánh nắng hanh vàng vừa trở lại. Rồi còn nữa. Con đường Tự do sang trọng với những tiệm bánh Givral, Brodard, La Pagode, nơi quy tụ trai thanh, gái lịch sau những buổi nắm tay nhau dạo phố. Con đường Nguyễn Huệ kiêu sa có những cửa hàng lớn bày bán các sản phẩm mới nhất trên thị trường. Con đường Lê Lợi hoành tráng, mỗi chiều thứ bảy dập dìu tài tử giai nhân. Người tình học trò lao xao trên hè phố, gió lồng lộng thổi, tà áo màu phất phới.Những chàng sinh viên sĩ quan Thủ Đức về phép cuối tuần cùng người yêu dạo phố, tạo một vẻ đẹp thanh lịch cho thành phố Sàigòn. Rồi chợ Bến thành luôn tấp nập người mua bán. Vốn là một nhà giáo, những địa điểm thân thương của tôi là các trường học. Lúc còn là sinh viên thì tôi hay lui tới trường Đại học văn khoa, trường Đại học sư phạm. Khi đi dạy học, những kỳ chấm thi tú tài là những dịp cho tôi quen biết hầu hết các trường trung học lớn của Sàigòn dùng làm các hội đồng khảo thí. Làm sao tôi quên được Vương cung thánh đường, nhà thờ Tân Định, từng điểm những hồi chuông ngân nga trong buổi hoàng hôn lảng đảng. Mỗi nơi in dấu một vài kỷ niệm khó quên. Tôi thích lắng nghe tiếng chuông chùa nơi Phật tự lan tỏa trong không gian lúc ngày vừa tắt ở miệt đồng ông Cộ. Rồi đến các rạp chiếu bóng quen thuộc lúc bấy giờ như Eden, Rex, Majestic, Đại Nam v.v… là những điểm hẹn hò với bè bạn, với người yêu. Những hình ảnh thân thương đó đã in sâu trong trí tôi. Tôi còn có cái thú ngồi ngắm các khu phố Sàigòn trên một chiếc xích lô máy. Với tiếng máy nổ bình bịch và với tốc độ bạt gió, bác tài xế đã đưa tôi đi vòng quanh bến Bạch Đằng rồi qua các khu phố Tân Định, Phú nhuận, sau đó rẽ sang đường Chi Lăng, hướng về Bà Chiểu rồi trở qua Đakao. Lúc bấy giờ, lòng tôi vẫn mong Sàigòn giữ được mãi cái vẻ yêu kiều diễm lệ, phố phường sung túc vui tươi có trai gái dập dìu tản bộ. Tôi yêu cái bình dị, phóng khoáng của Sàigòn, tôi yêu cả vùng ngoại ô Sàigòn với những ngõ ngang, ngõ tắt, những mảnh vườn cây xanh,một hàng vú sữa tím che rợp khoảng sân nhiều cát sỏi của một khu phố cũ kỹ lợp ngói đỏ, bên cạnh là một chợ nhỏ đìu hiu nằm dưới mưa, bóng người nhập nhòa trong những mái lá xiêu xiêu của buổi chợ chiều vùng ngã ba Cây thị. 

     Hôm nay trước mắt tôi, Sàigòn bề ngoài có vẻ bình thản, hồn nhiên, lộng lẫy hơn xưa với những cao ốc ngạo nghễ mới được xây cất, nhưng kỳ thật, Sàigòn đã trở thành khắc khổ, lam lũ khi mắt tôi trông thấy người dân tất bật, ngược xuôi để tìm chén cơm manh áo. Bên cạnh giàu sang vẫn còn đói rách ; bên cạnh nụ cười vẫn còn nước mắt. Sang trọng giữa nghèo đói ; hào nhoáng trong dơ bẩn ; tráng lệ nhưng bệ rạc. Cái cảnh các cụ già lê những bước chân mệt mõi trên hè phố mời mọc khách qua đường mua vài tấm vé số, cảnh các em bé bỏ học, lem luốt, xách thùng đồ nghề lân la trong các quán nước, tiệm kem, xin đánh giày cho khách để kiếm tiền độ nhựt. Khách lạnh lùng lắc đầu ; những con người bất hạnh tiu nghỉu bỏ đi. Cảnh tượng ấy làm cho tôi se lòng. 

     Ngoài ra, tôi cảm thấy lạc lõng khi chạy xe loanh quanh trong thành phố quen thuộc của mình vì hầu hết các con đường đều bị đổi tên. « Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý ». « Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do », hai câu thơ truyền miệng nhau mà những ai đã từng sống ở Sàigòn những năm đầu sau 1975 đều nằm lòng. Nếu ai có hỏi con đường Tự Đức mà tôi đã đi mòn gót giày ngày xưa, bây giờ tên gì ? Hay con đường Phan đình Phùng hoặc Phan thanh Giản thân thương của tôi năm nào, giờ đây mang tên gì ? Tôi sẽ lắc đầu chịu thua. Bởi thế, khi bước lên một chiếc taxi, tôi bỡ ngỡ không biết tên đường để bảo bác tài xế đưa tôi đến mà chỉ nói vu vơ : « Anh ra chợ Bến Thành hay về Đakao, hoặc Bà Chiểu, Tân Định hay Phú Nhuận. » 

     Đường phố Sàigòn bây giờ đông không thể tưởng tượng. Từng đoàn xe gắn máy hối hả, chen lấn hỗn độn. Nhiều hàng cây sao bị đốn bỏ để nới rộng mặt đường, do đó, bóng râm mất hẳn. Cái nóng nhiệt đới làm oi bức cả một vùng trời Sàigòn. Thành phố thiếu gió nên khói xe phun ra làm tăng thêm độ nóng oi nồng sẵn có. 

     Những ngày cận Tết, ngoại cảnh như có một cái gì vương vấn gợi nhớ. Một vệt nắng lẻ loi, vài cụm hoa vàng, hoa đỏ ngan ngát hương thơm, tất cả như nhắc nhở, như những tiếng gọi thì thầm của kỷ niệm. Những kỷ niệm đã nằm yên tưởng như đã xa, đã khuất, bỗng sống dậy, bỗng bật lên tiếng réo gọi thôi thúc. Cảnh cũ năm xưa như những ngọn cỏ ngậm ngùi. Tôi nghe hụt hẫng như vừa mất đi bao kỷ niệm êm đềm của một quãng đời hoa mộng.

V.L.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art