Thứ Năm, 24 Tháng Giêng, 2013

Anatole FRANCE (1844-1924)

ANATOLE FRANCE  (1844-1924)

Giải Nobel Văn Học 1921

Anatole France được trao giải vì những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực. Ông là ông hoàng của văn xuôi, nhà văn trào phúng sắc sảo bậc thầy của Pháp. Tiểu thuyết Tội ác của Silvestre Bonnardvới hình tượng nhân vật chính là hiện thân của nhà văn và tinh thần thời đại đến nay vẫn là cuốn sách được đọc nhiều nhất của Anatole France.

Anatole France, tên thật là Jacques Anatole Franorois Thibault, con một chủ cửa hàng bán sách cũ ở Paris - nơi lui tới của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng - nên ngay từ nhỏ đã ham mê sách và văn học, nghệ thuật. Ông học kém, thường hỏng thi (chỉ giỏi làm văn nên được mẹ khuyên nên trở thành nhà văn), mãi 20 tuổi mới tốt nghiệp trung học và đến giúp việc cho các nhà xuất bản, hiệu sách rồi bắt đầu viết báo, điểm sách...

Những năm 1860, A. France tiếp xúc với nhóm Parnasse (Thi Sơn) và xuất bản tập thơ đầu tiên (1873). Sau đó ông chuyển sang viết văn xuôi và thật sự có tiếng tăm khi cuốn tiểu thuyếtTội ác của Sylvestre Bonnard (1881) ra đời và được nhận giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp. Nhân vật chính trong tác phẩm này - Sylvestre Bonnard - đã mở đầu cho một loạt nhân vật biểu hiện tư tưởng, tình cảm và tâm hồn của nhà văn ở giai đoạn sau.

Trong những năm 1890, ông viết nhiều bài phê bình văn học cho Thời báo (Le Temps) và in thành 4 tập sách với tên Đời sống văn học. Những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, trước sự gia tăng của các trào lưu phản động và ảnh hưởng của cách mạng Nga, tư tưởng và sáng tác của A. France đã có những thay đổi. Ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ.

Cụ thể là trước kia ông thường miêu tả cuộc sống và con người thời kì Trung cổ hoặc thời kì suy vong của chế độ phong kiến, thì nay ông viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương đại, đồng thời tiếp tục truyền thống nhân văn chủ nghĩa của Rabelais và Voltaire, phê phán nền cộng hòa thứ ba của Pháp, chế giễu không thương xót những kẻ gây chiến tranh xâm lược tàn khốc. Năm 1917, ông nồng nhiệt chào mừng thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và tuyên bố ông là "Người bolsevich bằng cả trái tim và tâm hồn". Cuối đời, ông là người của Đảng Cộng sản Pháp. Nhận giải thưởng Nobel năm 1921.

A. France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, trải qua một con đường khó khăn và phức tạp từ chủ nghĩa nhân đạo ảo tưởng đến chủ nghĩa hiện thực cách mạng.

* Tác phẩm:

- Những câu thơ vàng (Poèmes dorés, 1873), thơ.

- Đám cưới ở Corinthe (Les noces Corinthiennes, 1876), kịch thơ.

- Jocaste (1879), truyện.

- Con mèo gầy (La chât maigre, 1879), truyện.

- Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le crime de Sylvestre Bonnard, 1881), tiểu thuyết.

- Những khát vọng của Jean Servien (Les désir de Jean Servien, 1872-1882), tiểu thuyết.

- Sách của bạn tôi (Le livre de mon ami, 1885), hồi kí [My friend's book].

- Valtasare (1889), truyện ngắn.

- Đời sống văn học (La vie littéraire, 1888-1892), phê bình văn học, 4 tập.

- Thais (1890) tiểu thuyết.

- Cuộc đời và những bức thư (La vie littéraire, 1888-1892) [On life and letters], tiểu thuyết.

- Chiếc rương xà cừ (L'étuide nacre, 1892), tập truyện (truyện ngắn nổi tiếng Quan thống sứ Judée (Le procurateur de Judee) in trong tập này).

- Cửa hàng thịt quay của nữ hoàng Pédauque (La rôtisserie de la reine Pédauque, 1893), tiểu thuyết.

- Những ý kiến của linh mục Jêrôme Coignard (Les opinions de M. Jérôme Coignard, 1893), tiểu thuyết.

- Bông huệ đỏ (Le lys rouge, 1894), tiểu thuyết [The red lily].

- Vườn Epicure (Le jardin d'Epicure, 1894), tập cách ngôn [The garden of Epicurus].

- Cái giếng của Thánh nữ Claire (Le puits de Sainte Claire, 1895), tập truyện [The well of Sain Claire].

- Pierre Nozière (1899), hồi kí.

- Chuyện thời nay (L’histoire contemporaine), gồm 4 tiểu thuyết: Cây du trên đường dạo chơi (L'orme du mail, 1897), Hình người bằng cây liễu (Le mannquin d'osier, 1897), Chiếc nhẫn tử thạch anh (L'anneau d'amethyste, 1899) và Ông Bergeret ở Paris (Monsieur Bergeret à Paris, 1901), tiểu thuyết.

- Clio (1900), tập truyện.

- Dư luận xã hội (Les opinions sociales, 1902), tiểu luận.

- Vụ việc Crainquebille (L'Affaire Crainquebille, 1901), truyện ngắn, năm 1903 chuyển thể thành vở kịch Crainquebille.

- Nhà thờ và nền cộng hòa (L'eglise et la republique, 1904), tiểu luận.

- Crainquebille, Putois, Riquet và những câu chuyện có ích khác (Crainquebille, Putois Riquet et plusieurs autres récits profitables, 1904), tập truyện ngắn.

- Trên phiến đá trắng (Sur la piere blanche, 1905), tiểu thuyết.

- Hướng đến những thời tốt đẹp hơn (Ver les temps meilleurs, 1906), tiểu luận.

- Đảo Pingouins (L'Ile des Pingouins, 1908), tiểu thuyết.

- Đời Jeanne d'Arc (La vie de Jeanne d'Arc, 1908), truyện danh nhân lịch sử.

- Bảy người vợ của Râu Xanh (Les sept femmes de la Barbe Bleue, 1909), tập truyện.

- Thần linh khát (Les dieux ont soif, 1912), tiểu thuyết.

- Cái thân Latinh (Le génie Latin, 1913), tiểu luận.

- Thiên thần nổi loạn (La révolte des anges, 1914), tiểu thuyết.

- Trên đường vinh quang (Sur la voie glorieuse, 1915), tập tiểu luận.

- Những người bị giết của chúng ta nói gì (Ce que disent nos morts, 1916), tập tiểu luận.

- Pierre bé nhỏ (Le petit Pierre, 1918), hồi kí.

- Cuộc sống nở hoa (La vie en fleur, 1922), hồi kí [Bloom of life].

- Đối thoại dưới hoa hồng (Les dialogues sous la rose, 1917-1924, in năm 1925), tiểu luận triết học.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Người bạn năm xưa (nguyên tác: Le livre de mon ami), Lưu Bang dịch, NXB Vui Học, 1969.

- Quyển truyện của bạn tôi, hồi kí, Vũ Thị Hay - Lê Ngọc Trụ dịch, Trung tâm Học liệu xuất bản, 1972.

- Sách của bạn tôi (nguyên tác: La livre de mon ami, hồi kí), Hướng Minh dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, 1988.

- Đảo Panhgoanh (tiểu thuyết), Nguyễn Văn Thường dịch, NXB Văn Học, 1982.

- Thiên thần nổi loạn (tiểu thuyết), Đoàn Phú Tứ dịch, NXB Văn Học, 1987.

- Bông huệ đỏ (tiểu thuyết), Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Phụ Nữ, 1989.

- Các hung thần lên cơn khát (nguyên tác: Les dieux ont soif, tiểu thuyết), Trần Mai Châu dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1990.

- Tội ác của Sylvestre Bonnard (tiểu thuyết), Nguyễn Xuân Phương dịch, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1996; NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2001.

- Thế giới vị lai (nhân loại vào năm 2270), Dương Tử Giang dịch, NXB Mạch Sống(1).

- Vùng biển Chúa cứu thế, Ngọc Mai - Minh Huyền dịch, in trong Những truyện ngắn hay về biển, NXB Phụ Nữ, 2002.

- Cranhcơbiơ, Hoàng Huy dịch, in trong Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel, NXB Văn Học, 2004.

Giới thiệu

E.A. Karlfeldt, Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển

Anatole France không còn trẻ vào năm 1881, khi ông giành được sự mến mộ của giới văn học ở Pháp và tiếp đó là toàn thế giới văn minh với tác phẩm kì lạ của ông: Le Crime de Sylvestre Bonnard (Tội ác của Sylvestre Bonnard).

Sau đó là một chuỗi những tháng năm hàm dưỡng thầm lặng không màng tiếng tăm. Tuy nhiên, nếu trong suốt thời kì phát triển chậm chạp này ông càng ít xuất hiện và càng ít gây sóng gió trên văn đàn, thì tác phẩm mà ông dành trọn trí tuệ, tư duy và cảm xúc của mình lại càng rộng lớn và mạnh mẽ.

Không một khao khát danh vọng phù phiếm nào lay chuyển được ông. Tham vọng dường như chẳng đóng vai trò đáng kể trong đời sống của ông. Thực ra, ông có kể rằng năm lên bảy tuổi, ông từng ước mơ trở thành người nổi tiếng. Được kích thích bởi những câu chuyện về các vị thánh mà bà mẹ tốt bụng và sùng đạo kể cho nghe, ông muốn đến sống ở sa mạc, trở thành một ẩn sĩ mà vinh danh sánh với thánh Anthony và thánh Jerome.

Sa mạc của ông là Jardin des Plantes, nơi có những con thú khổng lồ sống trong chuồng, nơi mà Chúa Cha dường như đến bên ông, nâng cánh tay ông lên bầu trời và ban phước cho những con sơn dương, dê núi, bồ câu. Mẹ ông hoảng sợ trước sự kiêu căng đó, nhưng ông bố thì an ủi bà: “Em yêu, để rồi xem, tới hai mươi tuổi nó sẽ ghét cay ghét đắng sự nổi tiếng.” “Bố tôi đã không lầm”, France nói. “Giống như vua Yvetot, tôi sống hoàn toàn thoải mái mà không cần nổi tiếng và không còn mảy may khát khao tên của mình được khắc vào tâm trí mọi người. Còn mơ ước trở thành ẩn sĩ, tôi nhào nặn lại nó mỗi khi cảm thấy cuộc sống thật quá tồi tệ. Nói cách khác, tôi thay đổi nó mỗi ngày. Nhưng cuộc sống tự nhiên thường ngày lại xách tai tôi dẫn đến những cuộc vui mà ở đó chấm dứt cuộc sống hèn mọn của chúng ta”.

Khi lên mười lăm tuổi, chàng thanh niên Anatole France trẻ tuổi đã tặng bài tiểu luận đầu tiên của mình, La Légende de Sainte Radegonde, Reine de France (Truyền thuyết về nữ thánh Radegonde, Hoàng hậu nước Pháp) cho cha và bà mẹ mà ông hết mực yêu quí. Tác phẩm này đã bị thất lạc, nhưng sau đó rất lâu, khi niềm tin của ông vào các vị thánh không còn nữa, ông vẫn có thể viết những huyền thoại bằng một ngòi bút thấm đẫm hào quang các thánh.

Ngôi sao của nhà thơ dường như được chiếu sáng lần đầu tiên trong chòm sao chói lọi mang tên Anatole France. Trong thư viện cũ kĩ của người cha đáng kính của ông, giữa đám bụi cao quí của những cuốn sách cũ, ông nhanh chóng thấy khao khát tri thức.

Cửa hàng sách này, mà bảng hiệu đầy kiêu hãnh “Aux Armes de France” đã gợi hứng cho cả hai cha con đến nỗi họ lấy làm bút danh, là nơi những nhà sưu tập và người mê sách thường lui tới để xem những báu vật mà nhà sách vừa có, cũng như để bàn luận về các tác giả và ấn phẩm. Bằng cách đó, chàng trai trẻ Anatole, luôn là người biết lắng nghe, đã được dẫn vào thế giới huyền bí của học thức uyên bác, một cuộc kiếm tìm mà ông cho là thú vui cao cả nhất của một cuộc sống yên bình.

Chúng ta hãy nhìn Tu viện trưởng Coinnard cười rạng rỡ khi ông rời khỏi phòng nướng thịt của “Hoàng hậu Pédauque”, nơi ông phải trả tiền cho những thú vui vật chất của thế giới này bằng cách giảng bài cho một chàng thợ trẻ chuyên quay xiên nướng thịt và bằng cách phung phí kho báu tài hùng biện đầy thông thái, mỉa mai và niềm tin cao cả vào Đức Chúa của ông, ta thấy ông quay về thư viện để giải toả tinh thần bằng những quyển sách mới nhập từ Hà Lan, đất nước của những cuốn sách kinh điển.

Và  ông Bergeret chán cảnh nhà buồn tẻ, đến đây để được sống những giờ đẹp nhất của ông, đàm đạo với những người bạn quây quần quanh giá sách thư viện. Anatole France là nhà thơ của những thư viện và những con mọt sách. Trí tưởng tượng của ông say mê hình ảnh những người sưu tầm sách, như khi ông ngợi ca Astaracienne tuyệt diệu, một bộ sưu tập khổng lồ các sách và bản thảo mà trong đó một vị pháp sư đáng kính đã tìm thấy chứng cứ để củng cố sự mê tín của mình.

“Nồng nhiệt hơn bao giờ hết”, Coignard nói khi gần kết thúc sự nghiệp đầy phiêu lưu của mình, “Tôi muốn ngồi bên bàn, trong một viện bảo tàng cổ kính, nơi những cuốn sách chọn lọc quây quần với nhau trong tĩnh lặng. Tôi thích cuộc trò chuyện của chúng hơn là cuộc trò chuyện của con người. Tôi đã tìm thấy rất nhiều cách sống, tôi cho rằng cách tốt nhất là hiến mình cho học tập, lặng lẽ đảm bảo phần mình giữa những thăng trầm dâu bể của cuộc đời, và kéo dài những tháng ngày ngắn ngủi của ta bằng cách chiêm quan sự luân phiên của các thế kỉ và các đế chế.”

Tình yêu dành cho công việc trí tuệ là một đặc tính cơ bản trong niềm tin tôn giáo của riêng Anatole France. Cũng như Tu viện trưởng, ông thích từ tầm cao của tháp ngà tri thức và tư tưởng hướng cái nhìn vào những thời đại và đất nước xa xôi. Ông mỉa mai thực tại và hiến mình vào quá khứ.

Cho dù hiện hữu của chúng ta mong manh, cái đẹp tồn tại nơi nơi và đối với nhà văn, cái đẹp vật chất hóa trong hình thức và phong cách, thì học thức sâu rộng và tầm tư duy lớn lao của Anatole France vẫn tạo nên nền tảng vững chắc hiếm có trong sáng tác của ông. Tuy nhiên, ông cũng rất nghiêm túc trong lao động để hoàn thiện phong cách.

Ngôn ngữ mà ông góp sức hình thành là một trong những ngôn ngữ cao quí nhất - tiếng Pháp, đứa con được ưu ái nhất của tiếng mẹ đẻ Latinh. Nó từng là công cụ trong tay những bậc thầy vĩ đại nhất. Lúc trang trọng, lúc vui tươi, nó có cả sự thanh bình và quyến rũ, sức mạnh và giai điệu. Nhiều lúc, France gọi nó là ngôn ngữ đẹp nhất trên trái đất và không tiếc lời ca ngợi bằng những từ ngữ trìu mến nhất như với một người đàn bà yêu dấu.

Dẫu vậy, là một đứa con đích thực của những thời đại cổ xưa, ông mong tiếng Pháp giản dị hơn, "nhã tịnh" (I)  hơn. Ông là một nghệ sĩ, dĩ nhiên là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất, nhưng nghệ thuật của ông là nhằm giữ cho ngôn ngữ của ông, qua việc tinh lọc nghiêm khắc, càng đơn giản và càng đắt càng tốt. Ở châu Âu đương đại, nơi mà thói ham mê nghệ thuật hời hợt và nông cạn tràn lan có nguy cơ đe dọa tính trong sáng của ngôn ngữ, sáng tác của ông là ví dụ điển hình phong phú về những gì nghệ thuật có thể làm với những nguyên liệu đích thực.

Ngôn ngữ của ông là tiếng Pháp cổ điển, tiếng Pháp của Fénélon và Voltaire, và, chẳng phải để góp thêm cho nó vài thứ trang trí mới, ông mang lại cho tiếng Pháp một dấu ấn phần nào cổ kính, mà - đáng phục thay - lại rất phù hợp với các đề tài của ông, thường cũng lấy từ nguồn kinh điển. Ngôn ngữ Pháp của ông trong sáng đến mức ta có thể nói về nó bằng chính những lời ông nói về Leila, con gái của Lilith, một trong những nhân vật chói lọi và mong manh nhất sinh ra từ trí tưởng tượng của ông: “Nếu pha lê có thể nói được, nó sẽ nói theo cách này.”

Ta hãy nhớ lại một số tác phẩm đã góp phần làm cho cái tên Anatole France đứng trong hàng những nhà văn nổi tiếng toàn thế giới, điều mà ông ít khao khát nhất nhưng lại là điều ông không thể tránh khỏi. Làm như thế, chúng ta sẽ được gặp France, bởi ông là một nhà văn ít ẩn mình sau các nhân vật và ngôn từ của mình so với phần lớn các nhà văn khác.

Ông được thừa nhận là nghệ sĩ bậc thầy về kể chuyện. Những câu chuyện đã được ông biến thành một thể loại hoàn toàn của riêng ông, trong đó, học thức uyên bác, trí tưởng tượng, sự quyến rũ tịnh mặc của phong cách, chiều sâu của tính mỉa mai và niềm hứng khởi phối hợp lại đã tạo ra hiệu quả kì diệu. Liệu ai có thể quên được Balthazar? Vị vua da đen của nước Ethiopia đến thăm Balkis, Nữ hoàng Sheba xinh đẹp và nhanh chóng chiếm được tình yêu của nàng. Nhưng ngay sau đó, vị Nữ hoàng hay thay đổi này đã nhanh chóng quên ông để hiến thân cho người đàn ông khác.

Bị tổn thương thê thảm cả về thể xác lẫn tinh thần, Balthazar trở về tổ quốc và đem hết tâm huyết vào chiêm tinh học, nền minh triết cao nhất của các nhà tiên tri. Bỗng nhiên, một ánh sáng chói lọi siêu phàm rực chiếu bức tranh ảm đạm niềm đam mê của ông. Balthazar phát hiện ra một vì sao mới và, từ trên cao ngất cuộc tụ hội nơi thiên đàng, vì sao nói chuyện với ông, và trong vầng ánh sáng của vì sao lan toả, ông nhập hội cùng hai vị vua nước láng giềng. Balkis không kìm giữ ông được nữa. Linh hồn ông thoát khỏi nhục cảm tầm thường, ông bắt đầu theo đuổi vì sao. Đó chẳng phải ngôi sao nào khác mà chính là ngôi sao đã đưa ba Nhà Thông Thái đến chiếc máng lừa của Chúa Hài Đồng ở Jerusalem.

Một lần khác, nước Pháp mở ra trước mắt ta một chiếc tráp xà cừ đầy những ngọc ngà vô giá, bị săn lùng bởi một tay chơi đồ cổ. Chúng ta tìm thấy trong đó câu chuyện có phần mỉa mai nhưng vô cùng quyến rũ về Célestin và d'Amyers, về vị ẩn sĩ già và vị thần đồng áng trẻ trung cùng hát bài Easter Alleluia, một bài ngợi ca sự trở lại của Chúa Jesus, bài kia tán dương sự hồi qui của mặt trời, những tín đồ chung một niềm kính tín ngây thơ cuối cùng lại hợp quần - dưới cái nhìn âu lo của nhà chép sử - trong cùng một nấm mồ thiêng.

Câu chuyện này cho ta thấy nước Pháp ở phương diện mà France ưa thích, phương diện nằm chênh vênh giữa ngoại giáo và Cơ đốc giáo, nơi hoàng hôn và bình minh trộn lẫn vào nhau, nơi các thần rừng gặp gỡ các thánh Tông đồ, nơi những loài vật linh thiêng và ngoại đạo ngao du, nơi ăm ắp chất liệu cho tưởng tượng của ông, cho sự suy tư và mỉa mai tinh thần của ông trong mọi sắc độ của nó. Nguời ta thường không biết nên gọi đó là hư cấu hay hiện thực.

Sự trinh bạch lãng mạn được tôn vinh trong các câu chuyện về thánh Oliverie và Liberette, Euphrosine và Scolastica. Đó là những trang được rút từ biên niên sử về các thánh, có thể là phóng tác văn học, được viết với tài năng và cảm quan về cái huyền diệu.

Lại một lần khác, nước Pháp đưa ta đến những hầm mỏ vùng Sienna, nơi trong ánh hoàng hôn của mùa xuân, một nàng Carmelite ngọt ngào đi chân đất kể lại câu chuyện về thánh Francis vùng Assisi và thánh Claire, con gái của linh hồn người; câu chuyện về vị sơn thần từng phụng sự những chủ nhân rất khác nhau như Jupiter, Saturn và Galilean, một câu chuyện sâu sắc tuy không nhiều tính giáo dục, nhưng được nước Pháp thuật lại bằng một phong cách vô cùng tinh tế.

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Thais (1890), nhà văn nhiệt thành thâm nhập vào thế giới Ai Cập thời Cơ đốc giáo khổ hạnh đang tàn hại những người sống sót bạc nhược cuối cùng của văn minh Hy Lạp. Khổ hạnh và khoái lạc đều đạt tới tột đỉnh ở đây, những lễ nghi huyền bí và niềm ngất ngây thẩm mĩ bên nhau cùng nở rộ, hóa thân các thiên thần và ác quỉ xúm quanh các Đức Cha nhà thờ và các triết gia tân Hy Lạp để tranh luận về tâm hồn con người. Câu chuyện chìm đắm trong hư vô về đạo đức của thời đại đó, nhưng cũng có những áng văn đẹp chẳng hạn như những đoạn mô tả tuyệt diệu về nỗi cô đơn của sa mạc, nơi những nhà tu ẩn dật thuyết giảng từ trên đỉnh cột hay gặp những cơn ác mộng trong nhà mồ xác ướp.

Tuy nhiên, ta phải xếp La Rôtisserie de la Reine Pédauque (1893) (Hiệu thịt quay Hoàng hậu Pédauque, bản dịch tiếng Anh At the Sign of Queen Pedauque (Nơi bảng hiệu Hoàng hậu Pédauque)) lên hàng đầu trong các tiểu thuyết của Anatole France. Chính ở đây ông đã khắc hoạ một nhóm nhân vật thật như sống, là hoa trái tự nhiên hay hợp lôgic của tư duy ông, với thế giới riêng đầy màu sắc của họ.

Tu viện trưởng Coignard sống động đến nỗi ta có thể nghiên cứu ông ta như một nhân vật có thật vốn chỉ biểu lộ toàn bộ sự phức tạp của mình một khi ta xâm nhập được vào cõi riêng của ông. Có lẽ nhiều người khác cũng có cảm nhận này như tôi. Đầu tiên, tôi chỉ có chút ít thông cảm với vị tu sĩ kiêm tiến sĩ thần học vụng về và lắm lời này, kẻ ít quan tâm đến phẩm giá của mình đến nỗi đôi khi giở trò ăn cắp hoặc phạm những tội ác không kém ghê tởm rồi sau đó tự biện bạch bằng thứ lí lẽ ngụy biện trơ tráo nhất, nhưng càng quen biết ông, ta càng có cảm tình với ông, và tôi đã học yêu được ông.

Ông không chỉ là một nhà ngụy biện xuất chúng mà còn là một người có khả năng cười đùa vô tận, không chỉ mỉa mai người khác mà còn mỉa mai chính mình. Có một sự hài hước sâu sắc trong mối tương phản giữa những quan điểm cao siêu và đời sống nhếch nhác của ông, và người ta phải nhìn ông với nụ cười bao dung như người đã sáng tạo ra ông. Coignard là một trong những nhân vật xuất sắc nhất trong văn chương đương đại. Ông là một cây nho mới đầy sức sống trong vườn nho của Rabelais.

Một kiểu người vừa kì dị vừa đáng yêu là nhà thần bí Astarac. Nhà huyền học thô lỗ này hiển nhiên phải thuộc về một cuốn tiểu thuyết liên quan đến những nhân vật của thế kỉ mười tám. Nhưng các tạo vật mà nhà thuật sĩ này mang tới thuộc một chủng loài hết sức thanh cao, được giải thoát khỏi những hệ lụy trần thế, ông hân hoan thưởng thức cái xã hội êm đềm và hữu ích của những con rồng lửa và bầy thiên nữ. Như minh chứng cho tài năng của các tạo vật này, Astarac kể chuyện một tiên nữ từng gia ân cho một nhà học giả Pháp bằng cách gửi hộ ông ta một bức thư cho Descartes, nhà bác học đang sống ở Stockholm để dạy triết học cho Nữ hoàng Thụy Điển Christine. Dẫu Anatole France có là kẻ thù không đội trời chung của sự mê tín, ông vẫn chịu ơn sự mê tín đó nhờ tất cả những gợi ý đẹp đẽ mà nó mang đến cho tác phẩm của ông.

Nhà văn thể hiện tài tình giọng điệu giản dị đầy sùng kính mà học trò của Tu viện trưởng, chàng thợ trẻ cầm xiên quay thịt, kể lại tất cả những sự kiện đầy sóng gió ấy sau khi thầy của anh, người mà dẫu thế nào đi nữa anh vẫn một lòng tôn quí và từng phải hứng chịu đến phút cuối cùng cuộc tấn công của những thế lực hắc ám, chết một cái chết vinh hiển trong một nhà thờ mà ông không bao giờ thôi công khai thừa nhận. Chàng học trò cố tìm bằng được trong tiếng La tinh một tính ngữ chân thành nhất để ngợi ca trí tuệ và đức độ của Tu viện trưởng. Bản thân tác giả, trong tác phẩm sau này, cũng viết một bài ai điếu ngợi ca nhân vật chính của mình. Mô tả Tu viện trưởng như một con người pha trộn giữa kẻ huởng lạc với nhà tu đạo hạnh, kẻ coi khinh người khác với tấm lòng đôn hậu, France nói về sự mỉa mai xuất phát từ thiện tâm và chủ nghĩa hoài nghi đầy khoan dung của ông. Ngoài khía cạnh tôn giáo, sự mô tả tính cách này cũng có thể áp dụng cho chính Anatole France.

Giờ ta hãy theo chân Anatole France với những cuộc dạo chơi triết học trong vườn Epicure. Ông sẽ dạy cho ta về đức khiêm nhường. Ông sẽ nói với ta: thế giới rộng lớn vô tận và con người nhỏ bé vô tận. Bạn sẽ tưởng tượng gì? Lí tưởng của ta là những hình bóng ngời sáng, nhưng chính khi theo đuổi những hình bóng đó, ta tìm thấy hạnh phúc đích thực duy nhất của ta. Ông sẽ nói rằng sự tầm thường của con người đâu cũng có, nhưng ông sẽ không loại trừ chính ông khỏi đó. Ta có thể trách ông về cái dục tính chiếm vị trí quá lớn trong vài tác phẩm của ông và những cảm giác khoái lạc mà chẳng hạn ông mô tả dưới dấu hiệu hoa loa kèn đỏ thành Florence, những cảm giác không dành cho những đầu óc nghiêm túc.

Ông sẽ trả lời ta, dựa theo các châm ngôn của bậc thầy tinh thần của ông, rằng lạc thú của tinh thần vượt xa lạc thú của thể xác, và bình an của linh hồn là cánh cửa nơi kẻ hiền minh hướng con thuyền mình vào đó để tránh những bão tố của đời sống tính dục. Ta sẽ nghe ông diễn đạt niềm mong mỏi rằng thời gian, vốn đã tước khỏi ta quá nhiều thứ, có thể cho phép ta cảm thông với những kẻ quanh ta, để khi mãn chiều xế bóng, ta không tự thấy mình lặng câm như trong một nấm mồ.

Theo huớng này, Anatole France đã rời bỏ sự ẩn dật mĩ học của ông, cái "tháp ngà" của ông, để lao vào cuộc đấu tranh xã hội của thời đại ông, để, nói như Voltaire, lớn tiếng đòi phục hồi những quyền con người đang bị kết án một cách bất công cũng như phục hồi lòng ái quốc bị tổn thương của chính ông, và ông đi đến các khu xóm công nhân để tìm phương cách hoà giải giữa các giai cấp và quốc gia.

Tuổi già của ông đã không trở thành một nấm mồ kín bưng. Kết cục hoá ra tốt đẹp cho ông. Sau khi cống hiến nhiều năm tươi đẹp của đời mình cho cung điện các Nữ thần Sắc đẹp, giờ đây, ở tuổi xế chiều, ông lại theo đuổi cuộc đấu tranh ý thức hệ chống lại sự băng hoại xã hội, chống lại chủ nghĩa vật chất và quyền lực của đồng tiền. Hoạt động của ông trong lĩnh vực này không phải là mối quan tâm trực tiếp của chúng ta, nhưng từ đó ta có được cơ hội vô giá để xác lập hình ảnh văn chương của ông trên nền tính cao quí của cảm xúc.

Thói tham danh vọng hoàn toàn xa lạ với ông. Tác phẩm gây tranh cãi nhất của ông là về Jeanne D'Arc, tác phẩm mà ông mất bao nhiêu công sức với ý định xé toang tấm màn huyễn hoặc khỏi vị nữ anh hùng từng gây cảm hứng cho bao thế hệ nước Pháp và trả nhân vật này về lại bản tính thật của cô, về cuộc đời thật, chỉ nhận được sự ơ hờ bạc bẽo giữa một thời đại đang sẵn sàng phong thánh cho cô.

"Thần thánh là những kẻ khát máu!" Bi kịch lớn của cuộc cách mạng nổ ra và, cũng như với cuộc chiến giữa các tư tưởng, những thân phận hèn mọn của con người được phản chiếu trong máu. Tuy nhiên, đừng tin rằng nước Pháp muốn cho ta thấy cuộc trả thù đẫm máu này là cuộc trả thù cuối cùng. Một thế kỉ là quãng thời gian quá ngắn để cho phép vạch ra một cách rành rõ bước tiến của loài người đến chỗ khoan dung hơn và nhân bản hơn.

Biết bao sự kiện đã biến thành sự thật những tiên đoán của ông! Nhiều năm sau khi cuốn sách ra đời, thế giới chìm trong thảm hoạ. Những đấu trường đẹp xiết bao giờ đây được bày sẵn cho trò chơi của những con rồng lửa! Khói những trận chiến vẫn treo dày trên mặt đất. Và từ trong màn sương nhô ra những quỉ lùn, những linh hồn hung hiểm của đất. Người chết trở về đó chăng? Những nhà tiên tri u uất tuyên cáo một mặc khải mới. Một làn sóng dị đoan mê tín de doạ cuốn phăng đống tro tàn của văn minh.

Anatole France sử dụng thứ vũ khí tinh tế và cay độc để xua đuổi tất cả những hồn ma và thánh thần giả hiệu. Với thời đại chúng ta, đức tin là vô cùng cần thiết, nhưng phải là một đức tin được lọc sạch bằng những hoài nghi lành mạnh, bằng tinh thần của sự trong sáng, một chủ nghĩa nhân văn mới, một thời phục hưng mới, một cuộc cải cách (II)  mới.

Thụy Điển không thể quên món nợ mà, cũng như mọi nước khác của thế giới văn minh, đất nước này chịu ơn từ nền văn minh Pháp. Trước kia, người Thụy Điển chúng tôi nhận được những món quà hào phóng của chủ nghĩa Cổ điển Pháp giống như mùa gặt và hoa trái thơm ngon của thời cổ xưa. Nếu không có chúng, giờ đây chúng tôi ở đâu? Đó là điều chúng tôi phải hỏi chính mình ngày nay. Trong thời đại chúng ta, Anatole France là đại diện chính đáng nhất của nền văn minh đó.

Ông là người cuối cùng trong những nhà cổ điển vĩ đại. Thậm chí, ông còn được gọi là người châu Âu cuối cùng. Và quả thật, trong thời đại mà chủ nghĩa sô vanh, thứ ý thức hệ tội lỗi nhất và ngu xuẩn nhất, muốn dùng đống đổ nát từ sự đại huỷ diệt vừa qua (ý nói Thế chiến thứ nhất, ND) để xây lên những bức tường mới ngăn cản sự tự do trao đổi tri thức giữa những con người, giọng nói sáng đẹp của ông cất cao hơn giọng những người khác, buộc con người phải hiểu rằng họ cần đến nhau. Thông minh, sắc sảo và đôn hậu, người tráng sĩ không hề biết sợ này là chiến sĩ xuất sắc nhất trong cuộc chiến tranh cao cả và không ngừng nghỉ của văn minh chống lại dã man. Ông là thống chế của nước Pháp vào thời đại vinh quang khi Corneille và Racine sáng tạo nên những anh hùng của mình.

Hôm nay, ở xứ sở nguồn gốc Germain cổ kính này, khi trao giải thưởng tầm cỡ thế giới của các nhà thơ cho nhà nghệ sĩ bậc thầy nước Pháp này, người tôi tớ trung thành của sự thật và cái đẹp, kẻ kế thừa chủ nghĩa nhân đạo, người nối dõi những Rabelais, Montaigne, Voltaire, Renan, chúng ta nghĩ về những lời ông từng nói dưới chân tượng Renan, trong đó chứa đựng trọn vẹn lời tuyên xưng đức tin của ông: "Chậm nhưng chắc chắn, tính người biến thành hiện thực giấc mơ của các hiền nhân".

Thưa Ngài Anatole France! Ngài đã được thừa hưởng một công cụ đáng khâm phục: ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ của một dân tộc cao quí và cổ điển, được giữ gìn trân quí bởi Viện Hàn lâm nổi tiếng và bởi có Ngài lại càng thêm rạng danh, được Viện Hàn lâm duy trì trong sự thanh khiết đáng ghen tị. Ngài có cái công cụ kì diệu sắc bén, xuyên suốt đó, và trong tay Ngài, nó mang một vẻ đẹp lấp lánh. Ngài đã dùng nó một cách tài tình để tạo ra những kiệt tác rất Pháp trong phong cách và sự tinh tế. Nhưng không chỉ nghệ thuật của Ngài mê hoặc chúng tôi, mà chúng tôi cũng kính trọng thiên tài sáng tạo của Ngài, và chúng tôi bị thuyết phục bởi trái tim đôn hậu, giàu trắc ẩn hiển lộ qua rất nhiều những trang viết kì diệu của Ngài.  

•             ________________________________________

Chú thích:

(I) Nguyên văn tiếng Latinh: simplex munditiis, có thể hiểu là "giản dị thanh lịch" (elegant simplicity), khái niệm được nhà thơ lớn La Mã Horace đặt ra làm qui phạm cho sự tinh tế tột bậc của thị hiếu thẩm mĩ.

(II) Nguyên văn: Reformation,  từ dùng để chỉ cuộc vận động lớn ở châu Âu trong thế kỉ XVI để cải cách Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, dẫn đến sự thành lập các Giáo hội cải cách hoặc Tin Lành.

TRẦN TIỄN CAO ĐĂNG và TÂN ĐÔN dịch

© Bản quyền bản tiếng Việt bài tuyên dương này thuộc Trung tâm Culture Globe.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art