Thứ Sáu, 08 Tháng Sáu, 2012

Frédéric François Chopin : Vĩ Nhân Dương Cầm Vượt Thời Đại

Trong dòng nhạc cổ điển phương Tây, có lẽ không một ai là không biết đến danh tiếng của nhà soạn nhạc kiêm nhạc công dương cầm vĩ đại Chopin qua những tấu khúc đa dạng về hình thức thể hiện bằng những âm thanh trau chuốt, diễm lệ và phong cách hòa âm thăng giảm ở các giai điệu bán âm giai rất phong phú. Đặc biệt là qua những tác phẩm để đời của Chopin, kỹ thuật trình tấu dương cầm đã được thăng hoa và khai mở cánh cửa sáng tạo cho những âm thanh quyến rũ, biến ảo, du dương mà trước ông đã không có nhà soạn nhạc hoặc nhạc công nào thực hiện được.
     Chopin có tên chính thức là Frédéric Francois Chopin, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1810 (cũng có giả thuyết cho rằng Chopin sinh ngày 22 tháng 1 năm 1809), tại làng Zelazowa Wola, một vị trí địa lý hầu như ở ngay trung tâm của quốc gia Ba Lan. Thân phụ ông là một nhạc công vĩ cầm chuyên nghiệp người Pháp tên Nicolas và thân mẫu ông là một công nương mang huyết thống của đời cuối cùng thuộc dòng dõi quý tộc tên là Telkya Justyna Kryzanowska.
     Chopin là một nhà nghệ thuật âm nhạc trải qua cuộc đời luôn phải ưu sầu và chống chọi với căn bệnh lao phổi nên sức khoẻ của ông rất yếu kém. Qua những bức họa chân dung còn lưu truyền lại đến nay, người ta cũng nhìn thấy được khuôn mặt hao gầy và lúc nào cũng mang nét suy tư của Chopin. Tuy vậy, từ những đường cọ vẽ tinh tế thể hiện trên chân dung người nghệ sĩ thiên tài đó, người ta cũng nhận ra được những nét tinh anh nơi đôi mắt long lanh chiếu đầy ánh sáng tự tin giống như những nốt nhạc biến tấu bừng lên mãnh liệt như muốn bức phá nội tâm vốn thường bị phong bế bởi ưu tư trầm lặng về bệnh tật, và nó càng được thể hiện tích cực hơn qua nhiều tác khúc nói về lòng ái quốc của ông đối với sự kiện lịch sử Ba Lan đương thời bị xâm lược, áp bức bởi đại đế quốc Nga.
     Hơn nữa, từ thời niên thiếu ngoài năng khiếu âm nhạc, Chopin còn là một cậu bé có nhiều tài năng như hội họa, văn chương, diễn thuyết v.v... nên rất được bạn bè cùng trường ái mộ.
     Trong kho tàng nhạc của Chopin, số lượng tác khúc soạn riêng cho phần trình tấu dương cầm đã chiếm hầu hết và nhất là từ trước đó đã không có nhà soạn nhạc nào sử dụng được những âm điệu tinh diệu biến ảo lạ lùng như Chopin, nên ông đã được phong tặng danh hiệu là “Thi Nhân Dương Cầm” và là một tác khúc gia đại biểu cho trường phái nghệ thuật lãng mạn của châu Âu thời bấy giờ. Qua những tác phẩm thuộc dạng thể Nocturne (Dạ Tưởng Khúc) và Waltz (Valse: nhạc soạn cho những vũ điệu xoay tròn) v.v... được diễn tấu bằng dương cầm của Chopin cho đến nay vẫn còn hấp dẫn rất nhiều thính giả ái mộ âm nhạc không riêng gì những người thích nghe nhạc cổ điển. Chopin cũng là một tác giả có những tác phẩm được sử dụng nhiều nhất trong các buổi đại hội diễn tấu dương cầm trên thế giới.
     Do tài nghệ sớm chớm nở từ thời thiếu niên, lối hòa âm soạn khúc của Chopin đã gây sự chú ý đặc biệt trong nhạc giới vào năm 1817 khi Chopin chỉ mới 7 tuổi và bắt đầu luyện tập dương cầm qua sự hướng dẫn của vị thầy tên Adalberto Zoni, rồi cho ra đời sáng tác đầu tay có tên là “Polonaise Soạn Cho Chủ Âm Sol Thứ và Si Giáng Trưởng” được xuất bản trong cùng năm và còn tồn tại cho đến nay. (Polonaise là từ ngữ xuất phát từ tiếng Pháp có nghĩa là mang tính cách quốc gia Ba Lan).
     Vào năm sau đó, tức lúc 8 tuổi Chopin lần đầu tiên chính thức trình tấu dương cầm tại thủ đô Warsaw và nhận được sự khích lệ nồng nhiệt của thính giả. Đến năm 1826, Chopin vào học tại Học Viện Âm Nhạc Warsaw rồi 3 năm sau đã tốt nghiệp với thành tích thủ khoa của khóa học này về kỹ thuật trình tấu dương cầm và hòa âm các hợp tấu khúc. Một năm sau, chàng thành niên tài hoa 20 tuổi Chopin đã khởi đầu cho những bước chân lữ hành rời bỏ cố quốc Ba Lan đi lưu diễn tại thủ đô âm nhạc Vienna của Áo Quốc và lập tức nổi danh qua lần trình tấu tác phẩm “Hợp Tấu Khúc Số 1”. Thế nhưng sau đó, ở Áo Quốc phong trào bài trừ Ba Lan ngày càng dâng cao nên Chopin buộc phải đi đến Pháp. Và kiếp phong trần đã lưu lại những bước chân chàng nghệ sĩ qua các đô thị lớn của châu Âu như Paris, Dresden, v.v... và mãi cho đến nửa cuộc đời còn lại Chopin hầu như đã ở luôn tại Pháp Quốc.
     Tuy hơn nửa đời sống xa quê hương nhưng tâm trạng lưu luyến của Chopin về cố quốc Ba Lan vẫn được thể hiện qua nhiều tác phẩm của ông ở thể loại Polonaise và Mazurek là những nhịp điệu cơ bản 3/4 thuộc dòng nhạc ca múa đặc trưng có tính cách truyền thống của Ba Lan. Hơn nữa, trước khi lâm chung Chopin còn để lại di ngôn trình bày nguyện vọng xin được đem quả tim của mình chôn cất tại mảnh đất quê nhà! Lời ước nguyện của ông đã được thực hiện sau đó khi quả tim yêu nước của ông được mang về mai táng tại nhà thờ Thập Tự Giá ở thủ đô Warsaw. Tuy không thể cho rằng Chopin là một nhà tư tưởng cách mạng có tính cách chính trị, nhưng từ thời thanh xuân ông đã mang những nỗi ẩn uất và phản kháng mạnh mẽ đối với việc quê hương đất nước bị thống trị, những nỗi niềm này được thể hiện qua những tác khúc của mình đúng như nhà soạn nhạc người Đức cùng thời là Schumann đã từng nhận định về Chopin rằng: ”Nhạc của Chopin là một thứ âm nhạc cất dấu khẩu đại pháo trong một vườn hoa muôn màu”!
     Qua những nét chân dung thời thanh niên, người ta cũng nhìn nhận Chopin là một nam tử có dáng dấp hào hoa quý tộc nên cũng có nhiều truyền thuyết và tài liệu ghi về cuộc đời tình ái của ông liên hệ cùng nhiều phụ nữ khác. Trên thực tế, từ nơi Chopin đã cho thấy nhiều dẫn dụ điển hình về yếu tố ái tình làm cho ông tăng thêm nguồn cảm hứng để thăng hoa âm nhạc. Trong những cuộc tình đó, Chopin đã có 9 năm giao tiếp cùng nữ văn sĩ người Pháp lừng danh là George Sand và trong khoảng thời gian đổ vỡ mối tình mang tính cách bi kịch này đã có vô số kiệt tác của Chopin được ra đời như: “Tuyển Tập Tiền Tấu Khúc Số 24” (Prélude), “Ảo Tưởng Khúc” (Fantasy), “Khúc Ballad Số 4”, “Anh Hùng Polonaise”, “Thuyền Ca”, “Ảo Tưởng Polonaise”, v.v...
     Ngoài ra, khác với một nhạc công dương cầm người Áo gốc Hung Gia Lợi nổi tiếng không kém lúc đương thời là Franz Liszt chuyên trình tấu tại những hội trường lớn, Chopin vì nhu cầu cuộc sống nên đa số chỉ trình diễn tại những căn phòng do các phu nhân quý tộc tổ chức cũng như từng làm giáo sư dạy dương cầm cho những con em nhà danh môn quý phái, vì thế nơi dòng nhạc trữ tình của Chopin còn tràn đầy những nét trầm tĩnh ung dung, vừa êm ái thanh tao vừa cao sang diễm lệ.
     Sống trong 1 thời đại có khuynh hướng cải cách kỹ thuật biểu diễn dương cầm, Chopin đã vượt qua nhiều cạnh tranh thử thách cam go và rất quả cảm trong việc khai thác những kỹ thuật tân kỳ cho đôi bàn tay ảo diệu nhịp nhàng chuyển lướt trên phím đàn. Và bao gồm ý nghĩa tự bản thân của Chopin cũng “luyện tập” trong những kỹ thuật này nên ông đã biên soạn 2 chương nhạc có tựa đề Etude (Luyện Tập) với những đặc tính mới lạ trong lối độc diễn dương cầm, mặt khác Chopin còn mang lòng thành kính trân trọng đối với những bậc tiền nhân nổi danh trong dòng nhạc cổ điển, qua đó nơi 1 số tác phẩm của mình Chopin đã cho thấy sự ảnh hưởng của Bach cùng Mozart rất rõ nét.
     Chẳng hạn như “Tuyển Tập Tiền Tấu Khúc” (Prélude) gồm 24 nhạc khúc tuy toàn là những tiểu phẩm nhưng đã có tới 5 đoạn chuyển động tuần hoàn giống như tác phẩm “Das Wohltemperierte Klavier” là 2 chương nhạc trường tấu soạn cho loại đàn phím mang tích cách tiêu biểu của Bach.
     Đó cũng chính nét sở trường đặc dị của Chopin với phong cách soạn nhạc chuyên về những tiểu phẩm đoản khúc hơn là những tác phẩm có kích thước to lớn. Ông cũng chỉ soạn có 2 bài hợp tấu khúc số 1 cùng số 2. Từ đó đã cho thấy nơi Chopin một sự dung hợp về tính năng của âm nhạc cùng phương cách thể hiện tức là trình tấu dương cầm rất độc đáo và đầy tài năng phi phàm.
     Trong toàn bộ tác phẩm của Chopin để lại cho hậu thế từ thời sinh tiền và kể cả những nhạc khúc được xuất bản sau khi ông mất đều có chung một đặc điểm là bắt buộc phải sử dụng nhạc cụ dương cầm. Đặc biệt hơn là ông cũng không thích những hình thức tiểu tiết như xếp đặt và chọn tựa đề tổng hợp cho những tác phẩm cùng thể loại.
Mãi cho đến nay, lòng yêu mến của thính giả cũng không hề suy giảm trước sức thu hút tuy nhẹ nhàng nhưng rất sâu đậm của những âm thanh mềm mại, ngọt ngào nơi các tác khúc của Chopin. Sự ái mộ này vốn đã từng được danh sư Franz Litz biểu hiện nhiệt tình khi nhà soạn nhạc kiêm bình luận gia đương thời này luôn đưa những nhạc khúc của Chopin vào các buổi trình diễn âm nhạc của mình, đồng thời ông luôn dùng tác phẩm của Chopin để bắt đầu hướng dẫn cho những đệ tử nhập môn.
     Chopin cũng là một thiên tài không chú trọng đến danh vọng qua cuộc sống tự lực sinh nhai bằng chính tài năng của mình, tuy vậy ông cũng có phần câu nệ khi để lại di ngôn của ông cùng lời nguyện vọng xin hủy bỏ những tác phẩm chưa được xuất bản do chưa được hoàn chỉnh như ý muốn. Nhưng người bạn thân của ông tên Fontana đã tiếc nuối những tác phẩm nghệ thuật này nên không làm theo lời nguyện ước. Qua đó hậu thế mới có dịp thưởng thức toàn bộ di tác của Chopin gồm nhiều ca khúc, 11 nhạc khúc Polonaise, 11 nhạc khúc Valse mà trong đó chủ yếu là những nhạc khúc Nocturne (Dạ Tưởng Khúc), v.v....
     Về thể loại, các tác phẩm của Chopin được phân chia theo từng đặc tính như:
   “Nhạc Khúc Độc Diễn Dương Cầm” với vô số tác khúc biên soạn cho nhiều chủ đề.
   “Nhạc Khúc Soạn Cho Dương Cầm Hòa Âm Cùng Dàn Nhạc Giao Hưởng” với 2 hợp tấu khúc soạn cho chủ âm Mi thứ và Fa thứ và 1 số biến tấu khúc khác, v.v...
   “Nhạc Khúc Thính Phòng” với những bài Dạ Khúc (Sonate), v.v...
   “Ca Khúc” gồm những bài ca soạn nhạc nền sử dụng dương cầm và kèn Sorprano.
   “Nhạc Phổ” gồm những quyển nhạc được nhiều nơi xuất bản.
     Để tưởng nhớ, tôn vinh và tỏ lòng kính phục đối với một “Thi Nhân Dương Cầm” quý hiếm như Chopin, kể từ sau Đệ Nhất Thế Chiến, Ba Lan đã tổ chức cuộc thi trình tấu dương cầm với danh xưng là “Le Concours International De Piano Frédéric Chopin” (The International Frederick Chopin Piano Competition) tức Cuộc Thi Dương Cầm Quốc Tế Chopin bắt đầu từ năm 1927.
     Từ đó đến nay, cứ 5 năm 1 lần cuộc thi này được tổ chức liên tục đều đặn và được xem như một đại hội trình tấu dương cầm lớn có tính cách cận đại với vai trò tiên phong mở đường cho những đại hội âm nhạc khác trên thế giới. Đây cũng dịp phát hiện những tài năng trẻ trong nghệ thuật diễn tấu dương cầm, ngõ hầu tìm lại hình ảnh của một Chopin tài nghệ phi thường năm nào.
     Sau những cơn ho luôn quấy nhiễu cuộc đời mình, cuối cùng Chopin cũng đi vào giấc ngủ ngàn thu vào ngày 17 tháng 10 năm 1849 tại Paris khi ông vừa tròn 39 tuổi!
     Phải chăng cuộc đời của Chopin đã trùng hợp vào câu “Hồng Nhan Đa Truân, Thiên Tài Đoản Mệnh”??... Nhưng cho dù câu nói trên có đúng hay sai đi chăng nữa thì cũng không còn quan trọng vì điều đáng nói hơn là chắc chắn quả tim mang theo hồn phách tinh anh của Chopin sẽ rất vui lòng và mỉm cười một cách hiền hòa khi nó được trở về yên nghỉ nơi lòng đất mẹ và đã trở nên cùng chung nhịp đập cùng Warsaw, trái tim của toàn dân Ba Lan.
Ngày 4/06/2007
Triết Giao

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art