Thứ Sáu, 08 Tháng Sáu, 2012

Schubert - nhà trữ tình vĩ đại

1. Tuổi thơ nghèo khó 
     Schubert sinh ngày 31 tháng 1 năm 1797 trong một gia đình bố là nhà giáo có nề nếp. Nhà Schubert nghèo, chỉ là một căn nhà nhỏ bé ở ngoại ô thành Vienna. Schubert cất tiếng khóc chào đời và vĩnh biệt cuộc đời cũng ở dưới mái nhà này. 
     Trong căn nhà nhỏ bé này luôn có tiếng đàn, tiếng hát vì bố và hai anh lớn của Schubert đều là giáo học, mà thời đó dạy học văn hóa phải kiêm luôn dạy nhạc cho học sinh, cho nên làm thầy là phải biết nhạc lý cơ bản, biết hát và chơi được một thứ nhạc cụ nào đó. Sống trong môi trường đó, ngay từ nhỏ Schubert đã rất yêu nhạc và có năng khiếu khác thường về âm nhạc. Cũng là một thần đồng âm nhạc như Mozart, chỉ khác là bố Schubert không có trình độ nhạc giỏi như ông Leopold - bố của Mozart, để đào tạo được Schubert thành một "Mozart" thứ hai. Không có tiền thuê thầy dạy, cho nên Schubert được học nhạc muộn hơn so với Mozart. 
     Tuy vậy Schubert cũng được bố dạy chơi đàn violon, và cha cố Holxero dạy lý thuyết âm nhạc và chơi đàn organ. Ông Holxero nhớ lại: "Khi tôi muốn giới thiệu cho Franz (Schubert) một cái gì mới thì hóa ra cậu ta đã biết rồi... Do đó không phải tôi dạy, mà là nói chuyện với anh ta để rồi ngạc nhiên vì sự hiểu biết của cậu ấy..." 
     Năng khiếu trời phú đã giúp Schubert được nhận vào học trường dạy nhạc nội trú của nhà thờ, gọi là "Cônvích", trường dạy giỏi nhất ở Vienna, nơi vốn chỉ nhận con em các gia đình quí tộc. Schubert đến trường xin học, dáng dấp rụt rè vì thấy tòa nhà của trường quá đồ sộ, lại bị học sinh nhà trường chế giễu vì quần áo quá nghèo nàn. Nhưng nhờ có giọng hát tốt và khả năng đọc nhạc nhanh nên Schubert đã được nhận học. Đó là vào năm 1808 khi Schubert đã 11 tuổi. 
     Học ở trường, Schubert đau đầu nhất với môn toán, ngoài ra ăn không đủ no, vì chế độ ăn nội trú quá tồi tàn, thường gia đình phải tiếp tế thêm mà gia đình Schubert không có điều kiện vì quá đông con. Nhưng âm nhạc thì rất được nhà trường chú trọng. Trường có dàn nhạc học sinh, những tứ tấu và tứ ca của học sinh và dàn hợp xướng. Tối nào dàn nhạc cũng phải hòa nhạc nhiều loại tác phẩm. Schubert chơi violon trong dàn nhạc, do đó có điều kiện làm quen với nhiều tác phẩm, tác giả. Chính nhờ đó mà ông học được kỹ thuật sáng tác, và đã sáng tác rất nhiều. Tính từ sáng tác đầu tay của ông năm 1810, cho đến năm 1813 là khi ông rời ghế nhà trường, Schubert đã viết hàng loạt ca khúc, balat, tứ tấu đàn dây, hợp xướng và nhiều bản giao hưởng . 

     2. Khát vọng nghệ thuật 
     Ra khỏi trường, ông buộc phải đi dạy học, làm phụ giảng tại trường nơi bố ông dạy, vì nếu không sẽ bị gọi và phục vụ trong quân đội 14 năm liền (nghĩa vụ quân sự ở nước Áo thời đó là 14 năm). Việc dạy học chiếm nhiều thời gian, lương thấp, Schubert phải nhận dạy thêm để kiếm sống. Nhưng chính thời gian này sức sáng tác của ông thật dồi dào và ở một số lĩnh vực đã đạt đến độ chín, có bản lĩnh cao. 
     Có lần trong một ngày ông viết 8 ca khúc. Chỉ trong một năm 1815, vừa đi dạy học, kể cả dạy tư, Schubert đã sáng tác 144 ca khúc, 4 opera, 2 bản giao hưởng một tứ tấu đàn dây, hai bản sonata cho piano và hàng loạt tác phẩm khác nữa. Sáng tác của ông thật phong phú về thể loại, đến năm 1817, ông đã có hơn 300 ca khúc, trong đó có những bài nổi tiếng cho đến tận ngày nay, như: "Con cá Phoren", "Thần rừng", "Người lữ hành", "Cô gái quay xa".v.v... 5 bản giao hưởng (ông viết tất cả 9 bản). 7 trong số 15 sonata và nhiều tác phẩm lớn khác. 
     Schubert vốn chán nghề dạy học do bị mất quá nhiều thời gian sáng tác âm nhạc, nên sau khi dạy đủ số năm qui định, ông thôi việc để tập trung vào sáng tác. Nhưng vì không còn lương để sống, lại bị bố cắt đứt quan hệ do giận ông không theo nghề truyền thống của gia đình, nên Schubert lâm vào cảnh túng quẫn. Dạy đàn tư thì tiền thu được nhiều khi không đủ tiền thuê đàn (không có tiền mua đàn, phải thuê). Trong khi đó, vì lòng tự trọng, ông khước từ không đến diễn tại các phòng khách của những gia đình quí tộc giàu có, một công việc có thể giúp ông vượt qua cảnh đói nghèo, nghèo đến mức không đủ tiền mua đủ giấy nhạc để ghi lại các tác phẩm của mình. 
     Bản "Serenata" nổi tiếng của ông chính là đã ra đời trên một thực đơn của nhà hàng, Schubert viết ở mọi nơi có thể, dường như trong đầu ông chen chúc nhiều giai điệu, chỉ chờ có dịp là tuôn trào ra như thác lũ (trong cuộc đời ngắn ngủi 31 năm Schubert đã viết hàng ngàn tác phẩm trong đó có hơn 600 ca khúc). 

     3. Bản giao hưởng bỏ dở... 
     Schubert sống thêm được sau cái chết của Beethoven - người nhạc sĩ mà ông yêu quí và khâm phục nhất - hơn một năm. Ông ra đi vào ngày 19 tháng 11 năm 1828, vì thiếu thốn, bệnh tật, kiệt sức. Bi kịch trong đời người nghệ sĩ này là cho đến khi chết hầu như không được dự một cuộc trình diễn nào những tác phẩm lớn của mình. Bản "Giao hưởng bỏ dở" nổi tiếng của ông viết năm 1822. Khi ông còn sống, tổng phổ bị thất lạc. Người ta chỉ tìm lại được sau khi ông chết mấy chục năm. 
     Cuộc đời của ông thể hiện tính bi kịch nội tâm của người sẽ nhận biết được sự xấu xa của hiện thực thời gian ấy nhưng không nhìn ra những con đường và phương thức khắc phục. Ông thu mình trong những suy tư của mình, chao đảo giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa bóng tối và ánh sáng. "Giờ đây không còn thời kỳ hạnh phúc mà mỗi thứ tưởng chừng như được bao bọc trong ánh hào quang của tuổi thanh xuân, thay vào đó là điều bất hạnh khi nhìn thấy hiện thực đau buồn mà nhờ trời, tôi cố tô điểm bằng trí tưởng tượng của mình cho nó đẹp lên...". Đó là những dòng nhật ký ảo não của chính Schubert viết trong mấy năm cuối đời. 
     Đời sống của Schubert giản dị và ngắn ngủi, hầu như chỉ ở thành phố Vienna, không phải trong những tòa lâu đài lộng lẫy nơi Mozart được đón tiếp khi đang là một thần đồng, nơi Haydn được hoan nghênh nồng nhiệt và Beethoven còn tìm được những người hâm mộ. Schubert chỉ sống tại vùng ngoại ô Viên, nơi những căn nhà nhỏ bé và lụp xụp, dân chúng nghèo. Ông không biết được sự thành công rực rỡ nào, không đóng một vai trò gì đáng kể trong đời sống âm nhạc thời ấy. Nhưng hậu thế biết đến ông và đã đánh giá đúng cống hiến to lớn của ông cho kho tàng âm nhạc của nhân loại. Bia mộ của ông ghi dòng chữ: "Ở đây, cái chết đã chôn vùi một kho báu và cả những niềm hy vọng còn quí báu hơn". 

Giáo dục & Thời đại - số 17/1998

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art