Thứ Tư, 29 Tháng Tám, 2012

Adieu monsieur Raymond Aubrac

Adieu monsieur Raymond Aubrac

Adieu monsieur Raymond Aubrac - 1

Một buổi sớm mùa xuân năm 2012, trên đường đi làm, qua cái radio CD tôi được tin ông Raymond Aubrac qua đời đêm qua. Một dĩ vãng xa xôi quay về với tôi.

Hai tháng sau ngày hiệp định Paris được ký kết và thi hành, tôi được công điện từ "Tổng cục an ninh kỹ thuật" (tức phòng 7 bộ tổng tham mưu) gọi về trình diện chuẩn tướng Phẩm hữu Nhơn (tổng cục trưởng) để ông đưa tôi trở lại làm việc ở "Cục nghiên cứu và điều hành trung ương", với bí số bên ngoài là "Đơn vị 15". Còn đối với người Mỹ và cơ quan N.S.A thì là "Saigon prossesing center" (Trung tâm điều hợp Saigon). Như vậy sau hơn 4 năm công tác ở miền Trung, Cao nguyên và nước ngoài (Nakhom Phanom Thái Lan và Phnom Penh Cambodge) tôi được trở lại đơn vị gốc, nơi đã đào tạo ra tôi.

Tôi được đưa về làm với đại úy Thành, trưởng ban 3, Ban nghiên cứu và giải-tích (giải-đoán và phân tích). Nghiệp vụ của tôi là "Giải tích viên tình báo kỹ thuật". Tôi được ông Thành chỉ thị nắm ngay toán "An ninh tình báo và chánh trị" cho một người trưởng toán vô kỷ luật vừa bị xuất nghành.Toán này nhằm nghiên cứu các hoạt động và tổ chức về an ninh tình báo của cộng sản, cũng như các tổ chức chánh trị mà chúng giựt giây hay dựng lên tại miền Nam. Khi nghiên cứu tới hệ thống làm việc của "phái đoàn cộng sản" trong "Camp David" Tân sơn Nhứt, vì với tính cách chánh trị của phái đoàn này (dù họ là những người tình báo) nhằm thực thi Hiệp định Paris. Tôi được đầy đủ các hồ sơ chung quanh cái "hiệp định" để mà đọc thêm. Những tài liệu mà chúng tôi dùng để tra cứu là do các cơ quan : Trung tâm tình báo hổn-hợp của VNCH, phủ đặc ủy trung ương tình báo, cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (C.I.A), cơ quan an ninh quốc gia (N.S.A)… Khi nghiên cứu đến các hoạt động của phái đoàn cộng sản, Việt cộng lẫn với Bắc việt tại Camp David, cũng như phái đoàn ở Paris, tôi đọc được nguyên một bản văn lẫn tờ trình về xuất xứ của Hiệp định Paris. Trong những tờ trình, có một nguyên bản hoàn toàn bằng tiếng Pháp "Accord de Paris. Không ghi nhận cơ quan nào viết. Theo như bản tường trình này, cuộc đàm phán được bắt đầu trong vòng bí mật từ khoảng cuối năm 1967; do một nhóm người mang danh "nhóm Pensylvania" gồm có các ông Malkovitch, Kissinger và một số giáo sư đại học Harvard phản chiến. Họ được móc nối một người Pháp mang tên Raymond Aubrac (cựu sinh viên Harvard vào những năm cuối thập kỷ 30). Ông Aubrac này các cơ quan tình báo tây phương cho rằng là cựu thành viên của "cộng sản quốc tế" (đệ tam), dù cho đến ngày chết ông vẫn phủ nhận là đảng viên cộng sản. Năm 1946 Hồ chí Minh sang quan sát hội nghị Fontainebleau, được ở trong nhà của ông ở ngoại ô Paris là do sự dàn xếp của những người cộng sản Marseille, không để ông ở dinh quốc khách vì sợ nghe lén và cũng để dễ dàng tiếp xúc với các đồng chí của ông đang hoạt động tại Pháp lúc bấy giờ.

Ông Aubrac đã hai lần sang Hà-nội vào cuối năm 67 để gặp Hồ chí Minh đề nghị đàm phán trực tiếp với người Mỹ. Lần thứ ba Hà-nội không chấp chiếu khán vào Việt-Nam. Nhưng chúng ta cũng biết, sau khi thắng cử, Nixon đã thiết lập được cuộc đàm phán vào giữa năm 68 với Hà-nội. Ở đây tôi không muốn nhắc lại các chi tiết và trọn văn bản "hiệp định Paris", như những ai am hiểu tình hình và có con mắt quan sát chính trị đều thấy là V.N.C.H đã bị bức tử bởi bản "hiệp định" nầy.

Từ đó tôi có cái dấu ấn về các nhân vật có liên quan đã nhúng tay để dựng lên bản "hiệp định".

Cách đây 2 năm, vào cuối thu, con gái lớn tôi về ăn trưa cuối tuần như thường lệ. Trong lúc ăn tráng miệng, nó nhìn tôi và từ tốn nói:

- Papa, Ba còn nhớ ông Aubrac mà đã nhiều lần ba thường nói với con không ?.

- Làm sao ba quên được ?

- Thời gian sắp tới, ông ấy sẽ đến thành phố mình để cắt băng khánh thành tượng đài những người đã bị thảm sát bởi bọn "quốc-xã" trong để nhị thế chiến. Sau đó vào buổi tối, sẽ có một buổi hội thảo về những thành tựu của "hội đồng kháng chiến Pháp" về những dự luật của hội đồng nầy đã đưa ra về "An sinh xã hội" ngay sau thế chiến.

Ba cũng biết, ông ấy trước đây cũng là một trong những người lảnh đạo của hội đồng này, và đã cùng bị bắt với ông Jean Moulin, bởi bàn tay của Klaus Barby như mình biết.

- Có, Ba nhớ ra hết.

- Vậy ba có muốn tham dự cuộc hội thảo nầy không ?

- Tùy con, dù sao ba cũng muốn biết, một lần trong đời trước khi chết, những người đã một lần, vô tình hay cố ý nhúng tay vào "tội ác", đưa Ba và các chiến hữu của Ba đi xuống địa ngục, may mà Ba còn trở lên được.

Như lời hứa, con tôi đã sắp xếp cho tôi có được vé mời trong cuộc hội thảo nầy. Cuộc hội thảo được tổ chức trong phòng họp của một nhà hàng có tiếng của vùng này. Dãy bàn hội thảo được đặc theo hình chử U, diễn giả và ban chủ toạ ngồi bàn chánh giửa, ngó xuống là hay dãy bàn người tham dự hai bên. Tôi và con gái ngồi phía cuối cùng nhìn ngược lên phía bàn chủ toạ. Từ đầu phiên họp, cho đến phần hội thảo, ban chủ tọa do ông Aubrac và các tham dự viên, thay phiên nhau nói về những thành tựu trước đây của "Hội đồng kháng chiến," đã được các chính phủ tả cũng như hữu từ hơn 60 năm quả thi hành. Từ những dự luật đưa qua quốc hội để trở thành sắc luật, thi hành cho đến ngày nầy…nhưng chánh phủ cánh hữu hiện tại, đang muốn dần dần dẹp bỏ đi với nhiều lý lẽ. Phòng họp yên phăng phắc, chỉ có lời nói của người muốn nói mà thôi, không một lời vỗ tay hay phê bình.

Một ý nghĩ thoáng len qua trong trí tôi. Tôi rút cuốn sổ tay lúc nào cũng mang theo trong người, viết vài hàng : Con hỏi ông Aubrac, sự khác biệt nào giữa người lính hay kháng chiến quân chống lại sự dã man của chế độ “quốc-xã “ và người lính hay kháng chiến quân chống lại sự độc tài toàn trị không kém dã man của chế độ cộng-sản? Viết xong, tôi đẫy nhẹ qua con gái cho nó đọc. Liếc nhanh qua, một chút suy nghĩ, nó nói nhỏ vào tai tôi: "con nghĩ chính Ba nên hỏi điều này"

Thật câu hỏi này không dính dấp gì đến cuộc hội thảo đêm nay. Có thể làm phiền người ta đây, và làm phiền cả con gái tôi, vì nó cũng trong ban tổ chức, một câu hỏi ngoài lề, có thể bị đánh giá là “phá thối” đây. Nhưng tôi biết hai cô con gái của tôi cũng là loại liều mạng như cha nó, nó đề nghị tôi là nó cũng chấp nhận, ôi, thì tôi đành làm phiền ông Aubrac vậy.

Chờ cho mọi người không còn những câu hỏi và trả lời, tôi lặng lẽ đưa tay lên phát biểu. Hơn một trăm đôi mắt nhìn về phía tôi, cái migro được chuyển đến, nhịp tim tôi đập bất thường.Tôi đứng lên dõng dạc nói:

- "Kính thưa quí vị, kính thưa ông Aubrac, cách đây hơn 35 năm, tôi là một nhân viên tình báo của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), làm việc tại Bộ tổng tham mưu (BTTM) với cương vị một phân tách viên tình báo (analyste). Qua những hồ sơ mà tôi nghiên cứu, tôi đã thấy được tên ông đi kèm với một người nào đó (un certain personne) tên Henry Kissinger cùng nhau hợp tác để có cuộc nói chuyện với Hà-Nội, qua đó đã mở ra được cuộc “hòa đàm Paris” và kết thúc với ngày sụp đổ của “Saigon”.

Kính thưa ông, sau cái ngày đau thương đó, ngày 30 tháng 04, mà sau này tôi biết được rằng ngày đó ông đang có mặt tại Hà-nói với thiên chức là chủ tịch “lương nông quốc tế” (F.A.O) của Liên-hiệp-quốc qua công tác bên ấy. Một sự trùng hợp tôi không hiểu được. Hàng trăm ngàn cựu chiến binh như tôi và sau đó những người chống lại chế độ “toàn trị” này đã vào tù với “mỹ từ” như mọi người đã biết là “Trại cải-tạo”. Bây giờ tôi mạn phép ông để đi thẳng vào câu hỏi, sự khác biệt nào giữa những người đấu tranh, kháng chiến để giữ gìn tự-do và chống lại chế độ dã man” quốc-xã phát xít” và những người cũng đấu tranh kháng chiến để bảo vệ tự-do chống lại chế-độ toàn-trị độc tài, độc đoán cũng không kém phần dã man của chế độ cộng- sản".

Thật là không ngờ, tôi vừa dứt lời, một tràng pháo tay nổ ầm lên trong phòng họp trong đó có cả ông, muốn làm tung các cửa kiếng. Thật là một ngoại lệ trong phiên họp ngày hôm đó. Hàng trăm cặp mắt cứ tiếp tục đổ dồn về phía tôi, vài tiếng la lên đâu đó, bravo, bravo, tiếng vỗ tay cứ tiếp tục nhiều giây đồng hồ cho đến lúc tôi trở lại chỗ ngồi.

Khi tiếng vỗ tay thưa dần, ông lớn tiếng nói: ”Vous êtes des héros”, các anh là những anh hùng. Lại một tràng pháo tay nổi lên, người tôi “choáng”, mồ hôi rịn ra trên trán, tôi hơi chao đảo. Ông tiếp tục “bla, bla, bla, bla”, tôi không cần phải nghe nữa. Tim đập mạnh. Những hình ảnh xa xưa hiện ra chập chờn trong tôi, những đồng đội đã ngã xuống ngoài mặt trận, trong trại tù (cải tạo). Họ đã được một lảnh tụ được xếp vào loại “Cộng sản quốc tế” vinh danh chúng tôi là “ANH HÙNG”.

Thấy tôi mặt xám đi, con tôi có vẻ sợ hỏi:

- Ba có sao không? tôi lắc đầu, nói với nó,

- thôi đủ rồi, chúng ta về

- Ba không ở lại ăn à ?

- Không ba phải về thắp nén nhang cho các cựu đồng đội của Ba, danh dự của họ ngày hôm nay đã được phục hồi”. Thấy tôi đứng lên, nhiều người bước đến bắt tay chúc mừng với lời nói “bonne intervention”, một lời chất vấn và tham dự quá hay, trong đó có các tay to mặt lớn của “Cộng đồng đô thị” nầy.

Đêm đó người tôi cứ lơ lững, bềnh bồng như đi trên mây, nằm trên canapé sau khi làm hai ly Cognac, nghe Julie London với bản “Fly me to the moon”, tôi thả hồn như bay theo mây lên mặt trăng. Thôi đủ lắm rồi. Những chuỗi mồ vô tận của các cựu chiến binh V.N.C.H từ Gò vấp, Biên-hòa và các tỉnh, chung quanh các trại tù giờ đây chắc hẳn một phần đã bị đào bới đi. Nhưng chắc chắn các linh hồn uổng tử của các bạn để nghe thấy điều này, do chính miệng của Raymond Aubrac, người cùng giồng giống với Henry Kisssinger, đồng hội đồng thuyền trong “Tam-Điểm” (Franc-maçon) thốt lên : "Quý vị là những anh-hùng", VOUS-ÊTES DES HÉROS. Thôi thì chúng ta đã tự an ủi cho chúng ta lắm rồi. Kính chúc các bạn tiếp tục giấc ngủ trong an lành.

Riêng ông Aubrac, tôi và ông gặp nhau lần đầu nhưng cũng là lần cuối. Đối với quan điểm của tôi, dù sao ông cũng là người đã từng làm nhiều việc nhân đạo. Trong tâm ông có điều cao thượng, nhưng dù muốn dù không, ông cũng một thời đi sai đường (cộng sản đệ tam), vì thời đó là một cái “mode”. Cái hậu quả đó tôi không muốn nhắc đến nửa. Tôi thành thật cầu chúc ông ra đi được bình yên và ở một nơi không còn có hận thù.

Biển Đức Xuân 2012

(trích trong tập truyện : Có những thời gian không thể nào quên)

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art