Thứ Năm, 13 Tháng Mười, 2016

Con Yêu: Tìm lại nguồn gốc của một bài hát Việt hóa

Con Yêu: Tìm lại nguồn gốc của một bài hát Việt hóa

Bài "Con Yêu" là một ca khúc nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam và đi cùng năm tháng với một thế hệ khán giả nay đã ở độ tuổi trung niên. Ca khúc này đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ trình bày, từ hải ngoại cho đến trong nước. Đâu là nguồn gốc thật sự của bài ? Góc vườn âm nhạc tuần này mời quý vị cùng lướt một vòng quanh thế giới để tìm lại những con đường mà ca khúc khá phổ biến này đã đi qua.

Ngược dòng ký ức, những thế hệ tuổi trung niên hiện nay chắc hẳn chưa quên hình ảnh một cô ca sĩ có nét đẹp quyến rũ trẻ trung từng được giới thiệu trên các chương trình âm nhạc của Thúy Nga Paris : ca sĩ Diễm Liên, một ngôi sao đầy ấn tượng trong làng nhạc Việt hải ngoài vào thập niên 1990.

Với ca từ và giai điệu mang đậm bản sắc Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ rằng bài hát này là do một nhạc sĩ người Việt sáng tác. Ca khúc bắt đầu bằng cách lên quãng tám, cũng giống như một câu hò ở miền Tây nam bộ, hay một trong số 6 điệu vọng cổ. Tuy nhiên đó cũng là điểm tương đồng trong âm nhạc dân gian ở khu vực Đông Nam Á, như là trong một số bài hát của phim bộ Đài Loan và Hồng Kông, từng một thời làm điên đảo khán giả Việt Nam trong thập niên 1980 và 1990, như phần trình bày của ca sĩ người Hoa nổi tiếng Paula Tsui.

Bài nhạc này cũng được ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản Nakazawa Yuko trình bày vào năm 1978, và hiện là bài nhạc không thể thiếu được trong các danh sách karaoke tiếng Nhật. Lời bài nhạc cũng là một lời nhắn nhủ tới con trẻ, thể hiện tình thương của bậc cha mẹ đối với con cái.

Nhưng có một điều bất ngờ thú vị, khi truy tìm trên các diễn đàn âm nhạc, thì có những thính giả ở một số nước châu Âu như Đức và vùng Scandinavia hồi tưởng lại rằng họ đã từng nghe bài nhạc này trong giai đoạn cuối thập niên 1970 và đầu 1980, mà giai điệu vẫn còn đi theo đến tận ngày hôm nay. Phiên bản tiếng Đức, chỉ khác trong cách phát âm và lối trình diễn, hầu như không còn nét châu Á ở trong bài hát nữa.

Câu hỏi đặt ra : Vậy bài hát này có xuất xứ từ đâu, phương tây hay là phương đông ? Xin thưa, đó là một sự kết hợp của cả hai, chính là sản phẩm của dòng nhạc OPM (Original Pilipino/Pinoy Music) của Philippines, hòa trộn Đông-Tây để đưa văn hóa dân tộc ra với thế giới. Bài hát này lần đầu tiên được trình bày trong liên hoan ca nhạc ở thủ đô Manila vào năm 1977, rồi sau đó đã được dịch ra 26 thứ tiếng và tỏa ra khắp thế giới : bài Anak, tức là "Con" trong tiếng Philippines.

Một trong số những mối nối có thể đã đem bài hát này vào trong dòng nhạc Việt có thể là từ những năm tháng sống trong các trại tị nạn ở Pataan hay Palawan ở Philippines, khi bài nhạc này đang ở đỉnh cao được dân chúng Philippines say mê. Lối trình bày của Diễm Liên cũng rất gần với bản gốc. Tuy nhiên, cũng có thể là cô tiếp nhận phong cách trữ tình từ phiên bản tiếng Pháp của Miguel Bosé, được trình bày vào năm 1982, tên là « La Dame de cœur ».

Để một bài nhạc của nước mình được cả thế giới tiếp nhận, thực sự là một thành công lớn của nền âm nhạc Philippines. Bài hát này đã mở đường cho vô số ca sĩ Philippines ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là ở Nhật và Mỹ hay trên các tuyến du thuyền vòng quanh thế giới.

Bởi một lẽ đơn giản, ca hát và âm nhạc là kỹ năng phổ biến mà tất cả trẻ em ở Philippines đều được học, và có cơ hội tỏa sáng trong ca đoàn ở nhà thờ hay tụ điểm videoke, tức là karaoke trong khu phố. Đó có lẽ chính là nội lực để một quốc gia phát triển bằng thu nhập từ chính sản phẩm trong ngành văn hóa và giải trí, đồng thời tạo được thế cân bằng về bản sắc trước sự du nhập của văn hóa toàn cầu, một điều có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ca khúc này đã từng được ca sĩ Cẩm Vân ở trong nước thể hiện rất thành công và từng được chiếu rộng rãi trên các kênh truyền hình Việt Nam. Đây có thể xem như là một phiên bản chuyển ngữ tiếng Việt hay nhất, chỉ tiếc là cho đến giờ vẫn chưa có thông tin gì về người đã soạn lời Việt cho ca khúc này, "Anak – Con Yêu"

Lê Hải

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art