Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Giữ các ngày Lễ buộc

Giữ các ngày Lễ buộc

Kính gửi : Cha Bùi Ðức Tiến,

Kính chúc cha an mạnh và kính xin cha hướng dẫn chúng con thi hành điều một và điều hai trong Sáu Ðiều Răn Hội Thánh. Thời còn ở Việt Nam trước năm 1980, có bốn ngày lễ buộc: Lễ Chúa Giáng Sinh, lễ Chúa Thăng Thiên (Chúa Lên Trời), lễ Ðức Mẹ Mông Triệu (Ðức Mẹ Lên Trời), lễ Các Thánh Nam Nữ (và hai Chúa Nhật Phục Sinh, Hiện Xuống).  Năm 1984 Lịch Công Giáo tại Nam Úc cũng ghi như thế. Từ năm 1985, Lịch Phụng Vụ do Nguyệt San Dân Chúa ấn hành, không còn lễ buộc, chỉ còn các lễ Trọng. Năm 2000 – 2001 trong cuốn Lịch do Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn thực hiện, trang 27 ghi: 25/12, Thứ Hai, Chúa Giáng Sinh, Lễ Trọng với Tuần Bát Nhật, Lễ Buộc, (Sách Những Ngày Lễ Công Giáo 2000 – 2001)

 Kính xin Cha hướng dẫn cho hai điều:

 1. Người Việt Công giáo ở Australia có phải giữ ngày lễ buộc nữa không? Và nếu còn thì mỗi năm còn phải giữ mấy ngày?

 2. Trong hai ngày Ðại Lễ:

 A. Lễ Phục sinh: Thứ Bảy Tuần Thánh, có lễ Vọng Phục sinh, cử hành ban đêm. Chúa Nhật Phục sinh, cử hành ban ngày.

 B. Lễ Chúa Giáng Sinh: 24/12, Lễ Vọng Giáng sinh, cử hành ban đêm; Lễ Chúa Giáng sinh, cử hành ban ngày.

 Trong bốn Thánh lễ đó, tín hữu phải tham dự hai Thánh Lễ hay phải tham dự cả bốn Thánh Lễ.

Chúng con đã cố gắng tìm hiểu, nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Kính xin Cha là nhà chuyên môn, giúp chúng con tuân hành đúng ý Giáo Hội.

 Kính chúc Cha muôn ơn Chúa. Trọng kính,

D. Lê Quang Tân. Pooraka, Nam Úc.

 

 Kính Bác Lê Quang Tân (tôi xin được gọi là Bác vì đọc qua thư thấy lời được lẽ được dùng một cách rất cẩn trọng và chữ viết như thể dáng chữ viết của các cụ ta ngày xưa – chữ D. trước tên bác tôi đoán là chữ viết tắt của tên thánh Dominicô hay Ðaminh!)

 Tôi xin hướng dẫn bác như sau:

 Trước tiên, chúng ta phải xem quan niệm và giáo huấn của Giáo hội về các ngày lễ như thế nào đã.

 Giáo luật qui định nơi điều 1246 như sau: "Ngày Chúa Nhật, tức là ngày cử hành Vượt Qua, do truyền thống từ thời các thánh tông đồ, phải được giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ trọng nguyên khởi bắt buộc. Ngoài ra, còn phải giữ các ngày lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, lễ Hiển Linh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, lễ Thánh Giuse, lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ, lễ Các Thánh. Tuy nhiên, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, Hội Ðồng Giám Mục có thể bỏ bớt vài ngày lễ buộc hay chuyển dời qua ngày Chúa Nhật.".

 Trong những ngày lễ Buộc qui định trên đây, các ngày lễ Hiển Linh, lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu thường đã được cử hành vào ngày Chúa Nhật. Còn những ngày lễ Buộc khác, lịch phụng vụ chung ấn định như sau:

 - Các ngày Lễ về Chúa: Lễ Sinh nhật Chúa Giêsu: ngày 25-12; Lễ Chúa Lên Trời: 40 ngày sau ngày Chúa Phục sinh (ngày Thứ Năm trong tuần).

 - Các ngày Lễ về Ðức Mẹ: Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa: ngày 1-1; Lễ Ðức Mẹ Vô nhiễm: ngày 8-12; Lễ Ðức Mẹ lên trời: Ngày 15-8.

 - Các ngày Lễ về các Thánh: Lễ Thánh Giuse: ngày 19-3; Lễ Thánh Phêrô và Phaolô: ngày 29-6; Lễ các Thánh: ngày 1-11.

 Ở điều 1247, Giáo luật qui định thêm như sau: "Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ Buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác.".

 Về nguyên tắc, điều 1248 của Bộ Giáo Luật hiện hành qui định về bổn phận tham dự Thánh lễ Buộc như sau: "Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi công giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ.... ".

 Như thế tưởng đã rõ, Giáo hội hoàn vũ qui định nhiều hơn bốn ngày lễ buộc so với lịch Phụng Vụ tại Việt Nam trước năm 1980 như bác đã viết. Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã dùng quyền đã được ủy thác (qui định nơi điều 1246) giảm xuống còn bốn. Có những Hội Ðồng Giám Mục qui định tất cả những ngày lễ buộc theo như Giáo luật, lại cũng có những Hội Ðồng Giám Mục giảm xuống tùy theo hoàn cảnh của địa phương.

 Nói rằng tại địa phương có nghĩa là nhiều khi một địa phận lại có một vài qui định khác với chính Hội Ðồng Giám Mục của địa phương ấy, thí dụ như ở một nơi nào đó có Thánh Bổn Mạng của Giáo phận, thì Ðức Giám Mục có thể qui định ngày lễ ấy là ngày lễ buộc của những người sống trong Giáo phận ấy v. v...

 Bác đang sống ở Australia, thuộc về Giáo phận Nam Úc thì bác phải theo qui định của Tổng Giáo phận Nam Úc (luật tùy địa). Riêng về việc này, bác không được ngồi ở Nam Úc, đọc Lịch Phụng vụ của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, hay lịch chung của toàn quốc, rồi "lo lắng" rằng: bây giờ tôi không biết đường nào mà theo.

 Về việc ấn hành Lịch Công Giáo của Nguyệt san Dân Chúa, tôi xin nói nhỏ cho bác nghe nha: Người soạn lịch đã phải cóp nhặt mỗi chỗ một ít (lịch ta, lịch tây, lịch Úc, lịch Việt...) Cứ mỗi năm đến ngày soạn lịch thì người soạn lo lắng đi tìm một vài cuốn lịch bằng tiếng Anh, rồi một vài cuốn lịch bằng tiếng Việt, so sánh, dịch thuật, thêm bớt v. v... để soạn ra làm bản lịch cho mọi người "dựa" theo, và chỉ để dựa theo thôi, không phải theo như là theo kinh Tin Kính.

 Bây giờ đã đến lúc tôi có thể trả lời trực tiếp hai câu hỏi của bác đây:

 1. Người Công giáo ở đâu cũng có bổn phận thiêng liêng qui định theo Giáo luật là tuân giữ các ngày lễ buộc (theo qui định của điều luật 1246 ghi trên). Việc giữ mấy ngày thì tùy theo qui định của địa phương nơi mình đang sống. Không nên xem qui định của Giáo phận Sài Gòn rồi ngạc nhiên khi thấy Nam Úc không theo đúng như vậy. Thường thường các cha có đề cập đến những ngày lễ Buộc từ tòa giảng một vài tuần hay một vài ngày trước đó.

2 . Về hai ngày Ðại Lễ Giáng sinh và Phục sinh, chúng ta lại phải nại vào qui định của điều 1248 một lần nữa: "Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi công giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ.".

Như thế, bây giờ thì bác đã liên lạc được với nhà chuyên môn rồi đó, không hiểu bác đã có được một giải đáp thỏa đáng chưa?

 Cũng kính chúc bác muôn ơn Chúa.

Lm. Bùi Ðức Tiến phụ trách

Thẩm phán Tòa Án Hôn Phối

Tổng Giáo phận Melbourne & Tasmania, Australia.

Bài viết khác