Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Chúa Giêsu sinh ra tại Bethlehem ?

Chúa Giêsu sinh ra tại Bethlehem ?

 Thưa cha,

 Con xin gửi đến cha một phần của bài báo do ông Phạm Quốc Việt trích dịch mang tựa đề “Học giả đương thời thách thức và phản kháng những chi tiết liên quan đến sinh nhật của Chúa Giêsu”, được đăng trên Internet, do một người bạn gửi cho.

 “Bài báo do tờ Washington Post đăng lên ngày 22 tháng 12 năm 2001 dưới nhan đề là "Modern scholars challenge details of Jesus' birth" Không ngại ngùng bị gán cho cái tên là "Kẻ ăn trộm thành Belem", Bà Paula Fredriksen, một giáo sư của trường đại Học Boston, chuyên khảo cứu về Thiên Chúa Giáo từ thuở mới thành lập, tuyên bố thẳng thừng là : "Jesus sinh ra tại Nazareth chứ không phải tại Bethlehem như bài hát đạo mừng Giáng Sinh mà chúng ta đã từng nghe từ trước đến nay. Tôi không thấy một học giả nào coi kinh thánh viết về chỗ sinh hạ của Jesus là đáng tin tưởng cả, mọi người đều tin là Jesus sinh ra tại Nazareth".

 Đó là một trong những khám phá mới để chống lại với truyền thuyết của thánh Matthew và thánh Luca. Chúa Giêsu không được sinh ra tại một hang lừa nhưng sinh ra trên sàn đất trong nhà của một người bà con. Ba vua ngày xưa chỉ được chế tạo ra như các thầy phù thuỷ để mà chọc cười chứ không phải là vua hay các nhà khoa học nào cả. Và những nhà viết sử thời trước tạo ra truyền thuyết Đức Mẹ đồng trinh để đối lại với chuyện dã sử mà người Rôma đã dựng chuyện tương tự cho vua Caesar Augustus của họ… Các học giả ngày nay cho rằng có nhiều sai biệt giữa câu chuyện viết bởi 2 thánh sử này và tin tưởng rằng Chúa Giêsu sinh ra tại Nazareth chứ không tại Bethlehem.

 Thứ nhất là ai cũng nói là Giêsu Nazareth chứ không ai nghe nói là Giêsu thành Bethlehem hay Giêsu thành Capernaum cả, cũng như người ta luôn luôn nói rằng vị viết ra sách Acts là Paul of Tarsus gọi như thế vì ông này sinh ra tại Tarsus.

 Thứ hai là các người viết thánh sử đều viết khoảng nửa thế kỷ sau ngày Chúa Giêsu chết. Do đó, một là họ không biết gì về chi tiết lịch sử hai là có lẽ họ chỉ dựa vào lời tiên tri Micah trong các sách Do Thái để lại, tiên đoán là Đấng Thiên Sai sẽ sinh ra tại Bethlehem, để đặt câu chuyện cho hợp với lời tiên tri hầu nuôi dưỡng lòng tin cho cộng đồng Kitô giáo lúc thiếu thời. Luca kể về chuyện Maria và Giuse di chuyển từ Nazareth đến Bethlehem theo lệnh bắt buộc tổng kiểm tra dân số của người Rôma. Trong khi đó thì Matthew kể tất cả câu chuyện bắt nguồn từ Bethlehem y như là Bethlehem là quê hương xứ sở chính thực của Maria và Giuse và chỉ nhắc đến Nazareth vào đoạn chót mà thôi. Đa số các học giả đều đoan chắc rằng Chúa Giêsu sinh ra vào khoảng năm thứ 4 trước Tây Lịch (4-BC), trong khi Luca đã thực sự sai lầm kể chuyện Chúa Giêsu sinh ra vào năm thứ 6 sau Tây Lịch (6-AD)…”

 Thưa cha, câu hỏi con đặt ra là các tác giả đặt lại vấn đề như trên, thì chúng ta phải nghĩ làm sao ?

Một người hoang mang (Đức quốc)

 Tôi không được đọc tòan bộ bài báo cũng như bản văn gốc, nhưng chỉ đọc qua một phần của bản dịch do bạn gửi (vì không ghi tên nên cho tôi gọi là bạn cho tiện). Tôi hiểu nổi hoang mang của bạn, nhưng thật ra ngôn ngữ nhà báo bao giờ cũng có những từ “dao to búa lớn” và thật kêu để khêu gợi tính tò mò của độc giả. Lấy giờ đọc lại kỷ hơn, chúng ta thấy những vấn nạn họ đưa ra không có gì ghê gớm lắm đâu, và những vấn đề đó có thể giúp mình tìm hiểu sâu xa hơn.

 Đọc đọan trích dẫn, tôi thấy ít nhất có hai vấn đề bài báo nêu ra làm bằng chứng điều tác giả muốn xác định : khác biệt giữa hai thánh sử Mátthêu và Luca khi viết lại thời thơ ấu của Đức Giêsu; và nơi Người sinh ra là Nazareth. Nói chung những khó khăn trên đến từ Tin Mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu.

 1. Tin Mừng thời thơ ấu.

 Văn bản Tin Mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu thường gây nổi hoang mang với những dữ kiện như ngôi sao soi dẫn các nhà thông thái, các lần Thiên thần xuất hiện... Người ta cho điều này mang nhiều việc kỳ diệu. Thật ra vấn nạn Tin Mừng thời thơ ấu gây ra thuộc lãnh vực kỹ thuật văn chương nhiều hơn.

 Tin Mừng Máccô ra đời khỏang năm 65, bắt đầu từ việc Gioan tẩy gỉa giảng dạy, Chúa chịu phép rửa, chịu cám dổ, rồi tiếp dẫn đến việc Chúa sống lại. Đó là truyền thống lúc ban đầu, còn gọi là Kerygma (Lời rao giảng tiên khởi). Tin Mừng Mátthêu và Luca xuất hiện vào khỏang năm 80, theo cùng một bố cục của Máccô, nhưng họ thêm vào đó hai chương đầu ghi lại thời thơ ấu Đức Giêsu. Sự kiện đã xảy ra được 80 năm, tức là 50 năm sau biến cố Phục Sinh. Điều này cũng thường thấy xảy ra theo luật chung của lịch sử. Người ta chỉ viết tìm viết lai lịch, nhất là về tuổi ấu thơ khi họ nhận ra tầm quan trọng của đương sự.

 11. Những dị biệt giữa Mátthêu và Luca.

 Theo Luca, mọi việc bắt đầu từ Nazareth với Đức Maria qua trình thuật Truyền tin : “Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nazareth”(1,16). Sau đó, Đức Maria lên Bethlehem vì lệnh kiểm tra dân số. Tại đây, Đức Giêsu sinh ra, 40 ngày sau được dâng tại Đền thánh và gia đình trở lại Nazareth : “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nazareth, miền Galilê” (2,39).

 Theo Mátthêu, mọi việc lại khởi đầu ở Bethlehem. Tác giả không nói việc Truyền Tin cho thánh Giuse xảy ra ở đâu. Đức Giêsu cũng sinh ra ở Bethlehem; sau đó các nhà chiêm tinh hành trình tìm Chúa, rồi xảy ra việc tàn sát các hài nhi. Thánh gia phải trốn lánh qua Ai Cập một cách vội vã. Khi Hêrôđê mất, gia đình trở về nhưng Giuse còn sợ nên không trở về miền Giuđê nhưng qua sinh sống bên Galilê, ở làng Nazareth : “Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth” (2,22-23). Theo Mátthêu, gia đình Đức Giêsu đã cư ngụ ở Bethlehem, và nếu đến Nazaretht ở cũng vì tránh trở về Giuđê.

 Ngoài ra, nếu xếp các sự kiện theo Luca như vậy phải đặt việc tàn sát các hài nhi và cuộc lánh qua Ai cập vào lúc nào. Nếu đặt vào từ lúc sinh ra cho đến 40 ngày sau sẽ không đủ thời gian qua Ai cập rồi trở về; nếu đặt vào thời điểm sau đó cũng không ổn vì theo Luca sau khi dâng Hài nhi tại Đền Thánh, gia đình lại trở về Nazareth. Khi đối chiếu Matthêu-Luca, có điểm dị biệt thật sự về Nazareth.

 Trước vấn nạn này, có tác giả đưa ra giả thuyết cho Đức Maria ở Nazareth và thánh Giuse ở Bethlehem; và Đức Maria đã sinh Đức Giêsu tại một gian phòng ? nhà thánh Giuse. Giả thuyết này có thể giải thích được điểm dị biệt nhưng lại không ăn khớp với các điểm khác. Vì thế đúng hơn nên nhìn nhận có sự lẫn lộn về địa lý khi Mátthêu ghi ở câu 2,23 : “… và đến ở tại một thành kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nazareth”. Câu này đưa Nazareth như dấu chỉ quan trọng vì được Thánh Kinh nói đến, thật ra Nazareth là một thị trấn không tên tuổi trong Cựu ước, cũng như không được các sử gia thời bấy giờ biết đến; Nazareth chỉ là một làng nhỏ nằm trong những ngọn đồi miền Galilê có từ thế kỷ thứ VIII trước công nguyên. Những ngọn đồi Galilê được biết đến như phần đất được trao cho bộ tộc Zabulon và Issakar ghi trong sách Giosuê 19,10-23. Dân làng sống trong hang, vì thế làng gồm khỏang 20 nhà hang, với máy ép và bồn chứa lúa đục trong đá. Thêm nửa câu “… để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ ..” cũng không thấy Cựu ước nói đến ở đọan nào cả. Vì thế câu này thường coi như được tác giả Tin Mừng sọan ra cho bối cảnh.

 Ngòai ra, từ “người Nazareth” tương ứng với một từ Hípri mang ý nghĩa “chồi gốc, nẩy mầm”, và tương quan giữ hai từ cho ý nghĩa thừa tự, nên có tác giả theo chú giải đến từ thánh Giêrôminô liên tưởng đến lời sấm theo Ngôn sứ Isaia 11,1: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”. Lc 18,37 cũng cho liên hệ rõ rệt giữa “người Nazareth” và “con vua Đavít”. Trong Tin Mừng Đức Giêsu thường gọi là “người Nazareth” (Ga 19,19). Sau này, thánh Phaolô được coi như đứng đầu nhóm người Nazareth (Công vụ 24,5). Sau này khỏang năm 135, nhóm Kitô hữu giữ luật Do thái cũng được gọi là Nazareth như giám mục Epiphane thành Salamine ghi trong tác phẩm Panarion (XIX,1).

 Với những liên hệ vừa nêu trên cho nên có nhiều lý chứng để có thể nói có một làng người Nazareth ở miền Galilê và từ đó mang tên là Nazareth. Một vài chỉ số giúp nhận giả thuyết này : sự lẫn lộn về thời gian thánh Giuse về định cư tại Nazareth được quy lại nơi sự việc Luca không rõ ràng; và nhìn nhận ở miền Giuđê cũng có một làng của người Nazareth, không xa với làng Bethlehem. Điều này cũng có thể dễ dàng chấp nhận, vì trong một văn bản Tin Mừng Luca cổ được giáo phụ Justin (qua đời khỏang năm 163) xác nhận không có từ Galilê như trong văn bản hiện tại : “Bởi thế, ông Giuse từ thành Nazareth, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bethlehem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai” (Lc 2,4-5). Trong khi đó, văn bản Luca cổ ghi như sau : “Thời bấy giờ, César Auguste hạ lệnh tất cả mọi người về xứ sở của mình đóng tiền cho vị tổng trấn và nhìn nhận phục tùng César. Vì lý do đó ông Giuse và bà Maria đang mang thai từ Nazareth trở về Bethlehem để được nhìn nhận trong xứ sở của mình”. Giả thuyết này vững khi sau này, giáo phụ Eusèbe trong bộ sử cũng ghi gia đình Đức Giêsu có gốc gác ở các làng mạc do thái từ Nazara, và Kokhaba ở miền Batanê (Golan). Kokhaba nguyên từ Híp ri có nghĩa “ngôi sao” gợi ý đến ngôi sao thiên sai được loan báo trong sách Dân số 24,17: “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítraen…” Điều này xác nhận một số làng mạc thường mang tên rút ra từ niềm hy vọng của dân chúng (theo Etienne Nodet, Histoire de Jésus, Cerf, Paris 2003, trang 108-129).

 Chúng ta vừa duyệt xét qua một điểm mâu thuẩn giữa Mátthêu và Luca, chứng tỏ có sự độc lập không ảnh hưởng lên nhau giữa truyền thống đến từ Mátthêu và truyền thống đến từ Luca. Và khi các truyền thống ấy gặp gỡ nhau còn chứng tỏ có thêm một truyền thống xa xưa hơn nữa.

 12. Những tương đồng giữa Mátthêu và Luca.

 Khi hai Tin Mừng độc lập lại gặp nhau ở một số điểm, hẳn truyền thống dị biệt phải lệ thuộc vào một truyền thống chung.

 - Đức Maria, một trinh nữ thụ thai bởi Chúa Thánh Thần.

 - Tên cha mẹ Đức Giêsu là Giuse và Maria.

 - Giuse thuộc dòng dõi Đavít, một sự kiện rất quan trọng trong xứ Palestine; Hai tác giả cùng đồng ý nhưng kể lại một cách khác nhau.

 Mátthêu là người Do thái, viết Tin Mừng cho người Do thái mang não trạng đông phương nơi phụ nữ không được lưu ý, vì thế tác giả chỉ nói thiên thần xuất hiện báo tin cho ông Giuse. Luca là người Hy lạp viết Tin Mừng cho người Hy lạp, nên để ý nhiều hơn đến phụ nữ và thuật việc báo tin cho Đức Maria.

 Những điểm cả hai bản văn đều đồng ý, cho biết họ hẳn lệ thuộc một truyền thống trước đó. Vì Mátthêu và Luca viết Tin Mừng vào khoảng năm 80, nên chắc chắn đã có một nguồn tài liệu lưu hành ở Palestine, một sự việc đã từng được nói đến trong giáo hội ở Palestine vào khoảng các năm 50 - 60, nghĩa là 20 đến 30 năm trước khi có Tin Mừng Mátthêu và Luca.

 2. Gia đình và nơi sinh.

 Đức Giêsu, tiếng Hípri gọi J 'hoshua = Giavê cứu chữa; tiếng Aramê= Jesua hay Jesu. Cha tên Joses (Giuse). Trong Tin Mừng, thiên hạ cho Đức Giêsu là con ông Giuse (Lc 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42). Mátthêu và Luca còn cho biết thêm ông Giuse, chồng bà Maria, nhưng không phải cha ruột Đức Giêsu, bởi vì bà Maria thụ thai do sự can thiệp của Chúa Thánh thần (Mt 1,16.18; Lc 1,26-38).

 Mẹ tên Mirjam (Maria). Nguyên gốc Hípri "Mirjam", và thời Tân ước là một tên gọi rất thông thường. Trong Cựu ước, chị ông Môsê và Aarôn tên "Myriam, con gái ông Amran và bà Giôkebét thuộc chi họ Lêvi" (Ds 26,59; Xh 2,18); cũng vì vậy các nhà chú giải cho tên có nguồn gốc Ai cập "Meri" có nghĩa người được sủng ái. Từ nguyên Hípri "Mirjam" có nguồn gốc "Ra'ah" (= thấy) mang nghĩa người có thiên nhãn. Luca ghi hai lần tên Maria nhưng không cho biết chi tiết về gia đình, nhân đức và tình cảm của Ngươi. Vì có nhiều phụ nữ cùng mang tên Maria, nên trong Tân ước thường thấy các tác giả thêm tên chồng hay tên quê quán vào để dễ phân biệt : Maria Magdala, Maria Bêtania (chị bà Mátta), Maria Salômê... Theo Tin Mừng Mátthêu 2,1, Đức Giêsu sinh tại Bethlehem thời "vua Hêrôđê trị vì", đó là Hêrôđê cả, bố vua Hêrôđê ÁckhêLao (Mt 2,22). Tin Mừng Luca cũng mang công thức tương tự duy chỉ có một chút xíu khác biệt, tác giả nói rõ thêm "vua Hêrôđê, cai trị vùng Giuđê". Luca 3,23 lại ghi "khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi". Người bắt đầu sứ vụ vào năm 27, vậy năm sinh sẽ là năm thứ 4 trước công nguyên. Ngày sinh của Đức Giêsu không thể nào biết rõ hơn. Tin Mừng Mátthêu 2,1 và Luca 1,5.26 chỉ nói trống dưới thời vua Hêrôđê. Ngày tháng sinh cũng không rõ. Đối với các thánh sử cũng như các cộng đòan tín hữu tiên khởi vấn đề ngày tháng năm sinh không quan trọng. Thời đó, 3 đại Lễ người Kitô hữu mừng kính hằng năm là lễ Vượt Qua, lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống (Origène, Contra Celsum VIII,12.13). Niên lịch chúng ta hiện dùng được soạn bởi tu sĩ Dionisius theo lệnh Đức Giáo hoàng Gioan I vào năm 525. Ông dựa theo những dữ kiện Tin Mừng, và tính Đức Giêsu ra đời vào năm 753 theo niên lịch La mã. Vì thế năm 754 theo lịch La mã khởi đầu niên lịch Kitô giáo. Tuy nhiên, ngày nay các sử gia đều cho rằng tác giả đã tính sai đi mấy năm.

 21. Nơi sinh.

 Theo Mátthêu và Luca Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem xứ Giuđê. Duy có một chút khác biệt, theo Mátthêu (2,11) khi Đức Giêsu ra đời, cha mẹ đã ở Bethlehem (miền nam); còn theo Luca (1,26.39; 2,4) hai ông bà sinh sống tại Nadarét (miền bắc), phải đi về Bethlehem làm kiểm tra thực hiện thời ông Quirinius làm tổng trấn xứ Syrie. Theo Luca, Nazareth là nơi cư ngụ của cha mẹ Ngài; Theo Mátthêu, đó là nơi lánh nạn để khỏi phải đến ở Giuđê. Nhưng cả hai đồng ý với nhau ở điểm Đức Giêsu sống thời thơ ấu ở Nazareth. Hôm nay, một số sử gia đặt lại vấn đề với 3 lý do chính :

 - Dường như Gioan không biết nơi Đưc Giêsu sinh ra, và tại sao ?. Khi ông Philipphê gặp ông Nathanaen và nói mình đã gặp được Đấng mà ông Môsê và các Ngôn sứ loan báo là « Đức Giêsu, con ông Giuse, thành Nazareth » ; Nathanaen đáp lại : « từ Nazareth làm sao có cái gì hay được ». Ở đọan dân chúng tranh luận về nguồn gốc của Đấng Kitô, và ông Nicôđêmô muốn bênh đở cho Đức Giêsu liền bị nhóm Pharisêu trả lời : « Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả ? » (7,52). Qua hai đọan vừa nêu, Gioan đã bỏ hai cơ hội để cho biết Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem ; nhất là trong trình thuật tranh luận về nguồn gốc của Đấng Mêsia (7,40-42), tác giả nê lên sự tranh cải trong đám dân chúng "Ông này là Đấng Kitô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bethlehem, làng của vua Đavít sao? ". Điều này chứng tỏ Gioan không biết đến truyền thống cho Đức Giêsu thuộc dòng dõi Đavít ; sau này trong trình thuật Thương Khó, Gioan lại còn xác định câu Đức Giêsu trả lời Philatô « nước tôi không thuộc về thế gian này » (18,36).

 - Tại sao Đức Giêsu lại thường được gọi Giêsu Nazareth (Mc 1,24; Mt 21,10-11), và Nazareth là một làng nhỏ chẳng có tiếng tăm gì (Ga 1,46).

 - Tổng trấn Quirinius thật sự có làm tổng trấn xứ Xyri, nhưng yếu tố lịch sử do Luca đưa ra không đúng lắm. Quirinius không thể nào làm kiểm tra khi Hêrôđê cả còn thời Đức Giêsu sinh ra. Theo lịch sử, Quirinius làm tổng trấn Xyri khi Áckhêlao bị người La mã hạ bệ năm thứ 6 sau công nguyên; Quirinius chỉ thực hiện cuộc kiểm tra 10 năm sau khi Hêrôđê cả qua đời năm 750 theo lịch Rôma, năm thứ 4 trước công nguyên.

 Với những lý do trên, nên có một số tác giả nghĩ rằng Đức Giêsu sinh trưởng tại Nazareth. Và hai tác giả Nhất Lãm ghi Đức Giêsu sinh ra tại Bethlehem cho ý nghĩa thần học nhiều hơn, đáp ứng câu sấm Ngôn sứ Mikha 5,1 :"Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen..." . Gỉa thiết không vững, vì khi đọc các bản văn Do Thái đương thời, chẳng ai quan tâm về nơi chốn Đấng Thiên Sai phải sinh ra. Ngược lại, như Gioan ghi :“Đấng Thiên Sai, khi Ngài đến, thì người ta không biết từ đâu mà đến“ (7, 27). Đây là một quan niệm cổ xưa được nhiều văn bản Do thái chứng thực. Người Do thái đợi chờ Đấng Thiên Sai như một người trưởng thành, một vị chỉ huy trận mạc, cho nên tuổi thơ, nơi sinh ra không quan trọng. Vì vậy không phải vì sấm ngôn Mikha nên các tác giả sắp xếp Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem, nhưng vì Đức Giêsu sinh ra ở Bethlehem nên người ta đi truy tìm lại sấm ngôn Mikha. Khi người Do thái đọc câu sấm Mikha họ hiểu Đấng Thiên Sai là hậu duệ Đavít. Ngài sinh ra ở Bethlehem theo nghĩa thuộc dòng dõi Đavít. Họ không đọc sấm ngôn Mikha như sự loan báo về nơi chốn Đấng Thiên Sai phải sinh ra.

 Đức Giêsu thuộc dòng dõi Đavít là một đề tài thần học quan trọng trong Mátthêu. Dù vậy, không thể kết luận nó được tác giả bịa ra, vì Phaolô cũng nhắc tới trong thư gửi Rôma 1,3 : "xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít". Sau này, hai bảng gia phả theo Mátthêu 1,1-17 và Luca 3,23-38, dòng dõi Đavít cũng được lấy làm yếu tố chung. Vào thế kỷ thứ II, giáo phụ Hégésippe khi nói đến các con cháu ông Giuđa còn được gọi "Người anh em của Đức Giêsu theo xác phàm". Hégésippe ghi những người bà con của Đức Giêsu bị kết án trước hoàng đế Domitien (81-96) như thuộc "dòng dõi Đavít ". Những chứng từ này cho biết gia đình Đức Giêsu thật sự xuống từ dòng dõi Đavít, và việc Người sinh ra từ Bethlehem cũng thuộc truyền thống.

Lm Thêôphilô

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art