HỎI: Thưa cha, tại sao phải chầu Mình Thánh Chúa và truyền thống này có từ bao giờ? Sự cần thiết phải chầu Mình Thánh Chúa và viếng Thánh Thể?
Một giáo dân
ĐÁP: Có thể trả lời vắn tắt cho thắc mắc của bạn: sở dĩ có việc chầu Mình Thánh Chúa và viếng Thánh Thể vì Giáo Lý Công Giáo dạy rằng sau khi được truyền phép trong thánh lễ, bánh và rượu trở thành Mình và Chúa Kitô, và Chúa hiện diện thực sự dưới hai hình này. Công đồng Trento dạy: Sự hiện diện của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể bắt đầu vào lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh và rượu còn tồn tại. Chúa Kitô trọn vẹn hiện diện trong hình bánh và hình rượu, và trong mỗi phần, vì thế, việc bẻ bánh ra nhiều phần không phân rẽ Chúa Kitô (DS 1641).
Một câu chuyện:
Năm 1848, từ khi một trung đoàn được chuyển từ Paris về Orléans, thì cha sở chính tòa nơi đó ngạc nhiên vì mỗi ngày từ 1 đến 3 giờ chiều, cha đều thấy một binh sĩ quần áo chỉnh tề, đứng nghiêm như tượng gỗ giữa nhà thờ, trước bàn thờ chính. Cha sở muốn biết chàng lính đó là ai và tại sao chàng đứng như vậy mỗi ngày.
Một hôm có viên đại úy cùng bà vợ đạo đức đến viếng nhà thờ chính tòa. Cha sở mời viên sĩ quan vào nhà thánh, kể đầu đuôi câu chuyện và yêu cầu ông ở lại một lát để xem người lính đó là ai. Quả thực, chuông nhà thờ vừa điểm một tiếng, thì chàng lính mở cửa vào nhà thờ, cầu nguyện một lát, rồi chàng ta tiến đến vị trí như mọi khi, đứng nghiêm chỉnh. Viên đại ý vừa thấy vội kêu lên: "Ô, tưởng ai chứ hóa ra là người lính rất thân tín của con! Anh ta rất can đảm và trung thành”. Rồi ông gọi người lính tới và hỏi:
- Chú làm gì ở đây vậy?
Người lính đáp:
- Thưa đại úy, em đến đây để gác hai giờ cho Chúa. Đại úỵ coi, mấy ông lớn đều có lính hầu và người canh gác: ở Paris, tổng thống có 4 người canh, ơ đây, ông tướng có 2, đại tá có 1, đức giám mục cũng có 1. Chúa còn lớn hơn tất cả, vậy mà không có người nào đứng hầu và canh gác cả, nên em tình nguyện làm lính hầu và canh gác cho Chúa mỗi ngày hai tiếng. Em thấy thời gian tôn vinh Chúa như thế không có lâu la chi, vì em yêu mến Chúa, cũng như đại úy yêu Chúa vậy” (Récomp. Hebdom. số 78)
Thái độ thơ ngây của chàng lính trên đây có lẽ làm cho người nghe nghĩ rằng chàng ta không bình thường. Nhưng thật ra, hành động của chàng chứng tỏ một lòng yêu mến và niềm tin mãnh liệt về sự hiện diện đích thực của Chúa Kitồ dưới hình bánh trong Nhà Tạm. Niềm tin đó cũng là nòng cốt giáo lý của Hội Thánh Công Giáo về sự hiện diện thực của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể.
Sự hiện diện của Chúa
Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể bằng nhiều cách. Ngài hiện diện trong chính cộng đoàn cử hành, vì như Chúa đã nói: "đâu có hai hay ba ngươi họp nhau lại nhân danh Thày, thì Thày ở giữa họ” (Mt 18,20)). Chúa cũng hiện diện trong Lời Ngài và trong người thi hành thừa tác vụ tư tế. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta, mời gọi chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể, hoạt động trong Thánh Thể; chính Ngài tự hiến cho Chúa Cha và hiến mình cho chúng ta. Nhất là Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong Thánh Thể do sự kiện lời truyền phép được tuyên đọc trên bánh và rượu, và do những lời ấy, Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện dưới hình bánh và hình rượu (cf sc 7). Sự hiện diện đích thực này của Chúa Giêsu Kitô là trọng tâm của bí tích Thánh Thể, là bí tích trổi vượt hơn các bí tích khác, vì thông truyền cho chúng ta không những hoa trái của công trình cứu độ, nhưng còn làm cho chính nguồn ơn cứu độ là Chúa Giêsu Kitô đích thân hiện diện một cách đặc biệt.
Theo giáo huấn của Hội Thánh, sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Kitô dưới hình bánh rượu có nền tảng nơi lời Chúa Giêsu phán: ”Đây là mình Thày... Đây là máu Thày” (Mc 14,22.24). Trong ngôn ngữ của người Do thái, từ "mình” không phải chỉ diễn tả một phần của con người, nhưng toàn thể con người ấy, hiện diện một cách cụ thể dưới hình hài thể xác. Vì thế khi Chúa nói: ”Đây là mình Thày, cho các con” (1 Cr 11,24), hoặc ”Này là mình Thày đã bị nộp vì các con” (Lc 22,19), hiển nhiên là Chúa Giêsu Kitô muốn nói về sự hiện diện thực sự của Ngài, Đáng tự hiến làm tỏ lòng hy sinh vì chúng ta, Cũng vậy, từ "máu”, theo ngôn ngữ Do thái, có nghĩa là nguồn lý sống của con người. Do đó, thành ngữ máu ”đổ ra cho nhiều người” (Mt 26,28) có nghĩa là chính Chúa Giêsu Kitô tự hiến mạng sống vì chúng ta.
Vì vậy, theo lệnh Chúa Giêsu, khi Giáo Hội lập lại những lời Chúa đã nói hôm trước ngày ra đi chịu nạn, Giáo Hội không chỉ kể lại Bữa Tiệc Ly mà thôi, nhưng còn ”loan báo cái chết của Chúa cho đến khi Ngài lại đến” (1 Cr 11,26). Vì thế, trình thuật về việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể là một lời cầu nguyện chúc tụng trên bánh và rượu, được đọc lên nhân danh Chúa Giêsu Kitô, và nhờ đó, dưới hình bánh và hình rượu, Mình và Máu Chúa Kitô, tức là chính bản thân Chúa được biểu lộ một cách cụ thê dưới hình thể thân xác, được hiện diện trong động tác qua đó Ngài tự hiến cho chúng ta.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể không diễn ra một cách ma thuật hoặc máy móc. Trái lại, sự hiện diện ấy là kết quả của lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa Cha nhân danh Đức Giêsu Kitô, đó là lời nguyện cầu xin ơn Thánh Thần (épiclèse). Trong suốt cuộc đời, Chúa Giêsu đã chu toàn mọi hoạt động của Ngài trong Chúa Thánh Thần; đặc biệt cũng trong Thánh Thần mà Ngài tự hiến làm hy lễ (Dt 9,14). Nhờ Thánh Thần, Ngài luôn hiện diện trong Giáo Hội và trong thế giới. Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể cũng được thực hiện nhờ quyền năng của Thánh Thần. Vì thế, trước khi đọc lời truyền phép, vị Linh Mục đọc rằng: ”Vì thế, chúng con xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, cho chúng con được hưởng nhờ” (Kinh nguyện Thánh Thể II).
Thánh Gioan Kim Khẩu cũng dạy rằng: “Không phải con người làm cho những lễ vật được trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng chính Chúa Kitô Đấng đã chịu đóng đanh vì chúng ta. Linh mục, hình ảnh của Chúa Kitô, đọc lên những lời truyền phép, nhưng hiệu năng của những lời ấy và ơn thánh là của Chúa” (Prod. Jud.l,6)
Bênh vực đạo lý
Qua dòng lịch sử, Giáo Hội đã phải nhiều lần bênh vực và đào sâu ý nghĩa sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể. Ngay từ các cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể, hồi thế kỷ thứ 9 và 11, Giáo Hội đã phải phản ứng chống lại quan niệm coi Thánh Thê chỉ là những biểu tượng sự hiện diện thiêng liêng của Chúa Giêsu mà thôi, chứ không phải sự hiện diện thực sự. Giáo Hội cũng đã phản ứng chống lại một lối giải thích duy vật, giống như những người ở Capharnaum xưa khi nghĩ rằng họ có thể tiếp nhận Chúa Kitô trong Thánh Thể như ăn một miếng bánh tự nhiên (Xc Ga 6,52). Đứng trước hai sai lầm đó, Công đồng chung Laterano thứ 4 vào năm 1215 đã trình bày giáo lý về sự biến thể (transsubstantiation) của bánh và rượu, đồng thời khẳng định rằng: ”Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, trong bí tích Bàn Thánh, thực sự được chứa đựng dưới hình bánh và rượu, bánh được biến thể thành Mình Thánh và rượu được biến thành Máu, nhờ quyền năng của Chúa” (DS 802)
Lập trường của Tin Lành
về sau, trong các tranh luận với người Tin Lành cải Cách hồi thế kỷ 16, Giáo Hội lại phải trở lại những vấn đề trên đây. Đứng trước quan niệm của hai nhà cải cách: Zwingli và Luther coi sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể chỉ có tính cách tượng trưng, Giáo Hội tái xác quyết sự hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Nhưng Giáo Hội cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện đó của Chúa Giêsu, trong tư cách là một ”mầu nhiệm đức tin”, thuộc một loại đặc biệt và không thể sánh ví với sự hiện diện nào khác. Trong sắc lệnh về Bí tích Thánh Thể, Công đồng Trento khẳng định rằng: Giáo Hội ”dạy và công khai tuyên xưng rõ ràng rằng, trong Bí Tích Thánh Thể đích thực, sau khi truyền phép bánh và rượu, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Thiên Chúa thật và là người thật, hiện diện thực sự, đích thực, dưới hình những thực tại khả giác đó” (DS 1636).
"Do sự thánh hiến bánh và rượu, diễn ra một sự thay đổi toàn thể bản chất của bánh thành bản chất của Mình Đức Giêsu, Chúa Chúng ta, và toàn thể bản chất của rượu thành bản chất Máu Chúa; sự thay đổi đó, được Giáo Hội Công Giáo gọi một cách chính xác là sự biến thể” (DS 1642).
Lai lịch việc chầu Mình Thánh Chúa
Trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, Mình Thánh Chúa chỉ được giữ lại cho các bệnh nhân hoặc những người vắng mặt. Các tín hữu Chính Thống ngày nay vẫn còn giữ thói quen này và chỉ giữ Mình Thánh Chúa để ban phát cho bệnh nhân, và họ giữ một cách đơn sơ, đặt trong ngăn kéo tủ, chứ không trang trọng như trong Giáo Hội Công Giáo.
Trong Giáo Hội Tây Phương, từ thế kỷ 11 trở đi, các tín hữu càng ngày càng nhận thức về ý nghĩa sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể và từ đó sự thờ lạy Chúa Kitô trong Nhà Tạm ngày càng phát triển và các tín hữu xác tín sự hiện diện sinh động của Chúa Giêsu trong Thánh Thể không phải chỉ dành cho các bệnh nhân mà thôi, nhưng còn cho tất cả mọi tín hữu, để họ kín múc từ đó nghị lực thiêng liêng cho đời sống Kitô của họ.
Vào khoảng năm 1040, có lạc giáo của linh mục Beranger thành Tours phủ nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể, nhưng đạo lý truyền thống của Giáo Hội về vấn đề này lại được tái khẳng định năm 1050 và 1051 tại Vercelli bắc Italia và tại Paris. Những Nhà Tạm đầu tiên được thực hiện và có hình như những chiếc khám hoặc hình chim bồ câu bằng kim loại quý giá treo trên bàn thờ.
Lòng sùng kính Thánh Thể
Trong các hình thức sùng kính Thánh Thể, người ta đặc biệt phải kể tới việc Rước lễ thiêng liêng, được biểu lộ qua lòng ao ước ước đón nhận Mình Thánh Chúa nhưng không thể thực hiện được vì những lý do không tùy thuộc ý chí của đương sự.
Công đồng chung Trento, trong sắc lệnh về bí tích Thánh Thể dạy rằng: ”về việc sử dụng bí tích Thánh Thể, các nghị phụ có lý và khôn ngoan phân biệt ba cách rước lễ. Các ngài dạy rằng: một số người chỉ rước lễ một cách bí tích (sacramentalmente) như trường hợp những tội nhân; có những người khác chỉ rước lễ thiêng liêng, nghĩa là những người chỉ ăn bánh thiên quốc bằng ước muốn và bằng đức tin sống động, và họ cũng được những lợi ích; những người thứ ba vừa rước lễ thực sự theo bí tích và rước lễ trong ý hướng, họ là những người trước đó đã xét mình và chuẩn bị xứng đáng để có thể đến bàn tiệc thánh với lòng ao ước” (DS 1648).
Rước lễ thiêng liêng là việc đạo đức rất được các thánh nhân và các tín hữu nhiệt thành thực hành. Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars nói rằng: ”việc rước lễ thiêng liêng giống như một hơi thổi trên lửa bị lớp tro phủ lên và đang bắt đầu nguội. Khi chúng ta cảm thấy tình yêu Chúa bắt đầu nguội, thì hãy mau rước lễ thiêng liêng.”
Trong kỳ đầu của đại dịch Covid-19, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc bị hạn chế, các tín hữu không được dự lễ trực diện, nhưng thường qua các phương tiện truyền thông và trong những dịp đó họ rước lễ thiêng liêng như chính ĐTC Phanxicô vẫn cử hành thánh lễ và đau đó đặt Mình Thánh Chúa cho các tín hữu thờ lạy cũng như đọc kinh rước lễ thiêng liêng.
Sau cùng, còn phải kể đến thói quen viếng Thánh Thể, vốn là việc đạo đức hàng ngày của những tâm hồn hướng đến sự trọn lành. Cuộc gặp gỡ âm thầm với Chúa Kitô hiện diện trong Nhà Tạm là phương thế rất phúc lợi để duy trì và phát huy tình yêu Chúa, mang lại an bình, sự nâng đỡ tinh thần cho tâm hồn và nghị lực để phục vụ tha nhân và Giáo Hội. Mẹ Têrêxa Calcutta cũng như ĐTC Gioan Phaolô II và ĐTC Phanxicô đương kim cũng như bao nhiêu tín hữu khác vẫn thực hành việc đạo đức này như một nguồn sinh lực cho các hoạt động tông đồ và mục vụ của các vị.
Cũng nên nói thêm rằng trong Tin Lành, không có việc chầu Mình Thánh Chúa và viếng Mình Thánh, vì các tín hữu ấy không tin Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể và cho rằng Chúa chỉ hiện trong lúc các tín hữu cử hành lễ (Bữa Tiệc ly)...
Bình An (Báo Mục vụ Thụy Sĩ)