Hỏi: Thưa cha, khi học giáo lý hồi con nhỏ, con thường nghe Kinh Thánh khác với các sách thường vì đó là những sách được Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả viết ra. Vậy linh hứng là gì thưa cha?
Một giáo dân
Xác tín chung
Một xác tín chung của các tín hữu Kitô gồm Công Giáo, Chính Thông và Tin Lành, cũng như các tín hữu Do thái, là: Kinh Thánh chính là Lời Thiên Chúa nói với con người.
Thánh Phaolô tông đồ trong thư thứ 2 gửi ông Timôthê, đã quả quyết ”Toàn thể Kinh Thánh đã được Thiên Chúa linh hứng” (2 Tim 3,16). Trước đó, trong đoạn 2 của thư gửi tín hữu thành Tessalonica, thánh Phaolô đã biểu lộ cùng một xác tín như vậy khi ngài viết: "Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa vì chúng tôi rao giảng Lời Thiên Chúa cho anh chị em và anh chị em đã tin nhận, không phải như lời của người phàm, nhưng như lời thực sự của Thiên Chúa. Những lời ấy hằng tác động trong anh em là những người đã tin” (1 Tess 2,13).
Về phần thánh Phêrô tông đồ, trong thư thứ hai của ngài, thường đặt các thư của thánh Phaolô ngang hàng với Kinh Thánh và đã khiển trách những người bóp méo thư của Phaolô. Thánh Phêrô viết trong đoạn thứ hai của bức thư đó như sau: "Vì thế, hỡi các bạn, trong cuộc chờ đợi này, các bạn hãy cố gắng để khi Chúa đến, Ngài thấy các bạn thanh sạch, tinh tuyền, trong an bình. Và các bạn có lý khi nói lòng khoan dung kiên nhẫn của Chúa là vì phần rỗi của các bạn! Cũng theo ý hướng đó mà Phaolô, người anh em và bạn của chúng tôi, đã viết cho các bạn, theo sự khôn ngoan người đã nhận lãnh. Đó cũng là điều mà Phaolô đã nói trong các thư của Người về vấn đề này: trong thư có những đoạn khó hiểu mà những kẻ dốt nát vô học đã bóp méo ý nghĩa, cũng như họ đã làm với các đoạn Kinh Thánh khác, và vì thế họ đi đến chỗ diệt vong” (2 Pet 3,14-16)
Cũng trong bức thư thứ hai, thánh Phêrô còn cảnh cáo những người muốn giải thích Kinh Thánh theo ý riêng, đồng thời ngài khẳng định Kinh Thánh đã được các thánh sử viết ra theo ơn linh hứng của Chúa. Thánh nhân viết: “Trước hết, anh em hãy nhớ: không ai được theo ý riêng mà giải thích các lời tiên tri, vì lời tiên tri không xuất phát do ý muốn của người phàm, nhưng đã được tuyên bố nhân danh Chúa bởi những bậc thánh được Chúa thánh thần soi sáng” (2 Pet 1,20-21). Công đồng chung Vatican 2.
Dựa vào những giáo huấn trên đây và nhiều chứng từ khác, công đồng chung Vatican 2, trong hiến chế tín lý về mạc khải ”Dei Verbum” (Lời Chúa) đã long trọng quả quyết: "Những gì Thiên Chúa mạc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh thần. Vì vậy, Giáo Hội Mẹ Thánh, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các thành phần đều là sách thánh và được ghi vào bản chính lục Thánh Kinh: bởi lẽ chúng được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh thần, nên tác giả các sách ấy chính là Thiên Chúa và chúng được lưu truyền cho Giáo Hội với tình trạng như vậy. Nhưng để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những người và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Ngài hành động trong họ và qua họ, họ viết ra như những tác giả đích thực biết những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (D.v.ll)
Linh hứng
Qua những lời trên đây, Công Đồng nêu bật sự kiện: linh hứng không có nghĩa là Thiên Chúa đích thân hoặc sai thiên thần hiện ra để đọc cho các thánh sử viết những điều Ngài muốn truyền dạy hoặc mạc khải. Công đồng cũng tránh dùng kiểu nói các thánh sử chỉ là ”dụng cụ”, hoặc là ”cây bút” của Thiên Chúa, vì kiểu nói này có thể làm cho người ta hiểu lầm vai trò của các thánh sử là quá thụ động. Trái lại, đoạn văn của Công Đồng muốn nói: Thiên Chúa đã chọn các thánh sử và dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ. Nghĩa là, các thánh sử viết ra theo kiến thức, giọng văn và khả năng riêng của họ, dùng tất cả những gì mình sở hữu, kể cả các câu truyện dụ ngôn, truyện cổ tích, trong các nền văn chương thời đó, để diễn tả một chân lý Chúa muốn tỏ lộ cho con người. Nói khác đi, Lời Chúa được truyền đến cho nhân loại không phải như một cuốn sách từ trời rơi xuống đất, nhưng Chúa nói với chúng ta qua lời nói của con người.
Thiên Chúa là tác giả thứ nhất của Kinh Thánh, nhưng điều này không có nghĩa là các sách đó không có những tác giả loài người.
Các vị này diễn tả lời Chúa qua ngôn ngữ thời đại họ sống, theo những điều kiện chính trị. xã hội và văn hóa của thời đó. Các thánh sử cũng dùng lối văn thông dụng của thời đại các vị. Nhận định về điểm này, hiến chế mạc khải “Dei Verbum” của công đồng chung Vatican 2 nêu rõ: Tính chất con người và sự ăn rễ sâu của Kinh Thánh trong lịch sử nhân loại nằm trong chương trình của Thiên Chúa hạ mình xuống chiếu cô tới con người. Sự hạ mình này đạt tới mức tột độ qua việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người, mặc lấy thân phận phàm nhân (Cf D.v 14, 15)
Cần phân biệt
Tính chất linh hứng của Kinh Thánh không có nghĩa là mọi điều trong các sách thánh đều phải là những chân lý khoa học, những biến cố lịch sử đã xảy ra. Lý do vì Kinh Thánh không nhắm trình bày những chân lý khoa học và lịch sử, nhưng nhắm biểu lộ những chân lý cứu độ. Nói khác đi, kể cả những đoạn sách Kinh Thánh dựa vào những câu chuyện dụ ngôn hoặc chuyện huyền thoại bình dân, cũng đều có tính cách linh hứng của Thiên Chúa, vì qua những câu chuyện này, tác giả sách thánh muốn diễn đạt những chân lý cao vời về Thiên Chúa. Ví dụ như những chương đầu của Sách Sáng thế, trình bày việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong 7 ngày.
Giáo Hội không hề dạy các tín hữu phải coi trình thuật này là trình thuật khoa học với những chi tiết xác thực về nguồn gốc vũ trụ và con người. Trình thuật này có thể là một câu chuyện dân gian đã có vào thời thánh sử và, do ơn linh hứng của Thiên Chúa, Ngài dùng câu chuyện đó để diễn tả chân lý Thiện Chúa là đấng Tạo Hóa, là chủ tể của vạn vật. Hoặc như câu chuyện trong sách tiên tri Giona bị cá biển nuốt trong 3 ngày. Đây cũng là một chuyện ngụ ngôn, chứ không phải là chuyện có thực. Nhưng tác giả sách thánh đã được Chúa linh hứng, dùng câu chuyện ngụ ngôn này để trình bày chân lý: Thiên Chúa muốn toàn thể các dân tộc hoán cải, tin nhận Danh Chúa, bắt đầu một cuộc sống mới, để khỏi bị diệt vong, trái lại được hạnh phúc tuyệt đối.
Vì thế, không hề có sự mâu thuẫn giữa sự chấp nhận có ơn linh hứng và sự chấp nhận các văn thể khác nhau của các sách trong bộ Kinh Thánh. Do ơn linh hứng của Chúa, Kinh Thánh hoàn toàn không chứa đựng sai lầm về những gì có liên quan tới ơn cứu độ. Cũng vì thế, tác giả thánh vịnh 119 đã thốt lên: ”Lời Chúa là đèn dọi soi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường cho con” (Ps 118, 105). Còn thánh Phêrô gọi lời các tiên trì ”Là ngọn đèn chiếu sáng trong nơi u tối, cho đến khi ngày rạng tỏ”, tức là cho đến khi có ơn cứu độ chung kết (cf. 2Pet 1,19)
Ảnh hưởng của Kinh Thánh
Trong lịch sử Giáo Hội, Kinh Thánh đã, đang và vẫn còn là cuốn sách biến đổi cuộc sống của hàng tỷ người, đã biến đổi bộ mặt lịch sử nhân loại và đã dẫn đưa bao nhiêu người đến hạnh phúc chân thật. Được như thế cũng là vì Kinh Thánh không phải chỉ là một tác phẩm văn chương hoặc giáo huấn tầm thường, nhưng là những tác phẩm được các thánh sử viết ra dưới ơn linh hứng của Thiên Chúa.
Báo ”Reader’s Digest” tuần báo nổi tiếng, với hàng chục triệu ấn bản bằng 37 thứ tiếng khác nhau, có thuật lại câu chuyện xảy ra tại đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối thế chiến thứ hai. Khi quân đội Mỹ chiếm được đảo này, họ thấy tình trạng xã hội và luân lý của người dân trên đảo suy đồi khủng khiếp. Một ngày nọ, toán quân Mỹ đi tới làng Shimbakuku, họ được hai người dân làng đón tiếp, một trong hai người mang theo một cuốn Kinh Thánh. Các quân nhân Mỹ sợ bị phục kích, nên họ rất thận trọng khi tiến vào làng. Họ rất ngạc nhiên khi thấy làng này rất ngăn nắp sạch sẽ, đồng ruộng được trồng cấy tử tế và mầu mỡ; mọi sự trong làng đều sạch và có thứ tự, trái ngược hẳn với những làng khác mà họ đã đi qua.
Một cụ già người Nhật giải thích cho những người lính Mỹ: Cách đó 30 năm về trước, có một nhà truyền giáo người Mỹ, trên đường đi tới Nhật Bản đã dừng lại tại làng Shimbakuku. Nhà thừa sai này chỉ lưu lại đủ thời gian để hoán cải được hai người, tức là hai cụ già đã đón chào đoàn quân Mỹ. Nhà truyền giáo dạy cho họ một ít kinh nguyện và thánh ca, cung như để lại cho họ một bản dịch kinh thánh bằng tiếng Nhật và dặn dò họ cố gắng sống theo những lời dạy trong đó. Mặc dù không được tiếp xúc với các tín hữu Kitô khác và chỉ được Thánh kinh hướng dẫn, hai người đó đã biến cải cộng đoàn dân làng của họ, đến độ không còn nhà giam, chẳng còn nhà điếm, không còn những người say sưa rượu chè hoặc nạn ly dị nữa; trái lại, dân chúng sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Quả thực đó là một ốc đảo tình thương và thanh sạch giữa một sa mạc đồi tệ.
Ký giả Clarence Hall đã thuật lại sự tích trên đây trong bài báo tựa đề ”Shimbakuku - Một làng sống Kinh Thánh”. Cuối bài tường thuật, ông đã ghi thêm một cảm tưởng ngạc nhiên của người tài xế tháp tùng ông: "Thành quả của một cuốn Kinh Thánh và của hai cụ già muốn sống như Chúa Giêsu thật lớn lao chừng nào! Có lẽ quân đội Mỹ chúng ta đang sử dụng loại khí giới sai lầm để thay đổi thế giới này!” (James A. Feehan, "Preaching in stories”, The Mercier Press, 1989, pp.26-27)
Dịch Kinh Thánh
Cũng chính vì xác tín Kinh Thánh là Lời Chúa được viết ra dưới linh hứng của Chúa Thánh Linh, nên từ lâu, nhiều tín hữu, qua các Hội Kinh Thánh, vẫn nỗ lực phổ biến các bản dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ trên thế giới.
Theo một bản tin phổ biến hồi cuối tháng 3 năm nay (2022), Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 719 ngôn ngữ trên thế giới, tức là tăng thêm 15 thứ tiếng so với tình trạng năm 2020.
Phúc trình thường niên 2021 của Hội Kinh Thánh the giới được Hội Kinh Thánh Đức công bố hôm 30-3-2022 tại thành phố Stuttgart, cho biết trong số các ngôn ngữ mới có Kinh Thánh trọn bộ, có tiếng Asturias ở miền bắc Tây Ban Nha, tiếng Santali ở nam Á châu, được sử dụng phần lớn ở miền Đông Ân độ, Bangladesh và Nepal.
Ngoài ra, Kinh Thánh được dịch ra, ít là một phần, trong 3.524 thứ tiếng, trong đó trọn Kinh Thánh Tân Ước được dịch ra 1.600 ngôn ngữ, qua đó các Hội Kinh Thánh đi tới 7 tỷ 600 triệu người trên trái đất.
Hội Kinh Thánh thế giới, gồm 160 thành viên, cho biết đang cố đạt tới mục tiêu: từ nay cho đến năm 2038, tức là trong vòng 16 năm nữa, Kinh Thánh, hoặc ít là một phần Kinh Thánh sẽ được dịch thêm ra 1.200 ngôn ngữ. Mục đích của Hội này là dịch, xuât bản và phổ biến Kinh Thánh (KNA 30-3-2022).
Báo Mục Vụ Thụy Sỹ