Thứ Sáu, 07 Tháng Giêng, 2022

Những kẻ thù của Thiên Chúa?

Những kẻ thù của Thiên Chúa?

HỎI: Thưa cha, trong Kinh Thánh có chỗ Chúa nói đến kẻ thù. Vậy mà Chúa là tình thương, sao lại còn có kẻ thù? Như thế phải hiểu thế nào về các kẻ thù của Thiên Chúa? P.N.T

ĐÁP: Quả thực, Kinh Thánh nhiều lần nói đến kẻ thù, sự thù nghịch giữa con người với nhau, nhưng cũng nói đến những kẻ thù của Thiên Chúa nữa.

Trong Kinh Thánh Cựu ước

Kẻ thù của Thiên Chúa, trước tiên, được hiểu về Satan. Nguyên ngữ Do thái của từ ”Satan” có nghĩa là ”đối thủ” (adversaire), hoặc là “kẻ tố cáo” (accusateur) (Tv 109,6). Satan có nhiều biểu hiệu khác nhau. Con rắn trong vườn Địa Đàng chỉ là biểu hiệu đầu tiên của hắn. Trong lời tựa của sách Ông Gióp (1,6-12), Satan được mô tả như một thành viên của triều đình của Thiên Chúa, nhưng hắn không ngừng tố cáo ông Gióp và không tin nơi sự công chính của ông. Đế thi hành công việc này, hắn có quyền gây tai ương cho con người như bệnh tật, thiên tai. Sách Khôn Ngoan (2,24) dạy rằng sự chết đi vào thế gian là do sự ghen tương của ma quỷ. Cựu ước cũng nói tới những cá nhân hoặc dân tộc là kẻ thù của Thiên Chúa, vì họ chống lại Dân mà Chúa đã đặc biệt kết ước với họ. Thiên Chúa phán: ”Nếu thực sự ngươi nghe lời Người (sứ giả của Chúa), nếu ngươi làm mọi điều Ta nói, Ta sẽ trở thành kẻ thù của kẻ thù ngươi, đối phương của đối phương ngươi” (Xuất hành 23,22). Như thế, những đối thủ của Israel là kẻ thù của Thiên Chúa: trước mắt kẻ ngoại, quyền lợi của Thiên Chúa đồng hóa với quyền lợi của Israel. Theo não trạng đông phương thời sơ khai, vị thần bảo hộ được đồng hóa với những người mà thần ấy che chở. Do đó, sự kiện Dân Chúa phải làm nô lệ là điều làm ô danh Thiên Chúa, và tội lỗi của Vua Đavít gây ra sự phạm thượng của kẻ thù chống lại Thiên Chúa (Giudita 8,23.34; 2 Samuel 12,14).

Hoặc trong Thánh vịnh 80, Chúa phán: ”Ôi dân Ta mà đã nghe lời, Israel chịu theo đường Ta chỉ, thì hết những địch thù của chúng, những kẻ hà hiếp chúng xưa nay, Ta tức khắc trở tay quật ngã; kẻ thù chúa sẽ cầu thân nịnh bợ, ấy là số phận chúng muôn đời”. (Tv 80,14-16)

Kinh Thánh Tân ước

Kinh thánh Tân ước cũng coi Satan là kẻ thù của Thiên Chúa và nói về quỷ nhiều hơn so với Kinh thánh Cựu ước. Satan được nhân cách hóa và mang nhiều tên khác nhau: quỷ, tên gian ác, kẻ thù, ông hoàng của thế gian này, thiên thần phản bội, Bélial. Quỷ, trong tiếng Hy lạp, là diabolos có nghĩa là ”kẻ chia rẽ”. Trong dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu cho thấy kẻ thù của Thiên Chúa là phá hoại công trình cứu độ của Chúa, cản trở sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa (cf Mt 13,28), và ngài nói rõ: ”Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ” (Mt 13,39).

Các Phúc Âm cũng nói đến trận chiến giữa Chúa Giêsu và Satan trong khi ngài chịu cám dỗ trong hoang địa (Mathêu 4,1-11). Chúa Giêsu báo trước rằng, ông hoàng của thế gian này không có quyền lực nào trên ngài, và sau cùng hắn sẽ bị ném ra ngoài, mặc dù bề ngoài quỷ có vẻ chiến thắng ngài (Gioan 12,31; 14,30).

Nhưng chiến thắng của Chúa Kitô chỉ hoàn tất khi Ngài trở lại trong vinh quang (Khải huyền, 12,12). Từ nay tới lúc đó, các tín hữu cũng bị ma quĩ cám dỗ như Chúa đã chịu (1 Phêrô 5,8). Satan nỗ lực chống lại các dự án tông đồ của thánh Phaolô (1 Thessalonica 2,18; 3,5). Satan là thần gian dối (Cv 5,3), gây chia rẽ giữa vợ chồng (1 Cor 7,5). Vì thế, cần phải chọn lựa giữa Chúa Kitô và Bélial (2 Cor 6,15). Nhưng trong cuộc chiến đấu ấy, các tín hữu Kitô được bảo đảm chiến thắng nếu họ cầm khiên thuẫn đức tin (Epheso 6,16), nếu họ tỉnh thức canh chừng và tiết độ ( 1 Phêrô 5,8). Thiên Chúa của hòa bình sẽ đè bẹp Satan dưới chân ngài (Roma 16,20).

Khác biệt giữa Tân và Cựu ước trong quan niệm về kẻ thù của Thiên Chúa

Tân ước vượt lên trên quan niệm của Cựu ước về sự thù nghịch giữa con người với nhau. Chúa Giêsu đòi các môn đệ của ngài hãy tha thứ và cầu nguyện, đối xử tử tế, làm ơn cho mọi kẻ thù địch của bản thân họ cũng như những kẻ thù của Giáo Hội. Không một tín hữu nào có thể làm ngơ không biết đến đạo lý mới mẻ của Chúa Giêsu về thái độ đối với kẻ thủ.

Kẻ thù của Thiên Chúa, và cũng là kẻ thù thực sự của chúng ta chính là ma quỷ, những kẻ chống lại Thiên Chúa và tìm cách lôi kéo nhân loại ra khỏi ngài. Thiên Chúa không thể yêu thương ma quỉ, vì tự bản chất, ma quỷ chống lại Thiên Chúa. Đó cũng là thái độ của chúng ta. Ma quỷ hoạt động dưới nhiều hình thức, và chúng cũng là những sức mạnh tiềm ẩn trong cả nội tâm con người, sức mạnh đen tối lôi kéo chúng ta đến chỗ diệt vong. Vì thế, con người phải chiến đâu cho đến cùng chông lại những kẻ thù đó của Thiên Chúa và của con người. Và khi chúng ta chiều theo các sức mạnh đen tối và ai nằm lỳ trong sự thống trị của chúng, tức là trở thành kẻ thù của Thiên Chúa, kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô (Roma 5,10; Philiphê 3,18). Ai phạm tội là bởi ma quỷ và ma quỷ là kẻ phạm tội ngay từ đầu (1 Gioan 3,8).

Trong thư thứ 2 gửi tính hữu thành Tessalonica, thánh Phaolô đã ám chỉ tới những người, với quyền năng của ma quỷ, tự xưng mình là Thiên Chúa. Ngài viết: ”Đừng ai lừa dối anh chị em bằng bất cứ cách nào, vì trước hết sẽ xảy ra sự chối đạo và sẽ xuất hiện người gian ác, tức là tên hư hốt. Tên thù địch này sẽ tôn mình lên trên mọi sự mang danh Thiên Chúa, hay thuộc về sự thờ phượng, đến nỗi nó chiếm tòa Chúa trong Đền thờ và tự xưng mình là Thiên Chúa” (2 Thess 2, 3-4)

Tuy Thiên Chúa là tình thương, và Ngài yêu thương mọi loài do Ngài dựng nên, nhưng Ngài vẫn tôn trọng tự do của những loài có lý trí: Họ có thể đáp lại tình thương của Chúa, hoặc chối bỏ và ghét bỏ Chúa, và theo nghĩa đó, họ coi Thiên Chúa là kẻ thù của họ. Ma quỷ và những người tội lỗi không ăn năn hối cải là ”kẻ thù” của Thiên Chúa theo nghĩa họ lạm dụng tự do của mình để không chấp nhận tình thương của Thiên Chúa và phủ nhận Ngài.

 Nhiều người ngày nay không tin có ma quỷ

Ngày nay nhiều người có lập trường không tin có ma quỷ. Cả một số nhà thần học Công giáo cho rằng ma quỷ chỉ là sự ác được nhân cách hóa, chứ không phải là những thiên thần bị sa ngã.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tái khẳng định sự hiện hữu của ma quỷ. Trong bài huấn dụ khi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương ngày 15-11 năm 1972, ngài nói: ”Sự ác trong thế giới là cơ hội và là hiệu quả sự can thiệp của một nhân vật hắc ám và thù nghịch nơi chúng ta và trong xã hội. Nhân vật này chính là ma quỷ. Sự ác không phải chỉ là một sự thiếu sót, nhưng là một nhân vật sống động, thiêng liêng, đồi bại và là kẻ làmcho người ta sa đọa. Nó là một thực tại kinh khủng, huyền bí và đáng sợ. Ké nào phủ nhận không có ma quỷ, tức là đi ra ngoài truyền thống kinh thánh và giáo hội, cũng vậy, ai cho rằng ma quỷ là một nguyên lý tự nó mà có, chứ không phải là một thụ tạo như các thụ tạo khác do Chúa dựng nên; hoặc ai giải thích ma quỷ chỉ là một thực tại giả tạo, một sự nhân cách hóa những nguyên nhân xa gây nên các tai ương của chúng ta, thì đều đi ra ngoài khuôn khổ kinh thánh và giáo huấn của hội thánh”.

Cũng trong bài huấn dụ, sau khi trưng dẫn một số đoạn kinh thánh, Đức Phaolô VI còn quả quyết rằng: ”Ma quỷ là kẻ thù số một, là kẻ cám dỗ tinh quái nhất. Chúng ta biết rằng nhân vật hắc ám và gây xáo trộn đó  có thực và vẫn còn hoạt động; hắn là kẻ tinh khôn làm mất sự quân bình tinh thần của con người, là kẻ cám dỗ xấu xa biết lẻn vào trong chúng ta qua các giác quan, qua trí tưởng tượng, lòng ham muốn, qua những lý luận viễn vông hoặc những những tiếp xúc xã hội hỗn độn, để gây nên những sai lầm”.

Đức Phaolô VI cũng than phiền vì nền thần học ngày nay không chú ý đủ tới vấn đề sự hiện hữu và hoạt động của ma quỷ. Ngài nói: ”Việc nghiên cứu về ma quỷ và về ảnh hưởng mà ma quỷ có thể tạo nên, lẽ ra phải là một chương rất quan trọng cần được tái nghiên cứu trong đạo lý công giáo, nhưng thực tế ngày nay người ta chú ý quá ít tới vấn đề này”.

Ba năm sau lời lên tiếng trên đây của Đức Phaolô VI, ngày 25-6 năm 1975, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một tài liệu tựa đề ”Đức tin Kitô và vấn đề ma quỷ (Osservatore Romano 26-5-75), để vạch rõ những quan niệm sai lầm của một số trào lưu thần học ngày nay phủ nhận hoặc hiểu không đúng về ma quỷ, đồng thời tái khẳng định giáo huấn chính thức của công giáo về vấn đề này.

Lm Bình An

Trích báo Mục Vụ, Thụy Sĩ, số tháng 11/2021

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art