Thứ Tư, 10 Tháng Ba, 2021

12 Tông đồ gồm những ai ?

12 Tông đồ gồm những ai ?

1. Phêrô: gốc người Do thái Palestine mang tên Hy lạp Simon (Hípri: Sim’ôn), làm nghề đánh cá có vợ và gia đình ở một ngôi nhà tại thành Capharnaum, một thành phố Do thái ở phía tây bắc biển hồ Galilê. Vào khoảng năm 28-29, ông được Đức Giêsu kêu trở thành môn đệ. Lời mời gọi được viết lại ba cách khác nhau: Máccô 1,16-20 lúc đó ông Simon đang làm việc bình thường ở biển hồ Galilê và ông được kêu gọi cùng với người anh em Anrê và hai ông Giacôbê và Gioan; Theo Luca 5,1-11, sau cuộc đánh cá huyền diệu ở biển hồ Galilê, ông Simon được gọi cùng hai người bạn đánh cá là ông Giacôbê và ông Gioan; Theo Gioan 1,35-42, ông Anrê và ông Philípphê là đệ tử của ông Gioan Tẩy giả và được gửi đến Đức Giêsu gần dòng sông Giođan, và sau đó ông Anrê dẫn ông Simon đến gặp Đức Giêsu.

Bốn cuốn tin mừng đều coi ông Phêrô là phát ngôn viên hay người đứng đầu Nhóm Mười hai, và ông được đổi tên Simon ra thành « Kephas » (Phêrô). Ông có mặt trong bữa Tiệc Ly và lúc Đức Giêsu bị bắt ở vườn Gethsemani. Ông theo chân Đức Giêsu đến nơi các thượng tế và Hội đồng Công tọa hội họp và quyết định đưa Đức Giêsu qua cho quan tổng trấn Philatô. Ông đã chối không là môn đệ Đức Giêsu và lẩn trốn. Sau khi Đức Giêsu bị đóng đinh, ông Phêrô khẳng định Đức Giêsu Sống lại đã hiện ra cho ông (1Côrintô 15,5; Luca 24,34). Ông Phêrô trở nên nhân vật qui chiếu cho các môn đệ và thủ lãnh Giáo hội ở Giêrusalem trong thời gian đầu (Galát 1,18; 2,7-9; Công vụ 1-12). Ông bị bắt một vài lần, sau đó rời Giêrusalem đi truyền giáo ngoài xứ Palestine như ở Antioche (Galát 2,11-14), Côrintô (1Côrintô 1,12; 3,22). Ông chết tử vì đạo (Gioan 21,18-19), và theo truyền thống như thư 1 Clément (5,4) cho biết ông bị xử tại Rôma trên đồi Vatican.

2. Giacôbê: Máccô cho biết ông Giacôbê và ông Gioan là hai anh em, con ông Dêbêđê. Trong tin mừng khi nói đến ông Giacôbê luôn luôn có kèm theo ông Gioan. Ông bị tử đạo dưới thời Hoàng đế Hêrôđê Agrippa khoảng năm 44 công nguyên (Công vụ 12,1-2). Cái chết của ông hoàn thành lời sấm ngôn Đức Giêsu nói trong Máccô 10,39. Vì thế ông được coi như người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai chết vì đức tin, và cuộc tử đạo của ông được Tân ước kể lại, cho dù tin mừng Gioan 21,18-19 có thể nói một cách gián tiếp cuộc tử đạo thánh Phêrô. Vì thế ngoài ông Phêrô và ông Giacôbê không có bằng chứng nào chắc chắn cho biết các môn đệ trong Nhóm Mười Hai chết tử vì đạo. Truyền thống Giáo hội sau này gọi ông Giacôbê là Giacôbê « Cả », để phân biệt với các nhân vật khác mang cùng tên Giacôbê trong Tân ước như trường hợp ông « Giacôbê thứ » được nêu lên trong Máccô 15,40. Đến thế kỷ thứ VI và thứ VII, truyền thuyết còn cho ông có đi truyền giáo bên Tây Ban Nha.

3. Gioan: Truyền thống Giáo hội trước đây thường lẫn lộn về nhân vật Gioan con ông Dêbêđê. Các nhà chú giải Tân ước hôm nay phân biệt có năm người khác nhau mà truyền thống lẫn lộn về ông Gioan con ông Dêbêđê. Năm nhân vật đó như sau: (1) Gioan con ông Dêbêđê, (2) nhân vật được gọi « người môn đệ Đức Giêsu thương mến » trong Tin mừng Gioan, (3) tác giả Tin mừng thứ bốn, (4) tác giả ba lá thư mang tên Gioan và (5) tác giả viết cuốn Khải huyền cũng mang tên Gioan.

Sau biến cố Phục sinh, ông Gioan ở lại Giêrusalem với Nhóm Mười Hai trong thời gian đầu Giáo hội (Công vụ 1,13). Ông ở bên cạnh ông Phêrô ở Giêrusalem và ở Samarie (Công vụ 3,1.3-4.11; 4,13.19; 8,14-17). Cùng với ông Giacôbê (người anh em của Chúa) và ông Phêrô, ông Gioan được coi như một trong người lãnh đạo (cột trụ) cộng đoàn ở Giêrusalem, trong giai đoạn có Công đồng ở Giêrusalem vào năm 49 công nguyên (Galát 2,9).

4. Anrê: Bình thường trong tin mừng ít thấy ông Anrê đi theo ông Phêrô dù hai ông là anh em với nhau. Trong Máccô 1,16-18 // Mátthêu 4,18-20, Đức Giêsu cùng kêu gọi ông Phêrô và ông Anrê để trở thành những thợ « đánh cá người ». Trong tin mừng Luca về mẻ cá huyền diệu (5,1-11) chỉ thấy Đức Giêsu gọi ông Phêrô, Giacôbê và Gioan nhưng không thấy nói tới ông Anrê; và cũng chỉ thấy trong Máccô nơi trình thuật chữa bệnh cho bà nhạc gia Phêrô mới thấy nói lại ông Anrê cùng với hai ông Giacôbê và Gioan. Ngoài danh sách Mười hai môn đệ, không còn thấy ông Anrê xuất hiện trong sứ vụ công cộng, nhưng sau đó Máccô lại một lần nữa nói tới ông Anrê nơi chương 13 cùng ông Phêrô và hai ông Giacôbê với Gioan. Đó là nơi đầu bài diễn từ thời cánh chung.

Trong sách Công vụ tông đồ vào buổi ban đầu Giáo hội tiên khởi, ông Phêrô và ông Gioan giữ vai trò quan trọng và sau đó sách còn nói đến việc ông Giacôbê tử đạo nơi 12,12. Ngược lại ông Anrê hoàn toàn biến mất sau khi tên ông được nhắc lại trong Nhóm Mười Một (Công vụ 1,13).

5. Philípphê: Trong tin mừng Nhất lãm và trong Công vụ tông đồ có nhắc tới ông Philípphê trong danh sách Nhóm Mười Hai. Trong tin mừng Gioan, ông là một trong các môn đệ hàng đầu thường xuất hiện với ông Anrê. Bạn đồng hành vô danh với Anrê trong đoạn văn ông Gioan Tẩy giả chỉ Đức Giêsu cho hai người môn đệ (Gioan 1,35-40.43-44). Vì thế Philípphê và Anrê trước hết thuộc môn đệ Gioan Tẩy giả và sau đó mới theo Đức Giêsu. Philípphê quê ở Bethsaide « thành phố của hai ông Anrê và Phêrô » (1,44), nên làm bạn đồng hành với Anrê cũng không có gì ngạc nhiên. Trong trình thuật hóa bánh ra nhiều theo tin mừng Gioan, cả hai ông đều giữ vai trò quan trọng (6,6-9). Trong Nhóm Mười Hai hai ông cũng khác biệt với anh em khác vì hai người đều mang tên Hy lạp chứ không phải Hípri hay Aram. Điều giải thích tại sao những khách hành hương người Hy lạp lên Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua móc nối với ông Philípphê để xin gặp Đức Giêsu, và ông đã kéo theo ông Anrê đi gặp Đức Giêsu (10,20-22). Trong bữa Tiệc Ly, ông Philípphê nói với Đức Giêsu (14,8): « Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng con Cha và như thế là đủ rồi ».

Trong tin mừng Gioan, Philípphê xuất hiện nơi những điểm quan trọng trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Ông và Anrê xuất hiện nơi chương 1, nơi chương 6 và chương 12 sứ vụ công khai. Ngoài ra không biết ông Philípphê làm gì và hoạt động ra sao trong Giáo hội tiên khởi. Vào thế kỷ thứ II, ông Papias đã nhầm lẫn giữa ông Philipphê trong Nhóm Mười Hai với nhân vật Philípphê trong sách Công vụ tông đồ (6,5; 8,4-13.26-40; 21,8-9), một trong bảy vị thủ lãnh những kitô hữu gốc Hy lạp.

6. Barthélémy: tên ông được nêu lên trong bốn bảng nói tới Nhóm Mười Hai nhưng không còn thấy xuất hiện nào trong Tân ước. Tên gốc Aram có thể « Bar Talmai » (con của Tolmi) hay « con của Tholomée ». Từ thế kỷ thứ IX, truyền thống Giáo hội cho ông Barthélémy là ông Nathanaen được nói tới trong tin mừng Gioan (1,45-51; 21,2). Sử gia Eusèbe ở thế kỷ thứ IV trong bộ « lịch sử Giáo hội » kể lại một truyền thuyết. Theo đó, ông Barthélémy đi rao giảng ở Ấn độ, và ông đã để lại một bản tin mừng Mátthêu bằng tiếng Aram được viết lại.

7. Mátthêu: Hai tác giả Máccô và Luca phân biệt rõ ràng giữa ông Lêvi, người thu thuế được Đức Giêsu gọi làm môn đệ (Máccô 2,14 // Luca 5,27) với ông Mátthêu xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai. Ngược lại tin mừng Mátthêu đã đồng hóa hai nhân vật này. Tác giả đã thay tên Lêvi thành Mátthêu trong trình thuật Đức Giêsu gọi người thu thuế (9,9), cũng như thêm sau tên ông Mátthêu trong danh sách Nhóm Mười Hai là « người thu thuế » (10,3). Theo các nhà chú giải việc đến từ người biên soạn tin mừng vào khoảng cuối thế kỷ thứ I, nhưng không rõ lý do tại sao ông lại thay đổi như thế.

8. Tôma: Trong tin mừng Nhất lãm chỉ thấy nói đến Tôma trong danh sách Nhóm Mười Hai, nhưng theo tin mừng Gioan, Tôma được trình bày khá đầy đủ hơn. Tác giả chỉ nói đến ông vào cuối sứ vụ công khai Đức Giêsu, và trước trình thuật nói về việc ông Ladarô được sống lại. Đức Giêsu vừa loan báo nguy hiểm mà Người và các môn đệ sẽ gặp khi trở về Giuđê. Ông Tôma đáp lại lời Thầy với cung giọng khá mỉa mai: « Cả chúng ta nữa, chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy » (11,16). Sau đó chỉ tìm thấy lại Tôma trong trình thuật Tiệc Ly. Trong bữa tiệc Đức Giêsu khẳng định các môn đệ biết rõ con đường nào Người dấn thân. Ông Tôma phản kháng: « Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu, làm sao biết được đường » (14,5). Qua câu Tôma nêu lên, Đức Giêsu mặc khải: « Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống » (14,6). Sau trình thuật, chỉ thấy lại ông Tôma trong trình thuật nói lên nghi ngờ của ông. Tôma vắng mặt khi lần đầu Đức Giêsu Phục sinh hiện ra cho các môn đệ, và ông muốn được thấy chứng cớ việc Phục sinh. Khi Đức Giêsu hiện ra lần thứ hai cho các môn đệ và cho Tôma thấy dấu đanh, ông tuyên xưng lòng tin: « Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa con » (20,28). Cuối cùng Tôma còn được nhắc tới lần chót nơi Gioan 21,2.

Các nhà chú giải đọc qua những đoạn văn có nói về Tôma như nêu trên đều cho những đoạn văn được tác giả Gioan biên soạn mang giá trị thần học. Điều có giá trị lịch sử lại nằm nơi tên ông: « Tôma ». Trong tin mừng Gioan, có tất cả ba lần (11,16; 20,24; 21,2) tác giả dịch từ Hípri « te’ôm », và từ Aram « Te’ôma » ra tiếng Hy lạp « didymos » có nghĩa « sinh đôi » về Tôma. Vào thế kỷ đầu công nguyên hai từ Hípri và Aram nói trên là những tên chung chứ không phải tên gọi một người. Ngược lại từ Hy lạp « didymos » được dùng như tên gọi. Vì thế đôi khi thấy có một số bản văn ghi « Didyme Tôma », và Tôma trở nên tên thứ hai hay biệt danh một người không biết được tên thật. Ngoài ra dù gọi Tôma didymos, nhưng tác giả Gioan cũng không cho biết người anh em sinh đôi với Tôma. Nhân vật Tôma được những nhóm Ngộ Đạo tôn kính đặc biệt, và họ đồng hóa Tôma với ông Giuđa cũng là người anh em sinh đôi với Đức Giêsu. Nhóm Ngộ Đạo đã viết nhiều sách liên quan đến ông Tôma, nhưng những dữ liệu trên không có tính cách lịch sử.

9. Giacôbê con ông Anphê: Trong danh sách Nhóm Mười Hai, Giacôbê con ông Anphê luôn luôn đứng đầu nhóm bốn tên cuối cùng. Những gì có thể biết về ông Giacôbê, vì thế đã có nhiều người đồng hóa ông với các nhân vật mang tên Giacôbê trong Tân ước. Tên « Giacôbê » được dịch ra từ « Giacóp », và trong Tân ước đã có nhiều người mang tên này. Giáo hội thường đồng hóa ông với nhân vật « Giacôbê nhỏ » hay « Giacôbê Thứ » (tou mikrou) như thấy ghi nơi Máccô 15,40. Một số tác giả cũng cho có thể Giacôbê con ông Anphê là người anh em với ông Lêvi cũng con ông Anphê (Máccô 2,14).

10. Thaddée hay Giuđa con ông Giacôbê: nhân vật cũng ít được biết tới, và chỉ thấy xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai theo Luca 6,16; Công vụ 1,13. Chúng ta cũng không biết ông Giacôbê bố ông Giuđa này là ai. Có tác giả đã đồng hóa nhân vật Giuđa con ông Giacôbê với ông Giuđa đã đặt một câu hỏi với Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly (Gioan 14,22). Theo Luca và Công vụ, vì Giuđa con ông Giacôbê giữ chỗ đứng ông Thaddée, vì thế truyền thống kitô giáo thường nói đến nhân vật Giuđa Thaddée. Ngoài ra cũng có tác giả đồng hóa ông với ông Tôma, và truyền thống sau này vẫn coi ngài như một vị thánh.

11. Simon người Xêlotê: Simon người Cananêen chỉ thấy xuất hiện trong danh sách Nhóm Mười Hai. Điều biết về ông đến từ « từ chỉ phẩm chất » nói về ông: « ho kananaios » thường được dịch ra « Cananêen » trong Máccô 3,18 // Mátthêu 10,4; và cũng thường được dịch ra thành « Xêlôtê » nơi Luca 6,15 // Công vụ 1,13. tất cả các nhà chú giải đều nhìn nhận ông Simon người Cananêen và ông Simon người Xêlôtê cùng một nhân vật. Từ « Xêlôtê » dịch từ Hy lạp « Zelotes » của từ Aram « qan’ana » có nghĩa « nhiệt thành » hay « ghen tương » và được chuyển ngữ thành « kananaios » có nghĩa « cananêen ».

Trong danh sách Nhóm Mười Hai, khi chỉ định Simon « quan’ana » hẳn tác giả ngụ ý phân biệt với ông Simon mang tên Aram « kepa » (Céphas = Đá = Phêrô). Một số học giả thường coi ông Simon như một thành viên nhóm Xêlôtê. Một nhóm được biết dùng vũ trang để giải phóng dân Do thái khỏi quyền hành La mã; nhưng theo Flavius Josèphe, nhóm Xêlôtê chỉ được hình thành trong Cuộc chiến Do thái lần thứ nhất, vào khoảng mùa đông 67-68 công nguyên tại Giêrusalem. Vì thế cho Simon thuộc nhóm Xêlôtê không được chính xác cho lắm. Nếu vậy, có ý nghĩa gì khi cho ông thêm hạng từ Xêlôtê hay Cananêen? Thật vậy, người Do thái hay chỉ định tên kiểu này cho một người nhiệt thành tuân giữ lề luật Môsê, khuyến khích đồng hương tôn trọng lề luật. Họ cho điều đó sẽ đưa dân Do thái trở nên dân tộc thánh, ngăn khỏi thờ ngẫu tượng và bất tử được các dân tộc ngoại bang thực hành. Vào đầu thế kỷ công nguyên « Xêlôtê » sẵn sàng dùng bạo lực áp đặt phân cách dân Ítraen với ngoại bang. Theo vết chân các nhân vật nổi tiếng như thầy tư tế Pinhas, ngôn sứ Êli, vua Jêhu, tư tế Mattathias, những người Xêlôtê sẵn sàng trừng phạt và hành quyết những người Do thái bất trung với lề luật Môsê. Khi được Đức Giêsu gọi làm môn đệ thuộc Nhóm Mười Hai, Simon Xêlôtê hẳn cũng phải thay đổi não trạng mình. Giờ đây vào trong nhóm, ông cũng cận kề với những con người không cùng nhãn quan, những người bị coi như không sống và thực hành lề luật như trường hợp ông Lêvi (Máccô 2,14 và Luca 19,1-10). Ông theo Đức Giêsu và thấy Thầy bị người đời coi « cũng ăn, cũng uống như ai… đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi » (Mátthêu 11,19). Simon phải chấp nhận ông Lêvi, chấp nhận lối Đức Giêsu sống, và các ông khác trong Nhóm Mười Hai cũng phải học tập để chấp nhận và sống với ông.

12. Giuđa Ítcariốt: Giống như các ông Tôma, Simon Cananêen và Simon Phêrô, ông Giuđa cũng có biệt danh Ítcariốt, nhờ đó không thể lẫn lộn với các nhân vật khác cũng mang tên Giuđa như Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa người anh em Đức Giêsu. Các học giả đều cho biết rất khó biết được ý nghĩa từ Ítcariốt. Những ý kiến sau đây thường được nêu lên khi nói về Giuđa Ítcariốt:

- Giuđa thuộc nhóm « sicarii », những người Do thái kháng chiến dùng dao găm để giết những thù địch chính trị. Từ đó coi Giuđa như một thành viên nhóm Xêlôtê. Ngoài ra ý kiến cũng khó được chấp nhận, vì nhóm sicarii chỉ được biết đến vào khoảng thập niên 40 công nguyên. Một con số quá trể vì phản bội của Giuđa được coi xảy ra vào khoảng năm 30. Nếu như Giuđa thuộc nhóm sicarii, ông phải đâm giết Đức Giêsu chứ không đem Đức Giêsu trao nộp cho người Do thái.

- Ítcariốt đến từ gốc Sê-mít « sqr » « lệch lạc, không đúng » và cho ý nghĩa ông Giuđa « người dối trá » hay kẻ « nói dối ». Vấn đề Tân ước không bao giờ trình bày ông Giuđa như người thường hay dối trá. Trong tin mừng thường cho Giuđa « trao nộp » Đức Giêsu cho giới quyền hành. Ngoài ra, từ Ítcariốt có liên hệ với một từ Sê-mít gợi lại màu đỏ, từ đó có tác giả cho biết nghề nghiệp Giuđa như người buôn bán trái cây.

- Ítcariốt cũng có thể muốn nói tới nguồn gốc ông. Nếu như Giuđa thuộc làng Kerioth ở xứ Giuđê, theo tiếng Hípri, ông « người làng Kerioth », và như vậy ông là môn đệ duy nhất đến từ miền Giuđê thay vì như các ông khác thuộc miền Galilê. Thế nhưng ngày nay không tác giả nào có thể chắc chắn xác định có một làng mang tên Kerioth. Các học giả đưa ra những giả thuyết đồng hóa làng Kerioth với những làng thật sự hiện hữu như làng Askar gần Sichem, Jéricho hay Kartak trong phần đất Zabulon. Giả thuyết dựa vào những Targum sau này còn cho Ítcariốt ý nghĩa « người của kinh thành » Giêrusalem. Nhưng hiện nay, một số tác giả coi từ Ítcariốt như nguồn gốc, nơi sinh của ông Giuđa. Trong tin mừng Gioan, có tất cả ba lần (6,71; 13,2.26) Giuđa được gọi « Giuđa, con ông Simon Ítcariốt ». Vì thế ông mang tên cha mình và tên nói lên nguồn gốc của họ.

Lê Phú Hải omi.

Bài viết khác