HỎI: Thỉnh thoảng Mục Vụ đưa tin về những vụ phong hiển thánh và chân phước. Tất cả các vị đó đều là những người đang đang ở trên thiên đàng, được hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Tại sao Giáo hội lại phân biệt ”thánh hạng nhất, thánh hạng nhì ” như vậy. Sự khác biệt như thế nào thưa cha?
P.A.V
ĐÁP: Đúng là không có sự khác biệt nào giữa ”hiển thánh” và ”chân phước” trên thiên đàng, trước mặt Chúa, về phương diện hạnh phúc vĩnh cửu. Sự khác biệt chỉ là về phía chúng ta.
Trong lịch sử, cho đến thế kỷ 15, chưa có việc phân biệt giữa phong thánh và phong chân phước như hiện nay. Từ thế kỷ 15, các vị Giáo Hoàng, để đáp ứng nguyện vọng của một số cộng đồng tín hữu, bắt đầu cho phép tôn kính các vị tôi tớ Chúa trong một giới hạn nào đó, trước khi tiến tới giai đoạn phong hiển thánh. Với thời gian, vì việc phong chân phước được dễ dàng, nên đơn xin phong chân phước gia tăng. Vì vậy, từ tình trạng là đặc ân ban tạm thời để tiến tới việc phong thánh, việc phong chân phước trở thành một điều kiện cần phải có trước khi được phong hiển thánh.
Từ thế kỷ 17 trở đi, việc phong chân phước là một giai đoạn bắt buộc phải đi qua trước khi tiến tới việc phong hiển thánh. Chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ, vị tôi tớ Chúa được phong hiển thánh mà không phải qua giai đoạn phong chân phước, ví vụ như trường hợp thánh Carlo Borromeo (1538-1584), GM thành Milano, được phong hiển thánh năm 1610 mà không cần được phong chân phước trước đó.
Cũng trong thế kỷ 17, việc phong chân phước được coi là một định chế hoàn toàn biệt lập, không cần phải có việc phong thánh sau đó, tuy rằng để được phong hiển thánh, thì cần phải được phong chân phước trước đó. Việc phong chân phước không phải là một giai đoạn chưa đầy đủ của một vụ án phong thánh, nhưng là một định chế độc lập với sự phong thánh, và đó là một sự « phong thánh cỡ nhỏ ». Vì thế, sau khi đạt được sự phong chân phước, các giáo phận hay các dòng tu thường ít quan tâm tới việc xin phong thánh. Đó cũng là lý do tại sao từ thế kỷ 17 trở đi, chỉ có một phần nhỏ các vị chân phước được phong thánh sau đó. Việc phong thánh được coi là một vụ án mới hoàn toàn. Và sau khi phong chân phước, để có thể được phong thánh, cần phải xin phép mở lại vụ án, và cần phải có thêm hai phép lạ nữa.
Khác biệt giữa Chân Phước và Hiển Thánh
Theo những điều vừa nói, phong chân phước là một hành động qua đó, Đức Giáo Hoàng ”cho phép” các tín hữu được công khai tôn kính một vị tôi tớ Chúa, trong một phạm vi giới hạn nào đó, ví dụ trong một giáo phận, một quốc gia hoặc một dòng tu... Còn phong hiển thánh là một quyết định tối hậu và long trọng của Đức Giáo Hoàng tuyên bố một vị chân phước là thánh, và ghi tên vị ấy vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội, đồng thời ”truyền” cho toàn thể Giáo Hội phải tôn kính vị ấy một cách xứng đáng. Sự khác biệt ở đây: một đàng là ”cho phép” và một đàng ”truyền ” phải tôn kính.
Trong dịp phong chân phước, người ta thường cử hành những buổi lễ trọng thể tại các nhà thờ trong miền hoặc quốc gia của vị tôi tớ Chúa. Lễ phong chân phước đầu tiên được cử hành trọng thể tại Đền Thờ thánh Phêrô là trường hợp thánh GM Phanxicô đệ Salê, người sáng lập dòng các nữ tu Thăm Viếng, được phong chân phước ngày 8-1 năm 1662. Từ đó trở đi, các cuộc phong chân phước đều diễn ra tại Đền thờ thánh Phêrô. Mãi tới năm 1981, ĐTC Gioan Phaolô 2 mới bỏ thói quen kéo dài hơn 3 thế kỷ đó, và ngài đã chủ sự lễ phong chân phước tại Manila, Philippines cho 14 vị tử đạo tại Nhật Bản. Trong những năm sau đó, ĐTC đã phong chân phước tại nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, đến thời ĐGH Biển Đức 16 (1927-2022), ngài không đích thân chủ sự các lễ phong chân phước như vị tiền nhiệm nữa, nhưng thường cử một vị Hồng Y chủ sự thay, và chỉ đích thân chủ sự các lễ phong hiển thánh. Điều này càng nêu bật sự long trọng khác biệt giữa chân phước và hiển thánh.
Sự khác biệt giữa phong chân phước và hiển thánh cũng được biểu lộ trong lễ nghi tôn phong: trong lễ phong chân phước, Đức GM giáo phận nơi vị tôi tớ Chúa qua đời xin ĐTC tuyên bố vị ấy là chân phước; còn trong lễ nghi phong hiển thánh, vị Tổng trưởng Bộ phong thánh, nhân danh Giáo Hội hoàn vũ, xin ĐTC ghi tên vị chân phước vào sổ bộ các thánh.
Ngoài ra, giữa phong thánh và chân phước còn có một số khác biệt nhỏ về phương diện phụng vụ. Ví dụ, lễ kính chân phước thì chỉ có kinh tổng nguyện là riêng, còn các kinh khác như Lời nguyện trên lễ vật, Lời nguyện hiệp lễ, thì phải lấy ở phần chung. Trong khi đó, lễ kính các thánh có thể có những kinh nguyện riêng cho vị thánh đó. Có thể lấy tên vị thánh để đặt cho một nhà thờ, hoặc một nhà nguyện mà không cần phải xin phép Tòa Thánh như trường hợp một vị chân phước. Rồi, khi vẽ hình vị thánh, thì được quyền vẽ hào quang chung quanh đầu vị đó, còn vẽ hình chân phước thì không được, và chỉ được vẽ những tia sáng từ đầu vị đó phát ra mà thôi.
Về qui luật hiện hành cứu xét các án phong thánh và hiển thánh; nếu là vị tử đạo thì chỉ cần điều tra để xắc nhận vị tôi tớ Chúa đã bị sát hại để bảo vệ đức tin, vì lòng tin nơi Thiên Chúa, vì sự oán ghét của kẻ gian ác đối với đức tin Kitô, hoặc để bảo vệ một nhân đức, như trường hợp nhiều thánh nữ chịu chết để bảo vệ đức trinh tiết, sắc lệnh của Bộ Phong thánh với sự phê chuẩn của ĐTC đủ để một vị tôi tớ Chúa được tôn phong chân phước.
Đối với một vị tôi tớ Chúa hiển tu, không chết vì đạo, thì cần phải chứng thực vị ấy đã thực hành các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng. Sau đó cần có một phép lạ được chứng thực là nhờ lời chuyển cầu của vị Tôi tớ Chúa.
Như trường hợp án phong chân phước cho ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). Ngài đã được Bộ Phong thánh nhìn nhận các nhân đức anh hùng và cần có một phép lạ được chứng thực để có thể được phong chân phước.
Sau khi được tôn phong, vị chân phước còn cần có thêm 1 phép lạ được chứng thực để có thể được tôn phong hiển thánh.
Các qui luật trên đây không có tính cách tuyệt đối. Đức Giáo Hoàng có thể chuẩn chước các qui luật ấy.
Ý Nghĩa các Phép Lạ
Phép lạ là một ơn nhưng không của Thiên Chúa. Trong từ ”Phép Lạ” có bao hàm nhiều ý niệm: dấu hiệu, quyền năng, sự lạ lùng, sự biểu lộ ngoại thường của Thiên Chúa, một dấu chỉ đặc biệt biểu lộ tình thương của Ngài để dẫn đưa chúng ta về với Chúa.
Chúng ta có thể định nghĩa phép lạ là một sự kiện lạ lùng xảy ra trong thiên nhiên và trong bốì cảnh tôn giáo; sự kiện ấy được Thiên Chúa cho xảy ra mà không tuân theo những luật tự nhiên và sự lạ lùng đó được Thiên Chúa gửi tới con người như một dấu hiệu thuộc phạm vi ơn thánh.
Theo giáo lý Công Giáo, phép lạ là một công trình của Thiên Chúa. Đức Mẹ và các thánh không phải là tác giả chính của phép lạ, nhưng Thiên Chúa làm phép lạ nhờ lời bầu cử, nhờ sự chuyển cầu, của Đức Mẹ và các thánh, hay của các tín hữu, như trong trường hợp phép lạ tiệc cưới Cana trong Phúc Âm. Chúa có khả năng đảo lộn trật tự tự nhiên mà chính ngài đã thiết định. Trong nhiều trường hợp khác, như thánh Tomaso Aquino Tiến Sĩ Hội Thánh đã nhận xét, phép lạ không nhất thiết là một sự kiện đi ngược thiên nhiên, nhưng ở ngoài hoặc ”ở trên” trật tự thiên nhiên. Ví dụ một cuộc khỏi bệnh lạ lùng vẫn tôn trọng những luật bình thường về sự lành bệnh, nhưng khác một điều là nó xảy ra với vận tốc mau lẹ kỷ lục và không có sự can thiệp của các biện pháp trị liệu thông thường.
Đối với Giáo Hội Công Giáo, phép lạ không phải là những hành vi ma thuật (magie). Trong ma thuật, con người tin rằng mình sai khiến các sức mạnh huyền bí có thể tác động từ xa. Ví dụ khi đâm vào pho tượng nhỏ tượng trưng kẻ thù, thày phù thủy hy vọng sẽ làm cho kẻ ấy bị thương từ xa. Nếu ý đồ của ông ta không thành công, thì ông ta cho rằng có những sức mạnh huyền bí mạnh mẽ hơn của đối phương cản trở sức mạnh ma thuật của ông. Trái lại, khi một tín hữu cầu xin Thiên Chúa chữa lành người con của ông, ông nói: ”Lạy Chúa, xin Chúa vui lòng chữa lành con của con!”. Phép lạ luôn luôn là lời đáp lại hoàn toàn tự do của Thiến Chúa đối với lời khẩn nguyện của con cái ngài.
Tiêu Chuẩn Cứu Xét : Phép Lạ
Các tiêu chuẩn mà Giáo Hội Công Giáo đang theo ngày nay để cứu xét và công nhận phép lạ cũng là những quy luật đã được Đức hồng y Lambertini thiết lập vào năm 1734 trong cuốn ”Luận về việc phong chân phước và hiển thánh cho các vị tôi tớ Chúa”. Sau này ngài trở thành Đức giáo hoàng Biển Đức XIV (1740-1758). ĐHY Lambertini đã đưa ra 7 tiêu chuẩn để xem xét một vụ khỏi bệnh có phải là phép lạ hay không:
1. Trước hết: bệnh phải là bệnh nặng, bất trị hoặc rất khó chữa trị.
2. Thứ hai: bệnh được khỏi đó không ở giai đoạn tiến triển cuối cùng, bởi vì bình thường sau giai đoạn này, cơn bệnh tự nhiên sẽ hết.
3. Thứ ba: Việc khỏi bệnh ấy không do sử dụng thuốc men trị liệu, hoặc nếu đã dùng thuốc men, nhưng việc trị liệu ấy là vô hiệu.
4. Thứ tư: việc khỏi bệnh phải tức khắc (subita) và trong khoảnh khắc (momentanea).
5. Thứ năm: việc khỏi bệnh phải hoàn toàn, chứ không phải chỉ được khỏi một phần hoặc bất toàn.
6. Thứ sáu: trước khi xảy ra sự khỏi bệnh, không được có một cuộc khủng hoảng hoặc lên cơn nào đáng kể do một nguyên do nào đó, bởi vì nếu không thì không thể được coi là khỏi bệnh là lùng, nhưng chỉ là một sự khỏi bệnh tự nhiên, hoặc hoàn toàn hoặc bán phần.
7. Sau cùng, bệnh đã khỏi ấy không được tái phát.
Ngoài ra còn phải để ý đến hoàn cảnh chung quanh của việc khỏi bệnh, cần phân biệt các ”phép lạ giả” với các phép lạ thật, bằng cách xem chúng có hữu hiệu (efficacia), hữu ích (utilitate), xem cách thức (modo), mục đích (fine), xem người (persona) và hoàn cảnh (occasione) thế nào (Chương VII, n.14, sách của ĐHY Lambertini). Thực vậy, cần phải xét xem trong hiện tượng gọi là ”lạ lùng” ấy, có gì là ”khoa đại, háo danh, lố bịch, bất lương, ô nhục, cường bạo, gian ác, kiêu ngạo, gian dôi, hoặc thiếu sót” hay không? Đương sự có phải là người "nghiêm chỉnh, đạo đức” hay không?
Tiêu Chuẩn Quan Trọng Nhất
Có hai điều kiện được coi là quan trọng nhất trong số 7 điểm vừa nói trên đây: trước hết việc khỏi bệnh phải là ”hoàn toàn”. Cơ quan, chi thể người bệnh phải trở lại hoàn toàn bình thường. Điều kiện này, trên nguyên tắc, loại bỏ nhiều cuộc khỏi bệnh được các bác sĩ coi là không giải thích được về phương diện y khoa.
Ví dụ: LM Bernard, tuyên úy quân đội người Pháp bị thương tại Điện Biên Phủ vì hai mảnh đạn rốc-két ghim vào phần dưới của xương sống, khiến cho ngài không đi được trong nhiều năm trời. Nhưng trong một cuộc hành hương kính Đức Mẹ tại Lộ Đức, giữa đêm khuya, đột nhiên cha Bernard đi được, nhưng cha vẫn còn nguyên hai mảnh đạn rốc-két trong lưng. Cha Bernard không trình diện tại phòng y khoa Lộ Đức, nhưng giả sử cha có trình diện, thì vẫn không được nhìn nhận là phép lạ, vì xương sống của cha không hoàn toàn trở lại bình thường!
Thứ hai: việc khỏi bệnh phải xảy ra ”tức khắc”. Điều kiện này cũng loại bỏ nhiều vụ khỏi bệnh ”lạ lùng” khác. Như trường hợp ông Alain bị sốt tê liệt (poliomyélite) từ năm 14 tuổi, và trong nhiều năm trời phải sống, thở hít bằng phổi thép. Trong cuộc hành hương đầu tiên tại Lộ Đức, khi Mình Thánh Chúa được kiệu qua trước mặt ông, ông la lên: ”Xin tháo máy thở cho tôi, tôi đang bị nghẹt!”. Cô y tá đứng cạnh do dự, không dám tháo máy thở nhân tạo cho Alain. Nhưng vì ông khẩn khoản van nài, cô ta đành làm theo lời. Ông ta tự thở một mình được. Năm sau, khi đi tắm hồ, ông Alain bắt đầu sử dụng được đôi tay! Hai năm sau, hai chân của ông hoạt động trở lại và ông bắt đầu đi được. Việc khỏi bệnh này không xảy ra tức khắc, nên không có hy vọng được Giáo Hội nhìn nhận là phép lạ, nếu theo đúng các tiêu chuẩn của ĐHY Lambertini.
Lm Bình An (Báo Mục Vụ Thụy Sĩ)
Thông báo:
Trong buổi Triều yết ngày 25 tháng 11 năm 2024 dành cho Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, Đức Thánh Cha, sau khi đã được thông báo trước về kết quả tích cực của Phiên họp Thường lệ các Hồng y và Giám mục ... đã ủy quyền cho Bộ này công bố các Sắc lệnh liên quan đến:
..............
... sự tử đạo của Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, linh mục giáo phận; sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 tại Tân Đức (Việt Nam), và bị giết vì lòng hận thù đức tin vào ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại Tắc Sậy (Việt Nam).