Thứ Tư, 07 Tháng Mười Hai, 2016

Người Hmong: Văn chương tạo nên hiện hữu

Người Hmong: Văn chương tạo nên hiện hữu

Người Hmong: Văn chương tạo nên hiện hữu - 1

 Nhà thơ Mai Der Vang.

Tháng 4, 2016, một nhà văn trẻ Việt Nam, Nguyễn Thanh Việt, đoạt giải Pulitzer, giải thưởng văn chương cao quý của Hoa Kỳ, với tiểu thuyết “The Sympathizer.”

Trước đó một tháng, 3, 2016, một người Á Châu khác, Mai Der Vang, cũng đoạt được một giải văn chương Hoa Kỳ, giải “Walt Whitman prize” với tập thơ “Afterland.” Ðược thành lập vào năm 1975 do “Hội Các Nhà Thơ Hoa Kỳ” (The Academy of American Poets), giải Walt Whitman có mục đích khuyến khích những tác phẩm đầu tay viết bằng tiếng Anh của những nhà thơ mới nổi. Tuy không giá trị bằng Pulitzer, nhưng giải này tạo nên một niềm hãnh diện lớn lao cho một cộng đồng di dân vốn rất ít người biết đến: cộng đồng Hmong.

Vang là người Hmong, sinh tháng 10, 1981 ở Central Valley, California. Cô tốt nghiệp đại học về thi ca tại Ðại Học Columbia và tốt nghiệp Văn Chương Anh tại University of Caliofornia, Berkeley. Thơ của Vang xuất hiện trên nhiều tạp chí văn chương Hoa Kỳ. Một số tiểu luận của cô xuất hiện trên New York Times, Washington Post, và San Francisco Chronicle. Là thành viên nòng cốt trong “Hmong American Writers’ Circle” (Câu Lạc Bộ Nhà Văn Nhà Thơ Hoa Kỳ gốc Hmong) do Burlee Vang sáng lập vào năm 2004, cô cùng đứng chủ biên tuyển tập văn chương Hmong: “How Do I Begin: A Hmong American Literary Anthology” (Tôi bắt đầu như thế nào: Hợp tuyển văn chương Hmong). Tuyển tập là một nỗ lực nêu lên tính nhị nguyên của những người Hmong lớn lên ở Hoa Kỳ, và đi sâu vào đời sống nội tâm ẩn dấu đau buồn của thế hệ cha mẹ họ khi đến định cư ở đây.

Thử đọc một bài thơ của Vang:

Cipher Song

(Khúc hát mật mã)

(…) We hide the stories

on our sleeves, patchwork of cotton veins.

Scribe them on carriers for sleeping

Babies, weave our ballads to the sash.

Forge paper from our aprons, and our

bodies will be books. Learn the language

of jackets: the way a pleat commands

a line, the way collars unfold as page,

sign our names in thread. The footprint

of an elephant. Snail’s shell. Ram’s horn.

When the words burn, all that’s left is ash.

(Tạm dịch ý: Chúng tôi giấu những chuyện kể trên tay áo, trong những mảnh vải. Chép chúng trên gùi đèo con ngủ, ghi khúc hát vào khăn quàng vai, chế giấy từ tấm áo choàng và thân thể là sách. Học ngôn ngữ qua áo quần: nếp gấp là hàng kẽ, cổ áo là trang sách, ký tên trong từng sợi chỉ. Nơi dấu chân voi. Nơi vỏ ốc. Nơi sừng trừu. Khi có chữ rồi, tất cả chỉ còn là tro bụi).

Bài thơ đề cập đến nghệ thuật thêu thùa người Hmong và vai trò của nó trong việc giữ gìn truyền thống của họ qua hàng trăm năm không có chữ viết. Không có ký hiệu bằng chữ viết, người Hmong truyền đạt lịch sử tổ tiên cho các thế hệ đến sau bằng đường kim mũi chỉ. Nghệ thuật thêu trở thành một loại ký hiệu ngôn ngữ ẩn dấu.

Người Hmong: Văn chương tạo nên hiện hữu - 2

Nghị Sĩ Mee Moua.

Thực ra, không phải đợi đến Mai Der Vang, người ta mới biết đến cộng đồng này. Người có công khai sinh ra nền văn chương Hmong trên đất Hoa Kỳ là một phụ nữ Hmong khác: Mai Neng Moua. Moua ra đời tại Lào 5, 1974 trong một gia đình có ba người con. Năm 1981, gia đình di cư sang Hoa Kỳ, sau dời về St. Paul, Minnesota. Moua quả quyết, “Dân tộc nào không có truyền thống viết thì dường như không hiện hữu.” Nhận thức đó đưa đến sự ra đời một tập san văn chương xuất bản hai năm một lần, có tên là “Paj Ntaub Voice” do cô làm chủ biên. Số đầu tiên xuất hiện vào năm 1994 gồm 12 trang, là tuyển tập gồm các bài tiểu luận, truyện ngắn, thơ và tranh do các cây bút và nghệ sĩ Hmong sáng tác.

Trong phần giới thiệu, Moua bày tỏ nỗi phẫn nộ về sự thiếu vắng tiếng nói người Hmong về chính thân phận họ.

“Tiếng nói của chúng ta ở đâu?… Tại sao chúng ta phải đợi những người khác kể chuyện của chính chúng ta, định nghĩa chúng ta, hợp lý hóa chúng ta?”

“Paj Ntaub Voice” là thành quả của tinh thần phấn đấu của mỗi cá nhân người Hmong, phấn đấu để nhớ lại quá khứ và đồng thời để cảm thấy mình cũng là một phần của hiện tại Hoa Kỳ. Ngoài “Paj Ntaub Voice,” Moua kiêm nhiệm chức giám đốc điều hành “Viện Nghiên Cứu Mỹ-Hmong” (Hmong-American Institute for Learning), một tổ chức phi lợi nhuận có mục đích bảo tồn và phát triển văn hóa Hmong.

Hình thức văn chương, một mặt giúp thế hệ trẻ tìm thấy Hmong-tính (Hmong-ness) và mặt khác, giúp thế giới bên ngoài hiểu rõ hơn về một cộng đồng rất ít được biết tới, vừa thoát khỏi sự cô đơn của chính họ. Vì không có chữ viết, người Hmong không có sách lịch sử để quảng bá. Qua văn chương, chỉ trong vòng một thập niên, tiếng nói của người Hmong được nghe tại nhiều nơi trên thế giới. Họ viết về họ, kể những câu chuyện của họ, bởi nếu không, họ có “nguy cơ phải thừa nhận những hình ảnh mà những người không-phải-Hmong vẽ ra về họ,” theo lời tựa trong “Bamboo Among the Oaks,” một tuyển tập văn chương Hmong xuất bản năm 2002.

Ở Việt Nam, ta thường quen gọi người Hmong là người Mèo. Là dân tộc sống theo kiểu du canh du cư, họ bảo toàn truyền thống văn hóa qua truyền khẩu. Theo truyền thuyết, họ đã từng có chữ viết nhưng bị thất lạc nhiều thế kỷ trước không rõ lý do. Hình thức chữ viết chỉ mới hiện hữu trong khoảng 50 năm trở lại đây nhờ một số nhà truyền giáo dùng mẫu tự La tinh tạo ra (như đối với người Việt Nam vài thế kỷ trước). Trong thời chiến tranh Việt Nam, người Hmong ở Lào gia nhập lực lượng chống Cộng của tướng Vàng Pao. Năm 1975, cùng chung số phận với miền Nam Việt Nam, Lào rơi vào tay Cộng Sản. Và cũng như hàng triệu người miền Nam Việt Nam, người Hmong chống Cộng được Hoa Kỳ và một vài nước khác nhận cho định cư. Riêng ở Hoa Kỳ, hiện có khoảng 281 ngàn người định cư rải rác tại một số vùng thuộc các tiểu bang California, Michigan, Colorado, Wisconsin, và North Carolina. Ðông nhất là ở thành phố St. Paul, bang Minnesota.

***

Sau mấy chục năm định cư, họ dần dần hội nhập vào đời sống Hoa Kỳ. Khả năng hội nhập của họ khá nhanh và thành công. Ðiển hình nhất là họ đã từng có người trở thành thượng nghị sĩ tiểu bang, trước cả cộng đồng người Việt. Ðó là Thượng Nghị Sĩ Mee Moua (từ 2002 đến 2011). Cảnh sát ở thành phố St Paul bây giờ phải học nói tiếng Hmong. Trong tình hình như vậy, nhiều trí thức Hmong – có người đậu bằng tiến sĩ – bắt đầu bàn đến chuyện thành lập một quốc gia Hmong ở một nơi nào đó trên vùng núi non nằm giữa biên giới Trung Quốc-Việt Nam-Lào. Trong lúc chờ đợi một tham vọng – có thể chỉ là ảo vọng – như thế được thực hiện, thì với kiến thức thu thập được, với một cuộc sống dễ chịu hơn nhiều so với khi còn ở trong rừng núi, họ tìm cách phục hồi lại nền văn hóa cổ truyền của mình. Nhiều trang mạng được thực hiện với nhiều thông tin và hình ảnh sinh hoạt, phong tục, tập quán, nghi lễ tôn giáo,… nhằm giao lưu với người đồng chủng đồng thời giới thiệu với thế giới. Ðặc biệt trong thời gian mấy thập niên qua, họ bắt đầu một cuộc hành trình khác, đó là hành trình tạo dựng một nền văn chương – văn chương Hmong – điều mà mấy ngàn năm qua, tổ tiên họ không làm được.

Mai Der Vang đoạt giải “Walt Whitman” 2016 là một thành công khác, đánh dấu một điểm mốc quan trọng của người Hmong: chính thức hội nhập vào dòng chính của văn chương Hoa Kỳ.

–––––––-

Tham khảo:

-Paj Ntaub Voice, Wikipedia

-Mai Der Vang, Poet.org

-Carolyn Forché Selects Mai Der Vang as 2016 Walt Whitman Award Recipient, Poet.org

-The Art of Hmong Embroidery

-Mai Neng Moua, Wikipedia

 

Trần Doãn Nho

Bài viết khác

Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương

02/09/2024

Thưa cha, tại sao trong kinh Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành... mà lúc thì gọi Mẹ Maria là Mẹ, lúc thì gọi là Bà? Có ý nghĩa gì và tại sao?

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art