Mật nghị Hồng y: các Hồng y có thể chọn người không phải là Hồng y làm Giáo hoàng không?
Nếu các Hồng y bị khóa kín trong Nhà nguyện Sistine để tiến hành mật nghị từ ngày 7 tháng 5 này gặp khó khăn trong việc quyết định, họ không bị buộc phải chọn tân Giáo hoàng từ trong số họ. Mặc dù điều này vẫn còn rất ít khả năng xảy ra, họ có thể chọn một Hồng y vắng mặt, một Giám mục, thậm chí một linh mục.
MẬT NGHỊ HỒNG Y
Trong khi 133 Hồng y dưới 80 tuổi phải bước vào mật nghị vào chiều thứ Tư ngày 7 tháng 5 này, nhiều tên tuổi được coi ứng cử viên sáng giá xuất hiện trên báo chí. Tuy nhiên, nếu các Hồng y bị khóa kín trong Nhà nguyện Sistine gặp khó khăn trong việc quyết định, họ không bị buộc phải chọn tân Giáo hoàng từ trong số họ. Mặc dù điều này vẫn còn ít khả năng xảy ra, họ có thể chọn một Hồng y vắng mặt, một Giám mục, thậm chí là một linh mục đơn thuần.
Văn bản phụng vụ quy định tiến trình bầu chọn người kế vị Thánh Phêrô, Ordo rituum conclavis, thực sự dự liệu những trường hợp ngoại lệ này. Điều 62 của văn bản nhấn mạnh một "Hồng y hoặc Giám mục" có thể được bầu mà không "hiện diện tại mật nghị". Trong trường hợp này, Phó Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức giám mục Edgar Peña Parra, sẽ phải đích thân thông báo cho người được bầu với "sự thận trọng và cẩn trọng" để người đó "sớm nhất có thể đến Roma" và tránh các nhà báo để không "vi phạm bí mật của mật nghị". Khi đến nơi, người được bầu sẽ phải chấp nhận hoặc từ chối trở thành Giám mục Roma. Như vậy, mật nghị có thể bầu một Hồng y mà vì lý do này hay lý do khác, không có mặt trong cuộc bỏ phiếu. Báo chí những ngày này đưa ra giả thuyết, tuy nhiên không nhiều khả năng, rằng sự lựa chọn các cử tri rơi vào một Hồng y trên 80 tuổi.
Một Giám mục hoặc một Linh mục
Nhưng ngoài các Hồng y, đôi khi người ta thích đề cập đến những cái tên khác. Vào tháng 4 năm 2005, một số người đề cập đến nhân vật Đức cha Angelo Comastri, một người thân cận của Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người khi đó chưa phải là Hồng y. Năm 2013, đó là tên Đức cha Francesco Moraglia, 59 tuổi, được bổ nhiệm làm Thượng phụ Venice một năm trước đó... và chưa bao giờ trở thành Hồng y. Một giả thuyết khác, rất không có khả năng nhưng không phải là không thể, được dành cho các Hồng y: việc bầu chọn một người chưa phải là Giám mục. Trong trường hợp này, theo điều 64 của Ordo, người mới được bầu, nếu chấp nhận làm Giáo hoàng, sẽ phải được truyền chức Giám mục ngay lập tức trong khuôn viên mật nghị bởi Niên trưởng Hồng y đoàn. Trong trường hợp vắng mặt Niên trưởng và Phó Niên trưởng, cả hai đều trên 80 tuổi, nhiệm vụ này sẽ thuộc về Hồng y Pietro Parolin, người sẽ chủ trì mật nghị. Giả thuyết cũng được đề cập trong Tông hiến Universi dominici gregis, tại điều 88. Tu sĩ Đa Minh người Anh Timothy Radcliffe, hiện là Hồng y, đã được coi là papabile (ứng viên Giáo hoàng) vào năm 2013 khi ông chưa phải là Giám mục.
Trên thực tế, tập quán từ lâu đã dẫn các Hồng y đến việc chỉ định một trong những đồng nghiệp làm Giáo hoàng. Tuy nhiên, lịch sử không thiếu những ví dụ về các tu sĩ hay ẩn sĩ được bầu làm Giáo hoàng. Một trong những người nổi tiếng nhất, Celestine V (1294), cũng được biết đến vì đã từ bỏ chức vụ sau sáu tháng trị vì! Gần chúng ta hơn, vào năm 1958, các Hồng y tụ họp để bầu người kế vị Giáo hoàng Piô XII có thể đã muốn bầu cho Đức giám mục Montini, vị sau này trở thành Giáo hoàng Phaolô VI. Nhưng Tổng Giám mục Milan khi đó chưa phải là Hồng y và mật nghị lúc bấy giờ đã không dám bầu một Giáo hoàng ngoài Hồng y đoàn.