Cách luộc mỳ Ý (spaghetti) không bị dính cục
Làm thế nào để nấu mỳ Ý mà không bị dính cục? Bí quyết nằm ở những mẹo đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả! Từ việc lựa chọn nồi, lượng nước, muối đến kỹ thuật khuấy đều, từng chi tiết nhỏ đều góp phần mang lại những sợi mỳ dai ngon và không bết dính.
Làm thế nào để nấu mì Ý mà không bị dính cục? Bí quyết nằm ở những mẹo đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả! (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Mì Ý nấu vừa chín tới sẽ có độ dai và mềm vừa phải, khi kết hợp với nước sốt thơm ngon, dễ dàng tạo nên món ăn hấp dẫn khó cưỡng.
Tuy nhiên, giống như các loại mỳ khác, nếu không cẩn thận, mỳ Ý sau khi nấu xong rất dễ bị kết dính thành một khối. Để tránh hiện tượng “thảm họa ẩm thực” này, cần lưu ý những mẹo nhỏ sau.
Sử dụng nồi lớn và nhiều nước
Mì Ý chứa nhiều tinh bột, khi nấu rất dễ làm nước trở nên sền sệt. Để làm loãng lượng tinh bột này, cần cho nhiều nước khi nấu mỳ Ý. Mỗi 0,5kg mỳ Ý cần ít nhất 5 lít nước.
Đồng thời, việc sử dụng nồi lớn cũng rất quan trọng. Nồi lớn sẽ giúp mì có không gian để trải đều. Khi mỳ hút nước và nở ra, chúng sẽ không bị dồn lại thành một khối.
Cho thêm muối vào nước
Khi nấu mỳ Ý, hãy thêm một chút muối vào nước. Điều này không chỉ giúp mì thấm vị mà còn ngăn tinh bột kết dính, từ đó tránh hiện tượng mì bị bết thành cục. Theo đó, mỗi lít nước luộc mỳ Ý nên cho vào khoảng một thìa cà phê muối.
Cho mì vào khi nước đã sôi
Mỳ Ý không nên ngâm trong nước quá lâu vì dễ trở nên bết dính và mất độ đàn hồi. Vì vậy, khi nấu mỳ Ý tốt nhất là đợi nước sôi rồi mới cho mỳ vào. Khi mì đã chín mềm, cần nhanh chóng vớt ra.
Quá trình nấu mỳ càng nhanh thì mì càng ít bị dính. Thông thường, thời gian luộc mì được ghi rõ trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, khi nấu bạn nên nếm thử để kiểm tra độ mềm của mỳ. Khi cảm thấy sợi mỳ đã mềm, có độ dai vừa phải thì hãy vớt mỳ ra ngay.
Cách nấu mỳ ý. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Thường xuyên khuấy
Thường xuyên khuấy sẽ giúp tách nhanh những sợi mì Ý bị dính vào nhau, tránh việc kết thành khối. Đặc biệt, khi vừa cho mì vào nồi, tinh bột bị ngấm nước nhưng mì vẫn chưa chín, rất dễ xảy ra hiện tượng dính chùm.
Không cần thêm dầu
Trong quá trình nấu mỳ Ý, không cần thiết phải thêm dầu vào nước luộc. Việc này không có tác dụng rõ ràng trong việc ngăn mỳ bị dính; thay vào đó, hãy khuấy thường xuyên.
Ngoài ra, việc thêm dầu khi nấu có thể khiến sợi mỳ trơn, khiến nước sốt khó bám đều lên sợi mỳ, làm cho hương vị không đồng nhất.
Không để mỳ Ý đã chín quá lâu
Không nên để mỳ Ý sau khi nấu chín trong rổ lọc hoặc đĩa quá lâu; hãy nhanh chóng trộn mì với sốt và dùng ngay. Chắc hẳn bạn đã từng gặp trường hợp món mì mang về từ nhà hàng bị kết dính thành cục. Nếu để mỳ Ý chín quá lâu, chúng cũng sẽ dính lại với nhau và trở thành một khối. Bạn sẽ tốn rất nhiều công sức để tách chúng ra.
Cũng không cần thiết phải rửa mì Ý đã chín. Việc rửa qua nước sẽ loại bỏ tinh bột trên bề mặt mỳ, nhưng cũng làm mỳ nguội đi, trở nên trơn và khó hòa quyện với sốt, từ đó làm giảm độ ngon của món ăn.
Chọn loại mỳ Ý chất lượng cao
Dù cẩn thận thế nào trong quá trình nấu, chất lượng món mỳ Ý cuối cùng vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu ban đầu. Loại mỳ Ý khô chất lượng cao thường ít bị dính vào nồi hoặc kết thành cục khi nấu. Điều này liên quan đến chất lượng bột mỳ và quy trình sấy khô. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy một loại mỳ Ý nào đó dễ bị dính, hãy thử đổi sang một thương hiệu khác.
Ngoài ra, nếu bạn nấu mỳ Ý tươi thay vì mì khô, vấn đề dính nồi hoặc kết dính cũng dễ xảy ra. Trong trường hợp này, trước khi cho vào nồi, hãy phủ một lớp bột lúa mỳ thô lên mỳ tươi. Đây là cách rất hiệu quả để ngăn ngừa mỳ bị dính.
Trúc Nhi biên dịch (Theo The Epochtimes)
https://trithucvn2.net