Xã hội và nền dân chủ Pháp sẽ sụp đổ?
Thế giới đang khủng hoảng . Từ khủng hoảng này tới khủng hoảng khác, từ mùa Xuân á-rặp, các nước hồi giáo trung đông, đồng Euro âu châu, sự vươn lên của Tàu và Ấn, Nga ngả về Á châu, chống Tây Âu tới sự suy nhược của các cường quốc tây phương, tình hình chung làm cho người ta nghĩ nền dân chủ đang thấ mệt .
Nói dân chủ thấm mệt, phải chăng vì thấy nó đã đạt tới cao điểm, một khi vượt qua, hệ thống dân chủ hiện nay sẽ không còn hoạt động được nữa .
Ở nhiều nước dân chủ, cứ mỗi khi vừa bầu lên một người lãnh đạo đất nước xong là có người đã muốn lôi xuống, không kịp chờ hết nhiệm kỳ . Vì hệ thống dân chủ không còn hữu hiệu nữa ? Hay dân chúng không còn muốn mình chỉ là cử tri thuần túy mà muốn phải có thêm những quyền khác quan trọng hơn ? Hay đã vội tin ở những lời vận động đường mật của ứng cử viên mà giờ đây biết mình đã chọn lầm ?
Trong lúc đó, có người hỏi một ủy viên trung ương đảng cộng sản ở Tàu tại sao việc bầu cấp lãnh đạo trung ương hoàn toàn thiếu minh bạch mà dân tàu tuyệt nhiên không phản ứng ?
Người ấy trả lời : «Chúng tôi đã là người đại diện nhân dân ưu tú ngay từ nhỏ vì chúng tôi được đào tạo bởi những vị thầy giỏi nhứt, trong những nhà trường giỏi nhứt thế giới và người lãnh đạo được Hội đồng nhân sĩ trung ương chọn lựa . Chúng tôi luôn luôn nghi ngờ phẩm chất những người lãnh đạo ở Tây phương vì nhân dân không ai biết rõ họ và họ lại không được Hội đồng nhân sĩ như của chúng tôi chọn lựa . Nên khi lên nắm quyền, họ chỉ biết lo làm giàu » .
Còn ở Việt nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cử ứng viên Trung ương bị bác đã vội reo lên « Dân chủ đến thế là cùng » Thật đúng là Trọng !
Riêng trưòng hợp nước Pháp, nếu nền dân chủ của Pháp mai này sụp đổ là do sự bất bình đẳng xã hôi ngày nay đã trở nên quá nghiêm trọng làm phương hại đến sự ổn định xã hội . Nhiều học giả báo động sự mù quán của những nhà lãnh đạo chánh trị Pháp đã bỏ quên giới lao động nghèo và nhứt là giới trung lưu, để chỉ tập trung nghĩ tới quyền lợi riêng của họ mà thôi .
Báo động
Hai Nobel kinh tế, Joseph Stiglitz và Angus Deaton, và nhiều học giả tên tuổi lớn của Pháp đều báo động tình hình xã hội của Pháp ngày nay không còn trên đà sụp đổ mà đi dần xuống vực thẳm . Những thành phần ưu tú nay hiểu ra và nhìn nhận, từ ba mươi năm nay, họ đã dương ra cái bẫy áp đặt lên xã hội, đó là những “mánh lới tự do kiếm tiền dưới danh nghĩa toàn cầu hóa” mà mọi người phải hòa nhập . Khi áp dụng chánh sách toàn cầu hóa, họ đã làm xã hội phân hóa, băng hoại, tạo ra đời sống nghèo khó và nạn thất nghiệp tràn lan .
Trong lúc đó, phong trào hô hào thứ “ dân chủ nửa vời ” (la démocrature – le populisme, xem NVT “Dân chủ nửa vời”) lại đang lớn mạnh ở khắp nơi . Ở Huê kỳ, ứng cử viên Tổng thống Trump được đông đảo ủng hộ (tuy cách làm giàu của cặp Clinton cũng không hay ho gì), ở Đức, dân chúng dồn phiếu cho đảng cực hữu AFD, ở Áo, cũng đảng cực hữu FPÔ thắng phiếu, ở Pháp, Mặt Trận Dân tộc (FN) lấn át nhìều đảng phái khác, ở Anh, xu hướng Brexite đã hạ gục Thủ tướng Cameron, ở Ba-lan và Hongrie, phong trào chống đường lối tự do nổi dậy, chống chánh trị Âu châu, nhứt là chống tiếp nhận người tỵ nạn . Xu hướng “dân chủ nửa vời ” còn hăm dọa Ý và nhiều nước khác Âu châu . Giới cầm quyền đang mang chung tâm trạng hoang mang .
Nay, những nhà trí thức đã phải báo động, khẩn trương hơn bao giờ hết . Ông Christophe Guilluy đã cho ấn hành sách để mô tả một xã hội Pháp đang suy thoái trầm trọng, cả với nền dân chủ (Christophe Guilluy, Hoàng hôn của Pháp từ thượng từng – le Crépuscule de la France d’en haut, Flammarion) . Người khác, bi quan hơn, cho rằng nước Pháp đang ở dưới vực thẳm . Thuyết của Christophe Guilluy là toàn câu hóa đã làm mất công ăn việc làm của giới lao động, đây họ ra khỏi những thành phố lớn . Một thế giới bất bình đẳng căng thẳng đang thành hình, với giới tư sản rút vào ẩn mình trong những thành phố lớn như thành lủy thời trung cổ . Một khi tóm được quyền lực, địa ốc, văn hóa, giới tư sản sẽ giải thích tình trạng bất bình đẳng là do xã hội của chúng ta đang diễn tiến qua giai đoạn “ xã hội mở ” hoặc sự “pha trộn xã hội “. Nhưng những nhà chánh trị chuyên nghiệp đã nhận thấy tự đánh mất vai trò đại diện quần chúng của mình do cử tri tẩy chay, không đi bầu, do sự lớn mạnh của phong trào đòi chủ quyền tối thượng (souverainisme) .
Theo nhà xã hội học Louis Chauvel (Sự tụt hạng xoắn ốc – Spirale du déclassement, Seuil, Paris), thì giới già và giàu chiếm đỉnh bảng xếp hạng xã hội Pháp theo mô hình thang xoắn ốc, đẩy giới bình dân, giới trung lưu và giới trẻ xuống những nấc thang cuối .
Ở nhiều nước, cả Huê kỳ, vấn đề bất bình đẳng xã hội vẫn chưa thẩm thấu giới lãnh đạo chánh trị vì họ cứ nghĩ có thể yên tâm nhắm mắt trước thực tề có 90% dân chúng từ hơn ¼ thế kỷ nay chứng kiến và sống hằng ngày tình trạng phát triển khựng lại . Thì nay những hậu quả chánh trị đã bắt đầu xuất hiện .
Đối với Âu châu, Gs Joseph Stiglitz cảnh cáo “ Tình hình chánh trị âu châu sẽ bi thảm hơn nều Âu châu vẫn tiếp tục theo con đường “tân tự do” (néolibéralisme) như từ lúc đưa ra đồng tiền chung euro”.
Thật vậy, cho tới nay, ở Âu châu, chỉ mới có các học giả Thomas Piketty, Emmanuel Saez (Pháp) và Anthony Atkinson (Anh) tham gia thảo luận về sự bất bình đẳng xã hội với chủ đề “1% người chiếm hữu sự giàu có của cả thế giới” .
Nobel kinh tế, Giáo sư Angus Deaton (Sự vượt thoát lớn – Grande Évasion, Puf, Paris) , với quan điểm ôn hòa hơn, cũng phải báo động người dân huê kỳ là chánh quyền bị những người giàu nhứt chiếm đoạt vi “ Luật chơi không còn tôn trọng quyền lợi người dân mà chỉ nhằm dành cho giới giàu có . Họ sử dụng sự ưu đãi này để giàu thêm và ảnh hương mạnh thêm . Nếu chế độ dân chủ tự thay đổi biến thành thứ chế độ của nhà giàu (ploutocratie) thì ai không giàu có sẽ mất đi tiếng nói của mình” .
Không riêng những học giả, cả Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) cũng đưa ra bản báo cáo “Sự giàu có tập trung mạnh vào một thiểu số làm suy yếu sự tăng trưởng …” Và cả FMI cũng viết “Thay vì tăng trưởng, những chánh sách tân tự do đã gia tăng bất bình đẳng làm phương hại sự phát triển bền vững ”.
Chánh trị mù quáng
Kết quả điều tra của Viện Mc Kinsey Global Institute trên 25 nước kỹ nghệ phát trìển cho thấy ngày nay cứ 2 gia đình trên 3, lợi tức của họ từ năm 2005 tới năm 2014 khựng lại hoặc gìảm (1993-2005, chỉ có 2% ) . Giới trẻ không bằng cắp bị thiệt thòi hơn hết . Nghĩa là giới trung lưu, giới nghèo, giới trẻ ngày nay nghèo hơn ông bà cha mẹ của họ rất nhiều .
Nhưng thật ra mức độ chênh lệch giàu nghèo ở Pháp vẫn thấp và chậm hơn ở Huê kỳ . Từ năm 1980 tới nay, tài sản của 1% nhà giàu ở Pháp tăng từ 7,50% tới 8, 50% trong lúc đó, ở Huê kỳ, tăng từ 8% tới 18% . Tuy nhiên, địa ốc ở Pháp lại tăng vọt mạnh vì giới giàu tranh nhau đầu tư vào bất động sản . Hiện tượng mới này làm cho giới trung lưu càng khó mua nhà cửa ở những thành phố lớn . Thành phố bổng trở thành nơi tập trung quyền lực .
Mặt khác, sự tụt hạng ở giới trung lưu còn do xã hội diễn biến theo đà phát triển phi mã của khoa học kỹ thuật. Giữa tháng chin vừa rồi, các nhà lãnh đạo Âu châu đã họp nhau không chánh thức tại thành phố Bratislava (Slovaquie) đều nhìn nhận giới trung lưu là con tim của xã hội tây phương . Nếu để cho giới trung lưu tuột dốc thì xã hội sẽ khó tránh bùng nổ . Nhưng làm sao giải quyết khi tự động hóa lao động mà không ảnh hưởng giới công nhân và algorithme sẽ không đẩy giới trung lưu đi tới thất nghiệp ?
Nhân viên ngân hàng, bào hiểm, kế toán, địa ốc, thông dịch, du lịch,…chắc chắn Pháp sẽ có 40% mất việc vì những dịch vụ này sẽ lần lượt được tự động hóa . Chỉ cần cái điện thoại đời mới đủ giải quyết một số lớn nhu cầu này . Khỏi di chuyển, khỏi gặp ai hết .
Nhà kinh tế trẻ của Pháp, ông Thomas Piketty (Tư bản ở thế kỷ XXI – Capital au XXI siècle, Seuil), than phiền « Các đảng cầm quyền các quốc gia âu châu dường như đều mù quáng cả bởi họ phản ứng trước sự khủng hoảng ở khu vực đồng euro như nơi đây chẳng có gì xảy ra . Nhứt là sự im lặng của Pháp lại không thể hiểu được …”.
Hiện nay, chánh giới Pháp đang đua nhau tranh làm Tổng thống 2017 . Họ vận động làm ứng cử viên ở bầu cử sơ bộ trong đảng . Tất cả có hơn 50 ứng cử viên tham dự . Riêng cánh hữu chánh thức có 7 người .
Mới chỉ thấy ông Sarkozy, cựu Tổng thống, khai thác đề tài “sự tụt hạng xã hội ” để vận động tranh cử . Ông tố cáo sự bất bình đẳng xã hội Pháp vô cùng nghiêm trọng . Giới trung lưu ngày nay, phải tính toán chi li ngân sách gia đình để cuối tháng cho đủ .
Theo ông, tình trạng bi đát này do “giới ưu tú đảng phái nắm chánh quyền đã tạo ra nên ông hô hào dân chúng phải chống lại giới cầm quyền, nước “Pháp ở dưới thấp” chống lại nước “Pháp trên cao” gồm có những nhà báo, những nhà binh luận, nhà chánh trị đảng phái, … . Phải chọn cách giúp đở giới trung lưu và giới nghèo”.
Nhiều học giả hiện nay đang báo động nền dân chủ và xã hôi Âu châu, và riêng Pháp, sẽ khó tránh sụp đổ do tình trạng bất bình đẳng xã hội gây ra . Trong lúc đó chưa thấy có nhận xét đáng tin cậy về tình trạng Việt Nam ngày nay.
Vì Vìệt nam ổn định ? Hiện có không ít nhà đầu tư ngoại quốc và cả gốc Việt Nam tới làm ăn . Người ta không ai thấy ở Việt Nam hoàn toàn không có dân chủ, xã hội bất bình đẳng gay gắt, phân hóa tận đáy giửa đảng cộng sản và Nhà nước độc tài với toàn dân . Đảng cộng sản chủ trương đàn áp nhơn dân để tồn tại . Nạn nhơn thì cam phận, cắn răng chịu đựng khi còn sức chịu đựng .
Nếu Pháp sụp đổ do nền dân chủ không còn hoạt động được nữa, xã hội quá bất bình đẳng thì Việt Nam phải sụp đổ trước và từ lâu bởi Việt Nam chẳng những không có dân chủ, mà xã hội bị cộng sản kèm kẹp nghẹt thở ?
© Nguyễn văn Trần