- Nguồn gốc lời thề hứa trong Hôn phối
Hỏi: Xin cha cho biết nguồn gốc lời thề hứa trong bí tích Hôn phối: “Tôi nhận… làm vợ và hứa sẽ chung thuỷ… suốt đời tôi”. Lời thề hứa này phát xuất từ Đức Ki-tô hay Giáo hội?
Đáp: Lời lẽ của câu thề hứa đó không phát xuất từ Đức Ki-tô. Thật vậy, lời lẽ mà cô dâu chú rễ trao đổi cho nhau trong khi cử hành bí tích Hôn phối rất khác nhau theo thời gian, và ngay cả hôm nay cùng một thời gian rất khác nhau từ nước này tới nước khác và từ nghi lễ công giáo này tới nghi lễ khác.
Cái cốt yếu duy nhất trong nghi thức cử hành là đôi hôn phối bày tỏ cho nhau qua một dấu hiệu công khai nào đó ý định sẽ sống chung với nhau trong một Hôn phối chung thuỷ. Việc bày tỏ này có thể bằng lời, hay – như trong một vài nghi lễ - bằng những cử chỉ tượng trưng như: cùng uống chung một ly, trao nhẫn cưới cho nhau,… Các cử chỉ tượng trưng này phải dễ hiểu như chính lời nói vậy.
- Mẫu lời thề hứa trong bí tích Hôn phối
Hỏi: Thứ bảy vừa qua, gia đình con đã tham dự một lễ cưới, trong đó đôi tân hôn trao đổi cho nhau những lời thề hứa mà con chưa từng được nghe lần nào.
Họ nói với nhau dài hơn về tình yêu của họ, về việc cần phải sống chúng với nhau để phục vụ sự sống. Không ai trong chúng con đã nghe ở đâu những lời lẽ như thế.
Con gái của con sắp kết hôn vào tháng 10. Phải chăng bây giờ đôi hôi phối có thể dùng những lời lẽ của riêng mình để diễn tả điều thề hứa trong bí tích này?
Đáp: Nghi thức Hôn phối trong nghi lễ công giáo Latinh có một mẫu lời thề hứa như sau: “Tôi … nhận … làm … và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với… Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng… mọi ngày suốt đời tôi”.
Mẫu này cũng có thể đặt dưới dạng câu hỏi của người chủ sự: “Anh có muốn nhận … làm vợ và hứa … không?”
Tháng 11/1969, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã chấp nhận thêm một mẫu mới, thân mật hơn.
Như vậy, ở Hoa Kỳ, các tín hữu có thể chọn một trong hai mẫu. Bộ Giáo luật khoản 1120 viết: “Với sự duyệt y của Toà Thánh, Hội đồng Giám mục có thể soạn thảo nghi thức riêng về Hôn phối, thích ứng với các tập tục thấm nhuần tinh thần công giáo của dân chúng và địa phương. Tuy nhiên, phải bảo vệ qui luật về sự hiện diện của người chứng hôn để đòi hỏi hai người kết hôn bày tỏ sự ưng thuận và đón nhận sự bày tỏ ấy”.
Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa soạn thảo nghi thức Hôn phối riêng, vì thế, hiện nay tại Việt Nam chỉ có một mẫu lời thề hứa. Do đó đôi hôn phối phải sử dụng mẫu này và không ai, kể cả linh mục chủ sự có thể sáng tác mẫu riêng. Lý do: lời thề hứa Hôn phối không chỉ là công việc của hai người mà còn có tầm quan trọng và liên hệ mật thiết tới toàn thể cộng đoàn.
Đôi hôn phối có thể tìm được những lời lẽ của riêng mình để diễn tả sự ưng thuận thân tình hơn, nhưng vì đây là một nghi lễ và một hành vi của Giáo hội, nên họ có trách nhiệm với cộng đoàn tín hữu, tức là Giáo hội, mà trước mặt Giáo hội họ bày tỏ sự ưng thuận, họ phải dùng những ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với đức tin của Giáo hội và điều kiện của bí tích.
Trong thực tế, đòi hỏi này không gây khó khăn gì cho đôi hôn phối bởi vì trong lễ cưới họ còn có nhiều cơ hội khác để diễn tả niềm tin và tâm tình của mình, như đọc lên những lời nguyện của riêng mình – từng người hay cả hai – ngay sau khi công bố lời thề hứa ưng thuận, hoặc lúc rước lễ xong.
Đó có thể là điều mà ông đã nghe được trong lễ cưới kia chăng?
Nếu đôi hôn phối bất ngờ đọc lời ưng thuận khác hẳn với những gì nghi thức chỉ dẫn, thì linh mục chủ sự phải dùng lại mẫu chính thức.
- Đòi buộc linh mục phải chỉ dạy về Hôn phối?
Hỏi: “Trong khi bàn chuyện với một người thân sắp sửa làm đám cưới, con được nghe nói rằng, linh mục của họ chẳng chỉ dạy gì cho họ về Hôn phối cả.
Với biết bao hôn nhân không hanh phúc và li dị, con thấy điều được nghe trên thật khó tin. Phải chăng Giáo hội không đòi buộc linh mục phải chỉ dạy và giúp đỡ giáo dẫn trước và sau khi kết hôn?”
Đáp: Theo luật Giáo hội, cha xứ có trách nhiệm nặng nề về việc này trong công tác mục vụ của mình. Bộ Giáo luật khoản 1063 đòi buộc các mục tử có bổn phận lo liệu sao cho cộng đoàn giáo hội của mình biết trợ giúp các tín hữu bảo toàn và gia tăng sự thánh thiện của Hôn nhân Ki-tô giáo.
Cha xứ có thể chu toàn công việc này bằng nhiều cách:
* Giảng dạy, huấn luyện giáo lý thích hợp cho vị thành niên, thanh niên và cả người lớn nữa về ý nghĩa Hôn nhân Ki-tô giáo và bổn phận làm vợ chồng, làm cha mẹ.
* Chuẩn bị riêng cho người sắp kết hôn để đôi bạn được sửa soạn xứng đáng lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống gia đình.
* Cử hành phụng vụ Hôn phối thật chu đáo để làm sáng tỏ rằng đôi bạn trở thành dấu chỉ và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội.
* Giúp đỡ cho đôi bạn sống trung thành với giao ước Hôn nhân để mỗi ngày họ thêm thánh thiện và hoàn hảo hơn trong đời sống gia đình.
- Tuy nhiên, cha xứ không bị đòi buộc phải đích thân hoặc chỉ dạy đủ tất cả. Lãnh vực này thật bao la: chỉ dẫn và cố vấn về tài chính, giao tế, pháp lý, hoà hợp phái tính, nuôi con và biết bao nhiêu vấn đề khác mà những năm đầu chung sống và suốt cả đời đôi bạn đặt ra.
Phần đông các linh mục nhờ các nhóm, các khoá, các giáo dân uy tín hướng dẫn về những việc này.
- “Lời hứa” trong Hôn nhân hỗn hợp
Hỏi: Câu trả lời của cha trên liên quan tới hôn phối giữa người công giáo với người không công giáo, nghe sao đơn sơ quá. Tại sao cha không nói rằng phía công giáo phải ký cam kết để con cái do cuộc hôn phối này được Thanh tẩy trong đạo công giáo? Nhiều người trẻ ngạc nhiên, khi được biết rằng phải ký điều cam kết đó trước mặt linh mục, trước khi cử hành lễ cưới. Nếu một trong hai người phối ngẫu không đồng ý điều đó, hôn lễ không thể cử hành.
Đáp: Điều bạn nói đúng, và tôi ám chỉ điều đó trong câu trả lời của tôi. Tuy nhiên vấn đề cũng cần một ít giải thích thêm nữa.
Trước đây cả bên công giáo và bên không công giáo đều phải ký cam kết để con cái mình sinh ra được theo đạo công giáo. Điều này nay đã được sửa đổi theo tông thư Matrimonia Mixta năm 1970 của ĐGH Phaolo VI về hôn nhân hỗn hợp.
Thủ tục có thể khác nhau, nhưng ý muốn của giáo hội là thế này: hết sức gây phương hại cho những cuộc hôn nhân khác tôn giáo giữa chồng hay vợ. Tôi xin giải thích thêm:
Thủ tục hiện này là: phía không công giáo không phải hý hay hứa gì cả. Còn phía công giáo cam kết hai điều:
1) Tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn hại đức tin công giáo (hoặc ghi ở thế tích cực: Tuyên bố tin vào Đức Giê-su Ki-tô và cố gắng tiếp tục sống đức tin đó trong giáo hội công giáo);
2) Hứa sẽ làm hết cách để con cái mình có thể được Thanh tẩy, và giáo dục trong giáo hội công giáo. (xem Bộ Giáo luật khoản 1125, 1126 và 1086).
Phía không công giáo không đòi buộc phải ký hay hứa gì cả.
Phía công giáo, vào lúc thuận lợi, phải cho bên kia biết những lời hứa mà mình phải giữ để bên kia cũng thực sự ý thức về lời hứa về bổn phận của bên công giáo.
Linh mục phụ trách đôi hôn phối này phải ký giấy xác nhận rằng: bên công giáo đã thông tri cho bên kia biết rõ cam kết và lời hứa của bên công giáo.
Bình thường, linh mục cũng sẽ cắt nghĩa cho đôi bên biết đức tin của người công giáo và đức tin này ảnh hưởng thế nào trong đời sống của kẻ tin, để họ nắm vững trước khi lấy nhau hầu có thể duy trì và tôn trọng sự khác biệt đức tin và xác tín của nhau trong suốt cuộc đời hôn nhân.
Có nhiều điểm cần giải thích liên hện đến những lời hứa của phía bên công giáo. Trước hết, chúng không hề thêm gì vào những điều mà một người công giáo đúng danh nghĩa phải tin. Khi một người nào đó đến trình với linh mục rằng họ là công giáo sắp làm đám cưới. Linh mục và giáo hội có quyền và có bổn phận xác nhận xem họ còn là người Ki-tô giáo không, nghĩa là người đó vẫn còn thâm tín và gắn bó với một điều chính yếu trong đức tin không.
Trong số những điều đó có hai điểm nha đã ghi trên kia. Bất cứ người công giáo nào không xem những điều đó như là đức tin căn bản thì hoặc là họ bị giáo dục sai lầm về đạo giáo cảu mình hoặc là họ rất yếu kém đức tin.
Nhưng tại sao phải cần tuyên bố hai điểm đó?
Một trong những lý do là để nhắc nhớ lại. Nhưng quan trọng hơn nó giúp đôi bạn xác định đâu là khác biệt trong đức tin tôn giáo, hay đâu là điều họ mong đợi nơi đôi hôn phối, như thế những khác biệt đó được giải quyết ổn thoả trước khi diễn ra lễ cưới.
Đàng khác, trong khi Giáo hội biết rõ một người công giáo tốt và hiểu biết tin những gì thì điều đó cũng không được tự cho mình biết những gì bên không công giáo tin tưởng. Thật ra bên không công giáo cũng có thể có niềm tin vào Thượng Đế, gia đình, hôn nhân cùng các điều đạo giáo khác. Và như thế hai niềm tin có thể đối diện với nhau để giải quyết ổn thoả trước khi cử hành hôn phối.
Dĩ nhiên, điều này phải được chính hai người chủ động với tất cả xác tin của mình. Họ phải biết rằng bất cứ xung đột nào về niềm tin đôi bên (ví dụ về bổn phận tôn giáo, về thanh tẩy, và giáo dục con cái trong tương lai…) đều có thể được giải quyết không cần bên kia, miễn là họ đã thoả hiệp với nhau rằng đó là những đòi buộc quan trọng của họ trước mặt Thiên Chúa.
Nếu không thể thực hiện được như thế, dĩ nhiên đôi bạn cũng không thể tiến tới hôn nhân thanh thản được.
Toàn bộ tiến trình trên là một lối diễn tả lòng yêu thương của giáo hội đối với đức tin và lương tâm trước là của bên công giáo, sau cũng là của bên không công giáo, mà những xác tín riêng đều quan trọng cho họ cũng như cho chúng ta vậy.
- Rao Hôn Phối
Hỏi: Có còn phải rao Hôn phối nữa không? Con biết có nhiều đôi không còn được rao trong nhà thờ nữa. Phải chăng chỉ rao Hôn phối khi gia đình yêu cầu hay vì lý do nào khác, xin cha cho biết?
Đáp: Rao Hôn phối là công bố cho mọi người biết là có hai người muốn lấy nhau, để ai đó thấy hai người này có ngăn trở tiêu hôn nào thì báo cho cha xứ biết ngay. Trong khi Giáo luật cũ bắt buộc, thì việc rao này ngày càng ít được nhấn mạnh như trước. Lý do có lẽ vì dân cư ngày nay di chuyển nhiều hơn xưa, những người biết rõ cô dâu chú rễ, có thể phân tán đi nhiều nơi. Do đó, chứng tá của gia đình và bạn bè cần thiết hơn là việc rao chung cho mọi người.
Giáo luật hiện hành không đòi buộc phải rao, nhưng dự liệu để Hội đồng Giám mục mỗi nước có thể bao gồm việc rao này vào những điều kiện cần thiết trước khi tiến hành Hôn phối (Giáo luật 1067).
Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa có thay đổi gì về việc này. Do đó, vẫn cứ phải rao như cũ.
- Anh chị em họ có thể lấy nhau?
Hỏi: Cha có thể trình bày họ hàng thế nào bị cấm lấy nhau? Một người anh họ của tôi (con chú con bác) đã đính hôn với một người em họ khác (là con của chú họ). Con không hiểu giáo hội có cho phép không? Có nhiều người không biết rõ họ hàng xa hơn cấp ông bà và anh, chị, em con chú, bác họ.
Đáp: Bạn đang hỏi tới một trong những ngăn trở của Hôn phối mà Giáo luật cũng như luật của những nước khác, gọi là những ngăn trở họ máu.
Có hai loại họ máu:
- Một là trực hệ (hàng dọc): tức là họ hàng của ông bà, cha mẹ, con cháu của mình.
Họ hàng trực hệ như thế là một ngăn trở tiêu hôn không chỉ là ở luật Giáo hội mà còn là luật Chúa nữa. Không bao giờ được chuẩn ngăn trở này.
- Loại thứ hai là bàng hệ (hàng ngang), tức là họ hàng giữa chị em ruột (bậc thứ hai), anh chị em họ con chú, bác, con cô cậu, con bạn dì (bậc thứ tư) và cứ thế.
Theo Bộ Giáo luật hiện hành, bà con họ máu đến hết bậc thứ tư là một ngăn trở tiêu hôn (BGL 1091).
Cũng giống như trực hệ, Giáo hội không bao giờ chuẩn cho lấy nhau họ hàng hệ bậc thứ hai, tức hôn phối giữa anh chị em ruột. Còn trong các bậc khác, khi có lý do nghiêm trọng, Giáo hội, qua vị Giám mục sở tại có thể chuẩn.
Hôn phối giữa anh chị em họ gần nhất (con chú bác, cô cậu, con dì) thì không được phép trong nhiều nền văn hoá khác nhau; Tuy nhiên, trong trường hợp này, Giáo hội có thể chuẩn, và việc chuẩn này cũng tương đối phổ biến.
Luật Giáo hội cấm Hôn phối họ máu gần, là dựa trên lý do xã hội, và y học. Cái lý do này ngày càng hiển nhiên hơn. Trong khi một ít nền văn hoá cổ xưa hình như vẫn cho phép hôn nhân giữa anh, chị, em ruột và có khi cả giữa cha mẹ và con cái thì chúng lại bị cấm trong các bộ luật lớn mà chúng ta quen biết, như trong bộ luật Do thái của Cựu Ước.
Cách tính họ hàng trong bộ Giáo luật Tây phương và Đông phương có khác nhau, nhưng trong thực tế, ngăn trở tiêu hôn và khả năng lấy nhau cũng giống như những điều đã trình bày trên đây.
- Huỷ bỏ lời đính hôn (Lễ hỏi)
Hỏi: Con vừa huỷ bỏ lời đính hôn với một người rất quảng đại trong mọi việc trừ một điều: anh ta rất ghét có con, còn con, con muốn có con khi đã lấy nhau. Anh ta có cái nhìn thật kỳ dị về mái ấm gia đình.
Cha có thể cho biết tại sao anh ta lại có ác cảm với con cái? Nếu không có điều đó, anh ta quả là người hoàn hảo: Dầu sao con cũng đã phải từ bỏ ý định lấy anh ta.
Đáp: Tôi có thể kể một số lý do mà người đang ông không muốn có con, kể cả lý do vì kinh nghiệm chua xót trong quá khứ hay đơn giản hơn vì đó là cách nhìn của anh đối với sự sống.
Tuy nhiên, bất cứ vì lý do nào, chị thật may mắn và khôn ngoan vì đã cam đảm cắt đứt lời hứa hôn. Nhiều người nam và nữ đã không đủ can đảm để quyết định như thế, họ hy vọng hão rằng “rồi có tiến bộ”. Rất ít khi xảy ra như vậy.
Tôi hy vọng kinh nghiệm của chị sẽ nâng đỡ người khác trong việc biết thật rõ điều mình trông đợi nơi Hôn phối và trong việc đủ can đảm để dứt khoát cho dù là sắp lấy nhau.
- Quan hệ tình dục trước Hôn nhân có sai không?
Hỏi: Con là một người công giáo đã thề hẹn với một cô Tin lành. Chúng con ở lứa tuổi đôi mươi và dự định cưới nhau, có lẽ khoảng vài năm nữa. Con chưa bao giờ làm việc ấy với ai, nhưng có sai trái không khi quan hệ tình dục với người mà mình có ý định kết hôn.
Trước đây con chưa hề hỏi han ai. Nàng nói nàng yêu con nhiều và muốn lấy con một ngày gần đây. Chúng con đã nói chuyện với nhau về quan hệ tình dục, nhưng con thật sự rối trí. Con muốn cưới nàng, và cũng muốn làm điều được phép mà thôi.
Chúng con cần câu trả lời của cha. Con biết có thể một trong những trả lời của cha là: nếu anh chị yêu nhau thật, anh chị có thể chờ, nhưng cả hai chúng con muốn được trả lời rõ ràng, chắc chắn.
Đáp: Luân lý công giáo vẫn luôn dạy rằng: quan hệ tình dục trước hôn nhân là sai. Nhân đây tôi có thể trình bày một số tư tưởng, tuy ít ỏi nhưng rất quan trọng hầu giúp đỡ anh chị.
Trước hết, anh phải nhìn nhận việc anh ao ước có quan hệ tình dục với người anh yêu không những là bình thường mà phải cảm thấy thôi thúc nữa. Bất cứ người nam hay nữa nào có ý định lập gia đình với nhau mà không khao khát mãnh liệt có quan hệ tình dục với người bạn tình của mình thì quả có sự trục trặc. Họ cần phải điều trị về y khoa hay tâm lý trị liệu hoặc phải ra xét lại xem mình đã lựa chọn đúng người bạn đời chưa.
Tuy nhiên việc ao ước như thế tự nó chưa phải là nền tảng để xét đoán xem quan hệ tính dục đúng hay sai luân lý. Giống như mọi giáo thuyết của Ki-tô giáo – công giáo, lời dạy trên đây của Giáo hội cũng không ngăn cản họ vượt qua giới hạn (phạm tội). Giáo hội chỉ đơn giản xác nhận bằng sự sáng suốt và niềm tin của mình điều mà toàn thể nhân loại đã kinh nghiệm: quan hệ tình dục hoàn toàn giữa hai người chưa kết hôn thì tai hại và nhiều khi không lường trước được hậu quả. Do đó, có tội.
Việc hoàn toàn dâng hiến cho nhau qua quan hệ tính dục phải bao gồm việc chấp nhận trách nhiệm và thường xuyên tin tưởng phó thác vào nhau, điều mà anh chị không thể đơn giản có được. Chỉ trong Hôn nhân, những gì anh chị nói, những gì anh chị thề hứa phó thác cho nhau mới có giá trị.
Lời thế ước mà một ngày kia anh sẽ tuyên đọc (nếu anh chị lấy nhau – vẫn còn một chữ ‘nếu’ to tướng) không hợp pháp hoá điều anh chị làm trước đó. Khi có gia đình và bạn bè của anh chị đến chứng kiến lời thề ước của anh chị đọc để bắt đầu tạo nên sợi dây liên kết Hôn phối thì điều đó sẽ làm cho nó có giá trị hơn là giữa hai người với nhau thôi. Chỉ khi đó anh chị mới có ràng buộc vĩnh viễn và có trách nhiệm cho nhau và vì nhau. Khi ấy, quan hệ tính dục mới trung thực diễn tả điều anh chị gắn bó với nhau.
Trái với điều người ta thường xuyên nghe hiện nay, chẳng có gì minh chứng việc quan hệ tính dục trước Hôn phối sẽ gia tăng cơ may sống hạnh phúc với nhau sau đám cưới cả. Trái lại là đàng khác, thực tế đã cho thấy điều đó.
Vui thú, mạo hiểm, muốn có kinh nghiệm về tình dục có thể dễ dàng (và dễ hơn là anh tưởng nữa) trở thành nhàm chán, ấy là chưa kể kèm theo ý thức phạm tội. Một quan hện tình dục như thế thường làm cùn mòn khả năng giúp đỡ nhau đương đầu với những căng thẳng, bất ổn và trách nhiệm mới trong những năm đầu chung sống.
Quan hệ tính dục còn có chiều hướng ám ảnh con người, đặc biệt khi quan hệ tính dục này ở ngoài nhu cầu và trách nhiệm của đời sống Hôn nhân. Một khi đã bắt đầu quan hệ tình dục, nó thường lởn vởn mãi trong đầu óc người thanh niên nam nữ… Khi người ta hẹn hò gặp nhau người ta cũng biết rằng cuộc vui sẽ chấm dứt. Mọi cố gắng để làm vui lòng nhau, để chia sẻ cho nhau những hy vọng, âu lo, lý tưởng, và ngay cả mọi cố gắng để tìm xem mình có thể làm gì để trao tặng bên kia điều mà họ cần… Tất cả cũng sẽ dễ dàng biến mất và đi vào quên lãng. Tính dục muốn luôn có giá trị của nó, nhưng nó cũng đòi hỏi phải suy nghĩ, nỗ lực cá nhân và vị tha.
Lý tưởng và tình yêu của anh thật sâu đậm. Tôi hy vọng anh vẫn giữ được như thế trong ánh sáng của luân lý. Anh sẽ được sung sướng và bình an trong tâm hồn, điều mà không gì giá trị bằng.
- Sống chung trước Hôn nhân
Hỏi: Con chấp nhận hầu hết các thay đổi trong Giáo hội công giáo, và cảm thấy chúng tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên có một điều mới xảy ra tại nhà thờ chúng con làm con chẳng hiểu gì cả. Một bà còn trẻ, người công giáo và một ông công giáo quyết định cưới nhau sau khi đã từng chung sống với nhau tối thiểu là 8 tháng cuối. Rao, dán lời rao và rồi cử hành lễ cưới chiều thứ bảy với đầy đủ các nghi thức. Họ vẫn sống chung với nhau cho đến lúc cử hành hôn lễ.
Phải chăng giờ đây Giáo hội đã chuẩn nhận cho sống chung với nhau trước hôn nhân? Xin giải thích xem đây có phải là một điều đã trở thành thông thường rồi chăng?
Đáp: Sống chung với nhau trước hôn nhân dứt khoát không được chấp nhận trong luân lý Ki-tô giáo. Thật là tai hại, tội lỗi, không kể việc làm sai hai người đó có thể nghĩ được trong lúc này.
Mặt khác, người nam và người nữ có quyền lấy nhau và nếu là người công giáo còn có quyền được cử hành lễ cưới.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, sự long trọng và công khai của đám cưới đó phải xét sao cho cân bằng với quyền của Dân Chúa còn lại: quyền không xem lễ nghi Hôn phối như trò đùa và chỉ còn là những cử chỉ vô nghĩa, quyền không bị vấp phạm vì cha mẹ và con cái của họ là hậu quả của tình trạng tội lỗi và nguy hại lại phô trương như thế,…
- Đính hôn rồi có thể ngủ chung phòng?
Hỏi: Khi một cặp đã đính hôn, có cha mẹ thấy rằng không sai lỗi gì cả khi họ ngủ chung phòng. Có cha mẹ lại xem đây là một điều vi phạm luân lý nghiêm trọng. Trong trường hợp này, cha xứ có bó buộc phải nói cho cặp đó và cha mẹ biết rằng như vậy là sai và hướng dẫn họ trở về với đời sống gương mẫu Ki-tô giáo, thay vì cứ để mặc họ không?
Đáp: Tôi hiểu nỗi khổ và sự chán nản của ông về điều này. Việc ngủ chung phòng như thế không những trái luân lý mà còn không mang lại niềm vui đích thực mà hai người sẽ trao tặng cho nhau khi thành vợ chồng trong giao ước Hôn phối. Chỉ trong hôn nhân, những khám phá như thế mới giúp xây dựng sự tin tưởng, tín thác nhau và sẽ mang lại ích lợi nhiều cho những năm kế tiếp. Dĩ nhiên ai cũng muốn con cái mình có được những điều đó ở mức cao nhất.
Ông nghĩ ông có thể làm gì ư?
Tôi nghĩ không cần nhiều, ít là với những gì ông viết trong thư. Hiển nhiên không cha mẹ nào được bỏ qua hay cho phép con em mình làm như vậy trong gia đình.
Nếu sợ chạm tự ái của cha mẹ phía bên kia hay cha xứ, ông có thể trao đổi điều này với họ, và tôi nghĩ phải gặp riêng họ. Biết bao sự hiểu lầm và thông tin sai lạc đã được hoá giải nhờ những cuộc đối thoại tay hai, tay ba như vậy.
Ông hãy nói chuyện với tất cả những người liên hệ, đừng sợ bị chế nhạo và đừng do dự. Hãy làm tất cả vì lòng yêu và sự quan tâm đến lớp trẻ. Và ông luôn nhớ, Chúa là thẩm phán, chứ không phải chúng ta.
- Cưới “trong nhà thờ”?
Hỏi: Con gái chúng con dự định kết hôn với một người Tin lành đã li dị. Anh ta đã rửa tội trong giáo hội Báp-tít. Vì lẽ người ta nói cô cậu không được cưới trong nhà thờ công giáo, nên phải chăng con gái chúng con có thể xin phép Giám mục để cưới trong nhà thờ Tin lành? Và như thế một linh mục công giáo có thể hiện diện và chúc lành cho đôi Hôn phối không?
Đáp: Khi linh mục nói con gái bạn và chàng kia không thể cưới nhau trong nhà thờ là có ý nói cô cậu không thể lấy nhau theo luật Giáo hội chứ không chỉ có nghĩa là không được làm lễ cưới trong nhà thờ công giáo mà thôi đâu. Chỉ có thể xin phép chuẩn của Giám mục để cưới nhau trong nhà thờ Tin lành hay bất cứ ở đâu không có sự chứng hôn của linh mục, nếu cô và cậu hội đủ điều kiện để lấy nhau thành sự theo luật Giáo luật.
Do đó, nếu hôn phối của chàng ta trước đó không vô hiệu và không có án lệnh huỷ hôn nào khác (điều mà cha xứ của bạn có lẽ thấy không hy vọng), thì không ai cho phép họ lấy nhau và không linh mục nào hiện diện được.
Cũng nhằm giúp đỡ cho người khác nữa, tôi có thể nói với bạn rằng câu hỏi và trường hợp con gái của bạn là một dẫn chứng cho thấy cần phải lưu ý đến cuộc sống trước đó của người kia, xem họ đã có dây hôn phối nào chưa. Giáo huấn căn bản, các qui luật của Giáo hội liên hệ đến hôn phối thật rõ ràng, trường tồn và sẵn sàng giải đáp cho mọi câu hỏi.
Do đó, nếu một người công giáo sống đức tin thực sự họ phải được hướng dẫn bằng một số nguyên tắc và luật lệ nào đó trong việc hò hẹn, tìm hiều trước khi có ý định đi đến hôn nhân.
- Cử hành Thánh lễ Hôn phối tại nhà?
Hỏi: Con gái con muốn cha xứ cử hành lễ cưới tại khuôn viên nhà mình, và lại muốn cử hành vào Chúa nhật. Con được trả lời là theo qui định của Giáo phận, bí tích phải được cử hành ở nơi thánh – thánh đường-, và hơn nữa không được làm lễ cưới trong ngày Chúa nhật. Xử sự như vậy có độc đoán không?
Một người bạn của con vừa mới dự lễ cưới trong ngày Chúa nhật tại một giáo phận khác, và người em của con ở California nói rằng tại đó, lễ cưới được cử hành tại nhà là phổ biến.
Phải chăng khi ĐGH Gioan XXIII nói: “Hãy mở toang cửa Giáo hội ra” - chỉ là câu nói quá đáng?
Đáp: Xin giải đáp câu hỏi của bạn từng điểm một:
1- Trước hết, luật chung của Giáo hội đòi hỏi lễ cưới giữa người công giáo với nhau hoặc giữa người công giáo và người đã rửa tội ngoài công giáo phải được cử hành trong nhà thờ xứ, trừ khi có phép đặc biệt của Giám mục để cử hành ở một nơi khác. Hôn phối giữa một bên công giáo, một bên không rửa tội có thể được cử hành trong nhà thờ hay tại một nơi khác xứng hợp (Bộ giáo luật 1118).
Như chúng ta biết, Giáo hội đặc biệt tôn kính các nhà thờ như một nơi thánh, ở đó diễn ra mọi biến cố tôn giáo của người tín hữu. Hôn phối Ki-tô giáo là một trong những biến cố đó. Do đó không những vì là một hành vi phượng tự mà hôn nhân Ki-tô giáo còn là một lễ nghi long trọng nên không thể tầm thường hoá nó. Nhà thờ xứ là nơi thánh xứng hợp nhất cho tính long trọng này. Chỉ cho phép tổ chức nơi khác khi thái độ của phía không công giáo có thể gây nguy hại cho nghi lễ trong nhà thờ.
Như khoản Giáo luật tôi vừa trích trên đây, Giám mục là người cho phép ngoại lệ này. Do đó cứ tuân theo ý của Giám mục địa phương.
2- Tập tục thì khác nhau từ nước này đến nước khác, và ngay trong cả một nước. Vì thế tổ chức lễ cưới vào Chúa nhật chỗ này được phép, còn nhiều chỗ khác bị ngăn cản. Lý do là trong ngày Chúa nhật, linh mục quá bận rộn với công việc giáo xứ nếu không muốn nói là quá tải. Hơn nữa thời biểu thánh lễ ngày Chúa nhật khá sít sao nên linh mục khó có thể sốt sắng cử hành cho anh chị một thánh lễ riêng.
Quan trọng hơn, thánh lễ ngày Chúa nhật được cử hành để qui tụ mọi thành phần trong giáo xứ, vì thế những gì cản trở được xem là ‘phụ thuộc’ đều dễ bị cản ngăn. Hơn nữa, ngày Chúa nhật thường cấm cử hành thánh lễ tại gia hoặc thánh lễ cho những nhóm nhỏ.
Do đó, trong khi luật chung không cấm, nhưng giáo phận của bạn là một trong những giáo phận chủ trương không cử hành lễ cưới vào ngày Chúa nhật.
Là một mục tử, nhiều khi tôi cũng thấy chủ trương như vậy là không xứng hợp và có vẻ độc đoán, nhưng không phải nơi đâu và lúc nào cũng vậy.
3- Khi ĐGH Gioan XXIII nói “Hãy mở toang cử sổ”, điều đó có ý giúp chúng ta tự khẳng định mình rõ nét hơn để sẵn sàng bảo vệ đức tin của mình mà không sợ hãi gì.
- Lễ nghi Hôn phối không Thánh lễ
Hỏi: Con gái chúng con sắp lập gia đình. Cháu nói với chúng con rằng, muốn tổ chức nghi thức Hôn phối trong một nhà thờ lớn tại thành phố chúng con, nhưng cháu và hôn phu của cháu lại không muốn cử hành vào trong thánh lễ vì các cháu không thực hành đạo từ lâu.
Cháu đã sắp xếp ngày giờ với cha xứ nhà thờ đó nhưng lại chưa nói ý định không muốn có thánh lễ. Linh mục có thể cử hành nghi thức Hôn phối ngoài thánh lễ không? Con thật đau đầu và không biết phải làm gì đây. Phải chăng cử hành với thánh lễ mạng lại nhiều ơn ích thiêng liêng hơn?
Đáp: Như bạn đã biết, ngày nay không phải là không nghe nói đến nhiều cặp công giáo đạo dòng, nhưng cho tới khi sắp làm đám cưới mà đức tin vào Giáo hội và cả vào Chúa nữa chẳng có là bao nhiêu. Họ có thể là những người lương thiện, tốt lành, nhưng về mặt tôn giáo, họ bị khủng hoảng. Có lẽ liên hệ tới khủng hoảng ở tuổi thanh niên.
Đối với họ, họ hãnh diện vì cử hành nghi thức Hôn phối không có bí tích Thánh Thể - Bí tích mà đối với họ rất ít hoặc chẳng còn ý nghĩa gì – Trong thực tế, nhiều linh mục đã nói với đôi hôn nhân để họ tự chọn lựa nếu họ xem ra chẳng mấy thích thú gì thánh lễ Hôn phối cả.
Giải pháp của tôi và của hầu hết các linh mục khác là dùng thời gian thích hợp trước hôn phối để nói chuyện với đôi hôn nhân về cuộc sống, về Chúa, Giáo hội, Bí tích nhất là bí tích Thánh Thể là những gì có thể mang lại lợi ích cho họ. Với trách nhiệm trên nhau, và có lẽ, chẳng bao lâu, trên cả con cái nữa, họ không thể trôi nổi không mục đích, chẳng bám vào đâu cả.
Tuy nhiên tôi không muốn có ý kiến về cách xử sự của từng vị linh mục trong từng hoàn cảnh. Ở đây tôi khuyên bạn hãy bắt con gái mình mau gặp và nói cho vị linh mục biết những ý nghĩ và dự định của cô.
- Hôn phối thiếu đức tin có phải là bí tích không?
Hỏi: Con rất đỗi ngạc nhiên về một câu trả lời của cha liên hệ đến Hôn phối. Cha nói rằng những người không công giáo những đã được rửa tội thành sự trong Ki-tô giáo nếu lấy nhau thì hôn phối của họ cũng là bí tích.
Có thật là nếu họ chẳng tin gì cả, hôn phối của họ vẫn là bí tích chăng? Và giả sử lễ nghi chứng hôn bởi một giáo sĩ chẳng tin gì thì đó vẫn là bí tích sao? Câu trả lời của cha có vẻ như khẳng định.
Nếu thật như vậy, Bí tích quả là một trò phù thuỷ. Con xin cha trả lời lần nữa cho câu hỏi rất quan trọng này.
Đáp: Câu trả lời của tôi trước đây phù hợp với đức tin và thực hành của đạo công giáo hiện nay. Tuy nhiên vấn đề của bạn đặt ra quả thật khá quan trọng để chúng ta cùng rà xét lại dưới cái nhìn thần học và giáo luật.
Lập trường của Giáo hội liên quan đến bí tích Hôn phối vẫn còn là một trong vài vấn đề đang tranh luận. Theo nền thần học chúng ta, Hôn phối là bí tích duy nhất vẫn thành sự khi những người lãnh nhận nó có thể không biết mà cả khi không tin hoặc từ chối tin tính bí tích của Hôn phối. Câu hỏi của bạn nhằm vào trường hợp bất thường trên đây.
Để giải đáp thoả đáng, tối thiểu phải làm rõ nghĩa của hai chữ Bí tích. Thật sự có một dấu chỉ và một khác biệt sâu xa giữa Hôn nhân ngoài Ki-tô giáo và Hôn nhân Ki-tô giáo. Những người Ki-tô giáo này gặp gỡ và sống với nhau như những thành viên của đại gia đình Đức Ki-tô. Tôi tin là không ai chối bỏ điều đó. Vậy thánh Phaolo trong thư Epheso đã nói hôn nhân giữa người nam và người nữ vốn đã là anh chị em trong gia đình Ki-tô giáo thì tự nó cũng đã là một dấu chỉ - tức bí tích – của tình yêu giữa Đức Ki-tô và Giáo hội của Ngài. Giáo lý Hội thánh chỉ muốn làm rõ hơn điều này về bí tích Hôn phối.
Vấn đề đặt ra không phải chỉ nằm trong trường hợp bạn mô tả trên đây mà còn có thể đặt ra cho hai người tự nhận là công giáo, nhưng hầu như chẳng còn tin và giữ đạo gì nữa. “Bí tích” hôn phối của họ làm sao diễn tả được mầu nhiệm Chúa Ki-tô yêu Giáo hội?
Câu hỏi bạn đặt ra thuộc loại đặc biệt, nhưng thành thật mà nói tôi ngạc nhiên ít thấy ai đặt câu hỏi như vậy.
- Tại sao phải kết hôn trước mặt linh mục
Hỏi: Con biết rằng giờ đâu một cô công giáo có thể kết hôn trong nhà thờ Tin lành của bên nam. Nhưng con nghĩ lẽ ra người công giáo phải luôn luôn kết hôn trước mặt linh mục để bí tích được thành sự, và đích thực họ cưới nhau dưới sự chứng kiến của Giáo hội.
Đáp: Điều luật mà bạn nói trên đây là một trong những nét tiến bộ, nhưng cảm nghĩ của bạn cũng là một ví dụ tốt về điều mà nhiều người nghĩ là lúc nào cũng phải ‘luôn luôn’ cho đơn giản. Nghĩ như vậy, cũng nguy hiểm như trong trường hợp mà chúng ta bàn tới đây.
Mặc dầu ngay từ thuở sơ khai của Giáo hội, người Ki-tô hữu thường vẫn được thúc đẩy nên lấy người trong đạo và cử hành hôn phối trước mặt linh mục, nhưng mãi cho tới năm 1563 không có luật lệ nào buộc phải làm như vậy (để thành sự). Lại nữa, vì những lý do kỹ thuật, mà luật buộc đó cũng không được áp dụng tuyệt đối trên toàn nước Mỹ và một số nước khác. Do đó, một đám hôn phối mà chỉ một bên là công giáo có thể được cử hành bởi một thừa tác viên hay một quan toà và được Giáo hội công nhận điều đó.
Tại nước Mỹ, chỉ từ năm 1908, mới đòi hỏi mọi người công giáo phải kết hôn trước mặt linh mục, nhưng cũng có một vài luật trừ như trường hợp trên đây. Tuy nhiên, ngay cả hôm nay, bạn cũng phải xin phép chuẩn của Giám mục để có thể thành sự theo luật của Giáo hội khi bạn muốn kết hôn ở nơi khác, ngoài nhà thờ công giáo.
- Chuẩn hình thức giáo luật
Hỏi: Một người bạn công giáo của con rất nhiệt thành, vừa mới kết hôn với một cô Do thái giáo trong nghi thức dân sự do một quan toà chủ trì.
Con đã nói chuyện với hai linh mục và được cả hai trả lời khác nhau. Người bạn của con sau lễ cưới như thế có còn đứng trong hàng ngũ công giáo nữa không?
Đáp: Qua thư từ gởi tới, tôi thấy nhiều người công giáo còn lẫn lộn về vấn đề này.
Trước hết, luật đòi buộc người công giáo kết hôn trước mặt linh mục, là luật của Giáo hội chứ không phải luật của Chúa. Trải qua bao thế kỷ, Giáo hội đã chấp nhận đám cưới dân sự luôn thành sự cho cả thành viên của Giáo hội, nhưng song song, Giáo hội vẫn không ngừng sự nhắc nhở tính chất đặc biệt cảu Bí tích này giữa hai người Ki-tô hữu và nhấn mạnh tính bí tích phải được đề cao trong khi cử hành nghi thức.
Luật bắt buộc hai người công giáo phải trao đổi lời ưng thuật lấy nhau trước mặt linh mục để hôn nhân thành sự chỉ mới áp dụng cho toàn Giáo hội từ đầu thế kỷ này thôi.
Đức Phaolo VI cũng đã sửa đổi luật này từ nhiều năm nay. Giờ đây, các Giám mục có thể chuẩn cho người công giáo để họ được kết hôn thành sự trước bất cứ ai: một thừa tác viên thuộc giáo hội khác, một quan toà… Điều này được gọi là chuẩn hình thức giáo luật (Bộ Giáo luật 1127, 2).
Việc xin phép chuẩn này sẽ do đôi hôn nhân làm đơn thông qua vị linh mục liên hệ. Chính linh mục sẽ trình bày cho Giám mục biết những lý do mà mình thầy là được để xin ban phép chuẩn này: nhưng lý do như là để tránh cho gia đình ly tán, như là tình thân thiện đặc biệt với thừa tác viên ngoài công giáo…
Trừ khi đã xin và đã được Giám mục ban phép chuẩn như thế, bất cứ hôn phối nào giữa hai người công giáo, giữa người công giáo với người ngoài công giáo mà không có sự chúng hôn của linh mục (trừ trường hợp không có linh mục, phó tế) thì đều không thành sự theo như giáo luật chỉ dạy (Bộ Giáo luật 1108, 1117).
- Lễ cưới công giáo trong nhà thờ Tin lành?
Hỏi: Vừa mới đây, một co bạn công giáo của con kết hôn với một người đã li dị, thuộc giáo hội Trưởng lão, và đươc mục sư của họ chứng hôn. Con còn biết rằng một linh mục công giáo đã đợi và chúc phúc cho họ ngay sau đó.
Phải chăng Giáo hội công giáo nhìn nhận bí tích này thành sự, và như thế cô ta có thể xưng tội, rước lễ? Nếu đúng như thế, xin cha giải thích thêm.
Đáp: Trường hợp bạn mô tả trên đây hoàn toàn có thể nằm trong khuôn khổ của giáo luật, và –trừ việc làm lễ cưới trong nhà thờ Tin lành- chẳng có gì mới lạ đâu trong Giáo hội công giáo.
Nhìn vào trường hợp bạn mô tả trên đây, có hai cách để tiến tới Hôn phối lần thứ hai:
1/ Hôn nhân của chàng ta trước đó vô hiệu: thí dụ: sau này khám phá ra có những ngăn trở tiêu hôn theo cái nhìn của Giáo hội ngay từ khi lấy nhau, như thế nghĩa là chưa thành hôn phối gì cả.
2/ Một cách thế khác, được gọi là đặc ân đức tin, gần giống như đặc ân Phaolo[1] (1Cr 7) cho phép tiến tới hôn nhân thứ hai trong một số trường hợp vì lợi ích đức tin của một trong hai bên. Đặc ân đức tin này (còn được gọi là đặc ân Phê-rô) dùng để tháo gỡ hôn phối của một bên không công giáo đã rửa tội (thỉnh thoảng cũng có thẻ là Công giáo) và một bên không rửa tội, để họ có thể đến với hôn nhân khác.
Cả điều kiện 1 và 2 trên đây đều không mới mẻ gì trong giáo hội mặc dầu những người công giáo trung bình ít nghe thấy trừ khi người thân hay bạn hữu của họ có liên hệ tới.
Do đó hôn phối mà bạn kể trên kia có thể nằm ở một trong hai điều kiện này. Nếu hoàn toàn hợp luật và người vợ công giáo có thể lãnh các bí tích.
Nhiều người công giáo bây giờ đã bắt đầu biết rằng hôn phối giữa người công giáo và Tin lành có thể diễn ra trước mục sư sau khi đã được phép riêng của Giám mục địa phương. Đây là phép chuẩn mà từ chuyên môn gọi là “chuẩn hình thức giáo luật”. Lúc đó, linh mục công giáo có thể dự phần (không phải đồng thời) vào lễ nghi. Chính tôi cũng đã làm điều đó nhiều lần khi giáo dân của tôi kết hôn trong nhà thờ Tin lành của bạn đời mình.
- Hôn phối do một thừa tác viên Tin lành chứng nhận có phải là bí tích không?
Hỏi: Câu hỏi của con liên quan đến câu trả lời của cha về hôn phối giữa người công giáo và Tin lành diễn ra tại nhà thờ Tin lành, do thừa tác viên của họ cử hành.
Nếu thừa tác viên cử hành (chứng kiến) hôn phối không phải là công giáo thì hôn phối đó chỉ hợp pháp và hữu hiệu hay còn là một bí tích?
Đứa cháu công giáo của con vừa mới kết hôn trong nhà thờ Methodist và đã gây buồn phiền cho gia đình chúng con mà theo như con biết là không có phép chuẩn.
Đáp: Theo truyền thống thần học cũng như theo giáo luật hiện hành, bất cứ hôn phối nào hữu hiệu giữa hai người Ki-tô hữu đã rửa tội đều là bí tích cả.
Tương qua đặc biệt với Đức Ki-tô mà bí tích Thanh tẩy tạo nên, cũng là cho hai người đó khi lấy nhau có một sự liên kết đặc biệt.
Thánh kinh nói với chúng ta rằng mọi hôn nhân trên trái đất này đều phản ánh một cách nào đó tình yêu trung thành giữa Chúa và Dân Người. Riêng với người Ki-tô hữu, hôn nhân của họ bước thêm một bậc nữa nhằm diễn tả tình yêu cứu thế của Đức Ki-tô và Giáo hội Người, và qua Giáo hội đến toàn thế giới. Thánh Phaolo đã nhấn mạnh tương quan này trong chương 5 theo Epheso.
Tuy nhiên, theo như thư bạn kể, trường hợp cháu bạn thì khác. Mọi người công giáo đều phải – theo Giáo luật – kết hôn trước mặt linh mục trừ khi được Giám mục ban phép chuẩn khỏi phải thực hiện điều này.
Bất cứ hôn phối nào của một người công giáo cử hành trước thừa tác viên tôn giáo khác hay viên chức dân sự đều không hữu hiệu nếu không có phép chuẩn trên, và như thế, theo luật Giáo hội, không phải là hôn phối đích thực.
- Quyền cử hành các bí tích
Hỏi: Trong số báo mới đây, cha đã trả lời một câu hỏi liên quan tới tính thành sự của bí tích Hôn phối do một thừa tác viên giáo hội Báp-tít cử hành. Mặc dù đã có phép chuẩn như cha nói, nhưng phép chuẩn đó có bao gồm quyền cử hành bí tích hôn phối không? Phải chăng giáo hội công giáo nhìn nhận các thừa tác viên không công giáo được truyền chức thành sự cũng có quyền cử hành không những bí tích hôn phối mà cả các bí tích khác nữa?
Phải chăng những thay đổi rộng rãi như thế về thái độ của Giáo hội đối với các thừa tác viên đạo khác liên hệ đến đời sống hằng ngày không được mang lên toà giảng nhà thờ và không có cơ hội nào khác để được hỏi và giải đáp?
Đáp: Trong luật giáo hội cũng như trong luật dân sự, người ta không lấy bởi người chứng hôn, mà là lấy nhau. Do đó, theo giáo lý, linh mục không phải là thừa tác viên (người cử hành) của bí tích Hôn phối. Chính cô dâu và chú rể cử hành bí tích này và tuyên bố lời giao ước nối kết họ thành vợ chồng với nhau.
Và thật là rõ ràng, giáo luật ghi: đôi bạn lấy nhau trước “sự hiện diện” của linh mục hoặc các người làm chứng khác. Người chứng hôn chỉ được hiểu là “người hiện diện” trong nghi lễ (Bộ Giáo luật 1108).
Về điểm thứ hai, bạn nêu ra, quả thực nhắc nhở các linh mục biết rằng các vị thường ít lưu tâm đến những điều mà giáo dẫn lầm lẫn hoặc được thông tin sai cho đến khi họ được hỏi tới. Đây cũng là một trong những lý do hiện hữu của mục giải đáp thắc mắc này.
- Lấy người vô thần?
Hỏi: Con gặp anh ấy vào năm 1964 và sau nhiều thăng trầm, chúng con quyết định sẽ lấy nhau. Lúc đó con mới khám phá ra anh ấy chưa rửa tội và hình như đúng anh là người vô thần –điều mà anh ta vẫn thường tự nhận-. Một tu sĩ trong trường con học nói rằng người công giáo không thể lấy người chưa rửa tội. Vì thế, con thuyết phục anh ấy vào giáo hội và anh ta nghe theo. Anh được rửa tội trong “Giáo hội hiệp nhất của Chúa Ki-tô”. Chúng con trình bày chứng thư rửa tội này cho vị linh mục và chúng con kết hôn với nhau.
Giờ đây, con bắt đầu lo lắng về hôn phối của chúng con không biết nó có phải là hôn phối thực không, vì con không biết chắc anh ấy có coi việc rửa tội là quan tâm hàng đầu không. Các con của con đều được rửa tội trong công giáo. Anh ấy vẫn khuyến khích vợ con cầu nguyện và tham dự lễ nghi công giáo.
Hôn phối của chúng con có phải thêm gì nữa không? Nó có thành sự không? Con không biết ở đây có linh mục nào trả lời đầy đủ được, nên xin hỏi cha.
Đáp: Về những gì chị viết trên đây, chẳng có vấn đề nào liên quan tới tính thành sự của hôn phối chị cả.
Trước hết, người công giáo có thể lấy người không rửa tội. Điều này đã xảy ra mọi thời. Giáo luật chỉ đòi buộc phải xin phép chuẩn, gọi là chuẩn dị giáo hay là chuẩn khác đạo. Có một ít khác biệt khi người kia đã rửa tội không công giáo hoặc khi người kia không rửa tội. Tuy nhiên, để khỏi gây rối trí cho chị, chị biết rằng cả hai phép chuẩn này đều có thể được ban trong hôn phối hỗn hợp, khác đạo. Khi đã được ban phép, thì dù người ấy đã rửa tội hay chưa, hôn phối vẫn hữu hiệu.
Từ năm 1983, khi có Bộ Giáo luật mới, chỉ trường hợp người kia không rửa tội, mới xin phép chuẩn dị giáo, tức xin tha ngăn trở khác đạo. Còn nếu người kia đã rửa tội, thì chỉ xin phép chứ không xin chuẩn ngăn trở (Bộ Giáo luật 1086, 1125).
Vì thế, chị cứ tiếp tục lãnh nhận các bí tích và hãy sung sướng vì chồng chị có thái độ bao dung, nâng đỡ đối với việc chị và các con giữ đạo.
[1] Đặc ân Phaolo tháo gỡ hôn phối của hai bên không rửa tội, để một bên theo đạo và lấy người công giáo.