Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một, 2023

Những câu hỏi về bí tích Rửa Tội (1)

1. Điều kiện làm người đỡ đầu phép thanh tẩy

Hỏi: Con có nhiều câu hỏi liên quan đến phép Thanh tẩy Công giáo. Có phải luôn cần đến hai người công giáo trưởng thành làm người đỡ đầu, hay chỉ cần một người công giáo trưởng thành và một người không công giáo là đủ? Hay không ai là người công giáo cũng được? Có điều kiện gì để nói về tuổi tác không?

Tại sao một linh mục xứ nói với con thế này, còn một linh mục xứ khác lại nói với thế khác? Phải chăng có người đỡ đầu để nhằm mục đích bảo đảm việc giáo dục công giáo, khi chẳng may có điều gì xảy ra cho cha mẹ?

Đáp: Luật của Giáo hội về những vấn nạn đó thật rõ rang. Tối thiểu, cần một người đỡ đầu công giáo trong phép Thanh tẩy Công giáo.

Theo cuốn Nghi thức Thanh tẩy, người đỡ đầu phải hội đủ những điều kiện chính yếu sau đây:

1- Khá trưởng thành để lãnh nhận trách nhiệm chứng thực đức tin của một người lớn trở lại, hay cùng với cha mẹ tuyên xưng đức tin của Giáo hội khi một trẻ nhỏ được thanh tẩy;

2- Có khả năng giúp đỡ cha mẹ tuỳ nhu cầu, để hướng dẫn em bé trở thành một Ki-tô hữu tốt;

3- Đã lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, Thêm sức, Mình Thánh Chúa;

4- Là người công giáo đang sống một đời sống xứng hợp với đời sống đức tin và với vai trò của một người đỡ đầu;

5- Đã được 16 tuổi trọn trừ khi có thể nhận một ngoại lệ vì một lý do đặc biệt;

6- Không phải là cha hay mẹ của người được rửa tội. (Gl 874).

Trong trường hợp chỉ có một người đỡ đầu, người đỡ đầu này có thể là người nam hay nữ, không tính đến phái tính của trẻ nhỏ. Trong trường hợp có hai, thì mỗi người có thể thuộc về một phái. (Gl 873).

Khi chỉ có một người công giáo được chỉ định, một ki-tô hữu không công giáo đã được rửa tội có thể giữ vị trí của người đỡ đầu thứ hai. Tuy nhiên, người không công giáo này không phải là người đỡ đầu đúng theo nghĩa giáo luật, người này được chính thức xem là một “chứng nhân Ki-tô hữu” của bí tích Thanh tẩy.

Kể từ khi những điều nói trên trở thành chính sách của giáo hội công giáo trên toàn cầu, bạn sẽ không còn nhận những chỉ dẫn mâu thuẫn từ các linh mục nữa. Rất có thể có vài linh mục chưa quen với luật lệ của giáo hội về vấn đề đó, đặc biệt trong cuốn dẫn nhập Nghi thức Thanh tẩy và cuốn chỉ dẫn về các vấn đề đại kết ban hành ngày 14-5-1967.

Mặc dù cha mẹ phải lãnh nhận trách nhiệm đầu tiên dạy dỗ về mặt tôn giáo cho con cái họ, người đỡ đầu rửa tội chẳng phải là không có trách nhiệm gì khi cha mẹ trẻ nhỏ qua đời. Trên thực tế, nghi lễ Thanh tẩy hỏi trực tiếp các người đỡ đầu có muốn giúp đỡ cha mẹ trẻ nhỏ trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ không. Có nhiều cách giúp đỡ: nâng đỡ về mặt tinh thần cho cha mẹ, quan tâm đến sự tiến triển về mặt thiêng liêng của con đỡ đầu, hoặc là biếu một món quà nhỏ nhân ngày sinh nhật hay rửa tội,…

Cuốn Dẫn nhập bí tích Thanh tẩy nói rất khéo rằng, cha mẹ đỡ đầu gia nhập cách thiêng liêng vào gia đình của người được rửa tội, và đại diện cho Mẹ giáo hội. Khi có cơ hội, họ sẵn sàng giúp đỡ cho cha mẹ dạy dỗ con cái tuyên xưng đức tin và biểu lộ điều đó bằng cuộc sống.

2. Người đỡ đầu phép Thanh tẩy

Hỏi: Con không thể tin bài báo liên quan đến những điều kiện đối với người đỡ đầu phép Thanh tẩy, do cha viết mà con đã đọc. Vào những thập niên 1920, khi con còn nhỏ, các vị linh mục gần nhà chúng con đã gọi con đỡ đầu cho một em bé đang hấp hối, hoặc cho một em bé mà cha mẹ em chẳng biết tìm ai để đỡ đầu vào lúc Thanh tẩy.

Vị linh mục bảo đảm trách nhiệm không thuộc về con. Đây là một việc làm vì lòng yêu mến và trắc ẩn. Trong những thập niên 1950, con đỡ đầu cho một bé gái nhà nghèo chẳng biết lấy ai để đỡ đầu cho em. Vị linh mục đã nói: “Thiên Chúa sẽ gia ân cho con”. Theo như lời cha nói, thì trong những hoàn cảnh như thế, có thể con đã chẳng bao giờ là người đỡ đầu cả.

Đáp: Trong những hoàn cảnh như vậy, mà chị vẫn giúp đỡ thì quả chị là một người quảng đại và biết suy nghĩ. Tôi chắc là vị linh mục đánh giá chuyện này, cũng như tôi vậy, khi có những hoàn cảnh tương tự xảy ra trong công tác mục vụ của riêng tôi.

Những câu tôi trả lời phản ánh thủ tục hiện hành các bí tích, đã được Giáo hội ấn định trong những trường hợp thông thường. Thập chí, ngày nay, Giáo hội còn cho phép rộng rãi việc chỉ định người đỡ đầu trong khi gặp việc cấp bách hoặc những loại trường hợp như chị mô tả.

Tôi nghĩ chúng ta cũng phải nhớ rằng, ngày nay hoàn cảnh rất khác xa với những thập niên 1920 và 1950. Vào thời đó, người ta còn có ý nghĩ là dù trong thực tế không hiểu điều này có được công nhận hay không, cha mẹ lãnh lấy các trách nhiệm của họ giữa một cộng đồng đáng tin cậy như bà con, bạn bè và những người khác có cùng đức tin. Những nhóm người như thế thường thực thi bổn phận làm cha làm mẹ đỡ đầu đơn giản hơn.

Tuy trước đây việc suy nghĩ như thế có thể là có hiệu lực, nhưng ngày nay, Giáo hội – các giáo sỹ lẫn giáo dân – cũng công nhận rằng mối quan hệ có tính cách tin cậy gần gũi như thế không đơn giản có giá trị đối với hầu hết gia đình. Sự kiện nhận thấy điều này đã nhanh chóng thúc đẩy Giáo hội quan tâm hơn và xem xét cẩn thận hơn những ý định và những lời cam kết của các cha mẹ, và những người đỡ đầu trong những bí tích khai tâm vào Ki-tô giáo.

3. Cha mẹ đỡ đầu được uỷ quyền

Hỏi: Trong gia đình của chúng con sắp có người lãnh phép Thanh tẩy. Cha mẹ đỡ đầu chúng con muốn lại không thể có mặt trong nghi lễ được, vì lúc đó họ đang làm nghĩa vụ quân sự tại Đức. Phải chăng, có thể uỷ quyền cho người khác làm cha mẹ đỡ đầu thay cho họ?

Đáp: Giáo luật cũ (trước 1993) đề cập một cách rõ ràng tới khả năng uỷ quyền trong phép thanh tẩy, nhưng không còn nữa. Ngày nay, không có sách phụng tự chính thức nào cũng như luật nào của Giáo hội cho thấy “việc uỷ quyền” chính thức trong phép Thanh tẩy.

Nói như thế, không đương nhiên là cha mẹ đỡ đầu phải hiện diện trong nghi lễ Thanh tẩy. Đang khi lễ nghi Thanh tẩy đòi cha mẹ đỡ đầu trả lời cho một số câu hỏi, thì trước tiên trách nhiệm của họ đối với đứa trẻ, (hoặc người lớn), có thể đã được chấp nhận và được thực hiện mà không cần đến sự hiện diện thể lý của họ trong lúc đó.

Ngay cả khi không có mặt, họ cũng phải làm tròn tất cả mọi đòi hỏi đối với người đỡ đầu phép Thanh tẩy, và thừa tác viên Thanh tẩy phải đảm bảo tuyệt đối là họ có ý muốn đón nhận và hoàn thành bổn phận đối với đứa trẻ.

Dĩ nhiên, để phép Thanh tẩy được thành sự không cần phải có người đỡ đầu. Phần dẫn nhập vào nghi thức Thanh tẩy cho trẻ con nói: mỗi trẻ em được phép có một người cha và một người mẹ đỡ đầu. Giáo luật công bố: nếu được, một người chịu phép Thanh tẩy sẽ có một người đỡ đầu.

Do vậy, chừng nào những người đỡ đầu trong thực tế đủ tư cách và rõ ràng đã cam kết trách nhiệm của họ, thì xem ra ở đây chẳng có lý nào chống lại việc có một hoặc hai người đứng ra đại diện cho họ trong chính nghi lễ, thậm chí dù việc uỷ quyền cho họ không được chỉ định một cách chính thức.

4. Những người Tin lành có được đỡ đầu không?

Hỏi: Hai người đỡ đầu cho một em bé công giáo, có thể là những người Tin lành được không? Con rất muốn một cặp vợ chồng thân quen làm cha mẹ đỡ đầu cho đứa bé nhà con. Có người bảo con: việc đó không thể được trừ ra chừng nào trong hai người kia có một người là công giáo, thì con mới con thể chọn một trong số những người đó mà cha mẹ đỡ đầu.

Đáp: Bạn anh có lý: theo những đòi hỏi trong sách Nghi thức Thanh tẩy, một người đỡ đầu cho một trẻ em công giáo phải là một người công giáo sống đạo, là người đã đón nhận ba bí tích nhập đạo.

Khi người ta cho rằng trách nhiệm của người đỡ đầu là để khuyến khích và qua cuộc sống, nêu gương sáng đức tin, trung tín và quảng đại của mình cho đứa trẻ lãnh nhận Thanh tẩy, thì rõ ràng chỉ có một người công giáo sống đạo mới có thể làm tròn trách nhiệm đó cách thích hợp mà thôi.

Chỉ một người đỡ đầu là công giáo như trên mới cần thiết, cho dù có thể gồm hai người. Dĩ nhiên, “một người chứng Ki-tô hữu” thứ hai có thể đã được Thanh tẩy theo Tin lành, phải chấp nhận trách nhiệm hướng dẫn đữa trẻ vừa lãnh nhận phép Thanh tẩy đó sống một đời sống Ki-tô hữu tốt lành.

5. Cha mẹ đỡ đầu theo Chính Thống Giáo

Hỏi: Mới đây, một người bạn gái của con thuộc giáo hội chính thống giáo Nga đã đỡ đầu cho đứa con của người bạn công giáo của cô ta. Có được phép là như thế không?

Đáp: Như tôi đã giải thích trước đây, để thay vào chỗ người thứ hai đỡ đầu phép Thanh tẩy công giáo, một Ki-tô hữu theo Tin lành là bà con, hoặc bạn bè của gia đình, vẫn được dùng như một chứng nhân Ki-tô hữu của phép Thanh tẩy cùng với một người đỡ đầu là người công giáo. Một người công giáo cũng có thể tình cờ làm như vậy cho một thành viên của một người theo đạo Tin lành. Dĩ nhiên, trong cả hai trường hợp, trách nhiệm giáo dục Ki-tô giáo cho người được thanh tẩy thuộc về cha mẹ đỡ đầu là thành viên của giáo hội người chịu phép Thanh tẩy.

Thậm chí còn được phép tham dự sâu xa hơn, khi người chịu phép Thanh tẩy đó lại là một thành viên thuộc một trong các giáo hội Đông Phương ly khai, kể cả giáo hội chính thống Nga. Một thành viên thuộc một trong các giáo hội này có thể làm cha mẹ đỡ đầu cùng với một người đỡ đầu là công giáo, khi Thanh tẩy cho một trẻ em hoặc cho một người trưởng thành trong giáo hội công giáo. (Chỉ dẫn liên quan đến các vấn đề đại kết của Uỷ bộ cổ võ sự hiệp nhất Ki-tô giáo, ban hành ngày 14-5-1967, số 48).

Bởi đó, trong việc làm cha mẹ đỡ đầu phép Thanh tẩy, bạn chị đã hành động hoàn toàn đúng, ít là theo các quy định của giáo hội chúng ta. Trong mọi trường hợp như thế, những cá nhân không cùng một đức tin nên bảo đảm rằng hành động của mình không trái nghịch với quy định của giáo hội mình.

6. Việc làm cha mẹ đỡ đầu có lỗi thời không?

Hỏi: Mới đây đã đỡ đầu cho một em bé trong họ hàng. Khi tham dự lễ nghi Thanh tẩy, con đã thất vọng. Với tư cách là mẹ đỡ đầu, con lại không có phận vụ gì hoặc chẳng nói được gì trong khi đang tiến hành việc Thanh tẩy đứa bé. Người mẹ và người cha đỡ lấy đứa bé và đứng ở giữa trong lúc cha mẹ đỡ đầu lại đứng bên cạnh họ. Con không hiểu tại sao phải chọn lấy cha mẹ đỡ đầu vì họ chẳng thi hành phận sự của họ theo như trong truyền thống.

Đáp: Rõ ràng chị đã không có dịp tham dự việc cử hành phép Thanh tẩy trong nhiều năm qua. Trong nghi lễ Thanh tẩy được đổi mới, trách nhiệm đầu tiên của cha mẹ trong việc giáo dục và huấn luyện con cái được nhấn mạnh nhiều hơn trong nghi lễ cũ.

Như chị cho biết, ngày nay cha mẹ bồng ẵm đứa trẻ và họ là những người đầu tiên hứa dạy dỗ đức tin công giáo cho đứa trẻ được Thanh tẩy. Chị không đồng ý rằng rõ ràng đó là cách thức sẽ phải thực hiện sao?

Trong chính nghi lễ này, có thể đúng là cha mẹ đỡ đầu chỉ giữ một vai trò không tích cực lắm, mặc dù có một vài hành động và lời hứa liên quan đến chính họ. Chức năng đầu tiên của họ đã luôn và vẫn còn phải tiếp tục là: bằng mọi cách, nâng đỡ và trợ giúp cha mẹ đẻ trong khả năng của mình cho tới lúc đứa trẻ thực sự trở thành một người Ki-tô hữu trưởng thành.

Dù sao đi nữa, một người làm cha, làm mẹ đỡ đầu biết sống đức tin và biết suy nghĩ vẫn có ý nghĩa hơn đối với cha mẹ ruột thịt như từng có trước. Thiên Chúa biết, ngày nay người mẹ và người cha cần mọi sự giúp đỡ như họ cần phải có, trong việc nêu gương sáng, nâng đỡ và hướng dẫn con cái của mình trong những năm tháng phát triển đầy khủng hoảng. Nếu cha mẹ đỡ đầu xem trọng trách nhiệm của họ, thì cha mẹ lẫn con đỡ đầu đều an tâm.

Có thể chị đã không bồng ẵm đứa bé khi em chịu phép Thanh tẩy, dù sao tôi vẫn hy vọng là chị ý thức trách nhiệm lớn lao hơn nhiều như chị tưởng tại lễ thanh tẩy.

7. Việc thay đổi người đỡ đầu

Hỏi: Trước đây cha đã trả lời không biết có thể thay đổi cha mẹ đỡ đầu cho trẻ nhỏ hay không. Để cha lưu ý, tôi xin gợi lại một lời tuyên bố năm 1984 của Thánh bộ bí tích liên quan đến việc thay đổi cha mẹ đỡ đầu. Lời công bố đó có thể giúp các độc giả của cha.

Đáp: Cám ơn cha đã nhắc tôi biết tài liệu này. Quả thực điều này có thể soi sáng và giúp đỡ cho vấn đề người đỡ đầu bị chết, hoặc vì một lý do nào đó, đã tỏ ra không muốn hay không còn khả năng đáp ứng một cách thích hợp vai trò đó nữa.

Chẳng hạn, khi một người đỡ đầu bỏ đức tin công giáo, có thể hiểu là cha mẹ đứa bé sẽ muốn một người khác đỡ đầu thay, một người nào đó thích hợp để lo việc chăm sóc tinh thần cho đứa bé sau này, lúc cha mẹ chúng chết hoặc không còn khả năng nữa.

Thánh Bộ Bí tích biết điều rất có thể xảy ra đó, nên tuyên bố: đức giám mục địa phận có thể chính thức chỉ định một người đỡ đầu thay thế và tên người này được ghi vào sổ rửa tội chính thức. Qui tắc này đã được gởi tới cho các giám mục Hoa Kỳ và Gia-nã-đại. (Thư phúc đáp ngày 13/11/1984; trong những thư phúc đáp từ Roma cho Hội Giáo luật Hoa Kỳ).

Tuỳ nghi khi có lý do chính đáng, có thể chính thức thay đổi cha mẹ đỡ đầu theo cách thức trên đây. Tuy nhiên, như tôi đã cắt nghĩa ở trước, một người bạn có quan hệ, thân thiết hoặc một người bà con, thông thường có thể giúp đỡ tốt hơn cho đứa trẻ mà khỏi thông qua mọi thể thức này.

8. Trẻ em có phải chờ đợi để được Thanh tẩy không?

Hỏi: Chúng con có người bạn trai rất thân, lên 9 tuổi. Cha mẹ nó không muốn nó chịu phép Thanh tẩy cho tới lúc nó đủ lớn, để rồi chính bản thân nó tự quyết định có muốn làm một người công giáo hay không.

Phải chăng nếu một linh mục công giáo Thanh tẩy nó thì đương nhiên nó trở thành một người công giáo? Con luôn nghĩ rằng: điều này không xảy ra được cho tới lúc đã học giáo lý, xưng tội và rước lễ lần đầu.

Đáp: Khi một đứa trẻ được sinh ra và được Thanh tẩy trong một cộng đoàn công giáo (bất cứ được Thanh tẩy do cha mẹ của mình, do một vị linh mục hay một ai khác) thì đứa trẻ đó được xem như một người công giáo, dĩ nhiên cho dù sau này trong đời mình, đứa trẻ có thể chối bỏ đức tin và cả giáo hội công giáo.

Nếu như con nói, cha mẹ nó không có ý định dưỡng dục đứa trẻ thành người công giáo, thì câu trả lời ở đây cũng sẽ càng giống như trong các vấn nạn tương tự khác.

9. Người cha của con ngoại hôn

Hỏi: Trước đây hơn một năm, đứa con gái dưới 20 tuổi của chúng tôi, chưa lập gia đình đã có một đứa con. Cha xứ của chúng tôi, một công dân xã hội công giáo và một luật sư có nói: không bắt buộc phải ghi tên người cha trong giấy khai sinh hoặc chứng chỉ rửa tội.

Chẳng bao lâu trước khi sinh đứa bé, chúng tôi đã dọn đi nơi khác. Vị linh mục nơi giáo xứ chúng tôi mới chuyển đến cứ khăng khăng là: con gái chúng tôi phải khai tên người cha ruột đứa bé, nếu không ngài sẽ không rửa tội cho đứa bé. Dù bối rối, nhưng con gái chúng tôi, vì muốn rửa tội cho đứa bé nên đã khai tên người cha.

Việc này vẫn không khỏi làm cho con gái chúng tôi hết bối rối, và nó muốn xoá bỏ tên người đàn ông đó khỏi hồ sơ lưu trữ chính thức của giáo hội. Người cha ruột không phải là một người công giáo, và trong thực tế cũng chưa nhìn nhận đứa con bao giờ.

Đáp: Thoạt tiên bạn được góp ý như vậy là đúng. Rõ ràng tên người cha không cần phải ghi vào giấy khai sinh hoặc chứng chỉ rửa tội. Theo tôi biết, mọi tiểu bang của Hoa Kỳ chỉ đòi hỏi ghi tên hoặc của cha, hoặc của mẹ vào giấy khai sinh mà thôi.

Tên của cha đứa bé không cần thiết phải ghi vào sổ rửa tội. Trong thực tế, dù ghi bất cứ tên nào đi nữa, thì vấn đề gây ra những hậu quả bất công nghiêm trọng đối với kẻ vô tội, do đó trong các trường hợp như thế, tên người cha sẽ không khi nào được viết vào sổ rửa tội.

Quả thực, chỉ có một điều có thể làm là viết thư cho đức giám mục và giải thích hoàn cảnh. Tuy vậy, có thể ngay cả lúc đó vị giám mục cũng không thể biết được cái tên đã bị xoá khỏi sổ rửa tội hay chưa.

Đối với một số người đôi lúc có thể lâm vào tình cảnh không may đó, không bao giờ buộc phải ghi tên người cha vào giấy khai sinh, hoặc chứng chỉ rửa tội. Cho nên, từ chối nêu tên ra là một điều hợp pháp.

10. Phúc lành sau khi sinh con

Hỏi: Điều gì đã xảy ra trong nghi lễ “Dâng các bà mẹ”? Trong những năm trước đây tại giáo xứ của tôi, nghi lễ này thường được cử hành suốt trong năm. Thế nhưng, theo tôi biết thì bây giờ không còn giáo xứ nào làm chuyện này nữa. Nghi lễ này có còn tồn tại nơi nào không?

Đáp: Phần trả lời cho bạn phải dựa vào lịch sử của nghi lễ. Việc dâng các bà mẹ vào đền thờ, hoặc nghi lễ chúc lành sau khi sinh con rõ ràng đã được thực hành trong Ki-tô giáo như một sự kế tục được chuyển từ nghi lễ tẩy sạch của người Do thái. Theo luật Do thái, một số hành vi mắc phải một sự ô uế tinh thần nào đó hoặc một sự không thanh sạch. Trong số những hành vi này phải kể bất cứ hành vi nào liên quan đến chức năng sinh lý, hợp pháp hay không hợp pháp. Chẳng hạn một phụ nữ sẽ không thanh sạch sau khi sinh con, 7 ngày nếu đứa trẻ là con trai, 14 ngày nếu đứa trẻ là con gái (x. Lv 12). Theo thủ tục, sự không thanh sạch này được xoá bỏ bằng một nghi lễ tẩy sạch thích hợp (việc tẩy sạch của Mẹ Maria sau khi sinh vẫn được giáo hội cử hành như là một phần của lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giê-su vào Đền Thánh, ngày 2 tháng 2 mỗi năm).

Trong công chức Ki-tô giáo, nghi lễ này còn mang chủ đề tạ ơn Thiên Chúa về mặt sinh con được suông sẻ và cầu khẩn Thiên Chúa chúc phúc cho người mẹ và đứa con.

Một lý do về việc chúc lành sau khi sinh con không còn phổ biến giữa các Ki-tô hữu nữa là do các đặc trưng, lời cầu nguyện và lời chúc lành của nghi lễ đó đã được ám chỉ hoặc được bao gồm trong lễ nghi Thanh tẩy rồi. Nghi thức Thanh tẩy mới được tu chĩnh, chứa đựng nhiều điểm qui chiếu về các người cha, người mẹ và tới những tâm tư và các lời nguyện có liên quan đến đứa con họ mới sinh ra.

Sách Các Phép Lành (số 236) kể ra một lời chúc phúc cho các bà mẹ không thể có mặt trong lễ Thanh tẩy con cái họ, để họ có thể “hưởng được lời chúc phúc trong nghi lễ Thanh tẩy, lời chúc phúc nhắc nhở người mẹ và tất cả những người đang hiện diện tạ ơn Thiên Chúa đã ban tặng người con mới sinh”.

Bài viết khác

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

Bốn chất thay thế đường lành mạnh

22/01/2024

Một số chất làm ngọt tự nhiên và ít gây hại cho cơ thể như đường cỏ ngọt, đường la hán, mật ong và đường nâu. Trong một bài báo tổng quan bao gồm 46 nghiên cứu về đường không ly tâm, tác dụng được báo cáo nhiều nhất là [tăng khả năng] miễn dịch (26%)...

Cá mắm xứ Huế

Cá mắm xứ Huế

09/02/2024

Viết về Cá và Mắm xứ Huế, tôi dựa vào ít ỏi vài tài liệu trong tay tuy không đầy đủ nhưng tôi hy vọng nêu lên phần nào một trong những nét đặc trưng ẩm thực của người dân Huế.

Art