Thánh lễ chỉ quan trọng ?
Hỏi: Thưa cha, có mối số người nói rằng: thánh lễ chỉ quan trọng và có tính cách bó buộc kể từ phần dâng lễ trở đi, còn phần đầu lễ cho tới sau bài giảng thì không quan trọng và có thể vắng mặt được, có đúng như vậy không ?
M.P.T
ĐÁP: Trong nhiều sách giáo lý Công Giáo được soạn ra trước công đồng chung Vatican II (cho tới đầu thập niên 1960), người ta thường phân thánh lễ làm ba phần chính: phần dâng lễ, phần truyền phép (thánh hiến) và phần hiệp lễ (rước lễ). Điều này có nghĩa là phần phụng vụ Lời Chúa gồm các bài đọc sách thánh và bài giảng không phải là phần chính của thánh lễ, do đó nhiều nhà luân lý Công Giáo trước đây thường dạy rằng, khi đi dự lễ buộc ngày chúa nhật và lễ trọng mà bỏ phần đầu cho tới các bài đọc sách thánh và bài giảng thì chỉ là tội nhẹ. Thánh lễ được thực sự bắt đầu kể từ lúc vị linh mục giở khăn che chén thánh trên bàn thờ và bắt đầu phần dâng lễ.
Tuy nhiên, công đồng chung Vatican II đã cải tổ các nghi lễ phụng vụ và sửa đổi quan niệm trên đây. Trong Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium), công đồng xác định rằng: thánh lễ gồm hai phần cốt yếu là phụng vụ Lời Chúa (từ đầu lễ cho tới hết phần lời nguyện giáo dân) và Phụng vụ Thánh thể (từ phần dâng lễ vật cho đến hết thánh lễ). Công đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của phần Phụng vụ Lời Chúa và quy định:
• “Để bàn tiệc Lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa; muốn thế, trong khoảng một số năm ấn định, phải đọc cho dân chúng phần Thánh Kinh quan trọng hơn” (Sacrosanctum Concilium, 51 )
- “Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng vụ. Hơn nữa, trong những Thánh lễ được cử hành những ngày Chúa nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự, không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng” (S.c. 52)
• ”Có thể nói Thánh lễ gồm hai phần, phần Phụng vụ Lời Chúa và Phần phụng vụ Thánh thể. Hai phần này được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất. Do đó, Thánh Công đồng tha thiết khuyến dụ những mục tử chăn dắt các linh hồn, trong khi dạy giáo lý, phải nhiệt thành dạy dỗ các tín hữu biết tham dựtrọn vẹn Thánh lễ, nhất là những ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng” (S.c. 56)
Theo giáo huấn rõ ràng trên đây của Công đồng, phần Phụng vụ Lời Chúa cũng quan trọng không kém phần Phụng vụ Thánh Thể và hiệp với phần này thành một ”hành vi phụng thờ duy nhất”. Vì thế, ai chủ trương rằng chỉ cần dự lễ từ phần dâng lễ trở đi, thì cũng giống như người nói rằng chỉ cần một chân để đi thôi và chẳng cần gì tới hai chân !
Nghĩa vụ tham dự thánh lễ chúa nhật và lễ trọng về phương diện lịch sử, chính việc cử hành Thánh Lễ, hay cũng gọi là việc ”bẻ bánh”, vào ngày thứ nhất trong tuần là nguồn gốc việc mừng ngày Chúa Nhật. Vì thế, ngay từ thời đầu, các tín hữu Kitô vẫn được khuyến khích tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Thánh Giustino, tử đạo tại Rôma năm 165, viết rằng: “Trong ngày có tên là ngày mặt trời ־ tức là ngày Chúa Nhật - tất cả những người ở thành phố hay thôn quê đều tụ hợp lại để cùng cử hành thánh lễ” ( Apol. 1,67).
Trong sách ”Giáo huấn của các Tông Đồ” (Didascalie des Apôtres, giữa thế kỷ III) cũng dạy: ”Anh chị em đừng coi những bận tâm trần thế trọng hơn là Lời Chúa, nhưng ngày Chúa Nhật, anh chị em hãy dẹp mọi việc qua một bên và mau mắn đến nhà thờ của anh chị em mà dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Những người không hội họp ngày Chúa Nhật để nghe Lời Hằng sống và lãnh nhận lương thực thần linh đời đời, thì làm sao họ có thể tránh được những lời trách cứ trước Thiên Chúa được?” (Did.13)
Công Đồng Elvira, hồi đầu thế kỷ thứ IV, đã phạt vạ tuyệt thông ngắn hạn những người bỏ lễ Chúa Nhật ba lần liên tiếp.
Công đồng chung Vatican 2, trong số 106 của Hiến chế về Phụng vụ thánh, dạy rằng: ”Theo tông truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay là Chúa Nhật. Thực vậy, trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ ơn, để kính nhớ cuộc Thương khó, sự sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ”dùng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (1 Pet 1,3).” (SC 106)
Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo tóm tắt những điều trên đây bằng một câu: ”Việc giữ ngày Chúa nhật và cử hành Thánh Lễ là trung tâm đời sống Hội Thánh, (n.2177). Và Giáo luật hiện hành cũng quy định rằng:
• Điều 1246, 1: “Ngày chúa nhật, tức là ngày cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, do truyền thống từ các thánh tông đồ, phải được giữ trong toàn thể Giáo Hội như ngày lễ buộc trước hết..”
• Điều 1247: “Vào ngày chúa nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ..”
(Trích Mục Vụ số 401, tháng 12/2021)