Thứ Tư, 04 Tháng Tám, 2021

Vì sao người miền Nam lại gọi hoa là bông?

Bông xanh bông trắng rồi lại vàng bông, ơi bạn ơi.

Bông lê cho bằng bông lựu ơi bạn ơi.

(Lý cây bông)

Những câu ca trên là bài “Lý cây bông” rất quen thuộc với người dân miền Nam, từ “bông” trong bông xanh, bông trắng, bông lê, bông lựu… là từ địa phương của từ “hoa”, nhưng vì sao lại gọi như vậy, và bắt đầu gọi từ khi nào?

Câu trả lời bắt nguồn từ việc cấm huý của nhà Nguyễn, triều đại nổi tiếng với khoảng 40 lần ban hành cấm huý với những quy định rất ngặt nghèo và nghiêm khắc. Và trong số hàng chục lần ban huý với cả trăm chữ huý được đưa ra, thì có lẽ lần cấm huý chữ Hoa là nổi tiếng nhất. Hoa là tên thật của bà Tá Thiên Nhân hoàng hậu họ Hồ, vợ của vua Minh Mạng, mẹ của vua Thiệu Trị. Theo Đại Nam liệt truyện, bà là người miền Nam, tên huý là 華, là người hiền đức, rất được vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu yêu quý. Chỉ tiếc là bà mất sớm, khi mới 17 tuổi, lúc đó bà vừa sinh hoàng tử Dung (tức Nguyễn Phúc Miên Tông, sau này là vua Thiệu Trị)

Việc bà mất sớm và sinh thời được vua Gia Long yêu quý khiến người khác lầm tưởng là việc cấm huý chữ Hoa xuất hiện vào đời Gia Long, nhưng thực ra không phải. Đến khi vua Thiệu Trị con bà lên ngôi, nhà vua mới chính thức ban hành lệnh cấm chữ Hoa và bắt đổi tên người và tên địa danh.

Đại Nam thực lục chép về việc này như sau:

Thiệu Trị năm thứ nhất [1841], mùa xuân, tháng 2.

Bộ Lễ dâng các chữ quốc huý:

Các chữ khi làm văn phải viết chữ xuyên (川) lên trên chữ ấy, khi đọc thì đọc trạnh sang tiếng khác, tên người, tên đất không được dùng, gồm hai chữ như sau:

Chữ, trên là chữ hoa, dưới là chữ thập (十), tức là chữ Hoa (華).

Chữ, trên là chữ miên (宀), dưới là chữ quán (貫), tức là chữ Thật (實).

Chữ, khi làm văn phải bớt nét, khi đọc trạnh sang âm khác, tên người, tên đất không được dùng có một chữ:

Chữ, trên là chữ thảo (艸), dưới là chữ hoá (化), tức là chữ Hoa (花).

Một số tên địa danh bị đổi (Đại Nam hội điển tập 4):

Tỉnh Quảng Nam:

“Gia Long năm mới lên ngôi gọi là trực lệ doanh Quảng Nam, có 2 phủ 5 huyện là: phủ Thăng Hoa lĩnh 3 huyện….. Thiệu Trị năm đầu (1841), đổi tên phủ Thăng Hoa thành phủ Thăng Bình.”

Tỉnh Quảng Ngãi:

“Năm Gia Long thứ 7 (1808), đổi làm trấn, có 1 phủ 3 huyện, là phủ Quảng Ngãi lĩnh 3 huyện: Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa…. Thiệu Trị năm đầu (1841), đổi tên huyện Mộ Hoa thành huyện Mộ Đức.”

Tỉnh Nghệ An:

“Gia Long năm mới lên ngôi gọi là trấn Nghệ An (nguyên trước cùng với Hà Tĩnh là một), có 9 phủ, 26 huyện, 2 châu […], phủ Hà Hoa lĩnh 2 huyện: Kỳ Hoa, Thạch Hà…. Thiệu Trị năm đầu (1841), đổi tên phủ Hà Hoa thành phủ Hà Thanh, huyện Kỳ Hoa làm huyện Kỳ Anh.”

Tỉnh Thanh Hóa:

“Gia Long năm mới lên ngôi gọi là Thanh Hoa nội trấn… Thiệu Trị năm đầu (1841), đổi làm tỉnh Thanh Hóa.”

Một số công trình cũng bị đổi tên (theo Đại Nam nhất thống chí):

Cầu Đông Gia: Trước gọi là cầu Đông Hoa ,năm Minh Mệnh thứ 20 đổi tên hiện nay.

Cửa Nguyệt Anh: Năm Minh mệnh thứ 14 dời điện Thái Hoà nhích về phía Nam, bỏ hai cửa Tả Túc và Hữu Túc, dùng chỗ đất này dựng cửa Đại Cung, phía đông và tây ngoài cửa Đại Cung dựng hai cửa phường, phía đông là cửa Nhật Tinh, phía Tây là cửa Nguyệt Anh (trước là cửa Nguyệt Hoa, năm Thiệu Trị thứ nhất đổi làm Nguyệt Anh).

Có thể thấy được hầu hết việc đổi tên diễn ra vào sau khi Thiệu Trị lên ngôi, trái với quan điểm cho rằng việc cấm húy bắt đầu vào thời Gia Long. Tuy nhiên một đoạn ghi chép trong sách hội điển lại cho thấy việc cấm húy có thể đã xuất hiện sớm hơn dù không nghiêm trọng bằng:

Lại xuống dụ, trước cứ bộ lễ kiến nghị những chữ kính trọng quốc húy nên kính cẩn mà tránh. Trong đó có chữ hoa vốn là cùng với chữ tên húy hoàng tỷ Nhân hoàng hậu ta cùng âm, (Bộ lễ) nghị nên khi làm văn gặp đến bớt nét đi. Các lời lẽ, ấy thần dân kính cẩn mà tránh vẫn là phải, nhưng duy có trẫm nhớ lại khi hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta ở ngôi, thường sai trẫm soạn đem những thơ văn làm thường ngày đưa lên xem, bấy giờ trong quyển sách có chỗ dùng đến chữ hoa, do nhân viên hầu ở phủ đến sao lục trót viết bớt nét đi, đã vậy được mệnh hoàng khảo ta bảo rằng “Chữ ấy vốn là cùng âm, không phải chính chữ huý, nên tránh đọc âm, viết không phải bớt nét để tỏ ra có phân biệt mà văn nghĩa dễ xuôi, phải tính tuân đấy.”

Như vậy, trước khi Thiệu Trị lên ngôi, có lẽ vua Minh Mạng đã từng cho thực hiện việc kiêng húy chữ Hoa qua những hình thức như tránh đọc âm, viết bớt nét… và phổ biến trong các nhân viên của hoàng tộc. Năm Minh Mạng thứ 20, ông cũng cho đổi tên cầu Đông Hoa thành Đông Gia. Dù không chính thức ban hành nhưng đây cũng là bằng chứng cho thấy sự tôn trọng đối với tên húy của Tá Thiên Nhân hoàng hậu trong hoàng thất và bản thân vua Minh Mạng.

Việc kiêng húy này kéo dài cho đến khi nhà Nguyễn lụi tàn nhưng ở miền Nam, do thói quen và xuất phát từ tấm lòng của người miền Nam đối với nhà Nguyễn, người dân vẫn đọc trại âm chữ hoa như đóa hoa thành đóa bông, Hoa Kỳ thành Huê Kỳ,… Một lý do khác có thể kể đến là vì quê hương của Tá Thiên Nhân hoàng hậu vốn là ở miền Nam.

Vân Lâm

Đăng lại từ Fanpage Đại Việt Cổ Phong

Tham khảo:

– Đại Nam liệt truyện tập 3.

– Đại Nam thực lục tập 6.

– Đại Nam hội điển tập 4, tập 8.

– Đại Nam nhất thống chí tập 1.

 

Bài viết khác