Ý NGHĨA CON GÀ TRÊN THÁP CHUÔNG NHÀ THỜ
Con gà trên đỉnh chóp hoặc tháp chuông là hình ảnh thường thấy trong kiến trúc nhà thờ Tây Âu. Những nhà thờ ở Việt Nam có đặt con gà hầu hết là những nhà thờ cổ xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Trước khi chuông xuất hiện trong các nhà thờ vào thế kỷ thứ 5, các Kitô hữu họp mặt để đọc kinh nguyện đầu tiên trong ngày khi gà gáy. Từ thế kỷ thứ 9, con gà bắt đầu được đặt lên tháp chuông nhà thờ và nhà thờ cổ nhất có biểu tượng này hiện ở Thành phố Bresscia, miền bắc Ý. Đức Giáo Hoàng Lêô IV (qua đời năm 855) ra quyết định mỗi nhà thờ sẽ đặt hình con gà trống lên trên chong chóng chỉ chiều gió ở tháp chuông “để đánh thức những ai còn say ngủ”. Con gà trên chong chóng chỉ hướng gió cũng là một biểu tượng: phải sẵn sàng trực diện với cuồng phong, như Chúa Kitô luôn đối mặt với tội lỗi của loài người và những hiểm nguy của thế gian khi chấp nhận giáng thế.
Ngoài ra, thời xa xưa vẫn thường xảy ra tình trạng trộm cắp thánh tích nên nơi tốt nhất để cất giữ chính là… con gà trên đỉnh tháp chuông vì ít có kẻ trộm nào leo được đến đó.
Hình ảnh con gà rất là "kiêu hãnh", nếu chỉ là đỉnh chóp tháp chuông với Thánh Giá thì nhà thờ nào cũng có. Tuy nhiên có con gà đặt bên trên khiến nhà thờ mang dáng vẻ rất kiêu sa và còn mang hàm ý chuyên chở sâu xa.
Khi con gà cất tiếng gáy, Phêrô chợt tỉnh thức nhận ra mình đã thất hứa và chối Chúa. Hình ảnh con gà trên đỉnh tháp nhắc nhở người tín hữu rằng dù Phêrô có chối Chúa, Giuda có phản Chúa thì loài vật ấy vẫn không bao giờ quên giờ giấc để điểm canh, không quên bổn phận của mình hằng ngày dù thời gian con người có đổi thay.
Con gà nó nhắc nhở con người rất nhiều, khi đặt chân đến nhà thờ, nó làm cho chúng ta cảm thấy xấu hổ vì những bản chất của con người, sự đớn hèn, ích kỷ, tham lam, toan tính nhỏ nhoi trong cụôc sống hằng ngày, chúng làm con người dần đánh mất chính mình, đánh mất Chúa.