Và đừng bỏ lỡ mẹo vặt thú vị giúp miếng táo trắng tinh, giòn tan không bị thâm sau khi gọt nhé!
Tại sao táo để ngoài 10 - 15 phút là đã thâm xỉn màu rồi?
Theo các chuyên gia, khi cắt đôi miếng táo ra, ta vô tình đã "xẻ năm, xẻ bảy" tế bào trong táo. Quá trình tế bào tẽ đôi đã giải phóng 1 enzyme mang tên là Polyphenol oxidase.
Khi tiếp xúc với không khí, hợp chất trong enzyme sẽ nhanh chóng tạo ra 1 hợp chất mới có tên là o-quinon.
Bản thân hợp chất o-quinon không có màu nâu nhưng khi tiếp tục phản ứng với axit amin và oxy trong không khí, sẽ tạo ra melanin.
Melanin tạo ra bởi các loại thực vật như táo, chuối - có màu nâu - giống như màu làm nên tóc, da của bạn vậy.
Thế nhưng câu hỏi được đặt ra tiếp theo là: vì sao quá trình này lại diễn ra, chúng phải có mục đích gì chứ?
Đơn giản thôi, theo các nhà khoa học lý giải, việc miếng táo của bạn đổi màu sang nâu là 1 cơ chế bảo vệ chống lại vi khuẩn và nấm.
Trải qua quá trình tiến hóa, những trái táo đã dần hóa nâu. Bởi khi hóa nâu, thịt táo có phần sẽ mềm hơn, qua đó tạo điều kiện cho hạt giống dễ dàng rơi ra khỏi quả, nảy mầm, sinh sôi phát triển.
Mặc dù khi bị hóa nâu, vị của táo không hề thay đổi thế nhưng vẫn có không ít người thẳng tay ném chúng vào sọt rác - vô tình tạo ra 1 sự lãng phí thực phẩm lớn.
Vậy phải làm sao để táo hết thâm đây, tránh lãng phí chứ?
Có khá nhiều mẹo nhỏ dành cho bạn đây. Bạn có thể xịt 1 chút nước cốt chanh lên bề mặt miếng táo hoặc ngâm táo trong bát nước có pha chút nước cốt chanh - để làm giảm quá trình oxy hóa, từ đó giúp miếng táo không đổi màu.
Tuy nhiên, nếu bạn không thích miếng táo có vị chanh, thì hãy ngâm táo vào bát nước lọc, có pha thêm chút muối (khoảng 1/8 thìa cà phê) nhé!
Việc này có thể làm biến tính chất polyphenol oxidase và ức chế quá trình hóa nâu của miếng táo. Đồng thời nếu làm theo cách này, táo vẫn sẽ giòn và có vị mặn mặn rất ngon nữa đấy!