Thứ Ba, 05 Tháng Ba, 2024

Hôn Nhân & Đời sống Gia Đình (2)

1. Hôn phối giữa người công giáo nghi lễ Latinh và công giáo nghi lễ Ukraina?

Hỏi: Con là người công giáo sùng đạo, quen một cô thuộc giáo hội công giáo Ukraina. Con muốn biết xem đó có phải là giáo hội công giáo không? Nếu chúng con lấy nhau, giáo hội chúng ta có chấp nhận mà không đòi nàng phải thay đổi gì không?

Đáp: Giáo hội nghi lễ Ukraina là một trong những giáo hội công giáo Đông phương thuộc quyền cai quản mục vụ của Giám mục Roma (Đức Giáo Hoàng). Tuy nhiên, cũng giống như giáo hội Đông phương khác, giáo hội nghi lễ Ukraina đã và đang trải qua những cuộc đàn áp. Hậu quả của những thế kỷ xung đột là việc hiện nay cả giáo hội Chính thống và Công giáo ở đó đều dùng nghi lễ Ukraina. Vì thế, giáo hội công giáo nghi lễ Ukraina cũng là thành phần của Giáo hội giống như giáo hội công giáo nghi lễ Latinh, dù cho cần có một vài phép tắc và uỷ quyền trước khi người của hai nghi lễ này lấy nhau. Câu hỏi của bạn là một câu hỏi khôn ngoan, cẩn trọng cần được đặt ra cho những ai muốn kết hôn giữa hai nghi lễ khác nhau. Nếu người công giáo nghi lễ Latinh muốn lấy người Chính thống giáo, phép tắc và chuẩn bị sẽ phức tạp hơn.

2. Lời thề ước trong nghi lễ Hôn phối khác đạo

Hỏi: Cháu con sắp cưới một chàng trai ngoài công giáo và xin cha xứ để trong nghi lễ hôn phối sẽ có hai lời đọc khác nhau khi ưng thuận. Một theo kiểu công giáo để linh mục chứng kiến; một theo lối Tin lành do mục sư phía chàng trai chủ sự, cùng hiện diện lúc đó. Linh mục đã trả lời với cháu là không thể được. Con nghĩ điều này ngày nay vẫn thường được các giáo hội khác thực hành, vậy tại sao trong giáo xứ của con lại không được?

Đáp: Đúng là không được. Giáo hội công giáo không bao giờ cho phép cử hành một nghi lễ song song như thế và ngay cả trong các giáo hội Tin lành mà tôi biết cũng không có như vậy. Vì một lý do là nó có thể gây nên sự lẫn lộn đáng kể về mặt pháp lý trên hôn phối và điều này sẽ gây hại cho cô dâu chú rể mới. Cả luật chung của Giáo hội và luật riêng của Giáo hội Hoa kỳ đều không cho phép cử hành hai nghi lễ riêng biệt hay cử hành một nhưng bao gồm cả hai nghi lễ công giáo và không công giáo một lúc. Bạn có thể nghĩ tới phương cách của Hôn phối khác đạo của hành trước viên chức dân sự hay trước mặc mục sư hơn là trước linh mục. Như tôi đã cắt nghĩa nhiều lần, điều này nay đã được phép với điều kiện xin phép vị Giám mục của phía công giáo.

3. Lễ cưới giữa Công giáo và Do thái giáo?

Hỏi: Cha đã giải đáp nhiều về hôn nhân khác đạo, nhưng con nhớ chưa có câu nào liên hệ tới điều con sắp trình bày đây: Có một lễ cưới giữa người công giáo và người do thái giáo, trong đó rất nhiều nghi thức công giáo bị gạt bỏ ra ngoài. Dù nghi lễ đã diễn ra trong nhà thờ công giáo, nhưng chẳng có tí gì là công giáo: không làm dấu thánh giá, không nhắc tới tên đức ki-tô… một người bạn tin lành của con tham dự lễ ấy có nói: chẳng khác gì cử hành nơi toà đời. Cha có thể cắt nghĩa làm sao lại như vậy được không? Có một thời giáo hội công giáo không nhích một ly, còn nay thì quả lắc lại hoàn toàn đưa về phía khác.

Đáp: Loại lễ cưới mà bạn vừa mô tả luôn luôn là một vấn đề khó xử cho giáo hội, cho linh mục coi xứ và thường cho cả gia đình đôi bên. Người công giáo đó đang kết hôn với một người mà ngoài phần di sản chung của Do thái Cựu ước, thì phần còn lại hoàn toàn xa lạ với văn hoá và truyền thống Ki-tô giáo. Trong thời gian chuẩn bị lễ cưới, họ ít có cơ hội thấy được những khác biệt đó ảnh hưởng thế nào đến hôn phối của họ cách này cách khác.

Đối với những trường hợp như thế, Giáo hội qua vị mục tử và các người khác cố gắng làm tất cả những gì có thể để củng cố luân lý, và những ràng buộc mà đôi bạn phải có với nhau qua hôi phối: tôn trọng niềm tin của cả hai bên; cư xử với bên công giáo đầy tình bác ái. Song song, Giáo hội cũng phải kiên vững trong đức tin và không được công bố điều gì trái với điều chúng ta tin.

Lễ nghi hôn phối như bạn mô tả trên đây là một cố gắng mục vụ nhằm tôn trọng tất cả những điều vừa nói. Tiến trình này quả thực đã trở thành phổ biến trong các đám cưới công giáo – Do thái: chúng ta không phải từ bỏ điều gì mình tin; lễ nghi chỉ sử dụng những yếu tố chung của hai tôn giáo – mà những yếu tố này lại không kém phần phong phú-. (Đây cũng là một phương cách thường được các linh mục và các Ki-tô hữu khác tuân theo trong các buổi cầu nguyện có cả Ki-tô hữu và người Do thái hiện diện).

Giải quyết như vậy rõ rằng không phải là lý tưởng cho các bên liên hệ, nhưng dẫu sao đôi hôn phối đó cũng được giáo hội chuẩn nhận và chúc lành. Điều phải làm là xin phép chuẩn của Giám mục (chuẩn hình thức giáo luật) để có thể cử hành hôn phối dưới sự chứng giám của một giáo sĩ khác đạo hoặc một viên chức toà đời. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ đồng ý với tôi là cách giải quyết như trên không tốt đẹp cho bằng chính linh mục của bạn đặt tay chứng hôn cho đôi bạn.

4.  “Sanatio In Radice” chữa tận căn

Hỏi: Khi một Giám mục ban giấy phép “chữa tận căn”, giấy phép đó lưu giữ tại văn khố của toà Giám mục không? Đôi hôn phối được “chữa tận căn” có thể xin giấy đó (bản sao) để lưu trong hồ sơ cá nhân của mình không? Hay nó chỉ được lưu giữ tại nhà thờ thôi?

Đáp: Để làm sáng tỏ điều mà có người chưa nghe lần nào: “chữa tận căn”, có lẽ hay hơn hết là cắt nghĩa nó trước. Thuật ngữ này, cũng thường được gọi đơn giản là ‘chữa’ là hữu hiệu hoá hôn phối vô hiệu đã cử hành trước đây. Chỉ có thể hữu hiệu hoá khi không còn một ngăn trở tiêu hôn nào nữa –hoặc ngăn trở đã được chuẩn đã sửa chữa-, và cũng không cần phải làm lại sự ưng thuận. Theo luật của Giáo hội, hôn nhân này được xem như thành sự tự đầu. Thí dụ, một người công giáo kết hôn với một cô chưa rửa tội. Không có phép chuẩn, hôn phối như vậy sẽ vô hiệu theo Giáo hội. Thí dụ khác: Đôi bạn có những ngăn trở, thiếu sót nào đó mà cả linh mục lẫn đôi bạn điều không biết, vì thế không xin phép chuẩn cần thiết trước hôn lễ. Hôn phối này cũng vô hiệu. Nay với phép “chữa tận căn”, dù cho phép chuẩn mới có sau này, những hôn phối đã được coi như thành sự ngay từ khi cử hành lễ cưới trước đó. Đi vào câu hỏi của bạn, tôi trả lời rằng hồ sơ như vậy được lưu lại tại phòng Chưởng ấn của Toà Giám mục. Nếu đôi bạn nào cảm thấy cần có thể xin và sẽ được bản sao.

5. Linh mục không “làm đám cưới” cho bạn?

Hỏi: Một ông bạn già 80 tuổi vừa mới nói với tôi rằng người bà con của ông vừa mới lập gia đình, và ông ca tụng vị linh mục đã làm đám cưới cho họ. Tôi cãi lại rằng: cả Đức Giáo Hoàng cũng không thể “làm đám cưới” cho ai. Chính đôi hôn phối làm đám cưới cho nhau và vị linh mục chỉ là người nhận lời thề hứa ước của họ. Xin cha cho tôi biết xem tôi có đúng không khi tôi nghĩ rằng một linh mục chỉ có thể cử hành 6 trong 7 bí tích mà thôi.

Đáp: Về mặt chuyên môn, bạn đúng: Chính cô dâu chú rể qua việc trao đổi lời thề ước là “người làm” bí tích Hôn nhân cho nhau. Linh mục hiện diện ở đó như người chứng hôn chính thức và như một người đại diện cho Giáo hội. Do đó, trong nghi lễ La tinh, các linh mục chỉ có thể cử hành (làm) 6 bí tích (thực ra là 5 bí tích thôi, vì chỉ Giám mục mới “làm” Bí tích Truyền chức thánh. Bí tích này linh mục chỉ “nhận” thôi, nếu được chọn lãnh chức Giám mục). Trong số nghi lễ công giáo khác (Đông phương) người đã lập gia đình có thể làm linh mục. Vì thế họ có thể cử hành, lãnh nhận cả 7 bí tích. Do đó kiểu nói làm đám cưới “trước” mặt linh mục thì phù hợp với thần học hơn là làm đám cưới “bởi” linh mục.

6. Hôn phối “không đăng ký”

Hỏi: Có cách nào một đôi hôn phối chỉ làm lễ cưới trong nhà thờ công giáo mà không đăng ký Nhà Nước không? Chồng trước của con đã chết và con đang nuôi ba đứa con nhỏ nhờ vào tiền trợ cấp hằng năm do sở cũ của chồng con. Nếu con tái giá, trợ cấp sẽ bị cúp. Mới đây con gặp một người muốn cưới con, nhưng lợi tức của người ấy thấp và chúng con vẫn phải cần trợ cấp cho mấy đứa nhỏ. Chúng con có thể làm lễ cưới mà không đăng ký hôn thú không?

Đáp: Theo như tôi biết, không có cách nào như vậy được. Bất cứ người nào có quyền chứng hôn (giáo sĩ, quan tòa,…) cũng bó buộc phải báo cho văn phòng lo về hôn thú. Họ sẽ được cấp giấy giá thú trước khi sống chung hợp pháp với nhau. Nếu linh mục, thừa tác viên, hay ai đó không báo cho chính quyền về hôn phối mà họ đã cử hành, thì họ lỗi luật và có thể bị phạt. Theo luật chung về hôn nhân, bất cứ cặp nào sống chung với nhau mà không đăng ký, không cử hành lễ nghi, đều không được nhìn nhận. Do đó, một hôn phối không đăng ký có thể gây ra nhiều vấn đề về phạm vi pháp luật cho giáo sĩ chứng hôn và cho cả hai bạn nữa. Tuy nhiên bạn có thể hỏi ý kiến luật sư xem họ có thể cố vấn cho bạn được gì không?

7. Làm chứng hôn phối dân sự được không?

Hỏi: Một người công giáo có được phép làm chứng tại toà đời cho Hôn phối giữa người công giáo đã ly dị và người Tin lành không? Con nghe nói rằng Giáo hội không cho phép nhưng cũng có người nói con bị thông tin sai.

Đáp: Người công giáo làm chứng cho những hôn nhân không thành sự hoặc vô hiệu theo luật giáo hội thì đúng là trái phép. Tuy nhiên, dù không giống trường hợp bạn mô tả, hôn nhân như thế có thể phù hợp với luật lệ giáo hội với điều kiện sau: phải ra toà án hôn phối của giáo hội để xét xem hôn phối trước đó hữu hiệu không. Nếu không hữu hiệu, có thể tiến tới hôn phối khác. Trong trường hợp này, xin Đức Giám mục phép chuẩn để có thể tổ chức tại nhà thờ công giáo hoặc tại toà đời. Nếu bạn không am hiểu lắm, cha xứ của bạn sẽ chỉ dẫn cho bạn.

8. Dự tiệc ngân khánh đám cưới phi pháp có được không?

Hỏi: Một bà bạn của tôi: công giáo đã li dị và tái hôn sắp kỷ niệm Ngân khánh lễ cưới lần tái hôn đó. Nếu tôi dự tiệc mừng này thì có tội không?

Đáp: Quyết định dự tiệc hay không dự tiệc có thể liên luỵ cho chúng ta. Nhưng đây không phải là vấn đề có tội hay không. Hiển nhiên bạn coi việc này khá quan trọng và muốn hành động cho đúng. Vậy nên đặt câu hỏi như thế này: Đâu là điều tốt hơn có thể làm trong lúc này? Sau 25 năm, chắc bạn của bà không còn xem sự hiện diện của bà trong một bữa tiệc như thế là thừa nhận tất cả quá khứ của bà ấy đâu, nhưng đó là cử chỉ biểu lộ tình bạn và tình thương đối với một đôi hôn phối. Vì thế trừ khi bà ấy có những mắc míu nào khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến bà, nếu không hãy hành động dựa trên tình bạn và cố nâng đỡ bà ấy.

9. Tiệc cưới cho người đã ly dị

Hỏi: Mới đây con được yêu cầu giúp tiệc cho một số người công giáo, lấy chồng là một người đã ly dị. Lễ cưới diễn ra trong nhà thờ Tin lành vì không thể hành trong giáo hội công giáo. Con đã từ chối. Như vậy có gì sai không? Một người công giáo biết rõ như thế có thể tham dự tính cực lễ cưới đo không?   

Đáp: Một quyết định trong hoàn cảnh như thế không bao giờ dễ dàng cả, vì nó liên hệ đến những bổn phận của đức ái mà xem ra xung đột nhau (sự xung đột bổn phận). Dĩ nhiên, khi một người bạn làm điều gì đó mà có biết là sai nặng và có hại nhưng cô lại có ý xem như chẳng có gì đáng khiển trách, hay đáng quan tâm, thì cô đã không cư xử như một tình bạn đích thực. Thông thường, trong những trường hợp như cô đã gặp, cách dễ nhất đối với bạn hữu thân thiết hay bà con thân thuộc, là cứ đến với họ, nhưng đồng thời cũng cho cô dâu chú rể biết rõ ràng sự hiện diện của mình không hề bao gồm sự đồng ý về hôn phối và li dị của họ, nhưng chỉ là sự hiện diện vì tình bạn và tình thân. Biết được điều này đã khó, thực hành nó lại càng khó hơn. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, tôi đã gặp những cặp như thế thường xác quyết hơn việc li dị và tái hôn của mình khi bạn hữu và bà con của họ sẵn sàng hiện diện và họ xem sự hiện diện này như là sự ‘thừa nhận’ không có vấn đề gì  cả. Một số thảm kịch đáng buồn và phức tạp cho gia đình đã xảy ra từ việc trên. Dĩ nhiên, ngoài bác ái với bạn cô, cô còn phải bác ái với những kẻ khác nữa, như gia đình và con cái của cô, và nhất là với chính cô nữa chứ! Cô có những xác tín riêng của mình và cô đừng xấu hổ về những xác tín đó. Ngày nay người ta dễ dàng chấp nhận ý kiến cho rằng mỗi người có quyền “làm điều riêng của họ”. Đúng! Nhưng như vậy cũng có hai nghĩa: Bạn có quyền làm điều của riêng bạn thì tôi cũng có thể nói: “tôi không đồng ý với điều bạn làm”. Với một chút suy nghĩ, tôi tin cô sẽ tế nhị và khéo léo nói được cho bạn cô rõ lập trường của cô về việc này. Tôi tin rằng cô đã biết có nhiều trường hợp người công giáo có thể cử hành lễ cưới hoàn toàn hợp pháp trong một nhà thờ Tin lành. Tuy vậy với câu hỏi của cô, tôi nghĩ rằng trường hợp này nằm ngoài luật lệ trên vì cô đã nói rõ “không thể cử hành trong giáo hội công giáo”.

10. Linh mục có thể tham dự?

Hỏi: Giáo hội nghĩ thế nào về việc một linh mục tham dự tiệc tiếp theo sau đám cưới do một quan toà cử hành cho một đôi công giáo mà một bên đã li dị, và bên kia là góa phụ? Hôn phối của họ không được giáo hội chuẩn nhận. Thế mà buổi sáng trước khi diễn ra đám cưới, họ đã đi lễ và rước lễ. Điều này, theo ý tôi là một cớ vấp phạm cho cả cộng đoàn dân Chúa ở đó. Với những nghi lễ long trọng của đám cưới, sự hiện diện của linh mục trong buổi tiếp tân này phải chăng được xem như thừa nhận cho đối hôn phối đó sao?

Đáp: Có thể trong một vài trường hợp, hai người được phép lấy nhau và với phép chuẩn của Giám mục, họ có thể cử hành hôn phối trước toà đời. Tuy nhiên, trường hợp bạn mô tả lại hoàn toàn khác xa. Như hầu hết mọi người công giáo đều thừa nhận, một hôn phối bất thành theo luật của giáo hội, mà linh mục lại hiện diện trong hôn phối đó, thì tối thiểu việc này cũng gây nên sự hiểu lầm nghiêm trọng. Sự gặp mặt của một số bạn bè hay của cả gia đình có thể được giải thích rằng đơn giản đó là vì tình bạn –dẫu cho cũng phải suy nghĩ đắn đo nhiều trước khi tham dự. Trong khi đó sự tham dự của linh mục thường được hiểu như một sự xác nhận minh nhiên và một lời chúc phúc cho đôi hôn phối – mà ở đây lại không có hôn phối đó (hôn phối bất thành) theo qui luật của giáo hội. Việc bạn nói họ đã tham dự thánh lễ và đã rước lễ vào buổi sáng, trước khi cử hành đám cưới khiến tôi ngạc nhiên không biết họ có thể có một vài phép chuẩn nào đó không. Dẫu cho đường lối của giáo phận bạn như thế nào đi nữa, tôi cũng không thể hiểu nổi một linh mục lại chuẩn nhận sự mâu thuẫn một bên là đời sống cầu nguyện phụng tự và một bên là chống lại luật giáo hội ngay sau đó. Chấp nhận để sự việc diễn tiến như vậy thật ra cũng chẳng có lợi gì cho cả đôi vợ chồng này, vì phải để cho họ biết họ đang ở trong một tình trạng rối rắm lương tâm nữa chứ! Không để ý gì tới những cớ vấp phạm cho người khác, thì một ngày sau đó, người bị vấp phạm sẽ từ bỏ cả đức tin, và không biết họ là ai và tin gì nữa. Còn làm cho đôi vợ chồng này hiểu lầm hơn bằng cách thừa nhận rõ ràng việc họ đang làm (vì sự hiện diện của linh mục) rốt cuộc chỉ làm hại cho họ thôi và, theo tôi nghĩ, chẳng ích lợi gì cho họ cả.

11. Cháu trai kết hôn ngoài giáo hội

Hỏi: Đứa con trai của cháu gái tôi kết hôn ngoài giáo hội với một cô gái đã li dị. Các cháu có sắp xếp để được kết hôn trước mặt linh mục, nhưng phải đợi quá lâu, nên các cháu đã kết hôn trong nhà thờ Tin lành của bên nữ. Là người công giáo, tôi có được phép tặng các cháu ấy quà và tiền trong dịp lễ Noel, trong ngày sinh nhật của chúng không? Tôi quan tâm nhiều về cháu, nhưng cũng muốn chắc chắn mình đang làm đúng luật.

Đáp: Quyết định trong những trường hợp như vậy luôn khó khăn và thường đau lòng. Một mặt chúng ta không được kết án ai trước toà Chúa, một mặt dựa theo những xác tín về hôn nhân Ki-tô giáo, đứa cháu của bà rõ ràng là sai. Nếu cháu của bà có quyền làm điều nó đã làm thì ít ra bà cũng có quyền đối với việc bà làm. Phải làm sao để bà không bị xem là chối bỏ niềm tin và hành động trái với niềm tin ấy, hoặc bị xem là đã thừa nhận việc của cháu bà. Song song, bà vẫn phải mong muốn duy trì tương quan tốt đẹp trong đại gia đình và làm cho cháu bà hiểu rằng bà vẫn yêu thương nó. Theo xác tín của riêng tôi, trong những trường hợp như thế này, mật ngọt sẽ kết quả hơn dấm chua. Bà cứ cho cháu bà những món quà mà bà tự thấy thích hợp và bà nắm chắc rằng cháu bà sẽ nhận ra tình yêu thương mà bà dành cho nó. Tôi nghĩ bà còn điều này phải làm (chỉ cần một lần là đủ) là phải làm sao cho cháu bà hiểu thật rõ bà nghĩ thế nào về hành động sai lầm của nó, đặc biệt là nên nói khi cháu đã bắt đầu có thái độ kính trọng bà như bà dì của nó. Như vậy bà sẽ không do dự sợ nó hiểu sai hành động của bà như là thừa nhận việc nó làm.Có thể cháu sẽ tức giận với điều bà nói, nhưng như vậy lại tốt, vì nó cảm nhận được nó sai lầm thật sự và nếu nó phẫn uất cũng là chính vì người thân của mình lại nhắc nhở điều đó. Nếu xảy ra như vậy, có thể bà sẽ gặp một ít khó khăn, nhưng việc bà làm đã mang lại lợi ích đáng kể cho cháu cả về mặt tâm lý lẫn tinh thần.

12. Bất lực: Một ngăn trở tiêu hôn

Hỏi: Một bài báo con vừa đọc làm con rối trí. Bài báo thuật lại chuyện hai người tại ban Illinois muốn lấy nhau, nhưng bị từ chối vì người nam bất lực. Sau đó, Giám mục can thiệp và ban phép chuẩn để hai bạn có thể làm lễ cưới trong nhà thờ công giáo. Một số bài tường thuật trên vô tuyến truyền hình mà con đã xem, thường lẫn lộn giữa “bất lực” với “vô sinh”. Con hiểu rõ sự khác nhau đó, vì con học ở trường công giáo, chỉ ‘bất lực’ mới là một ngăn trở tiêu hôn. Người ta không thể ký một khế ước mà mình biết không thể nào thực hiện được. Bất lực là một trong những ngăn trở tiêu hôn cũng giống như ngăn trở vì điên loạn, họ máu, và dây hôn phối… Con mong muốn được giải thích thêm.

Đáp: Tôi đã nhận được nhiều câu hỏi này từ khắp nơi mà tôi nghĩ có lẽ cũng do những bản tin đã làm cho bạn rối trí. Xem ra bạn nhớ khá tốt về các bài học về hôn phối tại trường, nhưng để giúp những người không nhớ, chúng ta cần biết cho rõ sự khác biệt đó giữa vô sinh (sterility) và bất lực. Người vô sinh –theo đúng nghĩa của từ ngữ- là người nam hay nữ, không có khả năng sinh ra một đứa bé vì thiếu những yếu tố nội tại để phát sinh sự sống, nói cách khác, những yếu tố này nằm ngoài ý muốn. Thí dụ, một người nam không có tinh dịch, người nữ không có buồng trứng, học được coi là vô sinh. Còn bất lực là không thể quan hệ tính dục vì một vài khiếm khuyết về thể lý hoặc cảm xúc. Đúng như bạn nghĩ, bất lực là một ngăn trở tiêu hôn. Tuy nhiên, như bạn biết giờ giáo lý tại trường chẳng là bao để có thể đi vào nhiều chi tiết, mà một trong những chi tiết đó lại rất quan yếu trong trường hợp bạn nêu trên kia. Để ‘bất lực’ trở thành ngăn trở tiêu hôn, thì phải tuyệt đối, tức là vĩnh viễn, không hy vọng chữa trị được trong tương lai. Đức Giám mục và các chức sắc khác trong giáo phận đã nhận được những ý kiến về y học từ các nhà chuyên môn có thẩm quyền trong nước. Họ nói rằng bất lực tuyệt đối (vĩnh viễn) thì rất hoạ hiếm. Kỹ năng phục hồi cho những người bất lực dạng tê liệt (như nam giới trong trường hợp này) vẫn không ngừng cải tiến. Tất cả các chuyên viên được tham khảo ý kiến đều cho rằng các cải tiến này sẽ mang lại hy vọng. Ở đâu còn có hy vọng thì bất lực –trên mặt pháp lý- chỉ còn là hồ nghi, vì thế hai người có quyền lấy nhau. Giám mục là người đã đi đến kết luận cuối cùng đó. Tuy nhiên, không phải ngài ban phép đặc biệt hay phép chuẩn nào, mà chỉ đơn giản đi theo những nguyên tắc cơ bản trong luật giáo hội, (và có khi cả trong luật dân sự nữa) để nói rằng họ được tự do kết hôn trong giáo hội công giáo.

13. Hôn nhân chung thuỷ

Hỏi: Nếu hai người đều đã ly dị -một người công giáo và một người không công giáo- ước muốn lấy nhau. Tại sao họ không được cử hành lễ cưới trong giáo hội công giáo? Tại sao họ không được rước Mình Thánh Chúa, là nguồn đem lại sự sống?

Đáp: Có cả ngàn yếu tố để xem họ có thể tiến tới hôn nhân thứ hai trong giáo hội công giáo hay không. Do đó, ở đây chị nói đến những điểm tổng quát nhưng cản bản, và vì thế cũng không nhằm giải thích một cách riêng ở trường hợp của con trai bạn. Khi hai người lấy nhau, với sự xác nhận của giáo hội, sẽ nhằm thúc đẩy họ một khi đã thề hứa gắn bó với nhau bằng lời nói thì cũng hãy sống điều đã cam kết. Điều cam kết này thiêng liêng, quan trọng và tự ràng buộc lương tâm. Chắc chắn không ai kết hôn trong giáo hội công giáo mà lại không biết rõ những điều mà hôn nhân ràng buộc. Khi lời cam kết bị bẻ gãy, giáo hội giữ lập trường thế này, dù mỗi cá nhân có thể tự biện minh cho riêng mình lý do chính đáng nào đi nữa, sự việc cũng phải được chấp nhận và diễn ra như là việc công khai. Nói cách khác, giáo hội không xét đến lương tâm của họ đối với Chúa nhưng về phần mình, giáo hội khẳng định không thể tiến tới hôn nhân thứ hai khi một hay cả hai đã có ràng buộc bởi hôn nhân trước. Dù đã được toà đời cho li dị cũng không thay đổi được sự việc. (xem thêm chương về li dị, tiêu hôn và tái hôn). Cũng những lập luận như thế sẽ chắt nghĩa tại sao họ không được rước lễ, Giáo hội tôn trọng giá trị lời cam kết của hôn nhân trước, vì thế tiến tới hôn nhân thứ hai là sai lầm nghiêm trọng. Và như bạn biết bao lâu còn tiếp tục làm điều gì sai luật nghiêm trọng thì không xứng đáng rước lễ. Tuy nhiên, cũng ghi nhận rằng ó một vài cặp sống trong hoàn cảnh như thế mà vẫn thành tâm không tin rằng mình sai, hoặc có những cặp thấy rằng không thể thoát ra mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho những người khác. Các câu hỏi sau này sẽ bàn rõ một vài hoàn cảnh cụ thể.

14. Đa thê và luật giáo hội

Hỏi: Mới đây con đọc thấy rằng mãi cho tới cuối thời Trung cổ, qua một thông điệp, Đức Giáo Hoàng mới cấm việc đa thê trong giáo hội. Cha có thể giải thích lịch sử việc đa thê trước khi chính thức bị cấm không?

Đáp: Hiển nhiên Giáo hội công giáo –trên bình diện thần học và rõ hơn nữa trên bình diện giáo huấn- không bao giờ chấp nhận đa thê, tức là một người chồng có nhiều vợ cùng một lúc. Có thể giải thích việc lẫn lộn bạn gặp trên đây bằng nhiều lý do.

- Một là dựa vào Cựu ước, việc đa thê được chấp nhận. Các nhà thần học Ki-tô giáo, qua nhiều thế kỷ, đã cố gắng nghiên cứu xem việc đa thê đó ra sao. Một số nói không được phép đa thê vì có luật Chúa cấm rõ ràng. Một số đông hơn nói rằng có nhiều vợ là trái với luật tự nhiên mà trong Cựu ước cũng cho được phép lấy nhiều vợ khi có lý do đặc biệt. Trong cả hai lập trường, không ai bênh vực đa thê, cũng như Đức Ki-tô đã dứt khoát chọn như vậy.

- Một sự thật khác là mấy trăm năm trước đây, Giáo hội mạnh mẽ chống lại việc đa thê, mà có thể qua đây người ta thấy lời dạy này là mới chăng. Thật ra những tuyên bố của giáo hội công giáo lúc đó chỉ nhằm chối bỏ lập trường của những nhà cải cách Tin lành. Họ nghiêng hẳn về phía có thể cho phép có nhiều vợ trong một số trường hợp.

Thí dụ: lãnh tụ chính trị Philip Hesse đã hỏi ý kiến Martin Luther và Philip Melanchthon về việc ông ta muốn lấy thêm người vợ thứ hai. Hai nhà cải cách đã chấp thuận viện lẽ “điều mà luật Môsê đã cho phép về Hôn nhân, Phúc âm không tước đi”. Công đồng Tridentino năm 1563 đã mạnh mẽ chống lại lập trường này.

- Ngày cả trong thế lỷ 20 này, một vài văn sĩ vốn không thiện cảm với giáo hội công giáo vẫn cho rằng một vài vị giáo hoàng đã cho phép một số vua chúa được đa thê. Luận điệu họ lặp đi lặp lại mãi là Đức Giáo Hoàng Clemente VII đã tuyên bố rằng ngài sắp sửa ân ban cho vua Henri VIII được lấy hai vợ. Tuy nhiên, theo như tôi biết ngày nay chẳng sử gia nào đi theo quan điểm này.

15. Công nhận phép thanh tẩy của người Tin lành

Hỏi: Con là người công giáo, kết hôn với người Tin lành Luther. Đứa con trai 3 tuổi của con đã chịu phép Thanh tẩy trong giáo hội Luther. Con vẫn đi lễ chúa nhật, còn chồng và con trai con thường đến nhà thờ Luther. Con nhìn nhận rằng khi con lập gia đình, con đã cam kết sẽ làm hết sức mình để con cái thành người công giáo. Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận và cầu nguyện, chúng con cố gắng làm điều xét thấy tốt nhất cho cả hai chúng con. Con thường cầu xin để một ngày nào đó chúng con sẽ có thể chung một việc thờ phượng. Con muốn biết giáo hội công giáo có nhìn nhận phép thanh tẩy của con trai con không? Vì tội lỗi đè nặng trên mình, con không biết con đang đứng ở chỗ nào trong giáo hội. Trước đây ít lâu, con đọc báo thấy nói rằng: có lẽ trong vòng 10 năm nữa, người công giáo và người Luther sẽ thiệp thông với nhau. Điều đó có đúng không?

Đáp: Trước hết, hãy nói về con trai của chị: chẳng có bất cứ lý lẽ nào để phải xét lại xem con trai của chị đã thanh tẩy thực sự hay chưa. Nhưng vì là người công giáo, chị muốn biết lập trường của giáo hội về vấn đề này. Hay lắm! Lập trường của giáo hội thật rõ ràng: Giáo hội công giáo công nhận phép thanh tẩy thành sự nơi nhiều giáo hội khác. Điều này không có gì mới. Công đồng Vaticano II thường viện dẫn phép rửa như là một trong những sợi dây bí tích liên kết chúng ta với các giáo hội khác. Trong sắc lệnh về hiệp nhất, công đồng nói: “Đời sống Ki-tô hữu của các anh chị em ấy (Tin lành) được nuôi dưỡng bằng đức tin vào Chúa Ki-tô, và được củng cố nhờ ân sủng của bí tích thanh tẩy và nhờ nghe lời Chúa” (HN 23). 

Trước đây khá lâu, giáo hội đã minh nhiên nói tới các người thuộc giáo hội Luther, giáo hội Trưởng lão, giáo hội Baptitste, giáo hội Methodist, giáo hội Tự trị và giáo hội Đồ đề Chúa Ki-tô ở trong số những người nếu trở về với công giáo sẽ không cần chịu phép rửa nữa, ngay cả phép thanh-tẩy-có-điều-kiện. Vì thế, chẳng có lý do gì để nghi ngờ đến phép thanh tẩy mà chồng và con chị đã lãnh nhận trong giáo hội đó.

Như thư của chị có nhắc tới, thật ra lời hứa mà chị phải cam kết khi lấy anh ta chẳng thêm gì vào trách nhiệm mà bất cứ người công giáo nào sống đức tin và giữ luật Chúa đều phải có khi bước vào đời sống hôn nhân. Những ai sống đạo thật sự (và đối với người công giáo điều này bao gồm cả việc tin tưởng vào giáo hội, bí tích Thánh Thể, và các bí tích khác…) đều có trách nhiệm nặng nề là phải làm mọi sự có thể để cung cấp cho con cái mình cơ hội gặp được Thiên Chúa như mình.

Tuy nhiên, cả khi những ý định tốt lành nhất mà người ta ao ước, không phải lúc nào cũng làm được. Đó là lý do tại sao câu cam kết của người công giáo trong hôn nhân khác đạo lại có những chữ sau: “tôi sẽ làm mọi sự trong quyền hạn của tôi để chia sẻ đức tin cho con cái qua việc thanh tẩy và giáo dục chúng trở thành người công giáo.

Qua lá thư, hình như chị cảm thấy trách nhiệm này thật quan trọng, nhưng vì những hiểu làm giữa chị và người chồng về những xác tin tôn giáo của mỗi người, sự việc đã không đi đến đâu.

Xin chị đừng nghĩ rằng mình có tội về điều này. Không kể những tội nào khác, nếu có, còn việc chị đã làm và đang làm liên quan đến vấn đề này là điều tốt nhất mà chị có thể làm rồi đó. Và đó cũng là điều mà Chúa đòi hỏi tất cả chúng ta.

Chị hãy vững tin vào những xác tín của mình và sống đức tin công giáo đầy đủ. Nếu chị làm điều đó với tầm lòng bác ái trong gia đình, Thiên Chúa chắc chắn sẽ chúc phúc cho những cố gắng của chị theo cách thức của Ngài.

Những khó khăn mà chị mô tả là một minh chứng hiển nhiên cho thấy tại sao cần phải bày tỏ những xác tín tôn giáo của mình trước khi hai người khác đạo lấy nhau. Những đòi hỏi của giáo hội trong các đám cưới liên tôn có mục đích đầu tiên là mang đến cho đôi hôn phối một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh về đức tin và về giáo hội của mình.

Nếu không hiểu biết thực sự về tôn giáo lúc trước khi kết hôn, thì một nguy cơ to lớn sẽ làm lung lay hôn phối vì những khác biệt đạo giáo mà sau này mới thấy, hoặc sẽ đòi hỏi một bên làm thương tổn điều mà bên đó coi là trách nhiệm nặng nề trước Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà chính chị đã gặp phải đối với con trai của chị.

Ngày nay không ai có thể tiên báo trước về tương lai phong trào đại kết trong thời đại chúng ta. Mặc dầu giáo hội Luther và công giáo đã tăng gia những hiểu biết về nhau, nhưng chưa có gì rõ rệt để nói rằng hiệp thông hai giáo hội như chị nói sẽ đến nay mai đâu.

Bài viết khác

Cách dùng nồi cơm điện

Cách dùng nồi cơm điện

16/01/2025

Thay vì mua sắm nhiều đồ, tôi nhận ra tận dụng triệt để 1 thiết bị gia dụng vẫn rất hữu ích mà lại tiết kiệm. Mặc dù nồi cơm điện thông minh đã tích hợp nhiều chức năng như nấu cơm, cháo, hầm canh... nhưng hầu như chúng ta chỉ dùng để nấu cơm..

Art