Thứ Ba, 26 Tháng Sáu, 2012

Bánh và Rượu

Bánh và Rượu

Kính gửi cha phụ trách mục “tìm hiểu Sống đạo”. Thưa cha con có vài điểm thắc mắc kính mong cha cho con những lời giải đáp.

 1) Trong trường hợp không có rượu nho có thể thay thế bằng một loại rượu nhẹ có nồng độ bằng nồng độ rượu nho để dâng Thánh Lễ có được chăng?

 2) Khi linh mục chuẩn bị bánh và rượu có pha vài giọt nước vào rượu, ngoài ý nghĩa là mình máu Chúa, còn có ý nghĩa nào khác không? 3) Khi Linh mục bẻ bánh thường bẻ một góc bánh bỏ vào trong chén rượu. Xin Cha cho biết ý nghĩa của việc làm này.

Vũ Thị Nhung (Oldenburg)

Chị còn vài câu hỏi khác, nhưng tôi xin gom lại những câu hỏi cùng đề tài để trả lời dễ dàng hơn; những câu hỏi khác lần lượt sẽ được giải đáp đến chị trong những số báo tới.

  1. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma tức là những quy luật về việc cử hành Thánh lễ ban bố năm 1969, số 284 ghi như sau: “Rượu dùng trong khi cử hành Thánh lễ phải là rượu nho (Lc 22,18), tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn chất gì khác vào”. Bộ Giáo Luật 1983 ở điều 924 cũng ghi: “... Rượu phải là tự nhiên từ trái nho, và không bị hư chua”. Tóm lại, Rượu phải được làm từ cốt nho nguyên chất cho nên bất cứ dùng bất cứ loại rượu nào khác sẽ làm cho việc cử hành bí tích Thánh Thể trở thành bất hợp pháp; ngay cả trong trường hợp một số người muốn theo tập quán dân sự địa phương đã thay thế rượu nho nguyên chất bằng một loại rượu đặc chế nào đó. (xem Lm Bùi Đức Tiến, Cẩm nang giáo luật thực dụng, trang 175).

 2. Nước trong rượu. Tin Mừng không ghi lại sự kiện Đức Giêsu đổ thêm nước vào rượu hôm bửa tiệc ly, nhưng việc pha trộn nước và rượu là một tục lệ bình thường ở các nước thuộc miền Địa Trung Hải. Người Hy Lạp không bao giờ uống rượu mà không pha thêm chút nước vì thực ra rượu của họ rất mạnh và rất đậm; và uống rượu nguyên chất bị coi như người không có giáo dục.

 Tục lệ Palestine cũng vậy, ví dụ như loại rượu phát xuất từ đồng bằng ven biển giữa Jaffa và núi Carmel tên Saron rất đậm vị nên khi dùng người ta đã pha một phần ba rượu và hai phần ba nước. Tục lệ pha trộn trên đã được lưu giữ trong Phụng vụ Thánh Thể nhưng mang ý nghĩa biểu tượng thâm sâu. Khi pha chút nước vào chén rượu vị chủ tế đọc thầm: “Cũng như giọt nước này hoà chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con”. Qua sự kết hoà hợp giữa nước và rượu, chúng ta được mời gọi nhận ra mầu nhiệm kết hợp chúng ta với Chúa Kitô. Rượu biểu tượng tình yêu, và máu chỉ định hy lễ của Chúa Kitô mà chúng ta chỉ có thể thêm vào một chút nước lạt lẽo. Nước mang hình ảnh loài người; và khi được pha trộn vào rượu là Chúa Kitô chúng ta không có hoài bảo làm tăng thêm giá trị Ngôi hai Thiên Chúa hiến sinh; chúng ta đến với cái nghèo hèn của loài người để bị tan loảng vào sự kết hợp với Thiên Chúa. Nước bị tan hoà trong rượu sẽ không còn là nước nữa nhưng giờ đây được biến hoá trở thành rượu. Cha giáo phụ Cyprien thành Carthage (thế kỷ thứ III) nói: “Nếu ai chỉ dâng hiến rượu mà thôi, máu của Chúa Kitô ra là không có chúng ta. Nếu chỉ có nước, thì ra dân chúng không có Chúa Kitô”

3. Trong phần nghi thức Hiệp lễ, sau lời chúc bình an Cha chủ tế sẽ bẻ bánh trên dĩa thánh và lấy một miếng nhỏ bỏ vào chén rượu và đọc thầm: “Xin Mình và Máu Chúa Kitô hoà lẫn với nhau mà chúng con sắp lãnh nhận cho chúng con được sống muôn đời”. Quy chế sách lễ Rôma không giải thích tập tục này; nên nhiều người cảm thấy không cần thiết hoặc không hiểu rõ ý nghĩa cho lắm nhưng lại đồng ý giữ vì muốn trung thành theo truyền thống xưa cũ.

Theo các nhà chuyên môn về phụng vụ, tập tục này được hiểu nhiều cách như sau:

 - người ta nghĩ rằng lúc ban đầu,trong Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành một mẫu bánh Thánh được giữ lại và mang cho các linh mục ở Rôma. Những vị này vì lo việc mục vụ nên không thể tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha chủ tế. Cử chỉ trên biểu lộ tính cách hiệp nhất của Linh mục đoàn ở Rôma với vị chủ chăn của Giáo Hội.

 - Những mẫu bánh Thánh được lưu trử dành cho những người hấp hối. Khi những mẫu bánh trở nên khô cứng và người ta phải thay đổi; và để dùng dể dàng hơn nên người ta làm cho mềm ra bằng cách thấm vào Rượu Thánh.

 - có lối cách nghĩa khác dựa vào biểu tượng: Bánh và Rượu biểu trưng Mình và Máu Chúa Kitô. Trên bàn thờ Bánh và Rượu được để riêng ra nhưng khi cả hai được trộn chung vào chén mang ý nghĩa “sự Phục sinh đã nối kết mãi mãi cho cuộc sống vĩnh cửu tâm hồn và thể xác Chúa Kitô”. (Lucien Deiss, La Messe, Paris 1989)

Linh mục Thêôphilô

Bài viết khác