Hỏi:
Bên cạnh việc dùng thuốc, có cách nào tập giúp giảm đau lưng không? Có thể tập trong các trường hợp đau lưng nào?
Ðáp:
Một số cách khác thường được dùng trong việc chữa đau lưng
Nịt lưng (corsets và braces)
Có thể dùng để phòng đau lưng ở những người làm những việc cần khiêng vác nặng. Tuy nhiên, chưa có chứng cớ nào cho thấy rằng chúng có thể giúp giảm đau lưng ở những người đã bị đau.
Nắn khớp xương (manipulation-chiropractice)
Tương đối an toàn và có thể hiệu quả trong việc chữa đau lưng cấp tính. Tuy nhiên lợi ích có vẻ giới hạn và tùy thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của thầy thuốc. Ở các trường hợp đau thần kinh tọa, nắn khớp nếu không khéo có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn (làm cho khớp cấn vào thần kinh nhiều hơn).
Châm cứu
Có thể giúp ích trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên không có nhiều số liệu khoa học chứng minh cho hiệu quả của phương pháp này. Tuy nhiên, ít nhất là nó cũng không có hại (nếu dùng kim vô trùng cẩn thận).
Khi nào thì cần mổ?
Chỉ một tỉ lệ rất nhỏ trong số người bị đau lưng cần phải mổ. Mổ thường chỉ cần thiết trong một số trường hợp tổn thương đến thần kinh như thần kinh bị cấn, hội chứng tổn thương bó thần kinh ở phần cuối cột sống (cauda equine syndrome – gây ra yếu của một hay cả hai chân và các rối loạn khi đi tiêu, tiểu và sinh hoạt tình dục), tổn thương phần cuối của tủy xương… Các triệu chứng thường khiến bác sĩ gia đình phải giới thiệu bệnh nhân đến bác sĩ phẫu thuật thần kinh hay chỉnh hình là:
– Mất cảm giác và các rối loạn khi đi tiêu và tiểu.
– Bị yếu bắp thịt ngày càng nặng.
– Triệu chứng thần kinh bị cấn nặng và liên tục, không đáp ứng với thuốc men và các phương pháp trị liệu thích hợp khác (thường bác sĩ sẽ thử các phương pháp khác trong vòng bốn đến sáu tuần trong các trường hợp không quá nặng để xem có thể giúp bệnh nhân tránh được phẫu thuật hay không).
Có nhiều phương pháp mổ khác nhau tùy theo từng trường hợp cũng như kinh nghiệm riêng của bác sĩ phẫu thuật. Biến chứng nặng khi mổ thường ít gặp, có thể là chảy máu, nhiễm trùng, mổ phạm vô thần kinh. Cũng như trong các trường hợp phẫu thuật khác, trước khi ký giấy đồng ý mổ, ta nên hỏi bác sĩ mổ cẩn thận về khả năng chữa khỏi bệnh cũng như tỉ lệ nguy cơ bị các biến chứng.
Sau mổ, ta thường phải nằm lại trong bệnh viện vài ngày, và có thể làm các công việc nhẹ trong vòng ba đến sáu tuần. Có khoảng 5% đến 7% các bệnh nhân đã được phẫu thuật để chữa đau lưng sẽ bị thoát vị đĩa sống trở lại. Một trong các nguyên nhân thường gặp nhất khiến cho bệnh bị tái phát là cúi người xuống để lượm một vật gì đó dưới sàn quá sớm ngay sau khi mổ.
Làm sao để phòng đau lưng?
Quan trọng nhất là thể dục và vận động đúng cách. Tập thể dục đều đặn, nhất là các thể dục giúp làm mạnh các bắp thịt ở vùng lưng, bụng, hông và đùi. Tránh lặp đi lặp lại các động tác gập và xoay người hoặc các cử động tạo áp lực quá nhiều lên xương sống.
Khi đang bị đau lưng cấp tính, không nên bắt đầu các bài thể dục, kéo căng bắp thịt liên quan đến vùng lưng quá sớm, nhất là nếu ta đã thường không quen tập các động tác này lúc lưng chưa đau.
Nếu bị đau lan xuống chân, có thể là do trượt đĩa chêm các đốt xương sống hoặc thoát vị các đốt xương sống, lại càng phải cẩn thận, đi bác sĩ sớm, không nên tập các động tác lưng mà không được hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu, vì nếu tập không đúng, tổn thương có thể bị nặng thêm. Tuy nhiên, khi các triệu chứng đã giảm bớt, các bài tập (đã đăng kỳ trước) có thể làm tăng độ dẻo dai cũng như sức mạnh các bắp thịt giúp nâng đỡ vùng lưng.
Khi cần nâng một vật gì, nhất là vật nặng, ta cần phải nâng đúng cách, nhất là khi đã bị đau lưng. Nên nâng bằng sức mạnh của chân chứ không phải bằng các bắp thịt của vùng lưng.
Nếu ngồi hoặc đứng lâu, nên thay đổi tư thế thường xuyên, và dùng ghế dựa thích hợp. Nếu có loại ghế dựa có thể điều chỉnh được, ta có thể điều chỉnh tư thế của ghế vài lần một ngày để sức nặng không ép lên một điểm cố định, bắt một bắp thịt nào đó phải chịu đựng quá nhiều liên tục.
Xả hơi thường xuyên, dù không cần phải lâu quá để đi qua đi lại một chút cũng giúp giảm áp lực cố định trên một chỗ quá lâu. Nếu phải đứng lâu, để một miếng gỗ hay vật gì chắc chắn để có thể bước lên bước xuống thường xuyên cũng giúp các bắp thịt vận động đồng đều hơn (là dồn tất cả áp lực lên chỉ vài bắp thịt suốt ngày) giúp làm giảm sức ép quá đáng lên vùng lưng.
Một số người sau khi ngồi lâu thường có thói quen “chạy ra hút điếu thuốc cho giãn gân giãn cốt.” Thực ra thuốc lá làm giảm mức dưỡng khí đến các mô vùng cột sống và làm ta dễ đau lưng hơn, và nếu đã bị đau lưng thì sẽ lâu lành hơn.
Thân mến
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930