Thứ Hai, 11 Tháng Sáu, 2012

Áp Huyết cao

Áp huyết cao Áp huyết cao (hypertension artérielle) đang là đề tài thời sự chiếm phần lớn các cột báo y khoa ở âu châu cũng như mỹ châu. Riêng tại Pháp tỉ lệ áp huyết cao chiếm từ 12 đến 15% người lớn. Xem như chứng bệnh hiểm nghèo đang đe dọa sức khỏe của đại chúng ở các nước văn minh ngày nay. Một bệnh mà không hề khai chiến, nhưng lặng lẽ chuyển biến cho đến khi xuất hiện đột ngột, đánh phá tàn bạo các bộ phận chính yếu như mắt, tim, thận, não v.v., tả xung hữu đột, khiến ta không tài nào trở tay kịp. Chẳng vậy mà người tây phương xem áp huyết cao như một bệnh "gian tà". Những thử nghiệm không ngừng, các kỹ nghệ dược phẩm ra công tìm tòi chế biến, các chuyên gia nỗ lực tìm kiếm công thức hóa học ngõ hầu mang lại phần nào công hiệu.

        LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC CÓ ÁP HUYẾT CAO? 
        Có những triệu chứng gì:  
      Lý do thúc đẩy người bệnh đi khám bác-sĩ là vì có vài triệu chứng bất thường như: nhức đầu, choáng váng, chóng mặt, xây xẩm, có khi chảy máu mũi; mắt đỏ, hoặc hoa mắt, nhìn kém, cảm tưởng như nhìn thấy ruồi nhặng, đom đóm nhởn nhơ, bay vờn trước mắt, hoặc nhìn thấy hai hình, hai bóng; đứng ngồi không vững, chao đảo cảm gíác như đang ngồi trên võng đu đưa, bước đi tựa hồ như đi trên mây, mất ngủ, tai ù như tiếng ve sầu kêu; hoặc tánh tình thay đổi quau có, nóng nảy, giận dữ, mất ngủ; ngực đầy, hay đau mạn sườn, hơi thở ngắn; nóng nảy, giận dữ, tinh thần luôn luôn căng thẳng, trí nhớ kém và dễ quên, tâm trạng đứng ngồi không yên; gân cốt nhức mỏi, nay đau nhức chỗ này, mai đau nhức nơi khác, lưng cổ co cứng, bắp thịt thường bị vọp bẻ (crampes); mặt mày đỏ gay hoặc xanh như tàu lá, miệng lưỡi khô háo và đắng, bụng đau khan, táo bón thường xuyên, ăn uống chậm tiêu, năng tiểu tiện ngày như đêm, v.v.  Hoặc đôi khi do tình cờ, vào một dịp nào đó mà người bệnh phát giác được có áp huyết cao.   

        ÁP HUYẾT CAO ĐƯỢC THẤY Ở TRƯỜNG HỢP NÀO?
        Tây phương  Máy đo áp huyết được chế tạo vào đầu thế kỷ 20, nhờ đó tên tuổi của Riva-Rocci được nhắc nhở đến. Ngày nay có rất nhiều loại máy tinh vi đầy tiện nghi được bày bán cho dân chúng để giúp chúng ta tự mình đo áp huyết mỗi lần có triệu chứng khả nghi.  Con số (đo ở cánh tay) trung bình là 130/80 mmHg được xem như bình thường ở người lớn. Tuy nhiên ta nên nhớ rằng đây chỉ là con số thiện đoán (arbitraire), phỏng chừng chứ không phải là cố định. Chẳng vậy mà áp huyết của mỗi người chúng ta thường thay đổi tùy thuộc rất nhiều yếu tố như:   Yếu tố nội nhân:  Tình chí, lo lắng ưu sầu, tinh thần căng thẳng triền miên, giận dữ, hận thù không nguôi, sợ hãi quá độ đều sẽ ảnh hưởng đến áp huyết.  Khi còn tuổi trẻ mỗi lần thi cử, hồi hộp lo sợ, hay mỗi lần đi khám bệnh, đối diện với y-sĩ mà lòng dạ nao nao bồn chồn không trấn tĩnh được cơn hồi hộp (effet blouse blanche) v.v. khiến cho áp huyết thường bị thay đổi.  
        Qua sự biến thái (métabolisme) của cơ thể, những ngày hành kinh, thời kỳ mãn kinh nguyệt, lượng máu suy kém, hay sau thời kỳ sanh đẻ, khí huyết hư hao, sức khỏe héo mòn, áp huyết do đó sẽ bị thay đổi nhiều.   
        Tùy tình trạng sức khỏe, sau cơn mệt nhọc, thể xác cũng như tinh thần, bệnh tật lâu ngày, sau những đêm mất ngủ kéo dài, áp huyết sẽ thay đổi.   Các bậc cao niên, khí huyết hao dần, hoạt động cơ thể cũng giảm bớt, da thịt khô héo mà áp huyết là phản ảnh của sự thoái hóa đó.  Vậy chi áp huyết cao ở đây, chưa hẳn là mang bệnh.   
        Tạng người: thân hình mập mạp, hay gầy ốm, sau bữa ăn, hay tiệc tùng rượu chè, sẽ ảnh hưởng đến nhiều làm thay đổi áp huyết.  Ngày nay thuốc men dư dả, có nhiều loại dược phẩm, vì hậu chứng, gây nhiều xáo trộn trong cơ thể làm cho áp huyết cao, ví dụ có loại thuốc uống ngừa thai, thuốc chữa về thần kinh, v.v.  Bệnh tim và mạch máu do tật bệnh bẩm sinh v.v.   
        Yếu tố ngoại nhân:   Môi sinh (environnement), địa lý (người dân sống lâu ngày ở miền duyên hải, vùng đồng chua nước mặn, áp huyết cũng bị ảnh hưởng theo. Tập quán, truyền thống, tục lệ, thói quen sinh sống ( cách ăn uống) mà ngũ vị, chua cay mặn đắng ngọt đều ảnh hưởng rất nhiều đến trạng thái khí huyết do đó huyết áp sẽ vì vậy mà thay đổi.  Như vậy cho ta thấy, Con số 130/80 mmHg, hay 120/70 mmHg không phải là con số cố định, mà trái lại thuờng thay đổi. Con số áp huyết cao hay thấp chỉ là phản ảnh nhất thời thể hiện của trạng thái cơ thể bên trong được phát hiện qua máy đo. Ta không nên lấy đó để làm chuẩn. Nhưng nó giúp ta có một khái niệm để phân tích trước một trạng huống (contexte) toàn diện của người bệnh. Rồi sau đó mới lấy quyết định.  Áp huyết cao, được xem bên phương tây như một bệnh "gian tà" vì lẽ chứng bệnh này âm thầm biến chuyển mà không hề biểu xuất một triệu chứng nào khả dĩ lưu tâm chúng ta, cho đến khi phát hiện những biến chứng thì công việc chữa trị đã muộn, khiến chúng ta không kịp trở tay.   

        ÁP HUYẾT CAO THEO QUAN NIỆM PHƯƠNG ĐÔNG LÀ GÌ?
        Trong Nội Kinh không hề đề cập đến áp huyết cao, hay thấp? Vì lẽ quan niệm áp huyết cao chỉ là một trong những triệu chứng chung cho bao nhiêu bệnh lý khác; nó được đặt trong một bối cảnh tổng quát. Ta không thể chia xẻ (dé-membrer) ra từng bộ phận để ước đoán, ngược lại con người phải xét qua toàn diện của nó (l'homme dans sa globalité). Cho nên chứng áp huyết cao được phân tích dưới một hình thức và khía cạnh khác. Chẳng thế mà ta thường nói "Can thực, Can hỏa, Tâm nhiệt, v.v..". 
        Theo Nội Kinh, khi đề cập tới huyết, đương nhiên ta phải nói đến Tâm/Thận (trục thiếu âm), vì rằng Tâm chủ huyết v.v. Khi nói tới Can, ta phải nghĩ ngay tới con mắt, vì mắt là khí quan của can. Can chủ ở mắt. Can, như Nội Kinh nói, rất nhậy cảm về tình chí giân dữ nóng nảy v.v. Mắt tuy là một trong những khí quan ở ngoài thân thể, nhưng thực sự mắt có quan hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và đại não ở trong, v.v. Sự liên quan giữa tạng phủ và bộ máy hoạt động khí hóa (système énergétique) vô cùng phức tạp, rất ư là chặt chẽ và mật thiết liên quan với nhau. Trên dưới, trong ngoài, trái phải, khí huyết đều mật thiết liên hệ với nhau. Cũng vì lẽ ấy mà ta không thể chỉ chú trọng chữa trị áp huyết cao để rồi quên các bộ phận quan hệ khác như Mắt, Tâm, Thận, Não v.v.   
        * Mắt: là nơi hội tụ các kinh lạc (méridiens principaux et secondaires), tinh khí (quintessence), tông khí (énergie ancestrale), Tinh khí huyết của ngũ tạng lục phủ đều dồn lên mắt. Mắt là phản ảnh của những gì ẩn náu trong tận sâu con người của hoạt động thần trí cũng như khí huyết cơ thể; chẳng thế mà ta thường nói "mắt là tấm gương của linh hồn" (reflet de l' âme) ngoài ra mắt còn mang những dấu hiệu bệnh tật như "mắt đỏ như mắt cá chày" như vậy đã chạm tới phần kết mạc, được gọi là viêm kết mạc (conjonctivite); "mắt vàng như nghệ" ta thường nói là do can; Mắt đau nhức dữ dội và đôi khi mất cả thị giác có thể do áp suất cao bất thường trong mắt, ta thường gọi là bệnh tăng nhãn áp (glaucome), cho thấy bệnh tình đã vào sâu; nhìn không rõ, hoặc như có màn che trước mắt, hoặc bóng hình tối sầm lại, hoặc hiện ra những tia sáng lóe mắt, như vậy bệnh tình đã tiến sâu tới phần võng mạc, có thể bị xuất huyết trong mắt, là dấu hiệu bệnh tình đang nguy hiểm, v.v. Mỗi sắc thái hiện ra ở mắt đều mang một ý nghĩa và tầm quan trọng khác nhau, sẽ giúp rất nhiều cho người thầy thuốc qua sự chẩn bệnh và điều trị.   
        Tóm lại, bất luận một xáo trộn nào từ đâu tới đều được biểu lộ qua ở mắt. Cho thấy rằng con mắt đóng một vai trò tiên phong quan trọng trên phương vị chẩn bệnh.   
        * Tim: Vì là tâm chủ huyết nên áp huyết cao có thể cho chứng đau tim (cardialgie); Áp huyết cao, trường hợp nặng có thể gây nên bệnh nhồi máu cơ tim (infarctus du myocarde) rất nguy hiểm, công việc cấp cứu là ưu tiên, vì có thể gây tử vong chỉ trong vòng nháy mắt v.v.   
        * Thận: Khi nói tim, ta phải nghĩ ngay đến thận vì cả hai kết thành trục thiếu âm mà tầm quan trọng cũng không kém gì mắt. Vì thế áp huyết cao lâu ngày sẽ dội về thận, gây nên chứng viêm thận rất nguy hiểm (néphrite).  
        * Não: là nơi hội tụ các dương khí, não là bể của tủy, là trung tâm trọng yếu điều hành các hoạt động thần kinh sinh dưỡng. Áp huyết cao ở não sẽ gây nhiều khó khăn vì chữa trị rất ư là khó khăn và phức tạp.  
        Áp huyết cao, trường hợp nghiêm trọng có thể gây nên tình trạng xuất huyết ở não (hémorragie cérébrale) và tùy trường hợp xuất huyết nặng nhẹ, có thể làm tê liệt bán thân, hoặc toàn thân, tới hôn mê và chết được.    
        Tóm lại chứng bệnh áp huyết, như đã nói trên, rất nham hiểm, ta không thể xem thường, vì lẽ, bệnh này biến chuyển vô cùng đột ngột, bất thường mà mục tiêu cuối cùng của nó là làm sao đạt cho được các bộ phận chính yếu như mắt, tâm, thận, và vô phương chữa trị nếu chẳng may chạm tới não bộ.   

        ĐIỀU TRỊ   
        Theo Tây phương:  Có rất nhiều công thức để chữa trị, tùy phương hướng của từng nhóm chuyên khoa, từng phái có kinh nghiệm, từng trường thử nghiệm.  Nói một cách tổng quát thì thuốc men gồm có nhiều loại khác nhau thí dụ:  
        - Inhibiteurs calciques,  
        - Hoặc Diurétiques và bétabloquants,  
        - Hay là I.E.C.(inhibiteur de l' enzyme de conversion)  
        - Hoặc loại aténolol  
        - Nên dùng một loại thuốc đơn (monothérapie) hay phối hợp hai loại thuốc công hiệu như nhau (bithérapie) v.v. tùy trường hợp mà áp dụng theo lời khuyên của các chuyên khoa.  
        - Loại thuốc losartan, mới được nhắc tới, cũng cho kết quả khả quan.   
        Những loại thuốc vừa kể chỉ là một vài nét tổng quát mà thôi. Điều nên nhớ, công việc chữa trị là do thẩm quyền các bác-sĩ chuyên khoa thẩm định. Hơn thế nữa ta không thể tự ý ngưng thuốc mà không có sự đồng ý của bác-sĩ, vì có thể xảy ra nhiều điều nguy hại khó lường trước được. Đa số thuốc cần phải uống mãn đời. 

        Theo Đông phương:  Áp huyết cao, theo lý luận đông-y, như mọi chứng bệnh khác, cũng không ngoài quan niệm âm dương, khí huyết điều hòa.  
        Áp huyết cao do nguyên nhân " Can dương thực (Plénitude du Foie Yang):  " điều hòa lại can để dập tắt bớt phần hỏa " Áp huyết cao do chân âm (thận) bị suy kém:  " Nên bổ chân âm để dập tắt bớt phần dương  " Nếu cả hai chân âm và dương bị hư:  " Nên bổ chân âm để cứu vãn chân dương  " Tình chí con người (bảy loại biến hóa của tinh thần: vui mừng, giận dữ, lo buồn, suy tư, nghĩ ngợi, sợ, kinh hãi) ảnh hưởng rất nhiều đến khí huyết, do đó thể hiện qua sự thay đổi áp huyết.  " Bên tây phương, ngược với đông phương, theo báo chí mới đây không nhìn nhận là yếu tố tình chí lại có thể ảnh hưởng đến áp huyết, như tình trạng tinh thần căng thẳng (stress).  
        A. Vậy hãy xét từng trường hợp mà ta tùy nghi áp dụng một cách uyển chuyển một vài huyệt chính dưới đây:  " Phong trì, phối hợp với  " Thiên trụ, (thuộc thiên du ngũ bộ) giúp cho cho thần trí được trở lại trạng thái thanh tịnh và bình an.   " Bách hội, trị chóng mặt, nhức đầu, xây xẩm, hạ áp huyết và nhiều lợi ích khác.   " Ấn đường, thái dương (ngoại kỳ huyệt), hạ áp huyết  " Thần môn, Nội quan, làm dịu và trấn an người bệnh  " Gian sử, chủ trị đặc biệt cho tất cả bệnh tật gan lì và mãn tính không chịu thuốc (maladies rebelles)   " Tứ quan, đủ công hiệu để hạ áp huyết cao trung bình  " Hành gian, hạ hỏa trên đầu xuống dưới chân   " Quan nguyên, Khí hải, để điều hòa âm dương  " Tam âm giao, Túc tam lý, lập lại cán cân quân bình khí huyết.  " v.v...  Ta nên nhớ, không phải một lúc mà dùng tất cả số huyệt vừa kể trên, bệnh nhân có thể bị xỉu vì số kim quá nhiều.  Có những loại áp huyết cao tại não (HTA intracranienne): ta nên dùng phương pháp tân kì là đầu châm (craniopuncture).  Chữa trị được như vậy, nhưng thiết tưởng chưa đủ, mà cần sự hợp tác của người bệnh nữa thì công việc điều trị mới được hoàn tất về lâu về dài:   
        B. Vệ sinh ăn uống. Như ta có câu "Bệnh tùy khẩu nhập" (ăn uống không điều độ) dễ gây bệnh tật;   "Phục dược bất như giảm khẩu" (uống thuốc chẳng bằng khem ăn). Kiêng cữ mới là đáng kể. 
        C. Điều dưỡng tinh thần sẽ góp phần lớn thì chữa trị mới có kết quả. Đã từ xưa, cha ông chúng ta thường khuyên bảo con cái nên luyện tập "tu thân dưỡng tính" là lời khuyên hữu ích: chớ đừng giận dữ, nóng nảy, quau có, vì lâu ngày dễ làm tăng áp huyết.

        KẾT LUẬN 
        Áp huyết cao, một vấn đề thời sự, một chứng bệnh đang bành trướng đe dọa ở các nước kỹ nghệ tân tiến mà tỉ lệ chiếm ngày càng cao trong các tầng lớp xã hội ngày nay. Một chứng bệnh được xem như nham hiểm vì lẽ, biến chuyển đột ngột bất ngờ gây cho nhiều bộ phận chính yếu khác bị rơi vào tình trạng nguy kịch như ở trường hợp nặng, mắt có thể mù lòa, vì võng mạc bị bong ra (décollement de la rétine), hay tăng nhãn áp (glaucome); Tim có thể mắc bệnh nhồi máu cơ tim (infarctus du myocarde) và dễ bề bị chết đột ngột; Thận viêm nguy đến tánh mạng; và nếu chẳng may bị xuất huyết ở não, thì vô phương chạy chữa, tùy lượng máu xuất ra ít nhiều, sẽ bị tê liệt toàn thân, hoặc bán thân, hoặc bị hôn mê và chết sau đó.   
        Máu huyết cao, chỉ là triệu chứng chung của rất nhiều bệnh lý khác, cho nên ta phải phân tích nguyên nhân và nhiều yếu tố phức tạp (multifactoriel). Áp huyết cao, không có trường hợp nào giống trường hợp nào. Ta nên nhớ điều đó. Con số áp huyết cao hiện qua máy đo, nói lên phần nào quan trọng của nó, thế nhưng quan trọng hơn nữa, theo lý luận đông phương là phải tìm hiểu nguyên nhân và nguồn gốc, vì cách chữa không giống nhau.   
        Giận dữ, tánh tình nóng nảy, uất ức thường làm cho áp huyết cao; Rượu chè ăn uống vô điều độ, đủ để gây áp huyết cao; Tim, mạch máu mang tật bệnh bẩm sinh đã là yếu tố chánh; Dùng thuốc men để chữa bệnh, không phải là không có hại, vì có những loại làm tăng áp huyết, ấy cũng là một nguyên nhân đáng kể; Tùy môi trường và địa lý, người dân địa phương cũng phụ thuộc theo tập quán, theo đó áp huyết sẽ thay đổi, v.v. Như vậy con số áp huyết không thể coi như cố định, mà phải xét chung qua con người toàn diện và môi trường sinh sống của họ.   
        
        Cách điều trị hiện nay, chúng ta có rất nhiều phương tiện hữu hiệu, tương xứng cho mỗi trường hợp, phòng ngừa những biến chuyển không may. Vấn đề đặt ra, là làm thế nào để biết được có áp huyết cao, và càng sớm càng hay. Ấy cũng là nhờ chúng ta luôn luôn quan tâm đến sức khỏe, và có đủ máy móc tiện nghi để phát giác kịp thời. Chúng ta cũng chớ nên quá bị ám ảnh vấn đề, để rồi ngày đêm máy đo kề kề cạnh bên tay mà hốt hoảng. Chữa trị theo cách tây phương hay lối đông phương, sẽ tùy từng trường hợp mà đáp ứng cho tương xứng. Bên này bờ Thái bình dương, hay bên kia bờ Đại tây dương, bên nào cũng có phương cách điều trị hữu hiệu. Quan trọng là khả năng và tầm hiểu biết của người thầy thuốc. "Ba mươi sáu nẻo đường đều dẫn tới thành La Mã". 

BS Thọ

Bài viết khác