Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 2012

Bệnh Nhân Tự Đo Huyết Áp

Bệnh Nhân Tự Đo Huyết Áp 

 

Hỏi: Vì sao bệnh nhân cần tự đo huyết áp mỗi ngày?

Đáp: Bệnh nhân nên tự đo huyết áp và theo dõi huyết áp của mình thường xuyên, mỗi ngày. Khác với ngày xưa, bệnh nhân chỉ biết huyết áp khi gặp bác sĩ hay vào nhà thương cấp cứu.

Khi bệnh nhân dùng máy đo huyết áp loại digital thì cần đo lập đi lập lại 3 lần rồi lấy con số trung bình. Vì kết quả huyết áp đo loại này thường không được chính xác.

Kết quả mỗi lần đo huyết áp sẽ có 3 con số hiện ra. Con số thứ nhất là huyết áp tâm thu, con số thứ 2 là huyết áp tâm trương. Khi 2 con số này biến đi, hiện ra con số thứ 3 là pulse hay nhịp tim đập.

Vậy cần đo 3 lần liên tục, rồi lấy 3 con số huyết áp tâm thu cộng lại, chia làm 3, lấy con số trung bình. Cũng làm như vậy để lấy con số áp trung bình cho huyết áp tâm trương và lấy số trung bình cho nhịp tim.

Có trường hợp bác sĩ khuyên đo 2 lần rồi cộng lại chia 2. Nhưng trong xác suất, dùng 3 con số sẽ chính xác hơn dùng 2 con số.

Hiện giờ có một loại máy đo huyết áp digital(thí dụ MicroLife), khi đẩy cái nút vào số 3, có thể tự động đo 3 lần, rồi tự động cộng chia 3, lấy con số trung bình cho huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và nhịp tim. Tất cả mọi con số đều hiện ra một lúc. Rất tiện lợi vì bệnh nhân đỡ phải đo đi đo lại 3 lần, cộng lại từng con số rồi chia ra, mất công. Khi có con số cuối cùng, bệnh nhân thường khi vào quyển sổ, ghi ngày giờ đo máu, để tiện theo dõi huyết áp và nhịp tim. Khi nào lười, không có thì giờ, thì có thể đẩy cái nút sang con số 1: máy chỉ đo có một lần.

Như vừa nói ở trên, cần đo 3 lần để lấy số trung bình, sẽ chính xác hơn. Dùng loại này còn có dấu hiệu bất chợt cho bệnh nhân khi tim đâp thất nhịp. Nếu đo đi đo lại 3 lần mà vẫn thấy dấu hiệu này thì phải báo cho bác sĩ gia đình, hoặc có khi phải vào nhà thương cấp cứu.

Ngay cả trong phòng mạch, khi bác sĩ dùng dùng máy đo huyết áp sphygmomanometer, đo cho bệnh nhân, chính xác hơn, nhưng đôi khi cũng đo đi đo lại, 2-3 lần cho bệnh nhân, để có good feeling, yên tâm hơn.

Mặc dầu khởi đầu nên đo huyết áp bên tay trái nhưng lúc đầu thường khuyên bệnh nhân đo cả 2 cánh tay trái và mặt. Nếu có sự khác biệt huyết áp tâm thu khoảng từ 5 tới 10 hay tối đa 20, thì không sao. Nhưng nếu sự khác biệt cao tới 30 hay hơn là do động mạch dưới xương đòn gánh (subclavian artery) co nhỏ, nên nói cho bác sĩ gia đình biết. (khi động mạch subclavian bị nghẹt thì gây hội chứng hội chứng (subclavian steal syndrome), máu sẽ chảy ngược vào động mạch xương sống, có những triệu chứng như thỉnh thoảng thấy liệt tay, đau vùng xương chẩm hay xương chũm. Rờ động mạch tay không thấy tiếng đập động mạch, v.v…

Bàn thêm: Ngày nay, bệnh nhân tự đo huyết áp mỗi ngày để theo dõi là một phương pháp hữu hiệu nhất: vì vừa giúp bệnh nhân tự theo dõi huyết áp và nhịp tim của mình khi uống thuốc, vừa tránh tình trạng máu cao bất chợt có thể tăng nguy cơ cơn đau tim (heart attack) hay tai biến mạch máu não. Bác sĩ gia đình thường cắt nghĩa cho mỗi bệnh nhân bị cao máu hiểu rõ điều này và phải đáp ứng thế nào để tránh những biến chứng có thể sẩy ra.

Trong một nghiên cứu đăng trong báo Family Practice, 54: 1. 2005, Bs T. Ohkubo và các đồng nghiệp khuyến cáo đo huyết áp theo dõi trong 24 tiếng đồng hồ cho bệnh nhân bị cao máu loại (white coat hypertension), nghĩa là áp suất mạch máu lên cao khi làm việc trong văn phòng. Nếu bệnh nhân thường đo huyết áp thêm vào buổi trưa ( 3 lần một ngày) thì sẽ tốt hơn nếu chỉ đo máu trong phòng mạch hay tự đo máu buối tối hoặc buổi sáng ở nhà (2 lần một ngày).

Thí dụ khi bệnh nhân đo máu buổi sáng trước khi đi làm và buổi tối trước khi đi ngủ có thể bình thường, nhưng nếu đo máu mỗi buổi trưa sẽ thấy huyết áp lên cao. Bệnh nhân phải uống thuốc cao máu để giữ huyết áp trung bình buổi sáng, buổi tối và buổi trưa. (Bệnh nhân có thể mang theo máy đo huyết áp trong lúc ăn trưa). Có nhiều bệnh nhân đo máu trong phòng mạch vọt lên cao mà khi về nhà lại thấy trung bình. Đó là loại white coat hypertension, có thể do căng thẳng quá độ.

Trên đây chỉ là những lời chỉ dẫn căn bản, bệnh nhân cần tham khảo với bác sĩ của mình để điều trị, giữ huyết áp bình thường, kể cả lúc đi làm.

BS TRẦN MẠNH NGÔ

Việt Báo 6/30/200

Bài viết khác