Thứ Năm, 28 Tháng Sáu, 2012

Bệnh Tiểu Đường (4)

Bệnh Tiểu Đường

Tôi năm nay 52 tuổi, mới đây đi khám bác sĩ thì thấy đường trong máu lên cao. Bây giờ bác sĩ đang cho tôi ăn kiêng rồi thử máu lại. Xin cho biết thêm về bệnh này. Ông Lân.
Theo như ông nói thì ông bị một trong hai loại tiểu đường chính là loại xuất hiện ở người lớn tuổi. Còn loại kia thì có sớm hơn, thường là vào tuổi thiếu niên. Loại nào chăng nữa thì vấn đề chính vẫn là đường trong máu không được tồn trữ trong tế bào để tạo ra năng lượng mà lại lưu thông trong máu cao hơn thường lệ và gây nhiều hậu quả không tốt, đôi khi nguy hiểm chết người.

Nguyên lý

Bệnh tiểu đường đã được các y sĩ Ấn Độ tả từ trên 2000 năm và được biết tới từ thời cổ Ai Cập. Khi đó, các y sĩ thấy kiến bu vào nước tiểu của nhiều người bệnh vì có chất ngọt nên họ gọi là nước tiểu mật ong. Bình thường, tinh bột (carbohydrates) trong thực phẩm tiêu thụ vào tới ruột sẽ chuyển thành đường glucose rồi đưa sang máu. Insulin, một kích thích tố do tụy tạng tiết ra, điều hòa giữ glucose ở mức độ trung bình, số còn lại thì được đưa vào tồn trữ ở cơ thịt, gan để dùng dần. Khi vì lý do nào đó mà cơ thể không có đủ insulin hay insulin không hiệu lực, glucose không vào được tế bào, sẽ tràn ngập trong máu và một số không dùng tới sẽ được tiểu ra ngoài. Cho nên tiểu đường là khó khăn trong việc chuyển hóa của chất carbohydrates thành năng lượng cho các chức năng của cơ thể.Trung bình đường trong máu thay đổi từ 50 tới 115 mg/100 phân khối, cao khi vượt quá 140mg/100cc. Đường lên cao sau khi ăn và càng xa bữa ăn thì đường càng thấp xuống, thí dụ như vào buổi sáng trước giờ ăn điểm tâm. Nếu đo nhiều lần mỗi buổi sáng mà đều cao thì là mắc bệnh.
Phân loại

Y học chia bệnh tiểu đường ra làm hai loại: Loại-I còn được gọi là Tiểu-đường-phụ-thuộc-insulin và Loại-II hoặcTiểu-đường-không-phụ-thuộc-insulin.

Bệnh tiểu đường Loại I có thể xẩy ra ở bất cứ tuổi nào nhưng đa số là ở tuổi thanh thiếu niên hoặc trước 30 tuổi. Tỷ lệ bệnh 10%.Trong loại I, tế bào sản xuất ra insulin của tụy tạng ngưng hoặc chỉ tiết ra rất ít kích thích tố này. Muốn giữ đường trong máu ở mức trung bình thì phải chích thêm insulin cho nên bệnh được gọi là tiểu đường phụ thuộc vào insulin.
Mặc dù đa số trẻ em bị loại I, nhưng một số em cũng có thể ở loại II và có thể chữa bằng chế độ dinh dưỡng, vận động cơ thể và giảm cân nếu các em mập. Xin nhắc là béo mập không là nguy cơ gây ra tiểu đường loại I. Loại này được khoa học giải thích là do ảnh hưởng của gene di truyền với sự hủy hoại các tế bào tiết ra insulin của tụy tạng. Ngoài ra, vài loại siêu vi trùng như trong các bệnh ban đào (rubella), quai bị (mump), coxsackie B cũng là nguy cơ gây bệnh.

Loại II - Trường hợp của ông, năm nay 52 tuổi mới tình cờ khám phá ra là loại tiểu đường không phụ thuộc vào insulin, thường phát hiện ở lớp người trưởng thành trên 30 tuổi.90% tiểu dường thuộc loại 2. Bệnh thường thấy ở người quá mập và thường xẩy ra khi đột nhiên lên kí. Người bệnh không tạo ra đủ insulin cho nhu cầu hoặc do insulin có nhưng không hữu hiệu. Cũng nên lưu ý là, không phải những ai bị tiểu đường đều mập nhưng mà sự mập có khả năng đưa tới tiểu đường. Di truyền cũng có trách nhiệm gây ra loại II này vì 90% cặp song sanh đều bị bệnh. Vì không phụ thuộc vào insulin nên loại II có thể kiểm soát được bằng tiết chế ăn uống và vận đông cơ thể.

Nói chung thì tiểu đường thường xẩy ra cho nhiều người trong gia đình, mà bằng cách nào thì chưa có giải thích. Cho nên nếu cha mẹ anh chị em bị tiểu đường thì mình cũng có nguy cơ bị bệnh. Ngoài ra, bệnh tiểu đường còn thấy ở người nghiện rượu mà tụy tạng bị viêm kinh niên; trong các bệnh của tuyến nội tiết như Hội chứng Cushing, bệnh to cực (acromegaly), bệnh ngoài da (acanthosis nigricans) với vết mầu đậm ở cổ, nách, háng.

Triệu chứng

Triệu chứng chính của bệnh tiểu đường gồm có: uống nước nhiều, đi tiểu tiện nhiều lần nhiều nước và ăn nhiều. Khi cơ thể không sử dụng được đường, đường sẽ tích tụ trong máu. Trong tình trạng bình thường, thận giữ đường lại chứ không thải ra ngoài; nhưng khi đường lên quá cao thì thận giúp hạ thấp bằng cách đẩy bớt ra ngoài một ít. Đường máu cao sẽ hút nước của tế bào. Nước theo đường ra ngoài, làm ta đi tiểu nhiều; mà tiểu nhiều thì khát nước nên phải uống nhiều nước.

Ở loại I, người bệnh hay xuống cân vì cơ thể phải chuyển hóa mỡ và đạm dự trữ trong tế bào ra năng lượng. Ở loại II thì người bệnh lại lên ký vì ăn nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân hay mệt mỏi, buồn nôn, mắt mờ, dễ nhiễm độc đường tiểu tiện, da, và miệng. Nữ giới hay bị bệnh nấm ở cơ quan sinh dục. Cao đường trong máu lâu năm sẽ gây ra nhiều tổn thương cho thận, mắt, thần kinh, tim mạch. Vì đường trong máu cao nên cơ thể lấy nước từ tế bào qua để làm loãng đường, thận phải làm việc nhiều hơn để bài tiết nước và đường thành ra suy yếu.
Khi mạch máu lớn bị ảnh hưởng thì tim não bị tổn thương có thể gây ra nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Máu kém lưu thông làm vết thương lâu lành, đôi khi đưa tới khô héo ngón chân, phải cắt bỏ. Đường cao cũng có ảnh hưởng tới giây thần kinh ngoại vi nhất là ở dưới bàn chân khiến bệnh nhân cảm thấy tê hoặc châm nhói như kiến đốt.
Bệnh Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng trầm trọng cho cơ thể Coi bài riêng

Điều trị Tiểu Đường

Về điều trị thì tùy theo loại bệnh, nhưng căn bản vẫn là làm sao giữ mức đường trong máu càng gần với bình thường càng tốt, bằng thuốc viên hoặc bằng insulin chích.
Dù thuộc loại nào, thuốc cũng cần được dùng lâu dài, nhất là đối với bệnh phụ thuộc insulin. Bệnh nhân cần được bác sĩ đều đặn theo dõi phân lượng, tác dụng phụ của thuốc cũng như tiến triển của bệnh.

Vấn đề cẩn thận ăn uống rất quan trọng đối với bệnh nhân béo mập, vừa để giữ mức đường bình thường, vừa giảm kí. Vận động cơ thể là điều cần làm vì sự vận động đốt bớt đường và góp phần giảm kí ở bệnh nhân mập. Bệnh nhân cũng cần hiểu rõ các chi tiết về bệnh tật, về cách dùng thuốc, về sự ăn uống, tập luyện cơ thể.

Ngoài ra, Y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian mình cũng dùng nhiều loại Cây Con để kiểm soát đường huyết và dường như có vài hiệu quả. Chẳng hạn cây Sinh Địa, cải xoong, lá chua me, lộc nhung...

Sống thích nghi với bệnh

Tiểu đường là bệnh kinh niên. Tùy theo tuổi bị bệnh và tùy theo nặng nhe,ï tiểu đường sẽ đưa đến một số thay đổi trong nếp sống mà người bệnh phải thích nghi. Bệnh tiểu đường đã được xếp vào loại tật nguyền trong Americans with Disabilities Act, cần được giúp đỡ. Như vậy không có nghĩa là người bệnh không sống bình thường được. Nhiều lực sĩ thể thao, nhiều chuyên gia bị tiểu đường mà vẫn có đời sống như mọi người, miễn là họ kiểm soát được đường trong máu, đừng để biến chứng xẩy ra.

Sau đây là một số điều cần làm:

1- Giữ mức độ đường trong máu gần trung bình qua cân bằng dinh dưỡng, năng lượng tiêu thụ, vận động cơ thể và dùng thuốc như bác sĩ dặn.

2- Đo đường ở máu mỗi ngày theo lịch trình nhất là trước khi đi ngủ, vì ban đêm đường có thể xuống thấp và gây ra biến chứng trầm trọng như kinh phong, hôn mê. Nếu mức đường đo trước khi ngủ thấp hay gần bình thường thì nên ăn một chút. Có thể đo đường bằng que giấy có thuốc thử hoặc máy đo tự động.

3- Nếu phải dùng insulin thì nên mang sẵn một ống chích với insulin đang dùng, phòng khi cần đến bất thình lình.

4- Cẩn thận trong việc ăn uống, bớt chất béo bão hòa, giới hạn muối, nhiều chất xơ. Chia thực phẩm trong ngày ra nhiều bữa ăn nhỏ để tránh đường xuống quá thấp, nhất là khi đang chữa bằng insulin.

4’- Vận động cơ thể hàng ngày để điều hòa đường trong máu, làm giảm cholesterol, giảm nguy cơ bệnh tim và làm người bệnh cảm thấy khỏe hơn.

5- Giới hạn dùng rượu vì rượu làm giảm đường thoát ra từ gan, đường trong máu xuống thấp, rất nguy hiểm. Khi ở trong tình trạng này, cần được cho dùng ngay một chút thực phẩm có đường như một ly nước trái cây, một cục kẹo.

6- Luôn luôn mang theo một món ăn có đường như một cục kẹo, một ly nước ngọt, miếng trái cây để đề phòng khi đường xuống quá thấp thì dùng.

7- Thuộc lòng các dấu hiệu của chứng đường xuống thấp như tự nhiên thấy mệt mỏi, nói ngượng ngạo khó khăn, cử động chân tay luýnh quýnh, mất định hướng, gắt gỏng, âu lo, đổ mồ hôi, nhức dầu, đói bụng, muốn xỉu. Chia sẻ hiểu biết này với thân nhân và người làm cùng phòng cùng sở vì có khi mình cần họ cấp cứu.

8- Mang một bảng tên có ghi mình bị tiểu đường, loại insulin hay thuốc viên đang dùng để khi cần mà mình bất tỉnh thì được cấp cứu.

9- Tránh những căng thẳng stress vì căng thẳng có thể tăng hoặc giảm quá độ đường trong máu.

10- Chủ động trong nếp sống của mình trong việc duy trì trung bình mức độ đường qua dược phẩm, ăn uống, vận động.

11- Sinh hoạt bình thường nhưng cẩn thận một chút để tránh biến chứng làm bệnh trầm trọng hơn.

12- Giữ chân khô, sạch, ấm. Cẩn thận khi cắt móng chân tránh cắt vào da. Đi giầy vừa khít, giầy cũ tốt hơn giầy mới vì cứng dễ cắt vào da.

13- Cẩn thận khi lái xe nhất là đang chích insulin, máu xuống bất thường, gây ra tai nạn.

14- Khi dùng các thuốc không cần toa, lựa thứ không có thêm đường và rượu (như thuốc ho, sinh tố).

15- Hợp tác và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Một số người nam sẽ bị loạn cương dương, giảm khả năng làm tình nhưng ngày nay đã có nhiều phương thức để cứu vãn vấn nạn này. Nhiều người thiệt mạng vì biến chứng tim mạch mà thông thường nhất là cơn suy tim (heart attack) hoặc chết vì suy thận.

Tự đo Đường Máu.

Chìa khóa thành công trong điều trị tiểu đường là giữ glucose máu bình thường. Do đó ta phải biết cách tự đo đường máu nhất là khi đường máu lên xuống bất thường. Với tự đo này, ta có thể gia giảm insulin, thuốc viên , điều chỉnh ăn uống cũng như vận động cơ thể.
Trong quá khứ, ta thử đường trong nước tiểu. Ngày nay thử đường máu chính xác hơn. Thường thường ta cần đo đường máu trước khi ăn, và khi đi ngủ, là lúc mà đường ở mức bình thường. Xin ghi kết quả trên giấy tờ để dễ theo dõi cũng như để bác sĩ thay đổi thuốc men, dinh dưỡng. Hỏi bác sĩ về loại máy dùng cũng như khi nào thì đo.
Hiểu biết căn bản về Insulin

Insulin là kích thích tố do tụy tạng tiết ra mà nhiệm vụ là để điều hòa, kiểm soát mức độ đường trong máu bằng cách dưa dường vào tế bào, thay vì chạylong nhông trong huyết quản.. Tất cả bệnh nhân loại I và một số bệnh nhân loại II cần dùng insulin để giữ đường trong máu ở mức độ trung bình.

Insulin được hai bác sĩ Frederick G. Banting và Charles H. Best khám phá ra năm 1922. Trước đó nhiều khoa học gia cũng đã nghiên cứu và thấy là trong tụy tạng có một chất cần thiết để duy trì bình thường đường trong máu.

Xin ôn lại về tuyến tụy tạng.

Tuyến lớn khoảng bàn tay của ta và nằm ở sau bao tử. Tuyến có hai nhiệm vụ quan trọng chính yếu: giữ vai trò quan trọng trong sự tiêu hoáthực phẩm bằng các diêu tố do tuyến tiết ra; 2) kiểm soát năng lượng mà cơ thể cần dùng bàng cách điều bhoa dường glucose trong máu. Tuyến tiết ra kích thích tố insulin, glucagon và somastin. Insulin được tiết ra khi glucose máu lên cao, chẳng hạn sau khi ta ăn. Các tế bào được insulin kích thích , hấp thụ glucose để chuyển ra năng lượng cho sinh hoạt cơ thể. Ghucose dư sẽ được insulin dưa vào dự trữ ở gan dưới hình thức glycogen. Khi cơ thể cần glucose thì glucagon biến đổi glycogen ra glucose. Còn somatostatin dường như có nhiệm vụ điều hòa sự sản xuất insulin và glucagon.
Insulin giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng và đưa đường không dùng đến vào tích trữ trong gan và bắp thịt. Khi có vấn đề khó khăn với insulin như là thiếu, không có, không công hiệu, thì đường sẽ tràn đầy trong máu, một số sẽ được bài tiết ra ngoài theo nước tiểu.

Insulin nguồn gốc động vật như từ tụy tạng của bò và heo. Còn human insulin thì thực ra không phải từ tụy tạng con người mà được chế hóa từ vi khuẩn qua kỹ thuật biến chế DNA.
Có nhiều loại insulin, tùy theo tác dụng mau hay chậm, kéo dài hay tức thì. Ba loại chính thường dùng là:

1-Tác dụng mau: Insulin này có tác dụng rất mau (immediate), chỉ 15 phút sau khi chích và công hiệu kéo dài khoảng từ 3 đến 4 giờ. Thí dụ Humalog.

2-Loại tác dụng ngắn hạn (Short acting): thuốc công hiệu độ nửa giờ sau khi chích, kéo dài từ 6 đến 8 giờ, tối đa là giữa 2 và 4 giờ.

3- Tác dụng trung bình (intermediate-acting) như NPH hay Lent insulin, có công hiệu từ 1 dến 3 giờ sau khi chích và kéo dài tới 24 giờ.

4- Tác dụng dài hạn (Long-acting) như Ultralente. Sau khi chích, phải đợi tới 4- 6 giờ mới bắt đầu có tác dụng nhưng công hiệu kéo dài từ 20 tới 24 giờ. Công hiệu tối đa là lúc 6 tới 8 giờ sau khi chích.

Cách dùng insulin

Vì cơ thể không cung cấp đủ insulin nên người bệnh phải chích thêm insulin. Trước khi dùng, cần đo nhiều lần và ghi mức độ đường trong máu để bác sĩ biết mà ra toa số lượng cần thiết. Thường thì người bệnh cần chích ít nhất hai lần một ngày, có người cần đến ba bốn lần chích mới đủ để kiểm soát đường trong máu. Khi dùng insulin nhiều quá thì đường sẽ xuống quá thấp, người bệnh bị phản ứng insulin mà triệu chứng là: nhức đầu, tim đập nhanh, mệt mỏi, mất định hướng, đổ mồ hôi, buồn nôn, đói bụng, đôi khi bất tỉnh, làm kinh, hôn mê.
Bệnh nhân sẽ được chuyên viên y tế hướng đẫn về cách thức sử dụng và kỹ thuật chích. Sau đây là ít điều cần nhớ:

1- Insulin có nhiều loại khác nhau với công dụng khác nhau. Không nên thay đổi loại mà không tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

2- Insulin giữ trong tủ lạnh sẽ dùng được lâu hơn đồng thời cũng tránh được nhiễm trùng. Khi đã dùng dở thì có thể để ngoài tủ lạnh được một tháng nhưng tránh chỗ nóng và có ánh nắng mặt trời. Không bao giờ cất insulin trong ngăn đá hoặc làm ấm trong microwave.

3- Kiểm soát nhãn hiệu trên lọ insulin cho đúng loại. Vứt bỏ insulin short-acting nếu nom thấy đục hoặc đặc sệt. Các insulin khác bình thường nom đều như sữa, không lợn cợn đóng hột. Trước khi hút thuốc vào ống chích, lăn chai thuốc trong lòng bàn tay cho dung dịch hòa đều, ngoại trừ với insulin short-acting. Đừng lắc lọ thuốc quá mạnh vì bọt khiến lượng thuốc hút vào không chính xác.

4- Trước khi lấy thuốc, kéo ống chích lên để không khí vào ống chích bằng với phân lượng insulin, cắm kim vào lọ, bơm không khí vào rồi hút thuốc.

5- Mua ống chích tùy theo loại insulin và phân lượng chích. Nên dùng ống chích của một nhà sản xuất để số lượng insulin mỗi lần rút ra được đồng đều. Mặc dù không được khuyến khích, nhưng khi dùng lại kim ống chích cũ thì nên chùi kim cho sạch với rượu cồn hoặc đun trong nước sôi độ dăm phút. Cũng không nên dùng đi dùng lại nhiều lần quá.

6- Nơi chích thuốc thường là trên bụng (hiệu lực mau nhất), mông, mặt trước của đùi (hiệu lực chậm nhất), mặt sau của tay (hiệu lực trung bình). Thay đổi chỗ chích để tránh tổn thương và sẹo dầy cho tế bào mỡ ở vùng đó, cản trở hấp thụ thuốc.

7- Trước khi chích, lau sạch da bằng cồn. Với hai ngón tay, kep nổi lên một nếp da. Kim chích nghiêng 90 độ, chích vảo nếp da. Trước khi bơm thuốc, kéo nhích piston coi có máu không. Nếu không có máu thì bơm thuốc vào, còn khi có máu thì chích lại. Sau khi chích, thoa nhẹ trên da chỗ chích . Tránh chích nơi da bị nhiễm độc hoặc bị dị ứng nổi ban đỏ.

8- Insulin có thể gây dị ứng với nhiều người bệnh hoặc nếu ai dị ứng với thịt bò, thịt heo thì không được dùng insulin từ súc vật này.

9- Vì là dược phẩm, nên insulin có tương tác với một số dược phẩm khác, vì thế cần cho bác sĩ rõ là mình đang dùng thuốc nào, để làm gì.

Kết luận.

Bệnh tiểu đường là bệnh có thể kiểm soát được . Điều quan trọng là người bệnh cần sử dụng thuốc theo lời dặn của bác sị cũng như duy trì sự ăn uống, cân bằng, đời sống lành mạnh

Bác Sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Texas-USA

Bài viết khác